Nói và nghe Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống trang 71

Soạn bài Nói và nghe Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống trang 71 sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập 2 Kết nối tri thức được Hoatieu chia sẻ trong bài viết này là hướng dẫn làm bài Nói và nghe trang 71, 72, 73 SGK Ngữ Văn 7 tập 2 KNTT. Sau đây là nội dung chi tiết mẫu soạn văn 7 tập 2 Kết nối tri thức trang 71, mời các bạn cùng theo dõi.

Nói và nghe - Trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống (liên quan đến chủ đề trải nghiệm để trưởng thành) là chủ đề của bài học trang 71 sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập 2 KNTT. Dưới đây là tổng hợp mẫu bài Trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống lớp 7 Kết nối tri thức trang 71 siêu hay sẽ giúp các em có thêm ngữ liệu tham khảo để chuẩn bị bài.

Nói và nghe trang 71 SGK Văn 7 tập 2 KNTT

Nói và nghe trang 71 SGK Văn 7 tập 2 KNTT

Trước khi nói

Chuẩn bị nội dung nói

- Nắm vững vấn đề đời sống cần bàn luận và nội dung trình bày.

- Sự kiến các tình huống người nghe có thể phản bác để có phương án tiếp thu và bảo vệ ý kiến.

- Ghi nhanh một số lí lẽ, bằng chứng cần sử dụng.

1. Tập luyện

Hình thức tập luyện thích hợp là luyện tập theo nhóm

2. Trình bày nói

Người nói

Người nghe

a. Trình bày ý kiến về vấn đề

- Nêu vấn đề, nói rõ tầm quan trọng của vấn đề trong đời sống xã hội.

- Trình bày các khía cạnh để làm rõ thực chất vấn đege.

- Nêu ý kiến của bản thân về vấn đề.

a. Tiếp nhận và suy nghĩ ý kiến của người nói

- Tập trung lắng nghe và ghi chép các ý cơ bản của bài nói, đối chiếu với sự chaunar bị của mình để thấy những chỗ tương đồng và khác biệt trong ý kiến.

- Ghi nhanh ý kiến trao đổi.

b. Bảo vệ ý kiến trước sự phản bác của người nghe

- Tóm tắt ý kiến trao đổi, giải thích lại những chỗ người nghe chưa hiểu, dùng lí lẽ và bằng chứng làm rõ tính đúng đắn của ý kiến trình bày.

- Sẵn sàng trao đổi nếu người nghe tiếp tục thắc mắc, mục đích cuối cùng là để khẳng định sự xác đáng của ý kiến.

b. Nêu ý kiến trao đổi

- Ý kiến cần trình bày ngắn gọn, rõ ràng bằng câu khẳng định hoặc câu hỏi.

- Theo dõi phản hồi của người nói, trao đổi lại nếu thấy chưa thỏa đáng, đồng tình nếu thấy ý kiến bảo vệ có sức thuyết phục.

3. Sau khi nói

Nguời nói và người nghe cùng trao đổi để đánh giá và rút kinh nghiệm về một số mặt:

- Vấn đề đời sống được bàn luận có hấp dẫn và thiết thực không?

- Cách trình bày và bảo vệ ý kiến của người nói đạt ở mức nào?

- Cách phản bác của người nghe có tác dụng tích cực với người nói không?

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống lớp 7 trang 71

Trình bày quan điểm của em về ý kiến sau: Tinh thần đoàn kết của dân tộc chỉ cần khi có chiến tranh còn trong thời bình thì không.

Dàn ý:

- MB: Nêu được vấn đề và bày tỏ ý kiến phản đối cách nhìn nhận về vấn đề

- TB:

+ Trình bày thực chất của ý kiến, quan niệm đã nêu để bàn luận

- Chiến tranh cần tập hợp lực lượng quân dân để chiến đấu chống giặc ngoại xâm

- Trong thời bình không có giặc ngoại xâm nên mệnh ai người ấy làm

+ Phản đối các khía cạnh của ý kiến

- Trong chiến tranh tất yếu phải có tinh thần đoàn kết nhưng trong thời bình tinh thần ấy vẫn phải phát huy bởi:

- Ngoài việc bảo vệ đất nước chúng ta cần xây dựng một đất nước hùng mạnh

- Trong lao động sản xuất cần đoàn kết để cho kết quả tốt

- Đoàn kết giống như một làn sóng mạnh mẽ, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm lũ bán nước và lũ cướp nước

+ Nhận xét những tác động tiêu cực của ý kiến đối với đời sống

- Ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của mọi thế hệ người dân Việt

- Trong công việc nếu không có tinh thần đoàn kết sẽ không đem lại hiệu quả

- Trong các mối quan hệ xã hội nếu không có đoàn kết rất dễ dẫn đến chia rẽ, tan rã, tạo cơ hội cho kẻ thù tấn công

- KB: Nêu ý nghĩa của việc thể hiện ý kiến phản đối

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống sự thất bại có cần thiết với mỗi người hay không?

Dàn ý

Mở bài:

- Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề: Cuộc sống ngoài kia đầy rẫy những khó khăn, thử thách và ai cũng mong muốn mình có được thành công, khẳng định được giá trị của mình trong cuộc sống.

- Nêu vấn đề: để có được thành công, con người phải trải qua những lần thất bại là điều không thể tránh khỏi. Và sự thất bại đóng một vai trò quan trọng

Thân bài

1. Giải thích khái niệm:

Thành công là gì?

- Thành công - mong muốn về một thứ gì đó tuy nhỏ bé nhưng sau khi cố gắng làm việc đạt được

- Thành công - thành tựu, kết quả tốt đẹp mà ai cũng mong muốn đạt được

Thất bại là gì?

- Thất bại - sai lầm mà chúng ta mắc phải trong cuộc sống dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng

- Không đáp ứng được những mục tiêu, những dự định đã đặt ra, gây ra những hậu quả về vật chất lẫn tinh thần cho con người

2. Ảnh hưởng tiêu cực của thất bại (trình bày ngắn gọn, mục đích để làm đòn bảy nâng mục 3: Sự cần thiết của thất bại với con người lên)

- Khi vấp ngã, họ trở nên nản chí, mất hết động lực vào việc mình đang làm

- Đó là những suy nghĩ tiêu cực luôn hướng họ tới việc bỏ cuộc, không dám tiếp tục

- Thất bại sẽ đem đến cho con người cảm giác thất vọng, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần và không phải ai cũng có thể phục hồi sau thất bại. - Họ luôn mang trong mình một nỗi sợ, sợ phải tiếp tục và sợ phải đối mặt với những thất bại thêm nhiều lần nữa

3. Sự cần thiết của thất bại với con người (Ý nghĩa, vai trò của thất bại)

- Ai thành công cũng phải trải qua đôi ba lần thất bại, cuộc sống ngoài kia chưa bao giờ là dễ dàng

- Coi đó là bài học kinh nghiệm quý báu cho bản thân mình, để sau này bước tiếp sẽ không mắc phải những sai lầm tương tự.

- Không phải ai sinh ra cũng ở vạch đích, để thành công, họ cần có ý chí, quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu, coi đó là động lực để họ tiếp tục phấn đấu.

- Chỉ cần không bỏ cuộc giữa chừng chắc hẳn những người đó sẽ gặt hái được thành công.

- Sau những lần thất bại, con người nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình, giúp con người trưởng thành hơn trong suy nghĩ và có những quyết định đúng đắn hơn.

- Thất bại là động lực giúp con người nhận thức được giá trị của lao động chăm chỉ, miệt mài

- Khi đứng trước thất bại, con người nên có cái nhìn tích cực với vấn đề

4. Bằng chứng chứng minh vai trò của thất bại

- Walt Disney – đã từng bị 1 tờ báo thẳng tay sa thải vì không có trí tưởng tượng. Ông không xem đó là thất bại mà tiếp tục cố gắng. Đến nay, ông đã trở thành 1 người thành công và tạo tiếng vang ra khắp thế giới

- Steve Jobs: đã bị sa thải khỏi chính công ty mà ông bắt đầu. Ông tiếp tục phát triển các dự án khác như NeXT và Pixar. Sự thành công của chúng đã khiến Apple mời Steve Jobs quay lại vị trí CEO của Apple.

5. Khẳng định ý kiến: Sự thất bại có cần thiết với mỗi người hay không?

- Thất bại có vai trò vô cùng quan trọng giúp con người đến gần hơn với ngưỡng cửa thành công.

- Bài học: Để vượt qua thất bại, con người hãy nhìn nhận những cú ngã đó một cách đơn giản hơn, phải thật bình tĩnh, suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định tiếp theo.

Kết bài:

- Khẳng định lại ý kiến: nhận thức được vai trò của nó trên con đường đi tìm ánh hào quang của sự thành công.

- Liên hệ bản thân: Là học sinh, cần tích cực trau dồi những kiến thức, kĩ năng để khi đứng trước những thất bại, thử thách sẽ có một tâm lí vững vàng và nền tảng kiến thức chắc chắn để đối diện với vấn đề.

Bài làm hoàn chỉnh

Cuộc sống ngoài kia đầy rẫy những khó khăn, thử thách và ai cũng mong muốn mình có được thành công, khẳng định được giá trị của mình trong cuộc sống. Thế nhưng để có được thành công, con người phải trải qua những lần vấp ngã, sự thất bại là điều không thể tránh khỏi. Và sự thất bại đóng một vai trò quan trọng, nó là đòn bẩy giúp con người đạt được những mục tiêu của riêng mình.

Trong hành trình sống, để có được thành công ắt hẳn họ phải trải qua sự thất bại. Vậy thành công là gì? “Thành công” đối với mỗi người lại có những cách định nghĩa khác nhau. Thành công không nhất định phải là sự giàu có, hay cuộc sống giàu sang, đầy đủ, tiền đầy túi, hay mua chiếc siêu xe giá hàng trăm tỷ. Thành công đơn giản chính là mong muốn về một thứ gì đó tuy nhỏ bé nhưng sau khi cố gắng làm việc đạt được. Thành công chính là thành tựu, kết quả tốt đẹp mà ai cũng mong muốn đạt được. Còn thất bại chính là những sai lầm mà chúng ta mắc phải trong cuộc sống dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, đó còn là việc chúng ta không đáp ứng được những mục tiêu, những dự định đã đặt ra. Những thất bại có thể gây ra những hậu quả về vật chất lẫn tinh thần cho con người và không phải ai cũng có thể vượt qua được điều đó. Đây là hai yếu tố luôn song hành, đi đôi với nhau.

Khi đối mặt với thất bại, không phải ai cũng có cái nhìn tích cực với vấn đề mình gặp phải. Khi vấp ngã, họ trở nên nản chí, mất hết động lực vào việc mình đang làm và họ có suy nghĩ rằng việc đó quá khó khăn và bản thân họ không thể làm được điều đó. Đó là những suy nghĩ tiêu cực luôn hướng họ tới việc bỏ cuộc, không dám tiếp tục. Hơn nữa, thất bại sẽ đem đến cho con người cảm giác thất vọng, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, đó như một cú sốc tinh thần khiến họ ngã quỵ và không phải ai cũng có thể phục hồi sau thất bại. Họ luôn mang trong mình một nỗi sợ, sợ phải tiếp tục và sợ phải đối mặt với những thất bại thêm nhiều lần nữa. Đó là những trạng thái tiêu cực mà sự thất bại mang đến cho con người và họ tiêu cực là khi họ lại thất bại thêm lần nữa.

Thật vậy, có câu nói “ thất bại là mẹ thành công”. Bởi chắc hẳn ai thành công cũng phải trải qua đôi ba lần thất bại. Cuộc sống ngoài kia chưa bao giờ là dễ dàng, mọi người phải tranh giành nhau để tìm kiếm cơ hội cho bản thân mình. Ai cũng sẽ có những lần gục ngã bởi những thử thách mà cuộc sống đặt ra. Thế nhưng có người coi đó là bài học kinh nghiệm quý báu cho bản thân mình, để sau này bước tiếp sẽ không mắc phải những sai lầm tương tự. Không phải ai sinh ra cũng ở vạch đích, để đạt được mục tiêu của bản thân, không ít người đã phải vật lộn với cuộc sống rất nhiều năm. Để làm được điều đó họ cần có ý chí, quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu, có những cú ngã đau đớn đến mức không thể vực dậy được nhưng họ coi đó là động lực để họ tiếp tục phấn đấu. Chỉ cần không bỏ cuộc giữa chừng chắc hẳn những người đó sẽ gặt hái được thành công. Sau những lần thất bại là những lần con người nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình, giúp con người trưởng thành hơn trong suy nghĩ và có những quyết định đúng đắn hơn. Hơn nữa, thất bại là động lực giúp con người nhận thức được giá trị của lao động chăm chỉ, miệt mài. Họ đã phải bỏ công sức để có được thành quả những kết quả ấy lại không như mong muốn của họ, từ đó họ sẽ biết trân trọng hơn những giá trị mà mà họ có được sau mỗi lần thất bại. Vậy nên, khi đứng trước thất bại, con người nên có cái nhìn tích cực với vấn đề và nhận thức được đó chỉ là một thử thách mà cuộc đời đặt ra cho bạn, hãy cố gắng vượt qua nó vì bạn đang bước gần hơn tới cánh cửa của sự thành công.

Thực tế cuộc sống có rất nhiều những tấm gương phải trải qua rất nhiều lần thất bại mới có thể gặt hái được thành công. Chẳng hạn như Walt Disney – ông trùm của những bộ phim hoạt hình đình đám đã từng bị 1 tờ báo thẳng tay sa thải vì không có trí tưởng tượng. Tuy nhiên, ông không xem đó là thất bại mà tiếp tục cố gắng, đi lên bằng chính đôi chân của mình. Đến nay, ông đã trở thành 1 người thành công và tạo tiếng vang ra khắp thế giới. Hay như Steve Jobs, Cuộc cách mạng của Apple bắt đầu với hai người đàn ông trong một nhà để xe. Nhiều năm sau, tất cả chúng ta đều biết đến nó như một công ty trị giá 2 tỷ đô la với hơn 4000 nhân viên. Tuy nhiên, gần như không thể tin được, Steve Jobs đã bị sa thải khỏi chính công ty mà ông bắt đầu. Thất bại này khiến ông nhận rằng đam mê lớn hơn tất cả. Ông tiếp tục phát triển các dự án khác như NeXT và Pixar. Sự thành công của chúng đã khiến Apple mời Steve Jobs quay lại vị trí CEO của Apple. Những điều này minh chứng cho những nỗ lực và cố gắng không ngừng, đứng dậy sau thất bại sẽ giúp bạn có được thành công.

Để có được thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc bạn vượt qua nỗi sợ thất bại như thế nào. Thất bại có vai trò vô cùng quan trọng giúp con người đến gần hơn với ngưỡng cửa thành công. Và khi đứng trước thất bại con người cần có những thái độ đúng đắn. Để vượt qua thất bại, con người hãy nhìn nhận những cú ngã đó một cách đơn giản hơn, phải thật bình tĩnh, suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định tiếp theo. Điều cần thiết khi gặp thất bại là chúng ta cần tìm ra được nguyên nhân của sai lầm đó để sửa chữa và tránh lặp lại những lỗi sai tương tự.

Tóm lại, có thất bại mới có được thành công, thế nên đừng vội nản chí trước nó, hãy vượt qua nó và nhận thức được vai trò của nó trên con đường đi tìm ánh hào quang của sự thành công. Là học sinh, cần tích cực trau dồi những kiến thức, kĩ năng để khi đứng trước những thất bại, thử thách sẽ có một tâm lí vững vàng và nền tảng kiến thức chắc chắn để đối diện với vấn đề.

Bài tham khảo Nói và nghe Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống trang 71

Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là…………học sinh………trường……… Học sinh là những cánh chim non, những chủ nhân tương lai của đất nước và trong tương lai sẽ đưa đất nước phát triển đi lên sánh vai với các cường quốc năm châu. Chính vì vậy mà ngay từ bây giờ việc học tập của học sinh đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn chưa xác định đúng đắn được mục đích và động cơ học tập nên vẫn còn tình trạng học lệch diễn ra.

Học lệch là việc học không cân đối, không đều các môn, chú trọng môn này mà xao lãng môn khác, chỉ chú tâm đến môn mình sẽ thi đại học hay là đi theo sở thích cá nhân chứ không phải học để có kiến thức toàn diện.

Biểu hiện của việc học lệch rất rõ ràng nhận ra trong suốt quá trình học tập và qua những lần kiểm tra, thi cử. Có những bạn chỉ thích học các môn tự nhiên vì chúng không đòi hỏi phải học thuộc quá nhiều và cũng không cần ghi chép đến mức mỏi tay mà chỉ cần có một bộ não tư duy sắc bén. Hay có những bạn lại thích học các môn xã hội vì nó không khô khan như công thức toán lí hóa và chỉ cần chăm chỉ là có thể học tốt. Bên cạnh đó còn có xu hướng chuyên tâm học Ngoại ngữ mà quên đi các môn học còn lại. Vì sao vậy? Vì trong bối cảnh đất nước đang trên đà giao lưu, hội nhập có khả năng ngoại ngữ tốt là một hành trang vô cùng hữu ích cho những ai muốn nâng cao vị trí, tầm quan trọng của mình trong xã hội.

Có rất nhiều hậu quả của việc học lệch. Nhiều bạn mải học các môn tự nhiên mà không để ý đến các môn xã hội. Sau này các bạn trở thành những nhà khoa học giỏi nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, có những bạn tốt nghiệp bằng giỏi trường quản trị kinh doanh, nhưng do giao tiếp kém nên không xin được một công việc tốt. Hiện tượng học lệch cũng dẫn đến tư duy lệch. Các bạn học giỏi và thiên về các môn tự nhiên sẽ có ý xem thường các môn xã hội, cho đó chỉ là các môn phù phiếm, dẫn đến “thiếu cân bằng” về tư duy.

Học đều các môn là cách hiệu quả nhất để trở thành một con người toàn diện. Các bạn có thể chú trọng hơn về các môn tự nhiên, nhưng cần dành thời gian xứng đáng cho các môn xã hội. Những giá trị văn hoá, tinh thần, những vẻ đẹp của quê hương đất nước sẽ được khám phá qua việc học tập các môn xã hội. Một tâm hồn phong phú sẽ giúp bạn học tốt hơn, nạp kiến thức tốt hơn, và những kiến thức xã hội đến lượt mình sẽ giúp các bạn học tốt hơn các môn tự nhiên.

Trong trường học, các môn xã hội cần được giảng dạy một cách trực quan, sinh động để tạo hứng thú cho học sinh. Các bạn học sinh nên coi những giờ học tập môn xã hội chính là những giờ thư giãn, giúp bạn lấy lại tinh thần để học những môn tự nhiên. Có như vậy các bạn sẽ không thấy nhàm chán.

Cuối cùng, thông qua bài trao đổi này hy vọng các bạn sẽ có cái nhìn tổng quát hơn trong việc học tập để có kết quả cao hơn.

Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe chia sẻ của thầy cô và các bạn vấn đề khác mà mọi người quan tâm.

Bài tham khảo Nói và nghe Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống trang 71 - mẫu 2

Đề tài: Thảo luận vấn đề “Nói chuyện riêng trong giờ học”

Xã hội ngày càng phát triển thì giáo dục lại càng được coi trọng và đặt lên vị trí hàng đầu. Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục hiện nay, bên cạnh những hiện tượng tiêu cực xảy ra như nói tục chửi bậy, quay cóp bài, bạo lực học đường… thì hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học của học sinh đã và đang trở thành mối quan tâm "đau đầu, nhức óc" .

Nói chuyện riêng trong giờ học là việc trao đổi, bàn tán những câu chuyện ngoài lề trong cuộc sống, ngoài nội dung bài giảng mà học sinh đem lại bằng rất nhiều những hình thức khác nhau như truyền thư tay, trực tiếp nói bằng miệng hoặc thậm chí là tự độc thoại một mình... Đây là một hành vi xấu, tiêu cực xuất hiện trong môi trường học tập vì nó có tác hại rất lớn tới bản thân học sinh và người dạy, mở rộng ra là thành tích thi đua của tập thể nhà trường, tương lai của đất nước.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Đó trước hết là do ý thức học tập của học sinh còn kém, chưa đề cao việc học nên chưa chú trọng vào việc nghe giảng, thu nạp kiến thức. Tâm lí của các em ở mỗi lứa tuổi khác nhau và càng lên lớp cao hơn thì cái tôi của các em càng lớn. Các em có đủ mọi chuyện bên ngoài xã hội tác động vào nên không làm chủ được suy nghĩ, hành động của bản thân và tìm mọi cách để có thể giải tỏa ở mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong giờ học. Thậm chí còn do tính tò mò, tắt mắt, muốn hiểu chuyện người khác nên các em cảm thấy nội dung kiến thức bài học mới trên lớp không đủ hấp dẫn. Vì thế, một đòi hỏi tất yếu đặt ra là năng lực bản thân người dạy có đủ để lôi cuốn, hấp dẫn, kích thích sự tìm hiểu bài học của học sinh hay không?. Đồng thời, việc nói chuyện riêng của học sinh còn do chương trình học tập của các cấp học còn quá nặng về kiến thức hàn lâm, ít có sự tương tác với ứng dụng thực tiễn bên ngoài nên vô hình chung dẫn tới tình trạng chán học, không có hứng thú học là điều dễ hiểu.

Hậu quả của việc nói chuyện riêng trong giờ học là người học không theo kịp được kiến thức mà thầy cô giáo giảng, dẫn tới tình trạng không hiểu bài và không làm bài tập được, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả thi cử, học tập của các em. Nếu để tình trạng đó tiếp diễn thì việc chán học, bỏ học rồi sa vào các tệ nạn như nghiện game, cờ bạc, rượu chè... là không thể tránh khỏi. Và tất nhiên, đất nước không những không thể phát triển mà bản thân họ còn trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Bản thân những cá nhân nói chuyện riêng ấy còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới các bạn trong lớp và bài giảng của thầy cô giáo. Các bạn xung quanh thì không tập trung học được, các thầy cô giáo thì không thể hoàn thành tốt bài giảng tâm huyết muốn gửi tới học trò của mình. Vì thế, nói chuyện riêng là một hành vi ích kỉ, bất lịch sự, thiếu tôn trọng mọi người...

Vậy, để có thể loại bỏ hiện tượng nói chuyện riêng này ra khỏi môi trường giáo dục, bản thân học sinh cần tự ý thức trong hoạt động giao tiếp của mình. Cần chia sẻ đúng lúc, đúng chỗ mà không ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Hơn nữa, người học cũng cần xác định cho mình phương pháp học tập hiệu quả, tập trung nghe giảng trên lớp, không làm việc và nói chuyện riêng trong giờ học. Đồng thời bản thân các thầy cô giáo cần nâng cao kĩ năng, phương pháp dạy học tích cực, kết hợp với nhà trường đề ra các qui định để xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm. Các em học sinh cần tích cực phê phán những hành vi, thói quen tiêu cực trong môi trường giáo dục, trong đó có hành vi nói chuyện riêng.

Tóm lại, hành vi nói chuyện riêng trong giờ học là một việc làm xấu, không những không đem lại lợi ích cho bản thân mà còn gây mất trật tự, ảnh hưởng không tốt tới mọi người xung quanh. Vì thế, các em học sinh hãy góp sức loại bỏ một trong những thói xấu này để môi trường giáo dục trở nên tốt đẹp hơn.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
115 34.359
2 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Bảo Ngọc Phan Đặng
    Bảo Ngọc Phan Đặng

    hơi dài và viết mỏi tay quá nha 


    Thích Phản hồi 09:45 02/04
    • Bảo Ngọc Phan Đặng
      Bảo Ngọc Phan Đặng

      🤣🤣🤣🤣n

      Thích Phản hồi 09:53 02/04