Chuyên đề nghị luận về một vấn đề đời sống (trình bày ý kiến tán thành)

Chuyên đề nghị luận về một vấn đề đời sống (trình bày ý kiến tán thành) là những hướng dẫn chi tiết và cụ thể giúp các em học sinh nắm được những vấn đề cơ bản nhất cần có khi làm một bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề trong đời sống. Sau đây là chi tiết hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống lớp 7 ý kiến tán thành có kèm theo dàn ý và các bài văn mẫu cụ thể giúp các em nắm kiến thức tốt hơn.

Hướng dẫn làm bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống lớp 7

Yêu cầu chung:

Khi viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống theo hướng trình bày ý kiến tán thành cần phải được đặt trên cơ sở những nguyên tắc ứng xử và nền tảng đạo lí thích hợp, cũng như sức thuyết phục của ý kiến tùy thuộc vào những lí lẽ và bằng chứng được sử dụng.

Yêu cầu:

- Nêu được vấn đề và ý kiến cần bàn luận.

- Trình bày được sự tán thành với ý kiến cần bàn luận.

- Đưa ra được những lí lẽ rõ ràng và bằng chứng đa dạng để chứng tỏ sự tán thành là có căn cứ.

Thực hành viết theo các bước

Trước khi viết

Lựa chọn đề tài

Trong cuộc sống hằng ngày có biết bao nhiêu vấn đề gợi những cách nhìn nhận, đánh giá đa chiều và được thể hiện bằng những ý kiến khác nhau. Để lựa chọn đề tài cho bài viết, em có thể tham khảo các vấn đề sau và hình dung từ các vấn đề đó, nảy sinh các ý kiến đúng đắn cần thể hiện sự tán thành.

Ví dụ:

- Sự tự lập trong cuộc sống.

- Không nên tự cao tự đại.

- Ghen tị là thói xấu.

- Có thất bại mới thành công.

- Ham mê trò chơi điện tử sẽ không tốt.

- Dùng đồ nhựa tiện ích và tác hại

- Em có đồng ý với quan niệm từ câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”.

- Em đồng ý với lời dạy của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi.

Tập hợp những hiểu biết từ sách báo và đời sống thực tế. Chọn đề tài em thực sự am hiểu và có hứng thú thì việc viết bài mới thuận lợi.

Tìm ý

Sau khi xác định được vấn đề, cần tiến hành tìm ý bằng cách tự trả lời một số câu hỏi:

- Vấn đề gì được nêu ra bàn luận?

Phần mở bài, vấn đề cần bàn luận cần đưa ra một cách rõ ràng.

- Vấn đề gợi ra cách hiểu nào?

Một vấn đề có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Đưa ra những cách hiểu như vậy để nhìn nhận nhiều chiều về vấn đề, có cơ sở hiểu được cách hiểu nào là có lí.

- Ý kiến nào đáng quan tâm nhất?

Trong các ý kiến đưa ra để đối sánh, có những ý kiến tác động tích cực đến nhiều người.

- Vì sao bày tỏ thái độ tán thành?

Đây là điều phải được nói rõ, dứt khoát trong bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (trình bày ý kiến tán thành)

- Những lí lẽ và bằng chứng nào cần đưa ra để chứng tỏ sự tán thành là xác đáng?

Trong quá trình tìm ý, các câu hỏi này nhắc nhở em cần phải nêu được những lí lẽ và bằng chứng cụ thể để ý kiến tán thành có sức thuyết phục.

Lập dàn ý

Mở bài:

Nêu lí do muốn chia sẻ vấn đề đời sống cần bàn luận trong bài nghị luận (bày tỏ thái độ tán thành)

Thân bài:

- Vấn đề gợi ra cách hiểu nào?

- Vì sao bày tỏ thái độ tán thành?

- Những lí lẽ và bằng chứng nào cần đưa ra để chứng tỏ sự tán thành là xác đáng?

+ Ý 1: Khía cạnh thứ nhất cần tán thành (lí lẽ, bằng chứng).

+ Ý 2: Khía cạnh thứ hai cần tán thành (lí lẽ, bằng chứng).

+ Ý 3: Khía cạnh thứ ba cần tán thành (lí lẽ, bằng chứng).

+ ...

- Bàn luận mở rộng.

- Bài học nhận thức và hành động.

Kết bài:

Rút ra ý nghĩa của ý kiến được tán thành.

Lưu ý:

- Lí lẽ phong phú, xác đáng để giúp người đọc hiểu được vì sao em lại có ý kiến như vậy.

- Bằng chứng đa dạng, thuyết phục để có thể làm sáng tỏ lí lẽ.

- Các lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp thep một trình tự hợp lí.

Viết bài

Mở bài:

Có thể mở bài trực tiếp hoặc mở bài gián tiếp. Dù mở bài theo cách nào cũng cần ngắn gọn, hấp dẫn, thu hút sự chú ý người đọc.

Thân bài:

- Làm rõ các khía cạnh cơ bản của vấn đề, giới thiệu ý kiến và sự cần thiết của việc bàn luận, đánh giá về ý kiến đó.

- Khẳng định rõ ràng, rứt khoát thái độ tán thành ý kiến.

- Tuần tự triển khai từng ý, sử dụng lí lẽ và huy động bằng chứng để sự tán thành ý kiến có sức thuyết phục. Mỗi ý cần được viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh, giữa các đoạn có sự liên kết chặt chẽ. Các ý phải tập trung vào chủ đề là vấn đề trong đời sống mà em đang bàn luận.

- Cần sử dụng các câu chuyện từ thực tế, các trích dẫn từ sách báo hoặc kinh nghiệm từ người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm sống để tăng sức thuyết phục cho bài viết.

- Cần sử dụng từ ngữ có chức năng chuyển ý để tạo sự liên kết trong bài.

Kết bài

Khẳng định lại sự tán thành ý kiến, nêu tác dụng của ý kiến đó đối với cuộc sống.

Chỉnh sửa bài viết

Nội dung rà soát

Hướng dẫn chỉnh sửa

Ý kiến vấn đề đời sống đã nêu rõ ràng chưa

Nêu ý kiến chưa nêu rõ trong phần mở bài thì phải bổ sung

Đã khẳng định được sự tán thành ý kiến chưa?

Nếu sự tán thành ý kiến thể hiện chưa rõ thì phải chỉnh sửa về cách diễn đạt.

Việc tán thành ý kiến đã có sức thuyết phục chưa? Lí lẽ và bằng chứng được nêu có phù hợp với nội dung nghị luận không?

Bổ sung, thay đổi nếu thấy lí lẽ và bằng chứng chưa làm cho sự tán thành đủ sức thuyết phục.

Đã rút ra được ý nghĩa của việc tán thành ý kiến chưa?

Bổ sung nếu thấy ý nghĩa của việc tán thành ý kiến còn mờ nhạt.

Việc sử dụng từ ngữ, câu văn, cách liên kết các câu trong đoạn và các đoạn trong bài đã đạt yêu cầu chưa?

Chỉnh sửa những lỗi về từ ngữ, ngữ pháp, bổ sung từ ngữ liên kết nếu thấy giữa các câu, các đoạn còn rời rạc.

Bảng kiểm bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống

Các phần của bài viết

Nội dung kiểm tra

Đạt

Chưa đạt

Mở bài

Giới thiệu được vấn đề cần bàn luận.

Nếu được ý kiến tán thành cần bàn luận.

Thân bài

Giải thích những từ ngữ quan trọng (nếu có) và ý nghĩa câu tục ngữ, danh ngôn cần bàn luận.

Nêu được ít nhất hai lí lẽ thuyết phục, chặt chẽ để làm rõ ý kiến.

Nêu được bằng chứng đa dạng, thuyết phục để củng cố cho lí lẽ.

Sắp xếp các lí lẽ, bằng chứng theo một trình tự hợp lí

Lật lại vấn đề, bổ sung ý kiến để cách nhìn vấn đề thêm toàn diện.

Sử dụng các từ ngữ có chức năng chuyển ý

Kết bài

Khẳng định lại ý kiến của mình

Đề xuất giải pháp, bài học nhận thức và phương hướng hành động

Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về một sự việc hiện tượng mà em tán thành trong cuộc sống

Nghị luận câu nói Có công mài sắt có ngày nên kim

Mở bài

Nếu như ca dao là dòng nước trong lành tưới mát, nuôi dưỡng tâm hồn con người thì tục ngữ chính là "túi khôn dân gian", là kho tàng tri thức quý báu mà mỗi người dân Việt Nam vẫn luôn trân trọng và học hỏi. Trong cuộc sống, không có một thành công nào tự nhiên mà có. Tất cả những thành quả tốt đẹp đều được nảy nở từ những tháng ngày cố gắng rèn luyện không ngừng. Sự cố gắng, kiên trì bền bỉ ấy được nhân ta đúc kết trong câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” quả thật rất đúng đắn. Tôi hoàn toàn tán thành với chân lí được gửi gắm qua câu tục ngữ.

Thân bài

Câu tục ngữ xuất phát tự một câu chuyện ngụ ngôn nọ. Khi mà một cậu bé đang đi trên đường, thấy một bà cụ đang lúi húi làm gì đó. Được hỏi, bà cụ trả lời rằng đang mài sắt thành kim. Cậu bé ngạc nhiên và không tin. Ngày qua ngày, có một lần cậu bé lại quay trở lại. Thanh sắt to hôm nào đã biến thành một cây kim nhỏ xíu rồi. Cậu bé rất khâm phục bà cụ và đã hiểu ra một điều: thì ra chỉ cần kiến trì và cố gắng, không bỏ cuộc thì một ngày chúng ta cũng sẽ đạt được thành công và những điều ta mong muốn. Đó chính là sức mạnh của sự kiên trì, nhẫn nại. Có thể thấy rằng, một chiếc kim bé nhỏ, nhìn có vẻ tầm thường nhưng lại tiêu tốn rất nhiều công sức của người lao động. Từ đó chúng ta có thể suy rộng ra, nếu muốn thành công thì cần phải biết cố gắng, nỗ lực và kiên trì. Có chịu khó rèn luyện, cố gắng vươn lên thì chúng ta mới vượt qua được gian lao thử thách để hoàn thành công việc được giao, cho dù là những việc nhỏ bé nhất.

Câu tục ngữ soi rọi vào cuộc sống, chúng ta mới thấm nhuần tính đúng đắn và ý nghĩa lớn lao của nó. Để đạt được thành công, con người cần phải kiên trì, nỗ lực học hỏi, biết giải quyết mọi khó khăn và tiến lên phía trước. Hẳn nhiều người Việt Nam chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện “Rùa và Thỏ”. Với ý chí và lòng quyết tâm cao độ, chú Rùa chậm chạp đã chiến thắng Thỏ trong cuộc thi chạy. Qua đó ta cũng có thể thấy rằng, những kẻ chủ quan, ỷ lại mình có tài mà không chịu cố gắng, không chịu nỗ lực thì cuối cùng kết quả chỉ là thất bại mà thôi.

Trong suốt những chín năm kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) ròng rã, cũng chính nhờ lòng kiên trì nhẫn nại, chịu đựng gian khổ, thiếu thốn mà nhân dân ta đã làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy: “Chín năm làm một Điên Biên/ Nên vàng hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Tố Hữu). Cũng không lâu sau đó, nhân dân ta lại phải tiếp tục trường kì kháng chiến chống Mỹ, bền bỉ đấu tranh, cuối cùng cũng đã “đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào” và toàn thắng đã về ta, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Cũng như vậy, có rất nhiều công trình khoa học lớn nhỏ ra đời đâu phải chỉ nhờ tài năng mà phần lớn còn phải nhờ lòng nhẫn nại và sự kiên trì của con người. Từ những hạt thóc giống quý báu đem từ Nhật về, Giáo sư Lương Đình Của phải mất hàng chục năm, trải qua hàng ngàn thí nghiệm lai tạo mới cho ra được những giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam và cho năng suất cao.

Trên thế giới, hai vợ chồng nhà bác học Pi-e Quy-ri và Ma-ri Quy-ri đã miệt mài nghiên cứu, kì công lọc đi lọc lại tám tấn quặng chỉ để tìm ra 0,1 gam chất phóng xạ Ra-đi-um, giúp khai phá một nền khoa học có sức mạnh vô cùng ghê gớm khi đem phục vụ lợi ích hoà bình nhân loại.

Còn rất rất nhiều ví dụ khác nữa mà chúng ta có thể thấy rằng sự kiên trì, nỗ lực vươn lên sẽ giúp chúng ta có được những thành công tốt đẹp. Và câu tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim” cho đến hôm nay vẫn còn là một kinh nghiệm rèn luyện bản thân vô cùng quý giá.

Tại sao không thể cố gắng và thử một lần? Bài học về sự nhẫn nại và kiên trì đến bây giờ vẫn chưa thôi giá trị. Đặc biệt trong cuộc sống hiện đại, giới trẻ ngày càng được bao bọc và chở che quá nhiều dễ sinh ra lười nhác và không chịu cố gắng. Đó là một mối lo của đất nước. Nhưng nếu cứ cố gắng một cách mù quáng, không biết điểm dừng cho việc của mình, đó cũng không phải điều tốt.

Từng ngày rèn luyện, chăm chỉ, như cây xanh đang ngày đêm hút dinh dưỡng và trưởng thành, đến một lúc ta sẽ thấy mình khác trước rất nhiều. Nếu không biết cố gắng và nỗ lực, chúng ta chỉ mãi là người đi phía sau và bị bỏ lại mà thôi. Nếu có ý định sợ khó, ngại khổ mà bỏ cuộc giữa chừng, không thể cố gắng vì lý tưởng của mình thì càng đáng buồn hơn. Cuộc sống có mấy lần ta được sống là mình, sống cho mình.

Kết bài

Lời khuyên của cha ông là bài học vào đời quý giá. Trước khi bắt tay vào công việc; trước khi từ bỏ ước mơ hoài bão của mình, ta hãy nghĩ tới thanh "sắt" và cây "kim". Chúng ta phải biết tự rèn luyện ý chí và nghị lực, rèn luyện đức tính kiên trì mới mong đạt tới thành công.

Nghị luận về ý kiến Dùng đồ nhựa một lần tiện nhưng không lợi

Mở bài

Những chiếc túi nilon, chai nhựa, hộp nhựa, ống hút nhựa… đang là lựa chọn hàng đầu. Hầu hết người dùng ưa thích bởi chúng rất tiện dụng. Tuy nhiên, những rác thải này có thể tồn tại hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, trở thành mối đe dọa không chỉ đối với môi trường, hệ sinh thái mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến: Dùng đồ nhựa một lần tiện nhưng không lợi

Thân bài

Hiện nay, những chiếc túi nilon đã trở thành vật dụng quen thuộc, không thể thiếu trong mỗi gia đình. Từ việc đựng đồ cho đến đi chợ, mua bán,... Với ưu điểm bền chắc, tiện dụng, giá thành thấp, loại vật liệu này nhanh chóng “phủ sóng” trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với túi nilon thì đồ nhựa dùng một lần cũng được nhiều người ưa chuộng.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau cái “tiện” ấy là cả một câu chuyện dài chưa có hồi kết, không chỉ gây tác hại đến sức khỏe của con người mà còn là tác nhân đe dọa môi trường sống của cả nhân loại. Trên thế giới: Năm 2050, ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển sẽ nhiều hơn cá (tính theo trọng lượng); sử dụng 500 tỷ túi nhựa mỗi năm; thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, đủ để trải quanh Trái đất 4 lần. Còn tại Việt Nam: Hằng tháng, trung bình mỗi gia đình sử dụng 1kg túi nilon; xả khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa mỗi ngày; Việt Nam là một trong năm quốc gia xả chất thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới. Tại tỉnh Bắc Kạn: Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Bắc Kạn trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng trên 30 tấn rác thải, chủ yếu là rác thải nhựa.

Sau khi sử dụng, rác thải nhựa được vứt vào thùng rác, sau đó được đưa đến các địa điểm xử lý, tái chế. Một phần người dân mang đi đốt. Đáng lo ngại là việc đốt rác theo cách thủ công sẽ thải ra khí đi-ô-xin, khí CO, khí furan… Đây là chất đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Mang đi chôn lấp cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi túi nilon rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chỉ cần một giây để vứt bỏ, nhưng quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng Mặt Trời. Túi nilon lẫn vào đất sẽ gây xói mòn, làm cho đất bạc màu. Nhiều người chọn cách vứt ra những bãi rác lộ thiên, chân cầu, ven đường, sông, suối. Từ sông suối, rác đổ ra biển và từ biển rác lại được trả lại cho con người. Vào tháng 3/2019, tại một vùng biển của Philippines phát hiện một con cá voi chết thảm vì nuốt phải 40 kg rác thải nhựa.

Việc sản xuất túi nilon sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu mỏ và khí đốt, các chất phụ gia là chất hoá dẻo, kim loại nặng, phẩm màu. Đó là những chất cực kỳ nguy hiểm tới sức khoẻ và môi trường sống của con người. Đây thực sự đã trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe, tính mạng con người. Theo một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra, mỗi người nuốt trung bình 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm. Khi sử dụng túi nilon để đựng thực phẩm sẽ làm cho thực phẩm nhiễm các chất phụ gia có trong túi nilon gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ngoài ra, khi thải bỏ các túi nilon chứa các vi khuẩn gây hại có thể làm phát sinh, lây lan các dịch bệnh trong cộng đồng.

Những hiểm họa từ rác thải nhựa mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, cho đến nay con người chưa có các loại vật liệu khác để thay thế hoàn toàn. Để giảm thiểu rác thải nhựa, cần tăng cường tái chế, tái sử dụng. Thực hiện tốt công tác truyền thông để người dân tự phân loại rác, thay đổi thói quen sử dụng, hạn chế dùng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon,.... Có thể thay thế bằng lá dong, lá chuối, túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy hay những vật liệu khác thân thiện hơn với môi trường.

Thực trạng trên đặt ra vấn đề về sự cần thiết phải giảm thiểu rác thải nhựa, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cùng phấn đấu thực hiện mục tiêu: các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Kết bài

Việc dùng túi nilon, đồ nhựa... là một trong những phát kiến quan trọng của nhân loại, làm thay đổi hàng loạt những thói quen của con người bởi sự tiện dụng của nó. Tuy nhiên, sự thay đổi tích cực đó, nay đã trở thành thói quen, khiến con người lệ thuộc vào thói quen đó, thì nó đang quay trở lại để tàn phá môi trường sống, sức khỏe của con người. Nó thực sự “tiện” nhưng không “lợi” khi con người đã quá lạm dụng.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
17 6.577
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm