Suy nghĩ của em về lòng nhân ái trong cuộc sống sau khi học truyện Gió lạnh đầu mùa

Suy nghĩ của em về lòng nhân ái trong cuộc sống sau khi học truyện Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam). Đây là nội dung đề số 2 phần thực hành viết trang 34 sách giáo khoa Ngữ văn 8 Cánh Diều tập 1 bài Nói và nghe - Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội. Sau đây là một số gợi ý của Hoatieu giúp các em nắm được cách làm bài viết trình bày suy nghĩ về lòng nhân ái sau khi đọc truyện Gió lạnh đầu mùa, mời các em cùng tham khảo.

1. Dàn ý suy nghĩ về lòng nhân ái sau khi đọc truyện Gió lạnh đầu mùa

Dàn ý suy nghĩ về lòng nhân ái sau khi đọc truyện Gió lạnh đầu mùa

2. Qua văn bản Gió lạnh đầu mùa trình bày suy nghĩ của em về lòng nhân ái

Em xin kính chào quý thầy cô cùng toàn thể các bạn cùng lớp.

Như chúng ta đã biết, lòng nhân ái chính là một đức tính tốt đẹp đã được truyền qua biết bao thế hệ người Việt. Và lòng nhân ái cũng là những giá trị mà biết bao nhà văn muốn gửi gắm đến người đọc thông qua tác phẩm của mình, trong đó có Thạch Lam.

Với truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa, Thạch Lam đã được người đọc đến với câu chuyện nhẹ nhàng giản dị nhưng ấm áp tình người.

Lòng nhân ái và sự yêu thương, san sẻ giữa con người đã được tác giả khắc họa thông qua 2 chị em Lan và Sơn. Lan và Sơn là những đứa trẻ được lớn lên trong gia đình giàu có và đầy đủ, nhưng điều đó không làm cho những đứa trẻ trở nên hơm hĩnh và coi thường người khác. Khi thấy Hiên co ro vì rét, Sơn đã động lòng thương và Sơn lại nhớ đến em Duyên (em gái nhỏ đã mất của mình). Son và Lan đã bàn nhau về lấy chiếc áo bông cũ của em Duyên để tặng cho Hiên. Chi tiết này làm nổi bật lên tinh thần tương thân tương ái mặc dù hai chị em Sơn còn rất nhỏ tuổi. Đặc biệt, giá trị của lòng nhân ái còn được thể hiện qua nhân vật mẹ của Sơn và Lan. Bà đã không trách mắng con khi cho Hiên áo, bà thậm chí còn cho mẹ Hiên mượn tiền để mua cho Hiên quần áo ấm. Qua đó, ta thấy được tấm lòng thơm thảo cũng như tính nhân văn mà Thạch lam đã gửi gắm qua những nhân vật của mình.

Bằng trái tim giàu tình yêu thương và đồng cảm, Thạch Lam đã khéo léo gửi đến độc giả những thông điệp vô cùng nhân văn và ý nghĩa về lòng nhân ái trong cuộc sống. Cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp và ấm áp biết bao khi ta gửi trao đến nhau sự sẻ chia, yêu thương và nhân ái trong cuộc sống.

3. Suy nghĩ về lòng nhân ái sau khi đọc truyện Gió lạnh đầu mùa

Mẫu 1

Xin chào thầy cô và các bạn. Ở phần Đọc của Bài 1 Truyện ngắn chúng ta đã từng được tìm hiểu về truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa”. Đây là tác phẩm nổi tiếng của Thạch Lam đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc và gợi ra nhiều suy ngẫm cho mỗi người về tình yêu thương trong cuộc sống.

Với giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, nhà văn đã khắc họa một cách rõ nét hình ảnh các nhân vật xuất hiện xuyên suốt truyện ngắn với chân dung đẹp đẽ, sống động. Hai chị em Lan và Sơn vì thương đám trẻ nghèo mà mang áo của em gái mình ra cho cô bạn nhỏ. Để rồi sợ mẹ mắng mà khép nép không dám nhìn mẹ. Đó chính là khoảnh khắc đẹp đẽ của trẻ em – khoảnh khắc chứa chan tình người khiến cho người đọc chúng ta cũng rưng rưng xúc động. Con người thường chỉ nghĩ đến mình mà khó nghĩ được cho người khác, và người mà có cuộc sống đủ đầy lại càng khó nghĩ cho những người khốn khó hơn mình vì họ không hiểu được những gánh nặng của những người khó khăn. Thế nhưng, những em bé trong câu chuyện dù sống trong nhung lụa vẫn hiểu và thương những mảnh đời khó khăn thì đó thực sự là vẻ đẹp quý giá của tình người.

Truyện không dừng lại ở đó. Phần cuối truyện, mẹ Hiên đã đem cái áo bông đến trả mẹ của Sơn. Hành động này thể cho thấy có những con người trong xã hội xưa, dù sống khó khăn, khổ cực nhưng vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Mẹ Sơn sau khi nghe rõ việc, đã cho mẹ Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Còn với hai chị em Sơn, bà chẳng những không tức giận mà còn “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”. Cả mẹ Sơn hay mẹ Hiên đều là những người phụ nữ đức hạnh, giàu lòng tự trọng. Có thể khẳng định rằng truyện ngắn là một câu chuyện nhẹ nhàng, nhưng lại chan chứa tình yêu thương và lòng nhân ái giữa con người với nhau trong xã hội.

Có thể thấy, bức tranh đầu mùa đông được nhà văn Thạch Lam miêu tả rất chính xác, tinh tế. Cảnh vật như nổi hình, nổi khối trước mắt người đọc. Còn bức tranh tình người hiện lên vừa ấm áp, vừa đơn sơ, vừa quen thuộc nhưng rộn ràng, hạnh phúc, dạt dào tình cảm, cảm xúc.

Với ngòi bút tài hoa của nhà văn Thạch Lam, truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả trong suốt mấy mươi năm qua vì vẻ đẹp tình người.

Mẫu 2

Xin chào cô và các bạn!

Như mọi người đã biết, lòng nhân ái chính là một trong những đức tính vô cùng đáng quý của nhân dân Việt Nam ta. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là qua truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa" của nhà văn Thạch Lam.

Trước tiên, có thể hiểu nhân ái chính là yêu thương con người. Sự yêu thương ấy có thể được thể hiện ở nhiều khía cạnh: thái độ, lời nói, cử chỉ, hành động,... Trong cuộc sống, ta có thể thấy điều này trong các hoạt động diễn ra hàng ngày. Nào là những hộp cơm từ thiện đến từ các các lạc bộ, đoàn trường đại học. Nào là những sự kiện, chương trình nhân đạo được Nhà nước tổ chức, phát sóng trên truyền hình. Đặc biệt phải kể đến hoạt động ủng hộ đồng bào miền Trung mỗi đợt bão lũ, thiên tai. Tất cả đều nhằm lan truyền thông điệp tích cực về sự đùm bọc, san sẻ vào đạo lí "lá lành đùm lá rách".

Trong truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa", nhà văn Thạch Lam cũng thể hiện được giá trị tốt đẹp ấy một cách vô cùng tinh tế. Ông đã khắc họa hoàn cảnh trái ngược giữa hai chị em Lan, Sơn với lũ trẻ nhà nghèo. Từ đó, nói lên cái khác biệt về điều kiện sống của con người. Hai chị em Sơn không những không chê bai lũ trẻ mà còn rất thích chơi với chúng. Điều này thể hiện sự hồn nhiên, vô tư trong tâm hồn non nớt của những đứa trẻ. Thậm chí, khi thấy cái Hiên co ro trong tiết trời lạnh giá, hai chị em Sơn còn quyết định về nhà lấy cái áo bông cũ để cho bạn. Chỉ với chi tiết ấy, tác giả đã làm nổi bật tinh thần tương thân tương ái giữa con người, đặc biệt khi đó chỉ là những đứa trẻ tuổi còn rất nhỏ. Lòng nhân ái còn xuất hiện ở mẹ của hai chị em Sơn. Khi biết các con đem áo cho người khác, bà không những không trách mắng mà còn cho mẹ Hiên mượn thêm năm hào. Hành động này cho thấy sự ấm áp, tấm lòng thơm thảo, sẵn sàng sẻ chia của bà. Có lẽ, hại chị em Sơn đã được học tập đức tính quý báu ấy từ chính mẹ mình.

Như vậy, bằng trái tim giàu tình yêu thương cùng ngòi bút tài hoa của mình, Thạch Lam đã đem thông điệp đầy ý nghĩa về lòng nhân ái đến với đông đảo bạn đọc. Hi vọng rằng chúng ta đều có thể học tập đức tính đáng quý ấy, góp phần xây dựng cộng đồng ngày một văn minh và phát triển hơn.

Trên đây là phần trình bày của em. Rất cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe!

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 bộ sách Cánh Diều của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
37 27.161
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm