Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc ngắn gọn

Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc là nội dung đề 2 trang 138 Ngữ văn 8 Cánh Diều tập 1 thuộc phần Tự đánh giá cuối học kì 1 lớp 8 Cánh Diều trang 136. Sau đây là một số gợi ý chi tiết giúp các em nắm được cách trả lời câu hỏi trên, mời các em cùng tham khảo.

1. Dàn ý Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc

1. Mở bài:

- Dẫn dắt và nêu vấn đề cần nghị luận: Một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc.

- Chỉ ra một điểm hạn chế mà em muốn bàn luận:

+ Lỗ hổng kiến thức do chạy theo những môn học "thời thượng".

+ Thiếu đi đức tính tỉ mỉ.

+ Tính đố kị.

+ Ý thức tham gia hoạt động chung.

...

2. Thân bài:

a, Giải thích:

- Thói hư tật xấu:

+ Là những thói quen, thái độ, hành động không tốt, không hợp hoặc trái với thuần phong mĩ tục, quy ước của cộng đồng.

+ Gây ảnh hưởng đến bản thân, cộng đồng.

- Giải thích về thói hư tật xấu mà em đã lựa chọn.

b, Phân tích: Phân tích những biểu hiện của thói hư tật xấu nêu trên.

- Chỉ chạy theo những môn học "thời thượng":

+ Học toàn là kiến thức sáo rỗng.

+ Bệnh thành tích trong trường học.

+ Học không đi đôi với hành.

- Thiếu tỉ mỉ:

+ Hành động theo phương châm "nước đến chân mới nhảy".

+ Chưa biết tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc.

+ Thiếu tôn trọng quy trình công nghệ, hay "cải tiến", "làm tắt".

- Tính đố kị:

+ Thay vì ngưỡng mộ, học hỏi thì lại ganh tị với người hơn mình.

+ Đi nói xấu, hạ thấp người khác để tự tâng bốc bản thân.

+ Không muốn người khác vượt qua mình.

- Văn hóa ứng xử nơi đông người:

+ Văn hóa xếp hàng nơi công cộng chưa cao.

+ Văn hóa tham gia giao thông.

+ Ý thức tham gia các hoạt động chung.

...

c, Hậu quả của thói hư tật xấu đó đến bộ mặt quốc gia:

- Để lại ấn tượng xấu trong mắt bạn bè quốc tế.

- Khiến bộ mặt quốc gia trở nên xấu xí.

- Đi ngược lại với lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong suốt hàng ngàn năm qua.

d, Đề xuất giải pháp:

- Mỗi người tự nâng cao ý thức cá nhân.

- Các gia đình, tập thể cần có sự giáo dục tới các thế hệ tương lai.

- Nhà nước cần thắt chặt quy trình quản lí, nghiêm khắc xử phạt những trường hợp gây ảnh hưởng xấu tới bộ mặt quốc gia.

3. Kết bài:

- Khái quát lại những ý đã phân tích.

- Bài học nhận thức và hành động.

2. Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc - mẫu 1

Trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam là một đất nước vô cùng đáng sống. Ở đây có phong cảnh đẹp, con người thân thiện cùng nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái chiều về những thói hư tật xấu còn tồn tại ở nhân dân ta. Một trong số đó chính là thái độ của con người.

Con người Việt Nam vốn xởi lởi, thân thiện. Chúng ta luôn tích cực, hết mình trong các hoạt động tập thể. Đồng thời, giữ phép lịch sự cũng như cởi mở đối với người khác. Thế nhưng cách cư xử chưa phù hợp của một vài cá nhân lại trở thành "con sâu làm rầu nồi canh", gây ảnh hưởng tiêu cực đến bộ mặt quốc gia.

Nhìn vào thực tế đời sống, ta có thể thấy khá nhiều hiện tượng liên quan tới thói xấu này. Nào là phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ,... khi tham gia giao thông. Nào là nói tục, chửi bậy, tự do lớn tiếng ở những nơi đông người. Thậm chí là cả văn hóa xếp hàng khi đi siêu thị, thái độ ứng xử với nhân viên phục vụ, cách nói "cảm ơn" hay "xin lỗi",... Tất cả đều có thể dẫn đến cái nhìn không mấy thiện cảm của bạn bè quốc tế dành cho đất nước ta. Vậy với lòng tự tôn, tự hào dân tộc suốt bao nhiêu năm, liệu ta có thể yên lặng trướcnhững sự việc tiêu cực kia tiếp tục diễn ra hằng ngày?

Câu trả lời là "Không". Để có thể hoàn toàn khắc phục những thói hư tật xấu còn tồn tại, mỗi người cần tự rèn luyện bản thân một cách nghiêm túc hơn. Đi cùng với sự phát triển của xã hội, con người cũng ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với thế giới. Ta học hỏi được thêm rất nhiều điều quý giá từ các quốc gia khác trên thế giới. Từ đó nhìn nhận và áp dụng sao cho phù hợp với văn hóa truyền thống nước nhà. Sự học hỏi này đã mang tới nhiều chuyển biến tích cực trong xã hội. Thế hệ trẻ ngày nay đang tiến bộ hơn, lịch sự và ý tứ hơn. Họ cũng dần biết cho đi, cởi mở với bạn bè quốc tế hơn, chủ động quảng bá và đề cao hình ảnh nước nhà trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhờ vậy mà đã có thêm rất nhiều người biết đến Việt Nam, dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu nền văn hóa nước ta.

Có thể khẳng định rằng, con người Việt Nam ta vẫn mang rất nhiều đức tính tốt. Tuy nhiên, ta vẫn cần không ngừng nỗ lực hoàn thiện và phát triển bản thân. Từ đó, góp phần xây dựng và phát triển nước nhà "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời căn dặn của Bác Hồ.

3. Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc - mẫu 2

Con người Việt Nam được nhận xét là "thông minh, nhạy bén với cái mới". Đây là một ưu điểm nổi bật và đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời đại hội nhập ngày nay. Tuy nhiên, ta vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Một trong số đó chính là thiên hướng chạy theo những môn học "thời thượng".

Đây có thể được hiểu là việc chỉ chú trọng vào việc học lí thuyết. Kiến thức trong sách vở là quan trọng. Điều này không sai. Tuy nhiên nếu đơn thuần học thuộc mà không thực hành, những kiến thức đó sẽ mãi chỉ nằm trên trang sách. Mục đích của việc học là để con người ta áp dụng được vào đời sống. Từ đó phát triển bản thân, hướng tới nhiệm vụ xây dựng nước nhà. Vậy mà trên thực tế, việc học lại bị nhiều người coi như một cách để đạt được kết quả cao trên trường lớp, để có giấy khen, bằng khen. Điều này chính là nguyên do dẫn tới "căn bệnh thành tích", ảnh hưởng không nhỏ tới thế hệ trẻ cũng như sự tiến bộ của nước nhà trong tương lai.

Việc chạy theo các môn học "thời thượng" không hoàn toàn là thói hư tật xấu của người Việt. Tuy nhiên, điều này vẫn mang lại rất nhiều hậu quả khôn lường cho quá trình phát triển của đất nước. Đầu tiên, nó khiến cho thế hệ trẻ bị mông lung, mất định hướng. Mọi người đi học mà không biết cụ thể mục đích là gì. Liệu đó là làm hài lòng cha mẹ hay là để có được sự công nhận của người khác? Tiếp theo, việc chạy theo những môn học "thời thượng" kia sẽ tạo nên lỗ hổng lớn về mặt kiến thức. Nó hạn chế khả năng tư duy, sáng tạo - thứ được coi là điểm mạnh của con người Việt Nam. Từ đó, khiến họ dần thụt lùi trong quá trình biến đổi, phát triển không ngừng của nhân loại. Bên cạnh đó, hiện tượng này còn khiến khả năng thực hành của con người bị giảm sút. Họ sẽ bị thiếu đi kiến thức, trải nghiệm thực tế và dần trở nên khô cứng như những cố máy được lập trình sẵn.

Vậy, để khắc phục được tình trạng này, mỗi người chúng ta đều cần thay đổi. Bộ Giáo dục cần nhanh chóng đưa ra những biện pháp, cải tiến trong quá trình dạy và học của địa phương. Thay vì chỉ chăm chăm đọc - chép như cũ, hãy kết hợp cả lí thuyết và thực hành. Điều này sẽ giúp người học phát triển được cả về tư duy lẫn kĩ năng. Đối với nhà trường và các thầy cô, họ cũng cần áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm kích thích sự hứng thú của học sinh. Đồng thời, đưa ra những định hướng cụ thể để người học tự cải thiện bản thân. Còn về phần mỗi cá nhân, việc nỗ lực, chăm chỉ là điều tất yếu. Hãy mở rộng tầm hiểu biết của mình bằng cách liên tục cập nhật thông tin, tích cực tham gia các hoạt động xã hội hay tiếp cận với sự đổi mới của thế giới qua Internet.

Với sự nỗ lực của tất cả mọi người, việc xóa bỏ tình trạng học chay, học vẹt sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết. Từ đó, thế hệ tương lai có thể phát triển toàn diện hơn, trở thành những trụ cột vững vàng để kiến thiết đất nước sau này.

4. Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc - mẫu 3

Người Việt Nam ta luôn có lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Điều này ngày càng được thể hiện rõ nét trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, ở nhân dân ta vẫn còn tồn tại một số thói hư tật xấu. Điều này đã, đang và sẽ có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới bộ mặt quốc gia và lòng tự tôn dân tộc. Một trong số đó chính là tính ghen ghét, đố kị.

Trước hết, có thể hiểu thói hư tật xấu chính là những hành động, thái độ, thói quen không tốt. Chúng có thể không phù hợp, thậm chí là đi ngược lại với thuần phong mĩ tục của quốc gia. Điều này mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân con người cũng như lợi ích, sự phát triển chung của toàn xã hội. Nhìn vào tính ghen ghét, đố kị, phải nói điều gần như ai cũng có. Đã là con người, chắc hẳn đã từng ít nhất một lần cảm thấy ganh tị với người khác. Thái độ này là hoàn toàn bình thường, nhưng nếu đưa nó theo chiều hướng tiêu cực thì sẽ dễ dẫn tới thái độ, hành động cực đoan.

Người Việt Nam ta xưa nay nổi tiếng với tinh thần đoàn kết, keo sơn, gắn bó. Bản sắc, truyền thống tốt đẹp này đã được cha ông ta gìn giữ suốt bao đời. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, "lá lành đùm lá rách" còn thể hiện vô cùng rõ nét trong những năm tháng chiến tranh. Đến ngày nay, điều này vẫn được các thế hệ sau bảo tồn, học hỏi và phát huy. Thế nhưng trên thực tế, vẫn còn tồn tại sự ghen ghét, đố kị, nhất là trong việc làm ăn, xét thành tích.

Theo văn bản "Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới", tác giả có nêu lí do cho thực trạng này. Đó là bởi "ảnh hưởng của phương thức sản xuất nhỏ, tính đố kị vốn có của lối sống theo thứ bậc" hay "lối nghĩ "trâu buộc ghét trâu ăn" đối với người hơn mình ở làng quê thời phong kiến". Quả thật, ta đã được nghe hoặc chứng kiến những sự việc bởi ghen ghét, đố kị mà không tiếc lời nói xấu, có hành động hạ thấp người khác. Có trường hợp cực đoan hơn còn dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Thói hư tật xấu này không chỉ đi ngược lại với quy chuẩn đạo đức của xã hội mà còn làm xấu bộ mặt quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Người Việt Nam ta qua lời kể của du khách luôn đi liền với những tính từ như "thân thiện", "hòa đồng", "cởi mở", "tốt bụng". Nhưng nếu họ gặp phải một vài kẻ có tính đố kị, nhỏ nhen, liệu họ sẽ đánh giá nhân dân ta như thế nào? Điều này quả thực là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Chính vì vậy, là thế hệ tương lai của đất nước, mỗi chúng ta đều cần tự rèn luyện bản thân. Thay vì ghen ghét, đố kị với thành tích của người khác, hãy học tập những điều tốt ở họ. Từ đó áp dụng và phát triển chính mình. Các gia đình, trường học cần có phương pháp bảo ban, dạy dỗ những người trẻ về thái độ, hành vi chuẩn mực. Cơ quan nhà nước cũng nên thắt chặt quản lí, nghiêm khắc xử phạt những trường hợp gây ảnh hưởng xấu tới bộ mặt quốc gia. Có như vậy, chúng ta mới có thể ngẩng cao đầu, giữ vững tinh thần tự hào dân tộc đã tồn tại suốt bao năm qua.

Tựu chung lại, việc triệt để loại bỏ những thói hư tật xấu không phải chỉ cần làm trong một hai ngày. Đó là cả một quá trình cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của mỗi cá nhân cũng như cả một tập thể. Vậy nên hãy tự mình trở nên tốt hơn. Từ đó, cùng chung tay xây dựng và phát triển nước nhà ngày một giàu đẹp.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
4 1.809
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm