Soạn bài Gió lạnh đầu mùa lớp 8 Cánh Diều ngắn nhất

Soạn bài Gió lạnh đầu mùa Cánh Diều

Soạn bài Gió lạnh đầu mùa Cánh Diều lớp 8 - Trong chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn, tác phẩm Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam đã được đưa vào giảng dạy trong sách Ngữ văn lớp 8 tập 1 bộ Cánh Diều. Sau đây là mẫu soạn văn 8 Cánh Diều tập 1 bài Gió lạnh đầu mùa giúp các em có thêm kiến thức trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa.

Soạn bài Gió lạnh đầu mùa lớp 8 Cánh diều tác giả tác phẩm

Tác giả

- Thạch Lam (1910 - 1942)

- Tên thật: Nguyễn Tường Vinh

Nguyễn Tường Lân

- Quê: Hà Nội

- Văn của Thạch Lam không có tiếng súng của chiến tranh hay thúc sưu thuế mạnh mẽ như những nhà văn khác nhưng nó vẫn khắc họa được tâm trạng cùng cực, đau đớn của nhân vật khi phải đối diện với hiện thực cuộc sống. Các tác phẩm của ông thường đi vào cuộc sống của những người dân nghèo, ông khai thác nội tâm nhân vật một cách sâu sắc.

Tác phẩm

- Xuất xứ: Trích trong tập truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa”, xuất bản năm 1937.

- Thể loại: truyện ngắn

- Phương thức biểu đạt: tự sự

- Ngôi kể: ngôi thứ ba

- Nhân vật chính: Sơn

- Các sự việc chính:

+ Những cơn gió lạnh đầu mùa thổi đến phố chợ.

+ Chị em Lan, Sơn xúng xính trong những chiếc áo ấm đắt tiền; những đứa trẻ nghèo hàng xóm vẫn mặc những chiếc áo mong manh thường ngày; riêng Hiên vẫn mặc chiếc áo rách tơi tả, đang co ro vì lạnh.

+ Ái ngại về hoàn cảnh của Hiên, Sơn và Lan quyết định về nhà lấy áo bông của Duyên (đứa em xấu số), giấu mẹ, mang sang cho Hiên.

+ Chuyện đến tai người nhà, Sơn và Lan sợ bị mẹ mắng. đi đòi lại áo không được, không dám về nhà.

+ Mẹ Hiên mang áo bông sang nhà trả lại, may mắn được mẹ Sơn và Lan cho vay tiền mua áo ấm cho Hiên.

- Ngôi kể: ngôi thứ ba

Bố cục văn bản Gió lạnh đầu mùa

Bố cục văn bản Gió lạnh đầu mùa

Bố cục: 3 phần

+ Phần 1: từ đầu…rơm rớm nước mắt.

-> Cảnh sinh hoạt trong gia đình Sơn ngày gió đầu mùa.

+ Phần 2: tiếp …ấm áp vui vui.

-> Cảnh hai chị em Sơn cùng vui chơi và chia sẻ áo ấm cho Hiên.

+ Phần 3: phần còn lại

-> Sự lo lắng của Sơn và cảnh mẹ Hiên trả lại áo.

Soạn bài Gió lạnh đầu mùa lớp 8 Cánh Diều

Tóm tắt văn bản Gió lạnh đầu mùa

Soạn bài Gió lạnh đầu mùa lớp 8 Cánh Diều

Đọc trước truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa, tìm hiểu thêm thông tin về nhà văn Thạch Lam

Thạch Lam (1910-1942), tên thật là Nguyễn Tường Lân, là một nhà văn Việt Nam thuộc nhóm Tự Lực văn đoàn. Ông là em ruột của hai nhà văn khác cũng trong nhóm Tự Lực văn đoàn là Nhất Linh và Hoàng Đạo.

Một số tác phẩm nổi tiếng của Thạch Lam

  • Tác phẩm Gió lạnh đầu mùa
  • Tác phẩm Nắng trong vườn
  • Tác phẩm Ngày mới
  • Tác phẩm Theo giòng
  • Tác phẩm Sợi tóc
  • Tác phẩm Hà Nội ba sáu phố phường – Tùy bút

Tìm đọc, ghi lại một vài ý kiến về truyện ngắn trữ tình, giàu chất thơ của nhà văn Thạch Lam

“…Tình cảm của Thạch Lam chân thành, tuy nhiên, ông chỉ mới băn khoăn, thương cảm đối với số phận người nghèo qua những câu chuyện mang một dư vị ngậm ngùi, tội nghiệp. Về bút pháp, có thể nói Thạch Lam là nhà văn mở đầu cho một giọng điệu riêng: trữ tình hướng nội trong truyện ngắn. Ngòi bút của ông thường khơi sâu vào thế giới bên trong của cái “tôi”, với sự phân tích cảm giác tinh tế.” (Nguyễn Hoành Khung)

“Sáng tác của Thạch Lam giàu chất thơ, và đọc ông, đời sống bên trong có phong phú hơn, tế nhị hơn; chúng “đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm tho và mát dịu” (Nguyễn Tuân).

Đã có lần nào em cho hoặc tặng bạn một món quà mà chưa xin phép bố mẹ? Câu chuyện sau đó như thế nào? Hãy nhớ lại và chuẩn bị để chia sẻ trước lớp (nếu có)

Đã có lần em tặng bạn một món quà mà chưa xin phép bố mẹ. Đó là ngày sinh nhật của bạn thân em và em rất yêu quý bạn nhưng lại không đủ tiền để mua một món đồ mới. Em đã lấy một món đồ lưu niệm ở nhà và mang đi tặng bạn. Sau đó em đã rất lo sợ bố mẹ phát hiện ra. Tuy nhiên sau khi nghe em kể rõ đầu đuôi câu chuyện thì bố mẹ cũng đã tha lỗi cho em và dặn em từ sau có việc gì phải xin phép bố mẹ trước, bố mẹ có thể cho em tiền mua cho bạn một món đồ mới.

Gió lạnh đầu mùa đọc hiểu

Câu 1. Những chi tiết nào cho thấy trời rất lạnh?

Những chi tiết cho thấy trời rất lạnh: đất khô trắng; trời không u ám, toàn một màu trắng đục; mọi người mặc áo rét; những cây lan trong chậu, lá rung động sắt lại vì rét;...

Câu 2. Tại sao lũ trẻ thấy chị em Sơn thì tỏ ra vui mừng nhưng không dám vồ vập?

Lũ trẻ muốn ngắm nghía bộ quần áo mới của chị em Sơn những vì lo sợ sự nghèo hèn của mình nên không dám lại gần. Khi chị em Sơn đã có áo ấm mặc thì lũ trẻ vẫn ăn mặc như thường ngày và phải chịu cái rét cắt da, cắt thịt.

Câu 3. Các câu đối thoại ở đây cho thấy thái độ gì của bọn trẻ?

Các câu đối thoại cho thấy sự hiếu kỳ của lũ trẻ về bộ quần áo của Sơn, bởi với chúng những bộ quần áo thế này rất đắt tiền và chỉ có thể mua ở Hà Nội.

Câu 4. Hoàn cảnh của Hiên thế nào?

Hoàn cảnh của Hiên: nhà nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc, không có tiền mà sắm áo, Hiên chỉ có một chiếc áo rách mặc trong thời tiết giá rét.

Câu 5. Tại sao Sơn thấy “ấm áp vui vui”?

Sơn cảm thấy ấm áp vui vui vì đã có thể giúp đỡ được cho Hiên - người bạn của bé Duyên, em gái của Sơn. Chị em Sơn muốn tặng cho Hiên một chiếc áo ấm để Hiên không bị lạnh.

Câu 6. Sinh là người thế nào?

Sinh là đứa em họ của Sơn, hay nói hỗn nên bị vú ghét.

Câu 7. Tâm trạng lo sợ của hai chị em Sơn được thể hiện qua những chi tiết nào?

Tâm trạng lo sợ của hai chị em Sơn được thể hiện qua những chi tiết: Sơn lo quá, sắp ăn bỏ bữa, đứng dậy, van; hai chị em Sơn đi tìm Hiên đòi lại áo; hai chị em đổ lỗi cho nhau về chiếc áo khi không tìm thấy Hiên.

Câu 8. Vì sao chị em Sơn cho cái áo ấy lại có thể bị mẹ mắng?

Vì chiếc áo ấy là chiếc áo của bé Duyên - em gái của Sơn, Duyên đã mất từ nhiều năm trước nên chiếc áo là kỷ vật quý giá của bé Duyên mà mẹ Sơn giữ gìn, việc cho đi chiếc áo mà không hỏi ý kiến của mẹ làm hai chị em Sơn lo sợ.

Câu 9. Câu nói của mẹ Hiên thể hiện điều gì?

Câu nói của mẹ Hiên thể hiện rằng bà là một người có lòng tự trọng, dù nghèo khó, không thể mua áo mới cho con nhưng bà không tham lam. Khi thấy con mặc chiếc áo của bé Duyên, mẹ của Hiên đã dắt con gái sang trả lại chiếc áo ấy.

Câu 10. Kết thúc truyện có gì bất ngờ

Hai chị em Sơn không bị mắng như đã nghĩ mà được mẹ âu yếm trong lòng. Mẹ con Hiên cũng được mẹ Sơn cho vay tiền để may áo ấm cho Hiên.

Trả lời câu hỏi cuối bài Gió lạnh đầu mùa lớp 8 Cánh Diều

1. Hãy tóm tắt nội dung chính của truyện Gió lạnh đầu mùa. Xét về cốt truyện, văn bản Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) và Tôi đi học (Thanh Tịnh) có gì giống nhau?

“Gió lạnh đầu mùa” kể về một buổi sáng mùa đông đến bất ngờ, mẹ và chị Lan đã thức dậy từ sớm, mặc áo ấm cả. Đến khi Sơn tỉnh giấc, cậu được mẹ cho mặc một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm với một cái áo dạ khâu chỉ đỏ. Sau đó chị em Sơn ra ngoài chơi, bộ quần áo của hai chị em Sơn khiến lũ trẻ ngoài trong xóm không khỏi hiếu kì và ngưỡng mộ, bởi lẽ chính chúng cũng không có quần áo rét để mặc trong thời tiết giá rét. Bỗng nhiên, Lan nhìn thấy cô bé Hiên đứng cách đó không xa, chỉ mặc một manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Biết được sự tình, chị em Sơn động lòng thương. Sơn đã nói với chị Lan đem chiếc áo của em Duyên đến cho Hiên mặc. Đến khi về nhà, Lan và Sơn nghe người vú già nói mẹ đã biết chuyện. Cả hai lo lắng, sợ sệt nên đã chạy sang nhà Hiên đòi lại áo nhưng không có ai ở nhà. Đến khi Sơn và Lan về nhà đã thấy mẹ con Hiên đem áo đến trả. Mẹ Sơn biết rõ mọi chuyện, liền cho mẹ Hiên vay năm hào về may áo cho con. Khi họ ra về, mẹ Sơn nhẹ nhàng, âu yếm ôm hai con vào lòng mà bảo: “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta, không sợ mẹ mắng ư?”.

- Xét về cốt truyện, văn bản Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) và Tôi đi học (Thanh Tịnh) có điểm giống nhau là:

+ Đều kể lại sự việc giản dị, gần gũi, đời thường

+ Có những dòng cảm xúc, diễn biến tâm trạng khác nhau của nhân vật

2. Những chi tiết nào trong truyện giúp em hình dung ra bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông? Bối cảnh ấy cho em biết gì về cuộc sống được miêu tả trong truyện?

- Những chi tiết trong truyện giúp em hình dung ra bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông: lũ trẻ ăn mặc không khác với ngày thường, run lên vì rét, môi chúng tím lại, da thịt thâm đi; Hiên đứng co ro bên cột quán, trên người chỉ mặc một chiếc áo rách tả tơi hở cả lưng và tay;...

- Bối cảnh này cho thấy cuộc sống nghèo khổ của những gia đình lao động nơi miền quê nghèo trong thời kì này, sự đủ đầy của chị em Sơn hoàn toàn đối lập với sự thiếu thốn thảm thương của lũ trẻ hàng xóm.

3. Phân tích diễn biến tâm trạng của Sơn trước và sau khi cho chiếc áo. Chi tiết nào làm em chú ý và xúc động nhất? Vì sao?

- Tâm trạng của Sơn trước khi cho chiếc áo:

+ Động lòng thương Hiên, nhớ đến em gái.

+ Thấy vui vui ấm áp khi giúp được Hiên.

- Tâm trạng của Sơn sau khi cho chiếc áo:

+ Lo lắng sẽ bị mẹ trách phạt.

+ Tìm Hiên để đòi lại áo.

- Chi tiết làm em xúc động nhất: chi tiết Sơn thấy động lòng thương trước hoàn cảnh của Hiên và muốn đem chiếc áo bông cũ cho Hiên. Bởi vì chi tiết này thể hiện Sơn là một cậu bé tốt bụng, biết giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.

4. Nhận xét về thái độ và cách ứng xử của hai bà mẹ (mẹ Sơn và mẹ Hiên) trong phần cuối của truyện. Theo em, vì sao mẹ Sơn lại không hài lòng khi chị em Sơn cho Hiên chiếc áo bông ấy?

Thái độ và cách ứng xử của mẹ Sơn thể hiện sự điềm tĩnh, quan tâm và yêu thương đối với người khác. Biết mẹ Hiên là một người có lòng tự trọng mẹ Sơn đã giúp đỡ bằng cách cho vay tiền để mẹ Hiên không cảm thấy bị xúc phạm và khó xử.

Thái độ và cách ứng xử của mẹ Hiên cho thấy bà là một người có lòng tự trọng, không tham lam thứ không phải là của mình nhưng cũng vô cùng yêu thương con.

Mẹ Sơn không hài lòng khi hai chị em Sơn cho Hiên chiếc áo bông vì chiếc áo ấy là kỉ vật của em Duyên, hai chị em Sơn chưa hỏi ý kiến của mẹ mà đã tự ý đem đi cho.

5. Có người cho rằng, truyện Gió lạnh đầu mùa chỉ có ý nghĩa đơn giản là việc cho chiếc áo bông cũ. Em có đồng ý không? Vì sao? Theo em, truyện ngắn này có ý nghĩa như thế nào?

Em không đồng ý với ý kiến truyện Gió lạnh đầu mùa chỉ có ý nghĩa đơn giản là việc cho chiếc áo bông cũ. Câu chuyện Gió lạnh đầu mùa không chỉ là việc cho đi chiếc áo bông cũ mà ở đây nó thể hiện sự tử tế giữ con người với nhau. Câu chuyện đã lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về tình yêu thương sâu sắc, sự đồng cảm và sẻ chia giữa con người. Qua hành động của Sơn và Lan cũng như mẹ của Sơn và Hiên ta thấy được ý nghĩa nhân văn cao đẹp của câu chuyện.

6. Vẻ đẹp của truyện Gió lạnh đầu mùa không chỉ hiện lên qua hình thức (câu chữ, hình ảnh,…) mà còn ở tình cảm trong sáng của những tấm lòng nhân hậu bao dung. Hãy viết đoạn văn (khoảng 10 – 12 câu) làm rõ nhận xét đó.

Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của tác giả Thạch Lam là tác phẩm không chỉ mang vẻ đẹp hình thức mà còn mang vẻ đẹp về tình cảm trong sáng của những tấm lòng nhân hậu bao dung. Mở đầu câu chuyện ta thấy hình ảnh của gia đình Sơn hiện lên đủ đầy và ấm cúng. Thế nhưng trái ngược hoàn toàn với sự đủ đầy ấy lại là sự thiếu thốn của những đứa trẻ hàng xóm. Trong cái ngày lạnh bất ngờ ấy, lũ trẻ run rẩy trong những manh áo rét, đặc biệt là cái Hiên với chiếc áo rách tả tơi. Từng câu chữ được sử dụng trong tác phẩm đã góp phần tạo nên những hình ảnh rõ nét về nông thôn Việt Nam thế kỉ trước. Bên cạnh đó ta còn thấy được thông điệp nhân đạo mà tác giả gửi gắm qua hành động ấm áp của hai chị em Sơn. Tuy còn nhỏ nhưng hai chị Sơn đã biết động lòng trước những hoàn cảnh khó khăn, sẵn sàng cho đi mà không màng tới hậu quả. Đó cũng chính là chi tiết sáng giá làm nên sự ấm áp giữa người với người. Ngoài ra chi tiết người mẹ bao dung cho lỗi làm của hai chị em cũng là một tình tiết đắt giá. Cách cư xử của người mẹ khi các con mắc lỗi cho thấy tấm lòng bao dung mà người mẹ dành cho những đứa con của mình. Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” là một bức tranh ấm áp tình người được vẽ lên bới ngôn từ, hình ảnh và tấm lòng của nhà văn với con người.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
5 3.739
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm