Nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình
Cảm nghĩ về người thân (ông, bà, cha mẹ)
- 1. Lập dàn ý bài văn biểu cảm về mẹ
- 2. Văn biểu cảm về người thân lớp 7
- 3. Bài văn nêu suy nghĩ của em về người ông bà
- 4. Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người thân trong gia đình
- 5. Bài văn nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình - mẫu 2
- 6. Bài văn nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình - mẫu 3
- 7. Bài văn nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình - mẫu 4
- 8. Bài văn nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình - mẫu 5
- 9. Bài văn nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình - mẫu 6
- 10. Cảm nghĩ về người thân lớp 7 ngắn gọn
- 11. Bài văn cảm nghĩ về mẹ lớp 7
- 12. Viết bài văn nêu cảm nghĩ về người thân trong gia đình
- 13. Bài văn biểu cảm về mẹ
- 14. Cảm nhận về người bà gắn liền với tuổi thơ
- 15. Bài cảm nhận xúc động về người Cha
Viết bài văn nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình - Em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình là một đề bài thường gặp trong chương trình Ngữ văn lớp 7. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc một số bài văn mẫu cảm nghĩ về người thân ngắn gọn, cảm nghĩ về người thân lớp 7, cảm nghĩ về người thân (ông, bà, cha mẹ) hay và chi tiết sẽ giúp các bạn có thêm tài liệu tham khảo khi làm bài.
1. Lập dàn ý bài văn biểu cảm về mẹ
MB:
Dẫn dắt, giới thiệu về mẹ và nêu cảm nghĩ về mẹ
- Gia đình đối với mỗi người luôn là một chỗ dựa tinh thần vững chắc, không ai yêu thương chúng ta ngoài những người thân trong gia đình.
- Thật vậy, tôi từ bé đến giờ vẫn luôn được ba mẹ yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ. Đặc biệt là mẹ, mẹ đã hi sinh để nuôi dưỡng, dạy bảo tôi thành người. Chính vì thế mà tôi rất yêu mẹ, dù có đi đâu xa thì tim tôi vẫn nhớ đến mẹ.
TB:
a. Biểu cảm thông qua miêu tả những nét nổi bật về ngoại hình, hành động, tính cách của mẹ
* Biểu cảm về ngoại hình
- Mẹ tôi bây giờ đã ngoài 50, qua bao năm làm lụng vất vả thì bề ngoài của mẹ đã in hằn những nếp nhăn.
- Tuy vậy, tôi vẫn thấy mẹ vẫn mang nét sang trọng, quý phái của một người phụ nữ trung niên
- Mẹ có thân hình khá mũm mỉm, nước da trắng
- Mẹ có mái tóc dài, nhưng đã có nhiều tóc bạc
- Tôi ấn tượng nhất là đôi mắt bồ câu đen láy của mẹ chứa chan sự hiền từ, càng làm cho gương mặt mẹ trở nên phúc hậu
* Biểu cảm về tính cách
- Tôi hầu như chưa có cảm giác sợ mẹ vì mẹ là người rất hiền lành, nhẹ nhàng và tốt bụng. Mẹ chưa bao giờ la mắng hay to tiếng với tôi hay với với người khác.
- Cảm giác ngưỡng mộ mẹ khi mẹ có thể đảm đương rất nhiều việc nhưng mẹ chưa bao giờ than phiền.
- Điều mà tôi luôn muốn học hỏi ở mẹ chính là sự toàn vẹn, một người phụ nữ giỏi giang, tháo vát và hiền từ.
b. Bày tỏ tình cảm với mẹ thông qua việc hồi tưởng lại một kỉ niệm với mẹ, nêu cảm nghĩ về kỷ niệm đó
- Trong một lần tan trường vào năm tôi học lớp 2, tôi đã quyết định tự đi bộ về nhà vì chờ mãi chẳng thấy mẹ đâu.
- Tôi đã đi lạc đường, trong lúc cảm xúc hỗn loạn, sợ hãi thì mẹ xuất hiện. Mẹ ôm tôi và khóc nức nở, mẹ đã rất lo lắng cho tôi. Tôi đã rất sợ sệt, tôi sợ mẹ sẽ đánh tôi vì tự ý đi lung tung. Thế nhưng mẹ không hề đánh đập hay trách mắng tôi, mẹ nói do lỗi của mẹ, và mẹ dặn dò tôi sau này không được tự ý đi đâu nếu không có mẹ.
- Sau lần đó, tôi đã biết được mẹ yêu thương tôi nhiều như thế nào, tôi cảm thấy rất có lỗi với mẹ, tự hứa sẽ luôn nghe lời mẹ, không để mẹ phải buồn nữa.
c. Tình cảm, lòng biết ơn đối với mẹ
- Thật may mắn khi tôi sinh ra được làm con của mẹ, được mẹ nuôi nấng, yêu thương và dạy dỗ.
- Tôi biết ơn mẹ vì mẹ đã cho tôi nhiều bài học hay, những lời khuyên bổ ích, giúp tôi trở thành một cô bé hiểu chuyện, luôn biết giúp đỡ người khác, hiếu thảo với cha mẹ, lễ phép với ông bà
- Mẹ là người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi, mẹ đã hi sinh rất nhiều cho tôi. Công sinh thành và nuôi dưỡng của mẹ là vô bờ bến. Tôi sẽ khắc ghi mãi trong lòng
KB:
- Sau tất cả, tôi vô cùng biết ơn mẹ vì những tháng ngày hi sinh của mẹ.
- Tôi sẽ cố gắng học giỏi, ngoan ngoãn để mẹ luôn tự hào về tôi.
- Bài học kinh nghiệm: Đưa lời bài hát ‘’ lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào’’ để nhắc nhở rằng những ai may mắn có mẹ, được mẹ nuôi nấng thì hãy luôn biết ơn mẹ, trân trọng những ngày tháng ở bên mẹ.
2. Văn biểu cảm về người thân lớp 7
Gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc đối với mỗi người. Dù chúng ta có đi đâu, gia đình luôn rộng mở vòng tay chào đón ta trở về, bởi chẳng ai yêu thương ta bằng những người thân yêu trong gia đình. Tôi thật may mắn khi được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, luôn nhận được tình yêu thương từ bố mẹ. Đặc biệt là mẹ, người luôn chịu đựng khó khăn, vất vả để nuôi dưỡng và dạy dỗ tôi nên người. Chính vì vậy, tình yêu tôi dành cho mẹ là vô bờ bến. Dù có ở đâu, trái tim tôi vẫn luôn hướng về mẹ.
Mẹ tôi bây giờ đã ngoài 50, một độ tuổi đã trải qua biết bao năm tháng làm lụng vất vả, vì thế mà bề ngoài của mẹ bây giờ đã in hằn những nếp nhăn. Tuy vậy, tôi vẫn luôn thấy mẹ xinh đẹp, ở mẹ toát lên một nét sang trọng, quý phái của người phụ nữ tuổi trung niên. Nguyên nhân có thể đến từ thân hình khá mũm mỉm và nước da trắng của mẹ, những lúc mẹ ăn mặc đẹp để đi tiệc, thì mẹ đều rất xinh đẹp, quý phái. Mẹ tôi có mái tóc dài, thẳng tắp, vẫn mang đậm nét của truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Mái tóc của mẹ đã lấm tấm những sợi tóc bạc, có lẽ vì mẹ đã làm việc nhiều và suy nghĩ nhiều. Tôi ấn tượng nhất là đôi mắt của mẹ, đôi mắt bồ câu đen láy chứa chan sự hiền từ, càng làm cho gương mặt mẹ trở nên phúc hậu hơn.
Như vẻ bề ngoài của mẹ, mẹ thật sự là một người phụ nữ hiền lành, nhẹ nhàng và tốt bụng. Tôi hầu như chưa có cảm giác sợ mẹ vì mẹ không bao giờ la mắng hay to tiếng với tôi hay bất kỳ ai. Chính vì mẹ như thế mà tôi dặn mình không bao giờ làm điều gì sai trái để mẹ phải buồn. Từ nhỏ cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn mang trong mình cảm giác ngưỡng mộ mẹ. Mẹ có thể làm rất nhiều việc, đảm đương mọi việc trong nhà nhưng chưa bao giờ than phiền. Mỗi ngày, mẹ thường dậy rất sớm, chuẩn bị đồ ăn sáng cho tôi rồi vội vã đi làm. Đến chiều đón tôi đi học về thì mẹ lại vào bếp chuẩn bị bữa cơm tối. Tôi phải công nhận rằng, mẹ nấu ăn rất ngon, mỗi món ăn đều là sự tâm huyết của mẹ trong đó. Ba và tôi rất hay khen mẹ nấu ăn ngon, điều này khiến mẹ rất vui. Trong xóm ai cũng quý mến mẹ, vì mẹ hay giúp đỡ mọi người xung quanh, hòa đồng, thân thiện với hàng xóm. Mỗi buổi tối, mẹ vẫn không dành thời gian để mình nghỉ ngơi mà mẹ hay chỉ dạy tôi học bài, làm bài tập về nhà. Mẹ chính là một hình mẫu lý tưởng của tôi, ở mẹ có rất nhiều điều mà tôi muốn học hỏi noi theo. Mẹ là một người phụ nữ toàn vẹn, giỏi giang, tháo vát, hiền lành.
Mẹ thương tôi như thế nào thì tôi đều có thể cảm nhận rõ được. Còn nhớ vào năm tôi học lớp 2, sau khi tan trường, tôi đã quyết định tự đi bộ về nhà vì đợi mãi chẳng thấy mẹ đâu. Kết quả là tôi đã đi lạc đường. Trong lúc tôi đang hoảng loạn và sợ hãi, thì mẹ đã xuất hiện, chạy tới ôm chầm tôi và khóc nức nở. Tôi đã rất sợ mẹ sẽ đánh và la mắng tôi nhưng mẹ không hề làm vậy. Mẹ nói là lỗi của mẹ, vì mẹ đã để tôi phải chờ lâu, mẹ cũng dặn dò tôi sau này không được tự ý đi đâu nếu không có mẹ. Sau lần đấy thì tôi cảm thấy bản thân mình thật có lỗi với mẹ, thấy thương mẹ hơn, tôi tự hứa sẽ luôn nghe lời mẹ, không bao giờ để mẹ lo lắng hay buồn phiền nữa.
Đối với tôi, mẹ là người phụ nữ tuyệt vời và quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Thật may mắn khi tôi sinh ra được làm con của mẹ, được mẹ chăm lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ. Tôi biết ơn vì mẹ đã dạy dỗ tôi những điều tốt, để tôi trở thành một cô bé hiểu chuyện, luôn yêu thương, giúp đỡ người khác, luôn lễ phép với ông bà, cha mẹ. Tôi biết rằng mẹ đã hi sinh cho tôi, cho cả gia đình rất nhiều, công lao của mẹ là vô bờ bến và tôi sẽ khắc ghi mãi trong lòng.
Sau tất cả, tôi luôn biết ơn vì những ngày tháng hi sinh của mẹ. Tôi sẽ luôn cố gắng học tập thật giỏi, ngoan ngoãn để là niềm tự hào của mẹ. Chắc có lẽ ai cũng biết đến câu hát “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào’’, đây là câu hát mở đầu cho bài hát nổi tiếng nói về mẹ. Thông qua câu hát này, tôi muốn nói rằng, những ai còn được ở bên mẹ, được mẹ nuôi nấng thì hãy biết ơn mẹ vì những hi sinh của mẹ và luôn trân trọng những ngày tháng bên mẹ.
3. Bài văn nêu suy nghĩ của em về người ông bà
Bài văn do Hoatieu.vn biên soạn, không sao chép qua website khác. Mời các bạn tham khảo để hoàn thiện cho bài viết của mình.
Bố mẹ bận rộn công tác, ông bà nội cũng ở xa nên tuổi thơ của tôi là những năm tháng gắn bó cùng ông ngoại. Ngoại của tôi đã ngoài 75 nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và hiện đại lắm. Đối với tôi, ngoại chính là người thân mà tôi vô cùng yêu kính. Ở bên ngoại, tôi được học được điều hay lẽ phải, sống có kế hoạch, biết phấn đấu vì mục tiêu đã định. Có lẽ những năm tháng rèn giũa trong quân ngũ đã xây dựng cho ngoại tác phong luôn chỉn chu, sinh hoạt có quy tắc, kỷ luật như thế. Ngoại rèn giũa tôi theo những quy chuẩn như thế, nhưng tôi cảm nhận được những quy tắc ấy không hề hà khắc, mà mang theo tình yêu thương của ngoại, muốn tôi thành một người có ích.
Ngoại giúp tôi từ một đứa trẻ trở thành cậu thiếu niên biết cách học tập, rèn luyện khoa học. 5h30 sáng, tôi thức dậy cùng ngoại tập thể dục. Ngoại bảo trong quân ngũ có khi nửa đêm nghe còi báo động cũng phải tỉnh, xếp hàng tập hợp dưới sân nhanh nhất có thể, còn bình thường các chiến sĩ sẽ thức dậy lúc 5h sáng để tập luyện, đến 6h30 đi ăn. Mọi công việc đều làm có giờ giấc cụ thể. Nếu một người trong đội đi muộn, chắc chắn cả đội sẽ bị phạt, vậy nên mọi người thường cố gắng không mắc lỗi, tránh việc để những người làm tốt vẫn phải chịu phạt cùng mình. Còn tôi không sống trong quân ngũ, nhưng con người nên có lịch trình sinh hoạt, làm việc có giờ giấc, kế hoạch cụ thể. Khi làm việc có kế hoạch rõ ràng thì sẽ dễ hoạch địch mục tiêu cho công việc, và phải kiên trì với mục tiêu ấy. Nghe lời ngoại, tôi luôn cố gắng sinh hoạt theo nề nếp như ngoại. Cho đến hiện tại, với nếp sinh hoạt lành mạnh như thế, tôi cảm thấy bản thân đã có sự thay đổi, làm việc luôn đúng giờ, có nguyên tắc, không nản chí với những khó khăn trong học tập và học được cách tự chủ, độc lập. Kể cả khi đi học xa nhà, tôi cũng nhanh chóng làm quen với nơi ở mới và cách thức học tập mới, chỉ cần sắp xếp lại lịch trình ổn định, phù hợp với bản thân mà thôi.
Ngoại luôn nói với tôi rằng, con người ở độ tuổi nào cũng cần phải học, học để hiểu biết tri thức, biết cách đối nhân xử thế, học để theo kịp với sự phát triển của xã hội, học để bản thân không bị tụt hậu, lỗi thời với thời đại. Cho nên dù đã ngoài 75, ngoại vẫn luôn dành ra khung giờ nhất định trong ngày để đọc sách báo, xem tin tức, đọc báo mạng. Đôi lúc mọi người còn đùa rằng ngoại tìm thông tin, biết cách sử dụng từ khóa tìm thông tin còn nhanh hơn cả thanh niên trong nhà. Với nguồn kiến thức và vốn kinh nghiệm phong phú, ngoại như cuốn "bách khoa toàn thư" đối với tôi, nhiều vấn đề được ngoại giải đáp rất nhanh và dễ hiểu, mang đến cho tôi cảm giác chỉ cần có ngoại đi cùng thì tôi chẳng ngại gì hết, bởi việc gì cũng có hướng giải quyết.
Mấy năm nay, sức khỏe ngoại đã dần yếu hơn, ảnh hưởng từ vết thương cũ thời chiến khiến một bên tai của ngoại nghe không còn rõ nữa. Nhưng ngoại của tôi có bao giờ chùn bước trước khó khăn. Ngoại dùng tai nghe trợ thính để tiếp tục nghe đài, mắt mờ thì đeo kính đọc báo, cố gắng tập thể thao rèn luyện thể lực, thay đổi chế độ dinh dưỡng cho phù hợp với sức khỏe. Cụ nói với tôi, Bác Hồ dạy "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...", cuộc sống sẽ mang đến cho con người nhiều thử thách, nhưng chỉ cần lòng quyết tâm, không có gì có thể làm khó một người có tinh thần sẵn sàng vươn lên.
Những lời ngoại dạy vô cùng thấm thía và đã trở thành ký ức không thể phai nhạt trong tâm trí tôi. Tôi thật sự biết ơn những điều răn dạy nghiêm khắc mà cũng tràn đầy tình thương của ngoại đã giúp tôi trưởng thành như ngày hôm nay. Ngoại ơi, ngoại hãy sống thật lâu bên cạnh chúng cháu nhé, bởi chúng cháu muốn báo đáp công ơn dưỡng dục của ngoại, còn muốn được nghe ngoại dạy bảo mỗi ngày.
4. Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người thân trong gia đình
Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc cho mỗi con người trong cuộc sống. Đối với bất kì ai, những người thân yêu trong gia đình luôn giữ một vai trò quan trọng trong trái tim ta. Và bà ngoại chính là người mà êm vô cùng yêu mến và kính trọng. Những năm tháng tuổi thơ được về thăm bà luôn là những kỉ niệm vô giá trong em.
Bà ngoại em đã mất từ rất lâu rồi nhưng trong tâm trí em vẫn mãi lưu giữ hình bóng quen thuộc của bà. Bà ngoại có dáng người hơi gày và nhỏ. Da bà đen sạm đi vì những tháng ngày lam lũ làm đồng vất vả. Công việc chính của bà là làm nghề nông và những ngày nông nhàn bà thường ra chợ bán rau. Những ruộng rau do chính tay bà chăm bón được thu hoạch và bó thành những bó gọn gàng để bày bán ở chợ.
Bà ngoại hiền lắm, mỗi lúc xong công việc bà thường ngồi ở hiên chải đầu cho em và kể em nghe lại những câu chuyện xưa cũ. Có cả những câu chuyện về mẹ khi còn nhỏ. Giọng bà trầm ấm như tiếng ru trong buổi trưa hè, mỗi lúc nghe bà kể chuyện em thường ngủ thiếp đi trên chiếc võng đay của bà. Mỗi lúc nhìn bà đi lom khom ra vào căn bếp khói rơm nghi ngút để thổi cơm cho cháu, em lại càng cảm thấy yêu bà hơn. Giờ đây bà đã đi xa, nhưng mỗi lần ngửi thấy mùi khói bếp những kỉ niệm về ngày tháng bên bà lại ùa về.
Giờ đây đã lớn khôn, không có bà bên cạnh nhưng em vẫn mãi luôn ghi nhớ những điều hay lẽ phải bà đã dạy dỗ. Những kỉ niệm với bà sẽ mãi là những động lực to lớn để em phát triển và hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
5. Bài văn nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình - mẫu 2
Bà ngoại chính là người em vô cùng yêu mến và kính trọng. Bà luôn có dành cho em một tình cảm ấm áp, khiến em luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc mỗi khi ở bên bà.
Bà ngoại của em năm nay bảy mươi sáu tuổi, mái tóc của bà đã chấm bạc, đôi mắt của bà đã có những nếp nhăn của tuổi già. Nhưng nó càng làm cho sự hiền hậu, nhân từ trong đôi mắt bà thêm ấm áp, chan chứa yêu thương. Em rất yêu đôi mắt của bà, bởi lúc nào bà cũng nhìn em bằng ánh mắt nhân hậu, yêu thương nhất, mang lại cho em cảm giác yên bình, chở che như khi còn nhỏ vậy. Bà ngoại em tuy đã lớn tuổi nhưng bà vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh, những công việc nhà bà vẫn làm rất thành thạo và khéo léo, mỗi lần về thăm bà thì bà ngoại lại làm cho em những món ăn thật ngon như: thịt kho tàu hay sườn xào chua ngọt…, không những vậy, bà còn dạy em làm những món ăn đơn giản nên mỗi lần được về thăm bà thì em đều cảm thấy rất vui vẻ.
Khi còn nhỏ, vì bố mẹ em bận công tác nên mẹ em đã gửi em cho bà ngoại chăm sóc, bà đã chăm sóc cho em vô cùng chu đáo, yêu thương quan tâm em từ những thứ nhỏ nhặt nhất, dạy em những điều hay lẽ phải và kể cho em thật nhiều câu chuyện cổ tích thú vị. Bà hay kể cho em về câu chuyện chàng Thạch Sanh dũng cảm giết đại bàng cứu công chúa Quỳnh Nga, hay cô Tấm dịu hiền bước ra từ quả thị, nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn… Những câu chuyện của bà gắn liền với những kí ức tuổi thơ của em. Bà ngoại là một người vô cùng đảm đang, tháo vát. Khi còn trẻ bà đã vừa lo việc đồng áng, vừa chăm sóc cho năm người con thơ dại, tuổi ăn tuổi lớn, bà em có thể làm được rất nhiều thứ, như bện chổi, đan rổ, làm quạt nan… Bà em rất khéo tay nên những vật dụng mà bà làm ra đều vô cùng đẹp mắt và xinh xắn. Và hiện nay, tuy bà đã lớn tuổi nhưng bà vẫn làm những công việc chăm sóc vườn tược, trồng rau, trồng quả…Bà luôn nói với chúng em nếu không làm gì mà chỉ ngồi một chỗ thì bà rất buồn tay, buồn chân, vì vậy mà bà trồng trọt, chăn nuôi như một thú vui của cuộc sống.
Tuy em không thể thường xuyên về thăm bà ngoại nhưng tình cảm yêu mến của em dành cho bà thì không bao giờ phai nhạt, những kí ức bên bà luôn sống động trong tâm hồn, gợi nhắc về tấm lòng nhân hậu, yêu thương của bà dành cho em.
Em mong bà sống thật lâu cùng với chúng em để chúng em có thể yêu thương, phụng dưỡng bà, báo đáp phần nào công ơn dưỡng dục của bà dành cho chúng em.
6. Bài văn nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình - mẫu 3
Tuổi thơ của tôi là những năm tháng gắn bó cùng ông nội. Đối với tôi, ông chính là người thân mà tôi yêu thương và kính trọng nhất trong cuộc đời của mình.
Ông nội của tôi năm nay đã bảy mươi tư tuổi. Nhưng ông vẫn còn minh mẫn lắm. Ông có khuôn mặt phúc hậu, hiền từ. Chòm râu dài, bạc phơ. Đôi mắt sáng như vì sao trên bầu trời. Đôi bàn tay của ông đã có nhiều nếp nhăn.
Trước khi nghỉ hưu, ông tôi là một cán bộ nhà nước. Ông rất yêu thương con cháu. Nhưng ông cũng rất nghiêm khắc khi chúng tôi mắc lỗi. Tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn còn rất khỏe. Mọi người đều rất yêu quý, kính trọng ông.
Khi còn nhỏ, bố mẹ thường bận công việc. Ông nội là đã chăm sóc tôi. Ngày đầu tiên đi học, ông cũng là người đưa tôi đến trường. Có quà bánh, ông đều để dành cho tôi. Tình yêu thương của ông dành cho tôi thật lớn lao.
Những kỉ niệm về ông nội cũng thật đáng trân trọng. Hồi còn bé, tôi được ông chở đi chơi trên chiếc xe đạp cũ. Thỉnh thoảng, tôi lại được nghe ông kể chuyện ngày xưa. Hay cả những lúc theo ông vào vườn cây chăm sóc cây cối. Ông đã dạy cho tôi cách chăm sóc cây cối thật cẩn thận. Nhờ có ông, tôi đã biết sống yêu thương mọi vật xung quanh hơn.
Thời gian trôi qua, sức khỏe của ông ngày càng yếu đi. Bởi vậy mà ông cần có sự quan tâm, chăm sóc của con cháu nhiều hơn. Mỗi khi có thời gian rảnh, tôi sẽ dành thời gian trò chuyện với ông. Có khi, hai ông cháu lại cùng nhau chơi cờ, hay đi câu cá. Những lúc đó, tôi cảm thấy rất vui vẻ, hạnh phúc.
Ông nội chính là điểm tựa tinh thần vững chắc của cả gia đình. Tôi luôn dành cho ông sự kính trọng. Mong rằng ông sẽ luôn khỏe mạnh để sống thật lâu bên con cháu.
7. Bài văn nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình - mẫu 4
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Bên cạnh tình mẫu tử thiêng liêng, còn có tình phụ tử sâu nặng. Công cha không kém phần so với nghĩa mẹ. Người cha giống như một điểm tựa vững chắc của mỗi đứa con, với em cũng vậy.
Bố của em là một người cha tuyệt vời. Năm nay, bố bốn mươi tư tuổi. Dáng người cao, nhưng khá đầy đặn. Làn da của bố rám nắng bởi hàng ngày phải làm việc nhiều dưới ánh nắng mặt trời. Mọi người thường nói em rất giống bố ở khuôn mặt nhỏ nhắn, vầng trán cao, đôi mắt đen láy và hiền từ. Giọng nói của bố trầm và nụ cười ấm áp khiến em luôn cảm thấy hạnh phúc khi được gần bên bố. Đôi bàn tay của bố thô ráp, em biết đó là những dấu vết của thời gian, của bao vất vả bố đã hi sinh để lo lắng cho chúng em một cuộc sống đủ đầy hơn.
Công việc của bố là một lái xe chở hàng. Đó là một công việc vất vả, hay phải xe nhà. Bởi vậy mà khi có ngày nghỉ, bố lại dành thời gian ở bên gia đình. Bố luôn lo lắng và rất thương hai mẹ con em. Bố luôn dặn em phải chăm chỉ học hành, không được làm mẹ buồn và lo lắng. Mỗi lần đi xa về, bố đều tặng em những món quà nhỏ từ những miền đất nơi bố đã từng đi qua. Em rất thích thú khi được nghe bố kể về quê hương đất nước Việt Nam vô cùng tươi đẹp và rộng lớn. Câu chuyện mà bố kể giúp em có động lực để cố gắng hơn trong cuộc sống.
Thỉnh thoảng, bố được nghỉ phép dài ngày. Lúc đó, bố sẽ đưa cả gia đình đi chơi. Em cảm thấy rất hạnh phúc khi được ở bên cạnh bố mẹ. Không chỉ vậy, bố cũng dạy em rất nhiều điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Bố của em giống như người thầy với những lời khuyên bổ ích, người cho em động lực và niềm tin để vượt qua mọi giây phút buồn vui.
Đối với em, bố không chỉ là một người cha, mà còn là một người thầy. Em luôn dành cho bố sự kính trọng, yêu mến. Bố mãi là điểm tựa của hai mẹ con em.
8. Bài văn nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình - mẫu 5
Mẹ chính là điểm tựa lớn lao nhất để giúp con người có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Trong gia đình, người tôi yêu thương nhất cũng chính là mẹ.
Mẹ tôi năm nay đã bốn mươi tuổi. Mẹ có một khuôn mặt hình trái xoan. Làn da đã điểm những nốt tàn nhang. Nước da không còn trắng hồng như trước đây. Mẹ không cao lắm. Dáng người khá đầy đặn. Đôi bàn tay đã chai sần vì những ngày tháng làm việc vất vả. Mẹ tôi là một bác sĩ. Công việc thường ngày của mẹ vô cùng bận rộn. Nhưng mẹ vẫn dành thời gian về nhà để nấu cơm cho cả gia đình. Đối với mẹ, bữa tối chính là lúc cả gia đình sum họp sau một ngày làm việc hay học tập vất vả. Bởi vậy mà bữa cơm luôn được mẹ chăm chút.
Nhớ lại khi còn nhỏ, không ít lần tôi đã khiến mẹ phải lo lắng. Đó có thể là những khi tôi bị ốm, mẹ phải thức suốt đêm để chăm sóc. Đó có thể là khi tôi mải chơi cùng các bạn mà về nhà muộn. Đó có thể là khi tôi không chịu học bài nên bị điểm kém. Mỗi lần như vậy, mẹ đều nhẹ nhàng khuyên bảo.
Một hôm, sau giờ học, nhóm bạn trong lớp rủ tôi đi chơi. Tôi không cần suy nghĩ mà đồng ý luôn. Do mải chơi nên đến khi nhận ra thì cũng đã khoảng chín giờ tối. Tôi cảm thấy khá sợ và nhanh chóng đạp xe trở về nhà. Đến đoạn đường tối, tôi bỗng đâm phải một chiếc xe máy. Tôi ngã ra, cảm thấy chân tay đều rất đau. Người đi xe máy nhanh chóng hỏi han và gọi điện cho mẹ đến.
Nhìn khuôn mặt lo âu của mẹ lúc đó, tôi cảm thấy rất hối hận. Tôi liền ôm chầm lấy mẹ và khóc nức nở. Mẹ chỉ nhẹ nhàng xoa đầu tôi và nói: “Không sao đâu con!”. Qua kỉ niệm lần đó, tôi đã hiểu được tình yêu thương của mẹ dành cho mình. Từ đó, tôi cố gắng học tập chăm chỉ, giúp đỡ mẹ những công việc nhà.
Tình mẹ bao la, rộng lớn như biển cả. Chính nhờ có mẹ mà những đứa con thêm trưởng thành hơn. Tôi tự hào khi có mẹ ở bên, và mong rằng mẹ sẽ luôn mạnh khỏe để tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho tôi.
9. Bài văn nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình - mẫu 6
“Dân gian ta có câu ca dao:
Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, đỡ đần có nhau.”
Đối với một đứa em gái có một người anh trai, em như càng thấm thía câu nói này hơn. Và hôm nay, em muốn dành những tình cảm chân thật nhất để nói về người anh trai mà em rất mực yêu quý.
Anh trai em năm nay đã sang tuổi mười chín, lớn hơn em bảy tuổi. Giờ anh đang là sinh viên Đại học nhưng anh vẫn hướng sự quan tâm của mình về đứa em gái như em. Anh có vóc người cao ráo, tính tình hiền lành, lại rất cưng chiều em gái. Mẹ em còn bảo anh yêu thương em như vậy sẽ có ngày em quen mà sinh hư, những lúc thế anh chỉ cười cười rồi xoa nhẹ mái tóc của em. Thấy vậy, mẹ chỉ khẽ thở dài vì mẹ biết, dù có nói gì thì anh cũng không thể thay đổi.
Anh đã đi học xa nhà được khoảng hai năm, trong thời gian ấy ngày nào em cũng nhớ anh rồi gọi điện thoại chuyện trò với anh rất nhiều. Có khi, nghe giọng anh vô cùng mệt mỏi nhưng không khi nào anh trách mắng hay cắt ngang cuộc điện thoại cả. Do không tinh ý nên mãi sau này, em mới nhận ra. Khi anh còn ở nhà, vì quá quen với sự yêu thương nên em xem đó là điều hiển nhiên, thế nhưng giờ anh đi học xa, em lại thấy nhớ những kỉ niệm mà anh em đã có cùng nhau. Khi có bài tập khó, anh chính là người gia sư tuyệt vời giúp em hiểu và giải tốt những bài tập được giao. Lúc cả nhà đi vắng, anh lại kiên nhẫn ngồi xem rồi bình luận với em những tập phim hoạt hình mà anh chẳng hề yêu thích…Cứ mỗi lần em nghịch ngợm bị mẹ mắng, hay bị điểm kém, gặp chuyện không vui khi đi học, anh lại là người vỗ về an ủi. Anh thường cho em cái bánh hay cái kẹo, rồi dỗ dành em nín khóc. Tuy vậy, anh cũng rất nghiêm khắc. Nếu em làm sai một việc gì, anh sẽ không bao che mà sẽ dạy bảo em việc gì nên làm và việc gì nên tránh bằng một gương mặt nghiêm nghị. Đối với anh, em lúc nào cũng là một cô bé, dù yêu thương nhưng không được nuông chiều quá mức. Anh vừa cứng rắn, mạnh mẽ, nghiêm khắc như ba, lại có chút gì dịu dàng, hiền hậu từ mẹ nên đối với em, anh chính là người mà em yêu quý nhất trong gia đình.
Anh là người gần gũi với em nhất trong gia đình, luôn bên em mỗi khi em ốm đau, bệnh tật. Có lần cả gia đình đi vắng mà em lại sốt cao, anh đã cõng em chạy một quãng đường dài để đến trạm y tế. Nhìn tấm lưng rộng lớn của anh ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt lo lắng đến hoảng sợ, em lại càng thêm yêu quý anh hơn. Nếu không có anh trong lúc đó, có lẽ bệnh tình của em khó lòng mà thuyên giảm.
Dù anh có đi học xa nhưng tình cảm anh em vẫn luôn bền chặt. Em hi vọng sau này khi đã lớn lên, anh vẫn luôn bên cạnh để an ủi, giúp đỡ em mỗi khi em gặp khó khăn trong cuộc sống. Còn bây giờ, em chỉ mong muốn anh học thật tốt để có thể trở thành người giúp ích cho đất nước sau này.
10. Cảm nghĩ về người thân lớp 7 ngắn gọn
Ông nội em năm nay đã gần tám mươi tuổi. Tuy thế, ông vẫn thật khỏe mạnh. Ông có dáng người đậm và chắc, bước đi điềm tĩnh, khoan thai. Râu tóc của ông đã bạc trắng nhưng da dẻ vẫn hồng hào. Đôi mắt của ông không còn màu đen trong tinh anh mà đã thoáng màu mờ đục, khi đọc sách, ông thường phải dùng đến cặp kính lão cất cẩn thận trong hộp. Râu ông mọc dài đến ngang ngực.
Đôi lúc, hình ảnh của ông khiến em nghĩ đến một ông tiên, ông Bụt nào đó trong cổ tích. Đặc biệt, hai cánh tay của ông còn khá săn chắc, thỉnh thoảng, ông vẫn xách những xô nước mà em phải ì ạch mãi không di chuyển được. Nhìn ông đánh đàn trâu ra bờ mương chăn không ai tin được tuổi ông đã đến vậy. Ông cũng rất ít ốm đau, các cô bác hàng xóm thường khen: “Ông thật có phúc!”. Riêng em, em hiểu rõ tại sao sức khỏe của ông lại tốt như thế. Ấy là vì ông rất chăm tập thể dục. Sáng sáng, ông dậy sớm làm vệ sinh cá nhân rồi lên tầng thượng tập tạ. Buổi chiều, ông lại gọi em, hai ông cháu chạy bộ trong sân trường tiểu học. Thêm nữa còn là chế độ ăn uống của ông. Mồi bữa ông ăn nhất định một số lượng cơm, ăn nhiều rau và mỗi ngày uống một chén rượu nhỏ. Điều em khâm phục nhất là ông giữ chế độ tập luyện và ăn uống rất điều độ. Em học được ở ông tính tự giác và kỉ luật cao: theo tấm gương ấy của ông, em học bài và làm bài đều đặn, cố gắng không để những việc riêng làm ảnh hưởng đến chuyện học tập.
Không chỉ vậy, ông còn là một tấm gương mẫu mực về lối sống trong gia đình khiến mọi người yêu quý, kính trọng. Ông sống tiết kiệm, ngăn nắp và điềm tĩnh. Phòng riêng của ông lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ. Ông thường tự quét dọn, sắp xếp lấy phòng mình ít khi phiền đến con cháu. Mỗi dịp lễ Tết, bố mẹ em lại muốn mua biếu ông quần áo hoặc bộ cần câu mới nhưng ông đều từ chối nói rằng để cho cu Tít (là em) ăn học. Đôi khi, bố mẹ em có điều gì to tiếng với nhau, ông lại nhẹ nhàng hòa giải, nhắc nhở rằng phải biết lấy hòa thuận trong gia đình làm trọng, tránh cãi vã lẫn nhau ảnh hưởng không tốt đến con cái.
Riêng em, từ nhỏ đến lớn, em giống như cái bóng nhỏ loắt choắt theo chân ông. Với em, ông vừa cưng chiều vừa nghiêm khắc dạy dỗ. Được ai biếu tặng tiền, ông đều gọi bố mẹ em đến nói rằng ông cho thăng Tít, dặn bố mẹ em phải biết cách tiêu cho con. Lương hưu hàng tháng, ông cũng trích ra để khi thì mua cho em sách vở, lúc lại mua quà hay mua quần áo mới cho em. Những lúc rảnh rỗi, ông còn dạy em làm điều, làm đèn Trung thu, câu cá… Thậm chí, ông còn làm “quân sư” cho em khi em gặp những chuyện không hay, khó xử nữa. Bởi thế, với em, nhắc đến ông là nhắc đến bao niềm yêu thương đầy thiêng liêng, xúc động.
Ông nội thật là một cây cao bóng cả tỏa mát trên mái nhà của gia đình em. Yêu quý ông, em ước ông sống thật lâu để em được học từ ông những điều hay điều đẹp. Em cũng tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để làm ông vui lòng!
11. Bài văn cảm nghĩ về mẹ lớp 7
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Cha mẹ có vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Bởi vậy, tôi luôn dành cho mẹ tình yêu thương và lòng kính trọng.
Bố tôi là bộ đội, thường xuyên phải đi công tác. Bởi vậy, mẹ là người gắn với tôi hơn cả. Năm nay, mẹ bốn mươi tuổi. Khuôn mặt trông rất dịu hiền. Làn da trắng hồng hào. Đôi bàn tay nhỏ nhắn với nhiều vết chai sần. Giọng nói của mẹ vô cùng trong trẻo, mềm mại. Mái tóc của mẹ dài, đen nhánh và mềm mượt.
Công việc của mẹ là một giáo viên. Dù công việc bận rộn, nhưng mẹ vẫn quan tâm đến hai chị em tôi. Mọi công việc trong gia đình đều do bàn tay của mẹ chăm lo. Mỗi khi bố có thời gian về thăm nhà, cả gia đình lại được sum họp bên mâm cơm mẹ nấu. Cảm giác khi đó thật ấm áp, hạnh phúc biết bao.
Tôi đã có thật nhiều kỉ niệm cùng với mẹ. Những buổi chiều cuối tuần cùng mẹ vào bếp. Hai mẹ con vừa làm việc vừa trò chuyện vui vẻ. Hay những chuyến đi chơi xa cùng với cả gia đình, mẹ luôn chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo. Cả những lúc tôi bị ốm, mẹ chăm sóc cho tôi từng chút một. Mẹ nấu cháo cho tôi, giúp tôi uống thuốc. Suốt cả đêm, mẹ thức trông tôi ngủ. Những lần đó giúp tôi cảm nhận được nỗi vất vả của mẹ nhiều hơn. Tôi nhận ra tình yêu thương mẹ dành cho mình. Điều đó khiến tôi trưởng thành hơn, thêm yêu mẹ nhiều hơn.
Tình mẹ thật bao la như biển cả. Từ tận đáy lòng, tôi muốn dành cho mẹ tất cả những lời tri ân trân trọng nhất. Tôi mong mẹ sẽ luôn khỏe mạnh, vui vẻ để có mãi ở bên tôi.
12. Viết bài văn nêu cảm nghĩ về người thân trong gia đình
Những người thân trong gia đình là một điểm tựa vô cùng quý giá. Đối với riêng tôi, ông nội chính là người mà tôi, cảm thấy yêu mến và kính trọng nhất.
Năm nay, ông nội đã ngoài bảy mươi hai tuổi. Nhưng ông còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông có dáng người đầy đặn. Lưng đã hơi còng xuống vì những năm tháng làm việc vất vả. Khuôn mặt vuông chữ điền trông thật phúc hậu. Nụ cười hiền hậu, chứa chan yêu thương. Vầng trán rộng toát lên vẻ cương nghị. Mái tóc đã bạc trắng. Tôi thích nhất là đôi bàn tay của ông. Đôi bàn tay nhăn nheo nhưng thật ấm áp.
Trước khi nghỉ hưu, ông là một cán bộ của thôn. Ông luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người xung quanh. Ai cũng kính trọng, yêu mến ông. Đối với con cháu của mình, ông luôn lo lắng và quan tâm. Ông thường kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của mình. Những năm tháng còn trẻ, ông luôn cố gắng làm việc để cho con cái một cuộc sống no đủ. Năm người con của ông, trong đó có bố tôi, đều được học hành và trở thành những người có ích cho xã hội. Ông đã trở thành tấm gương để tôi học tập.
Ông rất yêu thích công việc trồng cây nên vườn nhà lúc nào cũng đầy những cây trái. Khu vườn được ông chăm sóc nên cây cối quanh năm đều xanh tốt. Những cây ăn quả đã cho trái ngọt không biết bao nhiêu mùa. Sau khi làm xong những công việc vặt trong nhà, ông thường ra vườn chăm sóc cây cối. Lúc đó, tôi lại chạy theo ông để đòi được giúp ông tưới tắm cho cây cối trong vườn. Ông đã dạy tôi phải chăm chút cây cối một cách nâng niu, cẩn thận. Như vậy, đến mùa, cây cối mới ra hoa kết trái, chúng tôi mới được hưởng hoa thơm quả ngọt. Ông cũng dạy cho tôi nhiều bài học quý giá trong cuộc sống. Lời răn dạy của ông khiến tôi khắc ghi mãi trong lòng.
Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng học tập thật tốt. Trong tương lai, tôi sẽ trở thành một người có ích cho xã hội để ông có thể cảm thấy tự hào. Tôi luôn yêu mến và kính trọng ông nội của mình.
13. Bài văn biểu cảm về mẹ
"Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời."
Trong cuộc đời này, có ai lại không được lớn lên trong vòng tay của mẹ, được nghe tiếng ru hời ầu ơ ngọt ngào, có ai lại không được chìm vào giấc mơ trong gió mát tay mẹ quạt mỗi trưa hè oi ả. Và trong cuộc đời này, có ai yêu con bằng mẹ, có ai suốt đời vì con giống mẹ, có ai sẵn sàng sẻ chia ngọt bùi cùng con như mẹ.
Với tôi cũng vậy, mẹ là người quan tâm đến tôi nhất và cũng là người mà tôi yêu thương và mang ơn nhất trên đời này. Tôi vẫn thường nghĩ rằng mẹ tôi không đẹp. Không đẹp vì không có cái nước da trắng, khuôn mặt tròn phúc hậu hay đôi mắt long lanh... mà mẹ chỉ có khuôn mặt gầy gò, rám nắng, vầng trán cao, những nếp nhăn của cái tuổi 40, của bao âu lo trong đời in hằn trên khóe mắt. Nhưng bố tôi bảo mẹ đẹp hơn những phụ nữ khác ở cái vẻ đẹp trí tuệ. Đúng vậy, mẹ tôi thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát lắm. Trên cương vị của một người lãnh đạo, ai cũng nghĩ mẹ là người lạnh lùng, nghiêm khắc. Có những lúc tôi cũng nghĩ vậy nhưng khi ngồi bên mẹ, bàn tay mẹ âu yếm vuốt tóc tôi, mọi ý nghĩ đó tan biến hết. Tôi có cảm giác lâng lâng, xao xuyến khó tả, cảm giác như chưa bao giờ tôi được nhận nhiều yêu thương đến thế. Dường như một dòng yêu thương mãnh liệt qua bàn tay mẹ truyền vào sâu trái tim tôi, qua ánh mắt, đôi môi trìu mến, qua nụ cười ngọt ngào, ... qua tất cả những gì của mẹ. Tình yêu ấy chỉ khi người ta gần bên mẹ lâu rồi mới cảm thấy được thôi. Từ nhỏ đến lớn, tôi đón nhận tình yêu vô hạn của mẹ như một ân huệ, một điều đương nhiên.
Trong con mắt một đứa trẻ, mẹ sinh ra là để chăm sóc con. Chưa bao giờ tôi tự đặt câu hỏi: Tại sao mẹ chấp nhận hy sinh vô điều kiện vì con? Mẹ tốt, rất tốt với tôi nhưng có lúc tôi nghĩ mẹ thật quá đáng, thật ác. Đã bao lần, mẹ mắng tôi, tôi đã khóc. Khóc vì uất ức, cay đắng chứ đâu khóc vì hối hận. Rồi cho đến một lần... Tôi đi học về, thấy mẹ đang đọc trộm nhật ký của mình. Tôi tức lắm, giằng ngay cuốn nhật ký từ tay mẹ và hét to: "Sao mẹ quá đáng thế! Đây là bí mật của con, mẹ không có quyền động vào. Mẹ ác lắm, con không cần mẹ nữa!" Cứ tưởng, tôi sẽ ăn một cái tát đau điếng. Nhưng không mẹ chỉ lặng người, hai gò má tái nhợt, khóe mắt rưng rưng. Có gì đó khiến tôi không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ.
Tôi chạy vội vào phòng, khóa cửa mặc cho bố cứ gọi mãi ở ngoài. Tôi đã khóc, khóc nhiều lắm, ướt đẫm chiếc gối nhỏ. Đêm càng về khuya, tôi thao thức, trằn trọc. Có cái cảm giác thiếu vắng, hụt hẫng mà tôi không sao tránh được. Tôi đã tự an ủi mình bằng cách tôi đang sống trong một thế giới không có mẹ, không phải học hành, sẽ rất hạnh phúc. Nhưng đó đâu lấp đầy được cái khoảng trống trong đầu tôi. Phải chăng tôi thấy hối hận? Phải chăng tôi đang thèm khát yêu thương? ...
Suy nghĩ miên man làm tôi thiếp đi dần dần. Trong cơn mơ màng, tôi cảm thấy như có một bàn tay ấm áp, khẽ chạm vào tóc tôi, kéo chăn cho tôi. Đúng rồi tôi đang mong chờ cái cảm giác ấy, cảm giác ngọt ngào đầy yêu thương. Tôi chìm đắm trong giây phút dịu dàng ấy, cố nhắm nghiền mắt vì sợ nếu mở mắt, cảm giác đó sẽ bay mất, xa mãi vào hư vô và trước mắt ta chỉ là một khoảng không thực tại. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi cảm thấy căn nhà sao mà u buồn thế. Có cái gì đó thiếu đi. Sáng đó, tôi phải ăn bánh mỳ, không có cơm trắng như mọi ngày. Tôi đánh bạo, hỏi bố xem mẹ đã đi đâu. Bố tôi bảo mẹ bị bệnh, phải nằm viện một tuần liền. Cảm giác buồn tủi đã bao trùm lên cái khối óc bé nhỏ của tôi. Mẹ nằm viện rồi ai sẽ nấu cơm, ai giặt giũ, ai tâm sự với tôi? Tôi hối hận quá, chỉ vì nóng giận quá mà đã làm tan vỡ hạnh phúc của ngôi nhà nhỏ này. Tại tôi mà mẹ ốm. Cả tuần ấy, tôi rất buồn. Nhà cửa thiếu nụ cười của mẹ sao mà cô độc thế. Bữa nào tôi cũng phải ăn cơm ngoài, không có mẹ thì lấy ai nấu những món tôi thích. Ôi sao tôi nhớ đến thế những món rau luộc, thịt hầm của mẹ quá luôn.
Sau một tuần, mẹ về nhà, tôi là người ra đón mẹ đầu tiên. Vừa thấy tôi, mẹ đã chạy đến ôm chặt tôi. Mẹ khóc, nói: "Mẹ xin lỗi con, mẹ không nên xem bí mật của con. Con ... con tha thứ cho mẹ, nghe con." Tôi xúc động nghẹn ngào, nước mắt tuôn ướt đẫm. Tôi chỉ muốn nói: "Mẹ ơi lỗi tại con, tại con hư, tất cả tại con mà thôi". Nhưng sao những lời ấy khó nói đến thế. Tôi đã ôm mẹ, khóc thật nhiều. Chao ôi! Sau cái tuần ấy tôi mới thấy mẹ quan trọng đến nhường nào. Hằng ngày, mẹ bù đầu với công việc mà sao mẹ như có phép thần. Sáng sớm, khi còn tối trời, mẹ đã lo cơm nước cho bố con. Rồi tối về, mẹ lại nấu bao nhiêu món ngon ơi là ngon. Những món ăn ấy nào phải cao sang gì đâu. Chỉ là bữa cơm bình dân thôi nhưng chứa chan cái niềm yêu tương vô hạn của mẹ. Bố con tôi như những chú chim non đón nhận từng giọt yêu thương ngọt ngào từ mẹ. Những bữa nào không có mẹ, bố con tôi hò nhau làm việc toáng cả lên. Mẹ còn giặt giũ, quét tước nhà cửa... việc nào cũng chăm chỉ hết. Mẹ đã cho tôi tất cả nhưng tôi chưa báo đáp được gì cho mẹ. Kể cả những lời yêu thương tôi cũng chưa nói bao giờ. Đã bao lần tôi trằn trọc, lấy hết can đảm để nói với mẹ nhưng rồi lại thôi, chỉ muốn nói rằng: Mẹ ơi, bây giờ con lớn rồi, con mới thấy yêu mẹ, cần mẹ biết bao. Con đã biết yêu thương, nghe lời mẹ. Khi con mắc lỗi, mẹ nghiêm khắc nhắc nhở, con không còn giận dỗi nữa, con chỉ cúi đầu nhận lỗi và hứa sẽ không bao giờ phạm phải nữa. Khi con vui hay buồn, con đều nói với mẹ để được mẹ vỗ về chia sẻ bằng bàn tay âu yếm, đôi mắt dịu dàng. Mẹ không chỉ là mẹ của con mà là bạn, là chị... là tất cả của con. Con lớn lên rồi mới thấy mình thật hạnh phúc khi có mẹ ở bên để uốn nắn, nhắc nhở. Có mẹ giặt giũ quần áo, lau dọn nhà cửa, nấu ăn cho gia đình.
Mẹ ơi, mẹ hy sinh cho con nhiều đến thế mà chưa bao giờ mẹ đòi con trả công. Mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất, cao cả nhất, vĩ đại nhất. Đi suốt đời này có ai bằng mẹ đâu. Có ai sẵn sàng che chở cho con bất cứ lúc nào. Ôi mẹ yêu của con! Giá như con đủ can đảm để nói lên ba tiếng: "Con yêu mẹ!" thôi cũng được. Nhưng con đâu dũng cảm, con chỉ điệu đà ủy mỵ chứ đâu được nghiêm khắc như mẹ. Con viết những lời này, dòng này mong mẹ hiểu lòng con hơn. Mẹ đừng nghĩ có khi con chống đối lại mẹ là vì con không thích mẹ. Con mãi yêu mẹ, vui khi có mẹ, buồn khi mẹ gặp điều không may. Mẹ là cả cuộc đời của con nên con chỉ mong mẹ mãi mãi sống để yêu con, chăm sóc con, an ủi con, bảo ban con và để con được quan tâm đến mẹ, yêu thương mẹ trọn đời.
Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất trên đời này. Tình cảm ấy đã nuôi dưỡng bao con người trưởng thành, dạy dỗ bao con người khôn lớn. Chính mẹ là người đã mang đến cho con thứ tình cảm ấy. Vì vậy, con luôn yêu thương mẹ, mong được lớn nhanh để phụng dưỡng mẹ. Và con muốn nói với mẹ rằng: "Con dù lớn vẫn là con mẹ. Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con''.
14. Cảm nhận về người bà gắn liền với tuổi thơ
Hai tiếng "bà ngoại" trong tôi vô cùng đẹp và thiêng liêng. Cả tuổi ấu thơ của tôi đều gắn liền với những kỉ niệm về người bà yêu quý. Những kỉ niệm ấy được bà vun đắp và gieo trồng tạo nên một góc đẹp trong tâm hồn tôi. Đó là những lời tự tận đáy lòng mà tôi mún nói với bà - người tuyệt vời nhất trong trái tim tôi.
Lúc nhỏ khi mới một tuổi, bố mẹ tôi bận đi làm nên tôi lên ở với ngoại từ đó. Nghe mẹ kể lại tôi nhỏ xíu xa bố mẹ tôi khóc suốt, bà thì cũng có tuổi thế mà ngày nào cũng phải thức để dỗ dành kể chuyện hát ru cho tôi ngủ. Cho tới tận bây giờ, cái mùi trầu thơm đượm bà nhai vẫn còn mơn man trong tâm hồn tôi.
Hồi đó người đầu tiên chứng kiến những bước đi chập chững đầu đời, tiếng nói ngượng nghịu của tôi chính là bà. Bà luôn kiên nhẫn cầm tay và hướng dẫn tôi đi, luôn chỉnh sửa lời nói cho tôi. Tôi biết chắc chắn rằng người đầu tiên tôi gọi sẽ là bà. Bà đã mừng lắm đấy.
Bà là người đầu tiên dạy cho tôi biết yêu thương mọi người - đỡ bạn cùng lớp khi vấp ngã, người đầu tiên đã mang cả thế giới đến bên tôi, người đã nâng đỡ chở che cho tôi trong sự bỡ ngỡ lạ lẫm khi tôi tự đứng vững đi những bước đầu đời. Chính vì lẽ đó, hình ảnh bà đã chiếm trọn trái tim thơ ngây của tôi.
Lớn hơn một chút, tôi đã biết nói nựng với bà: "Con không chơi với bà, bà không mua gấu cho con". Bà ôm tôi vào lòng thủ thỉ: "Con à, cố gắng ngoan ngoãn và học thật giỏi, bà sẽ mua gấu thật to cho con nha". Câu nói ấy của ngoại giờ đây vẫn còn vang vọng trong tôi như một lời nhắc nhở tôi phải cố gắng, cố gắng nhìu hơn nữa. Bà chính là động lực, là bến bờ đem đến cho tôi niềm tin và hi vọng. Tôi còn nhớ rất rõ ngoại và tôi sống trong một căn nhà mái ngói, ngoài sân, kê một chiếc chõng tre. Làn gió mát rượi xen lẫn những câu chuyện bà kể về Tấm Cám, Thạch Sanh,... nhẹ nhàng đưa tôi vào giấc ngủ. Nghe những câu chuyện bà kể, tôi tròn xoe mắt há hốc mồm như nuốt lấy từng chữ. Bà dặn tôi rằng: "Con phải ngoan ngoãn như Tấm Cám, tốt bụng, chăm chỉ như Lọ Lem... để luôn được mọi nguời yêu quý và con phải nhớ luôn rộng lòng giúp đỡ mọi người như ông bụt bà tiên nhé !". Tôi thật sự rất hiểu và cám ơn những lời bà dạy. Tôi sẽ mãi cố gắng để có một tâm hồn đẹp như bà vậy. Cám ơn bà đã đem cả thế giới đến bên tôi, giúp tôi làm quen và cảm nhận nó. Ở bên bà, tôi luôn tìm được sự ấm áp đến lạ kì. Bà như bà tiên hiền hậu trong truyện cổ tích với bao phép lạ kì, biến một con bé không biết gì thành người thuộc làu những câu truyện cổ tích, khiến tâm hồn tôi đẹp hơn, tốt hơn. Bà luôn là người mà tôi hãnh diện, khoe với tụi bạn. Nhìn ánh mắt thán phục của tụi bạn với bà tôi hạnh phúc lắm.
Tuổi thơ tôi với bao hờn dỗi, vui buồn đã qua đi, tôi bắt đầu bước chân vào cuộc sống này. Một sự kiện và có lẽ là thử thách đầu tiên đến với tôi đó là lúc tôi vào lớp Một. Buổi tối đó tôi hồi hộp vô cùng, đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ cái cảm giác bồn chồn ấy. Chỉ ngày mai thôi, tôi không còn tung tăng đi chơi với lũ bạn nữa, mà đã trở thành một bé gái lớp Một. Tôi sẽ quen bạn mới, trường mới, thầy cô mới... Dường như hiểu được suy nghĩ của tôi, ngoại ôm tôi và nói: "Ngoại tin con sẽ làm được, con sẽ học giỏi ngoại luôn ở bên và ủng hộ con".
Một con bé ham chơi, ham ăn, ham ngủ như tôi lạ lẫm vô cùng khi cầm bút kiên nhẫn ngồi viết. Thế nhưng bà đã ở bên, uốn nắn cho tôi từng chữ. Những nét chữ dần đẹp và thẳng hàng hơn nhiều. Có lúc tôi ham chơi không làm bài, bà không đánh hay mắng tôi mà nhìn bà, tôi biết rằng bà đang buồn lắm. Tôi ân hận vô cùng, thầm nhắc mình phải thật thật cố gắng để không làm bà phiền lòng. Tôi hãnh diện khoe với bà những điểm mười đầu tiên. Đó chính là minh chứng cho sự cố gắng của tôi. Bà mỉm cười xoa đầu tôi hài lòng. Lại một lần nữa bà giúp tôi hoàn thiện hơn bản thân mình, giúp tôi vững bước trong cuộc sống. Tất cả những gì bà làm, những lời bà nói đều hay vô cùng. Tôi cảm nhận được sự bình yên khi ở bên bà.
Không chỉ như một người mẹ, bà còn là người bạn lớn của tôi, bà luôn là người tôi tìm đến mỗi khi có tâm sự. Tôi kể cho bà nghe mọi chuyện: từ chuyện bị cô mắng, chuyện bạn bè chọc tới chuyện có một cậu bạn cùng tổ rất quan tâm tôi. Bà luôn lắng nghe và thấu hiểu lòng tôi. Khi lớn hơn, lúc đang học lớp Ba, gia đình tôi khá giả hơn, bố mẹ đã xin bà đón tôi về nhà. Lúc ấy tôi giãy nảy không về nhưng nghĩ đến bà đã có tuổi mà lúc nào cũng phải trông nom tôi, tôi đành theo bố mẹ về từ đó. Thỉnh thoảng, lúc nào có thời gian là tôi lại ghé thăm bà. Mỗi lúc vào thăm bà, bà mừng lắm, bà lại xoa đầu tôi, hỏi chuyện học hành.
Thế nhưng, lần ghé thăm bà ngày càng thưa dần. Bố mẹ thì bận làm, tôi đi học cả ngày. Tôi vô tình không nhận ra bà đã yếu đi nhiều, tóc bạc dần. Càng lớn, tôi càng vô tâm, lạnh nhạt với bà, né tránh những cử chỉ yêu thương của bà. Chắc lúc đó bà buồn lắm. Ngày xưa, thương tôi xa bố mẹ từ nhỏ, bà dành cho tôi mọi tình cảm. Thế nhưng giờ đây, tình cảm trong lòng tôi ngày càng mờ nhạt. Những trò vui xa hoa của cuộc sống đã kéo tôi ra xa cái triết lí của bà mà theo tôi là cổ hủ và cứng nhắc. Từ lúc nào tôi biết cãi lời bà. Đáp lại hành động đó của tôi chỉ là ánh mắt đượm buồn của bà. Có lẽ tôi sẽ chưa thức tỉnh cho tới khi bà ốm nằm viện. Bà gầy đi trông thấy gương mặt xanh xao, nhưng lúc nào bà cũng thế, không muốn con cái bận tâm, lo lắng nên khi thấy bố mẹ tôi vào thăm, bà luôn tươi cười. Nụ cười của bà đẹp lắm, lại phúc hậu. Nhìn thấy bà, tim tôi như thắt lại, cổ họng nghẹn ứ. Bác sĩ nói những gì bà còn níu giữ được trong cuộc sống này chỉ còn được tính từng ngày. Cả đời bà hi sinh tảo tần. Giờ đây, bà đang nghỉ ngơi trong bệnh viện nhưng tôi biết rằng tôi còn được ở bên bà chỉ là một thời gian ngắn nữa thôi. Khi tôi đang học ở trường, mẹ tôi gọi vào, tôi bàng hoàng, sững sờ khi nghe mẹ thông báo bà đang hấp hối và người bà muốn gặp nhất là tôi. Tôi òa khóc nức nở, khóc cho sự vô tâm của tôi, khóc cho những gì tôi chưa làm được với bà. Lúc về tới nhà, tôi òa khóc và ôm lấy bà, nói: "Con yêu bà nhìu lắm bà ạ, bà đừng đi hãy ở lại bên con đi bà". Lời nói của tôi phải chăng bây giờ đã là quá muộn? Phải chăng là khi phải rời xa hay đánh mất cái gì đó, người ta mới biết quý và trân trọng nó hơn? Chính giây phút ấy đã làm tôi tìm lại được chính mính. Bà nắm lấy tay tôi và nói: "Ở nơi nào đó bà vẫn luôn hướng về con...". Bà đã ra đi mãi mãi. Người bà tuyệt vời của tôi đã rời xa tôi. Đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, bà cũng chưa một lời trách cứ. Sự vị tha của bà làm tôi càng buồn hơn, mong rằng ở nơi xa xôi nào đó, bà sẽ hạnh phúc như những gì mà bà đã mang đến bên tôi. Ngày nào tôi cũng nhớ và cầu nguyện cho bà luôn hạnh phúc, vui vẻ. Tôi vẫn luôn nhớ những lời dặn dò của bà, tôi hứa sẽ luôn cố gắng làm theo lời dặn của bà, không phụ niềm tin của bà đặt vào tôi.
Trong trái tim tôi trước đây, bây giờ, và mãi mãi về sau, bà sẽ luôn là bà tiên đẹp nhất, hiền nhất và đáng kính nhất trong lòng tôi. Sự yêu thương và niềm vui của bà sẽ mãi lan tỏa xung quanh làm rạng ngời, tỏa sáng tâm hồn tôi.
15. Bài cảm nhận xúc động về người Cha
Trong đời sống tinh thần đa dạng và phong phú của con người thì tình cha con là tình cảm máu thịt thiêng liêng, sâu đậm nhất. Công lao to lớn của người cha được nhắc đến rất nhiều trong ca dao, dân ca: Công cha như núi Thái Sơn,.., Con có cha như nhà có nóc, Phụ tử tình thâm…
Người cha đóng vai trò trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa đáng tin cậy cho vợ con. Mọi việc lớn như làm nhà, tậu ruộng, tậu trâu, dựng vợ gả chồng cho con cái… thường là do người cha quyết định. Trách nhiệm của người cha rất nặng nề. Con cái ngoan hay hư, chủ yếu là tùy thuộc vào sự bảo ban dạy dỗ của người cha. Bên cạnh người mẹ dịu dàng là người cha nghiêm khắc. Dẫu cách thức biểu hiện tình thương yêu có khác nhau nhưng bậc cha mẹ nào cũng mong muốn nuôi dạy con cái trưởng thành về mọi mặt, đúng như dân gian đã nói: Con hơn cha là nhà có phúc. Trong lúc mẹ hằng ngày chẳng quản vất vả nhọc nhằn, lo lắng cho các con từ bát cơm, tấm áo thì người cha, ngoài những thứ đó ra còn phải nghĩ đến việc dạy dỗ, truyền kinh nghiệm sống mà mình đã đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, để các con học được những bài học thiết thực khi bước vào đời. Thật hạnh phúc cho những đứa con được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ!
Có biết bao người cha chấp nhận thiệt thòi về mình, dành tất cả thuận lợi cho con cái. Em đọc trên báo và xem truyền hình thấy những người cha lam lũ, quần quật làm những việc như: quét rác, đội than, đội trấu, đạp xích lô… không từ nan bất cứ chuyện gì, miễn là lương thiện đế kiếm tiền nuôi đàn con ăn học đến nơi đến chốn. Gần nhà em có một bác người Quảng Ngãi, tuổi hơn năm chục, làm nghề mài dao kéo. Ngày ngày, bác rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe đạp cà tàng với vài hòn đá mài và thùng nước nhỏ. Bác vào thành phố đã hơn ba năm, kể từ khi anh con trai lớn thi đậu đại học Bách khoa. Mỗi lúc kể về những đứa con ngoan, bác cười rất mãn nguyện, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào: – Nhà bác nghèo lắm! Được mấy đứa con, đứa nào cũng ham học và học giỏi. Năm nay, cô con gái thứ hai cũng đậu Đại học Sư phạm. Bác ráng làm kiếm ngày vài chục ngàn, cha con đùm túm nuôi nhau. Mình chẳng có chi cho các con thì cho chúng cái chữ, cái nghề !
Em thấy ở bác có những nét rất giống cha em, một người thợ cơ khí bình thường, quanh năm làm việc với máy móc, dầu mỡ. Đôi bàn tay cha chai sần, thô ráp, mạnh mẽ nhưng ấm áp lạ thường. Có thể nói rằng trong gia đình em, cha làm nhiều nhất và hưởng thụ ít nhất; Cha giống mẹ ở chỗ nhường nhịn hết cho đàn con những miếng ngon miếng lành, còn mình chỉ cơm dưa cơm mắm qua ngày.
Đức tính nổi bật của cha em là cần cù chịu khó, hết lòng vì vợ con. Tuy công việc thường xuyên bận bịu, cha vẫn cố dành thời gian quan tâm săn sóc đến việc học hành của các con. Cha em ít lời, chỉ nói những câu nào đáng nói như nhắc nhở, uốn nắn khuyết điểm hay động viên, khen ngợi khi các con làm được điều tốt, điều hay. Cha dạy chúng em lòng tự trọng và tính tự lập. Có lần cha bảo: – Đã là người thì phải có ý chí, không được ngại khó ngại khổ.
Càng khó càng phải làm bằng được. Em quý nhất cha em ở thái độ tôn trọng mọi người, tôn trọng vợ con. Có việc gì không vừa ý, cha bình tĩnh phân tích chứ không la lối, chửi bới. Bởi thế nên dù tính cha nghiêm khắc mà vẫn dễ gần, từ vợ con đến hàng xóm láng giềng đều nể phục. Cứ nghe những lời cha nói, nhìn những việc cha làm, em học được rất nhiều điều hay, điều tốt. Cha thường bảo con cái lấy bố mẹ làm gương nên cha rất giữ gìn ý tứ.cam nghi ve nguoi cha em
Chúng em yêu kính cha, cố gắng chăm học, chăm làm để cha mẹ vui lòng. Đó cũng là cách đáp đền chữ hiếu cụ thể và thiết thực nhất. Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Trọng cầu đã nói giúp tuổi thơ chúng em những suy nghĩ tốt đẹp về cha mẹ: Cha sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa, cho con cài lên ngực. Cha mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con… Ngày mai con khôn lớn, bay đi khắp mọi miền. Con đừng quên con nhé, ba mẹ là quê hương!
Xem thêm:
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.
Tham khảo thêm
Trình bày suy nghĩ về một vấn đề đời sống được gợi ra từ tác phẩm văn học đã học siêu hay (8 mẫu)
Soạn bài Ôn tập trang 75 lớp 7 Chân trời sáng tạo tập 1
Bài văn viết về nhân vật nào? Người viết đã trình bày ý kiến về những đặc điểm nào của nhân vật?
Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 90 lớp 7 tập 1 Cánh Diều
Soạn bài Vẻ đẹp của bài thơ Tiếng gà trưa hay nhất
Nêu cảm nghĩ của em về một nhân vật trong truyện Chất làm gỉ
Top 12 bài văn biểu cảm về thầy cô siêu hay
Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật An trong văn bản Đi lấy mật
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình
143,6 KB 14/11/2022 2:15:00 CHTải Viết bài văn nêu suy nghĩ của em về một người thân trong gia đình doc
14/11/2022 2:33:02 CH
- Trong nghia DoThích · Phản hồi · 1 · 20:49 16/03
- Trong nghia DoThích · Phản hồi · 0 · 20:49 16/03
Gợi ý cho bạn
-
Soạn bài Đẽo cày giữa đường, Ếch ngồi đáy giếng, Con mối và con kiến
-
Tóm tắt bài Ngôi nhà trên cây (ngắn gọn, đầy đủ)
-
Thực hành đọc Thân thiện với môi trường
-
Đoạn văn suy nghĩ về những con người dám nhận trách nhiệm trước sai lầm, thất bại do chính họ gây ra
-
(Đề mới, có đáp án) Đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn 7
-
Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến một nhân vật lịch sử nước ngoài
-
(7 mẫu) Viết bài văn thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động lớp 7 KNTT
-
Luyện tập tổng hợp trang 118 Ngữ văn 7 tập 2 Kết nối tri thức
-
Phụ lục 1, 3 Sinh học 10 Kết nối tri thức
-
So sánh giống nhau và khác nhau giữa tản văn và tuỳ bút
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Ngữ văn 7 KNTT
Thực hành tiếng Việt 7 trang 41 Kết nối tri thức tập 2
Hãy viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) về chủ đề Sách – người bạn đường
Soạn bài Ôn tập học kì 2 Ngữ văn 7 Kết nối tri thức
Nghị luận Không thầy đố mày làm nên và Học thầy chẳng tày học bạn, câu nào là chân lí?
Thực hành tiếng Việt trang 116 lớp 7 tập 1 KNTT
Viết văn bản tường trình lớp 7 Kết nối tri thức