(Siêu hay) Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích lớp 4

(Siêu hay) Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích là đề bài tập Viết bài văn kể lại một câu chuyện trang 65 Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức. Sau đay HoaTieu.vn xin chia sẻ TOP 24 mẫu Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích lớp 4 ngắn gọn, đặc sắc nhất để các em học sinh tham khảo, tự viết cho mình bài văn đạt điểm cao.

Đề bài: Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe - Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích (Viết bài văn kể lại một câu chuyện trang 65 Tiếng Việt lớp 4 tập 1 KNTT).

Kể lại một câu chuyện cổ tích lớp 4
Kể lại một câu chuyện cổ tích lớp 4

1. Lập dàn ý Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích lớp 4

1. Mở bài:

Giới thiệu về truyện cổ tích Cây tre trăm đốt

2. Thân bài:

* Bối cảnh truyện

- Lão nhà giàu nhiều thóc nhiều tiền nhưng keo kiệt không muốn trả tiền công sức cho người làm.

- Anh nông dân nghèo nhưng thật thà, chăm chỉ và khỏe mạnh.

- Lão nhà giàu hứa với anh nông dân sau ba năm làm lụng cho hắn sẽ được gả con gái cho.

- Hết thời gian ba năm lão nhà giàu tính kế lừa anh nông dân.

* Diễn biến truyện

- Lão nhà giàu sai anh vào rừng chặt cây tre trăm đốt để làm đũa ăn cỗ

- Sau khi lừa anh nông dân đi chặt tre, ở nhà lão giàu liền tổ chức đám cưới linh đình, gả con gái cho tên nhà giàu khác.

- Anh nông dân tìm mãi không được cây tre trăm đốt, may nhờ có ông lão mách bảo và câu thần chú "Khắc nhập, khắc xuất" anh mới có được cây tre trăm đốt

- Trở về nhà anh biết mình bị lừa nên liền trả thù ông lão và những tên nhà giàu

* Kết thúc truyện

- Anh nông dân cưới con gái lão nhà giàu làm vợ, hai người sống rất hạnh phúc

3. Kết bài:

Cảm nhận của em sau đối với truyện cổ tích Cây tre trăm đốt

Tham khảo thêm các mẫu dàn ý hay tại đây:

2. Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em thích lớp 4 Cô bé Lọ Lem

Tối nào cũng vậy, bằng giọng nói ấm áp, bà lại kể cho em nghe một câu chuyện cổ tích từ ngày xửa ngày xưa. Trong những câu chuyện bà kể, em nhớ mãi câu chuyện Cô bé Lọ Lem với bao nhiêu phép biến hoá nhiệm màu.

Ngày xửa ngày xưa, ở một vương quốc nọ có một cô gái xinh đẹp tên là Lọ Lem. Cha cô mất sớm, cô phải sống cùng bà mẹ kế độc ác cùng người chị cùng cha khác mẹ. Ngày ngày họ bắt cô phải làm lụng vất vả như người hầu trong nhà, trong khi các chị của cô được ăn diện xinh đẹp nhàn nhã. Một hôm, Hoàng tử mở hội cho phép các thiếu nữ của vương quốc tham gia, bà mẹ kế biết chuyện nên nhất quyết không cho Lọ Lem đi, bắt cô làm nhiều việc nhà. Lọ lem vừa buồn vừa tủi thật, cô bật khóc. Bỗng có một bà tiên tốt bụng đã hiện ra, biến cô thành một thiếu nữ xinh đẹp mặc quần áo sang trọng, đi đôi dày thủy tinh. Sự xuất hiện của Lọ Lem đã làm ngỡ ngàng mọi người, đặc biệt với chàng Hoàng Tử. Tới lúc chuông điểm 12h vang lên, Lọ Lem vội bỏ về mà đánh rơi mất một chiếc giày. Phải xa Lọ Lem, Hoàng tử rất buồn, chàng sai người hầu đi khắp đất nước tìm xem cô gái nào xỏ vừa chiếc giày đó sẽ lấy làm vợ. Câu chuyện kết thúc khi Hoàng tử đã tìm ra Lọ Lem, hai người lấy nhau, sống hạnh phúc.

Khép lại trang sách, em nhận ra rằng Cô bé Lọ Lem đâu phải một nàng câu chúa yếu đuối chỉ biết chờ hoàng tử đến cứu trong căn gác mái cũ kỹ đâu. Nàng dũng cảm, lạc quan dù phải đối mặt với khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống. Nàng yêu đời, biết nắm bắt cơ hội đi đến vũ hội để gặp được định mệnh đời mình. Dù là một câu chuyện cổ tích đã ra đời hàng thế kỉ nhưng những giá trị sâu sắc, bài học ý nghĩa của Cô bé Lọ Lem vẫn đang chờ đợi những người yêu mến đến tìm hiểu và cảm nhận.

3. Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích ngắn gọn Cây khế (6 mẫu)

Ngày xưa, gia đình nọ có hai anh em phải ra ở riêng do cha mất sớm và người anh đã có vợ.

Vợ chồng người anh tham lam, giành hết của cải với lí do phải lo hương hỏa cho cha. Họ chỉ chia cho em khoảnh đất nhỏ có trồng một cây khế. Người em hiền lành và siêng năng, ngày ngày chăm chút cho cây. Đến ngày thu hoạch, người em buồn rầu vì một đàn chim lạ đến ăn gần hết những quả khế ngọt mà chàng đã dày công vun trồng. Đang ngồi bó gối ủ rũ, giọt ngắn giọt dài khóc lóc cho số phận hẩm hiu của mình, người em nghe văng vẳng tiếng nói phát ra từ trên cành khế: “Chúng tôi không phải chim thường đâu. Ăn khế trả vàng. May túi ba gang, mang theo mà đựng”.

Y lời hẹn, sáng sớm hôm sau, Chim Thần dịu anh trên lưng và bay ra một hòn đảo xa tít ngoài khơi. Trên đảo không một bóng người, không có dấu hiệu của sự sống, chỉ toàn vàng bạc châu báu. Bản chất thật thà, người em làm đúng lời dặn của Chim Thần. Chim mang chàng về nhà với túi ba gang đầy vàng bạc đủ sống cả đời.

Cuộc sống người em thay đổi. vẫn lao động chăm chỉ, thêm của cải trời cho, chẳng bao lâu, người em trở nên giàu có nhất vùng. Người anh hay tin tìm đến để rõ ngọn nguồn.

Sau khi nghe em kể đầu đuôi câu chuyện, người anh đề nghị đổi cả gia tài để lấy mảnh đất nhỏ có cây khế. Người anh cũng gặp và được Chim Thần hứa trả vàng sau khi ngồi khóc than, kể lể. Vốn tính tham lam, thêm nghe lời vợ xúi, người anh đã may ba bao, mỗi bao dài bảy gang, trái hẳn với lời dặn của Chim Thần. Dọc đường bay về, vì số của cải quá nặng, Chim Thần kêu người anh bỏ bớt nhưng vì tham lam, tiếc của, hắn không nghe. Kết quả, chim đuối sức, chao cánh và kẻ tham lam bị rơi xuống biển cùng số của cải.

Kẻ tham lam và tàn nhẫn với máu mủ ruột thịt có một kết cục bi đát. Một câu chuyện thật hay, để lại cho chúng ta một bài học quý giá trong cuộc đời, đó là “Tham thì thâm”.

Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe lớp 4
Viết bài văn kể lại một câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe lớp 4

4. Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em thích lớp 4 ngắn gọn Thạch Sanh (6 mẫu)

Từ khi em còn nhỏ, mỗi tối mẹ đều kể chuyện cổ tích ru em ngủ. Trong những câu chuyện ấy, em thích nhất là truyện kể về Thạch Sanh.

Truyện kể rằng, ở một làng nọ, có đôi vợ chồng nông dân già, tuy nghèo khó nhưng sống rất nhân hậu mà mãi vẫn chưa có con. Ngọc Hoàng thương tình bèn phái Thái tử xuống đầu thai làm con của ho. Và họ đặt tên con là Thạch Sanh. Hai vợ chồng già sớm qua đời, Thạch Sanh sống một mình ở gốc đa và kiếm sống bằng nghề hái củi.

Lý Thông ngồi hàng rượu thấy Thạch Sanh khỏe mạnh nên dỗ dành giả vờ kết nghĩa anh em để lợi dụng Thạch Sanh. Vì là người tốt bụng nên Thạch Sanh không mảy may nghi ngờ mà đồng ý làm em Lý Thông. Hắn đã lừa Thạch Sanh thay mình đi cúng mạng cho chằn tinh tại miếu thờ. Thạch Sanh đã giết chết chằn tinh, sau đó chàng đốt xác đó thì nhận được cây cung vàng. Nhưng lại một lần nữa, Lý Thông lại lừa Thạch Sanh, cướp công của chàng và được vua ban thưởng đồng thời phong làm Quận Công. Còn Thạch Sanh lại về sống ở gốc đa.

Công chúa bị đại bàng khổng lồ bắt, Thạch Sanh thấy được, lấy cung bắn đại bàng và chàng theo dấu máu, biết được nơi cư trú của đại bàng. Nhà vua sai Lý Thông đi cứu công chúa. Lý Thông lại nhờ Thạch Sanh giết đại bàng và cứu được công chúa, và khi công chúa lên khỏi hang, hắn sai người lấp hang để giết Thạch Sanh. Và được nhà vua gả công chúa cho. Tại hang, Thạch Sanh lại cứu được con vua Thủy Tề và được vua tặng cho cây đàn thần.

Khi công chúa trở về cung, nàng chẳng nói năng gì, nhà vua rất lo lắng. Còn Thạch Sanh bị chằn tinh và đại bàng trả thù vu oan nên bị bắt giam vào ngục. Chàng bèn lấy đàn ra gảy, thì công chúa khỏi bệnh và đem mọi chuyện kể cho vua cha nghe, Thạch Sanh được minh oan, mẹ con Lý Thông tuy được tha nhưng vì độc ác nên trên đường về bị sét đánh chết hóa thành thạch sùng.

Thạch Sanh được vua gả công chúa và trở thành phò mã. Các thái tử nước chư hầu vì không được gả công chúa nên đã đem quân sang đánh. Thạch Sanh đem đàn ra đánh, đẩy lùi được quân 18 nước và thết đãi họ cơm trong niêu thần ăn rồi lại đầy. Về sau, vua nhường ngôi cho Thạch Sanh.

Càng nghe câu chuyện, em càng yêu quý tính tình hiền lành, tốt bụng của Thạch Sanh và càng căm ghét những kẻ vong ân bội nghĩa như mẹ con Lý Thông. Em tự hứa với lòng là sẽ noi theo tấm gương tốt để trở thành người có ích cho xã hội vì em hiểu được ý nghĩa sâu xa của truyện cổ tích này là ở hiên gặp lành” và “ác giả ác báo”.

Các em học sinh có thể dựa theo các bức tranh dưới đây để kể lại truyện cổ tích Thạch Sanh.

Kể lại một câu chuyện cổ tích
Bài văn Kể lại một câu chuyện cổ tích lớp 4

Tham khảo thêm những bài văn mẫu hay tại đây:

5. Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích lớp 4 ý nghĩa Cây tre trăm đốt (5 mẫu)

Nhắc đến những câu chuyện cổ tích em liên tưởng ngay đến những ông bụt, bà tiên, những vị thần giúp đỡ người tốt trong lúc nguy nan cấp bách hay đau khổ. Một trong những truyện cổ tích em được đọc nhiều lần và nhớ rõ từng chi tiết chính là truyện Cây tre trăm đốt.

Câu chuyện Cây tre trăm đốt kể về một lão nhà giàu và một anh nông dân nghèo. Lão nhà giàu tuy có tiền nhưng lại rất keo kiệt, chỉ biết ăn của người, anh nông dân nghèo phải đi cày thuê ruộng cho lão nhưng lão lại không muốn trả tiền liền nghĩ ra cách dỗ dành anh chịu khó cày bừa đủ ba năm sẽ gả con gái cho. Anh nông dân tính thật thà liền tin ngay, chăm chỉ làm lụng cả vụ lúa mùa đến vụ lúa chiêm, kiếm cho lão nhà giàu không biết bao nhiêu là thóc lúa.

Đến hạn ba năm trôi qua, lão nhà giàu không muốn gả con gái cho anh nông dân nên lừa anh đi chặt cây tre đủ 100 đốt về làm đũa cho cả làng ăn cỗ. Anh nông dân khờ tưởng cây tre trăm đốt có thật nên vào rừng chặt nhưng làm gì có cây tre nào đủ 100 đốt, may thay anh là người thật thà lại ăn ở tốt nên được trời thương, có một ông lão dạy anh đọc câu thần chú "khắc nhập, khắc xuất". Từ 100 đốt tre có thể liền thành một cây tre cao vút thẳng tắp, anh nông dân đã thành công có được cây tre đủ 100 đốt.

Thế nhưng khi mang tre về anh nông dân biết mình đã bị lừa, lão nhà giàu đang mở tiệc linh đình gả con gái cho tên nhà giàu khác. Thấy vậy anh ta liền đọc câu thần chú "khắc nhập" nhốt cả lão nhà giàu và những tên nhà giàu khác vào trong cây tre, lúc sau khi lão đã hứa gả con gái thì anh nông dân mới đọc "khắc xuất" để họ được ra ngoài.

Quả thực những người tốt sẽ luôn gặp điều lành, may mắn giống như câu "Ở hiền gặp lành" còn những người xấu ác trước sau gì cũng phải chịu quả báo cho những việc mình đã gây ra.

 Kể lại truyện cổ tích Cây tre trăm đốt
Kể lại truyện cổ tích Cây tre trăm đốt

Tham khảo thêm những bài văn mẫu hay tại đây:

6. Kể một câu chuyện cổ tích lớp 4 điểm cao Sọ Dừa (6 mẫu)

Truyện cổ tích Sọ Dừa là câu chuyện mà em được bà kể từ ngày còn thơ bé. Giờ đây, khi đã lên lớp 4, em vẫn nhớ như in nội dung của truyện và có thể kể cho mọi người cùng nghe.

Câu chuyện bắt đầu từ thuở xa xưa, có hai vợ chồng nghèo, ăn ở hiền lành, đã ngoài năm mươi nhưng vẫn chưa có con. Một hôm người vợ ra đồng khát nước, thấy cái sọ dừa đầy nước, bà bèn uống nước, sau đó mang thai và sinh ra đứa trẻ không chân, không tay, tròn như quả dừa. Bà nuôi nấng, tới khi lớn lên, Sọ Dừa nhờ mẹ xin phú ông cho đi chăn bò. Sọ Dừa chăn bò rất giỏi. Một hôm, cô con gái út nhà phú ông mang cơm thì thấy Sọ Dừa là một chàng trai khôi ngô nên đem lòng yêu thương, có của ngon đều giấu cho chàng. Cuối mùa, Sọ Dừa giục mẹ sang đến hỏi con gái phú ông làm vợ, chỉ có cô con gái út đồng ý làm vợ Sọ Dừa. Ngày cưới, Sọ Dừa bước ra là một chàng trai tuấn tú. Trước khi Sọ Dừa lên kinh thi dặn dò vợ luôn mang theo mình quả trứng gà, con dao, hòn đá lửa. Sau đó, vợ Sọ Dừa bị hai chị hãm hại, nàng bị cá kình nuốt cô vào bụng. Cô lấy dao, rạch bụng cá, thoát chết, trôi dạt vào một hòn đảo. Đến khi Sọ Dừa đỗ quan trạng trở về, Sọ Dừa đón vợ trên đảo trở về và mở tiệc mừng. Hai cô chị sau bữa tiệc nhìn thấy em út xấu hổ bỏ đi biệt xứ.

Qua câu chuyện Sọ Dừa, tác giả dân gian đã gửi gắm chúng ta bài học về cách đối nhân xử thế, không nên quan trọng vẻ bề ngoài, mà phải chú trọng đến phẩm chất. Một người có trái tim nhân hậu, tốt bụng, thông minh thì mới là người đáng quý.

7. Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích lớp 4 theo lời một nhân vật trong câu chuyện đó

Mẫu bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích Tấm Cám dưới đây được thực hiện bởi HoaTieu.vn. Mọi website lấy nội dung xin vui lòng dẫn nguồn.

Tôi là Cám, là một cô gái đang độ tuổi trăng tròn, có một vẻ đẹp sắc sảo. Tiếc thay tôi lại có chị gái cùng cha khác mẹ tên là Tấm nết na, xinh đẹp, hiền lành nổi tiếng cả vùng. Vì thế mà tôi ghen ghét và hay đành hanh với chị.

Mà lý do cũng bởi chị là con vợ cả của cha tôi. Sau khi bà mất sớm, cha đi thêm bước nữa với mẹ ruột tôi, rồi có tôi. Từ nhỏ, tôi đã được yêu thương, chiều chuộng hết mực. Còn chị Tấm lại bị hắt hủi, ghẻ lạnh. Vài năm trước, cha không may qua đời trong một trận bệnh nặng. Hai mẹ con tôi bắt Tấm phải làm hết công việc của người hầu trong nhà. Nhìn Tấm người lúc nào cũng lấm lem, vất vả, lại phải mặc quần áo vụn vá mà lòng tôi thích chí lắm.

Có hôm, mẹ tôi sai hai chị em tôi đi bắt tôm tép, hứa sẽ có thưởng cho ai bắt được nhiều tép nhất. Tôi thì có bao giờ lội xuống bùn tanh tưởi để bắt tôm, bắt cá bao giờ? Thế này sao mà được. Tôi nũng nịu xin mẹ đủ kiểu mà cũng không được, thế là đành lấy cái giỏ đi cùng con Tấm. Xuống đến bờ ao, tôi thì mải mê bắt bướm, hái hoa, còn Tấm thì chăm chỉ lội bùn bắt tép. Thấy thế tôi cười khẩy. Hết buổi sáng, chị Tấm bắt được đầy giỏ, con nào con nấy mập đáo để. Tôi mới nói: Chị Tấm ơi! Đầu chị lấm bùn rồi. Chị xuống ao gội lại cho sạch không kẻo về mẹ mắng". Nghe thấy thế, chị ta cũng tin thật quay lại ao tắm giặt. Còn tôi nhanh chân chút hết tôm tép của chị sang giỏ mình rồi chạy về trước. Về đến nhà tôi được mẹ tặng cho chiếc yếm đào mới tinh, đẹp ơi là đẹp. Còn cái Tấm thì đã về muộn còn bị mẹ mắng. Tôi đúng là thông minh, nhanh trí mà!

Bẵng đi một thời gian, tôi thấy Tấm ăn rất ít, cứ để dành phần cơm rồi mang ra giếng. Thế là hai mẹ con tôi cùng rình coi. Phát hiện chuyện cá bống, chúng tôi lừa chị ta đi chăn trâu để ở nhà thịt con cá bống lên ăn, rồi vứt xương ra sân cho gà mổ.

Đến ngày hoàng tử mở hội kén vợ. Tôi cùng mẹ sung sướng, nghĩ đã đến lúc đổi đời rồi đây. Mẹ đầu tư cho tôi rất nhiều quần áo mới, giày đẹp để chuẩn bị đi hội. Ấy thế mà con Tấm không biết thân biết phận, cũng đòi đi hội cho bằng được. Mẹ liền nghĩ ra cách trộn thóc và gạo bắt nó nhặt cho kì hết mới được đi. Nhìn nó ngồi khóc mà chúng tôi hả hê lên kinh dự hội. Một lúc thì có thông báo, hoàng tử lệnh ai đeo vừa chiếc hài sẽ được chọn làm hoàng hậu. Tôi cố thử mà khốn nỗi không tài nào vừa được. Đang bực tức thì thấy con Tấm đến thử, thế mà nó lại đi vừa chiếc hài ấy. Ngay hôm ấy, cái Tấm được đón về cung làm vợ vua. Thật tức chết đi được.

Đến ngày giỗ cha, mẹ tôi nghĩ kế gọi Tấm về để giết nó. Mẹ sai chị ta trèo lên cây hái cau cúng, còn ở dưới gốc, mẹ lấy dao chặt cây. Chị ta trúng kế, rơi xuống ao chết đi. Mẹ đưa tôi vào cung làm vợ vua thay Tấm, nói dối rằng đây là di nguyện của chị Tấm trước khi chết. Mà ngặt nỗi, vào cung rồi mà vua cứ ngày đêm quấn quýt lấy chim vành anh, tôi có quyến rũ thế nào người cũng chẳng ngước nhìn. Tôi bắt và giết thịt nó. Thế mà chàng lại tiếp tục ra cây xoan đào ngồi mắc võng chứ. Tôi lại đốn luôn cây xoan đào ra làm khung cửi. Nhưng mỗi lần ngồi trước cung cửi, tôi đều nghe thấy tiếng dọa nạt đòi khoét mắt tôi. Quá sợ hãi, tôi đem đốt luôn khung cửi và vứt tro nó ở một nơi thật xa.

Lâu sau, hoàng tử đi tuần xa cung bỗng đem Tấm về. Nhìn Tấm còn sống sờ sờ đứng đó, trắng trẻo, xinh đẹp hơn xưa, tôi sợ hãi vô cùng, bỏ chạy về nhà. Rồi hai mẹ con tôi bị trừng phạt phải đi biệt sứ, sống những tháng ngày khổ cực, lang thang khắp nơi.

8. Đóng vai nhân vật kể lại một câu chuyện cổ tích mà em yêu thích lớp 4 hay nhất

Bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích Vua chích chòe dưới đây được thực hiện bởi HoaTieu.vn. Mọi website lấy nội dung xin vui lòng dẫn nguồn.

Ta là công chúa duy nhất của một đất nước giàu có, lại có thêm nhan sắc kiềm diễm, kiêu sa, nên ta vô cùng kiêu ngạo. Ta thấy trên đời này chẳng có bất cứ chàng trai nào vừa mắt. Vì thế, ngay trong buổi kén phò mã mà vua cha ta tổ chức, ta đã thẳng thừng buông lời chê bai, dè bỉu tất cả những chàng trai tài giỏi của các nước láng giềng đến tham gia. Ta chê người thì mập như tịnh, người thì gầy khẳng khiu như cái sào, kẻ lại vụng về, lấc cấc... Đặc biệt, khi thấy người có chiếc cằm hơi cong, ta liền cất lời nhạo báng và đặt biệt danh cho hắn là con chim chích chòe. Sau khi bữa tiệc kết thúc, cha ta đã rất tức giận và hạ lệnh sẽ gả ta cho một tên ăn mày.

Hôm ấy, có người hát rong được mời vào cung cấm biểu diễn, cha đã ngay lập tức gả ta cho hắn và đuổi ra ra hoàng cung. Mặc ta van xin, vua cha vẫn quyết không nhân từ. Ta đành phải theo kẻ hát rong về nhà hắn. Trên quãng đường đi qua biết bao cảnh đẹp, nào là ruộng vườn trù phú, có cả những đô thị sầm uất,... Ta tò mò hỏi đó là đất đai của ai thì đều nhận được câu trả lời là của vua chích chòe. Trời ơi, đến lúc này ta hối hận xanh cả ruột. Nếu không chê bai vua chích chòe thì ta đã được sống trong nhung lụa, giàu sang chứ không phải đi theo một kẻ hát rong bần cùng để chịu khổ.

Trở thành vợ người hát rong, những công việc nhà bẩn thỉu, khổ cực, nấu cơm, rửa bát đều đến tay ta. Vì nghèo nên ta còn phải học đan sọt, dệt cửi để kiếm miếng ăn qua ngày. Đôi tay nứt nẻ, chảy máu đau đớn nhưng ta vẫn làm hỏng hết việc. Trách bản thân quá vụng về, ta bèn xin vào làm người hầu trong cung vua. Ngày hôm đó, trong cung tổ chức lễ cưới cho nhà vua. Khi ta đang nhìn ngắm những đồ ăn, thức uống ngon lành được bày la liệt trên bàn, bỗng nhà vua bước đến mỉm cười và nắm lấy tay ta. Ta nhận ra ngay đó là chồng mình. Chàng giải thích, hóa ra chàng đã giả làm người hát rong, sống khổ cực cùng ta để ta nhận ra sai lầm, biết hối lỗi và sửa chữa. Ta òa khóc và ôm lấy chồng mình. Nếu chàng không yêu ta thật lòng thì chắc sẽ chẳng có ai chịu cưới ta và giúp ta thay đổi, ta sẽ mãi là con người chanh chua, xấu xa như trước kia.

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết hữu ích khác trong phần Tiếng Việt 4 Kết nối tri thức mục Lớp 4 thuộc Chuyên mục Học tập trên trang Hoatieu.vn nhé.

Đánh giá bài viết
82 21.929
0 Bình luận
Sắp xếp theo