Tìm hiểu văn bản Tôi đi học

Tôi đi học là một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Thanh Tịnh kể về những kỉ niệm về buổi đầu đến trường. Hiện nay văn bản Tôi đi học đã được giới thiệu đến các em học sinh trong chương trình Ngữ văn lớp 8 tập 1. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ một số thông tin giới thiệu tác giả - tác phẩm Tôi đi học cũng như tóm tắt văn bản Tôi đi học để các bạn nắm được nội dung của truyện ngắn Tôi đi học.

1. Tóm tắt văn bản Tôi đi học

Văn bản Tôi đi học của tác giả Thanh Tịnh kể về những kỉ niệm ngày đầu tiên tới lớp của tác giả. Cứ vào cuối thu, nhà văn lại nhớ lại những kỉ niệm khi mình còn ngạc nhiên, bỡ ngỡ lúc được mẹ dắt tay tới trường. Con đường tới trường của nhân vật tôi bỗng nhiên sao lạ lùng quá! Nó khác hẳn với mọi ngày, sáng mùa thu lá rụng nhiều cùng với tiết trời se lạnh và trên trời không còn những đám mây màu bạc. Nhân vật tôi với cảm xúc e dè, lạ lẫm được mẹ dắt tay tới trường. Trong tác giả lúc này có nhiều suy nghĩ và thay đổi, thấy mình trang trọng và đứng đắn hơn khi mặc bộ quần áo mới. Không những vậy, nhân vật tôi còn nghĩ rằng chỉ có những người thành thạo mới cầm nổi bút thước. Tất cả những suy nghĩ đều rất non nớt. Khi ông Đốc cất giọng lên, chú bé cảm thấy vô cùng ấm áp và bắt đầu viết những dòng chữ mà thầy giáo ghi trên bảng viết: “Tôi đi học”.

2. Giới thiệu tác giả - tác phẩm Tôi đi học

1. Tác giả Thanh Tịnh

• Thanh Tịnh (1911 – 1988), ông sinh ra ở bên bờ sông Hương, ngoại vi thành phố Huế. Yếu tố này có ảnh hưởng rất lớn đến hồn thơ Thanh Tịnh.

• Phong cách nghệ thuật: Thơ văn của Thanh Tịnh khai thác và thể hiện những vẻ đẹp trong sáng, đằm thắm: vẻ đẹp của tâm hồn.

• Sự nghiệp văn học: Thử ngòi bút trên rất nhiều thể loại. Có sở trường và đóng góp nhất vẫn là thể loại truyện ngắn.

2. Tác phẩm Tôi đi học

a. Xuất xứ Tôi đi học : Trích trong tập truyện “Quê mẹ” – 1941. Tác phẩm gắn liền với cuộc đời Thanh Tịnh và trở thành một dấu ấn quan trọng trong hành trình nghệ thuật của ông.

b. Chủ đề văn bản Tôi đi học: Tập trung thể hiện những trạng thái cảm xúc tinh tế, sâu sắc và rất đỗi thiết tha của tuổi học trò, gắn liền với ngày khai trường đầu tiên.

c. Phương thức biểu đạt: Được viết theo phương thức tự sự, có sự kết hợp với các yếu tố miêu tả, biểu cảm.

d. Bố cục Tôi đi học:

- phần 1: Từ đầu ... ngọn núi: Cảm nhận của tôi trên đường tới trường

- Phần 2: tiếp theo... nghỉ cả ngày nữa: Cảm nhận của tôi lúc ở sân trường

- Phần 3: Còn lại: Cảm nhận của tôi trong lớp học.

3. Trọng tâm kiến thức văn bản Tôi đi học

1. Cảm nhận của tôi trên đường tới trường

* Bối cảnh hồi tưởng:

- Thời gian: Cuối thu

– Thiên nhiên: Lá rụng nhiều, mây bàng bạc

- Cảnh sinh hoạt: Mấy em bé rụt rè cùng mẹ đến trường.

- Không gian: Trên con đường dài và hẹp

=> Làm cho tác giả mang một bầu tâm trạng: Náo nức, mơn man, tưng bừng, rộn rã đến khó tả. Việc tác giả sử dụng một loạt từ láy khi diễn tả góp phần cụ thể hóa tâm trạng, cảm xúc thực của “tôi” khi ấy, góp phần rút ngắn thời gian giữa quá khứ và hiện tại.

* Kỷ niệm trên đường tới trường:

- Hoàn cảnh:

+ Một buổi sớm mai đầy sương thu và gió lạnh.

+ Đi trên con đường dài và hẹp

• Mùa thu nào mà chả có sương có gió, con đường làng bao đời nay vẫn dài, vẫn hẹp như vậy, tại sao nhân vật tôi lại nhớ kỹ, nhớ tỷ mỉ đến vậy. Bởi vì những cái thân quen hàng ngày đã bỗng chốc hoàn toàn thay đổi. Bởi tự trong chính lòng cậu đã có một sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

* Những thay đổi:

• Mọi thứ đều thay đổi: từ con đường làng đến cảnh vật xung quanh.

• Hôm nay không bơi qua sông để đi thả diều, để đi chơi cùng chúng bạn nữa, tôi đã dần khôn lớn, trưởng thành.

- Mặc một chiếc áo vải dù đen, dài trông hết sức trang trọng và đúng đắn. Trong tay ghì chặt hai cuốn vở => vụng về, non dại của tuổi ấu thơ.

2. Cảm nhận của “tôi” lúc ở sân trường

- Quang cảnh:

+ Đông vui và tấp nập: Sân trường hôm nay dày đặc người, ai cũng quần áo gọn gẽ, gương mặt thì tươi vui.

+ Trường Mĩ Lí cao ráo, sạch sẽ hơn các nhà trong làng, xinh xắn, oai nghiêm như đình làng => khiến tôi lo sợ vẩn vơ.

- Hình ảnh so sánh: lớp học như đình làng- nơi thờ cúng tế lễ thiêng liêng. => diễn tả cảm xúc trang nghiêm của tác giả về mái trường, đề cao tri thức của con người trong trường học.

- Các em học sinh tỏ ra đầy bỡ ngỡ và sợ sệt: khép nép sau lưng người thân, nhìn một nửa và đi từng bước nhẹ. Hình ảnh so sánh: “Họ như con chim non đứng bên bờ tổ... e sợ” => Miêu tả sinh động hình ảnh, tâm trạng các em nhỏ lần đầu tiên tới trường.

- Tiếng trống trường vang lên: Các anh chị lớp trên đã đi về lớp, sân trường thưa vắng hẳn đi. Khiến cho các cô bé, cậu bé cảm thấy vô cùng bối rối, không biết nên đi hay đứng, nên chân cứ co rồi lại duỗi, hết đi rồi lại đứng, không biết quyết thế nào. => Chung một cảm giác run run, lo sợ.

- Thầy hiệu trưởng điểm danh và dặn dò những học sinh mới:

+ Chúng hồi hộp, tim như ngừng đập trong khoảnh khắc chờ đợi, tên mình được đọc lên.

+ Giật mình, lúng túng khi thầy hiệu trưởng gọi đến tên mình.

+ Không ai dám lên tiếng trả lời thầy khi thầy hiệu trưởng hỏi đã nắm vững thông tin chưa?

+ Bị mọi người tập trung quan sát, lũ học trò trở nên bối rối, lúng túng hơn bao giờ hết.

=> Đó là nét tâm lý rất thường tình khi đang trong trạng thái lo lắng và hồi.

– Khi xếp hàng vào lớp:

+ Chân thấy nặng nề, không ai dám cất bước.

+ Ngoái lại đầy lưu luyến.

+ Một số cô bé, cậu bé thì ôm mặt khóc.

+ Nhân vật tôi như phản xạ, quay lại, ôm mẹ và gục vào lòng mẹ mà khóc

=> Những giọt nức mắt báo hiệu sự trưởng thành.

3. Tâm trạng của nhân vật tôi trong lớp học

- Lớp học là cả một thế giới xa lạ, khác biệt, cách biệt với thế giới bên ngoài khung cửa: mùi lạ, những bức hình lạ, người bạn mới tí hon đang ngồi cùng bàn với mình... cái gì cũng lạ lạ và hay hay.

- Cái cảm giác xa lạ và sợ hãi nhanh chóng bị xua đi mà thay vào đó là cảm giác hay hay, thích thích. Những đồ vật kia, những bàn, những ghế như là của riêng mình. Tất cả trở nên gần gũi và quen thuộc. Sự thay đổi nhanh đến ngạc nhiên.

- Ngoài kia khung cửa sổ: một con chim rụt rẻ hót vài tiếng rồi cất cánh bay, tạo lên một liên tưởng thú vị. Đó là những cô bé, cậu bé cũng như những chú chim non đã vượt qua những lo lắng, rụt rè để tựung cánh bay vào bầu trời tri thức.

- Cách kết thúc tự nhiên, bất ngờ: Dòng chữ “Tôi đi học” vừa khép lại bài và mở ra một thế giới mới, một khoảng không gian, thời gian mới, một tâm trạng, tình cảm mới, một giai đoạn mới trong cuộc đời đứa trẻ. Dòng chữ thể hiện chủ đề của truyện ngắn này.

4. Những nhân vật khác trong câu chuyện

4.1. Nhân vật người mẹ

– Mẹ nắm tay con, dắt con đến trường.

- Mẹ đã chuẩn bị cho con rất kỹ càng, chu đáo để con có đủ sách, vở, bút, áo, quần để con được đến lớp, không thua kém bạn bè.

– Âu yến trả lời những thắc mắc của con.

- Mẹ vỗ về, an ủi con, vuốt nhẹ mái tóc con rồi đẩy nhẹ phía lưng con để con thêm động lực bước vào đời.

4.2. Nhân vật thầy hiệu trưởng

- Giọng nói thì rất khẽ, dịu dàng.

- Dành cho học sinh những ánh nhìn ân cần, hiền hậu.

- Thầy an ủi, động viên, dặn dò bởi thầy rất hiểu tâm lý của học trò.

4.3. Nhân vật thầy giáo trẻ

- Đón chào các em bằng một nụ cười rất tươi. Trong nụ cười đó có cả sự độ lượng và yêu thương trong đó.

=> Cả xã hội đều dành sự yêu thương, chăm sóc cho trẻ em, cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.

4. Tổng kết Văn bản Tôi đi học

1. Nội dung:

Văn bản Tôi đi học kể về một trang đời gần gũi mà thiêng liêng, đó là kỉ niệm buổi tựu trường đầu tiên với tâm trạng bỡ ngỡ, những cảm xúc mới mẻ, những ấn tượng không quên về trường lớp, thầy cô và bạn bè.

2. Nghệ thuật

• Nghệ thuật khắc họa tâm lý nhân vật.

• Với những hình ảnh so sánh vừa độc đáo, vừa gần gũi, trong sáng, dịu dàng diễn tả mọi cung bậc tình cam tinh tế nhất của con người.

• Có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự, miêu tả và biểu cảm, trong đó yếu tố biểu cảm đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục lớp 8 thuộc mảng Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 2.360
0 Bình luận
Sắp xếp theo