Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật An trong văn bản Đi lấy mật

Trong chương trình Ngữ văn lớp 7 các em đã được học rất nhiều văn bản hay trong đó có văn bản Đi lấy mật (trích Đất rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi). Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý phân tích nhân vật An trong văn bản Đi lấy mật cùng một số bài văn mẫu phân tích đặc điểm nhân vật An lớp 7 hay và chi tiết sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích khi các em làm dạng đề văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học.

 phân tích đặc điểm nhân vật An trong Đi lấy mật

Mời các bạn cùng tham gia group Bạn Đã Học Bài Chưa? để cập nhật các kiến thức mới bổ ích về học tập cùng với Hoatieu nhé.

Nhân vật An trong văn bản Đi lấy mật là cậu bé biết cảm nhận những tình cảm thân thương gần gũi của ba má nuôi, biết quan sát thiên nhiên; thông minh, ham hiểu biết. Thông qua các bài văn mẫu phân tích đặc điểm nhân vật An dưới đây sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về đặc điểm tính cách nhân vật An cũng như cách làm bài phân tích đặc điểm nhân vật An ngắn gọn.

1. Dàn ý phân tích nhân vật An trong Đi lấy mật

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác phẩm, đoạn trích và nhân vật.

- Nêu khái quát ấn tượng về nhân vật.

2. Thân bài:

* Nêu đặc điểm của nhân vật An:

- Yêu thiên nhiên và có những cảm nhận tinh tế, sâu sắc.

- Ham học hỏi, tìm hiểu mọi thứ xung quanh.

- Ngoan ngoãn, lễ phép và tràn đầy tình yêu thương.

* Nhận xét, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật:

- Xây dựng nhân vật thông qua lời nói và hành động cụ thể.

- Ngôi kể thứ nhất góp phần khắc họa nhân vật một cách chân thực, sinh động.

- Ngôn từ trong sáng, hình ảnh gần gũi, quen thuộc của người dân miền Tây Nam Bộ.

* Nêu ý nghĩa của hình tượng nhân vật:

- Thông qua nhân vật An, tác giả muốn bày tỏ tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống vùng Nam Bộ.

3. Kết bài:

- Khái quát và đánh giá về nhân vật.

2. Dàn ý phân tích đặc điểm nhân vật An

Để viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật An sao cho đúng, các em cần sử dụng dẫn chứng được trích ra từ tác phẩm nghệ thuật, kĩ năng sử dụng ngôn từ để viết bài văn nghị luận đúng, làm sáng tỏ được vẫn đề, có sức thuyết phục cao.

Mở bài: Đặt vấn đề: Giới thiệu nhân vật An trong văn bản “Đi lấy mật” của nhà văn Đoàn Giỏi.

Thân bài: Phân tích chi tiết nhân vật An.

Đoạn 1: Giới thiệu khái quát về An trong lần đầu đi “ăn ong”

- An lại là lần đầu tiên được tham gia hành trình “ăn ong”.

- Là cậu bé khá nhanh nhẹn, vô tư hồn nhiên.

- Chưa biết gì về việc “ăn ong”.

- Trạng thái ngơ ngác, bỡ ngỡ háo hức mong đợi tìm câu trả lời cho câu hỏi cách “ăn ong” như thế nào?

Đoạn 2: Cảm nhận của An về rừng U Minh và việc đi “ăn ong”

- Cảm nhận nhận rừng U Minh bằng cả thính giác, thị giác để cảm nhận cái yên ắng, tĩnh mịch.

- Tất cả đều cho An một cảm giác mới lạ mà có lẽ nếu không tham gia hành trình này, cậu sẽ chẳng có cơ hội mà biết được những điều thú vị ấy.

- Tâm hồn trong sáng, thích khám phá khiến cậu không khỏi reo lên khi thấy bầy chim đẹp…”.

- Trong suốt hành trình là sự đan xen giữa những điều má nuôi đã dạy về bầy ong và những gì cậu đang được trải nghiệm.

- Sau một chặng đường mệt mỏi, cậu vui vẻ reo lên và đúc kết ra những điều quý giá để có thể nhìn thấy được bầy ong mật.

- An có khả năng quan sát rất tinh tế.

Kết bài: Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật khi xây dựng nhân vật An.

- Ngôn ngữ đối thoại, độc thoại nội tâm kết hợp với những câu văn miêu tả gợi hình, gợi cảm.

- Giúp bạn đọc trên mọi miền cả nước cảm nhận được vẻ đẹp của miền sông nước, của một miền cảnh sắc của một vùng tổ quốc.

- Giúp các bạn nhỏ mong muốn được khám phá những vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước.

3. Phân tích nhân vật An ngắn gọn

Mỗi nhân vật bước ra từ tác phẩm đều để lại trong lòng độc giả những giá trị sâu sắc, giúp họ cảm nhận được cuộc sống thật đa dạng, phong phú rất đáng để chúng ta quan tâm, khám phá. An trong “Đi lấy mật” của nhà văn Đoàn Giỏi là một trong những nhân vật như thế.

Bằng chính những điều chưa biết về miền sông nước U Minh lại tham gia hành trình đi lấy mật đã dẫn dắt người đọc được dịp khám phá một vùng đất mới với bao điều thú vị. Khi Cò đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc vào rừng “ăn ong” và quen với cảnh rừng U Minh thì An lại là lần đầu tiên được tham gia. Ấn tượng đầu tiên về An là cậu bé khá nhanh nhẹn, vô tư hồn nhiên “ Tôi đã chen vào giữa quảy tòn ten một cái gùi bé”. Dường như cậu tham gia vào hành trình, khám phá khu rừng và công việc “ăn ong” nhưng chưa hề biết gì về điều đó bởi trong sách giáo khoa không có, kiến thức khoa học tự nhiên chỉ giới thiệu chung chung về xã hội loài ong khiến cậu tham gia với trạng thái ngơ ngác, bỡ ngỡ háo hức mong đợi tìm câu trả lời cho câu hỏi cách “ăn ong” như thế nào?

Từ câu hỏi của Cò : “Đố mày biết con ong mật là con nào?” đã giúp An chìm vào khoảng không tĩnh lặng của khu rừng U Minh. Cậu cảm nhận không gian nơi đây bằng cả thính giác, thị giác để cảm nhận cái yên ắng, tĩnh mịch. “Một tiếng lá rơi lúc này cũng có thể khiến người ta giật mình” rồi những chấm đen không nhúc nhích, bông hoa súng, con chuồn chuồn, con mối cánh… tất cả đều cho An một cảm giác mới lạ mà có lẽ nếu không tham gia hành trình này, cậu sẽ chẳng có cơ hội mà biết được những điều thú vị ấy. Tâm hồn trong sáng, thích khám phá khiến cậu không khỏi reo lên khi thấy bầy chim đẹp…”. Trong suốt hành trình là sự đan xen giữa những điều má nuôi đã dạy, về bầy ong và những gì cậu đang được trải nghiệm và đôi khi cậu lặng im vì nghĩ rằng: “Nếu hỏi gì thì bị khinh bởi cái gì cũng không biết”. Sau một chặng đường mệt mỏi, cậu vui vẻ reo lên và đúc kết ra những điều quý giá để có thể nhìn thấy được bầy ong mật. Bên cạnh đó, An có khả năng quan sát rất tinh tế.

Bằng ngôn ngữ đối thoại, độc thoại nội tâm kết hợp với những câu văn miêu tả gợi hình, gợi cảm đặc biệt qua con mắt của bé An- cậu bé nghịch ngợm nhưng lại ham học hỏi và thích khám phá, rừng U Minh hiện lên thật hoang sơ, hùng vĩ. Giúp bạn đọc trên mọi miền cả nước cảm nhận được vẻ đẹp của miền sông nước, của một miền cảnh sắc của một vùng tổ quốc. Giúp các bạn nhỏ mong muốn được khám phá những vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước. Thêm yêu quý, tự hào về mảnh đất, con người Việt Nam.

4. Phân tích nhân vật An trong đoạn trích Đi lấy mật ngắn nhất

Đi lấy mật là một đoạn trích từ tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi kể về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An, bối cảnh của tiểu thuyết là vùng đất miền Tây Nam Bộ, nơi có những con người mến khách, yêu nước. Qua đoạn trích đi lấy mật, tác gia đã cho người đọc cảm nhận được về cậu bé An là một con người hồn nhiên, trong sáng và rất ham học hỏi.

An là nhân vật chính, cũng đóng vai là người kể chuyện. Cậu đã được nhà văn khắc họa qua nhiều phương diện khác nhau. Trong hành trình đi lấy mật cùng với tía nuôi và Cò, An đã có được một nhiều nghiệm thú vị. Trước hết, An cũng giống như bao đứa trẻ khác, nghịch ngợm nên đã có những hành động như: “Chen vào giữa, quảy tòn ten một cái gùi bé”; “Đảo mắt khắp nơi để tìm bầy ong mật”; “Reo lên khi nhìn thấy bầy chim đẹp”; “Ngước nhìn tổ ong như cái thúng… ”. Qua những hành động này, có thể thấy An là một đứa trẻ khá hiếu động và nghịch ngợm.

Hồn nhiên là vậy nhưng An vẫn biết suy nghĩ, ham tìm hiểu. Cậu luôn nhớ về lời má nuôi dạy, về cách lấy mật, lời thằng Cò nói về cách xem ong, về sân chim. Khi nghe má nuôi dạy cách lấy mật, nếu không hiểu gì, An lại hỏi ngay: “Sao biết nó về cây này mà gác kèo”, “Kèo là gì, hở má?”, “Coi bộ cũng không khó lắm hở má?”, “Ủa, tại sao vậy má?”... Bên cạnh đó, không chỉ tinh nghịch và ưa khám phá, cậu còn có con mắt quan sát thật tinh tế và sâu sắc. Dưới con mắt của An, cảnh rừng U Minh hiện lên sống động và hoang sơ, trù phú: “Buổi sáng, đất rừng yên tĩnh”, còn “ánh sáng trong vắt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tràm rung rung, khiến ta nhìn cái gì cũng giống như là nó bao qua một lớp thủy tinh”. Điều này cho thấy, An là một cậu bé có tinh tế, biết phát hiện ra những cái đẹp của thiên nhiên.

Qua đoạn trích đi lấy mật, tất cả những chi tiết từ câu chuyện của mẹ đã cho ta thấy An là một cậu bé ngoan ngoãn, ham học hỏi, thích quan sát và yêu thiên nhiên.

5. Phân tích đặc điểm nhân vật An trong Đi lấy mật - mẫu 1

Đoạn trích "Đi lấy mật" được trích trong tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi. Thông qua câu chuyện ba cha con vào rừng đi lấy mật, tác giả đã làm nổi bật hình tượng nhân vật An với nhiều phẩm chất trong sáng, tốt đẹp.

Trước hết, An là một cậu bé yêu thiên nhiên và có những quan sát vô cùng tinh tế. Dưới con mắt của An, rừng núi U Minh hiện lên với vẻ hoang sơ, kì vĩ song cũng rất thơ mộng, trữ tình. Trên đường đi lấy mật, cậu luôn chăm chú, để ý khung cảnh xung quanh. Bằng cách sử dụng ngôi kể thứ nhất, bức tranh thiên nhiên rừng U Minh được thu vào đôi mắt hồn nhiên của An. Các đoạn văn miêu tả như những thước phim quay chậm vô cùng sống động, sắc nét. An đưa mắt quan sát ở trên cao với hình ảnh bầu trời "Ánh sáng trong vắt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tràm rung rung, khiến ta nhìn cái gì cũng có cảm giác như nó là bao qua một lớp thủy tinh.". Cậu tiếp tục cảm nhận thiên nhiên bằng khứu giác, xúc giác, thị giác: "ăn xong, bấy giờ bóng nắng mới bắt đầu lên. Gió cũng bắt đầu thổi rao rao theo với khối mặt trời tròn đang tuôn ánh sáng vàng rực xuống mặt đất. Một làn hơi đất nhè nhẹ tỏa lên, phủ mờ những bụi cây cúc áo, rồi nhè nhẹ tan dần theo hơi ấm mặt trời.",... Màu sắc, đặc điểm của sự vật, hiện tượng được miêu tả chi tiết cho thấy sự nhạy cảm trong tâm hồn của nhân vật An.

Tiếp đến, An rất ham học hỏi, tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Lần đầu tiên, An được theo tía nuôi vào rừng lấy mật. Trên quãng đường đi, An luôn nhớ lại những lời má nuôi kể về cách gác kèo ong như thế nào. Thậm chí, An đã có những so sánh giữa việc học trong sách với thực tiễn bên ngoài. Cậu nhận ra việc học trong sách giáo khoa chỉ có những khái niệm chung chung về loài ong, không giống như cách má nuôi bảo. Qua đoạn trích An nhớ lại những lời má nuôi kể, ta có thể thấy cậu đặt ra rất nhiều những câu hỏi thể hiện sự tò mò và mong muốn tìm hiểu thế giới xung quanh. Cuối cùng, cậu đã đúc kết ra được sự khác biệt trong cách "thuần hóa" ong rừng của người dân vùng U Minh so với những cách nuôi ong trên thế giới: "Không có nơi nào, xứ nào có kiểu tổ ong hình nhánh kèo như vùng U Minh này cả.".

Có thể thấy, nhà văn Đoàn Giỏi đã xây dựng thành công nhân vật An thông qua lời nói, hành động cụ thể kết hợp với ngôi kể thứ nhất. Qua nhân vật An, tác giả đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người sâu sắc và ngợi ca tâm hồn trong sáng của trẻ thơ.

6. Phân tích đặc điểm nhân vật An trong Đi lấy mật - mẫu 2

Trong đoạn trích "Đi lấy mật" (từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam"), nhà văn Đoàn Giỏi đã khắc họa thành công nhân vật cậu bé An. An hiện lên với những đặc điểm, phẩm chất tốt đẹp khiến người đọc không thể quên.

Trước tiên, An là cậu bé yêu thiên nhiên và có những quan sát, cảm nhận vô cùng tinh tế. Dưới đôi mắt hồn nhiên, trong veo của An, bức tranh thiên nhiên rừng U Minh được miêu tả một cách chân thực, sắc nét như những thước phim quay chậm. Cậu bé quan sát cảnh vật ở trên cao thấy "Rồi một đàn mười mấy con bay nối nhau như một xâu chuỗi hạt cườm, trong những tầng xanh cây lá, có một cái chấm nâu đen cỡ đầu đũa vụt qua rất nhanh. Trên những ngọn tràm cao, đang lướt qua một đàn li ti như nắm trấu bay, phát ra những tiếng kêu eo...eo... ". Dường như, An huy động mọi giác quan để cảm nhận cho được cái ánh sáng trong vắt, gợn chút óng ánh trên những đầu hoa tràm rung rung trong gió. Khung cảnh hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng qua đôi mắt trẻ thơ thật đỗi thơ mộng, trữ tình.

Tiếp đó, An vô cùng ham học hỏi, muốn tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Cậu luôn nhớ về những lời má nuôi kể về cách gác kèo trong suốt hành trình "ăn ong". Thậm chí, An còn có sự so sánh giữa kiến thức học được trong sách vở với thực tế bên ngoài. An nhận thấy học trong sách vở chỉ dừng lại ở các khái niệm chung chung trong khi kinh nghiệm thực tiễn lại thú vị, chi tiết hơn rất nhiều. Cuối cùng, cậu tự đúc kết ra được những khác biệt trong cách "thuần hóa" ong rừng giữa người dân vùng U Minh với những nơi khác trên thế giới: "Theo như lời thầy giáo của tôi bảo, người La Mã xưa kia nuôi ong trong những cái tổ bằng đồng hình chiếc vại, có đục thủng nhiều hàng lỗ con vòng quanh miệng, quanh đáy. [...] Không có nơi nào, xứ nào có kiểu tổ ong hình nhánh kèo như vùng U Minh này cả.". Lời kết luận chắc nịch của An cho thấy quá trình quan sát, tìm tòi, học hỏi của cậu trong thời gian dài.

Ngoài ra, ta còn thấy được thái độ lễ phép, ngoan ngoãn của An đối với tía, má nuôi. An luôn ghi nhớ mọi kiến thức, kinh nghiệm quý báu mà má, tía truyền lại. Từ đó, cậu học được cách đoán hướng gió, xác định chỗ gác kèo và "tính trước được đường bay của ong mật".

Bằng ngôn từ gần gũi, giản dị, hình ảnh trong sáng, quen thuộc, nhà văn đã khắc họa nhân vật An thành công. Ngôi kể thứ nhất đã góp phần lột tả tâm tư, tình cảm của An, đồng thời phô diễn những nét đẹp độc đáo của thiên nhiên, con người, cuộc sống vùng Nam Bộ.

Thông qua lời nói, hành động cụ thể, cậu bé An hiện lên vô cùng chân thực, rõ nét. Có thể nói, hình tượng cậu bé An trở thành phương tiện nghệ thuật độc đáo giúp nhà văn Đoàn Giỏi bộc lộ tình yêu thiên nhiên, trân trọng cuộc sống, con người.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
116 60.047
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm