Phân tích bài thơ Qua đèo Ngang ngắn gọn nhất (không chép mạng)

Qua đèo Ngang là một bài thơ của bà huyện Thanh Quan sáng tác khi đi qua đèo Ngang trên đường đến Phú Xuân nhậm chức của vua Minh Mạng. Bài thơ tả cảnh Đèo Ngang lúc xế tà và nói lên nỗi buồn cô đơn, nỗi nhớ nhà thương nước của một người con hiến mình cho tổ quốc. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý phân tích bài thơ Qua đèo Ngang cùng với bài văn mẫu phân tích bài Qua đèo Ngang hay và ngắn gọn, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Dàn ý phân tích bài thơ Qua đèo Ngang

MB:

- Dẫn dắt, giới thiệu khái quát bài thơ: Đèo Ngang là một thắng cảnh đẹp của đất nước ta. Đứng ở trên đỉnh đèo, nhìn về bốn hướng hướng nào cũng để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đến nơi đây.

+ Chính vì đẹp đến nao lòng người như vậy mà đèo Ngang đã gợi biết bao cảm xúc, là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ. Trong số đó, ta phải kể đến Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.

- Nêu ý kiến chung về bài thơ:

+ Bài thơ bộc lộ tâm trạng, nỗi niềm của bà khi trên đường vào Huế để nhận chức. Qua đèo Ngang lấy cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết.

TB:

1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đề tài, thể thơ:

- Giới thiệu khái quát về tác giả:

+ Bà Huyện Thanh Quan là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có sống ở thế kỉ XIX.

+ Tuy những sáng tác của bà còn để lại cho đời không nhiều (hiện nay chỉ còn để lại sáu bài thơ Đường luật) nhưng đó đều là những tác phẩm có giá trị.

+ Trích dẫn một số nhận định về tác giả (nếu có): Những bài thơ Nôm của bà phần nhiều là tả cảnh, tỏ tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện (Dương Quảng Hàm).

- GT đề tài, thể thơ:

+ Qua Đèo Ngang là bài thơ được viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật.

+ Cảm hứng khơi nguồn sáng tác của bà chính là khung cảnh quê hương, đất nước, qua đó, bộc lộ tâm trạng con người.

- GT mạch cảm xúc, bố cục:

+ Bài thơ với hai câu đề khắc họa chung về cảnh vật Đèo Ngang, hai câu thực miêu tả rõ nét cuộc sống con người nơi Đèo Ngang, hai câu luận khắc họa tâm trạng nhớ nước, thương nhà của tác giả và hai câu cuối thể hiện nỗi cô đơn đến tột cùng của bà.

2. Phân tích đặc điểm về nội dung

a. Hai câu đề: Cái nhìn chung về cảnh vật Đèo Ngang:

+ Mở đầu bằng hình ảnh hoàng hôn.

+ Khung cảnh thiên nhiên được nữ sĩ lựa chọn để vẽ nên những câu thơ của mình không náo nhiệt mà lại trầm mặc như bức tranh thuỷ mặc.

+ Không gian và thời gian được xác định rất rõ qua cụm từ “bóng xế tà”. Có thể thấy rằng đây chính là khoảng thời gian gợi tâm trạng trong lòng người.

+ Cảm giác của nhà thơ lúc này thật cô đơn và lạc lõng biết bao nhiêu.

+ Cảnh vật gợi buồn đến nao lòng. Ở đây chỉ cỏ cây và hoa. Từ “chen” được điệp lại hai lầm làm tăng thêm sự hiu quạnh ở nơi đây. Cỏ cây chen chúc nhau vươn ra chỗ có ánh nắng mặt trời để kiếm tìm sự sống.

b. Hai câu thực: Cuộc sống của con người nơi Đèo Ngang:

+ Theo lẽ đúng mà nói, cảnh thiên nhiên có thêm dấu chân của con người phải đẹp đẽ, sinh động hơn thế nhưng ở đây sự xuất hiện lác đác của con người chỉ khiến cho cảnh vật càng trở nên hiu hắt hơn.

+ Mấy chú tiều phu đang đi đốn củi, mấy quán chợ thưa thớt. Đảo ngữ đã đưa hai từ láy “lom khom” và “lác đác” lên đầu câu thơ đã được tác giả vận dụng một cách tài tình, hình ảnh này đã gợi lên một cuộc sống tẻ nhạt, buồn chán.

+ Nhà thơ đang muốn kiếm tìm sự sống nhưng dường như điều đó lại càng khiến cho cảnh vật chốn này thêm xa vắng, buồn bã hơn bội phần.

c. Hai câu luận: Tâm trạng của tác giả:

+ Bà Huyện Thanh Quan đã sử dụng thính giác của mình để cảm nhận: tiếng chim quốc quốc, chim gia gia từ phía xa vọng lại, rơi vào khoảng không vắng vẻ, yên tĩnh của buổi chiều ở trên đèo cao.

+ Từ khung cảnh thiên nhiên đó và hoàn cảnh của nhà thơ lúc này đã khiến cho bà liên tưởng đến nỗi nhớ nước và thương nhà của mình.

+ Điệp âm "con cuốc cuốc" và "cái gia gia" tạo nên một âm hưởng nghe thật du dương nhưng cũng đau đến xé lòng.

+ Thủ pháp lấy động tả tĩnh của nhà thơ sử dụng thật điêu luyện, trên cái nền thật yên tĩnh, quanh hiu đột nhiên bồng nhiên có tiếng chim kêu thực sự càng thêm não nề.

c. Hai câu kết: Nỗi cô đơn đến tận cùng của tác giả:

+ Dừng chân đứng lại để quan sát cảnh vật ở xung quanh nhưng hiện ra trước mặt bà chỉ là: trời, non, nước. Vũ trụ bao la, xung quanh bà là thiên nhiên rộng lớn với núi, sông khiến cho con người thật nhỏ bé, đơn độc.

+ Nơi đây chỉ có một mình nhà thơ và cộng hưởng thêm tình cảm thiêng lieeng dành cho nước, cho nhà khiến lòng bà càng thêm trống trải. Vũ trụ rộng lớn quá! Con người cô đơn biết nhường nào!

+ Cụm từ “ta với ta” đã càng cho thấy rõ hơn tài năng điêu luyện của Bà Huyện Thanh Quan.

3. Phân tích một số nét đặc sắc về nghệ thuật

- Minh chứng mẫu mực về nghệ thuật cổ điển Đường thi.

- Thể thơ thất ngôn bát cú, các câu tuân thủ đúng về niêm, luật, vần, đối.

- Ngôn ngữ được trau chuốt kĩ càng, mượt mà mặc dù đã được Việt hóa.

- Đảo ngữ, chơi chữ được sử dụng linh hoạt mang đến giá trị đặc sắc cho bài thơ.

- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình xuất sắc, chỉ nói về cảnh vật mà nỗi niềm, tâm trạng của tác giả được thể hiện rất rõ nét.

- Toàn bộ bài thơ được gieo vần "a" như chính tâm sự hoài cổ của nữ sĩ. Bạn đọc không tìm thấy dù chỉ một chút gọi là sự ồn ào trong cách miêu tả của nhà thơ mà tất cả đều là sự trầm lặng như chính nỗi niềm của Bà Huyện.

KB:

- Khẳng định vị trí, ý nghĩa bài thơ:

+ Bà Huyện Thanh Quan đã thành công với Qua Đèo Ngang, một bài thơ có giá trị đặc sắc, không chỉ khắc họa thành công ảnh vật mà trong đó còn chưa đựng cả tâm hồn, tình cảm, nỗi lòng nhớ nước, thương nhà và tài năng của một cây bút tuyệt vời

- Suy nghĩ bản thân: Gấp trang sách lại mà trong lòng mỗi chúng ta vẫn còn bâng khuâng bao nỗi niềm cùng nữ sĩ. Bài thơ sẽ còn sống mãi với thời gian với những gì tươi đẹp nhất.

2. Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học bài thơ thất ngôn bát cú Qua đèo Ngang

Đèo Ngang là một thắng cảnh đẹp của đất nước ta. Đứng ở trên đỉnh đèo, nhìn về bốn hướng hướng nào cũng để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đến nơi đây. Nhìn về phía đông là biển xanh thẳm, với từng đợt sóng vỗ vào sườn núi, phía tây là núi non trùng trùng điệp điệp, trông về phía bắc nam thì một khoảng trời màu đỏ thẫm của sỏi đá. Chính vì đẹp đến nao lòng người như vậy mà Đèo Ngang đã gợi biết bao cảm xúc, là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ. Trong số đó, ta phải kể đến bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Đây là bài thơ bộc lộ tâm trạng, nỗi niềm của bà khi trên đường vào Huế để nhận chức. Qua đèo Ngang lấy cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết.

Bà Huyện Thanh Quan được biết đến là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có sống ở thế kỉ XIX. Tuy những sáng tác của bà còn để lại cho đời không nhiều (hiện nay chỉ còn để lại sáu bài thơ Đường luật) nhưng đó đều là những tác phẩm có giá trị. Những bài thơ Nôm của bà phần nhiều là tả cảnh, tỏ tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện (Dương Quảng Hàm). Qua Đèo Ngang là bài thơ được viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật. Cảm hứng khơi nguồn sáng tác của bà chính là khung cảnh quê hương, đất nước, qua đó, bộc lộ tâm trạng con người. Bài thơ với hai câu đềkhắc họa chung về cảnh vật Đèo Ngang, hai câu thực miêu tả rõ nét cuộc sống con người nơi Đèo Ngang, hai câu luận khắc họa tâm trạng nhớ nước, thương nhà của tác giả và hai câu cuối thể hiện nỗi cô đơn đến tột cùng của bà.

Hầu hết trong các sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan đều mở đầu bằng hình ảnh hoàng hôn. Và bài thơ này cũng không nằm ngoài mô tip đó:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá xen hoa

Hai câu thơ đầu hiện lên với khung cảnh thiên nhiên nơi Đèo Ngang trầm buồn như bức tranh thuỷ mặc. Đèo Ngang hiện ra mang đầy vẻ hoang sơ và buồn bã. Không gian và thời gian được xác định rất rõ qua cụm từ “bóng xế tà” mà nữ sĩ sử dụng. Có thể thấy rằng đây chính là khoảng thời gian gợi tâm trạng trong lòng người. Ở ca dao, dân ca ta cũng bắt gặp những vần thơ viết về buổi chiều tà để diễn tả nỗi buồn không biết bày tỏ cùng ai. Mặt trời sắp xuống núi để đi ngủ, ánh hoàng hôn đã bao phủ kín nơi này. Cảm giác của nhà thơ lúc này thật cô đơn và lạc lõng biết bao nhiêu. Cảnh vật gợi buồn đến nao lòng. Ở đây chỉ cỏ cây và hoa. Từ “chen” được điệp lại hai lầm làm tăng thêm sự hiu quạnh ở nơi đây. Cỏ cây chen chúc nhau vươn ra chỗ có ánh nắng mặt trời để kiếm tìm sự sống. Hình ảnh ở trong hai câu thơ vừa mang tính ước lệ, vừa được chọn lọc rất kĩ càng gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

Sau cảm nhận đầu tiên về khung cảnh nơi đây, tác giả phóng tầm mắt của mình ra xa hơn để tìm đến với con người. Theo lẽ đúng mà nói, cảnh thiên nhiên có thêm dấu chân của con người phải đẹp đẽ, sinh động hơn thế nhưng ở đây sự xuất hiện lác đác của con người chỉ khiến cho cảnh vật càng trở nên hiu hắt hơn bao giờ hết:

“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà"

Câu thơ gợi ra cho ta cảnh trong bóng chiều lạnh lẽo có mấy chú tiều phu đang đi đốn củi, mấy quán chợ thưa thớt. Đảo ngữ đã đưa hai từ láy lom khom và lác đác lên đầu câu thơ đã được tác giả vận dụng một cách tài tình, hình ảnh này đã gợi lên một cuộc sống tẻ nhạt, buồn chán. Nơi đây khác hẳn với chốn kinh kì sôi động, náo nhiệt và nhiều bon chen. Nhà thơ đang muốn kiếm tìm sự sống nhưng dường như điều đó lại càng khiến cho cảnh vật chốn này thêm xa vắng, buồn bã hơn bội phần. Sự đối lập trong hai câu thơ thực này khiến cho cảnh dưới núi, trên sông thật thưa thớt. Từ “vài”, “mấy” đã càng làm tăng sự vắng vẻ ở chốn đèo Ngang này.

Trong không gian vắng lặng ấy từ phía xa xa bỗng vẳng lên tiếng chim quốc quốc, chim gia gia kêu đều đều:

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Hai câu thơ này, Bà Huyện Thanh Quan đã sử dụng thính giác của mình để cảm nhận: tiếng chim quốc quốc, chim gia gia từ phía xa vọng lại, rơi vào khoảng không vắng vẻ, yên tĩnh của buổi chiều ở trên đèo cao. Từ khung cảnh thiên nhiên đó và hoàn cảnh của nhà thơ lúc này đã khiến cho bà liên tưởng đến nỗi nhớ nước và thương nhà của mình. Bà từng có khoảng thời gian được triệu về Huế để giữ chức cung trung giáo tập và bài thơ có lẽ được bà viết trong khoảng thời gian đó nên nỗi nhớ nhà được thể hiện rất rõ. Một người phụ nữ phải đi xa quê hương của mình đến một nơi khác để sinh sống thì trong lòng cũng chất chứa biết bao nhiêu nỗi buồn. Tiếng chim gia gia gợi biết bao nỗi niềm thiết tha như vậy, thế còn tiếng chim quốc quốc khắc khoải thì mang ý nghĩa gì? Nhà thơ thương cho cảnh nước nhà đang chìm trong cảnh loạn lạc, gia đình thì li tán không được sum vầy. Nỗi đau lòng khi nhớ nước có lẽ chính vì lí do như vậy. Điệp âm "con cuốc cuốc" và "cái gia gia" tạo nên một âm hưởng nghe thật du dương nhưng cũng đau đến xé lòng. Thủ pháp lấy động tả tĩnh của nhà thơ sử dụng thật điêu luyện, trên cái nền thật yên tĩnh, quạnh hiu đột nhiên có tiếng chim kêu thực sự càng thêm não nề.

Hai câu thơ ở phần luận của Qua đèo Ngang đã nhấn mạnh tình cảm của bà Huyện Thanh Quan dành cho Tổ quốc, cho gia đình. Từ hiện thực xã hội đương đời và cảnh vật nơi đèo Ngang khiến cho tác giả sực nhớ đến mình và thốt lên

Dừng chân dứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.

Dừng chân đứng lại để quan sát cảnh vật ở xung quanh nhưng hiện ra trước mặt bà chỉ là: trời, non, nước. Vũ trụ bao la, xung quanh bà là thiên nhiên rộng lớn với núi, sông khiến cho con người thật nhỏ bé, đơn độc. Nơi đây chỉ có một mình nhà thơ và cộng hưởng thêm tình cảm thiêng liêng dành cho nước, cho nhà khiến lòng bà càng thêm trống trải. Vũ trụ rộng lớn quá! Con người cô đơn biết nhường nào! Cụm từ “ta với ta” đã càng cho thấy rõ hơn tài năng điêu luyện của nhà thơ. Cũng là cụm từ này nhưng nhà thơ Nguyễn Khuyến lại viết:

Bác đến chơi đây ta với ta

Câu thơ của Nguyễn Khuyến là sự kết hợp của hai người: hai mà một, tuy một mà hai. Còn Bà Huyện lại nói:

Một mảnh tình riêng ta với ta.

Câu thơ đã nhấn mạnh vào sự lẻ loi, đơn côi của mình nơi thiên nhiên rộng lớn. Qua đây, ta đã cảm nhận rõ nét hơn về nỗi niềm tâm sự của nhà thơ trước cảnh quê hương, đất nước.

Không chỉ có giá trị nội dung sâu sắc mà bài thơ còn được người đọc yêu thích, đón nhận bởi đây là một minh chứng mẫu mực về nghệ thuật cổ điển Đường thi. Tác giả đã sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú, các câu tuân thủ đúng về niêm, luật, vần, đối. Ngôn ngữ được trau chuốt kĩ càng, mượt mà mặc dù đã được Việt hóa. Đảo ngữ, chơi chữ được sử dụng linh hoạt mang đến giá trị đặc sắc cho bài thơ. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình xuất sắc, chỉ nói về cảnh vật mà nỗi niềm, tâm trạng của tác giả được thể hiện rất rõ nét. Toàn bộ bài thơ được gieo vần "a" như chính tâm sự hoài cổ của nữ sĩ. Bạn đọc không tìm thấy dù chỉ một chút gọi là sự ồn ào trong cách miêu tả của nhà thơ mà tất cả đều là sự trầm lặng như chính nỗi niềm của Bà Huyện.

Từ trước cho đến nay, có rất nhiều nhà thơ đã viết về đèo Ngang nhưng có lẽ không có ai thành công như bà Huyện Thanh Quan vì bài thơ có giá trị đặc sắc, không chỉ khắc họa thành công ảnh vật mà trong đó còn chưa đựng cả tâm hồn, tình cảm, nỗi lòng nhớ nước, thương nhà và tài năng của một cây bút tuyệt vời. Gấp trang sách lại mà trong lòng mỗi chúng ta vẫn còn bâng khuâng bao nỗi niềm cũng nữ sĩ. Bài thơ sẽ còn sống mãi với thời gian với những gì tươi đẹp nhất.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
52 16.786
0 Bình luận
Sắp xếp theo