Hãy giới thiệu một cuốn sách mà em yêu thích với thầy (cô) và các bạn trong lớp

Hãy giới thiệu một cuốn sách mà em yêu thích với thầy (cô) và các bạn trong lớp. Đây là đề bài thuộc phần thực hành bài Nói và nghe Giới thiệu một cuốn sách lớp 8 Cánh Diều trang 119. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ tổng hợp một số mẫu viết một bài văn giới thiệu một cuốn sách mà em yêu thích lớp 8 để các em có thêm tài liệu tham khảo viết bài.

Giới thiệu một cuốn sách mà em yêu thích với thầy (cô) và các bạn trong lớp

Giới thiệu cuốn sách Búp sen xanh

Người Việt Nam chúng ta, mỗi khi nhắc đến hai chữ thiêng liêng “Bác Hồ” thì có lẽ không ai là không khỏi xúc động, lòng dâng trào tình cảm trân trọng, nhớ ơn. Tình cảm ấy giống như một mạch nước ngầm thẩm thấu chân thành đến những tâm hồn xa lạ.

Trong cuộc đời mỗi con người không thể thiếu những cuốn sách gối đầu giường, những cuốn sách mang đầy ý nghĩa đã theo chúng ta suốt chặng đường đời, theo năm tháng góp phần hình thành nên nhân cách mỗi con người. Riêng tôi, có lẽ những câu chuyện kể về Bác là những gì mà tôi thích đọc nhất. Trong những tác phẩm văn học viết về Bác, nổi tiếng và gần gũi hơn cả là tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng được viết trong khoảng từ năm 1948 đến năn 1980. Cuốn sách đã khắc họa rõ nét cuộc đời đầy những gian truân của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từ lúc mới sinh cho đến khi Người rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Đi sâu vào nội dung cuốn sách, chúng ta sẽ không thể quên được những lời thoại dí dỏm của bé Côn. Sự tinh nghịch, sự thông minh, ham học hỏi của một đứa trẻ khiến người đọc thích thú, sự cảm thông đối với những kiếp người ăn xin nghèo khổ, sự đau khổ trước nỗi nước mất nhà tan để rồi quyết định ra đi tìm đường cứu nước đúng đắn… Tất cả đã khiến độc giả rơi nước mắt khâm phục trước Bác.

Nhà văn Sơn Tùng đã viết rất nhiều tác phẩm về Bác, mỗi tác phẩm là một câu chuyện riêng nhưng hình ảnh Bác Hồ hiện lên qua những câu chuyện đó rất đỗi bình dị, giản đơn. Tuy nhiên “Búp sen xanh” vẫn là tác phẩm nổi tiếng, tiêu biểu, thành công. Tại sao vậy? Vì đơn giản rất nhiều người đã đọc và tìm hiểu nó.

Có những người đọc để nghiên cứu, có những người đọc nó để tìm hiểu con người Bác … Đọc “Búp sen xanh” tôi tưởng tượng ra hình bóng Bác qua những trang sách. Sự tinh nghịch của cậu bé Côn, sự uy nghiêm của thầy giáo Nguyễn Tất Thành và cả quyết định sáng suốt của anh Ba khi rời quê hương đặt chân đến vùng đất lạ. Tố chất đã được gia đình - làng Sen nuôi dưỡng tâm hồn Bác.

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Loài hoa sen tinh khiết ví như tâm hồn Bác vậy, luôn giản dị đến cùng “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” quả đúng như vậy.

Bác sinh ra trong thời loạn lạc nước mất nhà tan nhưng Bác không chịu đứng nhìn thực dân Pháp đày đọa dân ta, làm càn trên nước Nam ta và rồi Bác đã quyết chí ra đi tìm lối thoát cho dân tộc, mở đầu cho quá trình tiến lên độc lập tự do của nhân dân.

Nhiều năm trở lại đây, cuốn tiểu thuyết này đã được đưa vào tủ sách vàng của nhiều nhà xuất bản, được in đi in lại nhiều lần, được dịch sang tiếng Anh và được in song ngữ. Lang thang qua những vỉa hè, những nhà sách lớn hay những quầy sách nhỏ, đâu đâu ta cũng thấy cuốn sách này như một điều để nhìn thấy Bác.

“Búp sen xanh” có lẽ là món quà thiêng liêng nhất mà nhà văn Sơn Tùng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đã kính dâng lên Bác Hồ. Trải qua bao nhiêu năm tháng mà cuốn sách vẫn giữ vững được những nét đẹp, giá trị đích thực của nó bởi trong đó chứa đựng một tâm hồn cao cả của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Giới thiệu cuốn sách Lắng nghe bằng cả trái tim

Ngạn ngữ Nga có câu “Con người mất ba năm để học nói nhưng phải mất cả cuộc đời để học lắng nghe” hay nhà triết học Hy – Lạp Đê-Nông từng nói “ Chúng ta có hai tai và một cái miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn” là để nói về tầm quan trọng của việc lắng nghe. Xin giới thiệu với bạn đọc cuốn sách “Lắng nghe bằng cả trái tim” để chúng ta cùng hiểu hơn về tầm quan trọng, những lợi ích của việc lắng nghe và cùng rèn luyện, học cách lắng nghe tích cực. Hy vọng cuốn sách sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng sống và ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.
Nghe là một phản xạ tự nhiên của con người nhưng lắng nghe lại là một kỹ năng. “Học lắng nghe” có vẻ là một việc làm thừa thải với nhiều người. Nhưng thực tế, có mắt không đồng nghĩa với nhìn thấy, có não không đồng nghĩa với có trí tuệ, có tai không đồng nghĩa với việc biết lắng nghe. Lắng nghe không phải là bản năng mà là nghệ thuật, là một kỹ năng cần phải rèn luyện lâu daì mới có được.

Trong giao tiếp, người ta thường tranh nhau nói mà thật ít người “lắng nghe”. Hiểu được tầm quan trọng của lắng nghe, bạn sẽ thấy rằng việc lắng nghe đem lại nhiều lợi ích to lớn cho bản thân mình. Khi rèn luyện kỹ năng lắng nghe, biết cách lắng nghe sẽ giúp cho bạn không những nắm rõ nội dung thông tin của cuộc đối thoại mà còn thể hiện thái độ tôn trọng với người đang nói, từ đó tạo sự tin tưởng, cởi mở hơn.

Quyển sách được chia làm 4 phần:

- Kỹ năng nghe và lắng nghe

- Tầm quan trọng và lợi ích của việc lắng nghe

- Các cấp độ và chu trình lắng nghe

- Học cách lắng nghe

Ở từng phần của quyển sách, khi các bạn đọc, các bạn sẽ được tìm hểu và học cách lắng nghe. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu được rằng lắng nghe là điều cần thiết trong giao tiếp, nhưng nếu lắng nghe không đúng cách, bạn thật sự sẽ không hiểu được thông điệp mà người nói muốn truyền tải. Khi bạn rèn luyện được kỹ năng lắng nghe ở mức độ cao nhất, bạn sẽ không chỉ thấu hiểu được đối phương mà còn biết cách khuyến khích người nói một cách tích cực để tạo ra một mối quan hệ tốt đẹp hơn, gần gũi hơn.

Bên cạnh đó, sự lắng nghe cũng sẽ có nhiều yếu tố cản trở như mức độ tập trung chú ý thấp biểu hiện như nhìn ra cửa sổ, nhìn xung quanh, vừa nghe vừa coi điện thoại đọc sách báo, nghe nhưng lại suy nghĩ chuyện khác; Thiếu sự kiên nhẫn chỉ nghe những nội dung thông tin dễ hiểu; Chỉ tập trung nghe trong một khoảng thời gian ngắn; Cảm thấy tức giận không đồng tình trước khi nghe hết toàn bộ nội dung; Đưa ra đánh giá kết luận về thông tin trước khi bản thân mình hiểu ý nghĩa của nó; Chỉ nghĩ tới bản thân mình nên thường cắt ngang lời người khác đang nói để nói những gì mình muốn, suy nghĩ để chuẩn bị phản bác vì cho rằng quan điểm của đối phương là sai, không thèm lắng nghe cho cho rằng mình có hiểu biết nhiều hơn người đang nói.

Để có được kỹ năng lắng nghe có hiệu quả, cần rèn luyện với 7 nguyên tắc vàng, và 7 nguyên tắc đó là gì xin mời quý thính giả và bạn đọc tìm xem ở trang 59 của quyển sách nhé.
Không chỉ biết lắng nghe người khác, bản thân chúng ta cũng cần lắng nghe tiếng nói của chính tâm hồn mình. Lắng nghe chính mình là cách giúp chúng ta tìm ra được điều ý nghĩa và quan trọng đối với chính mình trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống: các mối quan hệ, sức khỏe, tài chính, công việc, những đóng góp có ý nghĩa cho cuộc sống…Lắng nghe chính bản thân mình để ta có thể suy ngẫm về cuộc đời mình một cách chân thật nhất và tìm ra những điều thực sự ý nghĩa cho bước đi tiếp theo của mình. Hãy tĩnh lặng tâm hồn và lắng nghe chính mình bạn nhé!

Giới thiệu cuốn sách Không gia đình

Trong cuộc đời này, ta đã gặp bao nhiêu mảnh đời khổ đau bất hạnh? Đã bao giờ bạn thấy mình may mắn khi sinh ra và lớn lên trong vòng tay bao bọc của mẹ cha chưa? Đã bao giờ bạn thấy thương cảm với những con người kém may mắn phải lăn lộn trong cuộc đời từ nhỏ mà chưa từng được “nếm” tình yêu thương của những người máu mủ ruột thịt dành cho nhau? Dù trả lời “CÓ” hay “KHÔNG” thì bạn cũng nên đọc tác phẩm “Không gia đình” của đại văn hào Hecto Malo - một tác phẩm nhân văn chứa nhiều bài học quý báu cho mỗi chúng ta.

Trong số các tiểu thuyết của Hecto Malo, “Không gia đình” là nổi tiếng hơn cả. Cuốn sách đã được trao giải thưởng của Viện Hàn Lâm văn học Pháp. Tác phẩm xuất bản năm 1878, được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và tái bản nhiều lần.

“Không gia đình” kể về cuộc phiêu bạt của Rêmi - một cậu bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, sống với mẹ nuôi ở một vùng quê hẻo lánh. Sau đó, em đi theo đoàn xiếc chó, khỉ, cầm đầu bởi Vitali - một cụ già từng trải và đức độ, đi chu du và biểu diễn khắp mọi miền nước Pháp. Em đã lớn lên trong gian khổ của cuộc hành trình. Nhiều lúc cả đoàn được ăn no mặc ấm. Cũng có lúc họ phải đi trong trời đông giá rét, dưới cơn bão tuyết, nhịn ăn tưởng chết đến nơi. Rồi cụ Vitali mất, chỉ còn Rêmi và chú chó Capi trung thành. Từ đây em tự lập, và không những lo cho mình, em còn cưu mang chú bé Matchia vào gánh hát rong. Matchia và Rêmi đã trở thành đôi bạn thân, cùng nhau phiêu bạt, cùng chịu đựng gian khổ và cùng sẻ chia niềm sung sướng. Nhưng cuộc đời em đâu đã hết gian truân! Đã có lúc em bị kẹt dưới hầm mỏ lụt đến mười bốn ngày đêm. Có lúc khác, em vào nhầm nhà một tên vô lại vì tưởng đó là cha đẻ của mình. Rồi em lại phải vào tù vì bị mắc án oan... Nhưng dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, em vẫn noi theo nếp sống của cụ Vitali: giữ gìn nhân phẩm, ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, tự trọng, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, nhớ ơn nghĩa, luôn làm người có ích. Cuối cùng, giống như những kết thúc có hậu trong các câu chuyện cổ tích, Rêmi tìm lại được gia đình thật sự của mình và sống hạnh phúc bên những người thân yêu.

Qua cuộc phiêu lưu của cậu bé Rêmi, ta thấy được nhiều điều về số phận khổ đau của con người... Trước hết là số phận của Rêmi - một nạn nhân của cuộc tranh giành quyền thừa kế tài sản. Mới sáu tháng tuổi, Rêmi đã bị bắt cóc và vứt ở một vườn hoa tại Pari để ông chú tham lam có thể độc chiếm số tài sản đáng ra phải thuộc về em. Lớn lên, em sống cuộc đời phiêu bạt của kẻ hát rong và phải chịu bao nhiêu gian khổ mới tìm lại được gia đình.

Cuộc đời của cụ Vitali cũng là một bi kịch. Cụ vốn là một người đức cao vọng trọng, từng đứng trên bậc cao nhất của nấc thang xã hội, nhưng sau này bị rơi xuống tận đáy, phải làm nghề xiếc chó rong sống qua ngày. Cụ đã gắng sức, lao tâm khổ tứ bao nhiêu năm, chịu không biết bao nhiêu khổ cực, chịu cái đói, cái nghèo... Sức lực của cụ bị bào mòn dần bởi điều kiện không gian và thời gian khắc nghiệt. Để rồi cụ chết. Chết đói, chết rét ngoài đường, trong khi chỉ cần với tay ra gõ cửa thôi, người ta sẵn lòng cứu cụ khỏi lưỡi hái tử thần... Cụ Vitali không tin rằng dân Pari sẽ chào đón hai kẻ khố rách áo ôm đến ở nhờ qua đêm. Đấy, cụ chết vì không tin vào lòng tốt của con người. Liệu còn số phận nào đáng buồn hơn thế?

Còn cả chú bé Matchia, người đã được gán cho lão thầu trẻ con Garopholi. Hàng ngày, cậu bị đánh đập, bắt làm việc chỉ để kiếm 30 xu lẻ. Thiếu tiền, đánh. Cãi, van xin, lại đánh... Matchia bị đánh đến mức cái đầu phình to ra vì những cái u tụ máu, đến mức gần như dị hợm khi gắn nó vào cơ thể tong teo co quắp của em. Thậm chí, Matchia còn mong muốn ông chủ đánh nó cho đau vào. Bởi: nếu họ mặc xác cậu, thì cậu chết, thế là hết, thế là giải thoát; còn nếu họ đưa cậu đến bệnh viện, thì sướng quá, vì cậu sẽ được chăm sóc tận tình. Đã có lúc Matchia hỏi Rêmi xem nó đã đủ xanh xao để đi viện chưa, vì đối với nó, bệnh viện chẳng khác nào thiên đường. Ôi, cuộc đời khốn khổ đến mức khiến con người ta sinh ra những suy nghĩ kì dị ấy sao?

Nhưng cuốn sách này không chỉ có toàn đau khổ, nó cũng có nhiều điều thú vị để mà đọc, mà cảm, mà thấy vui thay vì những giá trị tốt đẹp của con người. Đó là tình yêu thương. Không có nó thì không ai sống được.

Trước hết là tình cảm gia đình. Cụ Vitali yêu bé Rêmi. Cụ đã sẵn sàng chống lại viên cảnh sát ở Tuludơ để bảo vệ em khi bị gã này đánh. Cụ dạy Rêmi học chữ để đọc sách, dạy em học đàn để có nghề nuôi sống bản thân. Hơn hết, cụ dạy em điều hay lẽ phải để tồn tại trong cái thế giới khắc nghiệt này. Bà Miligan và Arthur cũng yêu Rêmi. Họ chăm sóc em, cưu mang em khi em rơi vào tình trạng khó khăn nhất, tưởng như đã không còn đường sống. Lise cũng yêu em. Lúc đầu, hai người đến với nhau như người anh cả và cô em út, một thứ tình cảm hồn nhiên trong sáng. Chính những bài ca vùng Napoli của Rêmi đã nuôi nguồn sức sống trong Lise, và hơn nữa chúng đã chữa khỏi bệnh câm cho em.

Thật thiếu sót nếu không kể đến tình bạn thắm thiết giữa Rêmi và Matchia. Hai em sống đùm bọc nhau, chia sẻ đắng cay ngọt bùi. Rêmi dạy Matchia xem bản đồ, học chữ, học nhạc, cho chú đi theo gánh hát rong. Matchia thì luôn tận tụy, không bao giờ trái lời Rêmi, không bao giờ rời xa Rêmi nửa bước, luôn sát cánh cùng bạn trong hoạn nạn. Khi ở Măngđơ, Matchia được một nhạc sư nhận nuôi và hứa đào tạo nó thành một thiên tài âm nhạc, nhưng Matchia từ chối vì không muốn xa Rêmi. Khi Rêmi bị giam giữ trong nhà lao ở Anh, Matchia cùng anh Bốp đã cứu nó thoát nạn. Còn tình bạn nào chí tình chí thân hơn nữa? Hai đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên nhưng cũng thật chín chắn đã có một tình bạn nồng nhiệt, thắm thiết khiến bạn đọc xúc động.

Câu chuyện này còn ca ngợi lao động, ca ngợi tinh thần tự lập tự tin của giới trẻ, phát huy ý thức chịu gian khổ... Nó phản ánh cuộc sống lao động của nhân dân và công nhân trong chế độ tư sản. Ở đó, công việc của họ bấp bênh, không ổn định. Đối với người thợ mỏ, cái chết có thể đến bất thình lình mà không ai hay. Vì thế, chúng ta thương cảm và trân trọng họ - những con người lao động chân lấm tay bùn để cống hiến cho đất nước.

“Không gia đình” mang đến một bài học quý giá cho mỗi chúng ta về tình yêu thương giữa con người với con người. Để những ai “có gia đình” suy ngẫm, làm sao sống cho tốt, xứng đáng với cái may mắn mà số phận ban cho.

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 38
0 Bình luận
Sắp xếp theo