Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một sản phẩm văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện tại) lớp 8

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một sản phẩm văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện tại) là nội dung bài Nói và Nghe lớp 8 trang 53 tập 1 KNTT. Với dạng đề bài này, các em có thể lựa chọn một sản phẩm văn hóa vùng miền nơi em sống hoặc một sản phẩm văn hóa chung của đất nước để nêu lên ý kiến của mình. Sau đây là một số bài văn mẫu trình bày ý kiến về một sản phẩm văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện tại lớp 8 hay và ngắn gọn, mời các em cùng tham khảo.

1. Hướng dẫn trình bày ý kiến về một sản phẩm văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện tại

1. Trước khi nói

- Lựa chọn một sản phẩm văn hóa mà em yêu thích: có thể chọn một sản phẩm văn hóa riêng của vùng, miền nơi em sống (danh lam thắng cảnh, trang phục dân tộc, lễ hội, món ăn truyền thống,…) hoặc một sản phẩm văn hóa chung của đất nước (bánh chưng ngày Tết, múa rối nước, áo dài Việt Nam, phở,…).

- Để nêu được ý kiến xác đáng, em cần tìm hiểu về nguồn gốc, đặc điểm, giá trị của sản phẩm văn hóa truyền thống được lựa chọn trong cuộc sống hiện tại.

- Em có thể tìm ý cho bài nói bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi như: Em sẽ trình bày ý kiến về phương diện nào của sản phẩm văn hóa truyền thống? Ý kiến của em là gì? Vì sao em có ý kiến như vậy?

- Sắp xếp các ý thành một dàn ý với các phần Mở đầu, Triển khai, Kết luận.

- Lựa chọn một số từ ngữ then chốt phù hợp với vấn đề trình bày.

2. Trình bày bài nói

- Mở đầu: Giới thiệu tên sản phẩm văn hóa truyền thống và nêu khái quát ý kiến của em về sản phẩm văn hóa đó trong cuộc sống hiện tại.

- Triển khai:

+ Nêu ngắn gọn một số thông tin cơ bản về sản phẩm văn hóa truyền thống: nơi ra đời của sản phẩm, vị trí của sản phẩm, ý nghĩa của sản phẩm,…

+ Trình bày ý kiến nhận xét, đánh giá về sản phẩm văn hóa truyền thống (của quê hương, đất nước). Tùy theo đề tài và thời gian, có thể chọn trình bày ý kiến về một vài khía cạnh: hiện trạng, giá trị, hướng bảo tồn, phát triển,… sản phẩm văn hóa đó trong cuộc sống hiện tại. Chú ý đưa ra các lí lẽ, bằng chứng làm cơ sở cho ý kiến của em.

+ Sử dụng ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ, điệu bộ, nét mặt,…) và điều chỉnh ngữ điệu nói cho phù hợp.

Kết luận: Khẳng định ý nghĩa của sản phẩm văn hóa truyền thống đối với cuộc sống hiện tại.

2. Trình bày ý kiến về một sản phẩm văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện tại bánh chưng

Kính chào thầy cô và các bạn. Em xin tự giới thiệu Em là... học sinh lớp… trường...

Dân gian Việt nam có câu:

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Câu đối quen thuộc mỗi khi nhắc đến Tết đã gợi cho người đọc cảm nhận được những nét đặc trưng nhất của ngày Tết cổ truyền như thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh. Trong đó, có lẽ  bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cũng như dâng lên chư vị thần linh, tổ tiên và trở thành một biểu tượng ẩm thực truyền thống trong ngày tết cổ truyền. Bánh chưng không chỉ là món ăn mà còn là mang rất nhiều ý nghĩa đậm chất dân tộc ngày tết. Cùng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của những món bánh này bạn nhé!

2. Nội dung bài nói

Bánh chưng là một trong những món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Từ bao đời nay, bánh chưng đã như một món ăn gắn bó, sum vầy, mang đậm hương vị Tết cổ truyền dân tộc.

Trong tâm thức người Việt, chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé không còn đơn thuần là món ăn mà đã trở thành nét đẹp của con người Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh. Là một món ăn truyền thống của người Việt, bánh chưng được ví như linh hồn của bữa cơm ngày trọng đại, đặc biệt là ngày tết. Bánh chưng được người Việt sáng tạo ra gắn liền với sự tích bánh chưng bánh giầy. Theo truyền thuyết, bánh chưng bánh dầy có từ thời Vua Hùng Vương thứ 6. Vua muốn truyền ngôi cho con, nhân dịp đầu xuân, mới hội các con mà bảo rằng: “Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ dâng cúng tổ tiên có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”. Lang Liêu – người con trai thứ sáu của vua Hùng bỗng nằm mơ thấy Thần Đèn bảo: “Trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”. Lang Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh thật tốt, thịt lợn (heo) ba rọi dày thật tươi. Đến hẹn, các lang (con vua) đều đem cỗ tới, đủ cả sơn hào hải vị. Lang Liêu chỉ có bánh Dầy bánh Chưng. Vua lấy làm lạ hỏi, ông đem thần mộng tâu lên. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Liêu, tức đời vua Hùng Vương thứ bảy. Từ đó, cứ đến Tết nguyên đán hay các đám cưới, thờ cúng, lễ hội... dân gian bắt chước làm bánh chưng, bánh dầy sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất.

Chính vì vậy bánh chưng Tết đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ từ rất lâu, để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Bên cạnh đó, chiếc bánh chưng xanh còn gợi cho ta nhớ đến niềm mơ ước an cư lạc nghiệp của con người: nhân nhụy vàng, thịt mỡ chín… là màu mỡ của lúa chín đồng quê, của đời sống chăn nuôi an vui xóm làng.

Cùng với truyền thuyết xa xưa ấy, chiếc bánh chưng gói ghém trong đó là cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, và là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi. Bên ngoài là chiếc lá dong gói bánh có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn cội rễ của dân tộc: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn…

Bánh chưng tết cũng thể hiện được chữ hiếu của người con với cha mẹ, chính vì thế mà phong tục dùng bánh chưng làm quà biếu dâng lên cha mẹ cũng từ đây mà có. Đi cùng với bánh chưng bánh dày, trong ngày tết bày mâm ngũ quả thể hiện ngũ hành tương sinh tương khắc.

Trong ngày tết cổ truyền hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thật là đẹp và ý nghĩa với tất cả chúng ta. Một cái tết sẽ không là chọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng, cuộc sống dù có bộn bề và nhiều lo toàn nhưng chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên chắc chắn phải có. Tài liệu của nhung tây

Hơn nữa, bánh chưng Tết còn có ý nghĩa lớn về mặt dinh dưỡng. Với các nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng như gạo nếp, đỗ xanh và thịt heo bánh chưng cung cấp cho chúng ta rất nhiều vi chất và vitamin bổ dưỡng cho cơ thể để chống chọi với cái lạnh mùa Đông ngày Tết. Cụ thể như đỗ xanh chứa chất thanh nhiệt giải độc giảm các hiện tương sưng tấy làm bánh chưng có vị thanh giúp cân bằng với độ béo của thịt và đồ nếp. Bên cạnh đó gạo nếp cung cấp lượng tinh bột lớn đồng thời có là một thực phẩm rất tốt cho gan.

Thông thường các gia đình Việt có thói quen gói bánh vào ngày 27 và 28 đây là khoảng thời gian kết thúc công việc sau cả 1 năm vất vả để chuẩn bị mọi thứ cho ngày tết. Đây chính là dịp để ông bà bố mẹ và con cháu xum vầy trước không khí rạo rực của mùa xuân, bánh chưng có ý nghĩa không chỉ về mặt dinh dưỡng mà nó chính là nét đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc ta.

Ngày xưa, bánh chưng chỉ có mặt mỗi dịp tết đến xuân về. Nhưng ngày nay, bất cứ lúc nào cũng có thể nhìn thấy hình ảnh chiếc bánh chưng. Cứ đến dịp lễ hội hoặc ngày trọng đại như cưới hỏi, bánh chưng có thể được đem vào thực đơn của mâm cơm gia đình.

Bánh chưng đã trở thành một nét văn hóa, một món ăn truyền thống và lâu đời ở Việt Nam. Nét độc đáo này đã góp phần làm đẹp hình ảnh Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Dù ai xa quê cũng mong được về nhà bên nồi bánh chưng mỗi dịp giao thừa đón năm mới.

3. Kết thúc bài nói

Trên đây là bài nói của em về về bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Xin chân thành cảm ơn các thầy cô và các bạn đã lắng nghe!

3. Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội lớp 8

Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là............học sinh.........trường.........

Nhắc đến ngày Tết cổ truyền của dân tộc, chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ đến rất nhiều điều gợi nên nét đặc trưng của ngày Tết cổ truyền như hoa mai, hoa đào, cây nêu, các loại mứt... Và sẽ là thật thiếu sót khi ta không nhắc đến bánh chưng, một vật không thể thiếu trên ban thờ ngày tết cũng như các mâm cỗ Tết.

Bánh chưng thì đã có mặt trong văn hóa của người Việt từ rất lâu rồi. Từ thời vua Hùng, bánh chưng Việt Nam đã trở thành một món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết nguyên đán. Để làm được một chiếc bánh chưng ngon, người làm cần phải khéo léo và tỉ mỉ ngày từ khâu chuẩn bị nguyên liệu như thịt mỡ, đỗ xanh, gạo nếp đều phải là những nguyên liệu tươi ngon. Và lá dong cũng là một điểm nhấn quan trọng để làm nên màu xanh bắt mắt của chiếc bánh chưng. Tiếp đến luộc bánh chưng cũng cần phải căn thời gian sao cho khéo để bánh được dền, ăn dẻo thơm mùi lá quện với vị ngầy ngậy của thịt mỡ, bùi bùi của đỗ xanh.

Trong ngày tết cổ truyền hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thật là đẹp và ý nghĩa với tất cả chúng ta. Một cái tết sẽ không là chọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng, cuộc sống dù có bộn bề và nhiều lo toàn nhưng chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên chắc chắn phải có.

Mặc dù trải qua nhiều thế kỉ nhưng vị trí và tầm quan trọng của chiếc bánh chưng vẫn được bảo tồn và vẹn nguyên trong văn hóa đời sống của người Việt giúp tạo ra không khí ấm áp và thiêng liêng trong ngày Tết cổ truyền.

4. Trình bày ý kiến về một sản phẩm văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện tại - Múa rối nước

Trình bày ý kiến về một sản phẩm văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện tại

Khi nhắc đến các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống mang đậm dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, gắn liền với nền văn hóa Đại Việt, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ nghĩ ngay đến bộ môn Múa rối nước.

Theo những tư liệu lịch sử, về nghệ thuật múa rối ở Việt Nam cho thấy, năm 1121 múa rối nước đã được đưa vào biểu diễn để mừng thọ vua, mà minh chứng đó là những dòng chữ Hán được khắc trên tấm bia đá cổ có từ triều đại nhà Lý được đặt tại chùa Long Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Cái độc đáo của loại hình nghệ thuật này được thể hiện ngay từ trong tên gọi “Múa rối nước” là lấy nước làm sân khấu biểu diễn. Mặt nước ao hồ vừa là sân khấu, là môi trường, khung cảnh, vừa là một nhân vật hỗ trợ cho con rối hoạt động dưới sự điều khiển tài ba của các nghệ nhân. Bên trên mặt nước là sân khấu, phía dưới mặt nước là hệ thống điều khiển với các kiểu máy, sào, dây chằng chịt được nối với buồng trò.

Buồng trò rối nước chính là nhà rối hay thủy đình, thường được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam. Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò để điều khiển con rối. Họ thao tác từng cây sào, thừng, vọt… hoặc giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên ngoài hoặc dưới nước để con rối chuyển động… Sự thành công của quân rối nước chủ yếu phụ thuộc vào sự cử động của thân hình, hành động làm trò đóng kịch của nó.

Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò thường được trang bị cờ, quạt, voi, lọng, cổng, hàng mã…

Những con rối thường được làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ nổi trên mặt nước, được nghệ nhân đục cốt, đẽo với những đường nét cách điệu riêng sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét tính cách cho từng nhân vật. Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, có tính hài hước và tính tượng trưng cao. Phần thân rối là phần nổi lên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp máy điều khiển cho quân rối cử động.

Múa rối nước thường được diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày Tết... Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu nên nghệ thuật múa rối nước cũng mang tính tổng hợp, đa diện của nhiều thành phần.

Nghệ thuật múa rối truyền thống của dân tộc Việt Nam gắn liền với những điều kiện tự nhiên, sinh hoạt của người nông dân trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc bộ. Với trí tưởng tượng phong phú và óc sáng tạo thông minh của cha ông ta đã góp phần hình thành nên loại hình nghệ thuật múa rối nước. Từ những nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống và được coi là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một nét văn hóa truyền thống riêng biệt của dân tộc Việt Nam so với nền nghệ thuật Múa rối của các quốc gia trên toàn thế giới.

Ngày nay, múa rối nước tuy không còn được thịnh hành như trước, nhưng nó vẫn là một loại hình giải trí nghệ thuật đặc sắc mà bất cứ ai khi thưởng thức đều tấm tắc khen ngợi. Múa rối nước không chỉ mang thông điệp về giáo dục, mang những nét văn hoá truyền thống mà nó còn mang những giá trị nhân văn sâu sắc.

5. Trình bày ý kiến về một sản phẩm văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện tại - Áo dài Việt Nam

Tham khảo

Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn thân mến!

Đã từ lâu, khi nhắc đến người phụ nữ Việt Nam, bạn bè quốc tế lại trầm trồ nói về chiếc áo dài. Quả thực, chiếc áo dài Việt Nam xứng đáng được coi là loại trang phục truyền thống thể hiện được vẻ đẹp và tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.

Gọi là áo dài là theo cấu tạo của áo, thân áo gồm 2 mảnh bó sát eo của người phụ nữ rồi từ đáy lưng, 2 thân thả bay xuống tận gót chân tạo nên những bước đi duyên dáng, mềm mại, uyển chuyển hơn cho người con gái.

Tấm áo lụa mỏng thướt tha với nhiều màu sắc kín đáo trang nhã lướt trên đường phố trở thành tâm điểm chú ý và là bông hoa sáng tôn lên vẻ yêu kiều, thanh lịch cho con người và khung cảnh xung quanh. Chiếc quần may theo kiểu quần ta ống rộng bằng thứ vải đồng chất đồng màu hay sa tanh trắng nâng đỡ tà áo và làm tăng sự mềm mại thướt tha cho bộ trang phục mượt mà duyên dáng, gợi vẻ đằm thắm đáng yêu.

Chiếc áo dài tân thời ngày nay vốn là chiếc áo dài tứ thân được cải tiến. Ống tay dài thon, cổ áo hoặc được dựng cao, hoặc ôm tròn viền quanh cổ người mặc được cách điệu. Có nhiều cúc bấm chạy chéo nghiêng theo hai vạt áo phía trước. Lưng áo được may thắt lại tạo nên ‘eo”, làm hiện lên vẻ đẹp trẻ trung, yêu kiều của thiếu nữ. Áo dài tân thời được may bằng lụa đủ màu sắc: trắng, hồng, xanh lơ, tím,... lụa điểm hoa, điểm một số loài chim đủ màu sắc rực rỡ, lộng lẫy.

Trong lễ hội, hình ảnh các thiếu nữ xuất hiện trong chiếc áo dài tân thời, người đi xem cảm thấy như đàn bướm sặc sỡ đang bay lượn giữa vườn hoa xuân.

Nếu như người Nhật tự hào về kimono, người Hàn nổi tiếng với hanbok thì người Việt luôn được biết đến với tà áo dài duyên dáng và thướt tha. Chiếc áo dài Việt Nam tổng thể là một bộ trang phục phô mà vẫn kín, đầy tự do, phóng khoáng. Tuy vậy nhưng vẫn đảm bảo sự sang trọng, thanh lịch, trang nhã, cần thiết. Vì vậy, áo dài dễ dàng được phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, có thể sử dụng trong nhiều không gian, thời gian và sự kiện khác nhau.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, văn hóa, ngày nay chiếc áo dài Việt Nam vẫn là trang phục truyền thống trong các dịp lễ trọng của gia đình, dòng tộc, cộng đồng hay trong các dịp lễ tết của đất nước. Áo dài được các bạn nữ mặc ngày càng nhiều trong các trường học, công sở, doanh nghiệp. Trong các sự kiện trọng đại của đất nước, trên các diễn đàn quốc tế thể hiện sự trang trọng, thanh lịch của người phụ nữ Việt Nam.

Có thể nói ,dù đã trải qua biết bao giai đoạn, bao thăng trầm của chiều dài lịch sử, chiếc áo dài không những là chưa bao giờ mất đi vị trí độc tôn trong lòng người Việt mà nó ngày càng mang lại sự tự hào vì nó không chỉ là trang phục mà nó còn là tác phẩm nghệ thuật.

6. Trình bày ý kiến về một sản phẩm văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện tại - Phở

Khi nói về món ăn Việt, có lẽ phở là cái tên luôn luôn được mọi người nghĩ ngay đến đầu tiên. Phở là món ăn rất phổ biến ở Việt Nam và được nhiều người khen ngợi. Tuy không phải là món ăn quý hiếm nhưng hương vị phở luôn mang lại cảm giác ngon miệng và ấm áp cho bất kỳ thực khách nào.

Phở nổi tiếng nhất vẫn là phở Hà Nội. Không biết tự bao giờ, phở đã trở thành món ăn vô cùng hấp dẫn mỗi khi đến Hà Nội. Với hương vị độc đáo không có một nơi nào có được, phở Hà Nội đã in sâu vào tiềm thức con người, mặc định nó là món ăn ngon nhất. Muốn ăn phở phải đến Hà Nội. Vào những năm 1940. phở đã rất nổi tiếng ở Hà Nội. Phở là một món ăn có thể ăn vào bất cứ khoảng thời gian nào mà bạn muốn: sáng, trưa, chiều, tối đều được cả. Điểm đặc biệt, món phở không ăn kèm, uống kèm bất cứ thứ gì khác. Một bát phở bao gồm: nước dùng, bánh phở, gia vị ăn kèm như tiêu, hành lá, lát chanh, ớt… Nước dùng của phở có thể được chế biến từ xương bò: xương cục, xương ống và xương vè. Bánh phở phải dai, mềm. Hành lá, ớt, tiêu tăng thêm mùi vị của bát phở. Tùy thuộc vào bí quyết nấu mà mỗi nơi lại có mùi vị của phở khác nhau.

Chế biến món phở, khâu quan trọng nhất là khâu nấu nước dùng. Nước dùng là linh hồn của bát phở nên nước dùng không ngon bát phở cũng không giữ được hương vị của nó. Nước dùng truyền thống được ninh từ xương ống của bò cùng với một số gia vị trong nhiều giờ. Khâu chọn xương cũng rất kĩ lưỡng. Đầu bếp chọn xương phải không còn thịt bám vào, xương phải được rửa sạch, sau đó được cho vào nồi đun với nước. Sôi lầm đầu, người nấu sẽ đổ hết phần nước đi. Làm như vậy là để nước dùng không bị nhiễm mùi hôi của xương bò. Sau đó, họ lại cho nước vào nồi ninh tiếp. Đến lúc này, nước ninh mới được dùng làm nước dùng cho bát phở. Lúc này, để làm nước dùng có hương vị ngon, đầu bếp sẽ cho gừng và củ hành đã được nướng chín vào nồi. Nồi nước dùng được đun trên lửa lớn đến khi sôi. Khi nước bắt đầu sôi, người nấu vặn nhỏ lửa hơn, bắt đầu vớt bọt trong nồi. Người nấu vớt bọt để nước dùng trong, không bị đục. Sau đó họ lại cho thêm nước, để lửa lớn đến khi sôi, giảm lửa và tiếp tục vớt bọt. Họ cứ làm liên tục như vậy đến khi nước dùng trong, không xuất hiện bọt nữa. Lúc này, người nấu cho một số gia vị và đun ở lửa nhỏ sao cho nồi nước sôi lăn tăn. Làm như vậy để nồi nước trong, vị ngọt từ xương có thời gian tan ra hòa vào nước dùng và giữ được nhiệt độ nóng. Thường ở các quán phở, họ thường để nồi nước trên lửa nhỏ cả ngày, đến khi không còn khách cũng như không bán nữa thì thôi. Món phở Hà Nội hấp dẫn là bởi nước dùng của nó có hương vị ngọt chân chất của xương ống, cùng với đó là những bánh phở dai mềm, thịt bò vừa chín tới được nêm nếm vừa miệng. Màu nước dùng trong, bánh phở mỏng trắng hòa quyện cùng hương vị của hành lá, ớt, ngò, chanh. Tất cả hòa vào nhau thành một thể thống nhất, không thể tách rời, thiếu đi một thứ, bát phở không thể hoàn hảo.

Ở Việt Nam, phở dường như là món ăn phổ biến cho mọi gia đình. Dù đang đi trên đường quốc lộ hay những con hẻm nhỏ, bạn đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân đang ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ thưởng thức tô phở nóng hổi của mình.

Với hàng loạt các quán Phở được mở ra khắp nơi trên thế giới, Phở không còn là món ăn chỉ được tìm thấy trên các đường phố Việt Nam. Cho dù được làm ra ở ngay tại nhà hay nhà hàng, phở luôn luôn mang đến cho thực khách cảm giác ấm áp như chính tâm hồn của người Việt mộc mạc và hồn hậu. Phở thật sự là biểu tượng của nền văn hóa ẩm thực Việt – độc đáo và đầy lôi cuốn.

Có thể nói, trong cuộc sống hiện đại ngày nay phở không chỉ đơn thuần là một món ăn ẩm thực mà nó đã chưa đựng cả giá trị văn hóa lịch sử lâu đời và để lại ấn tượng đẹp về ẩm thực Việt Nam đối với khách nước ngoài.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
158 84.305
1 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
  • 🖼️
    Nam Nguyen

    hay hay thế mới là hảo hán chứ


    Thích Phản hồi 12/10/23
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm