Phân tích một tác phẩm văn học thơ trào phúng Đất Vị Hoàng - Trần Tế Xương

Phân tích một tác phẩm văn học thơ trào phúng Đất Vị Hoàng - Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (thơ trào phúng) là nội dung bài học trang 91 sách giáo khoa Ngữ văn 8 Kết nối tri thức tập 1. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc mẫu dàn ý phân tích bài thơ Đất Vị Hoàng kèm theo bài văn mẫu phân tích một tác phẩm thơ trào phúng Đất Vị Hoàng của Trần Tế Xương hay và chuẩn cấu trúc và yêu cầu của đề bài.

Phân tích bài thơ Đất Vị Hoàng của Trần Tế Xương

1. Nội dung bài thơ Đất Vị Hoàng

Đất Vị Hoàng là một bài thơ tráo phúng của nhà thơ Trần Tế Xương được viết theo thể thất ngôn bát cú. Bài thơ là thái độ phẫn uất, bất bình của nhà thơ trước sự đổi thay của xã hội làm  mất đi những giá  trị truyền thống vốn có của quê hương, thay vào đó là cái lối sống nửa tây nửa ta kệch cỡm, lố bịch, đáng lên án.

2. Dàn ý phân tích một tác phẩm văn học thơ trào phúng Đất Vị Hoàng

Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả:

+ Trần Tế Xương là một nhà thơ tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam, những áng thơ văn của ông không đơn thuần là để thỏa mãn tâm hồn thi nhân mà còn truyền tải đươc nhiều quan niệm, tư tưởng, cách đánh giá của cá nhân nhà thơ về thời đại mà mình sinh sống.

+ Đọc các trang thơ của ông, ta vừa bắt gặp cái đả kích châm biếm từ nhẹ nhàng đến mạnh mẽ sâu cay, cái được đả kích là những thói hư tât xấu, những tiêu cực, hạn chế trong xã hội đương thời.

- Giới thiệu về bài thơ và đánh giá khái quát về bài thơ:

+ Tiêu biểu cho khuynh hướng thơ văn của Trần Tế Xương ta có thể kể đến bài thơ “Đất Vị Hoàng”.

Thân bài

1. Khái quát về hoàn cảnh ra đời/cảm hứng/ đề tài hoặc nhan đề:

- “Đất vị Hoàng” là bài thơ được viết theo bút pháp trào phúng, qua đó tác giả Trần Tế Xương đã thể hiện thái độ phẫn uất, bất bình của mình trước những đổi thay của xã hội.

- Bài thơ ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy sự xót xa, đau đớn đọng lại trong từng câu, từng chữ, đó chính là sự đau xót của một con người đầy ý thức, không chấp nhận được sự đổi thay chóng vánh, tiêu cực của xã hội Việt Nam đương thời.

2.Phân tích nội dung trào phúng thể hiện qua bài thơ (triển khai phân tích theo bố cục bài thơ hoặc hình tượng trong thơ…)

a. Hai câu đề: Gợi hoàn cảnh đổi thay của vùng quê, đồng thời cũng gợi lên sự đổi thay trong xã hội

“Có đất nào như đất ấy không?

Phố phường tiếp giáp với bờ sông”

- Hai câu đề gợi hình ảnh vùng quê Đất Vị Hoàng có rất nhiều thay đổi.

- Làng của Tú Xương ở nay đã trở thành một chốn phồn vinh đô thị.

- Câu hỏi tu từ gợi tả thái độ hoài nghi: phải chăng sự đổi thay quá nhanh đã khiến cho mảnh đất chôn nhau cắt rốn của nhà thơ trở nên xa lạ, tạo ra cho con người một sự xa cách đến ngỡ ngàng.

=> Dùng câu hỏi tu từ để nổi bật sự đổi thay, sự lạ lẫm ở mảnh đất vốn thân quen, đó chính là sự xuất hiện của những phố phường, đây cũng là dấu hiệu của một cuộc sống mới, của nếp sống mới mà người Pháp đang xây dựng ở trong xã hội ta.

b. Hai câu thực: Những đổi thay to lớn trong lề lối gia đình xã hội được Tú Xương khắc họa một cách đầy trào phúng

“Nhà kia lỗi phép con khinh bố,

Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.”

- Hiện thực đau đớn, xấu xa được Tế Xương phơi bày đến đau lòng.

+ Cách dùng “nhà kia, mụ nọ” vừa ám chỉ vừa vạch mặt chỉ tên đầy khinh bỉ trước những cảnh đời xấu xa vô đạo.

+ Có cảnh nhà "lỗi phép": con cái bất hiếu "Con khinh bố".

- Có lẽ chỉ vì tiền mà đồi bại đến cùng cực: Hai mối quan hệ làm rường cột của đạo lí: tình phụ tử, nghĩa phu - thê đã trở nên nhem nhuốc vô cùng. Hỏng từ gia đình hỏng ra. Không còn là hiện tượng cá biệt nữa.

=> Qua hai câu thơ của nhà thơ Trần Tế Xương ta có thể thấy mọi trật tự, mọi luân lí đều bị đảo ngược.

- Xã hội ấy không còn một giá trị đạo đức nào nữa và xã hội ấy đã để đồng tiền vượt lên trên tất cả các chuẩn mực đạo đức.

c. Hai câu luận: Tế Xương đã khắc họa sự đổi thay to lớn trong xã hội, nơi mà con người hiện ra với đủ mọi tính cách xấu xa, bần tiện, hôi hám:

“ Keo cú người đâu như cứt sắt

Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng”

- Ở cái đất Vị Hoàng thuở ấy nhan nhản những loại người “tham lam” và “keo cú”. “Keo cú” đến bần tiện, ghê tởm và hôi hám.

- Phép so sánh: “người đâu như cứt sắt” sao mà đáng sợ, đáng khinh bỉ! Lại có loại người “tham lam” đến cùng cực, nhịp sống cuộc đời họ chỉ là chuyện thở rặt hơi đồng”.

- Phép đảo ngữ (keo cú, tham lam) lên đầu để nhấn mạnh, rất có giá trị thẩm mỹ, tạo nên ngữ điệu dữ dội, khinh bỉ, một tiếng chửi đời cay độc, lên án loại người tham lam, keo cú.

=> Tác giả đã vạch trần nét tiêu cực tính cách con người trong thời đô thị hóa ở làng Vị Hoàng thời đó.

d. Hai câu kết: Một câu hỏi không chỉ cho người dân đất Vị Hoàng mà câu hỏi cho người dân cả nước, đồng thời cũng chính là nỗi lòng của nhà thơ:

“Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh,

Có đất nào như đất ấy không?”

- Cách dùng nghệ thuật mở đầu - kết thúcdưới hình thức câu hỏi tu từ nghẹn ngào cất lên như một lời đay nghiến, vừa xót xa đau đớn.

- Tế Xương đã thể hiện thái độ bất mãn, phẫn nộ trước cảnh tượng, lề lối đạo đức suy đồi, phép tắc gia đình đảo lộn, xã hội ngập tràn những xấu xa, bần tiện.

- Điều này không chỉ đả kích mạnh vào xã hội đương thời mà còn đồng thời thể hiện rõ nét nỗi lòng lo lắng cho quê hương của chính nhà thơ

=> Câu hỏi này,tác giả Tế Xương không chỉ dành riêng cho người dân làng quê Vị Hoàng mà đó là câu chuyện xã hội của cả đất nước.

- Chính hai câu thơ kết bài này đã nâng cao, mở rộng tầm tư tưởng tình cảm của bài thơ.

3. Khái quát một số nét đặc sắc về nghệ thuật trào phúng

- Bài "Đất Vị Hoàng" được viết theo thể thơ thất ngồn bát cú Đường luật, thủ vĩ ngâm.

- Câu 1 và câu 8 là câu hỏi tu từ "Có đất nào như đất ấy không?"', nhà thơ hỏi mà nghe đau đớn, xót xa . Bởi nơi chôn nhau cắt rốn thân thương nay đã thay đổi nhiều rồi, ngày ngày diễn ra bao cảnh đau lòng. Còn đâu nữa hình ảnh đẹp một thời, để tự hào và "nhớ".

- "Đất Vị Hoàng" là bài thơ trào phúng độc đáo của Tế Xương, nhà thơ vừa đau xót, vừa khinh bỉ xã hội đó. Đúng là Tú Xương "đã đi bằng hai chân" hiện thực trào phúng và trữ tình, tạo nên giọng điệu riêng hiếm thấy.

4. Khẳng định/ làm rõ dụng ý phê phán của nhà thơ

- “Đất Vị Hoàng” là bài thơ viết bằng chữ Nôm, ngôn ngữ bình dị mà sắc sảo cùng với bút pháp điêu luyện mà tự nhiên, hồn nhiên.

- Tác giả đã phê phán xã hội đương thời nhiều suy thoái đạo đức, luân thường, đạo lí.

- Lời bài thơ đã tạo nên dấu ấn thơ Tế Xương – một nhà thơ trào phúng bậc của nước ta.

Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị tác phẩm:Đất Vị Hoàng là một bài thơ trào phúng đặc sắc, tiêu biểu của Trần Tế Xương

- Suy nghĩ bản thân về tác phẩm: Bài thơ ngắn gọn với kết cấu đường luật chặt chẽ cùng bút pháp hiện thực đã giúp ta cảm thấy được những thay đổi tiêu cực của vùng đất Vị Hoàng, đồng thời cũng là sự thay đổi của xã hội, càng cho ta thêm cảm phục tấm lòng lo lắng cho quê hương, đất nước của chính nhà thơ.

3. Dàn ý phân tích bài thơ Đất Vị Hoàng

a. Mở bài

* Giới thiệu tác giả:

- Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương (1870-1907), sinh ra và lớn lên tại số nhà 247 phố Hàng Nâu thành phố Nam Định

- Trần Tế Xương là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam.

- Thơ của ông mọi người chú ý tới bởi sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình.

- Trong tác phẩm của ông hầu hết nội dung đều nói về khoa cử, nho học và hình ảnh một nền nho học đang thoái hóa và cảnh nghèo khó của dân trong hoàn cảnh đất nước. Ngoài ra, ông còn nổi tiếng là thể loại trào phúng, châm biếm chế độ phong kiến mục nát, bọn thực dân Pháp tàn ác, quan lại, tay sai cho giặc. Ông luôn đứng về phía người dân nghèo.

- Những tác phẩm tiêu biểu: Vịnh khoa thi Hương, Giễu người thi đỗ, Ông cò, Phường nhơ, Thương vợ, Văn tế sống vợ,...

* Giới thiệu về bài thơ

- Tiêu biểu cho thơ văn của Trần Tế Xương ta có thể kể đến bài thơ “Đất Vị Hoàng”.

b. Thân bài

*Khái quát về tác phẩm

- Vị Hoàng là tên cũ của làng quê Tú Xương, đó cũng là tên dòng sông đào chảy qua làng. Sông Vị trước năm 1894 có vị trí đặc biệt với tỉnh Nam Định và cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lúc chưa có cảng biển Hải Phòng, Nam Định là đầu mối giao thông lớn nhất nhì miền Bắc như giờ, họ không thể thiếu con sông Vị. Vì thế, đất Vị Hoàng vừa chỉ làng quê nhà thơ, vừa chỉ cả thành Nam, tỉnh Nam Định. Qua sự thay đổi làng quê của mình, tác giả cảm nhận được số phận chung của cả đất nước khi đó.

- “Đất vị Hoàng” là bài thơ được viết theo bút pháp trào phúng, qua đó thấy được nỗi đau xót phẫn uất, bất bình trước hoàn cảnh thay đổi của xã hội.

- Bài thơ đã phơi bày những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, suy thoái đạo đức xã hội một cách đầy đủ, đồng thời nhà thơ bộc lộ sự đau xót trước sự thay đổi đó.

* Hai câu đề: Tú Xương gợi hoàn cảnh đã dẫn đến vùng quê Đất Vị Hoàng có nhiều thay đổi:

“Có đất nào như đất ấy không?

Phố phường tiếp giáp với bờ sông”

- Làng quê xưa nơi mà Tú Xương sinh sống nay đã trở thành một chốn đô thị phồn vinh.

- Câu hỏi tu từ gợi thái độ hoài nghi: phải chăng sự đổi thay quá vội đã khiến cho mảnh đất chôn nhau cắt rốn của nhà thơ trở nên xa lạ, tạo ra cho con người một sự xa cách đến bất ngờ.

=> Tác giả dùng câu hỏi tu từ để nổi bật sự ngỡ ngàng trước đổi thay, sự mới lạ ở mảnh đất vốn thân quen, đó chính là sự xuất hiện của những phố phường bên bờ sông Vị Hoàng, đây cũng là dấu hiệu của một đời sống mới, của một lối sống mới mà người Pháp đang xây dựng ở trong xã hội ta lúc đó.

* Hai câu thực: Khắc họa bức biếm họa nhị bình đăng đối, với bao vết ố, vét nhơ ghê tởm, đặc tả sự đồi bại về luân thường đạo lí

“Nhà kia lỗi phép con khinh bố,

Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.”

- Hiện thực xấu xa, đau lòng được Tế Xương phơi bày.+ Cách dùng “nhà kia, mụ nọ” vừa ám chỉ vừa vạch mặt chỉ tên đầy khinh bỉ trước những cảnh đời vô đạo.

+ Có cảnh nhà : con cái bất hiếu "Con khinh bố"

+ Có cảnh mâu thuẫn giữa vợ chồng: ”vợ chửi chồng”

- Có lẽ vì đồng tiền mà đồi bại đến cùng cực: Mối quan hệ gia đình: tình phụ tử, nghĩa phu thê đã trở nên nhem nhuốc.

=> Qua hai câu thơ của nhà thơ Trần Tế Xương ta có thể thấy xã hội đó đã để đồng tiền vượt lên trên tất cả các chuẩn mực đạo đức.

* Hai câu luận: Tác giả đã khắc họa sự thay đổi trong chính con người, nó hiện ra với đủ mọi tính cách xấu xa, hôi hám, bần tiện:

“Keo cú người đâu như cứ t sắt

Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng"

- Ở cái đất Vị Hoàng thời ấy vô vàn những loại người “keo cú” và “tham lam”.

- Hàm ý đầy khinh bỉ “cứ t sắt”: ví người keo kiệt, bủn xỉn hết mức

- Hai câu thơ sử dụng phép đối (như cứ t sắt >< rặt hơi đồng) nhấn mạnh những thói hư, tật xấu của con người.

- Phép so sánh: “người đâu như cứ t sắt” sao mà đáng sợ vậy ! Lại có loại người “tham lam” đến liêm sỉ, nhịp sống cuộc đời họ chỉ là điều mang chiều hướng tiêu cực.

- Phép đảo ngữ: “keo cú”, “tham lam” lên đầu để nhấn mạnh, tạo nên nhịp điệu dữ dội, khinh bỉ, lên án những con người tham lam, keo cú.

=> Tế Xương đã vạch trần nét tiêu cực trong tính cách con người trong thời đô thị hóa ở làng Vị Hoàng thời đó.

* Hai câu kết: Nỗi lòng của nhà thơ:

“Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh

Có đất nào như đất ấy không?”

- Nghệ thuật mở đầu và kết thúc dưới hình thức câu hỏi tu từ cất lên như một lời đay nghiến, vừa xót xa đau đớn.

- Tác giả Tú Xương đã thể hiện thái độ bất mãn, phẫn nộ trước cảnh tượng, lề lối đạo đức suy đồi, phép tắc gia đình đảo lộn, xã hội ngập tràn những xấu xa, bần tiện.

=> Câu hỏi “Có đất nào như đất ấy không ?” tác giả Tế Xương không dành riêng cho người dân làng quê Vị Hoàng, mà đó còn là câu chuyện xã hội của cả đất nước lúc bấy giờ.

- Chính hai câu thơ kết bài này đã mở rộng thêm tầm tư tưởng tình cảm của bài thơ.

* Khái quát về nghệ thuật bài thơ

- Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngồn bát cú Đường luật.

- Giọng điệu chủ đạo của bài thơ trào phúng này xuất phát từ cái gốc trữ tình, mang đến sự thấu cảm đau đớn, xót xa của tác giả đến với độc giả.

- Câu 1 và câu 8 là câu hỏi tu từ “Có đất nào như đất ấy không?”, Tú Xương hỏi mà nghe chua xót, đau đớn đến chạnh lòng biết bao trước những cảnh đau lòng của xã hội thay đổi, còn đâu hình ảnh đẹp một thời, để người ta nhớ và tự hào như xưa.

- Bài thơ đã phê phán những thói hư tật xấu thối nát như tham lam, bất hiếu, keo kiệt.

* Làm rõ dụng ý phê phán của nhà thơ

- Tú Xương kịch liệt lên án, tố cáo những thói hư tật xấu của con người lúc bấy giờ, phê phán những con người vì đồng tiền mà làm mất đi giá trị bản thân, giá trị đạo đức con người và xã hội.

- Thể hiện nỗi đau đớn trước hiện thực đất nước, đồng thời còn thể hiện lòng yêu nước thầm kín mà mãnh liệt của Tú Xương.

c. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị tác phẩm: Đất Vị Hoàng là một bài thơ trào phúng đặc sắc, một trong những tác phẩm tiêu biểu của Trần Tế Xương

- Liên hệ bản thân.

4. Phân tích một tác phẩm văn học thơ trào phúng Đất Vị Hoàng - Trần Tế Xương

Trần Tế Xương là một nhà thơ tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam, những áng thơ văn của ông không đơn thuần là để thỏa mãn tâm hồn thi nhân mà còn truyền tải đươc nhiều quan niệm, tư tưởng, cách đánh giá của cá nhân nhà thơ về thời đại mà mình sinh sống. Cái mới ở Trần Tế Xương, đó chính là ông không thể hiện những quan điểm ấy theo lối thơ văn thông thường mà ông thể hiện đặc sắc qua bút pháp trào phúng. Vì vậy mà đọc các trang thơ của Trần Tế Xương ta vừa bắt gặp cái đả kích châm biếm từ nhẹ nhàng đến mạnh mẽ sâu cay, cái được đả kích là những thói hư tât xấu, những tiêu cực, hạn chế trong xã hội đương thời. Đồng thời, thông qua các áng văn trào phúng ấy, tư tưởng, cảm xúc của nhà thơ lại được bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết, đó là thái độ bất bình, phẫn uất và cả sự xót xa, đau đớn trước nghịch cảnh thực tại. Tiêu biểu cho khuynh hướng thơ văn của Trần Tế Xương ta có thể kể đến bài thơ “Đất Vị Hoàng”.

Bài thơ “Đất vị Hoàng” là bài thơ được viết theo bút pháp trào phúng, qua đó tác giả Trần Tế Xương đã thể hiện thái độ phẫn uất, bất bình của mình trước những đổi thay của xã hội, sự đổi thay đó làm mất đi những thứ vốn có, đó là những giá trị, truyền thống tốt đẹp, thay vào đó là cái lối sống nửa tây nửa ta kệch cỡm, lố bịch, đáng lên án. Qua bài thơ ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy sự xót xa, đau đớn đọng lại trong từng câu, từng chữ, đó chính là sự đau xót của một con người đầy ý thức, không chấp nhận được sự đổi thay chóng vánh, tiêu cực của xã hội Việt Nam đương thời.

Hai câu đề của bài đã gợi ra hoàn cảnh đổi thay của vùng quê, đồng thời cũng gợi lên sự đổi thay trong xã hội:

“Có đất nào như đất ấy không?

Phố phường tiếp giáp với bờ sông”

Tác giả đã nói vùng quê Đất Vị Hoàng có rất nhiều thay đổi. Ngay ở câu đầu” Có đất nào như đất ấy không” . Đây là một câu hỏi tu từ, câu hỏi không đợi để trả lời . Phải chăng vùng quê của Tế Xương có thay đổi gì mà nhà thơ lại đau đáu, lại đớn đau vậy? Câu thơ thứ hai, tác giải đã thốt lên” Phố phường tiếp giáp với bờ sông” . Thì ra làng của Tú Xương ở nay đã trở thành một chốn phồn vinh đô thị nhưng tại sao nó lại khiến cho tác giả lại cảm thấy đau xót như thế. Câu hỏi tu từ gợi tả thái độ hoài nghi: Phải chăng sự đổi thay quá nhanh đã khiến cho mảnh đất chôn nhau cắt rốn của nhà thơ trở nên xa lạ, tạo ra cho con người một sự xa cách đến ngỡ ngàng. Sự lạ lẫm ở mảnh đất vốn thân quen, đó chính là sự xuất hiện của những phố phường, đây cũng là dấu hiệu của một cuộc sống mới, của nếp sống mới mà người Pháp đang xây dựng ở trong xã hội ta. Thay thế những mái nhà ngói xan xan, những mảnh vườn thưở ruộng cùng với khung cảnh lao động thường nhật thì phố phường xuất hiện làm thay đổi tất cả. Cảnh vật còn xót lại của làng quê, đó chính là dòng sông Vị Hoàng vẫn lặng lẽ chảy, chứng kiến mọi sự đổi thay. Cảnh vật thay đổi, lối sống mới xâm nhập làm đổi thay cuộc sống của con người nơi đây. Chính bởi là vì đất có phồn vinh thêm như đó lại không còn là của nhân dân nữa.

Sự đổi thay này dường như chính là nguyên nhân dẫn tới những đổi thay to lớn trong lề lối gia đình xã hội, điều này được Tú Xương khắc họa một cách đầy trào phúng trong hai câu thực:

“Nhà kia lỗi phép con khinh bố,

Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.”

Hiện thực đau đớn, xấu xa được Tế Xương phơi bày đến đau lòng. Cách dùng “nhà kia, mụ nọ” vừa ám chỉ vừa vạch mặt chỉ tên đầy khinh bỉ trước những cảnh đời xấu xa vô đạo. Có cảnh nhà "lỗi phép", con cái bất hiếu "Con khinh bố". Có cảnh đời, đảo điên tình nghĩa "chanh chua" như mụ nọ "Vợ chửi chồng". Có lẽ chỉ vì tiền mà đồi bại đến cùng cực thế! Hai mối quan hệ làm rường cột của đạo lí: tình phụ tử, nghĩa phu — thê đã trở nên nhem nhuốc vô cùng. Hỏng từ gia đình hỏng ra. Không còn là hiện tượng cá biệt nữa. Qua hai câu thực, ta có thể thấy mọi trật tự, mọi luân lí đều bị đảo ngược. Phải chăng khi lối sống mới được đưa vào thì mọi thứ đều bị đảo ngược, nếu con khinh cha mất đi cái nề nếp, gia giáo thì “vợ chửi chồng” lại là sự đổ vỡ của mô hình gia đình trong xã hội. Một gia đình không có sự kính trọng của con cái với bố mẹ, người vợ lấn quyền, chanh chua thì gia đình ấy cũng chỉ là tồn tại cưỡng ép trên hình thức mà thôi. Thật đáng buồn thay cái chữ hiếu được nhân dân dân ta coi là đạo lí ngàn đời nay. Vậy mà hỡi ôi sao lại có cảnh con cái dám chửi lai bố mẹ dám khinh thường bố mẹ. Câu thơ khiến ta như hiểu được một phần nào đó giá trị đạo đức chuẩn mực đạo đức khi đó đã không còn nữa. Đọc câu thơ của Trần tế Xương, ta nghe ý thơ như một lời của chính tác giả đang than thở cho một xã hội đã suy tàn đã trên bờ diệt vong.

Vẫn là giọng điệu châm biếm đả kích phũ phàng, Tế Xương đã khắc họa sự đổi thay to lớn trong xã hội, nơi mà con người hiện ra với đủ mọi tính cách xấu xa, bần tiện, hôi hám:

“ Keo cú người đâu như cứt sắt

Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng”

Một bức tranh biếm họa hoàn chỉnh. Ở cái đất Vị Hoàng thuở ấy nhan nhản những loại người “tham lam” và “keo cú”. “Keo cú” đến bần tiện, ghê tởm và hôi hám. Nhà thơ ngạc nhiên hỏi và so sánh: “người đâu như cứt sắt” sao mà đáng sợ, đáng khinh bỉ! Lại có loại người “tham lam” đến cùng cực, nhịp sống cuộc đời họ chỉ là chuyện thở rặt hơi đồng”. “Thở” là nhãn tự, rất linh diệu; nếu thay bằng chữ “nói” hay một từ nào khác thì không lột tả được bản chất loại người tham lam, đê tiện này. Vì đã “thở” phải đi liền với “hơi” – “hơi đồng”, tiền bạc. Những câu thơ khiến ta liên tưởng đến những câu thơ trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du: “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê!”. Chỉ vì tiền, coi tiền bạc là trên hết, là trước hết trong mọi mối quan hệ gia đình và xã hội. Ở hai câu luận này, tác giả đã sử dụng từ “rặt” là từ cổ, là nói cách dân gian, nghĩa là “toàn là”, “đều là”. Phép đảo ngữ ở từ “ keo cú, tham lam” lên đầu để nhấn mạnh, rất có giá trị thẩm mĩ, tạo nên ngữ điệu dữ dội, khinh bỉ, một tiếng chửi đời cay độc, lên án loại người tham lam, keo cú. Cùng với đó là hình ảnh so sánh, ẩn dụ để vạch trần nét tiêu cực tính cách con người trong thời đô thị hóa ở làng Vị Hoàng thời đó.

Hai câu kết của bài thơ là một câu hỏi không chỉ cho người dân đất Vị Hoàng mà câu hỏi cho người dân cả nước, đồng thời cũng chính là nỗi lòng của nhà thơ:

“Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh,

Có đất nào như đất ấy không?”

Cách dùng nghệ thuật mở đầu - kết thúc dưới hình thức câu hỏi tu từ nghẹn ngào cất lên như một lời đay nghiến, vừa xót xa đau đớn. Và câu hỏi này, tác giả Tế Xương đã thể hiện thái độ bất mãn, phẫn nộ trước cảnh tượng, lề lối đạo đức suy đồi, phép tắc gia đình đảo lộn, xã hội ngập tràn những xấu xa, bần tiện. Điều này không chỉ đả kích mạnh vào xã hội đương thời mà còn đồng thời thể hiện rõ nét nỗi lòng lo lắng cho quê hương của chính nhà thơ. Câu hỏi ấy, có lẽ Trần Tế Xương không chỉ dành riêng cho người dân làng quê Vị Hoàng mà đó là câu chuyện xã hội của cả đất nước. Chính hai câu thơ kết bài này đã nâng cao, mở rộng tầm tư tưởng tình cảm của bài thơ.

Bài "Đất Vị Hoàng" được viết theo thể thơ thất ngồn bát cú Đường luật, thủ vĩ ngâm. Câu 1 và câu 8 là câu hỏi tu từ "Có đất nào như đất ấy không?"', nhà thơ hỏi mà nghe đau đớn, xót xa . Bởi nơi chôn nhau cắt rốn thân thương nay đã thay đổi nhiều rồi, ngày ngày diễn ra bao cảnh đau lòng. Còn đâu nữa hình ảnh đẹp một thời, để tự hào và "nhớ": "Đất Vị Hoàng" là bài thơ trào phúng độc đáo của Tế Xương. Nhà thơ vừa đau xót, vừa khinh bỉ xã hội thối nát đạo đức bấy giờ. Đúng là Tú Xương "đã đi bằng hai chân" hiện thực trào phúng và trữ tình, tạo nên giọng điệu riêng hiếm thấy.

“Đất Vị Hoàng” là bài thơ viết bằng chữ Nôm, ngôn ngữ bình dị mà sắc sảo cùng với bút pháp điêu luyện mà tự nhiên, hồn nhiên. Tác giả đã phê phán xã hội đương thời nhiều suy thoái đạo đức, luân thường, đạo lí. Lời bài thơ đã tạo nên ấu ấn thơ Tế Xương – một nhà thơ trào phúng bậc của nước ta.

Có thể khẳng định rằng Đất Vị Hoàng là một bài thơ trào phúng đặc sắc, tiêu biểu của Trần Tế Xương. Bài thơ ngắn gọn với kết cấu đường luật chặt chẽ cùng bút pháp hiện thực đã giúp ta cảm thấy được những thay đổi tiêu cực của vùng đất Vị Hoàng, đồng thời cũng là sự thay đổi của xã hội, càng cho ta thêm cảm phục tấm lòng lo lắng cho quê hương, đất nước của chính nhà thơ.

5. Phân tích bài thơ Đất Vị Hoàng ngắn nhất

Tú Xương là một trong những nhà thơ trào phúng thời cận đại xuất sắc. Ông xuất thân con nhà Nho nghèo, sống đạm bạc, song có lòng yêu nước cao. Vũ khí chiến đấu của ông là ngòi bút châm biếm thói đời buổi giao thời nửa thực dân, nửa phong kiến. Với tình yêu quê hương đất nước tha thiết, ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm hay như Sông Lấp, Đất Vị Hoàng. Qua tác phẩm Đất Vị Hoàng, nhà thơ đã thể hiện thái độ châm biếm các thói hư tật xấu trong xã hội lúc bấy giờ.

Trước hết, Đất Vị Hoàng được viết ở thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật, là bài thơ thể hiện niềm xót xa trước vận mệnh dân tộc. Vị Hoàng là nơi sinh ra của Tú Xương, – một vùng quê đầy bình yên có những thứ đặc sản nổi tiếng. Ngày giặc đến nhà, vùng quê bình yên đó trở nên xơ xác, tiêu điều. Là một người nặng tình với quê hương đất nước, Tú Xương đau đớn cho quê nhà, xót thương trước vận mệnh đất nước bị đảo lộn. Những việc xấu, “ đổi trắng thay đen” cứ thế bày ra trước mắt, nỗi đau chồng chất nỗi đau. Từ đó bài thơ “Đất Vị Hoàng” ra đời để tố cáo cái xã hội lúc bấy giờ.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ đi thẳng vào vấn đề:

Có đất nào như đất ấy không?

Phố phường tiếp giáp với bờ sông

Câu hỏi tu từ ngay phần mở đầu, “có đất nào như đất ấy không?” gợi cho ta thật nhiều suy nghĩ. Mảnh đất của sự phồn vinh, bình yên, tuyệt đẹp với những bờ sông trải dài nay còn đâu. Giọng thơ trở nên thật chua chát trước cảnh nơi chôn rau cắt rốn của mình ngày càng đổi thay, các câu chuyện ngày càng đau lòng. Phồn vinh thì cũng không còn là của ta nữa, mà trở thành một nơi “ăn chơi sa đọa”, chốn để quân Pháp chơi bời. Còn gì đớn đau thay khi một quê hương phồn vinh hơn nhưng lại chẳng phải của chúng ta. Và cũng thật chua xót biết bao khi đó là nỗi đau không chỉ ở quê hương Tú Xương mà đó còn chính là nỗi đau của toàn dân tộc – một vùng trù phú rộng lớn trở nên tiêu điều xơ xác, một vùng chỉ có xác “phồn vinh” nhưng lại thiếu đi phần hồn. Đất nước bị chiếm đóng, phồn vinh kéo theo những hệ lụy, những đạo lý truyền thống của chúng ta bị đảo lộn.

Nhà kia lỗi phép con khinh bố

Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng

Giặc chiếm đất, chiếm nhà, chiếm ruộng,… của ta, phố phường cứ thế mọc lên và chúng càng vơ vét, càng bóc lột ta để làm giàu. Những đạo lý truyền thống chữ “ hiếu” luôn đặt lên hàng đầu của ta từ ngàn đời nay còn đâu khi “ con khinh bố”. Bố mẹ là người chăm lo cho ta, vậy lý do nào đã khiến cho tình cảm thiêng liêng ấy bị coi thường. Đó còn là “mụ vợ chanh chua”, người con gái nước Nam dịu dàng, nữ tính đi đâu mất rồi, thay vào đó lại là “ mụ vợ chửi chồng”. Lí do gì đã khiến mọi trật tự, mọi đạo lí truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta bị đảo lộn, bị xáo trộn như vậy? Phải chăng đồng tiền đã làm cho con người ta mờ mắt, chỉ ham đến vinh hoa phú quý mà bỏ quên những điều xưa cũ, những đạo lí ân nghĩa thủy chung, những chuẩn mực đạo đức của ta. Ta thật sợ, ghê tởm cái xã hội nhem nhuốc, dơ bẩn lúc bấy giờ. Một gia đình không tốt, “hỏng” từ vợ - chồng đến con cái, vậy xã hội làm sao tốt đẹp đây?

Keo cú người đâu như cứt sắt

Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng

Hai câu thơ sau là cảnh vẽ về con người đối nhau, một tứ thơ đầy hoàn thiện nhưng cũng đầy chua xót. Những kẻ tham lam, keo cú trên đất nước ta nhiều vô kể. Họ bần tiện, ghê gớm đến nỗi “như cứt sắt”- một chất thải ra từ đất nung không còn thể đẽo gặm gì nữa. Đó còn là những con người tham lam, vơ vét cho bản thân mà quên đi cái giá trị của con người, mở miệng ra là thấy nói chuyện tiền, lấy tiền làm chuẩn mực của đạo đức, đánh giá một con người. Thối tha thay cái xã hội lúc bấy giờ, đớn đau thay cho những con người bị tha hóa. Nhà thơ Tú Xương thật tài tình khi vận dụng nghệ thuật so sánh kết hợp với biện pháp đảo ngữ làm cho các câu thơ trở nên có giá trị thẩm mĩ cao. Giọng thơ trở nên dữ dội, khinh bỉ hơn bao giờ hết. Đó là một bản cáo trạng mà nhà thơ viết lên để tố cáo những kẻ tham lam, vì tiền mà đánh mất đạo đức con người.

Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh

Có đất nào như đất ấy không?

Tú Xương kịch liệt lên án, tố cáo những thói hư tật xấu của con người lúc bấy giờ, hiện thực thối nát, cái xấu, cái ác, trắng đen lẫn lộn… Câu hỏi tu từ ở cuối đoạn như một tiếng khóc tỉ tê, thương thay cho vận mệnh đất nước. Mở đầu và kết thúc đều là câu hỏi “Có đất nào như đất ấy không?” vừa xót xa, đay nghiến cái xã hội thối nát lúc bấy giờ.

Nói tóm lại, bằng nghệ thuật châm biếm, câu hỏi tu từ đầu cuối tương ứng, bài thơ Đất Vị Hoàng đã vạch trần được bộ mặt thật của xã hội nửa phong kiến đồng thời qua đây nhà thơ Tú Xương cũng bày tỏ thái độ tố cáo, đả kích sâu cay với những con người vì đồng tiền mà đánh mất giá trị bản thân, giá trị đạo đức xã hội. Đó là nỗi đau của người trong cuộc, đớn đau trước vận mệnh đất nước.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
162 101.256
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm