Soạn Văn 8 Cánh Diều Nghị luận về một vấn đề của đời sống

Nghị luận về một vấn đề của đời sống là nội dung bài học trang 104 sách giáo khoa ngữ văn 8 Cánh Diều tập 1. Trong bài học này các em sẽ được tìm hiểu về kiểu bài văn nghị luận về một vấn đề của đời sống cũng như một số điểm cần lưu ý khu viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống. Sau đây là gợi ý soạn bài Nghị luận về một vấn đề của đời sống lớp 8 trang 104, mời các em cùng tham khảo.

Soạn bài Nghị luận về một vấn đề của đời sống lớp 8 Cánh Diều tập 1

Định hướng

1.1. Văn bản nghị luận về một vấn đề của đời sống rất đa dạng và phong phú, có thể bàn luận về một hiện tượng có thật trong đời sống hằng ngày; có thể nêu lên suy nghĩ của người viết về một vấn đề xã hội đặt ra trong một hoặc một số tác phẩm văn học; có thể nêu suy nghĩ của mình về một tư tưởng, đạo lí,…; Bài này tập trung rèn luyện viết bài nghị luận về một hiện tượng trong đời sống. Yêu cầu chung của kiểu bài này là:

- Cần nêu lên được hiện tượng đáng quan tâm trong đời sống.

- Trình bày rõ vấn đề và nêu ý kiến (đồng tình hay phản đối) của người viết về hiện tượng đó.

- Nêu được lí lẽ và bằng chứng để thuyết phục người đọc đồng tình.

1.2. Để viết bài văn nghị luận về một hiện tượng của đời sống, các em cần lưu ý:

- Xác định hiện tượng của đời sống cần bàn luận. Hiện tượng của đời sống rất phong phú, cần lựa chọn vấn đề gần gũi với cuộc sống, có ý nghĩa thiết thực và sâu sắc,…

- Trước khi viết cần tìm ý và lập dàn ý theo một trong các cách: đặt câu hỏi, suy luận hoặc so sánh.

- Cần nêu được ý kiến (quan điểm) riêng của mình: khẳng định hay phủ định, đồng tình hay phản đối,…

- Các lí lẽ và bằng chứng cần nêu cụ thể, phong phú và có sức thuyết phục.

1.3. Luận đề và luận điểm trong văn nghị luận

- Luận đề: là vấn đề chính được nêu ra để bàn luận trong văn bản nghị luận.

- Luận điểm: là những ý kiến thể hiện quan điểm của người viết về luận đề.

Trong văn bản nghị luận, luận đề được thể hiện bằng luận điểm và làm sáng tỏ bằng lí lẽ, dẫn chứng.

1.4. Bằng chứng khách quan và ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết trong văn nghị luận

- Bằng chứng khách quan là những thông tin khách quan, có thể kiểm chứng được trong thực tế.

- Ý kiến đánh giá chủ quan: là những nhận định, suy nghĩ, phán đoán theo góc nhìn chủ quan của người viết, thường ít có cơ sở kiểm chứng. Do vậy, để giảm tính chủ quan trong đánh giá, giúp ý kiến trở nên đáng tin cậy, người viết cần đưa ra được các bằng chứng khách quan.

- Có thể phân biệt hai khái niệm này dựa vào bảng sau:

Bằng chứng khách quan

Ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết

Là các thông tin khách quan như: số liệu, thời gian, nơi chốn, con người và sự kiện…

Là các ý kiến chủ quan như: quan điểm cá nhân về một vấn đề đang tranh cãi, dự đoán về tương lai, đánh giá chủ quan về sự việc, hiện tượng; có thể có được diễn đạt bằng các cụm từ như: tôi cho rằng, tôi thấy… hoặc các tính từ thể hiện sự đánh giá chủ quan.

Dựa trên những thí nghiệm, nghiên cứu, có nguồn đáng tin cậy, có thể xác định đúng, sai dựa vào thực tế.

Dựa trên cảm nhận, cách nhìn, diễn giải của cá nhân; không có cơ sở để kiểm chứng.

Thực hành

Trình bày ý kiến của em về vấn đề "Tự tin và khiêm nhường"

Tự tin và khiêm nhường là một trong những đức tính tốt cần có của mỗi người. Nhiều người khẳng định đó là hai yếu tố cần có để đạt được sự thành công trong cuộc sống. Vậy tại sao lại nói tự tin và khiêm nhường là hai đức tính cần có ở mỗi người?

Điều đầu tiên chúng ta phải hiểu tự tin và khiêm nhường là gì? Sự tự tin là cảm giác hoặc trạng thái dựa trên sự tin tưởng và dựa vào một định hướng, một suy nghĩ hay bất kì người nào mà bạn đặt niềm tin. Khiêm nhường là khiêm tốn trong quan hệ đối xử, không giành cái hay cho mình mà sẵn sàng nhường cho người khác.

Những người tự tin là những người luôn tin vào khả năng của mình, tin rằng mình làm được và sẽ làm được. Họ luôn chủ động quyết định mọi việc, dám nghĩ, dám làm. Họ là những người luôn tích cực tham gia các hoạt động tập thể. Những người tự tin luôn tạo cho người khác cảm giác yêu thích. Vậy còn những người khiêm nhường thì sao? Người khiêm nhường là người học rộng, biết nhiều nhưng chẳng mấy khi khoe khoang ra ngoài. Họ không tự đề cao mình mà biết đánh giá đúng mực về bản thân, luôn có ý thức học hỏi người khác. Những người có đức tính khiêm nhường thường hòa nhã, thân thiện, biết lắng nghe, tôn trọng người khác hơn là việc tự đề cao, tự mãn với những gì mình đạt được.

Khi một người có đầy đủ hai đức tính là tự tin và khiêm nhường, người đó thường có tầm nhìn xa trông rộng, biết mình cần làm gì và nên làm như thế nào. Họ nhận được sự yêu thích, tôn trọng từ những người xung quanh, luôn biết biết cách học hỏi để tiến bộ không ngừng. Những người như vậy thường rất thành công trong cuộc sống. Ngược lại những người sống khép nép, tự ti hoặc có tự tin nhưng sống tự cao, tự đại, kiêu căng, tự phụ, luôn tỏ ra hơn người thường hay bị người khác ghét bỏ. Những người đó không thích tiếp thu ý kiến của người khác, không chịu học tập để đổi mới bản thân, dễ dẫn đến thất bại. Ví dụ trong môi trường giáo dục, những bạn học sinh tự tin cởi mở, khiêm tốn, chăm chỉ học tập thường có thành tích học tập tốt và nhận được sự quý mến từ thầy cô, bạn bè. Trong khi các bạn học sinh tự cao, thích khoe khoàng thường rất ít bạn bè, hoặc chỉ có những người bạn xấu, thực dụng chơi cùng.

Từ những phân tích trên, có thể thấy sự tự tin và khiêm nhường là hai đức tính quan trọng giúp bạn thành công trong cuộc sống. Ngay từ bây giờ hãy tập cho mình những thói quen tốt, chăm chỉ học tập, trau dồi kĩ năng, tự tin vào chính mình nhưng cũng không được tự phụ mà phải khiêm nhường biết nhìn nhận bản thân, điểm yếu, điểm mạnh để hoàn thiện chính mình.

Rèn luyện kĩ năng nêu bằng chứng, trình bày và phân tích bằng chứng

Bài tập: Nhận biết hai loại bằng chứng trong hai đoạn văn sau:

Đoạn 1: Ních Vu-dích (Nick Vujicic) – chàng trai người Ô-xtrây-li-a (Australia), từ khi sinh ra đã bị khuyết tật, không có cả tay và chân như người bình thường. Nhưng bằng nghị lực và sự tự tin vào bản thân, anh đã vượt qua mặc cảm khiếm khuyết về ngoại hình để trở thành một diễn giả nổi tiếng, truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ trên toàn thế giới.

Đoạn 2: Nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa bức tranh núi rừng Việt Bắc thật thơ mộng, hài hoà, đẹp như tranh vẽ bằng những câu thơ rất tài hoa:

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

(Việt Bắc, trong Tổ Hữu – Thơ, NXB Giáo dục, 1995)

Tìm thêm một bằng chứng thực tế và một bằng chứng thơ văn khác cho đề bài ở mục 2. Thực hành.

a. Nhận biết hai loại bằng chứng

- Đoạn 1: bằng chứng từ đời sống

- Đoạn 2: bằng chứng từ sách vở

b. Các câu ca dao, tục ngữ viết về sự tự tin, khiêm nhường:

Dù ai nói ngả nói nghiêng

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

- Có chí thì nên

- Thắng không kiêu, bại không nản

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 8 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
4 2.963
0 Bình luận
Sắp xếp theo