Viết bài văn phân tích một nhân vật văn học yêu thích trong cuốn sách đã đọc

Viết bài văn phân tích một nhân vật văn học yêu thích trong cuốn sách đã đọc. Đây là nội dung hoạt động số 3 trong bài Thách thức thứ hai Từ ý tưởng đến sản phẩm trang 109 sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập 2 Kết nối tri thức. Sau đây là dàn ý phân tích một nhân vật văn học mà em yêu thích kèm theo một số bài văn mẫu viết bài văn phân tích một nhân vật văn học yêu thích trong cuốn sách đã đọc. Mời các em cùng tham khảo.

1. Dàn ý viết bài văn phân tích một nhân vật văn học yêu thích trong cuốn sách đã đọc

Phân tích một nhân vật văn học mà em yêu thích

- Mở bài: Giới thiệu nhân vật và nêu ngắn gọn ấn tượng ban đầu của em về nhân vật.

- Thân bài:

+ Bối cảnh và những mối quan hệ lam nổi bật đặc điểm nhân vật.

+ Những đặc điểm nổi bật của nhân vật thể hiện qua các bằng chứng trong tác phẩm.

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: cách sử dụng chi tiết, ngôn ngữ, biện pháp nghệ thuật.

+ Ý nghĩa của hình tượng nhân vật

- Kết bài: Nêu những bài học, suy nghĩ, ấn tượng sâu sắc mà nhân vật để lại trong tâm trí em.

2. Phân tích một nhân vật văn học mà em yêu thích - Dế mèn phiêu lưu kí

Dế Mèn phiêu lưu ký” là một tác phẩm nổi tiếng dành cho thiếu nhi. Nổi bật trong truyện là Dế Mèn được nhà văn Tô Hoài khắc họa vô cùng chân thực và sinh động.

Dế Mèn chỉ vì thói kiêu căng, ngạo mạn của mình đã khiến cho Dế Choắt - người bạn hàng xóm yếu ớt phải chết oan uổng. Mở đầu đoạn trích, nhà văn đã khắc họa đặc điểm ngoại hình của Dế Mèn. Chàng ta hiện lên với một thân hình cường tráng, khỏe mạnh. Với đôi càng mẫm bóng, chiếc cánh ngày xưa chỉ như chiếc áo ghi lê ngắn tủn tới ngang mông thì nay dài như một chiếc áo khoác choàng ngoài. Cái đầu to nổi lên từng tảng trông rất oai vệ. Hàm răng đen nhánh sắc nhọn nhai cỏ cứ “ngoàm ngoạp” như một chiếc máy sản xuất, nên Dế Mèn càng lớn nhanh. Những bước đi bách bộ, cả người rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Chốc chốc dế ta lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu. Dế Mèn kiêu căng nghĩ mình là nhất nê dám cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm: quát mắng chị Cào Cào, đá ghẹo anh Gọng Vó… Có thể thấy rằng nhà văn Tô Hoài đã vô cùng tinh tế trong việc nhân vật Dế Mèn.

Nhưng một tình huống xảy ra khiến cho Dế Mèn không còn kiêu căng, ngạo mạn nữa. Dế Choắt - người bạn hàng xóm thường vị Dế Mèn giễu cợt vì vẻ ngoài ốm yếu còi cọc, quanh năm mắc bệnh hen suyễn động tí là thở dốc, mệt mỏi. Người Dế Choắt dài lêu nghêu như một người nghiện ma túy, trông thật xấu xí vô cùng. Nếu Dế Choắt luôn tôn trọng, thậm chí coi Dế Mèn là bậc đàn anh. Thì Dế Mèn lại thiếu tình thương sự cảm thông với bạn mình. Dế Choắt nhờ Dế Mèn đào một cái hang thông sang nhà, để phòng lúc hoạn nạn có chỗ thoát thân. Nhưng Dế Mèn lại lên giọng giễu cợt bạn rồi bỏ về. Một hôm, Dế Choắt và Dế Mèn đứng trước cửa hang của mình nhìn thấy chị Cốc đang tìm tôm tép kiếm ăn. Dế Mèn nổi hứng muốn chọc tức chị Cốc mặc Dế Choắt can ngăn. Cuối cùng, Dế Choắt phải chịu tội thay Dế Mèn, bị chị Cốc mổ cho đến chết. Nghe tiếng kêu thảm thiết của Dế Choắt, Dế Mèn kinh hãi nhưng cũng không dám ra cứu. Chờ tới lúc nghe ngóng tiếng bước chân chị Cốc đi xa rồi mới dám mò sang hang Dế Choắt xem tình hình thì thấy Dế Choắt nằm thoi thóp sắp chết rồi. Chỉ lúc này, Dế Mèn mới ân hận, nhận ra được sai lầm của mình.

3. Phân tích một nhân vật văn học mà em yêu thích - thầy Đuy sen

Với ngòi bút thấm đẫm chất thơ, nhà văn Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp đã đem đến cho người đọc tác phẩm "Người thầy đầu tiên" giàu ý nghĩa về tình cảm thầy trò và tình yêu thương trong cuộc sống. Bên cạnh nhân vật chính là An-tư-nai, thầy Đuy-sen để lại rất nhiều rung động, ấn tượng cho em bởi tấm lòng nhân hậu, cao cả.

Dưới con mắt của cô học trò An-tư-nai, thầy Đuy-sen hiện lên thật đẹp đẽ, hết lòng vì học sinh. Thấy lũ trẻ vác trên mình những bao ki-giắc nặng nề, thầy liền động viên bằng cái nháy mắt đầy hóm hỉnh, thân thương và nói "Những cái bao kia to hơn cả người các em đấy.". Là một người thầy, bên cạnh việc dạy học sinh, thầy còn làm những công việc ngoài chuyên môn của mình, sẵn sàng tu sửa, tân trang lại phòng học "Thầy vừa đắp lò sưởi ở góc nhà và bắc cả ống khói trên mái, các em thử nhìn xem! Giờ chỉ còn phải trữ sẵn củi để sưởi ở trong mùa đông nữa thôi, nhưng không sao, chung quanh thiếu gì củi khô. Dưới nền nhà ta sẽ trải rơm thật nhiều, thế là có thể bắt đầu học được rồi.". Qua những gì được chia sẻ, ta hoàn toàn có thể khẳng định thầy Đuy-sen là một người thầy chân chính, hết lòng vì học sinh. Thầy không quản ngại khó khăn, vất vả, cố gắng làm mọi thứ tốt nhất để dành cho học trò thân yêu.

Không dừng lại ở đó, thầy còn bế các em qua suối trong những ngày đông lạnh giá. Nước lạnh buốt cả chân nhưng thầy vẫn cần mẫn "lưng thì cõng, tay thì bế và cứ như thế thầy lần lượt đưa hết các em sang". Đặc biệt, đứng trước những lời bỡn cợt, giễu nhại "Đứa thì cõng, đứa thì bế, trông đã hay chưa" và hành động quất ngựa cho nước bắn tóe tung của bọn nhà giàu, thầy Đuy-sen vẫn không hề bận tâm. Thậm chí, thầy còn nghĩ ra một câu chuyện vui nào đó để xoa dịu học trò "Còn thầy Đuy-sen dường như không để ý đến những lời lăng mạ đó, coi như không nghe thấy gì hết. Thường là thầy nghĩ ra một câu chuyện vui nào đó khiến lũ chúng tôi phá lên cười, quên mất mọi sự.".

Thầy Đuy-sen còn là một người vô cùng ấm áp, giàu tình yêu thương. Khi thấy An-tư-nai bị chuột rút, không may ngã giữa dòng. Thầy nhanh chóng "lẳng tảng đá đi, nhảy ngay lại bên tôi, đỡ tôi lên tay, rồi bế tôi chạy lên bờ và lót chiếc áo choàng đặt tôi ngồi vào đất". Thầy có những hành động hết sức ân cần, dịu dàng như xoa hai chân, bóp chặt đôi tay lạnh cóng của An-tư-nai và đưa đôi bàn tay lên miệng hà hơi ấm.

Với tư cách là một nhà giáo, thầy Đuy-sen luôn nghĩ đến tương lai của học trò. Thầy âu yếm nói với An-tư-nai bằng những lời chan chứa: "Dòng suối trong trẻo của thầy", "em thông minh lắm... Ôi ước gì thầy được gửi em ra thành phố lớn. Em còn sẽ khá hơn biết chừng nào.". Mong ước của thầy khiến đám học sinh phải cảm phục, yêu mến và ngưỡng mộ. Đó là mong ước cao cả, đẹp đẽ và cũng là động lực để thầy Đuy-sen cố gắng công việc "trồng người".

Nhà văn thật khéo léo khi sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng "tôi". Từ góc nhìn của nhân vật An-tư-nai, người thầy Đuy-sen hiện lên thật chân thực với tấm lòng nhân hậu, cao cả và thấm đẫm tình yêu thương.

Qua nhân vật Đuy-sen trong đoạn trích "Người thầy đầu tiên", tác giả đã ngợi ca, trân trọng những người thầy chân chính và gửi gắm thông điệp về bài học, ý nghĩa của tình yêu thương trong cuộc sống. Từ đây, nhân vật sẽ mãi lưu dấu trong trái tim độc giả bởi các phẩm chất đáng quý.

4. Phân tích nhân vật "tôi" trong truyện "Đường vào trung tâm vũ trụ"

Bằng trí tưởng tượng của mình, tác giả Hà Thủy Nguyên đã sáng tác nên tác phẩm vô cùng độc đáo mang tên "Đường vào trung tâm vũ trụ". Nằm trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng này, đoạn trích "Đường vào trung tâm vũ trụ" thuộc chương thứ 10, kể về cuộc phiêu lưu của ba nhân vật: "tôi", Thần Đồng và Thần Thoại. Nổi bật ở văn bản là nhân vật Thần Đồng với những nét tính cách, phẩm chất vô cùng đáng quý.

Trước hết, Thần Đồng là một cậu bé ưa khám phá. Khi biết rằng đây là nơi đặt hòn đá "trung tâm của vũ trụ", Thần Đồng bặm môi, nghĩ ngợi và cho rằng phiến đá vẫn nằm đâu đó trong đềN thờ, dự định tối sẽ vào đó xem. Đúng như những gì đã nói, buổi tốm hôm ấy, Thần Đồng cùng con ngựa thần thoại và nhân vật "tôi" đột nhập vào ngôi đền.

Khác với nét tinh nghịch, có phần bông đùa của "tôi", Thần Đồng lại rất bình tĩnh, luôn suy xét mọi thứ thật cẩn thận. Điều này được thể hiện rõ ở chi tiết không may bị lọt hố, Thần Đồng không hề bận tâm đến cái trò trẻ con của "tôi", chỉ chăm chăm đi vòng quanh hố như tìm kiếm điều gì đó. Thần Đồng không ngại ngần bới hết rác rưởi lên cho đến khi chạm vào bề mặt đá. Cuối cùng, "dưới ánh đèn hiển hiện một cái rãnh tròn nhỏ, giống như vòng xoay của một động cơ cổ". Với bản tính ưa tìm tòi, Thần Đồng lại tiếp tục suy nghĩ và cho rằng "Cần một cái gì đó để lắp vào đây!". Ngay cả khi đứng trước lời giảng giải của "tôi", Thần Đồng vẫn không ngừng nghĩ ngợi, tự đặt ra câu hỏi: "Sao có thể lưu giữ được những "hiện vật" này?" và có hành động sờ lên thân cây "để chắc chắn đó không phải là hư ảnh được thời gian lưu giữ tại một chiều không gian thứ tư". Đặc biệt, Thần Đồng còn có lập luận hết sức sắc bén, phủ định những gì Giuyn Véc-nơ viết trong cuốn "Hai vạn dặm dưới đáy biển". Có thể thấy, Thần Đồng luôn không ngừng học hỏi, đào sâu suy ngẫm để tìm ra câu trả lời cho chính mình.

Cuối cùng, trong đoạn trích, Thần Đồng còn hiện lên với sự quyết đoán, gan dạ khi không ngần ngại đi đến bảo tàng để lấy hòn đá Ôm-phê-lốt. Chẳng cần chờ đợi "tôi" phản ứng, Thần Đồng ngay lập tức nhảy lên mình ngựa đi đến Bảo tàng khu di tích Đen-phi. Bằng một cách nào đó, Thần Đồng lấy được viên đá trở về sau 30 phút dù cho đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn vì nó được canh giữ nghiêm ngặt.

Với hình ảnh hết sức phong phú cùng việc khắc họa tính cách nhân vật qua lời nói, hành động, nhà văn đã đem đến cho người đọc những cảm nhận vô cùng rõ nét về cậu bé Thần Đồng. Đúng như tên gọi, nhân vật mang trong mình nét dí dỏm, dũng cảm, thông minh.

5. Bài văn phân tích một nhân vật văn học trong cuốn sách mà em đã đọc lớp 7 KNTT

Trong truyện "Gió lạnh đầu mùa" người đọc sẽ rất ấn tượng với nhân vật Sơn. Chính cậu bé thân thiện, tốt bụng, giàu tình cảm và ấm áp này đã khiến tác phẩm trở nên cuốn hút hơn.

Sáng sớm ngủ dậy khi gió lạnh đầu mùa đã thổi về, trời trắng đục, gió vi vu, khóm lan trong chậu “rung động và hình như sắt lại vì rét”. Sơn cũng thấy lạnh, em kéo chăn lên đầu rồi cất tiếng gọi mẹ. Một chén nước nóng mẹ đưa cho em “ấp vào mặt, vào má cho ấm”, một chiếc áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại phủ cái áo vải thâm, em mặc vào, đứng trên giường quay đi quay lại bốn lần để mẹ ngắm… Những chi tiết ấy cho biết Sơn còn bé nhỏ, ngây thơ, em rất được mẹ yêu. Không một tiếng khóc, một lời vòi vĩnh, Sơn đã cùng chị Lan đi chơi vì em biết lũ bạn con nhà nghèo xóm láng “đang đợi mình ở cuối chợ để đánh khăng, đánh đáo”. Gặp các bạn, khi chúng nó đến ngắm cái áo đẹp của Sơn, em cũng hồn nhiên ngây thơ như bất cứ đứa trẻ con nào, Sơn cũng “ưỡn ngực” khoe áo mới: “Mẹ tôi còn hẹn mua cho tôi một chiếc áo nhiều tiền hơn nữa kia’. Đúng là tâm lí đáng yêu: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”.

Sơn là một em bé rất giàu tình cảm. Anh em như thể chân tay… Sơn đối với em đầy tình thương. Ngủ dậy thấy lạnh, Sơn “kéo chăn lên đắp cho em” đang ngủ. Khi mẹ giơ cái áo bông cánh cũ của em Duyên – đã chết năm lên bốn tuổi – ‘Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá’. Những cử chỉ ấy, những cảm xúc ấy cho thấy Sơn có một tâm hồn rất đẹp, rất trong sáng, còn bé nhỏ đã biết quan tâm săn sóc đến mọi người xung quanh. Em rất yêu mẹ, vâng lời mẹ, lễ phép với vú già, biết tôn trọng chị. Sơn là một đứa bé được mẹ chăm sóc và dạy bảo nên em rất ngoan. Sơn là một em bé sống với bạn bè rất có tình người.

Trong lúc mấy đứa em họ của Sơn thì “kiêu kì và khinh khỉnh” với các bạn, trái lại Sơn và chị Lan rất chan hòa với chúng. Vì thế mới thấy chị em Sơn đến, chúng nó “lộ vẻ vui mừng”. Gặp bạn, buổi sớm trong gió lạnh đầu mùa, cái nhìn của Sơn đối với bạn nhỏ, những thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc,… là cái nhìn yêu thương, cám thông với cảnh nghèo của bạn. Trời lạnh mà chúng nó vẫn ‘ăn mặc không khác ngày thường, vần những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ’, và “môi chúng nó tím lại…”, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi”. Mỗi lần làn gió lạnh thổi qua, các bạn nhỏ của Sơn “lại run lên” và “hai hàm răng đập vào nhau”. Biết quan tâm tới đồng loại, biết san sẻ, cảm thông với bạn bè chỉ có ở những trái tim nhân ái, những tấm lòng nhân hậu. Sơn đã chơi, đã sống với bạn bằng trái tim nhân ái, bằng tấm lòng nhân hậu như thế!

Tình thương và sự quan tâm của Sơn đối với bạn còn được thể hiện bằng những cử chỉ, hành động cụ thể. Thấy cái Hiên, đứa con gái bên hàng xóm, bạn chơi với Lan và Duyên “co ro dứng bên cột quán”, chỉ mặc có ‘manh áo rách tả tơi hở cả lưng và tay’, chị Lan gọi, “nó cũng không đến… Nghe cái Hiên ? “bịu xịu” nói với chị Lan là ‘hết áo rồi, chỉ còn cái áo này’, bấy giờ Sơn mới chợt nhớ ra ‘mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề mò cua bắt ốc thì lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa”. Sơn đã “động lòng thương” bạn và một “ý nghĩ tốt thoảng qua”… Sơn đã nói thầm với chị Lan về lấy chiếc áo bông cũ của em Duyên đem cho cái Hiên mặc khi gió lạnh đầu mùa đã thổi về. Sơn thấy lòng mình “ấm áp vui vui” khi đứng lặng yên chờ chị Lan chạy về lấy áo. Sao không “ấm áp vui vui” được vì một miếng khi đói bằng một gói khi no.Đâu phải là một sự bố thí ban ơn! Đó là một nghĩa cử san sẻ tình thương đồng loại “lá lành đùm lá rách”.Tấm lòng của Sơn đối với bạn nhỏ rất chân thành. Tinh cảm nhường cơm sẻ áo cho bạn rất mãnh liệt! Mặc dù đó là chiếc áo bông của em Duyên, kỉ vật thiêng liêng của mẹ, mặc dù sau đó mẹ cái Hiên đã đem áo đến trả cho mẹ Sơn, nhưng nhờ thế mà mẹ em đã biết cảnh ngộ mẹ cái Hiên, cho mẹ cái Hiên vay năm hào đem về mua áo cho con.

Sơn và chị Lan đã “cúi đầu lặng im” nhận lỗi. Mẹ đã ôm hai em vào lòng, âu yếm nhẹ trách: “dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?”. Hai chị em Lan và Sơn đã được dạy bảo, được sống trong lòng mẹ, được mẹ yêu thương nên Sơn và chị mới biết thương bạn, mới biết “thương người như thể thương thân” vậy.

Sơn là một trong những gương mặt tuổi thơ trong truyện Thạch Lam rất đáng yêu, đáng mến. Thạch Lam đôn hậu, tinh tế nên văn ông mới đậm đà và cho ta nhiều nhã thú. Trong gió lạnh đầu mùa mà lòng Sơn ấm áp biết bao!

6. Viết bài văn phân tích một nhân vật văn học yêu thích trong cuốn sách đã đọc

Thầy cô là những người lái đò cần mẫn lèo lái những chuyến đò tri thức cập bến sang sông. Thầy cô chính như những người cha mẹ thứ hai của chúng ta, dạy dỗ, chăm sóc và chỉ bảo ta nên người. Người thầy trong văn bản Tuổi thơ tôi của Nguyễn Nhật Ánh cũng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về đức tính và phẩm chất cao cả của mình.

Người thầy dưới ngòi bút của tác giả là một người vô cùng nghiêm nghị nhưng cũng rất tâm lý, luôn yêu thương học trò. Thầy luôn dạy bảo học sinh những điều hay, lẽ phải, đứng trước sự nghịch ngợm của học trò thầy đã xử lý rất nghiêm khắc, đúng với bản chất của một người giáo viên. Nghiêm khắc vậy là do thầy khó tính ư? Đó chính là biểu hiện của tình yêu thương học trò vô bờ bến, luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho những cô cậu học trò nghịch ngợm của mình. Sau trò nghịch ngợm của học sinh, thầy đã tịch thu hộp dế của cậu bé Lợi. Sau tiết học, thầy đã định trả lại hộp dế cho Lợi, nhưng chiếc cặp đã vô tình đè lên hộp dế. Điều đó khiến thầy Phu rất áy náy, còn nói lời xin lỗi với học trò của mình. Dù đó chỉ là món trò chơi của trẻ con nhưng thầy làm hỏng thì thầy cũng xin lỗi chứ không hề lảng tránh đi. Cách hành xử của thầy lại khiến cho chúng ta trân trọng, cảm phục. Thầy đã không lấy danh nghĩa giáo viên để cho qua mọi việc mà hành xử thật đẹp. Thậm chí, trong “đám tang” của chú dế xấu số, thầy giáo cũng xuất hiện, còn tặng một chiếc vòng hoa và lời nói động viên cậu học trò “Đừng buồn thầy nghe con!”. Một hành động thật đẹp đẽ, đáng trân trọng biết bao. Hành động đó cùng tấm lòng đầy yêu thương của thầy chính là nguồn động lực lớn cho các bạn học tập và noi theo. Có thể thấy rằng, người thầy giáo ở đây đã dành cho học trò của mình một sự cảm thông, trân trọng sâu sắc. Mỗi học sinh của thầy đều được vun đắp những đức tính tốt đẹp từ người thầy đáng kính của mình. Nhà văn đã rất tinh tế khi xây dựng nhân vật này hiện lên với những nét đẹp trong phẩm chất của nghề giáo.

Nhân vật người thầy đã góp phần rất lớn để tạo nên thành công cho văn bản Tuổi thơ tôi của Nguyễn Nhật Ánh. Thầy đã giáo dục nhân cách, vun đắp thêm tình yêu thương động vật, bạn bè cho những cô cậu học trò trong câu chuyện.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
67 47.359
0 Bình luận
Sắp xếp theo