Đoạn văn nêu cảm nghĩ về tình yêu của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp

Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) nêu cảm nghĩ về tình cảm của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp là nội dung phần Viết kết nối với đọc trang 44 sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 tập 1 bộ Kết nối tri thức sau khi học văn bản Gặp lá cơm nếp của tác giả Thanh Thảo. Sau đây là một số mẫu đoạn văn cảm nghĩ về tình yêu của người con đối với mẹ trong bài Gặp lá cơm nếp, mời các bạn cùng tham khảo.

Hướng dẫn làm bài Viết kết nối với đọc trang 44 SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 KNTT

Cảm nghĩ về tình yêu của người con đối với mẹ trong bài Gặp lá cơm nếp

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) nêu cảm nghĩ về tình yêu của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp.

Đoạn văn cảm nghĩ về tình yêu của người con đối với mẹ trong bài Gặp lá cơm nếp - mẫu 1

Cha mẹ là người có công sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta nên người, vì thế dù có đi bất cứ nơi đâu thì chúng ta cũng luôn hướng về cha mẹ. Thanh Thảo đã khéo nói hộ chúng ta nỗi nhớ ấy thông qua bài thơ Gặp lá cơm nếp. Khi xa nhà, bỗng dưng gặp lá nếp mà nỗi nhớ mẹ, nhớ quê hương cứ thế ùa về. Nhớ về mẹ là nhớ món xôi của mẹ “bát xôi mùa gặt/ mùi xôi sao lạ lùng”. Mùi xôi của mẹ hay chính là vị quê hương quen thuộc luôn thường trực trong con “thơm suốt đường con”. Tình yêu mẹ, yêu quê hương đất nước không chỉ được thể hiện qua món xôi, qua mùi vị quê hương, tình yêu thương đó đã dâng trào bộc trực ra lời nói “ôi mùi vị quê hương/ con làm sao quên được/ mẹ già và đất nước/ chia đều nỗi nhớ thương”. Mẹ được đặt ngang với đất nước, được người con chia đều nỗi nhớ thương, qua đó chúng ta thấy được tình cảm sâu nặng của người con dành cho người mẹ già yêu quý của mình.

Đoạn văn cảm nghĩ về tình yêu của người con đối với mẹ trong bài Gặp lá cơm nếp - mẫu 2

Đi hết cuộc đời dài rộng này, chúng ta cũng không thể hiểu được hết công lao của mẹ cha. Bởi vậy, đã có biết bao sáng tác ra đời để ca ngợi công ơn trời bể ấy. Tác giả Thanh Thảo cũng viết về đề tài ấy, ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc trong bài thơ Gặp lá cơm nếp. Bài thơ đã ghi lại cảm xúc của người con tình cờ nghĩ đến hương vị của mùi xôi và nhớ về mẹ. Tác giả đã xa nhà nhiều năm, thèm một bát xôi nếp mùa gặt và nhớ về mẹ cùng những hương vị yêu dấu của làng quê. Trong tâm hồn các anh, người mẹ là hình ảnh lớn lao nhất, đẹp đẽ nhất của quê hương. Với người lính, mẹ là suối nguồn của yêu thương, là ánh sáng diệu kì dõi theo con suốt cuộc đời. Câu thơ “Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương” như cảm xúc òa khóc trong lòng nhân vật khi nghĩ về người mẹ tảo tần và đất nước bình dị. Mẹ đã chịu một đời lam lũ, hi sinh để dành cho con những điều đẹp đẽ nhất. Những câu thơ giản dị, ngắn gọn mà vời vợi nỗi nhớ thương. Bài thơ “Gặp lá cơm nếp” được viết lên từ nỗi nhớ, tình yêu mà nhà thơ dành cho mẹ. Bài thơ đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng độc giả.

Viết kết nối với đọc bài Gặp lá cơm nếp

Sau khi đọc xong bài thơ Gặp lá cơm nếp của Thanh Thảo, người đọc có thể thấy được tình yêu của người con đối với người mẹ. Đó là "nỗi nhớ thương", "làm sao quên được", là tiếng thảng thốt để phải kêu lên: "ôi mùi vị quê hương", hay ngay cả việc "thèm bát xôi mùa gặt". Người mẹ hiện lên với những hình ảnh giản dị, tảo tần: "nhặt lá về đun bếp", "thổi cơm nếp". Chỉ là những hình ảnh giản dị vậy thôi nhưng nó là hình ảnh gắn bó, quen thuộc với người con suốt thuở chưa "xa nhà đã mấy năm". Vì vậy mà người con càng nhớ thương mẹ nhiều hơn. "Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương" nhưng ta có thể thấy hình ảnh mẹ quen thuộc cũng như đất nước, mẹ già và đất nước ở đây như cũng đã hóa làm một, trở thành điều thiêng liêng nhất.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
27 24.243
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm