Phân tích truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam

Viết bài văn phân tích một tác phẩm truyện lớp 8 là một dạng bài viết trong chương trình Ngữ văn lớp 8 sách mới. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các em bài văn mẫu phân tích tác phẩm Gió lạnh đầu mùa kèm theo dàn ý phân tích truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa hay và chi tiết sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về nội dung và nghệ thuật của văn bản Gió lạnh đầu mùa.

Nội dung bài viết thuộc Hoatieu.vn. Các bên sao chép đề nghị ghi nguồn.

1. Dàn ý phân tích tác phẩm Gió lạnh đầu mùa

Mở bài

- Giới thiệu khái quát về nhà văn Thạch Lam, cảm hứng sáng tác:

+ Cây bút nổi tiếng của văn học Việt Nam trước năm 1945; nhà văn thành công với truyện ngắn với cách viết văn bình dị, giàu cảm xúc và đậm chất thơ.

+ Các tác phẩm ẩn chứa niềm tin yêu, trân trọng đối với thiên nhiên và con người

- Nêu ý kiến khái quát về tác phẩm:

+ Là một tác phẩm hay sáng tác năm 1937, Gió lạnh đầu mùa ca ngợi tình yêu thương chia sẻ ấm áp, trong trẻo của con người với con người, đặc biệt tình yêu thương vô tư của trẻ thơ.

Thân bài

1. Nêu nội dung chính của tác phẩm.

- Theo dòng cảm xúc của nhân vật Sơn, nhà văn đưa người đọc vào thế giới cảm xúc trong trẻo của tuổi thơ. Cảnh mùa đông giá lạnh đến, hai chị Lan và Sơn được mặc quần áo đẹp đẽ và ấm áp

- Kể việc hai chị em Sơn về lấy áo cho Hiên - cô bé nghèo xóm chợ đang rét vì không co áo ấm mặc.

- Chuyện kết thúc với cuộc gặp giữa mẹ Hiên sang nhà Sơn trả lại áo bông. Biết hoàn cảnh của gia đình Hiên, mẹ Sơn cho mẹ Hiên mượn tiền may áo mới cho con.

2. Nêu chủ đề của tác phẩm.

- Truyện Gió lạnh đầu mùa cho chúng ta nhìn thấy được sự khác biệt rõ rệt giữa những đứa trẻ trong gia đình nghèo khó và giàu có của những đứa trẻ nơi phố chợ nghèo trong cơn gió lạnh đầu mùa và tình yêu thương giữa người với người vẫn còn lan tỏa.

- Ttruyện cũng ca ngợi tấm lòng yêu thương và nhân ái của con người đối với nhau.

3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm

a. Xây dựng nhân vật

- Nhân vật xây dựng chủ yếu qua từng cảm xúc, tâm trạng gắn liền chuyển biến của thiên nhiên, cảnh vật, sự việc…

* Nhân vật Sơn

- Tập trung khắc hoạ và gây được ấn tượng mạnh trong lòng người đọc khi xuất hiện trong ngôi nhà ấm cúng của mình khi gió mùa về.

- Sơn cảm nhận rất rõ cái lạnh đầu mùa khi được mẹ, chị Lan chăm sóc ân cần, mẹ nhắc chị Lan lấy áo cho em áo ấm. Gia đình Sơn thuộc tầng lớp trung lưu, nên Sơn được ăn mặc rất sạch đẹp, em mặc áo dạ đỏ lẫn áo vệ sinh, áo vải thâm bân ngoài. Sơn cảm nhận được sự biến đổi của thiên nhiên, cảnh vật khi bước vào mùa đông.

- Cậu bé còn cảm nhận được không khí ấm áp, tình yêu thương của mẹ, của vú già. Sơn là cậu bé ngoan ngoãn, sống giàu tình cảm, tinh tế biết quan sát và cảm nhận được tâm trạng cảm xúc của người thân.

- Sơn là một cậu bé tốt bụng và giàu tình cảm khác với những người anh họ của mình, Sơn luôn thân thiện và chơi đùa với những đứa trẻ nghèo trong xóm. Tình huống ghi điểm nhất trong tính cách của Sơn là khi nhìn thấy Hiền - cô bé hàng xóm không có áo ấm để mặc. Sơn lặng lẽ đứng chờ, trong lòng cảm thấy “ấm áp vui sướng”. Vẻ đẹp tâm hồn của Sơn lại được thể hiện ở nét đẹp đáng yêu, sự ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng ở cuối truyện.

- Với ngôn từ giản dị và giọng nói nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, nhân vật Sơn được thể hiện một cách sinh động và chân thực. Thông qua nhân vật Sơn, nhà văn đã gửi gắm những bài học quý giá về tình người trong cuộc sống.

* Các nhân vật khác (Lan, Hiên…)

- Ngoài việc khắc hoạ đậm nét nhân vật chính Sơn, Thạch Lam cũng dành tình cảm, miêu tả kết hợp kể chỉ một vài chi tiết chấm phá cũng đủ hiện lên hình ảnh các nhân vật khác.

- Nhân vật Lan - chị gái của Sơn là một cô bé đảm đang, tháo vát. Lan dậy từ sớm cùng mẹ ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống, giúp mẹ lấy thúng áo ra cho em mặc…

- Cô bé còn là một người giàu tình yêu thương đối với em trai, cô bé hết mực yêu thương: là người gọi em dậy mỗi buổi sớm, an ủi động viên em..., với trẻ con trong xóm và đặc biệt với cô bé Hiên hỏi thăm rất chân thành.

- Khi nghe em trai đề nghị đem chiếc áo bông cho Hiên, Lan cũng đồng ý và còn hăm hở chạy về nhà lấy. Cùng với mẹ của mình, nhân vật Lan đã mang đến cho chúng ta những trái tim ấm áp của tình thương của tình người, bài học về tình yêu thương.

- Người đọc ấn tượng sâu sắc về cô bé Hiên, sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Mẹ Hiên làm nghề mò cua bắt ốc kiếm ăn qua ngày nên không có tiền may áo ấm cho con. Cô bé chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay.

- Cô bé không cô đơn, mà nhận được tình yêu thương của chị em Sơn. Lan và Sơn đã quyết định đem chiếc áo của em Duyên cho Hiên. Chiếc áo mà Hiên nhận được gửi gắm tấm lòng nhân ái, thảo thơm. Hiên hiện lên là một cô bé đáng thương, nhưng em không bất hạnh. Vì Hiên luôn có tình yêu thương của người mẹ tảo tần, và cả tình yêu thương của chị em Sơn.

b. Giàu chất thơ, chất trữ tình

- Tác phẩm giầu chất trữ tình, với ngôn ngữ nhẹ nhàng, giản dị, chân thực, thiên truyện ngắn giàu chất trữ tình, bàng bạc chất thơ. Chất trữ tình là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và góp vào thành công của truyện.

- Chất thơ, chất trữ tình trong dưới nét bút của Thạch Lam, thiên nhiên bên ngoài là cái cớ để khơi gợi thế giới nội tâm lung linh sâu lắng, thế giới của những cảm xúc vô bờ mà cứ nhè nhẹ thắm tình người.

- Trong tác phẩm hà văn đã miêu tả tinh tế và chính xác sự chuyển đổi mùa từ cuối thu sang đầu đông bằng những từ ngữ cô đọng, vừa tượng thanh, vừa tượng hình vừa khơi gợi cảm xúc: “cái nắng tháng mười làm nứt nẻ đồng ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi …”, “ngoài sân đất khô trắng… cơn gió vi vu làm bốc lên những làn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo…”

- Chất trữ tình còn tạo nên lời văn mượt mà, trau chuốt đầy chất thơ, giàu chất họa, âm thanh nhẹ nhàng, êm ái mà đầy suy tư, một ngôn ngữ như được chắp cánh thơ, nâng người đọc đến những cảm xúc thẩm mĩ sâu sắc.

- Thạch Lam đã khéo quan sát tinh tường, chọn những chi tiết hết sức tiêu biểu từ màu sắc, âm thanh đến sự chuyển động của cảnh chuyển mùa trong cái lạnh đầu đông để hoài niệm ở đầu cũng như khung cảnh câu chuyện…

c. Thủ pháp đối lập gắn với hình ảnh biểu tượng Gió lạnh đầu mùa

- Đối lập là một thủ pháp nghệ thuật hay được tác giả vận dụng trong đó có nhiều sáng tác của Thạch Lam.

- Trong Gió lạnh đầu mùa tác giả đã vẽ nên trong tác phẩm hai mảnh đời đối lập gắn với hình ảnh biểu tượng “Gió lạnh đầu mùa”:

+ Đó là Sơn - một đứa trẻ may mắn khi được thức dậy trong cái chăn ấm áp, được sưởi tay trong hỏa lò, được mẹ và chị chăm sóc kỹ lưỡng, khi lo cho từng “chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm”. Sơn có đến những hai chiếc áo rét cực dày, “một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm và một cái áo dạ khâu chỉ đỏ”, tuy đã mặc từ năm ngoái, năm kia nhưng khi cầm chúng giơ lên Sơn vẫn “thấy mát lạnh cả tay”.

+ Là những đứa trẻ xóm chợ trong đó có cô bé Hiên vì nghèo khó phải vẫn phải đem da thịt trần trụi trong “bộ quần áo nâu bạc, đã rách vá nhiều chỗ” căng sức chống chọi với giá rét. Những đứa trẻ xóm chợ rất đáng thương với đôi môi chúng nó ‘tím lại’’, chỗ áo quần rách ‘da thịt thâm đi’.

- Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại ‘run lên’, ‘hai hàm răng đập vào nhau’. Những chiếc áo rét năm ngoái, năm kia tưởng chừng như xưa cũ với Sơn nay lại là một niềm mơ ước, một món hàng xa xỉ với lũ trẻ. Chúng bỏ dở những trò chơi con trẻ, chỉ để được ngắm, được sờ và được ao ước, mộng tưởng về những chiếc áo của Sơn.

- Người đọc có thể thấy hoàn cảnh của những đứa trẻ rất khác biệt khi gió mùa về. Trong khi chị em Sơn sống trong gia đình sung túc, được mặc ấm, mặc đẹp thì bọn trẻ con nhà nghèo ăn mặc rách rưới, thiếu thốn đáng thương.

- Dù trái ngược đối lập về hoàn cảnh sống như một phần của xã hội trước cách mạng tháng 8 năm 1945 được nhà văn sáng tác truyện vào năm 1937 nhưng đó chỉ là bề ngoài hình thức thể hiện của tác phẩm còn sâu thẳm bên trong là chủ đề còn mãi với thời gian với những đứa sống giàu tình thương, tốt bụng, trong sáng, đáng yêu, giàu lòng trắc ẩn.

Kết bài

- Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm:

+ Thời gian dù có trôi qua, khung cảnh câu chuyện có phai mờ nhưng tình người, nghĩa cử ấm ấp của chị em Sơn mãi mãi là việc tử tế được tâm hồn giàu tình thương của Thạch Lam dành trọn không chỉ trong truyện ngắn này lan toả trong tim biết bao người.

+ Đó là tình nhân đạo thấm đẫm làm nên chất thơ trong truyện ngắn Thạch Lam.

- Liên hệ:

+ Nhà văn như thì thầm với chúng ta hãy bồi dưỡng và phát huy lòng nhân ái, hãy sống bằng tình người bao dung.

+ Lan toả tình người và tình đời để tình yêu thương, việc tử tế bước ra ngoài trang sách thật nhiều, tô đẹp thêm cho cuộc sống….

2. Phân tích Gió lạnh đầu mùa không chép mạng

Là một cây bút nổi tiếng của văn học Việt Nam trước năm 1945, nhà văn Thạch Lam thành công với thể loại truyện ngắn với phong cách viết văn bình dị, giàu cảm xúc và đậm chất thơ. Các tác phẩm của ông ẩn chứa niềm tin yêu, trân trọng đối với thiên nhiên và con người. Sáng tác năm 1937, truyện “Gió lạnh đầu mùa” toả mãi trong lòng người sự ấm áp của tình người và tình đời. Với cốt truyện đơn giản nói về chuyện cho áo, trả áo rét giữa ba đứa trẻ và hai người mẹ nơi phố huyện nghèo, truyện ca ngợi tình yêu thương chia sẻ ấm áp, trong trẻo của con người với con người, đặc biệt tình yêu thương vô tư của trẻ thơ.

Nhà văn đưa người đọc vào thế giới cảm xúc trong trẻo của tuổi thơ. Mùa đông giá lạnh đã đến, hai chị Lan và Sơn được mặc quần áo đẹp đẽ và ấm áp. Hai chị em Sơn ra xóm chợ chơi và thấy những người bạn nghèo mặc những bộ quần áo bạc màu, nhiều chỗ vá. Đặc biệt là em Hiên chỉ có mang áo rách tả tơi, co ro chịu rét. Chị Lan hăm hở về lấy áo cho Hiên, Sơn cảm thấy trong ḷòng ấm áp, vui vui. Chuyện cho áo đến tai người thân, lo sợ bị mẹ mắng, hai chị em đi tìm Hiên đòi áo. Mẹ Hiên sang nhà Sơn trả lại áo bông. Biết hoàn cảnh của gia đình Hiên, mẹ Sơn cho mẹ Hiên mượn tiền may áo mới cho con.

Truyện Gió lạnh đầu mùa cho chúng ta nhìn thấy được sự khác biệt rõ rệt giữa những đứa trẻ trong gia đình nghèo khó và giàu có của những đứa trẻ nơi phố chợ nghèo trong cơn gió lạnh đầu mùa và tình yêu thương giữa người với người vẫn còn lan tỏa. Đồng thời truyện cũng ca ngợi tấm lòng yêu thương và nhân ái của con người đối với nhau trong cuộc sống.

Trong truyện Giáo lạnh đầu mùa, nhân vật được Thạch Lam xây dựng chủ yếu qua từng cảm xúc, tâm trạng gắn liền chuyển biến của thiên nhiên, cảnh vật, sự việc. Nhân vật không được kể nhiều về hình dáng, ngoại hình mà nhà văn tập trung miêu tả khai thác diễn biến tâm lí của nhân vật giúp người đọc thấy được vẻ đẹp trong tính cách tâm hồn.

Nhân vật được nhà văn tập trung khắc hoạ và gây được ấn tượng mạnh trong lòng người đọc đó là nhân vật Sơn. Nhân vật này xuất hiện trong ngôi nhà ấm cúng của mình khi gió mùa về. Trời đang ấm, chỉ qua một đêm mưa rào, bỗng gió rét thổi về. Ai cũng tưởng như đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn “tung chăn tỉnh dậy”, em nhìn ra ngoài sân, nghe “gió vi vu…”, âm thanh xào xạc của những chiếc lá khô. Những khóm lan “lá rung động và hình như sắt lại vì rét”… Sơn cảm nhận rất rõ cái lạnh đầu mùa, được mẹ, chị Lan chăm sóc ân cần, mẹ nhắc chị Lan lấy áo cho em áo ấm. Gia đình Sơn thuộc tầng lớp trung lưu, nên được ăn mặc rất sạch đẹp, em mặc áo dạ đỏ lẫn áo vệ sinh, áo vải thâm bân ngoài. Sơn cảm nhận được sự biến đổi của thiên nhiên, cảnh vật khi bước vào mùa đông. Cậu bé còn cảm nhận được không khí ấm áp, tình yêu thương của mẹ, của vú già. Khi vú nhắc đến chuyện chiếc áo bông, mẹ Sơn nhắc đến em Duyên, người em, đã mất nhớ em, Sơn cảm động và thương em quá. Sơn thấy mẹ rơm rớm nước mắt. Có thể nói, ngay đầu tác phẩm, người đọc đã cảm nhận được không khí ấm áp của gia đình Sơn, cảm nhận được Sơn là cậu bé ngoan ngoãn, sống giàu tình cảm, tinh tế biết quan sát và cảm nhận được tâm trạng cảm xúc của người thân.

Tuy nhiên, Sơn không hề tỏ ra kiêu ngạo, xa cách mà vẫn là một cậu bé tốt bụng và giàu tình cảm. Khác với những người anh họ của mình, Sơn luôn thân thiện và chơi đùa với lũ trẻ hàng xóm Túc Cúc, Xuân, Tí, Túc - những đứa trẻ nghèo trong xóm. Tình huống ghi điểm nhất trong tính cách của Sơn là khi nhìn thấy Hiền - cô bé hàng xóm không có áo ấm để mặc. Thấy Hiền đứng “co ro” gần quán nước, trong gió lạnh chỉ mặc độc chiếc áo “tả tơi”, “hở cả lưng, hở tay”, Sơn chợt nhớ mẹ Hiền nghèo lắm, nhớ Duyên ngày trước. Này trong vườn. Một ý hay nảy ra trong đầu Sơn, đó là đem chiếc áo bông cũ của Duyên cho Hiền. Nghĩ vậy, Sơn nói với chị gái mình và được cô đồng ý. Lan “háo hức” chạy về nhà lấy áo. Còn Sơn lặng lẽ đứng chờ, trong lòng cảm thấy “ấm áp vui sướng”. Vẻ đẹp tâm hồn của Sơn lại được thể hiện ở nét đẹp đáng yêu, sự ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng ở cuối truyện. Với ngôn từ giản dị và giọng nói nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, nhân vật Sơn được thể hiện một cách sinh động và chân thực. Thông qua nhân vật Sơn, nhà văn đã gửi gắm những bài học quý giá về tình người trong cuộc sống.

Ngoài việc khắc hoạ đậm nét nhân vật chính Sơn, Thạch Lam cũng dành tình cảm, miêu tả kết hợp kể chỉ một vài chi tiết chấm phá cũng đủ hiện lên hình ảnh các nhân vật. Đó là nhân vật Lan - chị gái của Sơn. Lan được khắc họa trong truyện là một cô bé đảm đang, tháo vát. Lan dậy từ sớm cùng mẹ ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống, giúp mẹ lấy thúng áo ra cho em mặc…Không chỉ vậy, cô bé còn là một người giàu tình yêu thương. Đối với em trai, cô bé hết mực yêu thương: là người gọi em dậy mỗi buổi sớm, an ủi động viên em... Còn với trẻ con trong xóm, Lan luôn hòa đồng và thân thiết. Khi nhìn thấy Hiên đứng ở xa mà không đến chơi cùng, Lan đã gọi Hiên lại, hỏi thăm rất chân thành. Khi nghe em trai đề nghị đem chiếc áo bông cho Hiên, Lan cũng đồng ý và còn hăm hở chạy về nhà lấy. Cùng với mẹ của mình, nhân vật Lan đã mang đến cho chúng ta những trái tim ấm áp của tình thương của tình người, bài học về tình yêu thương. Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa gợi cho người đọc ấn tượng sâu sắc về cô bé Hiên. Hiên sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Mẹ Hiên làm nghề mò cua bắt ốc kiếm ăn qua ngày nên không có tiền may áo ấm cho con. Cô bé chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Khi đọc đến đây, chắc hẳn bạn đọc sẽ cảm thấy xót xa cho bé Hiên. Nhưng cô bé không cô đơn, mà nhận được tình yêu thương của chị em Sơn. Lan và Sơn đã quyết định đem chiếc áo của em Duyên cho Hiên. Chiếc áo mà Hiên nhận được gửi gắm tấm lòng nhân ái, thảo thơm. Hiên hiện lên là một cô bé đáng thương, nhưng em không bất hạnh. Vì Hiên luôn có tình yêu thương của người mẹ tảo tần, và cả tình yêu thương của chị em Sơn.

b. Giàu chất thơ, chất trữ tình

Tác phẩm giầu chất trữ tình, với ngôn ngữ nhẹ nhàng, giản dị, chân thực, thiên truyện ngắn giàu chất trữ tình, bàng bạc chất thơ. Chất trữ tình là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và góp vào thành công của truyện. Chất thơ, chất trữ tình trong dưới nét bút của Thạch Lam, thiên nhiên bên ngoài là cái cớ để khơi gợi thế giới nội tâm lung linh sâu lắng, thế giới của những cảm xúc vô bờ mà cứ nhè nhẹ thắm tình người. Trong tác phẩm Gió lạnh đầu mùa nhà văn đã miêu tả tinh tế và chính xác sự chuyển đổi mùa từ cuối thu sang đầu đông bằng những từ ngữ cô đọng, vừa tượng thanh, vừa tượng hình vừa khơi gợi cảm xúc: “cái nắng tháng mười làm nứt nẻ đồng ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi …”, “ngoài sân đất khô trắng… cơn gió vi vu làm bốc lên những làn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo…”. Cái lạnh đó là cái cớ để mọi người trong nhà thu mình vào thế giới nội tâm se thắt. Chất trữ tình còn tạo nên lời văn mượt mà, trau chuốt đầy chất thơ, giàu chất họa, âm thanh nhẹ nhàng, êm ái mà đầy suy tư, một ngôn ngữ như được chắp cánh thơ, nâng người đọc đến những cảm xúc thẩm mĩ sâu sắc. Thạch Lam đã khéo quan sát tinh tường, chọn những chi tiết hết sức tiêu biểu từ màu sắc, âm thanh đến sự chuyển động của cảnh chuyển mùa trong cái lạnh đầu đông để hoài niệm. Cái lạnh đó là lý do để chị Lan khệ nệ ôm cái thúng quần áo cũ để hơi mốc của vải gấp lâu ngày như hơi thở của quá khứ phả vào hiện tại, chiếm lĩnh lấy tiềm thức con người một nỗi buồn mơ hồ xa xăm đang dần dần hiện về mang theo hình dáng của Duyên, đứa em gái đã mất, làm người vú già ngậm ngùi “lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ” trên cái áo bông đã cũ của Duyên; Sơn cảm động và thương em quá, còn mẹ Sơn chỉ yên lặng rơm rớm nước mắt. Cơn gió lạnh đã lật lại một kỷ niệm buồn để se thắt lại nỗi nhớ riêng của từng người trong gia đình.

c. Nghệ thuật đối lập gắn với hình ảnh biểu tượng gió lạnh đầu mùa

Đối lập là một thủ pháp nghệ thuật hay được nhiều tác giả vận dụng trong đó có nhiều sáng tác của Thạch Lam. Trong Gió lạnh đầu mùa tác giả đã vẽ nên trong tác phẩm hai mảnh đời đối lập gắn với hình ảnh biểu tượng “Gió lạnh đầu mùa”, đó là Sơn - một đứa trẻ may mắn khi được thức dậy trong cái chăn ấm áp, được sưởi tay trong hỏa lò, được mẹ và chị chăm sóc kỹ lưỡng, khi lo cho từng “chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm”. Sơn có đến những hai chiếc áo rét cực dày, “một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm và một cái áo dạ khâu chỉ đỏ”, tuy đã mặc từ năm ngoái, năm kia nhưng khi cầm chúng giơ lên Sơn vẫn “thấy mát lạnh cả tay”. Trong khi đó, những đứa trẻ xóm chợ trong đó có cô bé Hiên vì nghèo khó phải vẫn phải đem da thịt trần trụi trong “bộ quần áo nâu bạc, đã rách vá nhiều chỗ” căng sức chống chọi với giá rét. Những đứa trẻ xóm chợ rất đáng thương với đôi môi chúng nó ‘tím lại’’, chỗ áo quần rách ‘da thịt thâm đi’. Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại ‘run lên’, ‘hai hàm răng đập vào nhau’. Những chiếc áo rét năm ngoái, năm kia tưởng chừng như xưa cũ với Sơn nay lại là một niềm mơ ước, một món hàng xa xỉ với lũ trẻ. Chúng bỏ dở những trò chơi con trẻ, chỉ để được ngắm, được sờ và được ao ước, mộng tưởng về những chiếc áo của Sơn. Người đọc có thể thấy hoàn cảnh của những đứa trẻ rất khác biệt khi gió mùa về. Trong khi chị em Sơn sống trong gia đình sung túc, được mặc ấm, mặc đẹp thì bọn trẻ con nhà nghèo ăn mặc rách rưới, thiếu thốn đáng thương. Dù trái ngược đối lập về hoàn cảnh sống như một phần của xã hội trước cách mạng tháng 8 năm 1945 được nhà văn sáng tác truyện vào năm 1937 nhưng có lẽ đó chỉ là bề ngoài hình thức thể hiện của tác phẩm còn sâu thẳm bên trong là chủ đề còn mãi với thời gian với những đứa sống giàu tình thương, tốt bụng, trong sáng, đáng yêu, giàu lòng trắc ẩn.

Thời gian dù có trôi qua, khung cảnh câu chuyện Gió lạnh đầu mùa có thể không còn lưu giữ trọn vẹn trong trí nhớ mỗi người nhưng tình người, nghĩa cử ấm ấp của chị em Sơn mãi mãi là việc tử tế được tâm hồn giàu tình thương của Thạch Lam dành trọn không chỉ trong truyện ngắn này lan toả trong tim biết bao người. Nhà văn như thì thầm với chúng ta hãy bồi dưỡng và phát huy lòng nhân ái, hãy sống bằng tình người bao dung. Đó là tình nhân đạo thấm đẫm làm nên chất thơ trong truyện ngắn Thạch Lam. Vì thế, truyện "Gió lạnh đầu mùa" mãi mãi đọng lại và lan toả trong lòng chúng ta những ấm áp của tình người và tình đời để tình yêu thương, việc tử tế bước ra ngoài trang sách thật nhiều, tô đẹp thêm cho cuộc sống mà chúng ta vẫn bắt gặp hàng ngày.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
89 48.721
2 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Phong Bùi Gia
    Phong Bùi Gia

    :)))

    Thích Phản hồi 19:08 05/02
    • Thien Nguyen
      Thien Nguyen

      chép hết rồi mới để ý ko chép :)) 

      Thích Phản hồi 10:15 18/03