(Siêu hay) Kể chuyện về truyền thống hiếu học hoặc truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam

Kể chuyện về truyền thống hiếu học hoặc truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam là đề bài tập Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 82 Tiếng Việt 5 tập 2 - Tuần 26. Sau đây HoaTieu.vn xin chia sẻ những đoạn văn mẫu Kể một câu chuyện về truyền thống hiếu học, Kể lại một câu chuyện nói về truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam ngắn gọn, hay chọn lọc mà chúng tôi đã sưu tầm và tổng hợp để gửi đến các em học sinh. Mời các em cùng tham khảo.

Đề bài: Hãy kể lại một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc nói về truyền thống hiếu học hoặc truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam. (Kể chuyện đã nghe, đã đọc trang 82 SGK Tiếng Việt 5 tập 2).

Gợi ý Kể chuyện về truyền thống hiếu học hoặc truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam điểm cao

1. Nội dung:

a) Ví dụ về truyện ca ngợi truyền thống hiếu học : ông tổ nghề thêu (Tiếng Việt 3, tập hai), Văn hay chữ tốt (Tiếng Việt 4, tập một), Bông sen trong giếng ngọc (Truyện đọc lớp 4).

b) Ví dụ về truyện ca ngợi truyền thống đoàn kết : Câu chuyện bó đũa (Tiếng Việt 2, tập một), Đôi bạn (Tiếng Việt 3, tập một), Vì muôn dân (Tiếng Việt 5, tập hai).

2. Tìm câu chuyện ở đâu?

- Những câu chuyện em đã được nghe.

- Báo, truyện đọc xưa và nay. Chú ý truyện của Nhà xuất bản Kim Đồng, sách Truyện đọc lớp 5 của Nhà xuất bản Giáo dục.

3. Giới thiệu tên câu chuyện và kể lại nội dung câu chuyện đã nghe (hoặc đã đọc) .

- Giới thiệu về câu chuyện em định kể ( Tên câu chuyện là gì? Em đã nghe hoặc đọc được từ bao giờ?....)

- Kể lại câu chuyện:

+ Mở đầu câu chuyện thế nào?

+ Diễn biến của câu chuyện ra sao? (Kể rõ trình tự các việc xảy ra, hành động của nhân vật ; chú ý nhấn mạnh những chi tiết liên quan đến đức tính hiếu học hoặc tinh thần đoàn kết.)

+ Kết thúc câu chuyện như thế nào?

4. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện.

1. Kể Câu chuyện về truyền thống hiếu học ngắn nhất số 1

Gợi ý Kể chuyện đã nghe hoặc đã đọc trang 82 Tiếng Việt 5 dưới đây được thực hiện bởi HoaTieu.vn, các trang khác lấy bài xin ghi nguồn.

Câu chuyện về cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam luôn là tấm gương hiếu học tiêu biểu để cho các thế hệ sau noi theo. Sau đây, em xin kể cho cô và các bạn chuyện Bác Hồ chăm chỉ học tập, kiên trì vượt khó ngay cả trong những khoảng thời gian khó khăn, vất vả nhất.

Lúc đó, vào ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville của Pháp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (lúc ấy mới 21 tuổi), lấy tên mới là Văn Ba đã rời Sài Gòn bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc.

Từ lúc sáng sớm cho đến lúc đêm khuya, anh lúc nào cũng luôn tay, luôn chân, lại thường xuyên đi giữa căn bếp nóng nực và phòng kho lạnh buốt, hoặc khuân vác đồ nặng trên con tàu tròng trành, lên những bậc thang chật hẹp từ kho lên nhà bếp. Thủy thủ và đầu bếp đã bắt đầu nể phục anh không chỉ anh đã hoàn thành công việc hết sức nặng nề mà họ đã khám phá ra một điều rằng, người thanh niên ấy là một người thông minh, hiếu học. Mặc dù đã mệt lả sau một ngày làm việc nhưng anh Ba vẫn không chịu đi ngủ mà còn thức đến 23 giờ khuya hoặc lâu hơn nữa để đọc sách hoặc viết lách. Một số người thủy thủ và phụ bếp mù chữ đã nhanh chóng kết thân với anh. Họ vui mừng khi được anh sẵn sàng viết hộ những bức thư gửi cho người thân và gia đình. Anh còn dạy họ học tiếng Việt. Họ giúp anh rửa rau củ, nói chuyện với anh về nước Pháp, về người dân Pháp. Một kinh nghiệm đầu tiên nhưng quý giá mà anh nhận ra được: Cũng có cả những người Pháp tốt bụng. Kinh nghiệm này đã bổ sung cho nhận thức của anh về quan hệ sau này đối với đất nước và con người Pháp.

Câu chuyện về tinh thần hiếu học của Bác Hồ đem đến cho em những nhận thức mới về việc học tập: Nếu có tinh thần hiếu học, ngay cả hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ biến thành động lực, để ta cố gắng hơn nữa trên con đường chinh phục tri thức.

2. Kể chuyện về truyền thống hiếu học siêu hay số 2

Gợi ý Kể chuyện đã nghe hoặc đã đọc trang 82 Tiếng Việt 5 dưới đây được thực hiện bởi HoaTieu.vn, các trang khác lấy bài xin ghi nguồn.

Khi nói về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam ta, em nghĩ ngay đến câu chuyện Ông tổ nghề thêu mà em từng được học trong chương trình Tiếng Việt 3. Qua câu chuyện về cuộc đời huyền thoại của ổng tổ nghề thuê Trần Quốc Khái, em nhận ra bài học về đức tính chăm chỉ, hiếu học luôn đóng vai trò quan trong trong thành công của mỗi người. Sau đây, xin mời cô và các bạn cùng lắng nghe câu chuyện này nhé!

Ông tổ nghề thêu có tên thật là Trần Quốc Khái, ngay từ nhỏ ông đã là một cậu bé rất hiếu học. Vì nhà làm nông, nên cậu bé Khái phải vừa làm vừa học, không được như học sinh thời nay chỉ lo ăn lo học chứ không cần phải làm việc vất vả để giúp đỡ gia đình. Dù bận rộn nhưng cậu luôn tranh thủ thời gian để học tập kiến thức. Lúc đi đốn củi, hay đi kéo vó tôm cũng học. Không có đèn điện, đèn dầu thắp khi trời tối, thì Khái bắt những chú đom đóm nhỏ bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng để học bài đêm.

Sau này, Khái đi thi và đỗ tiến sĩ, được làm quan dưới thời nhà Lê. Công sức chăm chỉ của cậu bé hiếu học ngày nào được đền đáp xứng đáng. Khi Trần Quốc Khái được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc, với tài trí thông minh của mình, ông đã học tập được cách thêu và làm lọng, đem về nước truyền dạy cho dân chúng. Cũng từ đó, nghề thêu được lan truyền và phổ biến rộng rãi. Người dân Thường Tín quê hương ông đã lập đền thờ tôn vinh và tưởng nhớ công lao của ông tổ nghề thêu Trần Quốc Khái.

Câu chuyện về tinh thần hiếu học của Trần Quốc Khái đem đến cho em những nhận thức mới về việc học tập. Hóa ra, dù trong gian khổ, nghèo đói, hay thiếu thốn, con người vẫn không bao giờ với bớt đi ý chí, sự quyết tâm tìm đến những bến bờ tri thức. Nếu có tinh thần hiếu học, mọi hoàn cảnh khó khăn đều không làm ta chùn bước.

Kể lại một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc lớp 5
Kể lại một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc lớp 5

3. Kể câu chuyện về truyền thống hiếu học lớp 4 điểm cao số 3

Cao Bá Quát quê ở huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Thuở nhỏ đi học, chữ ông rất xấu nên nhiều bài văn dù viết hay vẫn bị thầy cho điểm kém.

Một hôm có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản:

- Gia đình già có một việc oan uổng muốn kêu lên quan, nhờ cậu viết giúp cho lá đơn có được không?

Ông vui vẻ trả lời:

- Tưởng việc gì khó, chứ việc đó cháu xin sẵn lòng!

Lá đơn viết lí lẽ rõ ràng, Cao Bá Quát yên trí quan trên sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ ông xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà cụ ra khỏi huyện đường, về nhà, bà cụ kể lại chuyện ấy khiến Cao Bá Quát vô cùng ân hận. Ông biết dù văn hay đến đâu mà chữ xấu cũng chẳng ích gì. Từ đó, ông dốc sức luyện viết chữ sao cho đẹp.

Sáng sáng, Cao Bá Quát cầm que vạch lên cột nhà luyện cách viết nét “sổ thẳng” cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang giấy mới chịu đi ngủ. Chữ viết đã tiến bộ, ông lại mượn những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác nhau.

Kiên trì luyện tập suốt mấy năm, chữ Cao Bá Quát mỗi ngày một đẹp. Sau này, ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.

4. Kể lại một câu chuyện nói về truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam số 3

Từ xa xưa, nhân dân ta đã coi trọng tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết. Đoàn kết để sống, để tồn tại và vượt qua mọi thử thách to lớn trong cuộc đời. Đoàn kết đã trở thành niềm tin và đạo lí của nhân dân ta từ bao đời nay. Chính vì thế, ông bà, cha mẹ luôn nhắc nhở con cháu ghi nhớ câu tục ngữ:

"Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe chuyện có tựa đề là "Câu chuyện bó đũa", ca ngợi về sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Chuyện như sau:

"Ngày xưa ở một gia đình, có hai anh em. Lúc còn nhỏ hai người rất thương yêu nhau, có cái gì ngon, anh em thường nhường nhịn cho nhau, nhưng khi lớn lên anh có vợ, em có chồng, tuy mỗi người một nhà nhưng vẫn thường hay va chạm.

Thấy các con không thương yêu nhau, người cha rất buồn phiền. Một hôm, ông đặt một bó đũa và một túi tiền trên bàn, rồi gọi các con, cả trai, gái, dâu, rể lại và bảo:

- Ai bẻ gãy được bó đũa này thì cha thưởng cho túi tiền. Bốn người con lần lượt bẻ bó đũa. Ai cũng cố gắng hết sức mà không sao bẻ gãy được. Người cha bèn cởi bó đũa ra rồi thong thả bẻ gãy từng chiếc một cách dễ dàng.

Thấy vậy, bốn người con cùng nói:

- Thưa cha, lấy từng chiếc mà bẻ thì có khó gì!

Người cha liền bảo:

- Đúng. Như thế là các con đều thấy rằng chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh”.

Câu chuyện khuyên chúng ta: anh chị em trong gia đình phải biết yêu thương, giúp đỡ, cưu mang nhau. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh. Chỉ cần đoàn kết thì sẽ tạo thành một khối vững mạnh, vững bền ngược lại, chỉ cần lục đục và chia rẽ kết quả sẽ giống như bó đũa kia, từng chiếc, từng chiếc đều bị bẻ gãy.

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 5: Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
24 5.219
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Nguyễn Lê Bích Phượng
    Nguyễn Lê Bích Phượng

    😚hi

    Thích Phản hồi 16/03/23