(Không chép mạng) Phân tích bài thơ Bánh trôi nước

Bài thơ “Bánh Trôi Nước” của Hồ Xuân Hương là một tác phẩm đầy tượng trưng, nói về sự mạnh mẽ và kiên cường của người phụ nữ thông qua hình ảnh của bánh trôi. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu dàn ý phân tích bài thơ Bánh trôi nước của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương kèm theo bài văn mẫu phân tích Bánh trôi nước hay nhất sẽ là ngữ liệu tham khảo bổ ích cho các em học sinh khi làm bài phân tích tác phẩm Bánh trôi nước.

Nội dung bài viết do Hoatieu biên tập, vui lòng không sao chép.

1. Dàn ý phân tích Bánh trôi nước

Mở bài

- Giới thiệu những nét chính về tác giả, tác phẩm, cảm nhận khái quát về giá trị tác phẩm:

+ Hồ Xuân Hương là nữ sĩ nổi tiếng của nước ta cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, phong cách thơ độc đáo và bà được người đời mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”.

+ Bánh trôi nước là tác phẩm thơ trữ tình đặc sắc của bà.

- Nêu ý kiến chung về bài thơ:

+ Qua hình ảnh bánh trôi nước nhà thơ đã kín đáo phản ánh thân phận nhỏ bé, bấp bênh, chìm nổi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nhưng đồng thời cũng nói lên phẩm giá cao đẹp của họ.

Thân bài

1. Giới thiệu khái quát về đề tài, thể thơ:

- Bánh trôi nước là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Đề tài và cảm hứng sáng tác bài thơ bắt nguồn ngay trong chính những vấn đề đang tồn tại phổ biến trong xã hội phong kiến: vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ Việt Nam trong XHPK đương thời.

- Tuy vỏn vẹn bốn dòng thơ, hai mươi tám chữ nhưng đã khái quát một cách sâu sắc, ẩn ý sâu sa để mỗi độc giả khi tìm đọc đều hình dung một cách chân thực, rõ nét vẻ đẹp, thân phận của người phụ nữ Việt Nam

2. Phân tích đặc điểm về nội dung

a. Hình ảnh bánh trôi nước và quá trình làm bánh

- Bài thơ khắc họa đặc điểm và quá trình làm bánh trôi: từ hình dáng, cấu tạo, đặc điểm, tính chất, cách thức:

+ Bánh trôi là thứ bánh được làm bằng bột nếp, đây là loại bánh quen thuộc, dân giã ở đồng bằng Bắc Bộ

+ Bánh trôi hiện lên với vẻ ngoài đặc trưng “trắng, tròn”, được nhào nước cho nhuyễn, rồi nặn thành hình tròn như quả táo, bọc lấy nhân bằng đường đen

+ Để làm chín, bánh được bỏ vào nồi khi nước sôi, trải qua “chìm nổi”, khi chín thì bánh nổi lên. Người nặn bột làm bánh phải khéo tay thì bánh mới đẹp, nếu vụng thì bánh có thể bị rắn hay bị nhão. Nhưng dù thế nào thì bánh vẫn phải có nhân. Thiếu nhân, bánh sẽ rất nhạt nhẽo.

+ Khi để nguội, bánh ăn dẻo và rất ngon. Theo quan niệm của ông cha ta, thì đây là thứ bánh tinh khiết, có thể dùng để cúng tổ tiên vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch

=> Hình tượng chiếc bánh trôi “trắng, tròn”, dù trải qua “chìm nổi” hay phụ thuộc vào sự khéo léo của người nặn nhưng vẫn mang vẻ đẹp tinh khiết, thuần túy là lớp nghĩa đầu tiên mà bài thơ muốn truyền tải

b. Hình tượng con người: Vẻ đẹp, thân phận của người phụ nữ Việt Nam.

- Hình ảnh trong bài thơ là bánh trôi nước nhưng đồng thời còn là lời tự bộc bạch của một tấm lòng phụ nữ.

- Nhà thơ mượn lời cái bánh trôi để nói lên thân phận và tấm lòng người phụ nữ

=> Bánh trôi là một hình ảnh gợi hứng, một ẩn dụ

b1: Tác giả mượn đặc điểm của bánh trôi để miêu tả số phận của người phụ nữ Việt Nam:

- Bánh trôi nước mở đầu với mô típ “thân em”- một mô tip quen thuộc mà ta thường gặp trong ca dao than thân

- Bài thơ mở đầu như một lời tự bộc bạch, giới thiệu về thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa

+ Cả chiếc bánh trôi và người phụ nữ đều có vẻ bề ngoài rất đẹp, tâm hồn thanh cao nhưng cuộc đời lại không may mắn, lại phải sống cuộc sống chìm nổi, bấp bênh, không làm chủ được cuộc đời của mình.

+ Từ “vừa” được nhắc lại hai lần trong một câu thơ đã nhấn mạnh hơn về phẩm chất cũng như vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ.

+ Với ngoại hình đẹp và nhân phẩm như vậy đáng lẽ người phụ nữ lại có cuộc sống ấm êm và hạnh phúc thế nhưng những bất công của xã hội phong kiến xưa đã làm cho cuộc sống của họ không được như vậy.

b2: Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam son sắt, thuỷ chung:

+ Cuộc sống của người phụ nữ hạnh phúc, hay bất hạnh là phụ thuộc vào những người có quyền trong xã hội.

+ Cặp từ “rắn – nát” được lên đầu câu nhằm nhấn mạnh vào sự éo le, phụ thuộc trong cuộc đời người phụ nữ.

+ Những quy định khắt khe của xã hội cũ với quan niệm trọng nam khinh nữ, tam tòng tứ đức đã tước đi cuộc sống hạnh phúc, tự do của những người phụ nữ.

+ Bằng những lời bộc bạch chân thành, tự nhiên nữ sĩ đã nói lên những đau đớn, những uất ức chung của người phụ nữ. Từng câu chữ ở trong câu thơ chính là lời phản kháng mạnh mẽ, lên án xã hội đầy rẫy những bất công

+ Tuy cuộc sống nhiều đau khổ như vậy, nhưng họ vẫn luôn giữ cho mình phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Nữ sĩ một lần nữa lồng ghép hình ảnh nhân của chiếc bánh trôi mang màu đỏ của đường để làm tăng lên vẻ đẹp thanh cao của người phụ nữ luôn thủy chung. Tấm lòng son sắt như màu đỏ của dòng máu chảy trong người.

+ Họ sẵn sàng đối mặt với những quan niệm hà khắc của chế độ phong kiến vừa giữ gìn phẩm giá cao đẹp của mình trong bất kì hoàn kì hoàn cảnh nào. Sự thuỷ chung, phẩm giá, tài năng của họ vẫn giữ trọn vẹn, sáng ngời như những hạt ngọc long lanh.

3. Phân tích một số nét đặc sắc về nghệ thuật

- Bài thơ vẻn vẹn chỉ có bốn câu thơ bảy chữ ngắn gọn (thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật) với đề tài là một sự vật bình dị trong cuộc sống nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Hồ Xuân Hương đã mang đến nhiều vẻ đẹp khác biệt

- Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng linh hoạt: so sánh, đảo ngữ, ẩn dụ, sử dụng thành ngữ, nhiều tính từ…đặc sắc, độc đáo diễn tả sâu sắc nội dung, để người đọc hình dung rõ hơn về vẻ đẹp, số phận của những người phụ nữ:

+ Sử dụng đảo ngữ trong thành ngữ: “Bảy nổi ba chìm”, tính từ, đảo ngữ “rắn - nát” nhấn mạnh số phận bấp bênh, ngang trái, thân phận chìm nổi của người phụ nữ

+ Ẩn dụ: tấm lòng son, tính từ “trắng - tròn” giúp người đọc hình dung rõ nét về vẻ đẹp của người phụ nữ: không chỉ đẹp đẽ, vẹn tròn về hình thức mà còn sắt son, chung thủy trong phẩm chất

- Ngôn ngữ thơ bình dị, mang nhiều lớp nghĩa: lớp nghĩa tả thực và ẩn dụ càng cho thấy tài năng điêu luyện của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Kết bài

- Khẳng định vị trí, ý nghĩa bài thơ:

+ Bánh trôi nước là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt nhưng được viết bằng chữ Nôm đặc sắc

+ Bài thơ đã thể hiện rõ sự trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ VN, đồng thời khẳng định: dù xã hội đầy rẫy những bất công, vùi dập người phụ nữ nhưng họ vẫn luôn ý thức được giá trị của bản thân mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào

- Suy nghĩ bản thân: Ta ngưỡng mộ biết bao nhiêu tài năng kiệt xuất của nữ sĩ, thế hệ phụ nữ ngày hôm nay càng phải biết phát huy được những phẩm chất tốt đẹp mà nhà thơ gửi gắm trong những câu thơ đầy xúc động.

2. Phân tích bài Bánh trôi nước lớp 8

Hồ Xuân Hương là nữ sĩ nổi tiếng của nước ta cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, với phong cách thơ rắn rỏi, mạnh mẽ. Với tài năng của mình bà được người đời mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”. Bánh trôi nước là bài thơ thể hiện rõ nét phong cách thơ của bà. Qua hình ảnh bánh trôi nước nhà thơ đã kín đáo phản ánh thân phận nhỏ bé, bấp bênh, chìm nổi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nhưng đồng thời cũng nói lên phẩm giá cao đẹp của họ.

Bánh trôi nước là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Đề tài và cảm hứng sáng tác bài thơ bắt nguồn ngay trong chính những vấn đề đang tồn tại phổ biến trong xã hội phong kiến: vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ Việt Nam trong XHPK đương thời. Tuy vỏn vẹn bốn dòng thơ, hai mươi tám chữ nhưng đã khái quát một cách sâu sắc, ẩn ý sâu sa để mỗi độc giả khi tìm đọc đều hình dung một cách chân thực, rõ nét vẻ đẹp, thân phận của người phụ nữ Việt Nam

Bài thơ khắc họa đặc điểm và quá trình làm bánh trôi: từ hình dáng, cấu tạo, đặc điểm, tính chất, cách thức. Bánh trôi là thứ bánh được làm bằng bột nếp, đây là loại bánh quen thuộc, dân giã ở đồng bằng Bắc Bộ. Bánh trôi hiện lên với vẻ ngoài đặc trưng “trắng, tròn”, được nhào nước cho nhuyễn, rồi nặn thành hình tròn như quả táo, bọc lấy nhân bằng đường đen. Để làm chín, bánh được bỏ vào nồi khi nước sôi, trải qua “chìm nổi”, khi chín thì bánh nổi lên. Người nặn bột làm bánh phải khéo tay thì bánh mới đẹp, nếu vụng thì bánh có thể bị rắn hay bị nhão. Nhưng dù thế nào thì bánh vẫn phải có nhân. Thiếu nhân, bánh sẽ rất nhạt nhẽo. Đọc bài thơ, ta thấy hiện lên đúng là bánh trôi nước, không sai một li. Khi để nguội, bánh ăn dẻo và rất ngon. Theo quan niệm của ông cha ta, thì đây là thứ bánh tinh khiết, có thể dùng để cúng tổ tiên vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch. Có thể thấy, hình tượng chiếc bánh trôi “trắng, tròn”, dù trải qua “chìm nổi” hay phụ thuộc vào sự khéo léo của người nặn nhưng vẫn mang vẻ đẹp tinh khiết, thuần túy là lớp nghĩa đầu tiên mà bài thơ muốn truyền tải.

Hình ảnh trong bài thơ là bánh trôi nước. Nhưng bài thơ đâu phải là tác phẩm quảng cáo cho một món ăn dân tộc. Thơ vịnh chỉ thực sự có ý nghĩa khi có sự gửi gắm tình cảm, tư tưởng của nhà thơ. Bài thơ của Hồ Xuân Hương, vì thế, còn là lời tự bộc bạch của một tấm lòng phụ nữ. Ta có thể nói nhà thơ mượn lời cái bánh trôi để nói lên thân phận và tấm lòng người phụ nữ. Bánh trôi là một hình ảnh gợi hứng, một ẩn dụ.

Bài thơ mở đầu với mô típ “thân em”- một mô tip quen thuộc mà ta thường gặp trong ca dao than thân. Cũng giống như bao lời than trong ca dao, bài thơ mở đầu như một lời tự bộc bạch, giới thiệu về thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Trong hai câu thơ đầu tiên hình ảnh chiếc bánh trôi hiện lên vừa đẹp vừa chân thực:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non”

Bánh trôi - một thứ bánh quen thuộc, bình dị trong đời sống con người nhưng qua con mắt tinh tế, tài quan sát nhạy bén thì thi sĩ Hồ Xuân Hương đã phát hiện ra những nét tương đồng giữa chiếc bánh trôi đó và cuộc đời của người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến. Cả chiếc bánh trôi và người phụ nữ đều có vẻ bề ngoài rất đẹp, tâm hồn thanh cao nhưng cuộc đời lại không may mắn, lại phải sống cuộc sống chìm nổi, bấp bênh, không làm chủ được cuộc đời của mình. Từ “vừa” được nhắc lại hai lần trong một câu thơ đã nhấn mạnh hơn về phẩm chất cũng như vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ. Với cách dùng từ khéo léo thì vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ được thể hiện một cách rõ nét mà ta còn nhận thấy ở đó niềm tự hào, họ rất ý thức về vẻ đẹp của bản thân mình. Trong văn học trung đại, người phụ nữ rất ít khi mạnh dạn để nói lên vẻ đẹp của mình vậy mà trong thơ bà chúa thơ Nôm những điều đó được nói lên một cách rất tự tin và mạnh bạo, đây chính là nét mới mẻ, độc đáo trong thơ bà. Với ngoại hình đẹp và nhân phẩm như vậy đáng lẽ người phụ nữ lại có cuộc sống ấm êm và hạnh phúc thế nhưng những bất công của xã hội phong kiến xưa đã làm cho cuộc sống của họ không được như vậy. Hồ Xuân Hương đã khéo léo đưa thành ngữ dân gian “bảy nổi ba chìm” vào câu thơ khiến ta hình dung được cuộc sống bấp bênh, vô định, không biết đi đâu về đâu của người phụ nữ. Cuộc đời của những người phụ nữ mới đáng thương biết bao nhiêu!

Chính vì cuộc đời gặp nhiều bất công, nhiều éo le ngang trái cho nên nữ sĩ đã thẳng thắn thay lời người phụ nữ cất lên lời than thân đồng thời khẳng định tấm lòng thuỷ chung, son sắt của người phụ nữ:

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.

Câu thơ đã nói hình dạng chiếc bánh trôi tròn hay là méo là phụ thuộc vào bàn tay của người nặn. Và người phụ nữ cũng vậy, cuộc sống hạnh phúc, hay bất hạnh là phụ thuộc vào những người có quyền trong xã hội. Cặp từ “rắn – nát” được lên đầu câu nhằm nhấn mạnh vào sự éo le, phụ thuộc trong cuộc đời người phụ nữ. Những quy định khắt khe của xã hội cũ với quan niệm trọng nam khinh nữ, tam tòng tứ đức đã tước đi cuộc sống hạnh phúc, tự do của những người phụ nữ. Và Hồ Xuân Hương cũng là một người chịu nhiều đắng cay, bất công như vậy: bà yêu Chiêu Hồ nhưng tình cảm không được đền đáp, rồi lại làm vợ lẽ Tổng Cóc và làm lẽ Phủ Vĩnh Tường. Bà đã có những câu thơ hay nói về thân phận của mình:

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Cuộc đời của bà không chỉ bấp bênh, bảy nổi ba chìm mà còn chịu nhiều cay đắng hơn bội phần. Hồ Xuân Hương thương cho số phận của mình, thương cho những người có cùng cảnh ngộ như mình. Bằng những lời bộc bạch chân thành, tự nhiên nữ sĩ đã nói lên những đau đớn, những uất ức chung của người phụ nữ. Từng câu chữ ở trong câu thơ chính là lời phản kháng mạnh mẽ, lên án xã hội đầy rẫy những bất công.

Tuy cuộc sống nhiều đau khổ như vậy, nhưng họ vẫn luôn giữ cho mình phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam:

“Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”

Nữ sĩ một lần nữa lồng ghép hình ảnh nhân của chiếc bánh trôi mang màu đỏ của đường để làm tăng lên vẻ đẹp thanh cao của người phụ nữ luôn thủy chung. Đây là câu thơ mang ý chính của toàn bài, mang ý nghĩa quan trọng nhất. Tấm lòng son sắt như màu đỏ của dòng máu chảy trong người. Câu thơ vừa miêu tả được hình ảnh chiếc bánh trôi nước vừa đề cao được vẻ đẹp cả bề ngoài lẫn phẩm giá bên trong của người phụ nữ. Chỉ với những quan hệ từ “mặc dầu” ,”mà” Hồ Xuân Hương đã diễn tả đầy đủ tinh thần của người phụ nữ vừa sẵn sàng đối mặt với những quan niệm hà khắc của chế độ phong kiến vừa giữ gìn phẩm giá cao đẹp của mình trong bất kì hoàn kì hoàn cảnh nào. Sự thuỷ chung, phẩm giá, tài năng của họ vẫn giữ trọn vẹn, sáng ngời như những hạt ngọc long lanh.

Bài thơ vẻn vẹn chỉ có bốn câu thơ bảy chữ ngắn gọn (thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật) với đề tài là một sự vật bình dị trong cuộc sống nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Hồ Xuân Hương đã mang đến nhiều vẻ đẹp khác biệt. Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng linh hoạt: so sánh, đảo ngữ, ẩn dụ, sử dụng thành ngữ, nhiều tính từ…đặc sắc, độc đáo diễn tả sâu sắc nội dung, để người đọc hình dung rõ hơn về vẻ đẹp, số phận của những người phụ nữ. Chẳng hạn, việc Hồ Xuân Hương sử dụng đảo ngữ trong thành ngữ: “Bảy nổi ba chìm”, tính từ, đảo ngữ “rắn - nát” đã nhấn mạnh số phận bấp bênh, ngang trái, thân phận chìm nổi của người phụ nữ hay việc nữ sĩ sử dụng hình ảnh ẩn dụ “tấm lòng son”, tính từ “trắng - tròn” giúp người đọc hình dung rõ nét về vẻ đẹp của người phụ nữ: không chỉ đẹp đẽ, vẹn tròn về hình thức mà còn sắt son, chung thủy trong phẩm chất. Bài thơ còn đặc sắc bởi ngôn ngữ thơ bình dị, mang nhiều lớp nghĩa: lớp nghĩa tả thực và ẩn dụ càng cho thấy tài năng điêu luyện của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Bánh trôi nước là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt nhưng được viết bằng chữ Nôm đặc sắc đã thể hiện rõ sự trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ VN, đồng thời khẳng định: dù xã hội đầy rẫy những bất công, vùi dập người phụ nữ nhưng họ vẫn luôn ý thức được giá trị của bản thân mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ta ngưỡng mộ biết bao nhiêu tài năng kiệt xuất của nữ sĩ, thế hệ phụ nữ ngày hôm nay càng phải biết phát huy được những phẩm chất tốt đẹp mà nhà thơ gửi gắm trong những câu thơ đầy xúc động.

3. Phân tích bài thơ Bánh trôi nước ngắn

Hồ Xuân Hương được nhà thơ hiện đại Xuân Diệu mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Thơ bà có giọng điệu táo bạo, sắc sảo và có giá trị nhân đạo sâu sắc, nói lên tiếng nói bênh vực quyền  sống, quyền hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Và "Bánh trôi nước" là một  trong những bài thơ hay nhất của bà về người phụ nữ trong xã hội xưa.

"Bánh trôi nước" là một trong những bài thơ viết về thân phận người phụ nữ của bà. Bài thơ mở đầu với mô típ “thân em” quen thuộc trong ca dao than thân, vừa bình dị vừa khiêm  nhường mang đậm chất nữ tính. Giống như những tiếng than trong ca dao, bài thơ cất lên như một lời bộc bạch về thân phận người phụ nữ:

"Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son"

Vẻ đẹp của chiếc bánh trôi nước cũng như quy trình làm bánh được tác giả tái hiện rất cụ thể, sinh động. Bánh trôi có màu trắng tinh khiết của bột nếp, được nhào nặn tròn trịa rất xinh xắn, khi cho vào nước nguội bánh chìm xuống, nhưng đên khi nước sôi lên, bánh chín sẽ nổi trên mặt nước. Bánh trôi vốn là món ăn dân dã, bình dị thân thuộc với cuộc sống con người nhưng qua con mắt tinh tế, nhạy cảm của bà lại trở thành hình ảnh ẩn dụ cho vẻ đẹp và cuộc đời của người phụ nữ.

Cũng giống như chiếc bánh trôi kia, người phụ nữ cũng mang vẻ đẹp trắng trẻo, tròn đầy. Điệp từ "vừa" được nhắc lại hai lần trong câu thơ, kết hợp bới các tính từ "trắng" và "tròn" có ý nghĩa nhấn mạnh vẻ đẹp ngoại hình và phẩm chất của người phụ nữ. Cách dùng từ khéo léo không chỉ phô ra vẻ đẹp mà còn cho thấy niềm tự hào, sự tự ý thức về vẻ đẹp của người phụ nữ.

Trong văn học xưa, rất hiếm khi người phụ nữ dám bạo dạn, tự tin trực tiếp nói lên vẻ đẹp của mình như thế, đó chính là nét cá tính độc đáo trong thơ Hồ Xuân Hương. Với những vẻ đẹp ngoại hình và nhân phẩm ấy, đáng lí ra, người phụ nữ phải được nâng niu và hưởng hạnh phúc, nhưng xã hội phong kiến bất công đã không cho họ có được điều ấy. Tác giả đã vận dụng sáng tạo thành ngữ dân gian ''Bảy nổi ba chìm" gợi liên tưởng đến cuộc đời long đong, lận đận, bấp bênh của người phụ nữ. Họ phải sống cuộc đời chìm nổi bởi lẽ có bao giờ người phụ nữ được làm chủ cuộc đời mình đâu. Chính vì cuộc sống nhiều bất công, lắm éo le ngang trái cho nên Hồ Xuân Hương đã thẳng thắn thay lời người phụ nữ cất lên tiếng nói than  thân cùng sự khẳng định tấm lòng son của người phụ nữ.

Giống như chiếc bánh trôi kia không được làm chủ số phận của mình, “rắn nát” hay đẹp đẽ đều do bàn tay  của “kẻ nặn”, cũng như người phụ nữ cũng không tự quyết định được số phận của mình. Cặp từ đối lập ''rắn-nát" được đảo cấu trúc đặt lên đầu câu nhằm nhấn mạnh sự éo le, phụ thuộc trong cuộc đời người phụ nữ, tước đi cuộc sống tự do, hạnh phúc của họ. Những người phụ nữ ấy không được phép sống vì mình mà phải sống phụ thuộc vào người khác, họ xem nó như một định mệnh, nhẫn nhịn, cam chịu mà chấp nhận.

Thế nhưng, điều đáng quý, trân trọng nhất ở người phụ nữ đó là phẩm chất bên trong của họ. "Tấm lòng son" chính là tấm lòng thuỷ chung, son sắt, đẹp đẽ của người phụ nữ. Dù bị chà đạp bất công nhưng người phụ nữ vẫn giữ được nét đẹp tâm hồn của mình, cũng giống như chiếc bánh trôi kia, dù rắn hay nát, chìm hay nổi thì vẫn không thể thay đổi thì vẫn không thay thể thay đổi hương vị của chiếc bánh. Hai từ "mặc dầu” – “lòng son" trong  hai câu thơ cho thấy sự cố gắng vươn lên số phận để bảo toàn nhân cách của người phụ nữ. Vẻ đẹp nhân phẩm ấy thật đáng trân trọng.

Với nghệ thuật miêu tả tài tình, cách chơi chữ đầy nghệ thuật, hình ảnh ẩn dụ độc đáo cùng cách sử dụng thành ngữ đêu luyện, bài thơ "Bánh trôi nước" của Hồ Xuân Hương đã ca ngợi vẻ đẹp ngoài hình và nhân phẩm  người phụ nữ thông qua hình ảnh chiếc bánh trôi nước. Từ đó nhà thơ còn tố cáo xã hội phong kiến bất công, chà  đạp cuộc đời người phụ nữ. Bài thơ đã giúp người đọc có thể hiểu thêm về số phận và nhân cách của người phụ nữ xưa, khiến ta càng thêm trân trọng họ.

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
36 7.477
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm