Phân tích bài thơ Gặp lá cơm nếp siêu hay

Tải về

Phân tích bài thơ Gặp lá cơm nếp - Gặp lá cơm nếp là một bài thơ hay tiêu biểu cảu nhà thơ Thanh Thảo được in trong tập Dấu chân qua trảng cỏ. Bài thơ Gặp lá cơm nếp đã được tác giả viết lên từ nỗi nhớ, tình yêu mà nhà thơ dành cho mẹ. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý phân tích Gặp lá cơm nếp kèm theo bài văn mẫu phân tích bài thơ Gặp lá cơm nếp của Thanh Thảo hay và ý nghĩa sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các em học sinh.

phân tích Gặp lá cơm nếp

1. Gặp lá cơm nếp tác giả tác phẩm

1.1. Tác giả

- Thanh Thảo tên thật là Hồ Thành Công.

- Ông sinh năm 1946, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

- Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã vào chiến trường miền Nam làm báo và sáng tác văn học.

1.2. Tác phẩm

- Trích Dấu chân qua tràng cỏ

- Thể thơ: Năm chữ

- Phương thức biểu đạt: Biểu cảm.

- Chủ đề: Thông qua hình ảnh nồi xôi mới, bài thơ thể hiện tình cảm sâu sắc của tác giả dành cho quê hương và cho người mẹ kính yêu của mình.

- Hình ảnh: Gần gũi, thân thuộc, bình dị, gợi lên những tình cảm quê hương, gia đình cao đẹp.

- Bố cục: 2 phần

Phần I: 2 khổ thơ đầu: Nhớ quê hương qua hình ảnh thân thuộc.

Phần II: 2 khổ còn lại. Cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ qua nỗi nhớ.

2. Viết bài văn cảm nhận về bài thơ Gặp lá cơm nếp

I. Mở bài

- Nêu tên bài thơ, tác giả, cảm nghĩ chung

+ Cảm hứng về người mẹ thân thương, về đất nước trong lòng mỗi người lính vẫn luôn là đề tài quen thuộc trong thơ ca.

+ Gặp lá cơm nếp (Thanh Thảo) đã ghi lại đảm xúc của người con trên đường hành quân ra mặt trận nhớ về mẹ nơi quê nhà khi gặp lá cơm nếp khơi gợi trong em nhiều suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc.

II. Thân bài

1. Cảm xúc về nội dung:

- Bài thơ là tình cảm nhớ thương của người con dành cho mẹ và đất nước. Đó là tình cảm thiêng liêng của người con dành cho cội nguồn, cho dân tộc, cho người mẹ kính yêu đã sinh ra và yêu thương mình.

- Cảm xúc về khổ thơ 1:

+ Khung cảnh bộc lộ tình cảm mở ra với hoàn cảnh và tâm trạng, suy nghĩ gợi nhắc người con nhớ về mẹ với niềm nhớ mong về “bát xôi mùa gặt”.

+ Hương vị của lá cơm nếp đã gợi cho anh nhớ làn khói xôi bay ngang tầm mắt, thèm bát xôi mùa gặt có hương thơm lạ lùng, từ đó nhớ đến hình ảnh ảnh thân thương của người mẹ bên bếp lửa nấu xôi.

+ Khổ thơ đem đến cho em cảm xúc bồi hồi, lắng đọng hòa cùng nỗi nhớ của người chiến sĩ

- Cảm xúc về khổ thơ 2:

+ Câu hỏi tu từ mở ra, người chiến sĩ băn khoăn nghĩ về mẹ trong tâm tưởng: “Mẹ ở đâu chiều nay” và lời phỏng đoán “Phải mẹ thổi cơm nếp - Mà thơm suốt đường con”.

+ Trong băn khoăn của người con, ,mẹ hiện lên tảo tần mà giản dị: “nhặt lá về đun bếp”, “thổi cơm nếp”.

+ Dòng hồi tưởng của con về người mẹ tảo tần làm cảm xúc trong em như lắng đọng lại, thiết tha, chân thành.

- Cảm xúc về khổ thơ thứ ba:

+ Những lời cảm thán chân thành hiện lên, “cơm nếp” - hương vị mang hồn quê hương trong gian khó làm sao con quên được, cảm xúc bộc lộ trực tiếp hơn.

+ Trong hoàn cảnh chiến đấu, con rất yêu thương mẹ, thấu hiểu những vất vả, nhọc nhằn, hi sinh của mẹ nhưng bởi vì “Mẹ già và đất nước - Chia đều nỗi nhớ thương”, bởi thế, con chỉ có thể gửi gắm những tình cảm về mẹ trong trái tim để tiếp tục hành trình vì đất nước.

+ Qua khổ thơ, em cũng cảm nhận được được nỗi xót xa của người con khi đi xa không thể đỡ đần chia sẻ nỗi vất vả, nhọc nhằn cùng mẹ

- Hai câu thơ cuối:

+ Biện pháp tu từ nhân hóa làm cho “lá cơm nếp” bỗng nhiên gần gũi, thân thương như quê nhà ruột thịt, biết “hiểu” lòng mong nhớ của con mà thơm mãi, trở thành một nguồn an ủi động viên

2. Cảm xúc về nghệ thuật:

- Bài thơ sử dụng thành công thể thơ năm chữ với lời thơ giản dị mà hết sức chân thành, thiết tha, những câu hỏi tu từ được xuất hiện cùng biện pháp nghệ thuật nhân hóa càng làm tăng thêm sức truyền tải tình cảm mãnh liệt cho bài thơ

3. Lí do em yêu thích nội dung:

- Nội dung cho ta được tình yêu thương chân thành của con - một người chiến sĩ trên hành trình hành quân bỗng nhiên nhớ về mẹ, nhớ về những hương vị thân quen, gần gũi của mẹ, của quê hương

+ Trong lòng em hiện lên tình cảm biết ơn, nhớ thương người mẹ của mình, em cũng biết ơn và cảm phục những người chiến sĩ đã hi sinh “tình nhà” vì nghĩa lớn, bảo vệ bình yên cho đất nước, nhân dân.

III. Kết bài

- Khái quát lại cảm xúc, suy nghĩ của bản thân: Đọc xong bài thơ, tâm hồn em ngập tràn tình cảm thiêng liêng, là tình cảm mẹ con, tình yêu quê hương đất nước và niềm biết ơn người lính.

- Lời hứa

3. Dàn ý phân tích Gặp lá cơm nếp

A. Mở bài

- Giới thiệu bài thơ

- Khái quát nội dung bài thơ

B. Thân bài

1. Hình ảnh người mẹ

- Tình cờ ngửi thấy mùi xôi và hương khói bếp

- Hình ảnh người mẹ hiền từ, đảm đang, chịu thương chịu khó

- Hình ảnh người mẹ gắn liền với những hoạt động sinh hoạt thường ngày.

⇒ Người mẹ tần tảo, hi sinh vì đứa con

2. Tình cảm người con dành cho mẹ

- Người con đã dành những tình cảm nhớ thương và kính yêu dạt dào dành cho mẹ và đất nước. Đó là tình cảm thiêng liêng của người con dành cho cội nguồn, cho dân tộc, cho người mẹ kính yêu đã sinh ra và yêu thương mình.

- Cảm xúc ấy cùng trào dâng trong tâm hồn người con khi “gặp lá cơm nếp” vì đây chính là mùi vị của quê hương anh.

C. Kết bài

- Đánh giá chung

- Nêu cảm nghĩ

4. Nội dung bài thơ Gặp lá cơm nếp

Gặp lá cơm nếp là một bài thơ năm chữ hay của nhà thơ Thanh Thảo với phương thức biểu đạt chính là biểu cảm. Gặp lá cơm nếp đã đưa người đọc ngược dòng thời gian trở về với mùi xôi thơm lá nếp dịu dàng như bàn tay đông đầy yêu thương của mẹ. Bài thơ là những dòng cảm xúc nhớ nhung da diết về người mẹ trào dâng trong tâm hồn tác giả khi trên đường hành quân gặp lại mùi hương quen thuộc năm xưa.

5. Phân tích bài Gặp lá cơm nếp lớp 7

Văn học là một phương tiện để thể hiện cảm xúc một cách rõ nhất. Thông qua đó, tác giả nói lên được những nỗi lòng, cũng sáng tạo ra những bức tranh cảm động. Tại Việt Nam, nền văn học những năm kháng chiến phát triển rất mạnh mẽ, tạo nên nhiều tác phẩm đặc biệt. Đóng góp một phần vào đó, nhà thơ Thanh Thảo đã một bức tranh về nỗi nhớ da diết trong tác phẩm Gặp lá cơm nếp.

Bài thơ là bức tranh một người lính trên đường hành quân xa quê, bắt gặp hình ảnh quen thuộc. Gạp lá cơm nếp là một nhan đề vô cùng đặc biệt khi đây đều là những đồ vật quen thuộc. Nhưng cũng từ hình ảnh quen thuộc đó, người chiến sĩ xa quê càng thêm nhớ nhung con đường về nhà. Ở nơi đó, có người mẹ già đang mong mỏi đứa con trở về. Chỉ với 4 chữ ngắn gọn, tác giả đã thể hiện rõ tình cảm của người con mong ngóng, thương nhớ mẹ.

Xa nhà đã mấy năm

Thèm bát xôi mùa gặt

Khói bay ngang tầm mắt

Mùi xôi sao lạ lùng

Ngay trong khổ thơ đầu, tác giả đã làm rõ hoàn cảnh của người con. Anh là chiến sĩ, đã xa quê, xa mẹ mấy năm trời. Khi bắt gặp cảnh thổi xôi mùa gặt, anh lại nhớ về hình ảnh tương tự nơi quê nhà. Tuy nhiên câu thơ cuối “Mùi xôi sao lạ lùng” như ám chỉ rằng, với một người xa quê lâu năm, biết bao thứ đã thay đổi. Ở miền đất lạ, với anh cảnh vật quen thuộc biết mấy, nhưng mùi vị kia chẳng được như xưa. Thể hiện sự trái ngược, càng tăng thêm hình ảnh người lính nhớ về quê nhà với mùi xôi độc nhất.

Mẹ ở đâu chiều nay

Nhặt lá về đun bếp

Phải mẹ thổi cơm nếp

Mà thơm suốt đường con

Tuy nhiên những thứ quen thuộc ấy vẫn làm anh nhớ về mẹ. Dường như anh thấy người mẹ hiền xuất hiện ngay tước mắt mình. Nỗi nhớ nhung như biến thành thực thể, khiến anh phải bật thốt lên “Mẹ ở đâu chiều nay”. Rõ ràng ở nơi cách quê hương rất xa, nhưng chàng lính như thấy được hình ảnh người mẹ nhặt lá về thổi cơm nếp. Nhưng nồi xôi mẹ nấu một buổi chiều nào đó vấn vương, thơm lừng cả quãng đường hành quân.

Mùi cơm nếp được coi là một mùi hương quen thuộc, đặc trưng của nhiều địa phương tại Việt Nam. Nó gắn với đặc trưng của làng quê, của con người Việt Nam. Chính nhờ mùi hương đó, người lính lại nghĩ về tình cảm quê hương, với đất nước. Nó gắn với nhiệm vụ của anh, cũng gắn với gánh nặng trên vai những người lính lúc bấy giờ.

Ôi mùi vị quê hương

Con quên làm sao được

Mẹ già và đất nước

Chia đều nỗi nhớ thương

Mùi vị ấy quen thuộc đến mức không ai quên được, đến nỗi chỉ lướt qua thôi mà tâm trí người lính như trở về lại bên mẹ. Hình ảnh mẹ già được gắn với hình ảnh đất nước, là một phép so sánh khập khiễng nhưng lại vô cùng hợp lý. Bởi với người lính, mẹ già và đất nước đều cần được bảo vệ, họ là nơi tình cảm của người con hướng tới. Bởi vậy, ở cuối khổ thơ, anh mới nói: “Chia đều nỗi nhớ thương”. Anh nhớ hình bóng người mẹ, thương đất nước. Vậy nên trên đường đi cứu nước, trong đầu anh mong nhớ mẹ già.

Cây nhỏ lòng Trường Sơn

Hiểu lòng nên thơm mãi…

Hai câu thơ cuối khiến cho người đọc xót lòng làm sao! Không ai không biết dãy Trường Sơn là nơi yên nghỉ của biết bao anh hùng. Mỗi cành cây, ngọn cỏ nơi những người lính trở về đều là hương vị quen thuộc, gúp dẫn lối cho linh hồn trở về quê nhà. Bởi vậy, chúng mới “hiểu lòng”, tỏa ra hương thơm ngào ngạt như một lời thúc giục cho những linh hồn lạc lối.

Bài thơ sử dụng nhiều biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ,... Hơn nữa, những hình ảnh trong bài đều có tính gợi hình, gợi tả cao. Tình cảm của người lính với quê hương, đất nước được thể hiện rõ ràng, mà trên hết chính là tình thương nhớ đối với người mẹ già.

Gặp lá cơm nếp là một bài thơ về đề tài người lính thành công của nhà thơ Thanh Thảo. Thanh Thảo đã nói hộ tiếng lòng của rất nhiều người chiến sĩ lúc bấy giờ. Chỉ qua một bài thơ ngắn gọn, nhưng tình yêu được viết trong đó thì không hề “ngắn”.

6. Phân tích bài Gặp lá cơm nếp hay

Đóng góp vào kho tàng văn học chiến tranh, nhà thơ Thanh Thảo đã sáng tác bài thơ "Gặp lá cơm nếp" để ghi lại nỗi nhớ thương của người con đối với mẹ khi bắt gặp lá cơm nếp trên đường hành quân. Từ đó, nhà thơ cũng khẳng định sự bền chặt giữa tình cảm gia đình và tình yêu quê hương, đất nước.

Chắc hẳn chúng ta không khỏi ấn tượng trước nhan đề "Gặp lá cơm nếp". Chỉ với bốn chữ ngắn gọn, tác giả đã nêu ra được hoàn cảnh để người con bộc lộ tình cảm nhớ thương đối với mẹ.

Ở hai khổ thơ đầu, hình ảnh của người mẹ hiện lên trong tâm trí của con. Ngay từ dòng thơ thứ nhất, người con trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ của mình "Xa nhà đã mấy năm/ Thèm bát xôi mùa gặt". Người lính ra chiến trận đã lâu chưa về nhưng vị của bát xôi mùa gặt vẫn in dấu trong lòng không phai. Hương thơm của lá cơm nếp trong khoảnh khắc đã làm sống lại cả một vùng kí ức tươi đẹp, gợi cho con nhớ làn "Khói bay ngang tầm mắt/ Mùi xôi sao lạ lùng." Hai chữ "lạ lùng" cho thấy cảm giác khó hiểu, thậm chí có phần ngạc nhiên về mùi xôi khi bắt gặp lá cơm nếp. Câu hỏi "Mẹ ở đâu, chiều nay" khiến ta vô cùng xúc động trước tình cảm chân thành của người con dành cho mẹ. Con thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả nhưng lại không thể đỡ đần, phụ giúp. Bóng dáng người mẹ tảo tần "Nhặt lá về đun bếp" khiến con nhớ mãi không thôi. Người con tự hỏi chính mình "Phải mẹ thổi cơm nếp/ Mà thơm suốt đường con". Suốt chặng đường hành quân, con chưa bao giờ quên được mùi cơm nếp do chính tay mẹ nấu.

Hai khổ thơ cuối có cách ngắt nhịp 3/2 nhằm nhấn mạnh tâm tư, tình cảm của người con dành cho mẹ và đất nước. Mùi vị của bát xôi mùa gặt gắn liền với người mẹ thân yêu, với xóm làng thân thuộc. Chính vì thế, "Con quên làm sao được", từ "được" như lời khẳng định chắc nịch về tình cảm chân thành con dành cho mẹ. Tình yêu thương của mẹ trở thành động lực thôi thúc con chiến đấu. Đồng thời, nuôi dưỡng, soi sáng tâm hồn con. Trong câu "Mẹ già và đất nước", từ "và" đứng giữa "mẹ", "đất nước" cho thấy sự đồng đẳng, ngang bằng. Đối với con, mẹ và đất nước đều là những mảnh ghép không thể thiếu trong trái tim mình và được chia đều như nhau. Tấm lòng hiếu thảo với mẹ và tình yêu đất nước đậm sâu như bao trùm khắp không gian và len lỏi qua từng hàng cây kẽ lá nên "Cây nhỏ rừng Trường Sơn/ Hiểu lòng nên thơm mãi..."

Bài thơ được gieo vần chân "bếp" - "nếp", nhịp thơ linh hoạt khi thì miên man trong dòng chảy kí ức lúc lại dạt dào thiết tha. Hình ảnh thơ trong sáng, bình dị cũng ngôn từ tinh tế đã góp phần thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình lúc nhìn thấy lá cơm nếp trên đường hành quân. Tình yêu gia đình và tình yêu đất nước luôn thường trực trong trái tim con, là điểm tựa cho con chiến đấu, để mỗi khi gặp chất xúc tác đều bùng lên ngọn lửa thiêng liêng, bất diệt.

Bài thơ là những cảm xúc chân thành, lắng đọng của người con dành cho mẹ và đất nước. Tác phẩm đã cho thấy sự giao hòa giữa tình yêu gia đình, tình yêu đất nước và trở thành một điểm nhấn, một dấu ấn khó phai trong lòng người đọc.

7. Đoạn văn cảm nhận bài Gặp lá cơm nếp

Đi hết cuộc đời dài rộng này, chúng ta cũng không thể hiểu được hết công lao của mẹ cha. Bởi vậy, đã có biết bao sáng tác ra đời để ca ngợi công ơn trời bể ấy. Tác giả Thanh Thảo cũng viết về đề tài ấy, ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc trong bài thơ Gặp lá cơm nếp. Bài thơ đã ghi lại cảm xúc của người con tình cờ nghĩ đến hương vị của mùi xôi và nhớ về mẹ. Tác giả đã xa nhà nhiều năm, thèm một bát xôi nếp mùa gặt và nhớ về mẹ cùng những hương vị yêu dấu của quê hương. Với người lính, mẹ là suối nguồn của yêu thương, là ánh sáng lớn lao nhất, đẹp đẽ nhất của quê hương. Câu thơ “Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương” như cảm xúc òa khóc trong lòng nhân vật khi nghĩ về người mẹ tảo tần và đất nước bình dị. Mẹ đã chịu một đời lam lũ, hi sinh để dành cho con những điều đẹp đẽ nhất. Những câu thơ giản dị, ngắn gọn mà vời vợi nỗi nhớ thương. Bài thơ Gặp lá cơm nếp được viết lên từ nỗi nhớ, tình yêu mà nhà thơ dành cho mẹ. Bài thơ đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng độc giả.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
110 61.302
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm