Viết bài văn phân tích truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi

Viết bài văn phân tích một tác phẩm truyện Bức tranh của em gái tôi

Bức tranh của em gái tôi là một truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Tạ Duy Anh viết về tình cảm gia đình. Trong chương trình Ngữ văn lớp 8 tập 2 KNTT các em sẽ được học cách viết bài văn phân tích một tác phẩm truyện. trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý phân tích truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi kèm theo bài văn mẫu viết bài văn phân tích truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi hay và ý nghĩa, mời các em cùng tham khảo.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm truyện Bức tranh của em gái tôi

1. Dàn ý phân tích Bức tranh của em gái tôi

MỞ BÀI

- Giới thiệu ngắn gọn về về tác phẩm (nhan đề, tác giả): Tạ Duy Anh sinh năm 1959, quê ở Chương Mĩ – Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Ông từng trải qua nhiều nghề, sau do yêu văn chương nên theo học trường viết văn Nguyễn Du và được giữ lại làm giảng viên. Văn của ông nhẹ nhàng, giản dị, sâu sắc và đầy yêu thương.

- Nêu ý kiến khái quát về tác phẩm: Truyện ngắn được giải nhì (không có giải nhất) cho cuộc thi viết “Tương lai vẫy gọi” do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức. Đây là một trong những tác phẩm thành công nhất, làm nên tên tuổi Tạ Duy Anh.

THÂN BÀI

1. Nêu nội dung chính của tác phẩm

- Truyện Bức tranh của em gái tôi kể về hai nhân vật là bé Phương – thường được gọi là Mèo và người anh trai.

- Cô bé có sở thích vẽ tranh nên thường bí mật pha chế màu và vẽ.

- Khi mọi người phát hiện ra Kiều Phương có tài năng hội họa thì người anh tỏ ra ghen tị và xa lánh em.

- Cậu thất vọng, tự ti vì mình không có tài năng gì và cảm thấy cả nhà đang lãng quên, hắt hủi mình.

- Kiều Phương đạt giải nhất tại trại thi vẽ tranh quốc tế với bức vẽ “Anh trai tôi”, lúc này người anh mới nhận ra tấm lòng nhân hậu của em và hối lỗi về sự đố kị, ganh ghét của bản thân mình.

2. Nêu chủ đề của tác phẩm

- Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài năng hội họa, truyện “Bức tranh của em gái tôi” gửi đến chúng ta thông điệp rằng: chính tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng yêu thương, bao dung của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế, đố kị, hẹp hòi của mình.

3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm

a. Nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, lôi cuốn.

- Ngôi kể thứ nhất: Khiến người đọc thấy câu chuyện gần gũi với mình, bản thân như được chứng kiến. Vì vậy, mọi chi tiết và cảm nhận trở nên chân thực hơn.

- Ngôn ngữ kể chuyện ngắn gọn, hàm súc, các từ ngữ miêu tả tâm trạng rất sắc sảo, đúng trọng tâm.

- Ngôn ngữ đối thoại: ngắn gọn, phù hợp lứa tuổi, phác họa tâm lí nhân vật sắc nét.

=> Câu chuyện ngắn gọn được trần thuật theo dòng thời gian, với ngôi kể thứ nhất (người anh) đã bộc lộ được những cung bậc cảm xúc khác nhau, khiến cho câu chuyện không chỉ chân thực mà còn rất cảm động.

b. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo

* Nhân vật người anh trai

- Từ đầu cho đến lúc nhìn thấy em gái tự chế màu vẽ: nhìn bằng cái nhìn kẻ cả, xem thường

- Khi tài năng của em gái được phát hiện: cảm thấy buồn và thất vọng về mình, cảm thấy mặc cảm vì bản thân mình không có tài năng gì, khó chịu và hay gắt gỏng với em, không thể chơi thân với em như trước

- Khi lén xem những bức tranh em gái vẽ: thầm cảm phục tài năng của em gái mình

- Khi đứng trước bức tranh đạt giải nhất của em gái trong phòng trưng bày: ngạc nhiên, hãnh diện rồi xấu hổ

=> Người anh vừa đáng trách nhưng đồng thời cũng đáng cảm thông vì đã nhận ra tấm lòng trong sáng, nhân hậu của em gái, biết nhận ra sai lầm của bản thân và sửa chữa nó

* Nhân vật người em gái – Kiều Phương

- Say mê hội họa: mặt luôn bị bôi bẩn, hay lục lọi các đồ vật, tự chế thuốc vẽ, vẽ đẹp. Vẽ đủ mọi thứ trên đời. Hồn nhiên, trong sáng, hiếu động

- E ngại trước sự thù ghét, cáu giận của anh trai, có lúc không dám đến gần anh.

- Độ lượng, nhân hậu: không chấp nhặt với thái độ cáu gắt, xa cách của anh trai.

- Giúp người anh nhận ra lỗi lầm của mình bằng tài năng và tấm lòng vô tư, yêu thương của mình.

=> Kiều Phương là một cô bé giàu tình yêu thương, bao dung, nhân hậu. Diễn biến tâm trạng của cô bé được diễn tả hết sức tinh tế theo từng giai đoạn cảm xúc, khiến câu chuyện hấp dẫn hơn.

KẾT BÀI

- Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm: Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài năng hội họa, truyện “Bức tranh của em gái tôi” cho thấy: Tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình. Yêu thương cho đi sẽ luôn nhận lại yêu thương.

- Liên hệ: Nhận ra sự đáng quý của tình cảm anh em, tình cảm gia đình. Mỗi người cần chiến thắng lòng đố kị, hẹp hòi, ích kỉ của bản thân. Cho đi yêu thương sẽ luôn nhận lại yêu thương.

2. Viết bài văn phân tích truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi lớp 8

Nhà văn Tạ Duy Anh sinh năm 1959, quê ở Chương Mĩ – Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Ông từng trải qua nhiều nghề, sau do yêu văn chương nên theo học trường viết văn Nguyễn Du và được giữ lại làm giảng viên. Văn của ông nhẹ nhàng, giản dị, sâu sắc và đầy yêu thương. Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” là một trong những tác phẩm thành công nhất, làm nên tên tuổi Tạ Duy Anh. Truyện ngắn đã được giải nhì (không có giải nhất) cho cuộc thi viết “Tương lai vẫy gọi” do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức.

Truyện Bức tranh của em gái tôi kể về hai nhân vật là bé Phương – thường được gọi là Mèo và người anh trai. Cô bé có sở thích vẽ tranh nên thường bí mật pha chế màu và vẽ. Khi mọi người phát hiện ra Kiều Phương có tài năng hội họa thì người anh tỏ ra ghen tị và xa lánh em. Cậu thất vọng, tự ti vì mình không có tài năng gì và cảm thấy cả nhà đang lãng quên, hắt hủi mình. Kiều Phương đạt giải nhất tại trại thi vẽ tranh quốc tế với bức vẽ “Anh trai tôi”, lúc này người anh mới nhận ra tấm lòng nhân hậu của em và hối lỗi về sự đố kị, ganh ghét của bản thân mình.

Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài năng hội họa, truyện “Bức tranh của em gái tôi” gửi đến chúng ta thông điệp rằng: chính tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng yêu thương, bao dung của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế, đố kị, hẹp hòi của mình. Yêu thương cho đi sẽ luôn nhận lại được yêu thương.

Truyện ngắn được bắt đầu với lời kể rất dung dị, gần gũi của nhân vật người anh trai. Tác giả đã vào vai người anh trai để kể lại mọi chuyện về cô em gái Kiều Phương của mình một cách rất chân thực, chi tiết, từ việc cô bé được gọi là Mèo vì hay bôi bẩn, đến việc “theo dõi” cô bé để tìm ra nguyên nhân cái thứ “đen sì” thường thấy ở cổ tay cô bé… Người đọc dường như bị cuốn theo lời kể rất tự nhiên, lôi cuốn này; vì ngôi kể ở đây là ngôi thứ nhất, nên người đọc sẽ thấy câu chuyện gần gũi với mình, bản thân như được chứng kiến. Vì vậy, mọi chi tiết và cảm nhận trở nên chân thực hơn. Đây là một trong những thành công đầu tiên trong nghệ thuật kể chuyện của tác giả. .

Phải thừa nhận rằng, Tạ Duy Anh có vốn hiểu biết vô cùng sâu sắc về ngôn từ và tâm lí lứa tuổi thiếu niên. Chính vì thế, ông đã sử dụng ngôn ngữ kể chuyện vô cùng ngắn gọn, hàm súc, các từ ngữ miêu tả tâm trạng rất sắc sảo, đúng trọng tâm. Khi theo dõi đoạn đối thoại của hai nhân vật, người đọc dường như được trở lại cái thời tuổi thơ bướng bỉnh, thích làm theo ý mình, cảm xúc thể hiện qua từng hành động như “vênh mặt” của bé Mèo, đến sự đối đáp ngắn gọn của hai anh em… Có thể nói, câu chuyện ngắn gọn được trần thuật theo dòng thời gian, với ngôi kể thứ nhất (người anh) đã bộc lộ được những cung bậc cảm xúc khác nhau, khiến cho câu chuyện không chỉ chân thực mà còn rất cảm động. Người anh đã tự kể về những thói ích kỉ, hẹp hòi tầm thường để tự thấy “xấu hổ, muốn khóc” vì tấm lòng trong sáng của người em. Bởi vậy câu chuyện có sức thuyết phục hơn, xúc động và hấp dẫn hơn. Không chỉ lựa chọn ngôi kể phù hợp, Tạ Duy Anh còn sử dụng ngôn ngữ kể chuyện ngắn gọn, hàm súc, các từ ngữ miêu tả tâm trạng sắc nét. Ngôn ngữ đối thoại cũng là một điểm nhấn trong truyện, nó phù hợp với tâm lí, lứa tuổi của từng nhân vật.

Khi đọc Bức tranh của em gái tôi, chắc hẳn mỗi chúng ta đều cảm nhận được diễn biến tâm trạng hết sức phức tạp của nhân vật chính; từ những cảm xúc này đã làm nổi bật lên nét đẹp của hình tượng nhân vật, truyền tải thông điệp của tác phẩm. Tác giả đã nắm bắt hết sức chuẩn xác diễn biến tâm lí nhân vật, sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế mà vô cùng sắc sảo. Nhân vật người anh trai với sự kẻ cả, xem thường khi thấy em gái tự chế màu vẽ; cho đến sự ngạc nhiên khi biết được về tài năng của em gái; đến sự buồn bã thất vọng về mình, cảm thấy mặc cảm vì bản thân mình không có tài năng gì, khó chịu và hay gắt gỏng với em, không thể chơi thân với em như trước…. Những cảm xúc đó đều được khắc họa hết sức tỉ mỉ, chân thực, tinh tế. Cho đến khi đứng trước bức tranh đạt giải nhất của em gái trong phòng trưng bày, thì cảm xúc của cậu bé đã đi từ ngạc nhiên, hãnh diện cho đến xấu hổ. Người anh vừa đáng trách nhưng đồng thời cũng đáng cảm thông vì đã nhận ra tấm lòng trong sáng, nhân hậu của em gái, biết nhận ra sai lầm của bản thân và sửa chữa nó.

Diễn biến tâm lí của Mèo – một cô bé hồn nhiên, trong sáng, hiếu động và vô cùng say mê hội họa, mặt luôn bị bôi bẩn, hay lục lọi các đồ vật, tự chế thuốc vẽ… cũng được tái hiện hết sức sinh động. Từ tâm lí yêu thương anh trai, đến sự ngại trước thái độ thù ghét, cáu giận của anh trai đến sự độ lượng, nhân hậu, không chấp nhặt với thái độ cáu gắt, xa cách của anh trai mà vẫn dồn sức vẽ một bức tranh anh trai hoàn hảo; từ đó giúp người anh nhận ra lỗi lầm của mình bằng tài năng và tấm lòng vô tư, yêu thương của mình. Kiều Phương là một cô bé giàu tình yêu thương, bao dung, nhân hậu. Diễn biến tâm trạng của cô bé được diễn tả hết sức tinh tế theo từng giai đoạn cảm xúc, khiến câu chuyện hấp dẫn hơn. Chính tài năng của tác giả trong việc khắc họa một cách tinh tế diễn biến tâm lí nhân vật đã góp phần đắc lực trong việc làm tăng sức hấp dẫn của câu chuyện.

Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài năng hội họa, truyện “Bức tranh của em gái tôi” cho thấy tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình. Đây là một truyện ngắn đặc sắc và tình yêu thương dành cho thiếu nhi, cũng gửi đến chúng ta thông điệp rằng: Tình cảm gia đình, tình cảm anh em thật đáng quý; mỗi người cần chiến thắng lòng đố kị, hẹp hòi, ích kỉ của bản thân thì sẽ nhận được quả ngọt. Cho đi yêu thương sẽ luôn nhận lại yêu thương!

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
11 8.098
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm