Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử văn hóa lớp 8 (6 mẫu)

Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử văn hóa lớp 8 - Viết bài văn kể lại một chuyến đi là nội dung bài học trang 28 sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Trong bài viết này các em sẽ được học cách viết 1 bài văn kể lại 1 chuyến đi tham quan sao cho đúng với yêu cầu của chương trình Ngữ văn lớp 8. Sau đây là chi tiết dàn ý viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử văn hóa cùng với một số bài văn mẫu viết bài văn kể lại một chuyến đi lớp 8 hay và chi tiết, mời các em cùng tham khảo.

Phân tích bài viết tham khảo Chuyến tham quan khu lưu niệm Nguyễn Du trang 29

1. Hướng dẫn cách viết bài văn kể lại một chuyến đi lớp 8

1. Nêu mục đích chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

2. Kể lại diễn biến của chuyến tham quan (trên đường đi, trình tự những điểm đến thăm, những hoạt động nổi bật trong chuyến đi,…).

3. Đan xen giữa kể chuyện với trình bày các thông tin chính và ấn tượng về những nét nổi bật của địa điểm tham quan.

- Thuyết minh về các hạng mục chính của di tích.

- Chụp ảnh lưu niệm và quay trở về.

4. Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa.

2. Dàn ý viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử văn hóa lớp 8

Dàn ý viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử văn hóa lớp 8

3. Kể về một cuộc đi thăm di tích lịch sử ngắn nhất

Xung quanh thành phố Hà Nội có rất nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Và một trong số các di tích lịch sử của Hà Nội em đã có dịp ghé thăm chính là đền Cổ Loa.

Dịp Tết vừa rồi, em đã được cùng bố mẹ đến thăm khu di tích đề Cổ Loa cổ kính vào ngày đầu năm mới. Sáng Mùng 3 Tết, cả nhà cùng nhau sửa soạn để di chuyển sang huyện Đông Anh, xã Cổ Loa. Chỉ khoảng 40 phút di chuyển cả gia đình em đã tới nơi. Do không phải ngày chính hội nên khung cảnh xung quanh rất yên tĩnh, chỉ có một số du khách đến thăm quan đền đang làm thủ tục mua vé. Khung cảnh trước cổng đền rất đẹp. Giếng ngọc được bao quanh bởi một thảm cỏ xanh với những hàng cây tỏa bóng xuống mặt hồ xanh biêng biếc. Cổng chính của đền Cổ Loa vẫn còn lưu giữ được gần như toàn bộ những nét kiến trúc xưa. Thành Cổ Loa có rất nhiều tên gọi khác nhau như Loa thành (thành Ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, Thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Đến thế kỷ thứ X, thời kỳ Ngô Quyền làm vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô lần thứ hai.

Trong khu di tích Cổ Loa hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, như khu đền Thượng thờ An Dương Vương, đền thờ tướng Cao Lỗ, am thờ công chúa Mỵ Châu và chùa Bảo Sơn… Trong các đền chùa còn có nhiều hiện vật khảo cổ được khai quật trong Thành cổ như tượng đồng, mũi tên đồng và các món đồ bằng sứ, đá, được chạm khắc tinh tế.

Sau khi dâng hương tưởng công lao dựng nước của các bậc tiền nhân, cầu mong bình an, cả gia đình em lại cùng đi dạo để vãn cảnh đền.

Chuyến đi thăm đền Cổ Loa vào ngày Tết quả thực đã để lại cho em rất nhiều ân tượng sâu sắc. Vừa được biết thêm nhiều về lịch sử của đất nước lại được ngắm nhìn những công trình kiến trúc từ thời xa xưa khiến em thêm yêu văn hóa đất nước mình hơn.

4. Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử văn hóa lớp 8 không chép mạng

Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử văn hóa lớp 8

Nội dung bài viết thuộc bản quyền Hoatieu.vn.

Vào mỗi dịp hè em đều được bố mẹ cho đi thăm quan 1 địa điểm du lịch để xả hơi sau một năm học vất vả cũng như nâng cao vốn hiểu biết của mình về những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước. Và địa điểm lần này em được trải nghiệm cùng bố mẹ đó chính là cố đô Huế.

Để di chuyển vào Huế, cả gia đình em đã lựa chọn phương tiện lúc đi là tàu hỏa để em được ngắm nhìn thêm những vùng đất của tổ quốc trải dài suốt quãng đường từ Hà Nội đến Huế. Chuyến tàu của em xuất phát lúc 10 giờ tối. Ngồi trên tàu ngắm đường phố Hà Nội về đêm thật đẹp. Sau một giấc ngủ đêm, buổi sớm thức dậy được ngắm nhìn cảnh đẹp của các tỉnh thành trên đường tàu đi qua khiến em thấy rất háo hức. 2 bên đường là nhà cửa xen lẫn với cảnh núi rừng xanh mát. Tới khoảng hơn 10h sáng tàu chính thức đến ga Huế. Sau khi từ ga tàu về đến khách sạn để cất đồ, cả nhà lại bắt đầu khám phá những món ăn nổi tiếng của xứ Huế mộng mơ. Bún bò Huế chính là món ăn đầu tiên gia đình lựa chọn để dùng trong bữa trưa. Quả thật đến với Huế ta mới cảm nhận được hương vị bún bò Huế trọn vẹn, đậm đà mà không nơi nào có được. Sau khi đã thưởng thức xong bữa trưa, chùa Thiên Mụ chính là điểm đến của cả gia đình em vào buổi chiều khi trời đã dịu nắng. Chùa Thiên Mụ nằm bên bờ Bắc của sông Hương, cách trung tâm TP Huế khoảng 5km về phía Tây. Sở hữu một phong cảnh hữu tình, chùa Thiên Mụ như níu chân du khách dừng bước thật lâu mỗi khi đến nơi đây. Đây không chỉ là chốn tâm linh đơn thuần mà còn là thắng cảnh đẹp cố đô. Rời chùa Thiên Mụ, điểm tiếp theo được gia đình em lựa chọn chính là đồi Vọng Cảnh. Đồi Vọng Cảnh Huế mang dáng vẻ hài hòa giữa cây cối, núi non, sông nước. Ngồi trên đỉnh đồi nhìn xuống dòng sông Hương thơ mộng và ngắn hoàng hôn quả là một kiệt tác của thiên nhiên.

Sau một ngày dài hòa mình vào với xứ Huế mộng mơ em thấy thêm yêu con người và cảnh vật nơi đây. Em mong muốn sẽ được khám phá nhiều địa danh cũng như món ăn nới xứ Huế để có thêm những trải nghiệm tuyệt vời ở vùng đất cố đô.

5. Viết bài văn kể lại 1 chuyến đi tham quan di tích lịch sử Đền Hùng

Nội dung bài viết thuộc bản quyền Hoatieu.vn.

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng 3

Truyền thống uống nước nhớ nguồn từ lâu đã là một đức tính tốt đẹp được truyền qua các thế hệ người Việt. Chính vì vậy cứ đến ngày 10/3 âm lịch hàng năm hàng triệu người con đất Việt lại trở về đền Hùng để cùng tưởng nhớ đến công ơn các vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

Và thật may mắn, trong dịp lễ hội đền Hùng năm ngoái em đã có dịp đến thăm đất tổ thông qua chuyến du lịch thăm quan trải nghiệm do nhà trường tổ chức.

Tối hôm trước ngày đi thăm quan đền Hùng, cả đêm em đã không ngủ được vì hồi hộp khi mình sắp được đặt chân đến vùng đất linh thiêng đền Hùng. Sáng hôm đó em dạy rất sớm, mang theo chiếc balo đã được mẹ chuẩn bị đầy đủ đồ ăn và vật cần thiết cho chuyến đi. Đúng 6h30 phút sáng, đoàn xe thăm quan của trường bắt đầu chuyển bánh. Trên xe thầy cô và các bạn ai ai cũng vui mừng khi sắp được đến thăm quan đền Hùng.

Đến 8h30 cả đoàn đã đến cổng khu di tích lịch sử đền Hùng. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân xuống vùng đất địa linh nhân kiệt thờ tự 18 đời vua Hùng là một cảm xúc tự hào khôn tả. Bao quanh khu di tích là cảnh núi non hùng vĩ với nhiều cây đại thụ vững chãi như: thiên tuế, đa, trò, thông…

Điểm thăm quan đầu tiên cả đoàn bước vào là khu di tích Đền Hạ tương truyền là nơi xưa kia mẹ Âu Cơ sinh ra 100 trứng. Tiếp theo, em cùng thầy cô và các bạn leo tiếp để khu di tích đền  Trung tương truyền xưa kia Vua Hùng bàn việc nước và ngắm cảnh thiên nhiên, núi sông cùng các Lạc tướng, Lạc Hầu. Nhìn ngôi đền đứng uy nghiêm giữa núi non đại ngàn trong tâm trí em như vang vọng lại tiếng nói của ngàn xưa, những buổi họp quan bàn việc nước của các vua Hùng. Tiếp theo, chúng em lại tiếp tục di chuyển đến đền Thượng, là nơi nằm cao nhất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Thời xưa, vua Hùng thường lên trên đỉnh núi để thực hiện nghi lễ cầu mong trời đất, thần lúa phù hộ mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh.

Sau khi thăm quan đền Thượng thì chúng em được tự do thăm quan trong khu di tích đền Hùng. Buổi chiều, đúng 3h cả đoàn lại lên xe trở về trường.

Chuyến đi đền Hùng đã kết thúc tốt đẹp. Đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ đối với em cùng các bạn học sinh để tìm hiểu thêm về cội nguồn của mình cũng như nhiều thông tin bổ ích về khu dic tích đền Hùng cũng như con người và vùng vũng đất Phú Thọ.

6. Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử văn hóa lăng Bác

Tổ chức tham quan cho học sinh là hoạt động thường niên của trường em vào mỗi dịp tháng 5 cuối năm học. Năm nay chúng em đã được các thầy cô cho đi thăm lăng Bác, ai ai cũng vô cùng hồi hộp và sung sướng khi sắp được gặp Bác Hồ.

Đúng 7h sáng học sinh có mặt tại trường và di chuyển lên các xe có dán đúng tên lớp cùng sự hỗ trợ cảu các thầy cô chủ nhiệm và hội phụ huynh.

Chỉ sau khoảng 45 phút đi chuyển, cả trường đã đến nơi. Ngay khi bước xuống xe cảm giác đầu tiên của em là sự choáng ngợp bởi không gian rộng lớn và sự trang nghiêm, thành kính nơi đây. Đường vào lăng Bác có rất nhiều những chú bộ đội đứng gác lăng, các chú đứng trang nghiêm với khẩu súng trên vai. Các chú bộ đội là người ngày đêm canh giữ, bảo vệ bình yên cho giấc ngủ của Bác, ai cũng có khuôn mặt thật nghiêm trang.

Hôm ấy không chỉ có thầy cô và chúng em đến thăm lăng và còn rất nhiều những đoàn tham quan khác, họ đến từ khắp nơi của Tổ Quốc. Đôi khi em còn bắt gặp những đoàn tham quan của những du khách nước ngoài. Nhìn những đoàn tham quan, em cũng như các bạn đều tràn ngập cảm xúc tự hào.

Sau lễ duyệt binh, chúng em được các thầy cô hướng dẫn xếp hàng để đi vào lăng. Không gian trong lăng không rộng lắm nhưng không khí lại vô cùng thành kính, thiêng liêng. Bác nằm đấy, đôi mắt hiền từ nhắm lại như đang chìm vào giấc ngủ sâu, miệng Bác như hé một nụ cười. Bác như phát ra vầng hào quang chói lọi, vừa suy nghĩ, vừa gần gũi.

Sau khi được vào lăng thăm Bác, chúng em còn được các thầy cô cho đi thăm ao cá Bác Hồ cùng với vườn cây Bác Hồ nằm trong khu di tích phủ Chủ tịch.

Chuyến đi thăm lăng Bác Hồ đối với em quả thật một trải nghiệm quý giá khi em được tận mắt nhìn thấy chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng như lối sống giản dị đơn sơ của Bác. Em mong lớn lên mình sẽ rèn luyện thật tốt để xứng danh cháu ngoan Bác Hồ.

7. Viết bài văn kể lại một chuyến đi tham quan một di tích lịch sử văn hóa không chép mạng

Để có được một buổi dã ngoại về lịch sử, cô chủ nhiệm lớp em đã xin phép nhà trường cùng ban phụ huynh tổ chức cho chúng em một buổi tham quan. Ngày chủ nhật mong chờ đã đến, địa điểm nơi lớp em đến là khu di tích lịch sử Tràng Kênh tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Chuyến đi này không những giúp em có điều kiện được chiêm ngưỡng một quần thể công trình kiến trúc đẹp mà còn có cơ hội học hỏi, tìm hiểu rất nhiều kiến thức lịch sử.

Đúng bảy giờ sáng, xe lăn bánh từ cổng trường, cả lớp em vô cùng háo hức. Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, xe chúng em đi qua hai cây cầu chúng em thì sang đến huyện Thủy Nguyên. Sau thời gian khoảng 20 phút, xe dừng lại tại quần thể khu di tích lịch sử Tràng Kênh.

Khu di tích Tràng Kênh Hải Phòng có địa chỉ nằm tại thôn Tràng Kênh, thuộc thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, cách trung tâm Thành phố Hải Phòng chỉ 20km về phía Đông Bắc.

Theo bước chân và sự hướng dẫn của bác hướng dẫn viên, chúng em đi vào thăm quan khu di tích. Từ cổng vào chúng em đã nhìn thấy một vườn đá cuội và một trụ đá cao chừng 5m, mặt trước có 7 chữ “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt trái, phải, sau khắc công lao và thần tích của vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và đại vương Trần Hưng Đạo. Đi sâu vào trong là các dãy bon sai, cây cổ thụ. Ngôi đền đầu tiên trong di tích là Tràng Kênh Vọng Đế, thờ vua Lê Đại Hành. Tiếp đó là Linh từ Tràng Kênh thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người chỉ huy chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, rồi đến đền Bạch Đằng Giang thời Ngô Quyền, đánh thắng quân Nam Hán năm 938. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là địa điểm cuối cùng trong tứ linh từ của di tích. Ngoài ra, khu di tích Bạch Đằng Giang còn có: đền thờ Thánh Mẫu, khu nhà bảo tàng trưng bày hiện vật cọc Bạch Đằng được bảo tồn nguyên trạng trong bể thủy tinh. Từ ngôi chùa phỏng theo chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) được xây trên núi Tràng Kênh, du khách sẽ bao quát được toàn cảnh vẻ đẹp của cả vùng Tràng Kênh. Mới đây, khu di tích xây thêm 3 pho tượng đồng tạc Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, mỗi pho tượng cao 11m, đặt trên quảng trường nổi, hướng ra sông Bạch Đằng, xung quanh là một bãi cọc mô phỏng bãi cọc Bạch Đằng xưa kia.

Quảng trường Chiến thắng là điểm cuối trong chuyến tham quan, công trình được hoàn thành vào cuối năm 2016. Quảng trường lát đá granit vươn ra sông, gồm 3 pho tượng của Đức Ngô Quyền vương, vua Lê Đại Hành và Đức Thánh Trần cao 11m bằng đồng. Mô hình bãi cọc lim bịt sắt gồm 180 cọc được phục dựng lại dưới lòng sông.

Sau khi chúng em được cô giáo chủ nhiệm và bác hướng dẫn viên dẫn đi tham quan, tìm hiểu xong toàn bộ khu di tích thì đã đến trưa. Chúng em có khoảng một tiếng rưỡi để ăn uống và nghỉ ngơi. Chúng em bảo nhau tranh thủ ăn thật nhanh, rồi cùng đi dạo quanh khu di tích, tham gia một số trò chơi tập thể vô cùng hấp dẫn. Cuộc chơi kết thúc cũng là lúc chúng em phải trở về thành phố trong sự tiếc nuối.

Có thể nói, chuyến tham quan đến khu di tích Tràng Kênh thật thú vị và bổ ích. Sau khi trở về, em tin rằng mình sẽ có một bài báo cáo thật hấp dẫn, và sẽ đạt được một kết quả cao nhất.

8. Viết bài văn kể lại một chuyến đi lớp 8 siêu hay

Đi thăm quan dã ngoại tìm hiểu về các địa điểm lịch sử là một trong những truyền thống vô cùng bổ ích của trường em đã được duy trì qua rất nhiều các thế hệ học sinh. Và năm nay, trong hoạt động trải nghiệm thường niên này, chúng em đã có dịp ghé thăm khu di tích lịch sử đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng. Đây là chuyến đi em vô cùng mong đợi để được tìm hiểu thêm về cuộc đời của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Bảy giờ sáng, xe lăn bánh từ cổng trường, cả lớp em vô cùng háo hức. Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, xe chúng em đi qua những ruộng thuốc lá xanh rờn xen lẫn cánh đồng lúa chín vàng, chúng em đến thăm Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trên quê hương ông ở làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Trên con đường trải đầy rơm rạ sau vụ gặt và nồng đượm mùi thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo nổi tiếng khắp nước, cũng có rất nhiều người như chúng em tìm về Khu di tích, thắp nén hương thơm, tưởng nhớ tới Nguyễn Bỉnh Khiêm, một danh nhân văn hoá, một nhà hiền triết mà sự nghiệp và tên tuổi của ông đã lưu danh mãi cùng đất nước.

Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên chữ là Hanh Phủ, tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ, sinh năm 1491 tại thôn Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương nay là huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc, thân phụ ông là Thái Bảo Nghiêm quận công Nguyễn Văn Định, thân mẫu là bà Nhữ Thị Thục, con gái quan thượng thư Nhữ Văn Lan, là người giỏi văn thơ và am hiểu lý số, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã hấp thụ truyền thống gia giáo. Tuy nhiên, lớn lên trong giai đoạn lịch sử nhà Lê suy thoái, nhiễu loạn nên suốt thời trai trẻ, Nguyễn Bỉnh Khiêm phải sống trong ẩn dật, không thi thố được tài năng. Mãi tới năm 1535, khi đã 45 tuổi, ông mới đi thi và đỗ Trạng nguyên. Từ đấy, ông làm quan với tân triều, nhà Mạc phong chức Tả thị lang (chức đứng hàng thứ ba trong bộ Hình). Năm 1543, trước cảnh bầy tôi lộng quyền, Nguyễn Bỉnh Khiêm mạnh dạn vạch trần sự tha hóa, thối nát rồi dâng trảm sớ lên vua đối với 18 đình thần biến chất, mưu phản, song không được nhà vua chấp thuận. Ông bèn cáo quan về ở ẩn nơi quê nhà, lập am Bạch Vân, mở trường dạy học, làm thơ, nghiên cứu kinh sử, chắt lọc những tinh hoa của các đạo pháp ngoại lai, bổ sung vào đó tính chất giản dị mà sâu sắc của người Việt để giáo hóa người đời và dạy dỗ học trò thành người có đức có tài, hữu ích cho đất nước. Học trò của ông nhiều người trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền... Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời năm 1585, ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như Tập thơ Bạch Vân gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán và hai tập Trình quốc công Bạch vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi với hàng trăm bài thơ chữ Nôm. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang tính triết lý sâu xa của thời cuộc. Thơ của ông là cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân, và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: "Tiên thiên hạ chi ưu phi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Là một học giả, học rộng biết nhiều, trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm hay nhắc tới sự thăng trầm "thương hải biến vi tang điền" (biển xanh biến thành nương dâu) của trời đất, tạo vật và cuộc đời trôi nổi như "phù vân". Ông thương xót cho "vận mệnh" quốc gia và cảm thông sâu sắc tình cảnh của "dân đen", "con đỏ". Ông thật sự mong muốn đất nước thịnh vượng, thái bình. Tương truyền, để tránh những cuộc binh đao khói lửa, tương tàn cho chúng dân và nhìn thấy trước thời cuộc, "vận mệnh" của đất nước trong hoàn cảnh ấy chưa thể có những lực lượng đảm đương được việc thống nhất, nên khi các tập đoàn phong kiến đến hỏi kế sách, ông đều bày cho họ những phương sách khác nhau để giữ thế "chân vạc". Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là nhà triết học lớn của Việt Nam. Ông cũng tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là "nhà tiên tri" số một của Việt Nam. Ông đã cho ra đời hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là "Sấm Trạng Trình".

Để tưởng nhớ và khắc ghi những đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ở làng Trung Am, quê hương của ông, con cháu và dân làng đã xây dựng một khu di tích gồm nhiều hạng mục công trình, là nơi thờ cúng và trưng bày hiện vật về thân thế và sự nghiệp của ông. Năm 1991, khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, trở thành một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của Hải Phòng.

Đến với Khu di tích Trạng Trình, từ lúc đặt chân bước qua được cổng tam quan, chúng em đã được nhìn thấy ngay khu đền thờ cụ Trạng. Ngôi đền được thiết kế dựa trên nền nhà cũ của Trạng Trình và đặt ngay chính giữa là tượng và bài vị của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tượng ông được làm bằng gỗ, trong thế ngồi trên ngai, mình mặc áo rồng vua ban, đầu đội mũ cánh chuồn, tay phải cầm cuốn tập giơ lên như đang giảng đạo thơ cho các học trò. Phía trước đền là hồ Thái Nhâm, trên khoảng đất giữa hồ có cầu bắc qua còn tấm bia đá làm năm Vĩnh Hựu nhà Lê (1736) ghi lại việc làm đền thờ Trạng và tên những người đã đóng góp xây dựng đền. Phía trước đền chính là hồ Thái Nhâm rộng lên đến 1.000m2. Phía sau được thiết kế mô phỏng Am Bạch Vân với ba gian nhà lớp mái ngói.

Cách đó không xa chính là tượng Trạng Trình ngồi uy nghiêm, trang phục giản dị, nho nhã. Hay thú vị hơn chính là hai bức phù điêu cao hơn 5m, dài hơn 20m được thiết kế tỉ mỉ, công phu nhằm thể hiện rõ nét về cuộc đời bao thăng trầm, sự nghiệp trồng người vẻ vang của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như tái hiện chân thực từng giai đoạn lịch sử của nước Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược đến tận ngày nay.

Dạo quanh các khu vườn tại Khu di tích Trạng Trình, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp được những bức tượng được tạc bằng đá với kích cỡ hệt như người thật. Các bức tượng này được sắp xếp một cách có chủ ý nhằm mô tả lại các khung cảnh đời thường trong cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm như cảnh dân làng mừng rỡ chào đón Trạng Trình từ quan trở về làng hay khi cụ ngồi giảng văn thơ cho các học trò.

Hàng năm cứ đến ngày 23/12, người dân trong vùng và các nơi lại kéo về đền thờ tế lễ, dâng hương tưởng niệm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bên cạnh phần lễ, phần hội với nhiều trò chơi dân gian đánh vật, kéo co, chọi gà, cờ người… đã mang đến một không khí lễ hội dân gian độc đáo, để lại những ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước.

Sau khi chúng em được cô giáo chủ nhiệm và bác hướng dẫn viên dẫn đi tham quan, tìm hiểu xong toàn bộ khu di tích thì đã đến trưa. Chúng em có khoảng một tiếng rưỡi để ăn uống và nghỉ ngơi. Chúng em tranh thủ ăn thật nhanh, rồi cùng nhau đi dạo quanh làng, ghé vào các quán lưu niệm để mua đồ mang về. Buổi chiều, học sinh cả lớp sẽ tập trung lại để tham gia một số trò chơi tập thể vô cùng hấp dẫn. Cuộc chơi kết thúc cũng là lúc chúng em phải trở về thành phố trong sự tiếc nuối.

Có thể nói, chuyến tham quan đến khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thật thú vị và bổ ích. Sau khi trở về, em tin rằng mình sẽ có một bài báo cáo thật hấp dẫn, và sẽ đạt được một kết quả cao nhất.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
449 255.744
0 Bình luận
Sắp xếp theo