Kể một câu chuyện về truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam (5 mẫu)

Kể một câu chuyện về truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam gồm những đoạn văn mẫu lớp 5 ngắn gọn, siêu hay sẽ giúp cho các em học sinh hoàn thành tốt tiết kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia tuần 27. Chi tiết mời các em cùng tham khảo tại bài viết sau đây.

Đề bài: Kể một câu chuyện mà em biết trong cuộc sống nói lên truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam ta.

Kể chuyện lớp 5
Kể chuyện lớp 5

Dàn ý Kể lại câu chuyện nói về truyền thống Tôn sư trọng đạo

- Những việc làm thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo:

+ Học sinh kính trọng, biết ơn thầy giáo, cô giáo.

+ Học sinh đã trưởng thành nhớ ơn thầy giáo, cô giáo cũ.

+ Cán bộ địa phương quan tâm phát triển giáo dục.

+ Nhân dân địa phương tham gia xây dựng trường lớp khang trang, sạch đẹp.

- Kỉ niệm về thầy cô:

+ Kỉ niệm về ngày đầu tiên đến trường; những hình ảnh, ấn tượng mới lạ, tốt đẹp về thầy cô.

+ Kỉ niệm về sự chăm sóc ân cần, động viên, khuyến khích học sinh của thầy cô.

+ Kỉ niệm về một việc làm tốt được thầy cô khen; một việc làm sai được thầy cô phê bình, chỉ bảo.

- Nhân vật trong các câu chuyện trên có thể là:

+ Thầy giáo, cô giáo của em và bản thân em.

+ Bạn bè ở trường, ở đường phố, thôn xóm em.

+ Người thân trong gia đình em (ông bà, cha mẹ, cô bác,...)

+ Cán bộ lãnh đạo địa phương em (phường, xã, quận, huyện, tỉnh)

+ Các cô bác ở đường phố, thôn xóm em.

- Kể như thế nào:

+ Yêu cầu: Kể một câu chuyện cụ thể (diễn ra trong một thời gian nhất định, ở một địa điểm xác định)

+ Trình tự kể:

+) Giới thiệu câu chuyện

+) Thuật lại nội dung câu chuyện:

+) Câu chuyện bắt đầu như thế nào?

+) Diễn biến của câu chuyện ra sao? (Kể rõ trình tự các sự việc xảy ra, hành động của nhân vật; chú ý nhấn mạnh những chi tiết thể hiện thái độ tôn sư trọng đạo, tình cảm của học sinh đối với thầy cô hoặc tình cảm của thầy cô đối với học sinh)

1. Kể một câu chuyện về truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam số 1

Gợi ý Kể chuyện truyền thống tôn sư trọng đạo dưới đây được HoaTieu.vn sưu tầm và chỉnh sửa, các em học sinh chỉ nên lấy làm tài liệu tham khảo.

Tôn sư trọng đạo luôn là truyền thống quý báu bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Vua Lê Hiến Tông (1461-1504) là vị vua thông minh, nhân từ và ôn hòa. Dưới thời trị vì của ông, đất nước vẫn duy trì được sự thái bình, thịnh trị có từ thời vua cha Lê Thánh Tông. Và một câu chuyện cảm động về đạo thầy trò đã được lịch sử ghi lại trong một lần Vua Lê Hiến Tông về thăm thầy cũ.

Chuyện kể rằng, khi xa giá về đến cổng làng, nhà Vua ra lệnh dừng kiệu và bước xuống đầu đường rẽ vào nhà thầy. Lúc đó, Vua ôn tồn nói với mọi người: “Hôm nay, trẫm về đây là để thăm thầy chứ không phải vi hành, công cán, vì vậy cho phép các khanh về nghỉ ở công quán”.

Khi thấy thầy giáo từ xa, Vua vội vàng đến gần. Theo đạo vua tôi, cụ sụp lạy. Nhà vua hai tay nâng vai thầy lên, ôn tồn: “Xin lão tiên sinh bình thân để cho đệ tử không bị thất lễ”. Rồi Nhà vua quay sang nói với những người đang quỳ rạp hai bên đường rằng: “Cho tất cả các ngươi đứng dậy cùng trẫm về nhà tôn sư!”. Vua nhắc lại lời nói với các quân sĩ và với người thân của thầy giáo: “Hôm nay trẫm đến đây là học trò về thăm thầy, chứ không phải thiên tử đi kinh lý, nghi lễ ở chốn triều đình dùng vào lúc khác!”.

Ngôi nhà thầy giáo giản dị, cổ kính và gọn gàng, đúng với phong thái của chủ nhân - một bần nho trong sáng. Vua mời cụ ngồi lên sập giữa để mình đứng vấn an thầy. Cụ giật mình thưa: “Tâu bệ hạ, đâu lại có thể như thế được. Đạo thầy là nặng, xong phép nước cao hơn, xin hoàng thượng cho lão phu này được đứng hầu! Người ngoài trông vào sao tiện ạ!”. Nhà vua nhẹ nhàng: “Thưa tôn sư, họ đã biết mục đích của trẫm hôm nay rồi. Tôn sư cho phép đệ tử ngồi chung là đã quá lắm rồi”.

Nhà vua nói với các quan theo hầu: “Trẫm cho các ngươi lui! Chiều nay, trẫm không dùng “ngự thiện”, trẫm xin với lão tiên sinh cùng gia đình ăn bữa cơm quê. Trẫm muốn được ngồi chung mâm với thầy cũ cho thỏa tình thầy trò, chắc lão tiên sinh cho phép”. Cụ giáo nghẹn ngào: “Xin bái tạ đức vua! Thánh chỉ đã truyền, thần xin vâng mệnh!”. Bữa cơm thầy trò chiều hôm đó diễn ra thân mật. Nhà vua đặc biệt thưởng thức món canh cua quê kiểng, bất giác nói với thầy: “Thầy cho con ăn một bát canh này thật là một niềm hạnh phúc. Hương vị cua đồng quê nhà ít có thức ăn nào sánh bằng, quả là ngon". Cũng vì thế dân gian mới có câu ca: “Canh cua nấu cải thêm gừng/ Xưa nay vua chúa đã từng khen ngon”.

Giai thoại về truyền thống tôn sư trọng đạo của Vua Lê Hiến Tông vẫn còn được người dân đời sau mãi ca tụng, nhớ về!

Kể 1 câu chuyện về tôn sư trọng đạo ngắn
Kể 1 câu chuyện về tôn sư trọng đạo ngắn

2. Kể lại câu chuyện nói về truyền thống tôn sư trọng đạo số 2

Gợi ý Kể chuyện truyền thống tôn sư trọng đạo dưới đây được HoaTieu.vn sưu tầm và chỉnh sửa. Các em học sinh chỉ nên lấy làm tài liệu tham khảo, tránh sao chép nguyên mẫu.

“Tôn sư, trọng đạo” là truyền thống bao đời nay của dân tộc ta. Ngay cả các bậc vua chúa quyền cao chức trọng thời phong kiến cũng luôn nêu cao truyền thống này. Em xin kể cho cô và các bạn nghe câu chuyện về truyền thống tôn sư trọng đạo. Chuyện kể về một người thầy nổi tiếng thời vua Lê chúa Trịnh là Thám hoa Vũ Thạnh.

Sử sách không ghi Thám hoa Vũ Thạnh từng trực tiếp dạy vị chúa Trịnh hay Thế tử nào, nhưng từng làm quan đến chức Bồi tụng. Do can gián chúa Trịnh về chuyện ân sủng hoạn quan, ông bị bãi quan, về mở trường dạy học ở trại Hào Nam (nay là khu vực làng Thịnh Hào, Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội). Học trò đông hàng nghìn người, có tới hơn bảy mươi người làm quan trong triều.

Học trò của ông làm quan nhiều đến nỗi, một lần nhà có giỗ, các học trò làm quan tại triều đều về họp ở nhà ông. Bất chợt, Trịnh phủ đòi các quan vào hầu, mà không có một người nào chực hầu cả. Chúa hỏi, kẻ lại phòng mới thưa thực là các quan về lễ giỗ nhà ông thầy ở Hào Nam. Chúa cũng tôn trọng người thầy nổi tiếng này, cho đợi đến hôm sau, xong việc mới triệu các quan vào hầu.

Câu chuyện nổi tiếng về truyền thống tôn sự trọng đạo này làm em ấn tượng mãi không thôi.

3. Kể 1 câu chuyện về tôn sư trọng đạo ngắn số 3

Gợi ý Kể 1 câu chuyện về tôn sư trọng đạo ngắn dưới đây được HoaTieu.vn sưu tầm và chỉnh sửa, các em học sinh chỉ nên lấy làm tài liệu tham khảo. 

Không biết bạn đã từng nghe câu chuyện về vua Hàm Nghi - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam cùng truyền thống tôn sư trọng đạo chưa?

Khi ấy, vua Hàm Nghi khi rời kinh thành khởi sự chống Pháp. Đến năm 1888, ông bị quân Pháp bắt được tại Tuyên Hóa, Quảng Bình, nhà vua nhất định không nhận mình chính là vua nước Nam. Phải đến khi quân Pháp đưa thầy giáo cũ của vua là Nguyễn Nhuận đến gặp, thấy vua Hàm Nghi liền đứng thẳng dậy vái tay chào, chúng mới biết đích xác rằng người mà chúng bắt được chính là vị vua trẻ tuổi, yêu nước.

Có thể thấy dù dưới thời đại vua Hàm Nghi trị vì, đất nước ta không thái bình, phát triển, nhưng tấm gương về truyền thống tôn sư trọng đạo của nhà vua xứng đáng cho các thế hệ sau noi theo.

4. Kể lại câu chuyện nói về truyền thống tôn sư trọng đạo số 4

Nhân ngày hai mươi tháng mười một, ngày nhà giáo Việt Nam, trường em đã long trọng tổ chức lễ mít tinh kỉ niệm nhằm tri ân công ơn của thầy cô đối với các thế hệ học trò. Chúng em đã chuẩn bị những bó hồng tươi thắm, những tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất dành cho thầy cô nhân ngày lễ đặc biệt này. Cũng trong ngày 20/11 chúng em được chứng kiến tấm lòng yêu thương, trân trọng của các anh chị đã ra trường dành cho mái trường và thầy cô giáo cũ của mình.

Vào buổi sáng ngày 20/11 chúng em vô cùng náo nức, nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ mít tinh, có lớp đảm nhận nhiệm vụ bày biện, tổ chức cho buổi lễ, lớp thì phân công nhau trực nhật để không gian sân trường trang trang, đẹp đẽ nhất. Cũng có lớp tập dượt lại những tiết mục văn nghệ để chuẩn bị biểu diễn cho lễ kỉ niệm sắp tới.

Mọi người đều vô cùng nhộn nhịp với công việc của riêng mình. Khi buổi lễ bắt đầu, chúng em được nghe lời diễn văn đầy ý nghĩa của thầy hiệu trưởng về ý nghĩa của nghề giáo và ngày kỉ niệm 20/11. Sau đó những tiết mục văn nghệ cũng được diễn ra một cách suôn sẻ với giải nhất thuộc về anh chị lớp 5 A.

Sau lễ mít tinh, chúng em thu gọn bàn ghế vào thì thấy những anh chị đã ra trường nhiều năm trước trở về trường và tặng thầy cô những bó hoa tươi thắm. Các anh chị đều dành cho thầy cô giáo cũ của mình tấm lòng thương yêu chân thành, vì vậy mà dù đã ra trường thì anh chị cũng vẫn thu xếp thời gian để về thăm lại mái trường xưa, thăm lại thầy cô và nói những lời tri ân công lao đầy sâu sắc.

Hình ảnh của các anh chị khiến cho em vô cùng cảm động, đó chính là tinh thần tôn sư trọng đạo mà thầy cô vẫn thường dạy cho chúng em trong những giờ học đạo đức. Đó cũng chính là những đức tính tốt, những tấm gương đẹp để cho chúng em học tập và noi theo.

5. Kể câu chuyện về truyền thống tôn sư trọng đạo số 5

Ông cha ta từ xa xưa vẫn thường răn dạy: Tôn sư trọng đạo. Học trò bao đời nay vẫn luôn mang nặng hai tiếng “tri ân” đối với những người đã dạy dỗ mình. Ai đã từng nghe câu chuyện “Nghĩa thầy trò” chắc không thể nào quên hình ảnh cụ giáo Chu cùng các môn sinh lần lượt vái tạ người thầy già.

Từ sáng sớm, các môn sinh đã tề tựu trước sân nhà cụ giáo Chu để mừng thọ thầy. Cụ giáo đội khăn ngay ngắn, mặc áo dài thân, ngồi nghiêm kính trên sập. Mấy cậu học trò cũ từ xa về dâng biếu thầy những cuốn sách quý. Cụ giáo vui mừng hỏi thăm công việc của từng người, cụ bảo ban các học trò nhỏ.

- Thầy cảm ơn các anh! – Cụ giáo nói to với các môn sinh của mình. - Bây giờ, nhân có đông đủ môn sinh, thầy muốn mời tất cả các anh theo thầy tới thăm một người mà thầy mang ơn rất nặng.

Các môn sinh đồng thanh dạ ran, ai ai cũng mong ngóng xem người thầy dẫn tới gặp là ai. Cụ giáo Chu đi trước dẫn đường, học trò theo sau. Các anh có tuổi đi ngay sau thầy, người ít tuổi hơn nhường bước, cuối cùng là mấy chú tóc để trái đào. Cụ giáo Chu dẫn học trò đi về cuối làng, sang tận thôn Đoài, đến một ngôi nhà tranh đơn sơ nhưng sáng sủa, ấm cúng. Trước hiên, một cụ già trên tám mươi tuổi, râu tóc bạc phơ đang ngồi sưởi nắng. Cụ giáo Chu bước vào sân, chắp tay cung kính vái và nói to: “Lạy thầy! Hôm nay, con đem tất cả các môn sinh đến tạ ơn thầy.” Cụ già tóc bạc ngước lên, nghiêng đầu nghe. Dường như cụ đã nặng tai. Thầy giáo Chu vội nói to câu nói vừa rồi một lần nữa. Thầy nói với các môn sinh đây là cụ đồ xưa kia đã dạy vỡ lòng cho thầy.

Tiếp sau cụ giáo Chu, các môn sinh của cụ lần lượt theo lứa tuổi vái tạ cụ đồ già. Ngày mừng thọ thầy Chu năm ấy, họ được thêm một bài học thấm thía về nghĩa thầy trò. Đó cũng chính là lời dạy của ông cha ta từ xưa: tôn sư trọng đạo. Chúng ta phải biết quý trọng người thầy đã dạy dỗ mình và ghi nhớ những đạo lí tốt đẹp thầy truyền dạy.

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 5: Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
18 8.490
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm