Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) nêu ý nghĩa lịch sử của việc Lý Công Uẩn dời đô

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) nêu ý nghĩa lịch sử của việc Lý Công Uẩn dời đô. Đây là nội dung câu hỏi số 5 trang 121 sách giáo khoa Văn 8 tập 1 Cánh Diều bài Chiếu dời đô. Sau đây là một số gợi ý giúp các bạn nắm được cách viết đoạn văn nêu ý nghĩa lịch sử của việc Lý Công Uẩn dời đô, mời các bạn cùng tham khảo.

Đoạn văn nêu ý nghĩa lịch sử của việc Lý Công Uẩn dời đô - mẫu 1

Việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La thể hiện quyết định sáng suốt của vua Lý Công Uẩn, tạo đà cho sự phát triển đất nước. Dời đô như là một bước ngoặt rất lớn. Nó đánh dấu sự trưởng thành của dân tộc Đại Việt. Chúng ta không cần phải sống phòng thủ, phải dựa vào thế hiểm trở như ở Hoa Lư để đối phó với quân thù. Chúng ta đã đủ lớn mạnh để lập đô ở nơi có thể đưa nước phát triển đi lên, đưa đất nước trở thành quố gia độc lập sánh vai với phương Bắc. Kinh đô nơi đây quả là cái nôi lập đế nghiệp cho muôn đời, là nơi để cho sơn hà xã tắc được bền vững muôn đời vậy.

Đoạn văn nêu ý nghĩa lịch sử của việc Lý Công Uẩn dời đô - mẫu 2

Việc rời đô của Lý Công Uẩn hay vua Lý Thái Tổ là một việc làm mang ý nghĩa lớn cũng như có tác động tích cực tới đất nước ta. Kinh đô Hoa Lư khi đó không còn đủ khả năng để phát triển đất nước, nơi đây địa thế không tốt, khiến các triều đại ngắn ngủi, cuộc sống nhân dân chưa được ấm no, hạnh phúc. Vậy nên việc chọn kinh đô mới là điều vô cùng cần thiết, ảnh hưởng tới vận mệnh quốc gia. Từ lý do đó, Lý Công Uẩn đã đưa ra một loạt những lý lẽ thấu tình đạt lí để thuyết phục triều đình và chiếu cáo cho nhân dân biết về việc rời đô đến Đại La, nơi vừa tốt về mặt tâm linh, vừa tốt về mặt thực tế khoa học. Nơi đây thiên thời địa lợi nhân hòa, đất bằng phẳng lại cao, muôn vật tươi tốt, nhân dân không phải chịu cảnh ngập lụt và có thể phát triển đất nước hơn. Và đúng như lời Lý Công Uẩn, thành Đại La hay Hà Nội bây giờ quả là thánh địa, giúp nước ta phát triển về cả chính trị, văn hóa và kinh tế xã hội. Vậy nên việc rời đô có ý nghĩa vô cùng lớn tới vận mệnh đất nước ta.

Đoạn văn nêu ý nghĩa lịch sử của việc Lý Công Uẩn dời đô - mẫu 3

Lý Công Uẩn dời đô vì kinh đô cũ không còn thích hợp với sự mở mang của đất nước nữa. Ông không ngần ngại phê phán những triều đại cũ, tác giả nói rằng các triều đại nhà Đinh nhà Lê đã không nghe theo ý trời nên chỉ đóng đô ở nơi đây chính vì thế mà triều đại không được lâu dài. Nhưng thực chất thì ở giai đoạn đó hai triều đại chưa đủ mạnh cả thế và lực nên vẫn phải dựa vào địa thế hiểm trở của rừng núi để chống thù trong, giặc ngoài. Nhưng đến thời Lí, trên đà mở mang phát triển của đất nước thì việc đóng đô ở Hoa Lư không còn phù hợp nữa. Bên cạnh những dẫn chứng thuyết phục như thế tác giả còn thể hiện giãi bày tình cảm của mình. Điều đó đã làm tăng thêm sức thuyết phục cho bài văn. Cảm xúc ấy chính là cảm xúc mà tác giả muốn phát triển đất nước theo một hướng phát triển thịnh vượng hơn, lâu dài và bền vững hơn. Sau đó nhà vua chứng minh và khẳng định sự đúng đắn hợp quy luật và phù hợp của việc dời đô. Đại La là một nơi có tất cả các điều kiện để phát triển đất nước. Đại La hiện lên đẹp về mọi mặt như địa lý, văn hóa, đầu mối giao lưu, điều kiện của dân cư và sự phong phú, tốt tươi của cảnh vật. tác giả đã nhìn từ góc nhìn của một nhà phong thủy, cho thấy tất cả những điều kiện tốt đẹp của thiên nhiên cũng như con người nơi đây. Nhà vua tự cho rằng xem cả dải đất nước Đại Việt thì chỉ có mỗi nơi đây là thánh địa, là một nơi đất đai địa hình tốt đẹp hợp với một sự phát triển mạnh mẽ.

Đoạn văn nêu ý nghĩa lịch sử của việc Lý Công Uẩn dời đô - mẫu 4

Mùa thu năm 1010, vua Lý Công Uẩn chính thức ra chiếu chỉ, dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Đây là một quyết định trọng đại với nhiều ý nghĩa to lớn, tác động trực tiếp đến sự phát triển của đất nước ta đến cả nghìn năm sau. Thành Đại La hay còn được biết đến rộng rãi với cái tên là thành Thăng Long có địa thế và khí hậu vô cùng thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, giao thương và cả quân sự. Nhờ vua Lý Công Uẩn sáng suốt và quyết đoán dời đô về nơi đây, mà đất nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững. Sự kiện dời đô này là một bước ngoặt to lớn của lịch sử nước ta. Nó chứng minh rằng nước Đại Việt ta đã đủ vững mạnh để phát triển độc lập và chống lại kẻ thù, không cần phải ẩn nấp, dựa vào thế núi Hoa Lư hiểm trở để phòng thủ nữa. Kinh đô Thăng Long từ đó trở thành bàn đạp để nước ta sánh vai với các cường quốc, kinh đô khác. Có thể nói, việc dời đô từ Hoa Lư đến Đại La là một lời tuyên bố và khẳng định về vị thế và sức mạnh của dân tộc ta.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 463
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm