Soạn bài Lặng lẽ Sa Pa lớp 8 Kết nối

Lặng lẽ Sa Pa là một tác phẩm bàng bạc chất thơ, thấm đẫm chất trữ tình về những con người âm thầm lặng lẽ làm việc quên mình vì người khác, vì Tổ Quốc. Tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 8 tập 2 bộ Kết nối tri thức. Sau đây là mẫu soạn bài Lặng lẽ Sa Pa lớp 8 ngắn gọn sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về nội dung của tác phẩm.

1. Soạn bài Lặng lẽ Sa Pa tác giả tác phẩm

1. Tác giả.

Nguyễn Thành Long (1925-1991), quê ở Quảng Nam, là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí

- Sáng tác của ông thể hiện niềm tin yêu và sự gắn bó thiết tha với đất nước, con người. Truyện ngắn của Nguyễn Thành Long có lối viết nhẹ nhàng, giàu chất thơ, trong sáng

2. Tác phẩm

* Hoàn cảnh sáng tác:

- “Lặng lẽ Sa Pa” được sáng tác năm 1970, trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai. Đây là một truyện ngắn tiêu biểu ở đề tài viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

- In trong tập “Giữa trong xanh” (1972).

* Đề tài: Truyện ca ngợi những con người lao động âm thầm trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

* Bố cục: 3 đoạn:

- Đoạn 1: Từ đầu…đến… “Kìa, anh ta kia”: Anh thanh niên qua lời giới thiệu của bác lái xe.

- Đoạn 2: Tiếp…đến… “không có vật gì như thế”: Cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa anh thanh niên với ông họa sĩ và cô kĩ sư.

- Đoạn 3: Còn lại: Cuộc chia tay cảm động.

Nội dung: Đoạn trích kể lại cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông hoạ sĩ già và bác lái xe, cô gái với người thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. (SaPa) (cốt truyện đơn tuyến).

2. Đọc hiểu văn bản Lặng lẽ Sa Pa

1. Khung cảnh thiên nhiên Sa Pa

- Những rặng đào, đàn Bò lang cổ đeo chuông ở các đồng cỏ.

- Cây trồng "rung tít trong nắng".

- Những cây tử kinh màu hoa cà.

- Mây bị nắng xua cuộn tròn từng cục...

- Nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn.

=> Vài nét chấm phá điểm xuyết, nghệ thuật nhân hóa, so sánh

Tác giả đã khắc hoạ bức tranh thiên nhiên Sa Pa với vẻ đẹp rực rỡ, tráng lệ, độc đáo, tươi sáng, thơ mộng, đầy sức sống. Sa Pa như mời gọi, cuốn hút, hấp dẫn du khách.

2. Lời giới thiệu của bác lái xe về anh thanh niên.

Trong “Lặng lẽ Sa Pa”, bác lái xe đã giới thiệu với ông hoạ sĩ : “anh thanh niên là người cô độc nhất thế gian”.

Một anh thanh niên 27t, tầm vóc bé nhỏ, một mình trên đỉnh núi cao 2600m, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa.

3. Thái độ của anh thanh niên khi đón tiếp đoàn khách đến chơi.

Anh thanh niên đã tiếp đón những người khách đến thăm nhà mình bằng tất cả tấm lòng nhiệt thành, tấm lòng cởi mở, sự nồng hậu, ấm áp.

4. Lời kể của anh thanh niên về công việc của mình trên trạm khí tượng.

Lời kể của anh thanh niên về công việc của mình trên trạm khí tượng:

Công việc của cháu quanh quẩn ở mấy chiếc máy ngoài vườn này thôi

Nhưng cái máy vườn trạm khí tượng nào cũng có

Dãy núi này có một ảnh hưởng quyết định với gió mùa đông bắc đối với miền Bắc nước ta.

Cháu ở đây nhiệm vụ đo gió, đo mây, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu.

5. Vì sao người họa sĩ có cảm giác bối rối?

Vì đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước, khao khát đi tìm: một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác. Đó chính là vẻ đẹp của lý tưởng sống, ý thức trách nhiệm của anh thanh niên đã trở thành khơi nguồn cảm hứng cho các tác phẩm của họa sỹ sau chuyến đi này.

6. Những tâm sự của anh thanh niên về công việc.

Hồi chưa vào nghề:

-Những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình.

Vào nghề:

- Làm nghề lại không nghĩ vậy. Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, soa gọi là một mình được.

- Cháu làm việc với bao anh em, đồng chí dưới kia

- Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Con người thì ai mà chả "thèm" hở bác

7. Những suy nghĩ của người họa sĩ về bức chân dung.

Những suy nghĩ của người họa sĩ về bức chân dung:

Ông thấy ngòi bút ông bất lực trên từng chặng đường nhỏ của ông nhừn nó là một quả tim nữa của ông.

Làm một bức chân dung, phác họa như ông đang làm đây hay rồi vẽ đàu, làm thế nào là hiện lên được mẫu người ấy? Cho người xem hiểu được chính tấm lòng của họa sĩ vào giữa bức tranh đó.

8. Vì sao họa sĩ phác họa bức chân dung anh thanh niên ngay trong lần đầu gặp mặt?

Vì ông đã nhận ra được lý tưởng , suộc sống của chính bản thân ông

9. Ông họa sĩ và cô kĩ sư có thái độ, cảm xúc như thế nào khi chia tay anh thanh niên?

Khi chia tay anh thanh niên, ông họa sĩ và cô kỹ sư đều thấy lưu luyến. Ông họa sĩ chụp lấy tay anh lắc mạnh, hẹn sẽ quay trở lại và ở với anh thanh niên ít hôm. Còn cô kỹ sư thì nắm tay, nhìn thẳng vào mắt anh và nói lời chia tay đầy cẩn trọng, rõ ràng.

3. Trả lời câu hỏi bài lặng lẽ Sa Pa trang 22

Câu 1 trang 22 SGK Ngữ văn 8 tập 2 KNTT

Xác định đề tài của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.

Trả lời

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động bình thường, mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

Câu 2 trang 22 SGK Ngữ văn 8 tập 2 KNTT

Tóm tắt tác phẩm và nêu nhận xét về kiểu cốt truyện.

Trả lời

Lặng lẽ Sa Pa kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa các nhân vật: ông họa sĩ già, cô kỹ sư trẻ, bác lái xe và anh thanh niên làm khí tượng trong vòng nửa giờ trên đỉnh núi Yên Sơn khi xe dừng lại. Ông họa sĩ và cô gái lên thăm nơi ở và làm việc của anh thanh niên trên núi. Anh bộc bạch với họ về công việc, về cuộc sống, về những suy nghĩ của mình. Ông họa sĩ đã kịp ghi lại ký họa chân dung anh. Anh muốn giới thiệu với ông họa sĩ những người khác xứng đáng hơn để vẽ. Họ chia tay nhau trong niềm xúc động.

=> Nhận xét: Lặng lẽ Sa Pa có cốt truyện đơn tuyến. Cốt tuyện rất đơn giản xoay quanh tình huống gặp gỡ bất ngờ của ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ với anh thanh niên làm việc ở trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn.

Câu 3 trang 22 SGK Ngữ văn 8 tập 2 KNTT

Nhân vật anh thanh niên được nhà văn miêu tả qua những chi tiết nào (ngoại hình, lời nói, hành động, suy nghĩ, hoàn cảnh sống, công việc, mối quan hệ với các nhân vật khác)? Hãy dựa vào một số chi tiết tiêu biểu để nhận xét về tính cách của nhân vật.

Trả lời

- Chi tiết về độ tuổi và ngoại hình: hai mươi bảy tuổi, tầm vóc bé nhỏ, nét mặt rạng rỡ,...

- Hoàn cảnh sống: sống một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo; căn nhà ba gian rất gọn gàng, ngăn nắp; có niềm vui đọc sách,...

- Công việc: làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét: đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự báo thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu; gian khổ nhất là làm việc lúc một giờ sáng: “gió tuyết và lặng im bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”,...

- Lời nói: lời tâm sự của anh thanh niên với ông hoạ sĩ và cô kĩ sư về công việc của mình; lời giới thiệu những người khác xứng đáng hơn mình để ông hoạ sĩ vẽ chân dung.

- Hành động: lấy khúc cây chắn ngang đường để gặp mọi người, trao bó hoa cho cô kĩ sư trẻ,..

- Cảm xúc, suy nghĩ của anh thanh niên về công việc và cuộc sống: khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?; Nhưng từ hôm ấy, cháu sống thật hạnh phúc,...

- Quan hệ với các nhân vật khác: Anh gửi bác lái xe củ tam thất vì “bác gái vừa ốm dậy”. Anh trao bó hoa đã cắt cho cô kĩ sư nông nghiệp trong lần đầu gặp gỡ, “ấn cái làn trứng” vào tay ông hoạ sĩ để mọi người ăn trưa.

=> Nhận xét về tính cách: Anh thanh niên là một chàng trai có lối sống giản dị, ngăn nắp. Anh yêu công việc và rất có trách nhiệm với những gì mình làm. Tinh tế khi trò chuyện và lắng nghe người khác, có hành động quan tâm tới từng người mà mình có cơ hội gặp gỡ.

Câu 4 trang 22 SGK Ngữ văn 8 tập 2 KNTT

Chân dung nhân vật anh thanh niên hiện ra qua cảm nhận và suy nghĩ của những nhân vật nào? Cách xây dựng nhân vật như vậy có tác dụng gì?

Trả lời

Chân dung nhân vật anh thanh niên được hiện ra qua cảm nhận, suy nghĩ của các nhân vật: bác lái xe, ông họa sĩ và cô kĩ sư.

– Nhân vật anh thanh niên hiện ra qua lời giới thiệu ban đầu của bác lái xe: “Tôi sắp giới thiệu với bác một trong những người cô độc nhất thế gian. Thế nào bác cũng thích vẽ hắn”. Qua lời kể của bác, ta biết được những nét sơ lược về công việc của anh thanh niên và việc “thèm” được gặp người của anh.

– Nhân vật anh thanh niên còn được hiện ra qua cái nhìn và suy nghĩ của ông hoạ sĩ: nhà hoạ sĩ già xúc động mạnh khi lần đầu nhìn thấy anh thanh niên; ông rất ngạc nhiên khi bước lên bậc thang bằng đất, thấy người con trai đang hái hoa; hoạ sĩ cảm giác mình bối rối; căn nhà anh thanh niên được miêu tả qua cái nhìn của ông hoạ sĩ; ông thấy ngòi bút của mình bất lực khi vẽ chân dung anh thanh niên; sau khi ghi lại mấy nét gương mặt anh thanh niên, người hoạ sĩ thấy nhọc quá,...

- Nhân vật anh thanh niên hiện ra qua sự cảm nhận của cô kĩ sư nông nghiệp trẻ. Cô gái cảm động và bị cuốn hút trước lời nói của anh thanh niên.

=> Hình ảnh nhân vật anh thanh niên đã hiện lên qua cái nhìn của nhiều nhân vật khác. Vì thế, vẻ đẹp của nhân vật càng thêm trong sáng, lấp lánh, nhưng vẫn gợi cảm giác chân thực.

Câu 5 trang 22 SGK Ngữ văn 8 tập 2 KNTT

Tìm một số chi tiết thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ về con người và nghệ thuật. Trên cơ sở đó, em hãy nhận xét về vai trò của nhân vật này trong tác phẩm.

Trả lời

Một số chi tiết thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ về con người và nghề thuật trong tác phẩm:

- Khi gặp anh thanh niên, người họa sĩ dường như đã tìm thấy cảm hứng, ý tưởng cho sáng tác nghệ thuật của mình: Vì họa sĩ đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, ôi, một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác, một nét mới đủ là giá trị một chuyến đi dài.

- Ông họa sĩ bối rối, nhận thấy sự bất lực của nghệ thuật trước bức chân dung cuộc sống giản dị mà đẹp đẽ: Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành được sáng tác còn là một chặng đường dài,…

=> Nhận xét: Nhân vật ông họa sĩ có vai trò quan trọng trong tác phẩm. Ông là một nghệ sĩ từng trải, có cảm nhận sâu sắc về cuộc sống. Tác phẩm được trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn, cảm nhận, suy nghĩ của ông. Qua nhân vật này, nhà văn Nguyễn Thành Long muốn gửi gắm những trăn trở, suy ngẫm của mình về con người và nghệ thuật. Nhân vật ông họa sĩ đã đem đến cho tác phẩm chiều sâu tư tưởng.

Câu 6 trang 22 SGK Ngữ văn 8 tập 2 KNTT

Những bức tranh thiên nhiên Sa Pa tuyệt đẹp đã góp phần tạo nên chất thơ cho tác phẩm. Hãy chọn một đoạn văn tả cảnh Sa Pa mà em ấn tượng nhất và nêu cảm nhận.

Trả lời

“Nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe.”

=> Đoạn văn trên cho ta cảm nhận được một bức tranh thiên nhiên Sa Pa đầy màu sắc và ánh áng: màu vàng rực rỡ của nắng, màu xanh của rừng cây mênh mông, lấp lánh màu bạc của những ngọn thông rung tít trong nắng, màu tím hoa cà của những cây tử kinh. Thiên nhiên hiện lên sinh động như một bức tranh với vẻ đẹp đặc trưng của nắng, gió, của mây trời giữa vùng núi cao Sa Pa.

Câu 7 trang 22 SGK Ngữ văn 8 tập 2 KNTT

Tác phẩm gợi cho em những suy nghĩ, bài học gì?

Trả lời

Tác phẩm gợi cho em những suy nghĩ, bài học về những con người lao động thầm lặng tạo nên giá trị, góp công sức của bản thân vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước của cả dân tộc. Noi gương của những người trẻ cống hiến quên mình cho Tổ quốc, em cũng sẽ cố gắng học tập và trau dồi để sau này trở thành công dân có ích, góp một phần sức lực nhỏ nhoi vào công cuộc đổi mới và phát triển nước nhà.

Viết kết nối với đọc bài Lặng lẽ Sa Pa

Tưởng tượng em là nhân vật ông họa sĩ, hãy ghi lại cảm nghĩ của mình sau cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên trên đỉnh Yên Sơn trong một đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu).

Nội dung bài viết thuộc bản quyền Hoatieu.vn

Tôi là một họa sĩ già, công việc đòi hỏi tôi phải đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để lấy cảm hứng sáng tác. Nhưng cuộc gặp gỡ đặc biệt hôm đó – ở Sa Pa – với một anh thanh niên trẻ tuổi làm công tác khí tượng, là cuộc gặp mà tôi nhớ mãi trong đời mình. Anh thanh niên ấy khoảng ngoài 20 tuổi, là một người vui vẻ nồng hậu và mến khách. Anh hái tặng cho cô kĩ sư đi cùng chuyến xe với tôi một đóa hoa to, với tấm lòng hiếu khách của một người đã quá lâu chưa gặp ai cả. Sau đó, anh kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống và công việc của anh ta. Rồi anh mời chúng tôi vào nhà uống nước chè. Tôi khá bất ngờ khi thấy căn nhà ba gian gọn gàng ngăn nắp với những giá sách đầy đủ các chủ đề từ khoa học, văn hóa cho đến cả văn học nữa. Cuộc trò chuyện sôi nổi khiến thời gian trôi qua một cách nhanh chóng và đến lúc chúng tôi phải từ giã cậu thanh niên ấy. Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng lại là một trong những kỉ niệm khó quên của tôi. Tôi đã gặp anh thanh niên, con người thật đẹp, thật cao cả, đẹp từ cách sống đến tâm hồn. Cậu đã cho tôi những ấn tượng mạnh về một thế hệ trẻ, những người anh hùng âm thầm lặng lẽ phục vụ cho đất nước, cống hiến hết mình cho xã hội.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
4 5.864
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm