(Mới cập nhật) Nghị luận có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích siêu hay

Nghị luận có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích. Đây là một trong số các đề tham khảo trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập 2 Kết nối tri thức trang 69 khi các em học bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối). Sau đây là dàn ý có thể bỏ qua một số môn chỉ nên học những môn mình yêu thích kèm theo một số bài văn mẫu sẽ giúp các em có thêm ý tưởng khi viết bài.

Để viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống lớp 7 sao cho đúng thì trong nội dung bài viết các em cần phải nêu được một quan niệm về vấn đề bàn luận, bài viết phải thể hiện sự tán thành của người viết về quan niệm đã nêu, sự tán thành phải được thể hiện bằng những lí lẽ và bằng chứng cụ thể, có sức thuyết phục. Với đề bài Có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích, các em có thể tham khảo các gợi ý làm bài dưới đây của Hoatieu để nắm được cách viết bài sao cho đúng.

1. Dàn ý có thể bỏ qua một số môn chỉ nên học những môn mình yêu thích

Dàn ý có thể bỏ qua một số môn chỉ nên học những môn mình yêu thích

2. Dàn ý có thể bỏ qua một số môn chỉ nên học những môn mình yêu thích (chuẩn)

Để nắm được cách viết bài văn nghị luận có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích trong chương trình Ngữ văn 7 tập 2 Kết nối tri thức, các em có thể tham khảo mẫu dàn ý nghị luận có thể bỏ qua một số môn chỉ nên học những môn mình yêu thích chuẩn dưới đây để nắm được các luận điểm chính cần triển khai để bài viết sáng tỏ được ý kiến cần bàn luận.

Mở bài:

- Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề: Đi từ thực tế trong nhà trường cần học nhiều môn học, có những môn HS thích, cũng có những môn HS không thích…..

- Nêu vấn đề: Vậy mà có ý kiến cho rằng: Có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích, vậy ý kiến này đúng sai ra sao, đó là câu hỏi mà chúng ta cần thiết phải đi tìm câu trả lời.

Thân bài:

1. Thực tế các môn học mà học sinh cần học trong nhà trường hiện nay

- Các môn Toán học, Ngữ văn, Tiếng Anh là những môn học được học sinh quan tâm khá nhiều

- Các môn thuộc tổ hợp khoa học xã hội: Giáo dục công dân, Địa lý, Lịch sử

- Tổ hợp khoa học tự nhiên: Hoá học, Vật lý, Lịch sử; và các môn học khác

2. Tại sao trong nhà trường lại đưa vào nhiều môn học? (Ý nghĩa của mỗi môn học là gì?)

- Toán học: giúp học sinh rèn luyện tư duy nhạy bén, tăng cường trí nhớ và khả năng suy luận logic.

- Ngữ văn: học sinh sẽ hiểu hơn về mọi mặt cuộc sống, về tình người; hơn nữa học Văn còn giúp ta có cách diễn đạt, thể hiện tình cảm sâu sắc, hàm súc hơn thông qua các hình tượng nghệ thuật.

- Môn Tiếng Anh: thứ ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới, nhất là trong thời buổi toàn cầu hoá, nhu cầu giao tiếp giữa mọi người thuộc mọi quốc gia là bắt buộc. Ngoài ra còn rất nhiều môn học khác cũng vô cùng ý nghĩa.

3. Nếu chỉ học một số môn mình yêu thích, bỏ qua một số môn, điều gì sẽ xảy ra?

- Tình trạng học lệch và có suy nghĩ chỉ chú trọng vào những môn mình yêu thích mà bỏ qua những môn học khác

- Khi học đều các môn, tri thức của người học sẽ được phát triển một cách đồng đều và toàn diện.

- Khi học lệch, kiến thức của họ sẽ bị hổng khá lớn, dẫn đến tư duy lệch lạc sau đó sẽ là lệch lạc trong lối sống.

- Họ có thể trở thành những nhà khoa học giỏi nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, không có khả năng nói trước đám đông, giao tiếp kém nên có thể sẽ không có cơ hội để phát huy những kiến thức mà mình giỏi

- Học lệch ảnh hưởng lớn đến thế hệ được coi như là mầm non tương lai của đất nước.

4. Bằng chứng? (Lấy ví dụ về tác hại của việc học lệch môn)

- Chỉ chú tâm vào học những môn các em cho là môn học chính như Toán, Ngữ văn, Tiếng anh mà khi kì thi khảo sát yêu cầu thi thêm những môn như Hoá học, Vật lí, các em đã bị hổng kiến thức ngay từ ban đầu => kết quả thi vô cùng thấp, ảnh hưởng đến kết quả học tập chung của bản thân

- Khi bước vào Đại học, những bạn học sinh đó mới thấy được rõ tác hại của việc học lệch, họ bị thiếu những kiến thức nền tảng, rất khó để nắm bắt và theo kịp những kiến thức mới mẻ và khó khăn hơn.

5. Khẳng định ý kiến, đưa ra quan điểm: Có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích, đây là quan điểm sai lệch, cần điều chỉnh

- Quan điểm trên là hoàn toàn sai, học lệch có thể sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc

6. Bài học

- Nếu muốn trở thành người thành công, hãy trau dồi cho mình một vốn kiến thức vững vàng về tất cả các lĩnh vực.

- Để giúp học sinh có hứng thú hơn với môn học, thầy cô và nhà trường nên đổi mới phương pháp dạy học

- Gia đình cũng nên khuyên bảo con em mình không nên học lệch và không đặt nặng áp lực cho các em để các em được phát triển một cách tốt nhất.

Kết bài:

- Khẳng định lại ý kiến của bản thân: học lệch đang là một vấn đề vô cùng phổ biến trong nền giáo dục của nước ta hiện nay

- Liên hệ bản thân: Là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, là thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta nên tập trung nghe giảng bài trên lớp của các môn học để nắm bắt kiến thức một cách tốt nhất.

Nghị luận có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích siêu hay

3. Nghị luận có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích siêu hay

Nền giáo dục ở nước ta hiện nay có thiên hướng tập trung khá nhiều về lí thuyết, có rất nhiều môn học được đưa vào chương trình giảng dạy, có những môn học gợi nhiều hứng thú học tập cho học sinh, nhưng cũng có những môn học sinh không thích. Bởi thế, có ý kiến cho rằng: “Có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích”, vậy ý kiến này đúng sai ra sao, đó là câu hỏi mà chúng ta cần thiết phải đi tìm câu trả lời.

Trước tiên, ta cần tìm hiểu chương trình giáo dục ở Việt Nam có những môn học bắt buộc nào. Các môn Toán học, Ngữ văn, Tiếng Anh là những môn học được học sinh quan tâm khá nhiều, bên cạnh đó là các môn thuộc tổ hợp khoa học xã hội: Giáo dục công dân, Địa lý, Lịch sử; tổ hợp khoa học tự nhiên: Hoá học, Vật lý, Lịch sử; và các môn học khác. Mỗi môn học mang lại ý nghĩa giúp người học trau dồi thêm vốn kiến thức về mọi mặt. Về môn toán học, học môn học này sẽ giúp học sinh rèn luyện tư duy nhạy bén, tăng cường trí nhớ và khả năng suy luận logic. Về môn Ngữ văn, học sinh sẽ hiểu hơn về mọi mặt cuộc sống, về tình người; hơn nữa học Văn còn giúp ta có cách diễn đạt, thể hiện tình cảm sâu sắc, hàm súc hơn thông qua các hình tượng nghệ thuật. Môn Tiếng Anh cũng trở thành môn học bắt buộc bởi đây là thứ ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới, nhất là trong thời buổi toàn cầu hoá, nhu cầu giao tiếp giữa mọi người thuộc mọi quốc gia là bắt buộc. Ngoài ra còn rất nhiều môn học khác cũng vô cùng ý nghĩa.

Mỗi môn học lại có những đặc điểm khác nhau, có những bạn thích môn xã hội vì không cần tính toán nhiều, một số lại thích môn tự nhiên vì không thích ghi chép nhiều, từ đó dẫn đến tình trạng học lệch và có suy nghĩ chỉ chú trọng vào những môn mình yêu thích mà bỏ qua những môn học khác. Đây là quan điểm vô cùng sai lệch. Bởi khi học đều các môn, tri thức của người học sẽ được phát triển một cách đồng đều và toàn diện. Còn khi học lệch, kiến thức của họ sẽ bị hổng khá lớn, dẫn đến tư duy lệch lạc sau đó sẽ là lệch lạc trong lối sống. Sau này họ có thể trở thành những nhà khoa học giỏi nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, không có khả năng nói trước đám đông, giao tiếp kém nên có thể sẽ không có cơ hội để phát huy những kiến thức mà mình giỏi. Học lệch ảnh hưởng lớn đến thế hệ được coi như là mầm non tương lai của đất nước. Đặc biệt, những môn học mà học sinh luôn coi nó là môn phụ như Thể dục, Mĩ thuật, Âm nhạc,…Ngày nay, học sinh hầu như không có hứng thú với môn Lịch sử nhưng họ không thể biết rằng môn học này vô cùng thú vị, giúp ta có vốn am hiểu về lịch sử nước nhà, ta thêm biết ơn những người anh hùng, thế hệ ông cha ta đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập cho chúng ta hôm nay. Và phải chăng vì học lệch, học sinh không coi trọng môn Toán nên kiến thức tính nhẩm chậm chạp, tất cả phụ thuộc vào máy tính, học Văn kém nên thiếu khả năng diễn đạt trôi chảy,…

Dẫn chứng về việc học lệch hiện nay rất nhiều. Vì chỉ chú tâm vào học những môn các em cho là môn học chính như Toán, Ngữ văn, Tiếng anh mà khi kì thi khảo sát yêu cầu thi thêm những môn như Hoá học, Vật lí, các em đã bị hổng kiến thức ngay từ ban đầu. Vì thế kết quả thi vô cùng thấp, ảnh hưởng đến kết quả học tập chung của bản thân. Khi bước vào Đại học, những bạn học sinh đó mới thấy được rõ tác hại của việc học lệch, họ bị thiếu những kiến thức nền tảng, rất khó để nắm bắt và theo kịp những kiến thức mới mẻ và khó khăn hơn.

Qua đó, ý kiến về việc chỉ nên học những môn học yêu thích là không đúng đắn. Mỗi chúng ta cần xác định cho mình học tập là quyền lợi và cảm thấy may mắn khi ta được học tập. Nếu muốn trở thành người thành công, hãy trau dồi cho mình một vốn kiến thức vững vàng về tất cả các lĩnh vực. Để giúp học sinh có hứng thú hơn với môn học, thầy cô và nhà trường nên đổi mới phương pháp dạy học, hãy truyền cho học sinh cảm hứng học tập, để các em thấy được ý nghĩa và cái hay, cái đẹp của môn học đó. Gia đình cũng nên khuyên bảo con em mình không nên học lệch và không đặt nặng áp lực cho các em để các em được phát triển một cách tốt nhất.

Tóm lại, học lệch đang là một vấn đề vô cùng phổ biến trong nền giáo dục của nước ta hiện nay. Vì thế, mỗi chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của việc phải học đều các môn để phát triển bản thân theo một hướng toàn diện nhất. Là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, là thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta nên tập trung nghe giảng bài trên lớp của các môn học để nắm bắt kiến thức một cách tốt nhất.

Nghị luận có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích

4. Nghị luận có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích - mẫu 1

Học tập là quá trình rèn luyện giúp chúng ta tiếp thu được những kiến thức mới và bổ ích trong đời sống. Tuy nhiên có một số bạn lại cho rằng có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích. Bản thân em không tán thành ý kiến này.

Nhìn vào thực tế, dễ dàng thấy Toán, Ngữ văn và tiếng Anh vẫn là ba môn học chính trong nhà trường, có mặt ở hầu hết các cuộc thi lớn nhỏ. Đây là những môn được dạy kĩ càng và chi tiết nhất. Một vài môn khác có thể kể đến như lịch sử, địa lí, vật lí, hóa học,... ít được quan tâm hơn, đa số chỉ dạy trên trường. Đối với những trường dạy năng khiếu, học sinh gần như chỉ chú tâm vào các môn như mĩ thuật, âm nhạc,... để phát triển điểm mạnh của mình. Không chỉ vậy, với sự hội nhập không ngừng nghỉ hiện nay, người người nhà nhà còn "đổ xô" đi học ngoại ngữ. Có nhiều phụ huynh mang tư tưởng chỉ cần con giỏi ngoại ngữ thôi là được, các môn học khác không quan trọng.

Những quan điểm nêu trên đều hết sức sai lệch, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội. Trước hết, ta dễ bỏ lỡ, đánh mất nhiều cơ hội trong tương lai. Ví dụ, một người học ban tự nhiên bỏ bê văn thì sẽ yếu trong giao tiếp, lập luận. Hay người chỉ tập trung học toán, văn mà không quan tâm đến ngoại ngữ thì sẽ không hòa nhập được với thế giới. Không chỉ vậy, việc coi nhẹ những môn học phụ còn gây nên tâm lý chủ quan, ỷ lại, phụ thuộc, khiến chúng ta khó có thể phát triển được một cách toàn diện.

Mỗi môn học được đưa vào chương trình đều mang đến những giá trị tốt đẹp riêng. Nếu những môn học thiên về tự nhiên giúp con người rèn luyện tư duy logic, khả năng suy luận thì các môn xã hội sẽ đem đến vô số bài học đạo đức giá trị. Việc tiếp cận được nhiều lĩnh vực khiến học sinh có đa dạng sự lựa chọn, dần tìm hiểu và khám phá ra điểm mạnh - điểm yếu của bản thân. Chính vì vậy, quan điểm "có thể bỏ qua một số môn" là không hợp lí.

Tóm lại, việc bỏ qua một số môn và chỉ tập trung vào môn học mình yêu thích là một tư tưởng không phù hợp. Hãy cố gắng, nỗ lực hoàn thiện bản thân ở mọi lĩnh vực. Chỉ khi ta làm chủ được kiến thức, ta mới có thể dễ dàng tiến đến với thành công, trở thành một con người có giá trị trong cộng đồng.

5. Nghị luận có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích - mẫu 2

Để hoàn thiện bản thân, chúng ta cần học rất nhiều thứ. Các môn học ra đời nhằm phục vụ nhu cầu tìm kiếm, khám phá kiến thức của con người ở mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện nay, một số người cho rằng chỉ cần học môn mà mình yêu thích, đồng thời bỏ qua các môn khác. Đây là quan điểm sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức con người, đặc biệt là giới trẻ.

Dễ thấy ý kiến nêu trên bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Đa số, mọi người sẽ nghĩ rằng thi môn nào thì học môn đó. Ở Việt Nam khi trước, ba môn chủ đạo Toán - Văn - Anh rất được coi trọng, xuất hiện ở gần như tất cả các kì thi lớn nhỏ. Khối lượng kiến thức mà học sinh phải tiếp nhận là vô cùng lớn, thời gian học thì lại có giới hạn, dẫn đến vô số khó khăn trong việc học tập. Nhiều bậc cha mẹ chưa có được sự định hướng rõ ràng cho con trẻ. Họ vẫn chỉ chú tâm đến điểm số trên lớp mà bỏ qua tầm quan trọng của sự phát triển toàn diện, đồng đều. Từ đó, tâm lí của con cái cũng bị ảnh hưởng, coi nhẹ những môn học "phụ".

Quan điểm: "Có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích" nêu trên là hoàn toàn sai lệch. Mỗi môn học thường đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau: toán học cung cấp kiến thức về đại số và hình học, ngữ văn mang đến tri thức về tác giả, tác phẩm. Thế nhưng, các môn học dù là tự nhiên hay xã hội thì đều có sự liên quan, kết nối với nhau. Nếu nhìn vào chương trình học ở các nước phương Tây, học sinh được tiếp cận với vô số môn học, tham gia hàng loạt các buổi học thực tế, trải nghiệm. Từ đó, họ dần tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, từng bước hoàn thiện và phát triển chính mình.

Với tư tưởng không phù hợp trong học tập như đã nêu trên, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp hiện tượng học lệch, học tủ. Khi coi nhẹ những môn học phụ, chúng ta sẽ tự động bỏ qua nó, chỉ tập trung vào môn học mình cần thi. Ta tự tin rằng chỉ cần mình giỏi ở lĩnh vực này là được, đâu cần phải bỏ công tốn sức học nhiều. Nhưng đến sau này, khi lớn lên, chúng ta sẽ thấy rất nhiều môn học mình từng ngó lơ trở nên đặc biệt quan trọng. Ví dụ như học về thiết kế thời trang, bên cạnh năng khiếu vẽ, ta còn cần sự tính toán, đo lường, kết hợp màu sắc, ánh sáng, góc độ,... Đó đều là những kiến thức tổng hợp mà ta cần dành nhiều thời gian, công sức để học tập và nghiên cứu.

Nhìn chung, việc học tập cần có sự bao quát, đồng đều. Để làm được điều đó, chúng ta cần không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng cả về tri thức và đạo đức. Hiện nay, giáo dục đã có nhiều đổi mới, tập trung phát triển năng lực người học một cách toàn diện, hiệu quả hơn. Mỗi người hãy tự có ý thức trau dồi bản thân, đóng góp vào công cuộc xây dựng xã hội thật văn minh, tiến bộ.

6. Nghị luận có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích - mẫu 3

Học tập là quá trình trang bị tri thức giúp mỗi chúng ta bước vào cuộc sống một cách tự tin và trở thành một công dân mẫu mực, một con người văn minh. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, đòi hỏi mỗi con người cần trang bị cho mình những kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, do một số yếu tố khách quan và áp lực thi cử, thường xảy ra tình trạng các bạn học sinh học tủ, học lệch, dẫn đến những hệ luỵ cho chính các bạn sau này.

Học lệch là hiện tượng phổ biến hiện nay. Các bạn học sinh thường tập trung học các môn tự nhiên (toán lý hoá) mà thiếu quan tâm đến các môn xã hội, hoặc có quan tâm cũng không đến nơi đến chốn. Tâm lý chung của các bạn đều muốn "đủ sống" trong các kỳ thi, kỳ kiểm tra. Ngoài các bạn luyện thi trong đội tuyển học sinh giỏi thì đa số các bạn học lệch vì áp lực của kỳ thi đại học, cao đẳng. Do sự phân hoá về việc làm và thu nhập trong xã hội, một số nhóm ngành có thu nhập cao như dầu khí, tài chính, ngân hàng…đều được các bậc phụ huynh ngắm đến và hướng cho con em mình quyết tâm giành một suất trong trường đại học. Một số môn như tin học, ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết để xin việc nên cũng được các bạn chú trọng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, còn một số môn phụ, ít quan trọng hơn thì các bạn hầu như bỏ qua hoặc ít quan tâm đến.

Có rất nhiều hậu quả của việc học lệch. Nhiều bạn mải học các môn tự nhiên mà không để ý đến các môn xã hội. Sau này các bạn trở thành những nhà khoa học giỏi nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, có những bạn tốt nghiệp bằng giỏi trường quản trị kinh doanh, nhưng do giao tiếp kém nên không xin được một công việc tốt. Hiện tượng học lệch cũng dẫn đến tư duy lệch. Các bạn học giỏi và thiên về các môn tự nhiên sẽ có ý xem thường các môn xã hội, cho đó chỉ là các môn phù phiếm, dẫn đến "thiếu cân bằng" về tư duy.

Học đều các môn là cách hiệu quả nhất để trở thành một con người toàn diện. Các bạn có thể chú trọng hơn về các môn tự nhiên, nhưng cần dành thời gian xứng đáng cho các môn xã hội. Những giá trị văn hoá, tinh thần, những vẻ đẹp của quê hương đất nước sẽ được khám phá qua việc học tập các môn xã hội. Một tâm hồn phong phú sẽ giúp bạn học tốt hơn, nạp kiến thức tốt hơn, và những kiến thức xã hội đến lượt mình sẽ giúp các bạn học tốt hơn các môn tự nhiên.

Trong trường học, các môn xã hội cần được giảng dạy một cách trực quan, sinh động để tạo hứng thú cho học sinh. Các bạn học sinh nên coi những giờ học tập môn xã hội chính là những giờ thư giãn, giúp bạn lấy lại tinh thần để học những môn tự nhiên. Có như vậy các bạn sẽ không thấy nhàm chán.

7. Nghị luận có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình yêu thích - mẫu 4

“Có thể bỏ qua một số môn chỉ nên học môn mình yêu thích” đang là một chủ đề lớn của lớp tôi trong những giờ ra chơi. Đã có rất nhiều ý kiến, lĩ lẽ và dẫn chứng được các bạn đưa ra để bảo vệ quan điểm cá nhân của mình. Riêng tôi, tôi không thể nào chấp nhận được việc coi nhẹ các môn khác của một số bạn học sinh.

Sự phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa kéo theo sự bùng nổ của khoa học, công nghệ thông tin đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất và tinh thần của con người, trong đó có giáo dục, đặc biệt là sự xuất hiện của xu hướng nhiều phụ huynh, học sinh thích chạy theo những môn học cần trong khối thi mà bỏ quên những môn học khác. Mỗi một môn học khi được đặt vào trong chương trình thì đều có ý nghĩa và giá trị riêng. Các môn khoa học tự nhiên là những môn giúp chúng ta có thêm khả năng tính toán, tư duy, những môn khoa học xã hội sẽ giúp chúng ta bồi dưỡng thêm được nhân cách, phẩm chất và tâm hồn, những môn ngoại khóa sẽ giúp cho tâm hồn chúng ta thư giãn sau một quãng thời gian học tập vất vả. Thế nhưng tình trạng các bạn học sinh chỉ quan tâm và chú ý đến một số môn học mình yêu thích và bỏ quên những môn còn lại đang rất nhiều và phổ biến hiện nay. Học sinh "quay lưng" với những trang văn thấm đẫm giá trị nhân đạo về cuộc sống nhân sinh; buồn chán trước những sự kiện lịch sử trọng đại mà quên mất rằng đó là những cột mốc đánh dấu sự thay đổi to lớn của đời sống dân tộc; lạnh nhạt với những bài học "làm người" sâu sắc ẩn chứa sau mỗi bài học về đạo đức, giáo dục công nhân; thấy nhàm chán với những công thức, phản ứng hóa học;.....

Thực trạng trên bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên các bạn học sinh cho rằng việc học tập các môn học theo khối thi sẽ giúp cho các bạn định hướng tốt hơn và tập trung hơn vào khối học môn học và các bạn mong muốn dùng để xét tuyển. Đó là nguyên nhân chính khiến cho các bạn coi thường các môn học học không nằm trong chương trình thi. Chúng ta không thể phủ nhận được vai trò và sự cần thiết của các môn học nằm trong khối thi. Thế nhưng ta cũng cần biết rõ các môn học luôn có sự hỗ trợ lẫn nhau và mỗi một môn học đều có vai trò, ý nghĩa, sứ mệnh riêng. Chẳng hạn như nếu học tốt môn Ngữ văn, chúng ta sẽ có vốn từ vựng phong phú để giao tiếp, trình bày các quan điểm của bản thân một cách rõ ràng, lưu loát; đồng thời môn Văn còn là môn học giúp con người nuôi dưỡng và bồi đắp các giá trị tâm hồn trước sự lên ngôi của giá trị vật chất. Hay là việc học tốt Toán sẽ giúp con người chúng ta có những tư duy lo gic và chặt chẽ hơn trong quá trình giao tiếp, ứng dụng môn Văn. Khi nhìn nhận một vấn đề ta không chỉ nhìn từ một phía, có thể nhận thức trong chúng ta không được sâu rộng. Bạn không thể là một con người hoàn hảo, được mọi người kính trọng nếu như giỏi tính toán mà không biết giao tiếp.

Để cải thiện tình trạng này, trước hết, chúng ta cần thay đổi những quan điểm tiêu cực, đồng thời nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa to lớn, quan trọng của việc học các môn. Đội ngũ giáo viên cần thay đổi không ngừng thay đổi, làm mới các phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú trong mỗi một tiết học nói riêng và đánh thức niềm đam mê đối với môn học nói chung. Đồng thời, cần thay đổi quan điểm, cách nhìn của phụ huynh, học sinh về vai trò, ý nghĩa quan trọng mà các môn học đem lại.

Tóm lại, chúng ta có thể thấy khẳng định việc học tất cả các môn là điều vô cùng quan trọng. Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần xác lập động cơ học tập tích cực, rèn luyện thái độ tích cực trong học hành và thi cử để ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
486 218.802
2 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
  • Nhi Hoàng yến
    Nhi Hoàng yến

    eo cái đề này hôm nay mình vừa thi vào xong

    Thích Phản hồi 22:28 04/05
    • 𝑵𝒈𝒖𝒚𝒆̂̃𝒏 𝑯𝒖̛̃𝒖 𝑯𝒖𝒚 𝑩𝒂̉𝒐
      𝑵𝒈𝒖𝒚𝒆̂̃𝒏 𝑯𝒖̛̃𝒖 𝑯𝒖𝒚 𝑩𝒂̉𝒐

      cũng mới trúng đây, may mà ôn bài này trước 

      Thích Phản hồi 21:05 13/05
  • lộc thành
    lộc thành

    mai mình thi r mong trúng =)))

    Thích Phản hồi 19:52 05/05