Viết bài văn phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật lớp 8 ngắn gọn (10 mẫu)

Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) là nội dung bài Viết trang 48 sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 Kết nối tri thức. Trong phần đọc các em đã được học một số văn bản mẫu mực của thể thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt Đường luật. Trong bài viết này các em sẽ vận dụng các kĩ năng để viết bài văn phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật sao cho hay và đúng yêu cầu.

Trong chương trình Ngữ văn 8 tập 1 KNTT các em sẽ học cách viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt đường luật). Thông qua bài học này các em sẽ nắm được cách viết bài văn phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật cũng như nhận biết được đặc điểm của kiểu bài phân tích một tác phẩm văn học, cụ thể là phân tích bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật để từ đó hoàn thành bài văn phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật.

1. Dàn ý phân tích bài Thu điếu

 Dàn ý phân tích bài Thu điếu

2. Phân tích bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật lớp 8

1, Mở bài

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Khuyến, chùm thơ thu 3 bài của ông, bài thơ Câu cá mùa thu.

- Khái quát nội dung bài thơ.

- Trích dẫn bài thơ

2, Thân bài

a. Khái quát đầu

- Mùa thu là đề tài quen thuộc của thi ca. Thơ viết về mùa thu của văn học Trung đại Việt Nam thường miêu tả cảnh đẹp vắng vẻ, úa tàn và u buồn. Cảnh thu được ghi lại một cách ước lệ tượng trưng với những nét chấm phá, chớp lấy cái hồn của tạo vật. Thu điếu của Nguyễn Khuyến cũng mang nét đặc trưng của thi pháp ấy .

- Nhưng Nguyễn Khuyến được mệnh danh là nhà thơ của làng quê Việt Nam. Gần suốt đời mình, ông gắn bó với thôn quê, hòa hợp và thấu hiểu mảnh đất quê nhà. Thế nên, cảnh vật làng quê trong thơ ông hiện lên rất chân thực, giản dị, tinh tế. Đọc Thu điếu , ta bắt gặp một bức tranh thu đặc trưng của vùng chiêm trũng Bắc Bộ, quê hương của nhà thơ. Đấy chính là nét mới mẻ của tác phẩm so với thi pháp truyền thống của văn học Trung đại Việt Nam.

- Thu điếu viết bằng chữ Nôm, làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Cảnh thu được miêu tả trong hầu hết 8 câu thơ, hình ảnh con người chỉ xuất hiện trực tiếp ở hai câu cuối bài. Cảnh trong bài vẫn là trời, nước, gió,trúc – những thi liệu quen thuộc nhưng hồn thơ thì đã vượt ra khỏi khuôn sáo thi tứ cổ điển.

b. Phân tích

Mục tiêu: Phân tích bài thơ để thấy bức tranh mùa thu tiêu biểu cho vùng quê Bắc Bộ.

- 6 câu đầu: là một bức tranh thu có màu sắc, đường nét, dáng hình: ao thu, nước, thuyền câu, sóng biếc, lá vàng, tầng mây, trời xanh ngắt, ngõ trúc.

→ Bức tranh buồn, đẹp, tĩnh lặng, thanh bình, yên ả; nét đặc trưng của mùa thu là bầu trời và chiếc lá vàng ( Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao; Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt); ngõ trúc là đặc trưng quê hương Hà Nam.

→ Tâm hồn nhạy cảm, tài năng quan sát thâu cảnh vật vào tâm hồn; từ ngữ gợi cảm, tượng hình, từ láy; nghệ thuật đối câu 3,4, vần eo tài tình.

→ Lòng yêu thiên nhiên, hòa mình thiên nhiên, cảnh vật, gắn bó cuộc sống làng quê.

- Nhận xét của Xuân Diệu: cái thú vị của bài Thu điếu là ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi.

- Hai câu cuối: người đi câu cá tư thế bất động chợt giật mình trở về thực tại; tâm sự thầm kín nặng trĩu suy tư về quê hương đất nước, về trách nhiệm của bản thân đối với quê hương đất nước, một nhân cách lớn; lòng đau đớn trước cảnh mất nước, nhà tan; lòng yêu nước thầm kín mà thiết tha.

c. Khái quát cuối

- Nghệ thuật

- Sự kết hợp giữa mạch cảm xúc và mạch luận lí.

- Cách nhìn cách cảm mới và những sáng tạo độc đáo về hình ảnh thơ.

- Ý nghĩa bài thơ

Quan niệm nhân sinh, quan niệm thẩm mĩ mới mẻ của Xuân Diệu – nghệ sĩ của niềm khát khao giao cảm với đời.

- Liên hệ bản thân: thêm yêu mùa thu quê hương, yêu thêm xóm thôn đồng nội, đất nước.

3. Kết bài

- Khái quát lại những nét đặc sắc về cảnh thu và tình thu trong tác phẩm.

- Đánh giá Nguyễn Khuyến là nhà thơ kiệt xuất đã chiếm một vị trí vẻ vang trong nền thơ ca cổ điển Việt Nam.

3. Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật - Đào hoa thi

Năm nào cũng vậy, khi những gía lạnh cuối cùng vừa tan, hương vị đất mới còn chưa thành hình hẳn mà chỉ phảng phất trên cành cây trước sân, trong đất nghe như có tiếng cựa mình của những cỏ cây đang ở độ sung mãn nhất, chỉ còn chờ đủ ngày rồi bung ra hàng loạt nụ tươi mơn mởn đầu đời, đó là thời khắc đất trời khẽ lay mình chuẩn bị đón xuân sang. Cảm nhận được dư vị ngọt ngào, lắng đọng trong vẹn nhất của vạn vật thời khắc ấy các thi nhân lại đắm mình cùng mình vần thơ long lanh và Nguyễn Traĩ cũng thế. Ông gửi vào tiết Xuân bao say sưa, mơ hồ, bay bổng, nhẹ tênh qua phút xuất thần với những câu thơ của “Đào hoa thi” khiến vạn người hôm nay đọc mà vẫn trầm trồ, xao xuyến, thương mến không thôi:

Một đóa đào hoa khéo tốt tươi,

Cành Xuân mơn mởn thấy Xuân cười.

Đông phong ắt có tình hay nữa,

Kín tiễn mùi hương dễ động người.

Ai có thể níu giữ thời gian, đông lại khoảnh khắc đẹp nhất của đời người, khóa kín hơi thở vạn vật chẳng phôi phai? Chính bởi thế, thay vì luôn đau đáu kiếm tìm sợi dậy trói buộc mọi cái đẹp ở đời Nguyễn Trãi lại thả hồn với mọi khoảnh khắc cuộc sống ở hiện tại, để hít hà đầy đủ dư âm nhân gian, trân trọng những mĩ vị hàng ngày được nhìn, ngắm, chẳng vậy mà xuân đến nhà thơ xốn xang khi thấy:

Một đóa đào hoa khéo tốt tươi,

Cành Xuân mơn mởn thấy Xuân cười.

Âm vang cuộc sống, ánh nhìn lẽ đời bắt đầu dần lộ từ những con chữ nhỏ bé đầu tiên cho chiếc chìa khóa khẽ vặn cách cửa của bước xuân sang nơi nhành đã hé nở. Chẳng phải từng chùm, cả rừng, hay trải dài bạt ngàn hoa mà chỉ nhỏ nhắn góc sân nhà “một đóa đào hoa” nhẹ nhàng, tinh khôi lung linh trong nắng thu hút ánh nhìn của vạn vật. Phải chăng vì giờ đây thi nhân đang quan sát bước đi thời gian của mùa xuân ngày ở chính nơi mình sống, trong căn nhà nhỏ, yên bình thế nên chỉ mới kịp thấy hương vị đất mới cựa mình từ từ, chầm chậm qua những bông đào phơn phớt đầu tiên, chứ chưa đủ rực rỡ chen nhau phủ kín cả bầu trời như giữa Xuân. Cái gì đầu tiên, chớm hơi cũng đẹp, đáng chú ý, khiến người ta say mê, thế nên viết về hoa đào cũng chẳng phải điều quá lạ lẫm trong thi ca, bởi trước đó Chế Lan Viên từng bộc bạch:

Hoa đào trước ngõ em qua
Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa

Hay hiểu từng nụ xuân ấy với niềm ngưỡng mộ Lệ Bình nói:

Hoa đào ưa rét
Lấm tấm mưa bay
Hoa mai chỉ say,
Nắng pha chút gió

Có lẽ viết về cánh đào cũng nhiều, mượn hoa mà nói lòng người chẳng ít, song để phô sự mơn mởn, đầy sức sống đến mức “tốt tươi” như Nguyễn Trãi thì không phải nhà thơ nào cũng tinh tế mà khai phá ra. Và rồi nhìn một nhành hoa mà ta như cảm thấy sự trỗi dậy, chen nhau đua nở giữa đất trời nhân gia, mở cả cánh cửa mùa xuân đang thật lộng lẫy, sáng rực khiến lòng ta nao nao, mê đắm. Thế nhưng, cái hay của Nguyễn Trãi không chỉ là ở cách khám phá từng giây phút “đáo đào” kia cựa mình bung nở, biệt tài của ông còn được sử dụng khéo léo ở chỗ mượn hoa để nói về người, chẳng thế mà ông đem nụ “cười” của “ Xuân” trao cho vạn vật khi thấy “cành Xuân” kia đang tươi rói trước nắng mai. Phải chăng “Xuân” là gắn với hành trình thời khắc bắt đầu năm mới, thế nên khi nó vừa chạm chân tới nhân gian chợt gặp nhành hoa đào soi mình mở cánh trong nắng bất giác mà rộn niềm vui tươi, hé nụ “cười”? Hay khi tiết trời cũng vừa thay áo mới, gió phơi phới tràn về trong không gian làng quê nụ đào hôm qua còn chúm chím nay vì gặp được người tình mùa xuân mà “mơn mởn” đầy tươi vui? Dù hiểu theo ý nào thì câu thơ cũng tràn ngập sự quấn quý, giao hòa, đẹp đẽ, thơ mộng khiến ta bối rối, xốn xang không nguôi. Chẳng thế mà, nhìn hoa Nguyễn Trãi còn nhờ đến người để mà gửi gắm qua biện pháp ẩn dụ bóng dáng cười e lệ của nàng thiếu nữ mới đôi mươi, đẹp như cánh đào đang độ hương sắc nhất cuộc đời, thấy Xuân về cũng ngượng ngùng, nép vào nhành hoa. Do đó, chỉ bằng vài nét chấm phá tinh tế nên nền thiên nhiên mà giờ đây thi nhân bỗng phút chốc làm sáng rực cả bầu trời không chỉ với sắc thắm của hoa mà còn là sức sống “mơn mởn” của con người, hai cái đẹp cùng gặp nhau, đối diện ánh nhìn mà hòa hợp, hoan ca.

Nhắc đến mùa xuân mà quên đi những cơn gió đông nhè nhẹ, thổi luồng sinh khí mới vào đất trời, hòa điệu khúc ca ngọt ngào cùng thiên nhiên thì thật có nhiều thiếu sót. Chính vì vậy, Nguyễn Trãi đã chắp bút thổi ngay làn gió đông tình tứ ấy vào trang thơ một cách thật bất ngờ:

Đông phong ắt có tình hay nữa,

Kín tiễn mùi hương dễ động người.

Mỗi người nghệ sĩ đều sẽ mở ra thế giới tâm hồn mình bằng rất nhiều cánh cửa khác nhau, để chạm vào trái tim bạn đọc, từ đó cùng họ khám phá thế giới. Và Nguyễn Trãi cũng không nằm ngoài quy luật sáng tác thơ ca ấy, chẳng thế mà ông đưa mỗ chúng ta tới cuộc đời qua hồn thơ của mình một cách thật ý vị mà khác biệt với các thi nhân xưa. Chẳng thế mà, dù chung tâm tưởng, cảm hứng viết về cánh hoa đào phảng phất trước gió đông Thôi Hộ đau đớn, giật mình trước nỗi bàng hoàng của sự chia xa:

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Thì với tiếng thơ Ức Trai lại không như thế, hoa đào ấy phô mình trước cỏ cây cứ thế long lanh, ửng hồng hãnh diện về thần sắc mà đất trời ban tặng, để rồi luồng gió đông qua, rong chơi trước bao miền đất lạ cũng phải ngoái nhìn “ắt” hẳn nảy sinh “cái tình” với vẻ đẹp mong manh kia. Thế nên, hoa cùng gió giờ đây như nhân hóa thành những con người có tâm tư, tình cảm, biết tình tứ bén duyên, hay mượn cảnh mà Nguyễn Trãi nói về lòng của chính thi sĩ, về tiếng say sưa trước người con gái đẹp ẩn trong cánh hoa đào nghiêng mình trước mùa xuân kia, còn thi sĩ lại tựa con gió “đông phong” nhè nhẹ đắm say bởi cái mĩ miều mà vạn vật đêm đến cũng như cô thôn nữ trong trang thơ. Dù là cách hiểu nào, thì câu thơ cũng tràn đầu tình tứ, ý vị sâu sa khiến ta cũng mỉm cười hạnh phúc bên vẻ mộng mơ cùng cái tinh tế, nhạy cảm nơi tâm hồn nhà thơ. Ta còn hạnh phúc hơn, khi bắt gặp sự bất ngờ say mê của gió đông kia ngay lập tức biến thành hành động khiến nó đưa mùi hương của hoa lẫn vào không gian, ban cái đẹp lan tỏa khắp đất trời mà đánh thức vạn vật, làm tỉnh cả mùa xuân, “động” lòng “người” trong bao chất ngất! Ý thơ, tình người từ đó cũng chắp cánh bay lên, khiến bạn đọc thấy rõ tận cùng trái tim và tình yêu thiên nhiên say đắm, trân quý cuộc sống một cách đáng trọng của thi nhân mà dù hôm qua, hôm nay hay mai sau cũng đều sẽ còn sống mãi cùng tâm hồn ta.

Có thể nói, chỉ bằng bút phát tả cảnh ngụ tình, kết hợp vài đường nét bay bổng nhẹ nhàng, điểm xuyết vào cảnh vật vô cùng tinh tế, đặc trưng của mùa xuân nơi bông đào hé nụ, nhà thơ Nguyễn Trãi đã đem đến cho người đọc yêu thơ một bức tranh tuyệt bích, hoàn mĩ về thiên nhiên và con người một cách đẹp đẽ. Chính vì thế, “Đào hoa thi” dù không phải là một bài thơ nổi tiếng nhất của thi nhân, nhưng chắc chắc sẽ là khúc tình ca ngọt ngào về đất trời mỗi độ xuân sang, đủ sức neo đậu nơi trái tim mỗi chúng ta hôm nay và mãi mãi mai sau....

4. Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật

Hồ Xuân Hương là nữ sĩ nổi tiếng của nước ta cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, với phong cách thơ rắn rỏi, mạnh mẽ. Với tài năng của mình bà được người đời mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”. Bánh trôi nước là bài thơ thể hiện rõ nét phong cách thơ của bà. Qua hình ảnh bánh trôi nước nhà thơ đã kín đáo phản ánh thân phận nhỏ bé, bấp bênh, chìm nổi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nhưng đồng thời cũng nói lên phẩm giá cao đẹp của họ.

Bánh trôi nước là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Đề tài và cảm hứng sáng tác bài thơ bắt nguồn ngay trong chính những vấn đề đang tồn tại phổ biến trong xã hội phong kiến: vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ Việt Nam trong XHPK đương thời. Tuy vỏn vẹn bốn dòng thơ, hai mươi tám chữ nhưng đã khái quát một cách sâu sắc, ẩn ý sâu sa để mỗi độc giả khi tìm đọc đều hình dung một cách chân thực, rõ nét vẻ đẹp, thân phận của người phụ nữ Việt Nam

Bài thơ khắc họa đặc điểm và quá trình làm bánh trôi: từ hình dáng, cấu tạo, đặc điểm, tính chất, cách thức. Bánh trôi là thứ bánh được làm bằng bột nếp, đây là loại bánh quen thuộc, dân giã ở đồng bằng Bắc Bộ. Bánh trôi hiện lên với vẻ ngoài đặc trưng “trắng, tròn”, được nhào nước cho nhuyễn, rồi nặn thành hình tròn như quả táo, bọc lấy nhân bằng đường đen. Để làm chín, bánh được bỏ vào nồi khi nước sôi, trải qua “chìm nổi”, khi chín thì bánh nổi lên. Người nặn bột làm bánh phải khéo tay thì bánh mới đẹp, nếu vụng thì bánh có thể bị rắn hay bị nhão. Nhưng dù thế nào thì bánh vẫn phải có nhân. Thiếu nhân, bánh sẽ rất nhạt nhẽo. Đọc bài thơ, ta thấy hiện lên đúng là bánh trôi nước, không sai một li. Khi để nguội, bánh ăn dẻo và rất ngon. Theo quan niệm của ông cha ta, thì đây là thứ bánh tinh khiết, có thể dùng để cúng tổ tiên vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch. Có thể thấy, hình tượng chiếc bánh trôi “trắng, tròn”, dù trải qua “chìm nổi” hay phụ thuộc vào sự khéo léo của người nặn nhưng vẫn mang vẻ đẹp tinh khiết, thuần túy là lớp nghĩa đầu tiên mà bài thơ muốn truyền tải.

Hình ảnh trong bài thơ là bánh trôi nước. Nhưng bài thơ đâu phải là tác phẩm quảng cáo cho một món ăn dân tộc. Thơ vịnh chỉ thực sự có ý nghĩa khi có sự gửi gắm tình cảm, tư tưởng của nhà thơ. Bài thơ của Hồ Xuân Hương, vì thế, còn là lời tự bộc bạch của một tấm lòng phụ nữ. Ta có thể nói nhà thơ mượn lời cái bánh trôi để nói lên thân phận và tấm lòng người phụ nữ. Bánh trôi là một hình ảnh gợi hứng, một ẩn dụ.

Bài thơ mở đầu với mô típ “thân em”- một mô tip quen thuộc mà ta thường gặp trong ca dao than thân. Cũng giống như bao lời than trong ca dao, bài thơ mở đầu như một lời tự bộc bạch, giới thiệu về thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Trong hai câu thơ đầu tiên hình ảnh chiếc bánh trôi hiện lên vừa đẹp vừa chân thực:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non”

Bánh trôi - một thứ bánh quen thuộc, bình dị trong đời sống con người nhưng qua con mắt tinh tế, tài quan sát nhạy bén thì thi sĩ Hồ Xuân Hương đã phát hiện ra những nét tương đồng giữa chiếc bánh trôi đó và cuộc đời của người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến. Cả chiếc bánh trôi và người phụ nữ đều có vẻ bề ngoài rất đẹp, tâm hồn thanh cao nhưng cuộc đời lại không may mắn, lại phải sống cuộc sống chìm nổi, bấp bênh, không làm chủ được cuộc đời của mình. Từ “vừa” được nhắc lại hai lần trong một câu thơ đã nhấn mạnh hơn về phẩm chất cũng như vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ. Với cách dùng từ khéo léo thì vẻ đẹp của người phụ nữ không chỉ được thể hiện một cách rõ nét mà ta còn nhận thấy ở đó niềm tự hào, họ rất ý thức về vẻ đẹp của bản thân mình. Trong văn học trung đại, người phụ nữ rất ít khi mạnh dạn để nói lên vẻ đẹp của mình vậy mà trong thơ bà chúa thơ Nôm những điều đó được nói lên một cách rất tự tin và mạnh bạo, đây chính là nét mới mẻ, độc đáo trong thơ bà. Với ngoại hình đẹp và nhân phẩm như vậy đáng lẽ người phụ nữ lại có cuộc sống ấm êm và hạnh phúc thế nhưng những bất công của xã hội phong kiến xưa đã làm cho cuộc sống của họ không được như vậy. Hồ Xuân Hương đã khéo léo đưa thành ngữ dân gian “bảy nổi ba chìm” vào câu thơ khiến ta hình dung được cuộc sống bấp bênh, vô định, không biết đi đâu về đâu của người phụ nữ. Cuộc đời của những người phụ nữ mới đáng thương biết bao nhiêu!

Chính vì cuộc đời gặp nhiều bất công, nhiều éo le ngang trái cho nên nữ sĩ đã thẳng thắn thay lời người phụ nữ cất lên lời than thân đồng thời khẳng định tấm lòng thuỷ chung, son sắt của người phụ nữ:

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.

Câu thơ đã nói hình dạng chiếc bánh trôi tròn hay là méo là phụ thuộc vào bàn tay của người nặn. Và người phụ nữ cũng vậy, cuộc sống hạnh phúc, hay bất hạnh là phụ thuộc vào những người có quyền trong xã hội. Cặp từ “rắn – nát” được lên đầu câu nhằm nhấn mạnh vào sự éo le, phụ thuộc trong cuộc đời người phụ nữ. Những quy định khắt khe của xã hội cũ với quan niệm trọng nam khinh nữ, tam tòng tứ đức đã tước đi cuộc sống hạnh phúc, tự do của những người phụ nữ. Và Hồ Xuân Hương cũng là một người chịu nhiều đắng cay, bất công như vậy: bà yêu Chiêu Hồ nhưng tình cảm không được đền đáp, rồi lại làm vợ lẽ Tổng Cóc và làm lẽ Phủ Vĩnh Tường. Bà đã có những câu thơ hay nói về thân phận của mình:

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Cuộc đời của bà không chỉ bấp bênh, bảy nổi ba chìm mà còn chịu nhiều cay đắng hơn bội phần. Hồ Xuân Hương thương cho số phận của mình, thương cho những người có cùng cảnh ngộ như mình. Bằng những lời bộc bạch chân thành, tự nhiên nữ sĩ đã nói lên những đau đớn, những uất ức chung của người phụ nữ. Từng câu chữ ở trong câu thơ chính là lời phản kháng mạnh mẽ, lên án xã hội đầy rẫy những bất công.

Tuy cuộc sống nhiều đau khổ như vậy, nhưng họ vẫn luôn giữ cho mình phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam:

“Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”

Nữ sĩ một lần nữa lồng ghép hình ảnh nhân của chiếc bánh trôi mang màu đỏ của đường để làm tăng lên vẻ đẹp thanh cao của người phụ nữ luôn thủy chung. Đây là câu thơ mang ý chính của toàn bài, mang ý nghĩa quan trọng nhất. Tấm lòng son sắt như màu đỏ của dòng máu chảy trong người. Câu thơ vừa miêu tả được hình ảnh chiếc bánh trôi nước vừa đề cao được vẻ đẹp cả bề ngoài lẫn phẩm giá bên trong của người phụ nữ. Chỉ với những quan hệ từ “mặc dầu” ,”mà” Hồ Xuân Hương đã diễn tả đầy đủ tinh thần của người phụ nữ vừa sẵn sàng đối mặt với những quan niệm hà khắc của chế độ phong kiến vừa giữ gìn phẩm giá cao đẹp của mình trong bất kì hoàn kì hoàn cảnh nào. Sự thuỷ chung, phẩm giá, tài năng của họ vẫn giữ trọn vẹn, sáng ngời như những hạt ngọc long lanh.

Bài thơ vẻn vẹn chỉ có bốn câu thơ bảy chữ ngắn gọn (thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật) với đề tài là một sự vật bình dị trong cuộc sống nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Hồ Xuân Hương đã mang đến nhiều vẻ đẹp khác biệt. Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng linh hoạt: so sánh, đảo ngữ, ẩn dụ, sử dụng thành ngữ, nhiều tính từ…đặc sắc, độc đáo diễn tả sâu sắc nội dung, để người đọc hình dung rõ hơn về vẻ đẹp, số phận của những người phụ nữ. Chẳng hạn, việc Hồ Xuân Hương sử dụng đảo ngữ trong thành ngữ: “Bảy nổi ba chìm”, tính từ, đảo ngữ “rắn - nát” đã nhấn mạnh số phận bấp bênh, ngang trái, thân phận chìm nổi của người phụ nữ hay việc nữ sĩ sử dụng hình ảnh ẩn dụ “tấm lòng son”, tính từ “trắng - tròn” giúp người đọc hình dung rõ nét về vẻ đẹp của người phụ nữ: không chỉ đẹp đẽ, vẹn tròn về hình thức mà còn sắt son, chung thủy trong phẩm chất. Bài thơ còn đặc sắc bởi ngôn ngữ thơ bình dị, mang nhiều lớp nghĩa: lớp nghĩa tả thực và ẩn dụ càng cho thấy tài năng điêu luyện của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Bánh trôi nước là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt nhưng được viết bằng chữ Nôm đặc sắc đã thể hiện rõ sự trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ VN, đồng thời khẳng định: dù xã hội đầy rẫy những bất công, vùi dập người phụ nữ nhưng họ vẫn luôn ý thức được giá trị của bản thân mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ta ngưỡng mộ biết bao nhiêu tài năng kiệt xuất của nữ sĩ, thế hệ phụ nữ ngày hôm nay càng phải biết phát huy được những phẩm chất tốt đẹp mà nhà thơ gửi gắm trong những câu thơ đầy xúc động.

5. Viết bài văn phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật

Phân tích bài thơ Hồi hương ngẫu thư (Hạ Tri Chương)

1. DÀN Ý CHI TIẾT

MB

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:

+ Hạ Chi Trương (659-744) là một thi nhân nổi tiếng thời Đường với nhiều tác phẩm tiêu biểu, trong đó không thể không nhắc đến tác phẩm thơ thất ngôn tứ tuyệt “Hồi hương ngẫu thư” hay “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê”.

- Nêu ý kiến chung về bài thơ:

+ Đây là một tác phẩm tiêu biểu viết về tình cảm quê hương đất nước được yêu thích

+ Bài thơ là lời tâm sự, là tiếng lòng man mác buồn của một người con xa xứ trở về thăm quê, khi cảnh vật vẫn còn đấy nhưng người quen thì chẳng còn.

TB

1. Giới thiệu khái quát về đề tài, thể thơ:

- Là một nhà văn sớm xa quê hương từ khi còn rất nhỏ, cuộc đời bôn ba, làm nhiều chức quan to trong triều đình, đến cuối đời lại gặp khó khăn, về quê an hưởng tuổi già. Trong chính tình huống trở về nơi chôn rau cắt rốn sau năm mươi năm xa cách ấy đã trở thành nguồn cảm hứng để tác giả viết bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” – “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê”.

- Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật đã thể hiện nỗi nhớ quê hương sâu nặng và cả sự buồn bã, tâm trạng đau thương, đau đớn, xót xa vì lại trở thành người lạ ngay trên mảnh đất mình sinh thành của một người con xa xứ.

2. Phân tích đặc điểm về nội dung

a, Hai câu thơ đầu tái hiện câu chuyện hồi hương sau năm mươi năm xa cách của nhà thơ

* Câu thơ đầu mở ra hoàn cảnh về thăm quê éo le của tác giả

“Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi”

(Khi đi trẻ, lúc về già)

- Câu thơ nêu lên nghịch cảnh khi ra đi chỉ mới đôi mươi, nhưng khi trở lại tuổi đã già

- Hai cặp từ đối “đi-về” và”trẻ-giả” càng cho ta thấy rõ sự khắc nghiệt của thời gian có thể làm thay đổi mọi thứ

- Ẩn chứa nỗi niềm, tâm trạng buồn man mác vì đến lúc tuổi già, gần đất xa trời mới được trở về quê hương thân yêu

- Tuy không có lời nào thể hiện hàm ý buồn thương, nhưng cách viết nhấn mạnh sự đối lập khoảng thời gian cho người đọc thấy được nỗi tự trách, bận rộn một đời cho đến tận khi tóc bạc mới ngậm ngùi trở về.

* Câu thơ thứ hai thể hiện tình yêu quê hương không đổi trong lòng tác giả

“Hương âm vô cải, mấn mao tồi”

(Giọng quê vẫn thế tóc đà khác bao)

- Câu thơ tiếp tục sử dụng nghệ thuật đối: hương âm – mấm mao, vô cải – tồi nhấn mạnh sự tương phản, đối lập giữa cái đổi thay và cái không đổi thay

- Đây như một lời khẳng định chắc nịch của tác giả: ngoại hình thay đổi, mái tóc bạc phơ nhưng cái riêng, cái tinh tuý đặc trưng của mỗi vùng quê là giọng nói vẫn sẽ không thay đổi. “Giọng quê” là dấu hiệu nhận diện đặc biệt, sâu sắc nhất

- Qua bao nhiêu năm, ngoại hình thay đổi, mái tóc đã bạc đi ít nhiều, nhưng cái hồn quê vẫn còn thấm đượm trong giọng nói

Tình yêu quê hương, ý niệm hướng về quê hương luôn chất chứa trong lòng tác giả, mặc dù tuổi đã cao, tóc đã bạc nhưng vẫn luôn nhớ đến và tìm về cội nguồn.

b, Hai câu thơ cuối: Niềm xót xa, tiếc nuối, ngậm ngùi của tác giả trước sự thay đổi của quê hương

“Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiểu vấn: Khách tòng hà xứ lai”

(Trẻ con nhìn lạ không chào

Hỏi rằng: Khách ở nơi nào tới chơi)

- Sự bàng hoàng pha lẫn chút nuối tiếc, nghẹn ngào của thi sĩ được thể hiện một cách tinh tế trong hai câu thơ cuối bài

- Sau nhiều năm biền biệt xa xứ, khi trở về quê hương đã không còn ai nhận ra tác giả

- Câu hỏi có vẻ hóm hỉnh của đám trẻ thơ vô tình khắc sâu hơn vết thương lòng của tác giả trên chính quê hương của mình

- Đây tựa như một nghịch lí, nhưng nó cũng là lẽ thường tình bởi thế hệ cùng chan lứa với tác giả giờ mỗi người đã có một hướng đi riêng.

  • Nỗi buồn khi đặt chân về quê hương mà không còn ai nhận ra mình.
  • Khao khát muốn níu kéo thời gian của tác giả.
  • Chất chứa tình yêu quê hương nên tác giả cũng mong muốn quê hương nhớ đến mình.

3. Mở rộng liên hệ:

- So sánh với tình yêu quê hương trong “Nước non ngàn dặm” của Tố Hữu:

Nửa đời, tóc ngả màu sương
Nhớ quê, anh lại tìm đường thăm quê

....

“Người đi, tóc hãy còn xanh,

Mai về, dù bạc tóc anh cũng về”

=> Ta nhận ra tình cảm yêu quê hương là tình cảm trân quý khó có gì thay đổi được

4. Phân tích một số nét đặc sắc về nghệ thuật

- Bài thơ có kết cấu độc đáo, giữa hai phần tự nhiên, hợp lý, gây được bất ngờ cho người đọc.

- Tác giả vận dụng nghệ thuật đối tài tình cho thấy sự đổi thay của nhiều yếu tố song chỉ có tình yêu quê hương của tác giả là không đổi.

- Ngôn ngữ dồn nén, giàu sức biểu cảm.

- Sự thay đổi giọng điệu giữa hai câu đầu và hai câu sau:

+ Hai câu đầu chủ yếu mang giọng khách quan, cái ngậm ngùi chỉ được thể hiện ngầm ẩn.

+ Trong hai câu sau hoàn cảnh trở nên ngang trái, trớ trêu: nhà thơ trở thành khách trên chính quê hương của mình. Sự tươi tỉnh, hồn nhiên, cùng câu hỏi của bọn trẻ đã làm rõ hơn sự thay đổi của con người, của quê hương.

=> Như vậy, ẩn sau giọng điệu bi hài, hóm hỉnh là cảm giác buồn bã, ngậm ngùi của một người con luôn tha thiết yêu quê hương.

- Với lớp ngôn từ, giọng điệu vừa đùa vui, hóm hỉnh vừa ngậm ngùi, buồn bã đã cho thấy tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng của tác giả. .

KB:

- Khẳng định vị trí, ý nghĩa bài thơ:

+ Bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” là một tác phẩm đặc sắc của đề tài quê hương non nước.

+ Bằng lối dụng từ tinh tế, câu văn hàm súc, Hạ Tri Chương đã đem người đọc đến với nhiều cung bậc cảm xúc, từ tâm trạng vui vẻ, hào hứng khi được đặt chân về chốn cũ, cho đến cảm xúc tiếc nuối, bồi hồi khi nhận ra nơi đây đã thay đổi quá nhiều.

+ Suy nghĩ bản thân: Nhưng dù mọi thứ có đổi thay ra sao, thì tình cảm của tác giả dành cho nơi đã sinh ra mình vẫn sẽ không thay đổi, vì quê hương của mỗi người là duy nhất.

2. BÀI VIẾT THAM KHẢO KHỚP DÀN Ý CHI TIẾT

Từ xưa đến nay, tình yêu quê hương đất nước luôn là nguồn cảm hứng dồi dào của thi sĩ trong và ngoài nước. Có rất nhiều cách để thể hiện tình cảm trân quý ấy vào thơ ca, nếu Lý Bạch đem lòng da diết với ánh trăng xưa trong “Tĩnh dạ tứ”, thì Hạ Tri Chương – một nhà thơ cũng rất nổi tiếng ở đời Đường – chọn cách gửi gắm lời tâm sự, tiếng lòng man mác buồn của một người con xa xứ trở về thăm quê, khi cảnh vật vẫn còn đấy nhưng người quen thì chẳng còn. Bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” là một tác phẩm tiêu biểu của tác giả Hạ Tri Chương, thể hiện tấm lòng son sắc thuỷ chung với quê hương non nước, để lại nhiều suy nghĩ, ấn tượng trong lòng người đọc.

Là một nhà văn sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, sớm xa quê hương từ khi còn rất nhỏ, cuộc đời bôn ba, làm nhiều chức quan to trong triều đình, đến cuối đời lại gặp khó khăn, về quê an hưởng tuổi già. Trong chính tình huống trở về nơi chôn rau cắt rốn sau năm mươi năm xa cách ấy đã trở thành nguồn cảm hứng để tác giả viết bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” – “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê”. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật đã thể hiện nỗi nhớ quê hương sâu nặng và cả sự buồn bã, tâm trạng đau thương, đau đớn, xót xa vì lại trở thành người lạ ngay trên mảnh đất mình sinh thành của một người con xa xứ.

Hai câu thơ đầu bài thơ đã tái hiện câu chuyện hồi hương sau năm mươi năm xa cách của nhà thơ:

“Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi”

(Khi đi trẻ, lúc về già)

Câu thơ cho người đọc đồng cảm với hoàn cảnh về thăm quê éo le của tác giả. Có lẽ nỗi buồn phải đi xa quê hương là thứ day dứt, triền miên đối với nhiều người. Hạ Tri Chương cũng như thế, ông phải rời xa mảnh đất quen thuộc của mình khi tuổi đời còn rất trẻ. Trải qua mấy chục năm nơi đất khách quê người, nay được trở về chốn cũ, thì cũng là lúc mái tóc đã chuyển màu. Chỉ với hai cặp từ đối lập “đi-về” và “trẻ-già”, ta có thể cảm nhận được sự khắc nghiệt của thời gian, nó có thể làm thay đổi mọi thứ. Khi còn tuổi trẻ, còn sức khoẻ thì ông phải rời xa quê hương để đi tìm công danh sự nghiệp, và khi trở lại chốn quen cũ thì tuổi cũng đã già. Câu thơ này còn ẩn chứa một nỗi buồn man mác vì cả một đời người, đến lúc tuổi đã già, đến lúc gần đất xa trời thì tác giả mới được trở về với quê hương ruột thịt sau ngần ấy năm xa cách muôn trùng. Tuy không có lời nào thể hiện hàm ý buồn thương, nhưng cách viết nhấn mạnh sự đối lập khoảng thời gian cho người đọc thấy được nỗi tự trách, bận rộn một đời cho đến tận khi tóc bạc mới ngậm ngùi trở về.

Tuy xa cách là thế, nhưng Hạ Tri Chương vẫn luôn mang bên mình cái hồn của quê hương, người đọc hiểu tình yêu quê hương không đổi trong lòng tác giả

“Hương âm vô cải, mấn tao tồi”

(Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao)

Câu thơ này ông tiếp tục sử dụng nghệ thuật đối: hương âm – mấm mao, vô cải – tồi. Bao trùm lên toàn bộ câu thơ là sự tương phản, đối lập giữa cái đổi thay và cái không đổi thay. Câu thơ thứ hai tựa như một lời khẳng định chắc nịch của tác giả. Cho dù trải qua nhiều năm bôn ba, ngoại hình thay đổi, mái tóc bạc phơ nhưng cái riêng, cái tinh tuý đặc trưng của mỗi vùng quê là giọng nói vẫn sẽ không thay đổi. Điều đó chứng tỏ ông luôn ý thức được tầm quan trọng của “giọng quê”- một vẻ đẹp mang giá trị tinh thần sâu sắc. Tác giả đã lấy cái thay đổi để làm nổi bật lên cái không thay đổi, từ đó khẳng định tình cảm gắn bó máu thịt, bền chặt cuả mình với quê hương. Qua đó ta có thể cảm nhận được tình yêu quê hương, ý niệm hướng về quê hương luôn chất chứa trong lòng tác giả, mặc dù tuổi đã cao, tóc đã bạc nhưng vẫn luôn nhớ đến và tìm về cội nguồn.

Ở hai câu thơ sau, độc giả xót xa, tiếc nuối, ngậm ngùi trước sự thay đổi quê hương và đồng cảm với tác giả

“Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiểu vấn: Khách tòng hà xứ lai”

(Trẻ con nhìn lạ không chào

Hỏi rắng: Khách ở nơi nào tới chơi)

Sự bàng hoàng pha lẫn chút nuối tiếc, nghẹn ngào của thi sĩ được thể hiện một cách tinh tế trong hai câu thơ cuối bài. Sau nhiều năm xa xứ, ngày trở lại quê hương, tác giả lại trở thành thích khách trên chính quê hương của mình. Câu hỏi của đám trẻ thơ – lớp thế hệ mới ở nơi sinh ra tác giả - vô tình đã chà xát thêm vào vết thương lòng của nhà thơ. Dẫu biết đây là một điều hiển nhiên theo quy luật tự nhiên của thời gian, nhưng nó cũng trở thành một nghịch cảnh khi bạn bè đồng chang lứa giờ đây mỗi người đã có một hướng đi riêng, và dường như quê hương không còn là của mình nữa. Dẫu quê hương, con người có thay đổi ra sao thì nỗi niềm mong nhớ về cội nguồn luôn khắc khoải trong lòng Hạ Tri Chương. Ta có thể nhận thấy tác giả có một mong muốn, khao khát mãnh liệt được níu kéo thời gian, để được cảm nhận một cách trọn vẹn nhất những vẻ đẹp, những tình cảm mà ông đã bỏ lỡ trong suốt nửa thế kỉ đi tìm công danh và sự nghiệp.

Tình cảm của Hạ Tri Chương trong bài thơ khiến độc giả liên tưởng tới tình cảm yêu tha thiết quê hương của Tố Hữu trong Nước non ngàn dặm:

Nửa đời, tóc ngả màu sương
Nhớ quê, anh lại tìm đường thăm quê

....

“Người đi, tóc hãy còn xanh,

Mai về, dù bạc tóc anh cũng về”

Từ đó, ta nhận ra rằng tình cảm yêu quê hương đất nước là một thứ tình cảm vô cùng trân quý và khó có gì thay đổi được. Cùng với sự phát triển ngày càng hiện đại của cuộc sống, con người ta có cơ hội được đặt chân đến rất nhiều nơi hiện đại, mới mẻ, nhưng có lẽ hai chữ “quê hương” – cội nguồn của mỗi người vẫn sẽ mãi là nơi đẹp nhất và chứa đựng nhiều kỉ niệm đáng quý nhất của một đời người.

Bài thơ có kết cấu độc đáo, giữa hai phần tự nhiên, hợp lý, gây được bất ngờ cho người đọc. Tác giả vận dụng nghệ thuật đối tài tình cho thấy sự đổi thay của nhiều yếu tố song chỉ có tình yêu quê hương của tác giả là không đổi. Ngôn ngữ dồn nén, giàu sức biểu cảm. Ta có thể thấy sự chuyển đổi giọng điệu giữa hai câu đầu và hai câu sau khá rõ nét. Nếu như hai câu đầu chủ yếu mang giọng khách quan, cái ngậm ngùi chỉ được thể hiện ngầm ẩn. Dấu ấn thời gian in đậm nét trong các câu thơ, mọi thứ đều thay đổi duy chỉ có giọng quê là vẫn giữa nguyên. Trong hai câu sau hoàn cảnh trở nên ngang trái, trớ trêu: nhà thơ trở thành khách trên chính quê hương của mình. Sự tươi tỉnh, hồn nhiên, cùng câu hỏi của bọn trẻ đã làm rõ hơn sự thay đổi của con người, của quê hương. Như vậy, ẩn sau giọng điệu bi hài, hóm hỉnh là cảm giác buồn bã, ngậm ngùi của một người con luôn tha thiết yêu quê hương. Với lớp ngôn từ, giọng điệu vừa đùa vui, hóm hỉnh vừa ngậm ngùi, buồn bã đã cho thấy tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng của tác giả. Qua tác phẩm này ta cũng thấy được tình yêu quê hương là một tình cảm thiêng liêng và đáng trân trọng.

Bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” là một tác phẩm đặc sắc của đề tài quê hương non nước. Bằng lối dụng từ tinh tế, câu văn hàm súc, Hạ Tri Chương đã đem người đọc đến với nhiều cung bậc cảm xúc, từ tâm trạng vui vẻ, hào hứng khi được đặt chân về chốn cũ, cho đến cảm xúc tiếc nuối, bồi hồi khi nhận ra nơi đây đã thay đổi quá nhiều. Nhưng dù mọi thứ có đổi thay ra sao, thì tình cảm của tác giả dành cho nơi đã sinh ra mình vẫn sẽ không thay đổi, vì quê hương của mỗi người là duy nhất:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.”

6. Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật Thu điếu

Tham khảo

Nguyễn Khuyến là người có cốt cách thanh cao và giàu lòng yêu nước, ông một lòng không hợp tác với kẻ thù. Ông được mệnh danh là “nhà thơ của dân tình, làng cảnh Việt Nam”. Ông để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm thơ hay và đặc biệt là chùm ba bài thơ thu điển hình cho làng quê, phong cảnh Việt Nam. Trong đó nổi bật hơn cả là bài Câu cá mùa thu.

Nếu như ở bài Thu vịnh cảnh thu được đón nhận từ cao xa rồi mới đến gần thì bài Câu cá mùa thu khung cảnh thiên nhiên mùa thu lại được đón nhận ở một chiều kích khác: từ gần rồi tiến ra cao xa và từ cao xa trở về gần. Khung cảnh được mở ra với nhiều chiều hướng vô cùng sinh động.

Cảnh thu được mở ra với hình ảnh không gian hết sức trong trẻo:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Không khí mùa thu được gợi nên từ sự dịu nhẹ, nguyên sơ nhất của cảnh vật với làn nước trong veo, không một gợn đục. Mùa hè đã đi qua, những cơn mưa lớn với dòng nước đỏ đục đã không còn thay vào đó là cái thanh tĩnh, trong trẻo của làn nước, của cảnh vật. Trong không gian nhỏ hẹp ấy là hình ảnh của chiếc thuyền câu nhưng nó không hề lọt thỏm giữa không gian thiên nhiên mà lại rất hài hòa, cân xứng. Tác giả vẽ ra khung cảnh tưởng như đối lập ao thu – thuyền câu, nhưng kì thực chúng lại hòa quyện với nhau đến kì lạ. Bởi vật tác giả chọn là ao thu chứ không phải hồ thu – gợi cảm giác rộng lớn, choáng ngợp. Ao thu ấy khi có thuyền câu bên cạnh trở nên hài hòa, cân xứng và đậm chất khung cảnh làng quê Bắc Bộ Việt Nam. Hai câu thơ đầu gieo vần eo nhưng không hề gợi lên cảm giác eo hẹp, nhỏ bé, tù túng mà ngược lại gợi nên cái nhỏ nhắn, thanh thoát của cảnh vật.

Bức tranh thu tiếp tục được Nguyễn Khuyến phác họa ở cặp câu thơ tiếp theo:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Những đường nét của khung cảnh cũng hết sức mảnh mai với sóng hơi gợn tí, lá khẽ đưa vèo, dường như mọi chuyển động đều vô cùng nhẹ nhàng, thanh thoát. Vận dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh Nguyễn Khuyến đã làm nổi bật sự tĩnh lặng tuyệt đối của không gian, của cảnh vật. Phải là không gian vô cùng yên tĩnh thì thi nhân mới có thể cảm nhận tiếng động thật khẽ, thật êm của cảnh vật, dù là sóng có gợn hay chiếc lá khẽ đưa, bằng giác quan tinh tế, nhạy cảm Nguyễn Khuyến đã nắm trọn từng khoảnh khắc của thiên nhiên. Sắc vàng nếu như ở những bài thơ khác chính là sắc màu chủ đạo, là điểm nhấn để gợi nhắc mùa thu thì trong câu thơ của Nguyễn Khuyến sắc vàng ấy cũng như bao sắc màu khác trong bức tranh: xanh của trời, trong veo của nước,… nó chỉ góp phần tạo nên đường nét hài hòa cho bức tranh, tuyệt nhiên không gợi cảm giác buồn bã của tâm trạng, hay héo úa của cảnh vật.

Không chỉ vậy, cái hồn dân dã, vẻ đẹp mùa thu của làng quê Bắc Bộ còn được gợi lên từ những ngõ trúc quanh co:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Không gian được mở rộng ở chiều cao, tác giả hướng ánh mắt lên bầu trời để cảm nhận được cái “xanh ngắt” của bầu trời, và rất tự nhiên thu tầm nhìn về với ngõ trúc quanh co. Không gian mùa thu vô cùng tĩnh lặng. Mọi chuyển động đều quá nhẹ nhàng, êm ái không đủ để gợi nên âm thanh, duy chỉ có tiếng động của tiếng cá đớp mồi: “Cá đâu khẽ động dưới chân bèo”. Nhưng cái động đó kết hợp với từ “khẽ” lại chỉ càng nhấn mạnh, tô đậm hơn cái yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. Với nghệ thuật lấy động tả tĩnh, Nguyễn Khuyến đã cho thấy cái thanh tĩnh tuyệt đối của làng quê Việt Nam trong cảnh thu thanh bình, dịu nhẹ.

Bài thơ có nhan đề là Câu cá mùa thu, nói về chuyện câu cá mà thực lại không phải vậy. Mượn chuyện câu cá để cảm nhận hết trời thu, cảnh thu vào cõi lòng mình. Hẳn Nguyễn Khuyến phải có tâm hồn thanh tĩnh đến tuyệt đối mới có thể có nhận đầy đủ vẻ đẹp của mùa thu: trong veo, cái hơi gợn tí của nước, độ rơi khẽ khàng của lá. Đặc biệt sự tĩnh lặng trong tâm hồn thi nhân được gợi lên một cách sâu sắc từ tiếng động duy nhất trong bài thơ là tiếng cá đớp mồi dưới chân bèo. Sự tĩnh lặng trong cảnh vật gợi cho người đọc cảm nhận về sự cô đơn, uẩn khúc trong tâm hồn nhà thơ. Trong bài các gam màu lạnh xuất hiện nhiều: trong veo, xanh ngắt,… dường như cái lạnh của thu thấm vào tâm hồn nhà thơ hay chính tâm hồn cô đơn của tác giả lan tỏa sang cảnh vật. Đặt trong bối cảnh đất nước đầy biến thiên lúc bấy giờ, có thể thấy bài thơ thể hiện tâm trạng đau buồn của Nguyễn Khuyến trước hiện tình đất nước đầy đau thương.

Bài thơ thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của Nguyễn Khuyến. Tiếng Việt trong sáng, giản dị nhưng lại diễn tả được tất cả những gì tinh tế, đẹp đẽ nhất của cảnh vật, diễn tả được tâm trạng và tấm lòng của nhà thơ. Gieo vần “eo” – từ vận tài tình góp phần miêu tả không gian nhỏ hẹp và tâm trạng đầy uẩn khúc của tác giả. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh gợi lên cái tĩnh lặng tuyệt đối của thiên nhiên.

Bài thơ Câu cá mùa thu với ngôn ngữ bậc thầy không chỉ cho người đọc thấy tài năng của Nguyễn Khuyến trong việc dùng từ. Mà đằng sau đó ta còn cảm nhận được một tâm hồn gắn bó tha thiết với thiên nhiên, đất nước, tấm lòng yêu nước thầm lặng nhưng không kém phần sâu nặng.

7. Viết bài văn phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật - Bạn đến chơi nhà

Thưởng thức thơ Nguyễn khuyến ta thường không cảm thấy được niềm vui ở trong đó vì những bài thơ đó thường được viết khi tâm trạng ông rất buồn bã khi chứng kiến cảnh đất nước đau thương, nhiều éo le. Nỗi buồn ấy càng da diết hơn biết bao nhiêu khi ông cáo quan về quê nhà ở ẩn. Nhưng khi đọc Bạn đến chơi nhà dường như ta không còn cảm nhận được nỗi buồn ấy. Bài thơ chính là cảm xúc của Nguyễn Khuyến khi được bạn đến chơi nhà. Toàn bộ bài thơ là tâm trạng hồ hởi, vui sướng khôn xiết và ẩn chứa trong đó là tình bạn gắn kết vượt lên trên mọi hoàn cảnh.

Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, mất năm 1909. Quê ở thôn Vị Hạ, làng Và, xã Yên Đổ, nay thuộc Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam. Thuở nhỏ nhà nghèo, thông minh, học giỏi, sau đi thi đỗ đầu cả ba kì thi: Hương, Hội, Đình, do đó có tên là Tam Nguyên Yên Đổ. Ông làm quan khoảng mười năm, nhưng đến khi thực dân Pháp xâm chiếm xong Bắc bộ, ông cáo quan về quê ở ẩn. Bài thơ Bạn đến chơi nhà được làm theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luậtm là bài thơ thành công, tiêu biểu nhất của ông, và cũng là bài thơ nổi bật, đại điện cho thơ Nôm Đường luật Việt Nam nói chung. Bài thơ này lấy cảm hứng từ một kỉ niệm của ông ở tuổi mà xưa nay hiếm. Nó bày bày tỏ cảm xúc của ông và một người bạn quen nhau chốn quan trường, nay gặp lại nơi thôn quê thanh bình – nơi chôn rau cắt rốn của ông. Từng câu từ trong bài mượt mà mà thanh cao, tình cảm thắm thiết, gắn bó, mặn mà, đầy chất nhân văn. Nó thể hiện một con người chất phác, sống bằng tình cảm nơi ông.

Mở đầu bài thơ là câu nói giản dị như chính là lời chào của hai người bạn thân sau biết bao nhiêu ngày tháng mới được gặp lại:

Đã bấy lâu nay bác tới nhà

Tuổi già chính là lứa tuổi mà cảm thấy cô đơn nhất nên người ta luôn khao khát có một người bạn để cùng tâm sự, trò chuyện. Cụm từ “đã bấy lâu” đã vẽ lên khoảng thời gian đã quá lâu rồi mà người bạn kia mới có thời gian đến chơi với nhà thơ. Chính vì lẽ đó khi có bạn đến thăm thì nhà thơ quá đỗi vui mừng. Tác giả đã lựa chọn cách xưng hô rất thân mật- gọi bạn là “bác” thể hiện sự thân tình, gắn bó đồng thời ta cũng nhận thấy thái độ tôn trọng tình cảm bạn bè giữ hai người. Hai vế câu sóng đôi như một lời reo vui, đón khách, thể hiện sự xúc động ngọt ngào. Qua đó, cho thấy mối quan hệ gần gũi, thân mật giữa chủ và khách. Chỉ với một câu thơ ngắn gọn, người đọc đã cảm nhận một cách rõ nét hơn về quan hệ bạn bè bền chặt của hai người. Câu nhập đề tự nhiên như một lời nói mộc mạc, như một tiếng reo vui, thể hiện sự chân tình, niềm xúc động của tác giả khi bạn đến chơi nhà.

Theo như phép tắc thông thường thì khi bạn đến chơi, chủ nhà sẽ phải tiếp đón thật chu đáo để thể hiện tình cảm của mình thế nhưng ở đây nhà thơ lại không có bất cứ thứ gì để thiết đãi bạn.Những câu thơ tiếp theo gợi lên hoàn cảnh của nhà thơ khi bạn đến chơi:

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa

Ao sâu nước cả, khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà

Cải chửa ra cây, cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa

Lúc này, chỉ có một mình nhà thơ ở nhà, những người trẻ tuổi trong nhà đều đã đi vắng hết, ngay cả chợ cho mọi người mua bán cũng ở rất xa nhà. Theo như bề nổi của câu chữ thì Nguyễn Khuyến đang muốn thanh bạch với bạn mình rằng: cá thì rất nhiều nhưng ao lại sâu, gà thì không thiếu nhưng vườn lại rộng. Cải, cà, bầu, mướp thì chưa ra cây, chỉ có nụ, vừa rụng rốn rồi thì đương hoa. Tất cả những gì nhà thơ liệt kê ra nhằm muốn diễn đạt rằng tất cả mọi thứ đều đang ở độ dở dang và chưa đến lúc dùng được. Như vậy, bữa cơm mời khách với đầy đủ thức ăn và cả rau dưa đều không có. Nhịp thơ 3/4 tạo âm hưởng nhịp nhàng, chậm rãi, khoan thai. Phép đối chặt chẽ, lặp cấu trúc cụm từ, sử dụng tính từ, từ phủ định…đã được sử dụng để tạo dựng một hoàn cảnh éo le, đó là cách nói hài hước, phóng đại về cuộc sống thiếu thốn vật chất của tác giả, qua đó thể hiện sự hóm hỉnh, hài hước của một nhà nho thanh bạch.

Tiếp đến, Nguyễn Khuyến lại đưa ra tình huống:

Đầu trò tiếp khách trầu không có

Ông cha ta có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu là sự lịch thiệp, là thứ tối thiểu cần có mỗi khi bắt đầu một câu chuyện. Vậy mà giờ đây một miếng trầu cũng không hề có. Đọc đến đây người đọc càng hình dung ra rõ hơn sự lúng túng của vị đại quan ngày xưa nay đã trở thành một người nông dân bình thường nơi quê nhà. Tình huống được tạo ra có tính bông đùa, có sẵn nhưng hóa ra lại không có gì, từ đó cho thấy hoàn cảnh éo le của tác giả. Vật chất không có, chỉ có sự chân tình tiếp đãi bạn. Bạn biết mình nghèo, lại ở một vùng quê hẻo lánh mà vẫn đến chơi với mình thì điều đó còn gì quý giá hơn. Ẩn trong câu chữ của Nguyễn Khuyến chính là sự tự hào trong lối sống thanh bạch của mình. Tuy nhà thơ nghèo thật nhưng khó có ai có thể đổi được cái nghèo như vậy.

Câu thơ khép lại bài đã nói thật rõ về ý và tình của nhà thơ. Tiếp bạn không có mâm cao cỗ đầy, cao lương mĩ vị mà chỉ cần có một tấm lòng chân thành, một tình bạn thắm thiết là đủ:

Bác đến chơi đây ta với ta

Câu thơ này chính là linh hồn của cả bài thơ. “Ta với ta” nghĩa là một tấm lòng đến với một tấm lòng, hai người tri kỉ tìm đến nhau. Sử dụng quan hệ từ “với” nối liền hai chữ ta, qua đó ta thấy giữa chủ và khách dường như không còn khoảng cách, chỉ còn lại sự hòa hợp, vui vẻ, trọn vẹn. Tất cả những lễ nghi bên trên đều trở nên vô nghĩa. Giữa chủ và khách có chung tình cảm thắm thiết mà không thứ vật chất nào có thể so bì được. Ba tiếng “ta với ta” gợi cảm xúc thật vui mừng. Bạn bè xa nhau lâu ngày, nay vượt khoảng cách xa xôi đến thăm nhau thật là đáng quý. Sự gắn bó, gần gũi nhau về mặt tâm hồn đã gắn bó chủ và khách làm một. Tất cả những thứ vật chất cao sang như đã bị xoá nhoà. Tình bạn của hai người là thứ quý giá nhất. Ta còn nhớ rằng trong lần khóc người bạn Dương Khuê của mình Nguyễn Khuyến đã viết:

Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua

Bạn đến chơi nhà được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật nhưng ý thơ lại khá bất ngờ khi không tuân theo cấu trúc đề, thực, luận, kết như ở thơ Đường truyền thống. Đây là điều đặc biệt như chính cách mà hai người bạn đến chơi với nhà và trò chuyện với nhau. Giọng thơ tự nhiên, giản dị gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân chốn quê nhà nhưng qua đấy nét tài hoa của Nguyễn Khuyến trong tả cảnh, tả tình cũng được bộc lộ rõ nét. Cảnh và tình hoà hợp với nhau để tạo nơi bức tranh nơi làng quê đẹp đẽ và đầy mối ân tình. Bài thơ là tấm lòng của nhà thơ nhưng cũng là bức tranh phong cảnh nơi nông thôn bình dị và tràn đầy sức sống.

Bạn đến chơi nhà quả là bài thơ hay viết về tình bạn, một thứ tình cảm gắn bó keo sơn. Tâm hồn thanh bạch của hai người bạn đã hoà vào nhau làm một, một lối sống trọng nghĩa trọng tình. Ta ngưỡng mộ biết bao nhiêu tình bạn cảm động ấy. Thứ mà tác giả thiết đãi bạn của mình chính là cảnh vật bình dị là lòng người mang đầy sự ấm áp. Món quà đó còn mang nhiều giá trị hơn là những món cao sơn mĩ vị. Bài thơ gợi cho ta những suy nghĩ về giá trị, ý nghĩa của tình bạn chân chính trong cuộc đời.

8. Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học Qua đèo Ngang (không chép mạng)

Đèo Ngang là một thắng cảnh đẹp của đất nước ta. Đứng ở trên đỉnh đèo, nhìn về bốn hướng hướng nào cũng để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đến nơi đây. Nhìn về phía đông là biển xanh thẳm, với từng đợt sóng vỗ vào sườn núi, phía tây là núi non trùng trùng điệp điệp, trông về phía bắc nam thì một khoảng trời màu đỏ thẫm của sỏi đá. Chính vì đẹp đến nao lòng người như vậy mà Đèo Ngang đã gợi biết bao cảm xúc, là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ. Trong số đó, ta phải kể đến bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Đây là bài thơ bộc lộ tâm trạng, nỗi niềm của bà khi trên đường vào Huế để nhận chức. Qua đèo Ngang lấy cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết.

Bà Huyện Thanh Quan được biết đến là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có sống ở thế kỉ XIX. Tuy những sáng tác của bà còn để lại cho đời không nhiều (hiện nay chỉ còn để lại sáu bài thơ Đường luật) nhưng đó đều là những tác phẩm có giá trị. Những bài thơ Nôm của bà phần nhiều là tả cảnh, tỏ tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện (Dương Quảng Hàm). Qua Đèo Ngang là bài thơ được viết theo thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật. Cảm hứng khơi nguồn sáng tác của bà chính là khung cảnh quê hương, đất nước, qua đó, bộc lộ tâm trạng con người. Bài thơ với hai câu đềkhắc họa chung về cảnh vật Đèo Ngang, hai câu thực miêu tả rõ nét cuộc sống con người nơi Đèo Ngang, hai câu luận khắc họa tâm trạng nhớ nước, thương nhà của tác giả và hai câu cuối thể hiện nỗi cô đơn đến tột cùng của bà.

Hầu hết trong các sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan đều mở đầu bằng hình ảnh hoàng hôn. Và bài thơ này cũng không nằm ngoài mô tip đó:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá xen hoa

Hai câu thơ đầu hiện lên với khung cảnh thiên nhiên nơi Đèo Ngang trầm buồn như bức tranh thuỷ mặc. Đèo Ngang hiện ra mang đầy vẻ hoang sơ và buồn bã. Không gian và thời gian được xác định rất rõ qua cụm từ “bóng xế tà” mà nữ sĩ sử dụng. Có thể thấy rằng đây chính là khoảng thời gian gợi tâm trạng trong lòng người. Ở ca dao, dân ca ta cũng bắt gặp những vần thơ viết về buổi chiều tà để diễn tả nỗi buồn không biết bày tỏ cùng ai. Mặt trời sắp xuống núi để đi ngủ, ánh hoàng hôn đã bao phủ kín nơi này. Cảm giác của nhà thơ lúc này thật cô đơn và lạc lõng biết bao nhiêu. Cảnh vật gợi buồn đến nao lòng. Ở đây chỉ cỏ cây và hoa. Từ “chen” được điệp lại hai lầm làm tăng thêm sự hiu quạnh ở nơi đây. Cỏ cây chen chúc nhau vươn ra chỗ có ánh nắng mặt trời để kiếm tìm sự sống. Hình ảnh ở trong hai câu thơ vừa mang tính ước lệ, vừa được chọn lọc rất kĩ càng gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

Sau cảm nhận đầu tiên về khung cảnh nơi đây, tác giả phóng tầm mắt của mình ra xa hơn để tìm đến với con người. Theo lẽ đúng mà nói, cảnh thiên nhiên có thêm dấu chân của con người phải đẹp đẽ, sinh động hơn thế nhưng ở đây sự xuất hiện lác đác của con người chỉ khiến cho cảnh vật càng trở nên hiu hắt hơn bao giờ hết:

“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà"

Câu thơ gợi ra cho ta cảnh trong bóng chiều lạnh lẽo có mấy chú tiều phu đang đi đốn củi, mấy quán chợ thưa thớt. Đảo ngữ đã đưa hai từ láy lom khom và lác đác lên đầu câu thơ đã được tác giả vận dụng một cách tài tình, hình ảnh này đã gợi lên một cuộc sống tẻ nhạt, buồn chán. Nơi đây khác hẳn với chốn kinh kì sôi động, náo nhiệt và nhiều bon chen. Nhà thơ đang muốn kiếm tìm sự sống nhưng dường như điều đó lại càng khiến cho cảnh vật chốn này thêm xa vắng, buồn bã hơn bội phần. Sự đối lập trong hai câu thơ thực này khiến cho cảnh dưới núi, trên sông thật thưa thớt. Từ “vài”, “mấy” đã càng làm tăng sự vắng vẻ ở chốn đèo Ngang này.

Trong không gian vắng lặng ấy từ phía xa xa bỗng vẳng lên tiếng chim quốc quốc, chim gia gia kêu đều đều:

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Hai câu thơ này, Bà Huyện Thanh Quan đã sử dụng thính giác của mình để cảm nhận: tiếng chim quốc quốc, chim gia gia từ phía xa vọng lại, rơi vào khoảng không vắng vẻ, yên tĩnh của buổi chiều ở trên đèo cao. Từ khung cảnh thiên nhiên đó và hoàn cảnh của nhà thơ lúc này đã khiến cho bà liên tưởng đến nỗi nhớ nước và thương nhà của mình. Bà từng có khoảng thời gian được triệu về Huế để giữ chức cung trung giáo tập và bài thơ có lẽ được bà viết trong khoảng thời gian đó nên nỗi nhớ nhà được thể hiện rất rõ. Một người phụ nữ phải đi xa quê hương của mình đến một nơi khác để sinh sống thì trong lòng cũng chất chứa biết bao nhiêu nỗi buồn. Tiếng chim gia gia gợi biết bao nỗi niềm thiết tha như vậy, thế còn tiếng chim quốc quốc khắc khoải thì mang ý nghĩa gì? Nhà thơ thương cho cảnh nước nhà đang chìm trong cảnh loạn lạc, gia đình thì li tán không được sum vầy. Nỗi đau lòng khi nhớ nước có lẽ chính vì lí do như vậy. Điệp âm "con cuốc cuốc" và "cái gia gia" tạo nên một âm hưởng nghe thật du dương nhưng cũng đau đến xé lòng. Thủ pháp lấy động tả tĩnh của nhà thơ sử dụng thật điêu luyện, trên cái nền thật yên tĩnh, quạnh hiu đột nhiên có tiếng chim kêu thực sự càng thêm não nề.

Hai câu thơ ở phần luận của Qua đèo Ngang đã nhấn mạnh tình cảm của bà Huyện Thanh Quan dành cho Tổ quốc, cho gia đình. Từ hiện thực xã hội đương đời và cảnh vật nơi đèo Ngang khiến cho tác giả sực nhớ đến mình và thốt lên

Dừng chân dứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.

Dừng chân đứng lại để quan sát cảnh vật ở xung quanh nhưng hiện ra trước mặt bà chỉ là: trời, non, nước. Vũ trụ bao la, xung quanh bà là thiên nhiên rộng lớn với núi, sông khiến cho con người thật nhỏ bé, đơn độc. Nơi đây chỉ có một mình nhà thơ và cộng hưởng thêm tình cảm thiêng liêng dành cho nước, cho nhà khiến lòng bà càng thêm trống trải. Vũ trụ rộng lớn quá! Con người cô đơn biết nhường nào! Cụm từ “ta với ta” đã càng cho thấy rõ hơn tài năng điêu luyện của nhà thơ. Cũng là cụm từ này nhưng nhà thơ Nguyễn Khuyến lại viết:

Bác đến chơi đây ta với ta

Câu thơ của Nguyễn Khuyến là sự kết hợp của hai người: hai mà một, tuy một mà hai. Còn Bà Huyện lại nói:

Một mảnh tình riêng ta với ta.

Câu thơ đã nhấn mạnh vào sự lẻ loi, đơn côi của mình nơi thiên nhiên rộng lớn. Qua đây, ta đã cảm nhận rõ nét hơn về nỗi niềm tâm sự của nhà thơ trước cảnh quê hương, đất nước.

Không chỉ có giá trị nội dung sâu sắc mà bài thơ còn được người đọc yêu thích, đón nhận bởi đây là một minh chứng mẫu mực về nghệ thuật cổ điển Đường thi. Tác giả đã sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú, các câu tuân thủ đúng về niêm, luật, vần, đối. Ngôn ngữ được trau chuốt kĩ càng, mượt mà mặc dù đã được Việt hóa. Đảo ngữ, chơi chữ được sử dụng linh hoạt mang đến giá trị đặc sắc cho bài thơ. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình xuất sắc, chỉ nói về cảnh vật mà nỗi niềm, tâm trạng của tác giả được thể hiện rất rõ nét. Toàn bộ bài thơ được gieo vần "a" như chính tâm sự hoài cổ của nữ sĩ. Bạn đọc không tìm thấy dù chỉ một chút gọi là sự ồn ào trong cách miêu tả của nhà thơ mà tất cả đều là sự trầm lặng như chính nỗi niềm của Bà Huyện.

Từ trước cho đến nay, có rất nhiều nhà thơ đã viết về đèo Ngang nhưng có lẽ không có ai thành công như bà Huyện Thanh Quan vì bài thơ có giá trị đặc sắc, không chỉ khắc họa thành công ảnh vật mà trong đó còn chưa đựng cả tâm hồn, tình cảm, nỗi lòng nhớ nước, thương nhà và tài năng của một cây bút tuyệt vời. Gấp trang sách lại mà trong lòng mỗi chúng ta vẫn còn bâng khuâng bao nỗi niềm cũng nữ sĩ. Bài thơ sẽ còn sống mãi với thời gian với những gì tươi đẹp nhất.

9. Viết bài văn phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật - Thu ẩm

Nguyễn Khuyến là một trong những tác giả nổi tiếng của văn học trung đại Việt Nam. Bài thơ Thu ẩm thuộc chùm thơ về mùa thu của ông và là một trong những bài thơ thu hút độc giả nhất của ông. Bài thơ này đánh dấu một tư tưởng đặc sắc trong đời sống của con người, cũng như là nỗi lòng của nhà thơ về đất nước. Cảnh thu trong bài thơ được miêu tả qua bút pháp nghệ thuật thơ đầy độc đáo, tiêu biểu.

Bài thơ Thu ẩm của Nguyễn Khuyến bắt đầu với hai câu đề:

Ba gian nhà có thấp le te,

Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.

Nguyễn Khuyến không chọn không gian sáng để tôn lên bức tranh thu mà thay vào đó là không gian buổi đêm “ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe”. Cảnh thu trong bài thơ không phải là những gì tươi đẹp, sang trọng, rực rỡ. Đó là cảnh nghèo khó “ba gian nhỏ cỏ”. Gian nhà cỏ là biểu trưng cho cái nghèo, cái cực. Tuy nhiên, trong thơ Nguyễn Khuyến, cái nghèo dường như bị xóa nhòa. Từ láy “le te” gợi hình dung về mức độ thấp của cảnh vật. Bóng tối dường như bao trùm và khiến cảnh vật bị xóa nhòa.

Hai câu thực:

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

Làn áo lóng lánh bóng trăng loe.

Hình ảnh thơ rất độc đáo: sương thu như màu khói phủ quanh bờ rào. Cách chọn hình ảnh rất bình dị, rất mộc mạc. Hình ảnh này cho ta thấy rõ hơn cảnh vật buổi đêm trong bài thơ và tạo cho độc giả một hình ảnh rất sinh động, tươi mới.

Xuất phát từ hai câu đề “Ba gian nhà có thấp le te, Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè”, bài thơ Thu Ẩm của Nguyễn Khuyến đưa đọc giả vào không gian buổi đêm với cảnh vật nghèo khó và mờ mịt. Tuy nhiên, nhờ vào cách chọn từ và hình ảnh rất bình dị, mộc mạc của tác giả, cảnh vật được tô điểm một cách tươi mới, sinh động hơn.

Với hai câu thực “Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt, Làn áo lóng lánh bóng trăng loe”, Nguyễn Khuyến miêu tả hình ảnh sương thu như màu khói phủ quanh bờ rào và bóng trăng lóng lánh, tạo nên một bức tranh về cảm giác uống rượu mùa thu cực kỳ tuyệt vời.

Với tông thơ cao quý và lời văn rất ấn tượng, Nguyễn Khuyến đã đưa đọc giả vào một thế giới đầy màu sắc và cảm xúc. Bài thơ Thu Ẩm của ông là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong thơ Việt Nam, là một bức tranh về văn hóa và truyền thống của dân tộc.

10. Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Rằm tháng Giêng (Nguyên tiêu)

DÀN Ý CHI TIẾT

MB:

- Giới thiệu những nét chính về tác giả, tác phẩm, cảm nhận khái quát về giá trị tác phẩm:

+ Chủ tịch Hồ Chí Minh – cái tên mà mỗi nhắc đến trong lòng mỗi chúng ta lại có những cảm xúc riêng. Bác không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già kính yêu giàu lòng nhân ái mà Bác còn là nhà thơ, nhà văn lỗi lạc của dân tộc Việt Nam ta.

+ Trong thơ Bác, trăng luôn là đề tài bất tận để tạo nên vẻ đẹp riêng trong thơ Người.

+ Rằm tháng giêng là bài thơ ngập tràn ánh trăng như thế

- Nêu ý kiến chung về bài thơ: Qua bài thơ, ta có thể thấy được tình yêu thiên nhiên hoà quyện với tình yêu quê hương, đất nước và niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc

TB:

1. Giới thiệu khái quát về cảm hứng, đề tài, thể thơ:

- Rằm tháng giêng là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật được viết bằng chữ Hán.

- Tác phẩm viết về đề tài thiên nhiên, cảm hứng sáng tác bài thơ bắt nguồn từ cảnh trăng sáng ở chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. - Bài thơ được viết năm 1948 xuất hiện trên báo “Cứu quốc” như truyền thêm cho quân và dân ta tình yêu thương vô bờ đối với quê hương đất nước, đồng thời đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước sâu nặng của Bác Hồ.

2. Phân tích đặc điểm về nội dung

- Hai câu thơ đầu mở ra khung cảnh tuyệt vời trong đêm nguyên tiêu với không - thời gian ngập tràn sắc xuân:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên

( Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)

+ Trong thời điểm “rằm xuân”, mặt trăng tròn đầy, ánh trăng bao trùm vạn vật trong đêm nguyên tiêu

+ Quê hương, đất nước bao trùm là một màu xanh bát ngát của xuân giang, dòng sông lúc này như được tiếp thêm thứ sức sống mới dưới không khí mát lành của mùa xuân và tiếp nối đó màu xanh của xuân thiên

+ Dưới ánh trăng, điệp từ "xuân" gợi hình ảnh thiên nhiên tràn đầy sức sống của mùa xuân : cây cối, sông nước, bầu trời, mây gió,... trong đêm rằm đầu năm .

+ Chỉ với một chữ “tiếp” mà câu thơ như bừng sáng, trở nên có hồn và sống động hơn

=> Cả dòng sông và bầu trời như đang nối liền với nhau tạo ra không gian bao la đến vô tận.
- Cảnh vừa có chiều cao của ánh trăng vừa có chiều rộng của sông nước " tiếp" giáp với bầu trời tạo ra không gian bao la vô tận

=> 2 câu thơ không tả mà giàu sức gợi hình ảnh, gợi màu sắc dù nó là bức tranh về cảnh khuya có 2 gam màu trắng và đen, sáng tối, người đọc thích thú khi hình dung cảnh đêm xuân đẹp bao nhiêu thì càng cảm phục cái tài thơ của Bác bấy nhiêu ...
b. Hai câu thơ cuối cho ta cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn con người trên nền thiên nhiên tuyệt diệu:

Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

( Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.)

+ Trên một chiếc thuyền nhỏ trôi lênh đênh giữa dòng sông, Bác đang cùng với những người chiến sĩ của mình bàn bạc việc nước

+ Hình ảnh “Yên ba thâm xứ” gợi lên không gian sông nước mênh mang, sâu thẳm mịt mù khói sóng được kết hợp với “đàm quân sự” đã hoàn toàn xóa đi nỗi sầu li hương, khoảnh khắc nhớ nhà của những tao nhân mặc khách khi nhắc đến “khói sóng” trong thơ xưa

=> Tình yêu thiên nhiên hòa lẫn tình yêu và trách nhiệm với quê hương, đất nước, ta đủ nhận ra được tinh thần trách nhiệm và mong muốn đất nước được độc lập có Bác lớn lao như thế nào.

+ Đêm đã khuya nhưng vầng trăng vẫn luôn dõi theo Bác, đợi Bác trở về, ánh sáng của trăng vẫn tràn ngập khắp nơi, trăng như đang đồng hành cùng với thi nhân

+ Hình ảnh “trăng ngân đầy thuyền” thật đẹp và kì lạ, ánh trăng đang soi dòng nước hay ánh trăng đã rơi xuống mạn thuyền để cùng với thi nhân bạc bạc việc chung của đất nước.

+ Trăng gắn bó với người nghệ sĩ biết thưởng thức vẻ đẹp của trăng và chính người nghệ sĩ phải có tâm hồn giao hoà, lãng mạn thì mới có thể nhìn thấy trăng đang đồng hành với mình.

+ Chỉ sau khi bàn bạc việc nước xong xuôi, Người mới có thời gian ngắm nhìn thiên nhiên bằng một trái tim say mê nhất

=> Như vậy, chúng ta có thể thấy được một tâm hồn thi sĩ cao đẹp của Bác Hồ

3. Phân tích một số nét đặc sắc về nghệ thuật

- Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt mang phong vị Đường thi đã dựng xây nên bức tranh thiên nhiên trong đêm trăng rằm tháng giêng mang vẻ đẹp vừa cổ điển, lãng mạn lại vừa hiện đại, đồng thời đã làm nổi bật hình tượng Bác giao hoà giữa vẻ đẹp của người chiến sĩ với thi sĩ

- Biện pháp điệp ngữ và những hình ảnh ẩn dụ đặc sắc, ngôn ngữ giàu nhạc điệu, gợi cảm cộng hưởng với phong cách thơ vừa cổ điển vừa hiện đại, Bác đã vẽ nên bức tranh trăng trên sông nức tràn đầy sắc xuân.

- Qua đây, ta cũng nhận ra được tâm hồn yêu thiên nhiên và phong thái lahc quan của người chiến sĩ cộng sản.

KB:

- Khẳng định vị trí, ý nghĩa bài thơ:

+ Tóm lại, Rằm tháng giêng có thể được xem là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật đặc sắc, giàu ý nghĩa

+ Suy nghĩ bản thân: Bài thơ cho ta hình dung một cách cụ thể bức tranh đêm trăng trên sông nước thật đẹp, hiểu thêm tấm lòng yêu dân, yêu nước, yêu thiên nhiên sâu sắc của vị lãnh tụ vĩ đại, phong thái ung dung, tự tại, lạc quan của vị cha già kính yêu của dân tộc…

BÀI VIẾT THAM KHẢO KHỚP DÀN Ý CHI TIẾT

Chủ tịch Hồ Chí Minh – cái tên mà mỗi nhắc đến trong lòng mỗi chúng ta lại có những cảm xúc riêng. Bác không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già kính yêu giàu lòng nhân ái mà Bác còn là nhà thơ, nhà văn lỗi lạc của dân tộc Việt Nam ta. Trong thơ Bác, trăng luôn là đề tài bất tận để tạo nên vẻ đẹp riêng trong thơ Người. Và Rằm tháng giêng là một bài thơ như vậy. Qua bài thơ, ta có thể thấy được tình yêu thiên nhiên hoà quyện với tình yêu quê hương, đất nước và niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Rằm tháng giêng là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật được viết bằng chữ Hán. Tác phẩm viết về đề tài thiên nhiên, cảm hứng sáng tác bài thơ bắt nguồn từ cảnh trăng sáng ở chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ được viết năm 1948 xuất hiện trên báo “Cứu quốc” như truyền thêm cho quân và dân ta tình yêu thương vô bờ đối với quê hương đất nước, đồng thời đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước sâu nặng của Bác Hồ.

Mở đầu bài thơ là khung cảnh tuyệt vời trong đêm nguyên tiêu. Thời gian và không gian trong 2 câu thơ đầu tràn ngập vẻ đẹp và sức xuân:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên

( Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)

Ánh trăng đêm rằm tháng giêng mang vẻ đẹp khác thường vì trời đất lúc này đang vào xuân. Trong đêm rằm, mặt trăng tròn đầy, ánh trăng bao trùm lên vạn vật. Ánh trăng khiến cho cảnh vật mang vẻ đẹp thật hữu tình và ta có cảm giác như trăng chưa bao giờ đẹp và tròn như vậy. Quê hương, đất nước bao trùm là một màu xanh bát ngát của xuân giang, dòng sông lúc này như được tiếp thêm thứ sức sống mới dưới không khí mát lành của mùa xuân và tiếp nối đó màu xanh của xuân thiên. Mùa xuân là mùa của lộc non. Xuân phơi phới có ở muôn nẻo, xuân của dòng sông, dòng nước và xuân trong cả không gian cao rộng của bầu trời. Từ “xuân” được điệp lại ba lần làm nổi bật lên vẻ đẹp của cây cối, sông nước, bầu trời, mây gió,... trong đêm rằm đầu năm. Chỉ với một chữ “tiếp” mà câu thơ như bừng sáng. Câu thơ trở nên có hồn và sống động hơn. Cả dòng sông và bầu trời như đang nối liền với nhau tạo ra không gian bao la đến vô tận. Hai câu thơ không tả mà giàu sức gợi hình ảnh, gợi màu sắc dù nó là bức tranh về cảnh khuya có hai gam màu trắng và đen, sáng và tối. Người đọc thích thú khi hình dung cảnh đêm xuân đẹp bao nhiêu thì càng cảm phục cái tài thơ của Bác bấy nhiêu.
Trên khung cảnh thiên nhiên vào đêm rằm tháng giêng hình ảnh con người xuất hiện thật thú vị, ta có thể cảm nhận rõ nét vẻ đẹp tâm hồn con người trên nền thiên nhiên tuyệt diệu:

Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

( Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.)

Trên một chiếc thuyền nhỏ trôi lênh đênh giữa dòng sông, Bác đang cùng với những người chiến sĩ của mình bàn bạc việc nước. Hình ảnh “Yên ba thâm xứ” gợi lên không gian sông nước mênh mang, sâu thẳm mịt mù khói sóng. Từ ngàn xưa, khói sóng thường là không gian gợi nỗi sầu li hương, khoảnh khắc nhớ nhà của những tao nhân mặc khách. Thế nhưng trong câu thơ này “yên ba thâm sứ” được kết hợp với “đàm quân sự” đã hoàn toàn xóa đi nội dung của ý thơ xưa. Tình yêu thiên nhiên hòa lẫn tình yêu và trách nhiệm với quê hương, đất nước. Ánh trăng kia như đang đồng cảm cho nỗi vất vả, lo toan của người thi nhân- người chiến sĩ cộng sản. Có lẽ từ đây, ta đã đủ nhận ra được tinh thàn trách nhiệm và mong muốn đất nước được độc lập có Bác lớn lao như thế nào. Đêm đã khuya nhưng vầng trăng vẫn luôn dõi theo Bác, đợi Bác trở về:

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

Trời khuya vậy mà ánh sáng của trăng vẫn tràn ngập khắp nơi, trăng như đang đồng hành cùng với thi nhân. Hình ảnh “trăng ngân đầy thuyền” thật đẹp và kì lạ, ánh trăng đang soi dòng nước hay ánh trăng đã rơi xuống mạn thuyền để cùng với thi nhân bạc bạc việc chung của đất nước. Trăng gắn bó với người nghệ sĩ biết thưởng thức vẻ đẹp của trăng và chính người nghệ sĩ phải có tâm hồn giao hoà, lãng mạn thì mới có thể nhìn thấy trăng đang đồng hành với mình. Và chỉ sau khi bàn bạc việc nước xong xuôi, Người mới có thời gian ngắm nhìn thiên nhiên bằng một trái tim say mê nhất. Như vậy, chúng ta có thể thấy được một tâm hồn thi sĩ cao đẹp của Bác Hồ. Hai câu thơ vừa mang nét hiện đại vừa mang nét cổ điển, chất hiện đại đó chính là tinh thần thép, là chất chiến đấu của Bác:

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong

(Nhật kí trong tù)

Bài thơ đã khép lại nhưng ấn tượng về bức tranh thiên nhiên trong đêm nguyên tiêu cùng tâm hồn yêu thiên nhiên, trách nhiệm tinh thần với dân tộc, đất nước của Bác vẫn vẹn nguyên trong lòng mỗi độc giả.

Như vậy, chỉ qua bốn câu thơ ngắn gọn được viết theo thể thể thơ thất ngôn tứ tuyệt mang phong vị Đường thi đã dựng xây nên bức tranh thiên nhiên trong đêm trăng rằm tháng giêng mang vẻ đẹp vừa cổ điển, lãng mạn lại vừa hiện đại, đồng thời đã làm nổi bật hình tượng Bác giao hoà giữa vẻ đẹp của người chiến sĩ với thi sĩ. Bằng biện pháp điệp ngữ và những hình ảnh ẩn dụ đặc sắc, ngôn ngữ giàu nhạc điệu, gợi cảm cộng hưởng với phong cách thơ vừa cổ điển vừa hiện đại, Bác đã vẽ nên bức tranh trăng trên sông nước tràn đầy sắc xuân. Qua đây, ta cũng nhận ra được tâm hồn yêu thiên nhiên và phong thái lạc quan của người chiến sĩ cộng sản.

Tóm lại, Rằm tháng giêng có thể được xem là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật đặc sắc, giàu ý nghĩa. Bài thơ giúp ta hình dung một cách cụ thể bức tranh đêm trăng trên sông nước thật đẹp, hiểu thêm tấm lòng yêu dân, yêu nước, yêu thiên nhiên sâu sắc của vị lãnh tụ vĩ đại, phong thái ung dung, tự tại, lạc quan của vị cha già kính yêu của dân tộc.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
335 226.389
0 Bình luận
Sắp xếp theo