Tập làm văn lớp 5: Kể một việc làm tốt góp phần bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường

Hãy kể một việc làm tốt góp phần bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường mà em biết hoặc được tham gia là đề bài tập Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia lớp 5 tuần 24 - trang 60 Tiếng Việt 5 tập 2. Sau đây HoaTieu.vn xin chia sẻ gợi ý kể chuyện ngắn gọn, chi tiết giúp các em hoàn thiện bài văn đạt điểm cao. Mời các em cùng tham khảo.

Kể một việc làm tốt góp phần bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường lớp 5
Kể một việc làm tốt góp phần bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường lớp 5

Tìm ý kể một việc làm tốt góp phần bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường

1. Những việc làm thể hiện ý thức bảo vệ trật tự, an ninh:

- Tuần tra, bắt trộm, cướp.

- Giữ gìn trật tự giao thông.

- Bảo vệ cầu, đường.

- Dẫn cụ già và em nhỏ qua đường.

- Tổ chức tuyên truyền về bảo vệ trật tự, an ninh.

- Tổ chức tuyên truyền về giữ gìn an toàn giao thông.

- Thăm các đơn vị bộ đội, công an.

2. Tìm câu chuyện ở đâu?

- Trong gia đình (ông bà, cha mẹ, cô bác, anh chị,...)

- Ở trường (thầy cô, bạn bè, anh chị phụ trách).

- Ở làng xóm, khu phố.

- Ở nơi công cộng (trên đường, cửa hàng, bến xe, bưu điện,...)

- Hoặc ở việc làm của chính em.

3. Kể như thế nào?

* Yêu cầu: Kể một câu chuyện cụ thể (diễn ra trong một thời gian xác định, ở một địa điểm xác định).

* Trình tự kể:

- Giới thiệu câu chuyện.

- Thuật lại nội dung câu chuyện

+ Câu chuyện bắt đầu như thế nào?

+ Diễn biến của câu chuyện ra sao? (Kể rõ trình tự các sự việc xảy ra, hành động của nhân vật; chú ý nhấn mạnh những chi tiết liên quan đến nội dung bảo vệ trật tự, an ninh).

- Kể kết cục và nêu suy nghĩ của em về hành động của nhân vật trong truyện.

Dàn ý Kể một việc làm tốt góp phần bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường lớp 5

Kể một việc làm tốt góp phần bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường mà em biết hoặc được tham gia - HoaTieu.vn

2. Kể một việc làm tốt góp phần bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường ngắn nhất

Mẫu Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia lớp 5 dưới đây được HoaTieu.vn sưu tầm và thực hiện. Các em học sinh chỉ nên lấy làm tài liệu tham khảo.

Các chiến sĩ công an luôn là những người anh hùng đời thực, ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự cho địa phương, làng xóm. Đã có lần tôi được chứng kiến anh công an làm nhiệm vụ bắt cướp rất nguy hiểm ngay tại khu phố tôi.

Hôm đó là cuối tuần, cả gia đình tôi cùng đi siêu thị Coop mart Đinh Tiên Hoàng để mua sắm đồ dùng. Tình cờ, có hai tên cướp giật dây chuyền của một phụ nữ vừa từ siêu thị đi ra. Lúc này, anh công an đang tuần tra gần đó đã phát hiện ra.

Anh công an ngay lập tức quay xe đuổi theo, nhưng bọn cướp cứ tưởng anh là người đi đường nên tỏ ra xem thường. Chúng cứ đưa sợi dây chuyền cướp được trước mặt hòng chọc tức anh. Thấy anh vẫn lì lợm đuổi theo, tên ngồi sau rút dao ra đe dọa, rồi ngoắc tay thách thức.

Đến đoạn cuối đường gần đó, anh rút súng bắn chỉ thiên, lúc này chúng mới biết anh là cảnh sát hình sự nên lấy bột tiêu ra ném tới tấp. Dù nước mắt nước mũi chảy ra, cay xè, nhưng anh vẫn cố truy đuổi và tóm được chúng.

Đôi khi chúng ta chỉ hâm mộ và biết đến những siêu anh hùng có sức mạnh phi thường trên màn ảnh. Nhưng có rất nhiều anh hùng ngoài đời thực, họ có máu thịt, sức mạnh của con người bình thường nhưng đang ngày đêm thực hiện các công việc hiểm nguy để bảo vệ bình yên cho tổ quốc, cho an ninh xóm làng. Những người như vậy thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao.

3. Kể một việc làm tốt góp phần bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường siêu hay số 2

Mẫu Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia lớp 5 dưới đây được HoaTieu.vn sưu tầm và thực hiện. Các em học sinh chỉ nên lấy làm tài liệu tham khảo.

Câu chuyện tôi kể sau đây là về ông Phạm Văn Khéo, năm nay đã 61 tuổi. Ông là trưởng ấp 5 xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) quê tôi. Ông Khéo đã dành cả tuổi xuân cho công tác xã hội, bảo vệ trật tự, an ninh xóm làng.

Đối với người dân ấp 5 xã Nhị Thành chúng tôi, ông là phần hơi thở của bà con nghèo vùng nông thôn, là sợi dây gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Bố mẹ tôi kể, từ những năm 80 của thế kỉ trước, ông Tám Khéo đã được mời công tác cho Trạm y tế xã Nhị Thành. Bốn năm sau, ông được tuyển chọn đào tạo học y sĩ. Nhưng ra trường, ông y sĩ được đưa "xuống ấp" để nhận nhiệm vụ phó ấp kiêm công an viên. Một ấp hơn 3.000 nhân khẩu, vậy mà chỉ cần nói số nhà hoặc tên chủ hộ là ông kể vanh vách từ tên tuổi, trình độ, nghề nghiệp. Nhờ nắm chắc, quản lý chặt, số đối tượng vi phạm pháp luật gần như "sợ" ông ra mặt nên ít dám quậy xóm làng.

Đoạn Quốc lộ 1A đi ngang qua ấp giống như "điểm đen" cứ 1, 2 ngày lại có một vụ va chạm giao thông. Ngay dốc Cầu Voi 2, một tháng xảy ra tới 10 vụ tai nạn. Người đầu tiên có mặt lại là ông, bảo vệ hiện trường, đưa người bị nạn đi cấp cứu... Tệ nạn ma túy phát sinh, trộm cắp gia tăng. Có đối tượng vừa ra tù đêm khuya tới nhà đe dọa nhưng ông chẳng hề nao núng.

Giai đoạn "nhậm chức" Trưởng ấp giống như thử thách "lão tướng" Tám Khéo về sức chịu đựng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cùng với tăng tốc làm căn cước công dân cho kịp tiến độ. Bất kể ngày đêm, một mình ông phải đi rà soát độ tuổi để không sót lọt trường hợp nào đủ điều kiện làm căn cước công dân.

Trong con mắt của học sinh chúng tôi, ông Tám Khéo luôn là tấm gương tiêu biểu trong công tác bảo vệ trật tự, an ninh cho làng xóm, quê hương.

4. Kể một câu chuyện về bảo vệ an ninh xóm làng cảm động nhất số 4

Chúng ta đều biết tai nạn giao thông đường sắt thường để lại hậu quả lớn, và gắn mác “tử thần” cho các đường ngang giao cắt với đường sắt. Để ngăn chặn những tai nạn đáng tiếc, nhiều con người đang thầm lặng ngày đêm vất vả canh gác tại những điểm đường ngang để đảm bảo cho các tuyến tàu xuôi ngược được thông suốt, an toàn. Hôm nay, tôi xin kể câu chuyện về chị Nguyễn Thị Tình, người hơn 10 năm qua, tình nguyện làm “barie sống” ở đường ngang qua chợ khu Nam, phường Hương Sơn, Thành phố Thái Nguyên.

Những người dân quanh chợ khu Nam, phường Hương Sơn, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã quá quen với hình ảnh khi có tiếng còi hú báo hiệu tàu đến thì chị Nguyễn Thị Tình ở tổ 22, phường Phú Xá, người bán hàng ở đây sẽ chạy vội ra cầm chiếc ô đứng cách đường ray để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết tàu sắp qua, và không được tùy tiện sang đường.

Hơn 10 năm làm nghề bán đậu ở chợ khu Nam cũng là chừng ấy năm chị Tình gắn liền với việc gác tàu ở đoạn đường ngang qua chợ, nơi không có gác chắn hay đèn báo hiệu. Chợ khu Nam do người dân tự hình thành cách đây hàng chục năm, họp ngay sát tuyến đường sắt nối liền từ khu Gang Thép đi Trại Cau. Tuyến đường sắt này cắt ngang tuyến đường chính từ phường Hương Sơn vào phường Cam Giá, Thành phố Thái Nguyên. Tuy hằng ngày trung bình có từ 4-8 lượt tàu chạy qua, nhưng nhiều năm qua khu vực này vẫn chưa được đầu tư gác chắn. Thêm vào đó, đường ngang ở đây nằm ở vị trí rất nguy hiểm vì có độ dốc và lưu lượng người tham gia giao thông đông đúc. Bởi thế nơi đây nổi tiếng là điểm nóng về tai nạn giao thông giữa tàu hỏa và các phương tiện khác.

Hôm ấy nghe tiếng còi hú báo hiệu tàu qua, tôi đã nhìn thấy chị Nguyễn Thị Tình vác vội cái ô để chắn ngang đường dân sinh, cách đường ray khoảng 4-5m. Hành động của chị khiến những người tham gia giao thông qua khu vực này đều hiểu và lập tức dừng xe lại. Tàu chạy qua, chị vác ô trở về chỗ ngồi bán hàng.

Chị kể lại có lần một chiếc xe taxi định vượt qua đường ray lúc tàu sắp đi qua, chị liền chạy ra đứng trước đầu xe chặn lại. Bị chặn thình lình, lái xe thò đầu ra bực dọc hét lớn: “Bà bị điên à”. Mấy giây sau, thấy tàu chạy qua, lái xe mới giật mình biết mình vừa thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” và bước xuống xe xin lỗi chị! Một lần khác, khi thấy tàu sắp qua, chưa kịp lấy ô ra chắn thì chị thấy có cậu thanh niên đi xe máy định vượt qua đường ray. Chị liền lao ra nắm lấy đuôi xe giữ lại. Cậu thanh niên không hiểu nguyên nhân, bèn hất tay chị ra đi tiếp rồi đâm thẳng vào tàu, xe bị tàu kéo cả chục mét. Tuy nhiên, may mà cậu ta văng ra khỏi xe nên thoát chết trong gang tấc.

Làm công việc này ở chợ khu Nam suốt hơn chục năm qua, nhiều lúc chị Tình phải nghe không ít lời ra tiếng vào của một số người… Song chị vẫn bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, hằng ngày cứ giờ tàu chuẩn bị đi qua, chị lại trở thành “lá chắn sống” tự nguyện cảnh báo để mọi người không sang đường, góp phần ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra.

Khi chứng kiến việc làm của chị Tình, trong nhiều năm qua, cùng những câu chuyện cứu người trong gang tấc, đã khơi dậy lòng tốt của người dân khu chợ. Thấy việc làm ý nghĩa của chị Tình, nhiều người buôn bán và sinh sống gần khu chợ Nam đã đứng lên cùng với chị Tình làm gác chắn khi tàu chạy qua. Những lúc chị bận việc không thể làm gác chắn được thì có những người dân khác tình nguyện đứng làm thay.

Với một tấm lòng vì người khác, với sự kiên trì, không quản ngại khó khăn… khi làm công việc gác tàu một cách tự nguyện, chị Tình đã đặt trọn trách nhiệm và tình yêu của mình vào đó. Sự nỗ lực vượt qua khó khăn và đem lại hạnh phúc cho biết bao người của chị không chỉ là tấm gương về nghị lực, đó còn là hình ảnh đẹp khiến mỗi chúng ta thêm yêu và tin tưởng vào những giá trị thầm lặng trong cuộc sống.

5. Kể một câu chuyện về bảo vệ an ninh xóm làng sinh động nhất số 5

Ngôi làng nhỏ của em nằm tách biệt giữa cánh đồng và cách xa đường lớn, trong làng chỉ khoảng gần một trăm hộ dân, nhà cửa thưa thớt lại cách xa nhau nên trong làng rất hay xảy ra nạn trộm cắp vặt.

Có lần có nhà mất ti vi, có nhà mất xe máy, xe đạp điện, lại có nhà mất chó, mọi người trong làng ai cũng đề cao cảnh giác, kín cổng cao tường nhưng vì bọn trộm đã để ý, lợi dụng nhà dân cách xa nhau khi thấy nhà không có người sẽ phá khóa vào trộm đồ. Mọi người ai cũng phải đi làm, không thể cứ ở nhà canh bắt trộm được, trước tình hình đó làng của em đã thành lập nên một nhóm tuần tra và canh giữ cho cả làng. Nhóm tuần tra của làng gồm năm chú to khỏe lực lưỡng và nhanh nhẹn, các chú lấy xe của mình làm phương tiện thay phiên nhau đi tuần tra mọi ngóc ngách của làng cả ngày lẫn đêm. Mỗi khi thấy có dấu hiệu khả nghi là các chú gọi cho nhau tập hợp lại, có lần một chú nhìn thấy kẻ lạ đứng ngoài cổng một nhà không có người, chú theo dõi hồi lâu thì thấy hắn đang cố phá khóa cổng, chú liền tập trung mọi người đến bắt tên trộm ngay tại trận và đưa lên đồn. Các chú đã bỏ thời gian và công việc riêng của mình để làm công việc chung bảo vệ cho sự bình yên của cả làng, từ khi có nhóm tuần tra làng của em không còn xảy ra trộm cắp thường xuyên như trước nữa, những tên trộm có lẽ cũng không dám bén mảng đến ngôi làng của em.

Em rất yêu quý các chú trong nhóm tuần tra, dù trời mưa hay nắng các chú vẫn đều đặn đi tuần, thật đáng cảm phục và biết ơn.

5. Kể một câu chuyện về bảo vệ an ninh xóm làng ý nghĩa nhất số 5

Xã em ở ven biển có ba thôn: Hải Triều, Hải Ngư và Hải Khoa. Nghề chính của bà con xã em là đánh cá. Toàn xã hiện có trên 100 con thuyền, riêng thôn Hải Triều của em có 37 con thuyền trên mười tấn vừa chạy bằng máy vừa chạy bằng buồm.

Trước đây, làng xóm thật bình yên. Nhưng gần đây, xóm làng trở nên lộn xộn. Nạn trộm cắp xảy ra thường xuyên. Bắt chó, trộm ti vi, lấy áo quần. Bọn nghiện hút, lưu manh từ thị xã lần mò tới, làm cho người ra khơi, kẻ đi chợ không yên tâm làm ăn. Hầu hết đàn ông, trai tráng trong làng đều đi khơi, đi lộng; có tàu thuyền ra khơi đánh cá sáu bảy ngày mới về. Ở nhà chỉ có ông bà già, các mẹ các chị đi chợ bán cá. Trẻ em, học sinh đi học cả ngày. Làng xóm trở nên vắng vẻ.

Trước tình hình đó, bác Chu 68 tuổi, Trung tá quân đội về hưu, đã bàn với xã cho lập tổ Dân phòng tự quản. Sáu vị trong Hội Cựu chiến binh, 14 cán bộ công nhân về hưu đều tích cực tham gia. Cổng làng được xây dựng, sửa sang lại. Bác Chu đã lập ra 6 chốt canh phòng ở đầu làng và cuối làng. Ban đêm có tổ chức tuần tra, có đánh mõ. Người lạ xuất hiện được theo dõi kiểm tra: Gặp ai? Việc gì? Ở đâu đến? v.v...

Các em học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở cũng là tai mắt của tổ Dân phòng. Học sinh Trung học phổ thông đều tham gia đi tuần cùng các bác, mỗi người hai đêm trong một tháng.

Chẳng có gươm giáo, súng ống gì, thế mà bác Chu và tổ Dân phòng đã theo dõi và mật phục bắt sống bốn tên đi xe máy ăn trộm chó, bắt giải lên xã 5 tên "đạo chích" lừng danh trong vùng. Có tên trộm trốn xuống giếng làng cũng bị bác Chu bắt sống! Hai ba tháng nay, cuộc sống của thôn Hải Triều trở lại bình yên. Nghe nói, Hải Ngư và Hải Khoa cũng đã lập tổ Dân phòng tự quản do các cán bộ, công nhân về hưu đảm nhiệm.

Gặp ai, bác Chu cũng dặn: "Sắp đến Tết rồi. Tháng củ mật đó”. Bác vừa nói vừa cười. Cuối năm, thuyền đánh cá đi về tới tấp bến Triều Châu. Vụ cá năm nay, làng em thắng lớn. Cả làng đều vui. Hải Triều thật yên bình. Bác Chu nói với cô Sen Hiệu trưởng trường em: "Trật tự trị an kỳ nhiệm vụ của toàn dân. Ai cũng có thể tham gia. Các thầy cô giáo và học sinh là tai mắt của tổ Dân phòng tự quản”.

6. Kể một câu chuyện về bảo vệ an ninh xóm làng ấn tượng nhất số 6

Không chỉ hiến đất để làm đường, mà khi những con đường sử dụng lâu ngày bị xuống cấp, hư hỏng, nhiều người sẵn sàng bỏ công sức, tiền bạc ra dặm vá. Hơn 7 năm qua, hình ảnh những cựu chiến binh chung tay khiêng từng bao xi măng, cát đá, cần mẫn vá đường đã không còn xa lạ với nhiều người dân ở ấp Tấn Ngọc Đông, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau).

Ông Liêu Văn Phát (79 tuổi, Chi hội Cựu chiến binh ấp Tấn Ngọc Đông) cho biết, chi hội có 58 hội viên, đa phần là những người lớn tuổi nhưng vẫn “thích làm chuyện bao đồng”. Nơi ông Liêu Văn Phát sinh sống vốn là vùng sâu vùng xa của tỉnh Cà Mau, điều kiện đi lại khó khăn, trước đây người dân địa phương chủ yếu đi lại bằng đường thủy. Vì vậy, khi Nhà nước tiến hành làm đường, người dân rất phấn khởi. Nhưng rồi thời gian qua đi, xe cộ qua lại lâu ngày, đường bắt đầu hư hỏng, xuống cấp.

Không để những con đường đã làm thay đổi diện mạo quê hương xuống cấp nghiêm trọng, năm 2015, những thành viên cựu chiến binh ấp Tấn Ngọc Đông nảy ra ý tưởng thành lập “biệt đội vá đường”. Để có kinh phí hoạt động, mỗi hội viên tự nguyện trích 20.000-30.000 đồng/tháng để mua vật tư vá đường. Vì vậy, mỗi khi thấy tuyến đường giao thông trong vùng xuất hiện “ổ gà” thì “biệt đội” lại có mặt để cùng… dặm vá.

Những ngày đầu “biệt đội” đi vá đường, bà con trong vùng lấy làm lạ. Không ít người đi qua khuyên mấy cụ lớn tuổi thì nghỉ ngơi cho khỏe. Nhưng dần dà, bà con lối xóm cũng quen dần và động viên, có những lúc thanh niên trai tráng trong vùng cũng phụ giúp vá đường nhanh hơn.

Những việc làm dù nhỏ nhưng đã góp phần cùng ngành chức năng đảm bảo những con đường ở quê hương được an toàn, cho bà con lối xóm đi lại, các cháu học sinh đến trường dễ dàng hơn.

6. Kể chuyện em đã nghe hoặc đã đọc về những người đã góp sức bảo vệ trật tự, an ninh

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
53 7.053
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm