Nghị luận về một vấn đề đời sống thói ích kỉ lớp 8 KNTT

Nghị luận về một vấn đề đời sống thói ích kỉ là một trong các dạng đề thuộc phần thực hành viết trang 116 sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 Kết nối tri thức bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại). Sau đây là mẫu dàn ý nghị luận về một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại thói ích kỉ kèm theo bài văn mẫu sẽ giúp các em nắm được cách làm bài.

1. Dàn ý nghị luận về thói ích kỉ

Mở bài

- Dẫn dắt nêu vấn đề nghị luận vào mở bài:

+ Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có một câu hát rất hay, ý nghĩa “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Lời bài hát trên đã khuyên nhủ con người sống có tình yêu thương, biết cho đi.

+ Thế nhưng trong cuộc sống hiện nay, vẫn còn có rất nhiều người sống ích kỉ chỉ biết đến bản thân mình.

- Đánh giá khái quát về vấn đề: Ích kỉ là một lối sống tiêu cực cần loại bỏ đối với mỗi người

Thân bài

1. Giải thích khái niệm: Thói ích kỉ là gì?

- Thế nào là tính ích kỉ hay thói ích kỉ: Ích kỉ được hiểu là một biểu hiện của lối sống tiêu cực, người có tính cách này là người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, nghĩ đến những lợi ích cho mình, luôn so đo, suy tính cốt làm sao để mình được lợi và không bao giờ suy nghĩ đến người khác.

2. Biểu hiện thói ích kỉ

- Biểu hiện trong cuộc sống hàng: không quan tâm đến những người thân trong gia đình, vì mình mà bắt mọi người phải làm theo ý muốn của mình: Ví như thích ăn món sườn chua ngọt, cá chiên... mặc dù biết mẹ đi làm rất mệt và bận về nhà tối mù vẫn nhõng nhẽo đòi mẹ làm bàng được nếu không sẽ không ăn cơm.

- Trong công việc người có tính ích kỉ sẽ có tính cạnh tranh rất cao bởi chỉ sợ người khác hơn mình mà bất chấp làm mọi cách thậm trí cả nói xấu với cấp trên về người đó này nọ để hạ thấp đồng nghiệp nâng cao giá trị bản thân.

- Bản chất của người ích kỉ, họ chỉ mong nhận công việc nhẹ nhàng, trốn tránh việc khó và đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.

- Trong học tập thì biểu hiện của người ích kỉ rất rõ từ cử chỉ, hành động nhỏ ví như là khi bạn hỏi cách giải một bài tập khó mà mình đã giải ra nhưng vì sợ hướng dẫn bạn thì mất thời gian, rồi bạn biết bạn sẽ giỏi hơn nên né tránh, nói lảng sang cái khác.

- Ở cuộc sống xung quanh có những người rất ích kỉ chỉ sợ người khác hơn mình

=> Người có thói ích kỉ chỉ biết tới lợi ích của mình mà sẵn sàng trà đạp lên người khác bằng mọi cách. Ích kỉ đúng là một thói xấu trong cuộc sống.

3. Tác hại, hậu quả “ Thói ích kỉ” và dẫn chứng

a. Hậu quả

- Ích kỉ là căn bệnh dễ dàng xâm nhập trong môi trường mà con người không có bản lĩnh, không có ý chí và mất đi sự lương thiện.

- Thói ích kỉ sẽ biến cá nhân con người ngày càng trở nên xấu tính, lòng dạ hẹp hòi, con người trở nên cô đơn, bị mọi người xa lánh và ghét bỏ.

- Đối với xã hội, sự ích kỉ sẽ tạo nên một xã hội xuống cấp, thối nát về đạo đức và sống thiếu tình thương khi con người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình.

b. Dẫn chứng

- Vụ tham nhũng trong đại án Việt - Á, nâng khống tiền kit test xét nghiệm Covid trong hoàn cảnh đất nước đang lao đao, ngặt nghèo

- Vụ tham nhũng trong “chuyến bay giải cứu” những đồng bào bị mắc kẹt tại nước ngoài do Covid

- Trong lúc nhân dân vùng núi, miền Trung bị lũ lụt cần sự giúp đỡ các tổ chức kêu gọi chia sẻ thì một số người thản nhiên coi như không phải việc của mình, không giúo đỡ dù là điều nhỏ có thể làm được.

4. Nguyên nhân của thói ích kỉ

- Sự ích kỉ xuất phát do từ cái “tôi” bản năng của mỗi con người, khi đứng trước lợi ích không kiềm chế được nên dần đánh mất đi bản thân mình.

- Do xã hội ngày càng phát triển, con người bận rộn với cuộc sống, với những dự định riêng của mình nên đôi lúc vô hình chung tạo nên khoảng cách giữa người với người, ít có thời gian quan tâm đến người khác hơn và chỉ chú tâm vào lợi ích của bản thân mình.

- Sự ích kỉ đến từ bản chất của người đó, vì ích kỉ nên chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm, để ý đến những người xung quanh, chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi.

- Ích kỉ đôi lúc là do chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh. Nếu những người xung quanh chỉ nghĩ đến bản thân mình, không ai quan tâm, chia sẻ với ai điều gì sẽ dần hình thành cho những người khác tính cách này.

5. Giải pháp để ngăn chặn thói ích kỉ

- Trong cuộc sống để con người sống biết san sẻ, biết yêu thương thì chúng ta cần dành thời gian biết quan tâm tới người khác, biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết.

- Sống hòa đồng, tham gia giao lưu, sống cở mở, tham gia hoạt động tập thể, giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn hay cần sự giúp đỡ.

- Trong học tập, nên giúp đỡ bạn bè trong lớp, trường có hoàn cảnh khó khăn...

- Gia đình, mỗi chúng ta hãy biết quan tâm tới nhau, sống biết giúp đỡ anh, chị, em khi họ gặp khó khăn, quan tâm tới bố mẹ hơn.

Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề: Thói ích kỷ là một lối sống tiêu cực, ảnh hưởng rất xấu đến nhân cách con người, các mối quan hệ giữa con người với nhau và đặc biệt là sự phát triển của xã hội.

- Liên hệ bản thân/Mở rộng kêu gọi: Chúng ta hãy cùng nhau ngăn chặn căn bệnh ích kỷ này, mỗi cá nhân hãy rèn luyện cho mình khả năng chủ động hòa nhập, sẵn sàng giúp đỡ và cảm thông với người khác.

2. Nghị luận về một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại thói ích kỉ

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có một câu hát rất hay, ý nghĩa trong bài hát “Để gió cuốn đi”: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Lời bài hát trên đã khuyên nhủ con người sống có tình yêu thương, biết cho đi. Thế nhưng trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có rất nhiều người sống ích kỉ chỉ biết đến bản thân mình. Ích kỉ là một lối sống tiêu cực cần loại bỏ đối với mỗi người

Đầu tiên, chúng ta cùng đi tìm hiểu “ Thế nào là tính ích kỷ”?. Ích kỉ được hiểu là một biểu hiện của lối sống tiêu cực, người có tính kỷ là người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, nghĩ đến những lợi ích cho mình, luôn so đo, suy tính cốt làm sao để mình được lợi và không bao giờ suy nghĩ đến người khác.

Biểu hiện của người có thói ích kỷ trong cuộc sống hàng ngày như không quan tâm đến những người thân trong gia đình, vì mình mà bắt mọi người phải làm theo ý muốn của mình. Đơn giản như ứng xử nhỏ vì thích ăn món sườn chua ngọt, cá chiên... mặc dù biết mẹ đi làm rất mệt và bận về nhà tối mù vẫn nhõng nhẽo đòi mẹ làm bàng được nếu không sẽ không ăn cơm. Rồi khi người thân trong nhà mệt, ốm không biết giúp đỡ chia sẻ công việc, không hỏi han, chăm sóc sống chỉ biết bản thân mình, hưởng thụ, đi chơi. Còn trong trong công việc người có tính ích kỉ sẽ có tính cạnh tranh rất cao bởi chỉ sợ người khác hơn mình mà bất chấp làm mọi cách thậm trí cả nói xấu với cấp trên về người đó này nọ để hạ thấp đồng nghiệp nâng cao giá trị bản thân. Bản chất của người ích kỉ, họ chỉ mong nhận công việc nhẹ nhàng, trốn tránh việc khó và đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Trong học tập thì biểu hiện của người ích kỉ rất rõ từ cử chỉ, hành động nhỏ ví như là khi bạn hỏi cách giải một bài tập khó mà mình đã giải ra nhưng vì sợ hướng dẫn bạn thì mất thời gian, rồi bạn biết bạn sẽ giỏi hơn nên né tránh, nói lảng sang cái khác. Hay bản thân có nhiều đồ chơi đẹp, quyển sách hay bạn hỏi mượn lại không cho nói dối là đồ của người khác chứ không phải của mình nên không cho mượn được. Hoặc ở cuộc sống xung quanh có những người rất ích kỉ chỉ sợ người khác hơn mà thấy nhà hàng xóm có đàn gà đẹp sẵn sàng vứt một con gà chết vì bệnh sang vườn để đàn gà đó bị lây bệnh chết hết. Tóm lại, người có thói ích kỉ chỉ biết tới lợi ích của mình mà sẵn sàng trà đạp lên người khác bằng mọi cách. Ích kỉ đúng là một thói xấu trong cuộc sống.

Ích kỉ không phải là một bản tính có sẵn. Nó là căn bệnh dễ dàng xâm nhập trong môi trường mà con người không có bản lĩnh, không có ý chí và làm mất đi sự lương thiện. Thói ích kỉ sẽ biến cá nhân con người ngày càng trở nên xấu tính, lòng dạ hẹp hòi, con người trở nên cô đơn, bị mọi người xa lánh và ghét bỏ. Đối với xã hội, sự ích kỉ sẽ tạo nên một xã hội xuống cấp, thối nát về đạo đức và sống thiếu tình thương khi con người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình.

Thực tế chắc hẳn chưa ai trong chúng ta quên vụ tham nhũng trong đại án Việt - Á, nâng khống tiền kit test xét nghiệm Covid trong hoàn cảnh đất nước đang lao đao, ngặt nghèo hay vụ tham nhũng trong “chuyến bay giải cứu” những đồng bào bị mắc kẹt tại nước ngoài do Covid. Chúng ta, đã từng nghe bài báo, phóng sự viết về những con người sống biết chia sẻ, yêu thương nhưng đâu đó, vẫn còn những con người ích kỉ chỉ biết đến bản thân mình như thấy một cụ già mang theo rất nhiều đồ muốn sang đường giữa xe cộ tấp nập mà lại mặc kệ. Hay đi xe ô tô không may quệt phải một người ngã xuống đừng vì lo sợ trách nhiệm nhân lúc không ai nhìn thấy lại thản nhiên bỏ đi mặc kệ sự sống chết của người vừa bị ngã. Một thực tế khác vẫn tồn tại ở xã hội như trong lúc nhân dân vùng núi, miền Trung bị lũ lụt cần sự giúp đỡ các tổ chức kêu gọi chia sẻ thì một số người thản nhiên coi như không phải việc của mình, không giúo đỡ dù là điều nhỏ có thể làm được... Nói tóm lại, thói ích kỉ khiến con người sống thiếu đạo đức, thiếu tình thương đáng bị lên án.

Vậy do đâu mà con người lại có thói ích kỉ? Sự ích kỉ xuất phát do từ cái “tôi” bản năng của mỗi con người, khi đững trước lợi ích không kiềm chế được nên dần đánh mất đi bản thân mình. Mặt khác là do xã hội ngày càng phát triển, con người bận rộn với cuộc sống, với những dự định riêng của mình nên đôi lúc vô hình chung tạo nên khoảng cách giữa người với người, ít có thời gian quan tâm đến người khác hơn và chỉ chú tâm vào lợi ích của bản thân mình. Nguyên nhân nữa là có những người sự ích kỉ đến từ bản chất của người đó, vì ích kỉ nên chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm, để ý đến những người xung quanh, chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi. Và sự ích kỉ đôi lúc là do chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh. Nếu những người xung quanh chỉ nghĩ đến bản thân mình, không ai quan tâm, chia sẻ với ai điều gì sẽ dần hình thành cho những người khác tính cách này.

Thói ích kỉ của con người sẽ giết chết tình thương, khiến con người sống vô cảm. Trong cuộc sống để con người sống biết san sẻ, biết yêu thương thì chúng ta cần dành thời gian biết quan tâm tới người khác, biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết. Sống hòa đồng, tham gia giao lưu, sống cở mở, tham gia hoạt động tập thể, giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn hay cần sự giúp đỡ. Còn trong học tập, nên giúp đỡ bạn bè như khi bạn muốn hướng dẫn bài tập khó, các bạn trong lớp, trường có hoàn cảnh khó khăn, hay chia sẻ kiến thức hay từ một quyển sách nào đó. Và trong gia đình, mỗi chúng ta hãy biết quan tâm tới nhau, sống biết giúp đỡ anh, chị, em khi họ gặp khó khăn, quan tâm tới bố mẹ hơn. Chính việc làm nhỏ đó sẽ giúo chúng ta rèn luyện bản thân, sống biết bao dung, nhân ái hơn.

Như vậy, chúng ta thấy rằng thói ích kỷ là một lối sống tiêu cực, ảnh hưởng rất xấu đến nhân cách con người, các mối quan hệ giữa con người với nhau và đặc biệt là sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy chúng ta hãy cùng nhau ngăn chặn căn bệnh ích kỷ này, mỗi cá nhân hãy rèn luyện cho mình khả năng chủ động hòa nhập, sẵn sàng giúp đỡ và cảm thông với người khác để tạo nên một xã hội hiện đại vá nhân ái hơn.

3. Nghị luận về 1 thói xấu trong cuộc sống thói ích kỉ

Ích là lợi ích. Kỉ là bản thân. Ích kỉ suy cho cùng là thói sống không đẹp, khi mà con người ta đặt mọi quyền lợi cá nhân lên hàng đầu, không quan tâm đến hoàn cảnh của người khác, chỉ biết so sánh thiệt hơn để rồi thậm chí nảy sinh ra sự đố kị và tàn ác. Người ích kỉ thường suy tính và chỉ thật sự quan tâm đến những thứ đem lại những giá trị họ cần. Ngược lại, sự ích kỉ khiến họ có thái độ thờ ơ vô cảm với cuộc sống, với mọi người xung quanh, sống hẹp hòi, sống đa đoan, sống không có vị tha và đặc biệt họ coi lợi ích của mình là cốt lõi của mọi giá trị.

Đứng trước dòng chảy không ngừng của cuộc sống, xã hội phát triển và luôn đổi mới kéo theo một hiện thực ngầm ẩn sâu trong vỏ bọc đẹp đẽ của những con người yếu đuối, thiếu bản lĩnh không loại bỏ được cám dỗ của bản thân, đó là sự nảy sinh mạnh mẽ của con vi rút kí sinh mang tên “ích kỉ”.́ Con vi rút độc hại ấy hiện hình khi người ta lột tẩy được thứ “thuốc độc chết người” trong thực phẩm ăn uống hàng ngày mà những kẻ vô nhân tính vì chút lợi lộc tầm thường mà không màng đến sức khỏe người mua. Con vi rút độc hại ấy hiện hình khi bạn nhìn thấy chính bản thân mình đang ghen tỵ, coi thường trước sự thành công của người khác. Rốt cục, sự ích kỉ có ở khắp mọi nơi và đang trở thành mối nguy hại lớn đẩy lùi sự văn minh của xã hội.

Ích kỉ là nguyên nhân của mọi tệ nạn, của sự hao mòn bản chất, tác động và làm tha hóa con người. Mỗi chúng ta ai cũng đã, đang và sẽ đối mặt với một cuộc đấu tranh tâm lý khi phải lựa chọn giữa một bên là lợi ích cá nhân, một bên là lợi ích tập thể. Và khi bạn quyết định bước vào con đường, nơi bạn thấy quyền lợi của mình được ưu tiên hàng đầu về vật chất lẫn tinh thần, phần “con” trong tâm thức sẽ trỗi dậy điều khiển con người ta sa đọa vào hố sâu của cái ác, cái bất chính, cái bất lương. Ta sẽ đánh mất chính mình, có thể vì bản thân mà chà đạp lên thành quả chân chính của người khác, có thể bị con rắn “ghen tị” làm cho mờ con mắt, có thể trở thành kẻ trốn tránh trách nghiệm đẩy khó khăn cho người ngoài.

Hơn thế, sự ích kỉ còn giết chết tình thương. Chúng ta không thể sống mà chỉ nhận giống như tình cảm, sự quan tâm mà người khác dành cho ta là lẽ đương nhiên. Cũng giống như một mối quan hệ không thể bền lâu nếu không có sự cố gắng của cả hai bên. Liệu rằng người ta có sẵn lòng giúp đỡ một kẻ không để tâm đến người khác bao giờ? Liệu rằng một kẻ ích kỉ, chỉ nghĩ cho bản thân có xứng đáng với những tấm lòng chân thành kia không? Suy cho cùng, đằng sau tất cả những cố gắng đẩy quyền lợi của bản thân lên trên hết chính là sự trả giá đau đớn nhất, ta sẽ mất đi những người mà chúng ta yêu thương, ta mất đi sự tin tưởng, sự tín nhiệm của tất cả mọi người, trở thành kẻ cô độc trước những tập thể đoàn kết và đau đớn hơn là đánh mất chính bản thân mình.

Ích kỉ không phải là một bản tính có sẵn. Nó là căn bệnh dễ dàng xâm nhập trong môi trường mà con người không có bản lĩnh, không có ý chí và sự lương thiện, nhanh chóng ăn sâu và bào mòn tinh thần con người. Vì vậy trước khi bước vào xã hội, mỗi chúng ta cần phải trang bị những kĩ năng, biết đâu là tốt, đâu là xấu để rồi có thể thực sự tự tin không bị lung lay bởi những lợi ích tầm thường của bản thân, thúc đẩy xã hội tốt đẹp hơn. Chúng ta đang sống trong một xã hội với đầy những hy vọng, nơi cô bé Hải An, không quan tâm đến sự lành lặn thân xác mà sẵn lòng cho đi cặp giác mạc, trao đi ánh sáng cho người khác. Chúng ta đang sống trên mảnh đất mà những người anh hùng Việt Nam đã không màng đến mạng sống của bản thân mà đổ biết bao mồ hôi xương máu bảo vệ tổ quốc. Vậy mà hiện nay vẫn đang tồn tại những con người chưa thực sự thức tỉnh, những kẻ yếu đuối mang trong mình căn bệnh ích kỉ làm mất đi những giá trị cao đẹp. Tuy nhiên, mỗi chúng ta phải biết cân bằng, giữ cho mình một chút ích kỉ, đừng cho đi mù quáng nếu không sẽ bị lợi dụng bởi kẻ khác.

Hãy sống như mặt trời, ngày ngày chiếu rọi ánh sáng và hơi ấm cho muôn loài. Hãy sống như đóa hoa, sống hết mình trao hương sắc cho cuộc đời. Có như vậy con người ta mới có thể rũ bỏ được chất “con” trong tâm thức để tiến gần hơn tới con người.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
11 8.389
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm