(Siêu hay) Giới thiệu một câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) đã đọc ở nhà về những người tài năng

(Siêu hay) Giới thiệu một câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) mà em đã đọc ở nhà về những người tài năng. Trao đổi về nội dung câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) mà bạn em giới thiệu - Giải bài tập Câu 1, 2 trang 110 SGK Tiếng Việt 4 tập 1 Cánh Diều - Trao đổi: Em đọc sách báo. Mời các em cùng tham khảo hướng dẫn giải bài tập chi tiết dưới đây để cùng hoàn thành tốt bài tập theo yêu cầu SGK nhé!

Đề bài:

1. Giới thiệu một câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) mà em đã đọc ở nhà về những người tài năng.

2. Trao đổi về nội dung câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) mà bạn em giới thiệu:

  1. Câu chuyện (hoặc bài thơ, bài văn, bài báo) đó nói lên điều gì?
  2. Theo em, cần làm gì để trở thành người có đức, có tài, có ích cho xã hội.

(Trao đổi: Em đọc sách báo trang 110 SGK Tiếng Việt 4 tập 1 Cánh Diều)

1. Câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) về những người tài năng

Một số câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) đã đọc ở nhà về những người tài năng mà các em HS có thể tham khảo như: Nguyễn Dương Kim Hảo, Mạc Đĩnh Chi, Yết Kiêu, Trạng Lường Lương Thế Vinh, Trạng Nguyễn Hiền, Người bán quạt may mắn (Vương Hi Chi)...

2. Giới thiệu một câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) đã đọc ở nhà về những người tài năng

Câu chuyện về Trạng Lường Lương Thế Vinh

Trao đổi: Em đọc sách báo trang 110 SGK Tiếng Việt 4 tập 1 Cánh Diều

Trạng Lường Lương Thế Vinh là một trong những vị trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa cử nước ta. Có nhiều giai thoại cho thấy ông tài trí hơn người như câu đố cân voi, đo độ dày của một tờ giấy.

Theo Danh nhân đất Việt, khi sứ thần nhà Minh sang thăm nước ta, vua cử Lương Thế Vinh ra tiếp đón.

Trong một buổi đi chơi thuyền, ông ta thách đố quan trạng cân thử con voi nặng bao nhiêu. Vinh nhận lời rồi sai người dắt voi xuống thuyền, đánh dấu mức thuyền chìm trong nước. Xong xuôi, ông bảo dắt voi lên, chất đá xuống, nước ngập đến chỗ đánh dấu thì dừng. Sau đó, ông cho người chia nhỏ số đá, cân lên và tính tổng. Kết quả khiến sứ thần phục lăn nhưng vẫn không bỏ ý định thử tài trạng. Ông ta xé một tờ giấy, yêu cầu Lương Thế Vinh đo độ dày của nó. Trước tình huống khó xử này, ông vẫn ung dung nghĩ ra cách. Ông mượn sứ thần quyển sách, dùng thước đo độ dày cả quyển rồi chia với số trang để tính độ dày tờ giấy. Sứ thần nhà Minh hết sức bội phục trí tuệ linh hoạt của vị quan đất Việt.

Với tài năng toán học xuất sắc, Lương Thế Vinh được dân gian gọi là Trạng Lường. Ông cũng tổng kết kiến thức, viết nên cuốn Đại thành Toán pháp. Cuốn sách này được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

Truyện về danh tướng Yết Kiêu

Yết Kiêu là anh hùng chống giặc ngoại xâm vào đời nhà Trần. Ông là một trong năm dũng tướng dưới trướng của Trần Hưng Ðạo đại vương. Ông là người có công lớn trong việc giúp nhà Trần chống giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII. Yết Kiêu có biệt tài bơi lặn nên ông là nhân tố quan trọng trong những trận thủy chiến.

Yết Kiêu có thể ở dưới nước hàng tiếng đồng hồ, bơi lặn xa hàng chục dặm. Chuyện kể rằng, Yết Kiêu sinh ra trong gia đình nghèo, mồ côi mẹ từ sớm. Hằng ngày, ông đi mò cua bắt ốc, bắt cá đem bán lấy tiền đong gạo và chăm sóc người cha bệnh tật. Vì lao động từ sớm nên ông có sức khỏe tốt; vì thường mưu sinh một mình nên ông có bản lĩnh và có lòng dũng cảm. Một hôm, ông thấy hai con trâu trắng đang húc nhau quyết liệt trên bãi cát ông dùng đòn gánh can ngăn. Cả hai con trâu bỏ chạy và biến xuống nước. Lúc này ông mới nghi ngờ là hai con trâu kia không phải trâu thường mà là trâu thần. Xem lại đầu đòn gánh, ông thấy còn dính vài cọng lông, ông liền nuốt vào bụng. Từ đó, ông bơi lặn rất giỏi; lội nước hàng mấy dặm như đi trên đất liền, thường lặn lội bắt cá, mò trai cả ngày dưới nước.

Có thể nói, truyền thuyết này rất đơn giản, mộc mạc. Hầu như truyền thuyết sinh ra chỉ để giải thích một cách có lý về tài bơi lội của Yết Kiêu. Tuy nhiên, đã là truyền thuyết thì khi nào cũng nhuốm màu huyền thoại và được nhân dân kính cẩn tôn thờ.

Khi tham gia chiến đấu chống giặc Nguyên Mông để bảo vệ bờ cõi, ông đã dùng biệt tài bơi lặn của mình đục thủng thuyền của quân giặc khiến thuyền chìm, lính chết. Những trận thủy chiến trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình đã ghi lại những chiến công vang dội của ông.

Trạng Nguyễn Hiền

Nguyễn Hiền là vị trạng nguyên nhỏ tuổi nhất lịch sử Việt Nam, nhờ tự học trong lúc đi chăn trâu mà mới 13 tuổi cậu đã đỗ đầu bảng.

Một lần, triều đình tiếp sứ nước Tàu, viên sứ giả đưa ra một vỏ ốc xoắn nhờ xâu qua ruột nó một sợi chỉ mảnh. Viên sứ muốn thử tài người nước Nam xem sao. Vua truyền cho các quan tìm cách xâu thử nhưng vị nào cũng loay hoay và đành lè lưỡi, lắc đầu. Bấy giờ vua mới nhớ đến Nguyễn Hiền, bèn cho người đi mời gặp. Viên quan được giao việc gặp ngay một lũ trẻ chăn trâu vui ở đầu làng. Thấy trong đó có một cậu bé mặt mũi khôi ngô đang bày cho lũ bạn đắp một con voi bằng đất mà bốn chân lẫn tai, vòi… có thể ngoe nguẩy cử động được.

Viên quan biết là Nguyễn Hiền, bèn xuống ngựa truyền lại ý vua mời Hiền về kinh. Nhưng Hiền chưa chịu về. Viên quan không biết làm thế nào đành phải quay mặt trở về. Hiền trở lại với đám trẻ chăn trâu. Chờ cho viên quan lên ngựa đi một đỗi, cậu mới xúi đám trẻ cùng hát:

Tích tịch tang, tích tịch tang!
Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng
Bên thì lấy giấy mà bưng
Bên thì bôi mỡ kiến mừng kiến sang
Tích tịch tang, tích tịch tang!

Viên quan nghe nhẩm thuộc lời ấy, biết trạng đã chỉ cách giải đố, vui vẻ ra về. Quả nhiên, nhà vua áp dụng cách đó và đã giải được câu đố của sứ Tàu. Viên sứ tàu tỏ ra rất nể phục vì không ngờ ở nước Nam có một cậu bé nhỏ tuổi lại thông minh đến như vậy. Từ đó, Nguyễn Hiền được nhà vua trọng dụng và cậu có nhiều đóng góp lớn cho đất nước.

3. Trao đổi về nội dung câu chuyện (bài thơ, bài văn, bài báo) mà bạn em giới thiệu

Giải Câu 2 trang 110 SGK Tiếng Việt 4 tập 1 Cánh Diều
Giải Câu 2 trang 110 SGK Tiếng Việt 4 tập 1 Cánh Diều

a, Câu chuyện (hoặc bài thơ, bài văn, bài báo) đó nói lên điều gì?

Câu chuyện (hoặc bài thơ, bài văn, bài báo) được giới thiệu trên nói về việc những người tài năng sử dụng tài đức của mình để góp sức xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Họ đáng được yêu quý, trân trọng và tôn vinh.

b, Theo em, cần làm gì để trở thành người có đức, có tài, có ích cho xã hội.

Trước hết hãy tu dưỡng đạo đức, biến nó thành nền tảng để phát triển những khả năng khác của bản thân. Luôn hướng đến những điều tốt đẹp và không có ý nghĩ tham lam, cực đoan muốn đạt được những thứ không phải của mình. Sau đó ta mới nghĩ đến việc cải thiện khả năng tư duy của bản thân. Căn nguyên của tài năng có lẽ không chỉ là sự thông minh sẵn có mà nó còn nằm ở sự nỗ lực, phấn đấu và rèn luyện trong một quá trình dài đầy khó khăn và chắc chở. Chỉ cần con người có đạo đức tốt, ý chí mạnh mẽ thì mọi điều ta mong muốn đều có thể đạt được, chỉ phụ thuộc vào yếu tố thời gian.

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết hữu ích khác trong phần Tiếng Việt 4 Cánh Diều mục Lớp 4 thuộc Chuyên mục Học tập trên trang Hoatieu.vn nhé.

Đánh giá bài viết
65 7.318
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm