Văn nghị luận có công mài sắt có ngày nên kim lớp 7 ngắn nhất

Nhân dân ta có câu: Có công mài sắt có ngày nên kim. Em hãy viết một bài văn nghị luận thể hiện sự tán thành của mình về tính đúng đắn của câu tục ngữ. Đây là một trong những dạng đề Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến tán thành) trong môn Ngữ văn lớp 7 thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các em học sinh dàn ý nghị luận có công mài sắt có ngày nên kim kèm theo bài văn mẫu nghị luận có công mài sắt có ngày nên kim lớp 7 ngắn gọn. Mời các em cùng tham khảo.

1. Dàn ý nghị luận có công mài sắt có ngày nên kim

Mở bài:

Nêu lí do muốn chia sẻ vấn đề đời sống cần bàn luận trong bài nghị luận (bày tỏ thái độ tán thành)

Tán thành với tính đúng đắn của câu tục ngữ: Có công mài sắt có ngày nên kim: sự kiên trì, nhẫn nại sẽ đem lại thành công trong cuộc sống.

Thân bài:

- Vấn đề gợi ra cách hiểu nào?

Giải thích ngắn gọn nghĩa đen và nghĩa bóng của câu tục ngữ:

+ Nghĩa đen của câu tục ngữ: có công mài sắt sẽ thành được cây kim

+ Nghĩa bóng: Có nghị lực, có cố gắng bền bỉ nhất định thu được thành công. Câu tục ngữ đề cao lòng kiên trì nhẫn nại của con người.

- Vì sao bày tỏ thái độ tán thành?

Câu tục ngữ gợi được bài học đúng đắn về sự kiên trì, nhẫn nại của con người trong cuộc sống. Bài học từ câu tục ngữ phù hợp với mọi thời đại, mọi công việc, mọi lứa tuổi...

- Những lí lẽ và bằng chứng nào cần đưa ra để chứng tỏ sự tán thành là xác đáng?

+ Ý 1: Khía cạnh thứ nhất cần tán thành (lí lẽ, bằng chứng)

Trong học tập, nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật (dẫn chứng kết hợp với lí lẽ).

+ Ý 2: Khía cạnh thứ hai cần tán thành (lí lẽ, bằng chứng)

Trong lao động sản xuất để xây dựng đất nước (dẫn chứng kết hợp với lí lẽ).

+ Ý 3: Khía cạnh thứ ba cần tán thành (lí lẽ, bằng chứng)

Trong chiến đấu chống giặc để bảo vệ Tổ quốc (dẫn chứng kết hợp với lí lẽ).

+ Ý 4: Khía cạnh thứ ba cần tán thành (lí lẽ, bằng chứng)

Ở trong nước, trên thế giới, chung quanh ta (dẫn chứng kết hợp với lí lẽ).

- Bàn luận mở rộng: Lên án những người chưa có lòng kiên trì.

- Bài học nhận thức và hành động: Cần phải tu dưỡng, rèn luyện lòng kiên trì trong học tập và cuộc sống.

Kết bài:

Rút ra ý nghĩa của ý kiến được tán thành.

Câu tục ngữ luôn có giá trị, là châm ngôn sống của mỗi người.

2. Nghị luận có công mài sắt có ngày nên kim (trình bày ý kiến tán thành)

Mở bài

Nếu như ca dao là dòng nước trong lành tưới mát, nuôi dưỡng tâm hồn con người thì tục ngữ chính là "túi khôn dân gian", là kho tàng tri thức quý báu mà mỗi người dân Việt Nam vẫn luôn trân trọng và học hỏi. Trong cuộc sống, không có một thành công nào tự nhiên mà có. Tất cả những thành quả tốt đẹp đều được nảy nở từ những tháng ngày cố gắng rèn luyện không ngừng. Sự cố gắng, kiên trì bền bỉ ấy được nhân ta đúc kết trong câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” quả thật rất đúng đắn. Tôi hoàn toàn tán thành với chân lí được gửi gắm qua câu tục ngữ.

Thân bài

Câu tục ngữ xuất phát tự một câu chuyện ngụ ngôn nọ. Khi mà một cậu bé đang đi trên đường, thấy một bà cụ đang lúi húi làm gì đó. Được hỏi, bà cụ trả lời rằng đang mài sắt thành kim. Cậu bé ngạc nhiên và không tin. Ngày qua ngày, có một lần cậu bé lại quay trở lại. Thanh sắt to hôm nào đã biến thành một cây kim nhỏ xíu rồi. Cậu bé rất khâm phục bà cụ và đã hiểu ra một điều: thì ra chỉ cần kiến trì và cố gắng, không bỏ cuộc thì một ngày chúng ta cũng sẽ đạt được thành công và những điều ta mong muốn. Đó chính là sức mạnh của sự kiên trì, nhẫn nại. Có thể thấy rằng, một chiếc kim bé nhỏ, nhìn có vẻ tầm thường nhưng lại tiêu tốn rất nhiều công sức của người lao động. Từ đó chúng ta có thể suy rộng ra, nếu muốn thành công thì cần phải biết cố gắng, nỗ lực và kiên trì. Có chịu khó rèn luyện, cố gắng vươn lên thì chúng ta mới vượt qua được gian lao thử thách để hoàn thành công việc được giao, cho dù là những việc nhỏ bé nhất.

Câu tục ngữ soi rọi vào cuộc sống, chúng ta mới thấm nhuần tính đúng đắn và ý nghĩa lớn lao của nó. Để đạt được thành công, con người cần phải kiên trì, nỗ lực học hỏi, biết giải quyết mọi khó khăn và tiến lên phía trước. Hẳn nhiều người Việt Nam chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện “Rùa và Thỏ”. Với ý chí và lòng quyết tâm cao độ, chú Rùa chậm chạp đã chiến thắng Thỏ trong cuộc thi chạy. Qua đó ta cũng có thể thấy rằng, những kẻ chủ quan, ỷ lại mình có tài mà không chịu cố gắng, không chịu nỗ lực thì cuối cùng kết quả chỉ là thất bại mà thôi.

Trong suốt những chín năm kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) ròng rã, cũng chính nhờ lòng kiên trì nhẫn nại, chịu đựng gian khổ, thiếu thốn mà nhân dân ta đã làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy: “Chín năm làm một Điên Biên/ Nên vàng hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Tố Hữu). Cũng không lâu sau đó, nhân dân ta lại phải tiếp tục trường kì kháng chiến chống Mỹ, bền bỉ đấu tranh, cuối cùng cũng đã “đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào” và toàn thắng đã về ta, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Cũng như vậy, có rất nhiều công trình khoa học lớn nhỏ ra đời đâu phải chỉ nhờ tài năng mà phần lớn còn phải nhờ lòng nhẫn nại và sự kiên trì của con người. Từ những hạt thóc giống quý báu đem từ Nhật về, Giáo sư Lương Đình Của phải mất hàng chục năm, trải qua hàng ngàn thí nghiệm lai tạo mới cho ra được những giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam và cho năng suất cao.

Trên thế giới, hai vợ chồng nhà bác học Pi-e Quy-ri và Ma-ri Quy-ri đã miệt mài nghiên cứu, kì công lọc đi lọc lại tám tấn quặng chỉ để tìm ra 0,1 gam chất phóng xạ Ra-đi-um, giúp khai phá một nền khoa học có sức mạnh vô cùng ghê gớm khi đem phục vụ lợi ích hoà bình nhân loại.

Còn rất rất nhiều ví dụ khác nữa mà chúng ta có thể thấy rằng sự kiên trì, nỗ lực vươn lên sẽ giúp chúng ta có được những thành công tốt đẹp. Và câu tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim” cho đến hôm nay vẫn còn là một kinh nghiệm rèn luyện bản thân vô cùng quý giá.

Tại sao không thể cố gắng và thử một lần? Bài học về sự nhẫn nại và kiên trì đến bây giờ vẫn chưa thôi giá trị. Đặc biệt trong cuộc sống hiện đại, giới trẻ ngày càng được bao bọc và chở che quá nhiều dễ sinh ra lười nhác và không chịu cố gắng. Đó là một mối lo của đất nước. Nhưng nếu cứ cố gắng một cách mù quáng, không biết điểm dừng cho việc của mình, đó cũng không phải điều tốt.

Từng ngày rèn luyện, chăm chỉ, như cây xanh đang ngày đêm hút dinh dưỡng và trưởng thành, đến một lúc ta sẽ thấy mình khác trước rất nhiều. Nếu không biết cố gắng và nỗ lực, chúng ta chỉ mãi là người đi phía sau và bị bỏ lại mà thôi. Nếu có ý định sợ khó, ngại khổ mà bỏ cuộc giữa chừng, không thể cố gắng vì lý tưởng của mình thì càng đáng buồn hơn. Cuộc sống có mấy lần ta được sống là mình, sống cho mình.

Kết bài

Lời khuyên của cha ông là bài học vào đời quý giá. Trước khi bắt tay vào công việc; trước khi từ bỏ ước mơ hoài bão của mình, ta hãy nghĩ tới thanh "sắt" và cây "kim". Chúng ta phải biết tự rèn luyện ý chí và nghị lực, rèn luyện đức tính kiên trì mới mong đạt tới thành công.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
27 9.253
0 Bình luận
Sắp xếp theo