Bộ Đề thi giữa kì 1 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2024 (sách mới)

Tải về

Đề thi Tiếng Việt lớp 4 giữa học kì 1 năm 2024 là ngân hàng đề thi giữa kì 1 Tiếng Việt lớp 4 có đáp án mới nhất. Đây là tài liệu được biên soạn rất khoa học bám sát theo chương trình giáo dục mới. Mời thầy cô, phụ huynh cùng các em học sinh tham khảo và tải file đề thi giữa học kì 1 lớp 4 Tiếng Việt về máy để chuẩn bị ôn tập cho bài kiểm tra sắp tới.

1. Bộ Đề kiểm tra giữa kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt có đáp án, ma trận

2. Đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt Kết nối tri thức

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 1

NĂM HỌC 2023 - 2024

MÔN: TIẾNG VIỆT – LỚP 4

I. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)

1. Đọc thành tiếng: (3 điểm)

- GV cho học sinh đọc đoạn văn bản “Nhà phát minh 6 tuổi” (Trang 51, 52 – SGK Tiếng Việt 4 tập 1 - Kết nối tri thức với cuộc sống). Đảm bảo đọc đúng tốc độ, thời gian 3 – 5 phút/ HS.

- Dựa vào nội dung bài đọc, HS trả lời câu hỏi: Câu nói của người cha: “Đây sẽ là giáo sư đời thứ bảy của gia tộc tôi!” thể hiện điều gì?

2. Đọc thầm và làm bài tập: (7 điểm)

TÌNH BẠN

Thỏ và Sóc rủ nhau vào rừng hái quả. Mùa thu, hương rừng thơm phức hương quả chín. Ở trên một cây cao chót vót, Thỏ reo lên sung sướng:

- Ôi chùm quả chín vàng mọng kìa, ngon quá !

Thấy chùm quả vắt vẻo cao tít, Sóc vội vàng ngăn bạn:

- Cậu đừng lấy, nguy hiểm lắm.

Nhưng Thỏ đã men ra. Nó cố với. Trượt chân, Thỏ ngã nhào. Sóc nhanh nhẹn túm được áo Thỏ còn tay kia kịp với được một cành cây nhỏ nên cả hai bị treo lơ lửng trên không chứ không bị rơi xuống khe núi đầy đá nhọn. Cái cành cây cong gập hẳn lại.

Sóc vẫn cố sức giữ chặt áo Thỏ. Tiếng răng rắc trên cành cây càng kêu to hơn.

- Cậu bỏ tớ ra đi kẻo cậu cũng bị rơi theo đấy.

Thỏ nói với Sóc rồi khóc òa.

- Tớ không bỏ cậu đâu.

Sóc cương quyết.

Bác Voi cao lớn đang làm việc gần đấy nghe tiếng kêu cứu chạy tới. Bác vươn mình đưa chiếc vòi dài đỡ được cả hai xuống an toàn. Bác âu yếm khen:

- Các cháu có một tình bạn thật đẹp.

Đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt Kết nối tri thức

Câu 1 (0,5 điểm). Thỏ và Sóc rủ nhau vào rừng làm gì?

A. Rủ nhau vào rừng hái hoa.

B. Rủ nhau vào rừng hái quả.

C. Rủ nhau vào rừng tìm bạn.

Câu 2 (0,5 điểm). Khi Thỏ bị trượt chân ngã, Sóc đã làm gì?

A. Vội vàng ngăn Thỏ.

B. Túm lấy áo Thỏ và cương quyết không bỏ rơi bạn.

C. Cùng với Thỏ túm lấy cành cây.

Câu 3 (0,5 điểm). Khi Thỏ bị ngã nhào, Thỏ nói với Sóc câu gì? Hãy ghi lại câu nói đó:

Câu 4 (0,5 điểm). Việc làm của Sóc nói lên điều gì?

A. Sóc là người bạn rất khỏe.

B. Sóc là người bạn chăm chỉ.

C. Sóc là người sẵn sàng quên bản thân mình để cứu bạn.

Câu 5 (1,0 điểm). Câu chuyện Tình bạn có nội dung là gì?

Câu 6 (1,0 điểm). Xác định danh từ (DT), động từ (ĐT) dưới từ gạch chân trong câu sau:

Thanh ngẩn ngơ nhìn vòm đa bên kia đường đang nảy lộc.

Câu 7 (1,0 điểm). Tìm 5 danh từ chung theo mỗi yêu cầu sau:

a. Trong mỗi từ đều có tiếng sông.

b. Trong mỗi từ đều có tiếng mưa.

Câu 8 (1,5 điểm). Cho đoạn văn sau:

Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Đôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn.

Em hãy tìm các động từ, danh từ có trong đoạn văn trên rồi điền vào bảng sau:

Danh từ

Động từ

Câu 9 (0,5 điểm). Đặt một câu nói về một người bạn của em, trong đó có sử dụng 1 danh từ và 1 động từ.

II. PHẦN KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)

1. Nghe – viết (2 điểm)

Nếu chúng mình có phép lạ

Nếu chúng mình có phép lạ

Bắt hạt giống nảy mầm nhanh

Chớp mắt thành cây đầy quả

Tha hồ hái chén ngọt lành.

Nếu chúng mình có phép lạ

Ngủ dậy thành người lớn ngay

Đứa thì lặn xuống đáy biển

Đứa thì ngồi lái máy bay.

2. Tập làm văn (8 điểm)

Em hãy viết một bài văn thuật lại hoạt động ở địa phương em mà em có dịp tham gia và chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của em về hoạt động đó.

Đáp án đề thi Tiếng Việt 4 giữa học kì 1 Kết nối

I. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)

1. Đọc thành tiếng

Trả lời câu hỏi: Câu nói của người cha: “Đây sẽ là giáo sư đời thứ bảy của gia tộc tôi!” là một lời khen dành cho Ma-ri-a, công nhận và khích lệ Ma-ri-a thực sự là cô bé tài năng, thông minh thiên bẩm và rất tinh tường khi phát hiện ra những hiện tượng vật lí xung quanh mình.

2. Đọc thầm và làm bài tập

Câu 1 (0,5 điểm). B

Câu 2 (0,5 điểm). B

Câu 3 (0,5 điểm). - Tớ không bỏ cậu đâu.

Câu 4 (0,5 điểm). C

Câu 5 (1,0 điểm). Ca ngợi một tình bạn đẹp giữa Sóc và Thỏ.

Câu 6 (1,0 điểm).

Thanh ngẩn ngơ nhìn vòm đa bên kia đường đang nảy lộc.
DT ĐT DT ĐT

Câu 7 (1,0 điểm).

a. 5 danh từ có tiếng sông là: dòng sông, cửa sông, khúc sông, nước sông, sông cái,...

b. 5 danh từ có tiếng mưa là: cơn mưa, trận mưa, nước mưa, mưa rào, mưa xuân,...

Câu 8 (1,5 điểm).

Danh từ

Động từ

chiếc vuốt, ngọn cỏ, nhát dao, đôi cánh, cái áo, chấm đuôi, tôi

thử, co cẳng, đạp, lia, vũ, đi, soi gương

Câu 9 (0,5 điểm). HS đặt câu phù hợp.

II. KIỂM TRA VIẾT: (10 ĐIỂM)

1. Chính tả (2 điểm)

- Viết đúng kiểu chữ thường, cỡ nhỏ (0,25 điểm):

  • 0,25 điểm: viết đúng kiểu chữ thường và cỡ nhỏ.
  • 0,15 điểm: viết chưa đúng kiểu chữ hoặc không đúng cỡ chữ nhỏ.

- Viết đúng chính tả các từ ngữ, dấu câu (1,5 điểm):

  • Viết đúng chính tả, đủ, đúng dấu: 1,5 điểm
  • 0,75điểm: nếu có 0 - 4 lỗi;
  • Tùy từng mức độ sai để trừ dần điểm.

- Trình bày (0,25 điểm):

  • 0,25 điểm: nếu trình bày đúng theo mẫu, chữ viết sạch và rõ ràng.
  • 0,15 điểm: nếu trình bày không theo mẫu hoặc chữ viết không rõ nét, bài tẩy xóa vài chỗ.

2. Viết (8 điểm)

- Trình bày dưới dạng một bài văn ngắn, có số lượng câu từ 10 đến 15 câu, thuật lại hoạt động ở địa phương em mà em có dịp tham gia và chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của em về hoạt động đó, câu văn viết đủ ý, trình bày bài sạch đẹp, bố cục đầy đủ, rõ ràng (mở bài, thân bài, kết bài): 8 điểm.

- Tùy từng mức độ bài viết trừ dần điểm nếu bài viết không đủ ý, trình bài xấu, không đúng nội dung yêu cầu.

3. Đề thi giữa kì 1 lớp 4 môn Tiếng Việt có đáp án Cánh Diều

I. Đọc và trả lời câu hỏi (5 điểm - 35 phút)

NGƯỜI ĂN XIN

Lúc ấy, tôi đang đi trên phố. Một người ăn xin già lọm khọm đứng ngay trước mặt tôi. Đôi mắt ông lão đỏ đọc và giàn giụa nước mắt. Đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi thảm hại... Chao ôi! Cảnh nghèo đói đã gặm nát con người đau khổ kia thành xấu xí biết nhường nào!

Ông già chìa trước mặt tôi bàn tay sưng húp, bẩn thỉu. Ông rên rỉ cầu xin cứu giúp. Tôi lục tìm hết túi nọ đến túi kia, không có tiền, không có đồng hồ, không có cả một chiếc khăn tay. Trên người tôi chẳng có tài sản gì.

Người ăn xin vẫn đợi tôi. Tay vẫn chìa ra, run lẩy bẩy.

Tôi chẳng biết làm cách nào. Tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy kia:

- Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả.

Người ăn xin nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm. Đôi môi tái nhợt nở nụ cười và tay ông cũng xiết lấy tay tôi:

- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. – Ông lão nói bằng giọng khản đặc.

Khi ấy, tôi chợt hiểu rằng: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được chút gì của lão.

(Theo Tuốc-ghê- nhép)

Câu 1: (0,5đ) Dáng vẻ của ông lão ăn xin được miêu tả như thế nào?

A. Đôi môi tái nhợt.

B. Đôi mắt đỏ đọc và giàn giụa nước mắt.

C. Người ăn xin già lọm khọm.

D. Áo quần tả tơi thảm hại.

Câu 2: (0,5đ) Khi gặp cậu bé, ông lão có hành động gì?

  1. Chìa bàn tay sưng húp bẩn thỉu, rên rỉ cầu xin cứu giúp.
  2. Nhìn cậu bé chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm, nở nụ cười.
  3. Cháu ơi, cháu có gì cho ông ăn với! Ông đói quá!
  4. Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy cháu đã cho lão rồi.

Câu 3: (1đ) Ông lão nói: "Như vậy là cháu đã cho lão rồi.", câu nói cho thấy điều gì?

Câu 4 : (1đ) Cậu bé đã nhận được gì từ ông lão ăn xin?

Câu 5: (0,5đ) Đâu là danh từ?

A. bàn tay

B. nhìn

C. rên rỉ

D. tả tơi

Câu 6: (1đ) Xếp các danh từ chiếc khăn, con người, quần áo, đồng hồ vào hai nhóm thích hợp

a) Danh từ chỉ người.

b) Danh từ chỉ vật.

Câu 7: (0,5đ) Dấu gạch ngang trong trường hợp dưới đây có tác dụng gì?

Tôi chẳng biết làm cách nào. Tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy kia:

- Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả.

  1. Đánh dấu lời nói của nhiều nhân vật.
  2. Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật trong đối thoại.
  3. Đánh dấu các đoạn trong một bài văn.
  4. Đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê.

II. Viết (5 điểm - 35 phút)

Viết đoạn văn (10 - 12 câu) nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Thi Ca trong câu chuyện “Vệt phấn trên mặt bàn” đã học ở Bài 1.

Đáp án thi Tiếng Việt lớp 4 Giữa kì 1 Cánh Diều

HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ, CHO ĐIỂM KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ I

Môn Tiếng Việt - Lớp 4. Năm học 2023 - 2024

I. Đọc và trả lời câu hỏi (5 điểm)

Câu 1: (0,5 điểm) C

Câu 2: (0,5 điểm) A

Câu 3: (1 điểm) Câu nói "Như vậy là cháu đã cho lão rồi." cho thấy ông lão đã thấu hiểu tấm lòng chân thành của cậu bé.

Câu 4: (1 điểm) Cậu bé đã nhận được từ ông lão lòng biết ơn và sự đồng cảm.

Câu 5: (0,5 điểm) A

Câu 6: (1 điểm) Xếp đúng mỗi từ được 0,25 điểm

a) Danh từ chỉ người: con người

b) Danh từ chỉ vật: chiếc khăn , quần áo , đồng hồ

Câu 7 : (0,5 điểm) B

II. Viết (5 điểm)

Đảm bảo các yêu cầu sau được 5 điểm:

- HS viết được đoạn văn (10 - 12 câu) nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Thi Ca trong câu chuyện “Vệt phấn trên mặt bàn” đã học ở Bài 1.

- GV cho điểm thành phần như sau:

+ Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về đặc điểm (ngoại hình, tính cách,…) của nhân vật Thi Ca: 3đ

+ Chữ viết, chính tả: 0,75đ

+ Dùng từ, đặt câu: 0,75đ

+ Sáng tạo, nhiều hơn 12 câu: 0,5đ

4. Đề thi Tiếng Việt lớp 4 Giữa kì 1 Chân trời sáng tạo

ĐỀ THI GIỮA KÌ 1 LỚP 4 MÔN TIẾNG VIỆT

CHÂN TRỜI SÁNG TẠO - CÓ ĐÁP ÁN

I. ĐỌC THÀNH TIẾNG (2Đ)

Học sinh bắt thăm bài và đọc một đoạn trong một bài bất kì sau đây :

1/ Về miền Đất Đỏ- Anh Đức

2/ Người bạn mới- Mạnh Hưởng dịch

3/ Hội mùa thu- Nguyễn Thị Châu Giang

4/ Chia sẻ niềm vui- Minh Thư

Học sinh trả lời 1 câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc.

(Tham khảo các Bài đọc ở cuối trang)

II. ĐỌC - HIỂU (8Đ)

Bài đọc:

Câu chuyện bó đũa

Ngày xưa, trong một ngôi làng nọ có một người giàu có, ông có năm người con. Lúc nhỏ, anh em rất hoà thuận. Khi lớn lên, anh có vợ, em có chồng, tuy mỗi người một nhà nhưng vẫn hay va chạm. Dù cuộc sống sung túc nhưng những đứa con của ông không hòa thuận mà còn đố kỵ lẫn nhau - điều này khiến ông rất buồn.

Ít lâu sau người cha bị bệnh nặng, biết mình không qua khỏi. Một hôm, ông bảo giai nhân đem ra một bó đũa và một túi tiền trên bàn, rồi ông gọi năm người con lại và bảo:

"Các con hãy thử bẻ bó đũa này xem ai có thể bẻ gãy được."

Người con cả gắng hết sức nhưng không thể bẻ nổi bó đũa. Người con thứ cũng bẻ, nhưng vô ích. Các người con còn lại cũng lần lượt lấy hết sức bình sinh để bẻ, bó đũa vẫn không bị gãy một chiếc nào.

Người cha cầm lấy bó đũa và tháo ra, rồi bẻ từng chiếc một, không cần mất sức cũng bẻ gãy hết rồi ôn tồn nói với các con:

"Các con ạ, bó đũa được ví như năm anh em các con đó, nếu mỗi người các con đều chung tay gánh vác mỗi người một việc thì không kẻ thù nào làm các con gục ngã được, còn nếu các con chỉ nghĩ đến bản thân mình thì sẽ trở nên lẻ loi và bị thất bại trong cuộc đời. Hãy hứa với cha rằng, ba con sẽ chung sống hoà thuận và đoàn kết, thương yêu nhau sau khi cha nhắm mắt xuôi tay."

Sau khi người cha qua đời các con ông đã học được bài học lớn và trở nên yêu thương nhau hơn.

(Theo Ngụ ngôn Việt Nam)

Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1: Điều gì làm người cha thấy rất buồn:

A. Người cha bệnh nặng. B. Các con quá cực nhọc.

C. Các con luôn bất hòa. D. Người cha sống cô độc.

Câu 2: Vì sao không người con nào bẻ gãy được bó đũa:

A. Vì họ cầm cả bó đủa mà bẻ. B. Vì họ bẻ từng chiếc một.

C. Vì họ không đủ mạnh.           D. Vì từng chiếc đũa quá cứng.

Câu 3: Khi thấy các con không bẻ gãy bó đũa người cha làm gì?

  1. Bèn cởi bó đũa ra, rồi thong thả bẻ gãy từng chiếc.
  2. Chia đều đũa cho các con cùng bẻ.
  3. Ném bó đũa xuống sàn.
  4. Giận dữ và bỏ đi.

Câu 4: Hành động của người cha dạy cho các con điều gì?

  1. Hiểu được sức mạnh của sự đoàn kết.
  2. Biết được sức mạnh của bản thân mình.
  3. Cảm nhận được lòng cha thương con.
  4. Cho thấy các con không đủ mạnh.

Câu 5: Người cha ví bó đũa như 5 anh em nhằm muốn các anh em, mỗi người làm gì?

....................................................................................................................

Câu 6: Người cha muốn các con hứa điều gì?

....................................................................................................................

Câu 7: Em học được điều gì, sau khi đọc xong câu truyện này ?

....................................................................................................................

Câu 8: Câu nào sau đây chỉ có động từ?

A.chăm, học, chạy, nhảy

B.học, giỏi, ngoan, hiền

C.học, ăn, uống, ngủ

D.chăm, giỏi, ngoan, hiền

Câu 9: Câu ca dao, tục ngữ nói về tinh thần “đoàn kết” của dân tộc ta là:

  1. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
  2. Một cây làm chẳng nên non.

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

  1. Cây ngay không sợ chết đứng.
  2. Có công mài sắt, có ngày nên kim

Câu 10: Tìm 2 động từ, 2 danh từ riêng là tên thành phố em biết:

- Động từ: ………………………………………………………………………

- Danh từ riêng: ………………………………………………………………..

Câu 11: Viết 1 câu với động từ em vừa tìm được ở câu 10.

........................................................................................................................................

III. VIẾT (10Đ)

Đề bài : Em hãy viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe nói về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu.

Đáp án đề kiểm tra giữa HKI môn Tiếng Việt 4 sách Chân trời

I. ĐỌC THÀNH TIẾNG

Tên bài đọc: Bài 1 Bài 2 Bài 3 Bài 4

Tiêu chuẩn cho điểm

Điểm

1. Biết nhấn giọng đúng từ ngữ; thể hiện cảm xúc qua giọng đọc; ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu hay sau các cụm từ có nghĩa.

……/0,5đ

2. Đọc đúng tiếng, từ, cụm từ, câu.

……/0,5đ

3. Tốc độ đọc đạt yêu cầu (70-80 tiếng/1 phút).

……/0,5đ

4. Trả lời đúng ý câu hỏi do giáo viên nêu.

……/0,5đ

Cộng

……/2đ

II. ĐỌC HIỂU

Câu 1: C (0,5đ)

Câu 2: A (0,5đ)

Câu 3: A (0,5đ)

Câu 4: A (0,5đ)

Câu 5: Người cha ví bó đũa như 5 anh em nhằm muốn các anh em, mỗi người các con đều chung tay gánh vác mỗi người một việc (1đ)

Câu 6: Người cha muốn các con hứa các con sẽ chung sống hoà thuận và đoàn kết, thương yêu nhau sau khi cha nhắm mắt xuôi tay. (1đ)

Câu 7: Phải biết đoàn kết để tạo nên sức mạnh (1đ)

Câu 8: C (0,5đ)

Câu 9: B (0,5đ)

Câu 10: - Động từ: hát, bơi, múa, nhảy,… (0,5đ)

- Danh từ riêng: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ,… (0,5đ)

Câu 11: Học sinh đặt câu đúng ngữ nghĩa và ngữ pháp. (1đ)

III. VIẾT

Đề bài : Em hãy viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe nói về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu.

  • Cấu trúc bài kiểm tra Viết: 10 điểm
  • Hướng dẫn chấm điểm Viết theo thang điểm Rubric

Nội dung đánh giá

Mức điểm

Tiêu chí

Hình thức

- Trình bày bố cục rõ ràng, có đủ 3 phần: Mở bài, thân bài, kết luận

- Trình bày đúng yêu cầu của một bài văn thuộc thể loại kể chuyện/ tường thuật.

- Bài viết ít gạch xoá

Mở đoạn/Mở bài

0,5đ

Dẫn dắt được tới câu chuyện kể về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu mà em định kể trong bài.

Thân đoạn/Thân bài

Kể chi tiết câu chuyện, diễn biến, tình tiết câu chuyện ra sao. Có phần nào quan trọng nhất, phần nào em tâm đắc nhất.

Bày tỏ cảm nghĩ của em về lòng trung thực hoặc lòng nhân hậu có ý nghĩ như thế nào và là tấm gương để mọi người noi theo.

Kết đoạn/Kết bài

0,5đ

Nêu suy nghĩ, tình cảm của mình về câu chuyện, về những bài học, đức tính mà em học được qua câu chuyện đó.

Kỹ năng

Kĩ năng viết chữ, viết đúng chính tả.

Sai 5 -10 lỗi chính tả trừ 0,5đ

Sai từ 11 lỗi trở lên trừ 1đ

Viết sai tên riêng của tổ chức/cơ quan: - 0,5đ/lỗi

Dùng từ, đặt câu bao gồm :

- Dùng từ, đặt câu: viết câu đúng ngữ pháp, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, dấu câu …

- Dùng từ đúng ngữ cảnh

- Diễn đạt câu chính xác, thể hiện ý rõ ràng.

- Viết câu mạch lạc, đúng ngữ pháp, lời văn diễn đạt tự nhiên, sinh động, lôi cuốn.

- Bố cục rõ ràng; các phần cân đối; phù hợp với yêu cầu về kiểu, loại văn bản có mở đầu, triển khai, kết thúc; các câu, đoạn có mối liên kết với nhau mạch lạc.

Tính sáng tạo

- Lời văn tự nhiên, tình cảm chân thật, diễn đạt câu trôi chảy, câu văn giàu cảm xúc, có hình ảnh.

- Từ ngữ thể hiện ý rõ ràng, xưng hô lịch sự, lời văn nhẹ nhàng, kể chuyện/ tường thuật sinh động, biết dùng vốn kiến thức đã học như: từ láy, từ ghép, từ ngữ so sánh, nhân hóa...

Trên đây là ngân hàng đề môn Tiếng Việt giữa học kì 1 khối 4 năm học 2023 - 2024 mới nhất có kèm đáp án và file tải về.

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết hữu ích khác trong phần Tiếng Việt 4 mục Lớp 4 thuộc Chuyên mục Học tập trên trang Hoatieu.vn nhé.

Đánh giá bài viết
15 3.518
1 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
  • Nguyen Duc
    Nguyen Duc Cho mình xin bộ giáo án GDTC lớp 4 sách cánh diều với. Thanks
    Thích Phản hồi 18/10/23
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm