Top 15 bài kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường của em siêu hay

Kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường của em là đề bài giúp học sinh củng cố vốn từ, hoàn thiện bài văn kể về những sự đổi mới ở địa phương. Mời các em cùng tham khảo chi tiết.

15 đoạn văn ngắn kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường của em hay nhất mà Hoatieu.vn sưu tầm và gửi tới các bạn dưới đây có ngôn từ mạch lạc, giản dị sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các em học sinh học tốt môn Tiếng Việt.

Đề bài: Hãy kể về những đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường của em (Tập làm văn: Luyện tập giới thiệu về địa phương trang 19 SGK Tiếng Việt 4 tập 2).

Dàn ý kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường của em

I. Mở bài: Giới thiệu về quê hương, làng xóm, khu phố của em

II. Thân bài:

- Xóm làng hoặc phố phường của em trong quá khứ thế nào?

Ví dụ:

  • Con đường đất cũ kĩ, nhiều sỏi đá, sình lầy vào mùa mưa...
  • Cánh đồng lúa trải dài
  • Những ngôi nhà cấp 4...
  • Đồ điện tử như tivi, tủ lạnh hiếm hoi...
  • Người dân chủ yếu lao động tay chân, làm nông nghiệp kiếm sống
  • Trẻ em không có nhiều quần áo đẹp, phải ra đồng phụ cha mẹ làm việc từ bé, ít được ăn quà vặt...

- Quang cảnh xóm làng hoặc phố phường của em hiện tại ra sao? Có những thay đổi gì? Em kể chi tiết sự thay đổ đó.

Ví dụ:

  • Cơ sở vật chất hiện đại, khang trang (điện, đường, trường trạm được xây dựng mới, nhiều công ty, xí nghiệp đến đầu tư tạo công ăn việc làm cho người dân).
  • Người dân ai cũng ấm no, lao động hăng say...

- Em có cảm nghĩ gì về những sự đổi mới ở chính quê hương mình? Tự hào, vui vẻ...

III. Kết bài: Em mong ước xóm làng, phố phường của mình phát triển như thế nào trong tương lai?

1. Hãy kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường của em lớp 4 số 1

Cuối cùng thì sau hai năm dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, hè vừa rồi em cũng có dịp được về thăm quê nội. Vậy mà quê hương em lại thay đổi nhiều quá.

Từ xa nhìn lại quê hương em như một bức tranh nhiều màu sắc. Đến gần là rặng tre làng, cánh đồng lúa. Đứng lên trần nhà bà nội, em phóng tầm mắt nhìn dòng sông Đáy hiền hòa chảy quanh năm. Những trưa hè nóng bức, chúng em thường lội xuống dòng sông để rửa chân, tay và tắm mát. Dòng nước như ôm những đứa con vào lòng.

Đông vui và tấp nập nhất là lúc 6 – 7 giờ sáng. Lúc đó là các bạn học sinh đi học, các bác đi làm và các cô đi chợ trên chiếc cầu phao bằng gỗ nối từ bờ sông này sang bờ sông kia. Ở dưới sông, tàu bè xuôi ngược. Trước mặt em là cánh đồng lúa. Từ xa cánh đồng như một tấm thảm màu xanh, lác đác có vài bác nông dân đi thăm lúa. Ra về, ai cũng khen lúa năm nay tốt thật.

Em nghe bà kể rằng: “Xưa kia cánh đồng lúa này mọc toàn cỏ, một sào chỉ thu hoạch được gần một tạ thế mà giờ đây một sào có thể thu hoạch được ba tạ thóc. Phía bên phải em là những dãy núi, dãy núi này chồm lên dãy nọ. Những cây mọc quanh sườn núi trông xanh mượt. Em xuống dưới nhà, chỉ cần bước qua khỏi cổng là đã đứng trên con đường làng.

Mẹ em nói: “Con đường này trước đây còn là đường đất, khi trời đổ mưa thì đường lầy lội, trơn như đổ mỡ và có rất nhiều ổ gà. Ngày ấy, mẹ đi học toàn bị ngã, nước bắn bẩn hết quần áo, phải về nhà thay”. Thế mà giờ đây được sự quan tâm của xã, con đường làng em đã được khoác trên mình một tấm áo bê tông.

Hai bên đường trước dãy là những ngôi nhà mái tranh vách đất, cứ lúc mưa là lại bị dột. Ngày ấy cũng chưa có điện, cứ đến chập tối là thắp đèn dầu và đóng cửa ở trong nhà, ngại sang nhà hàng xóm chơi vì trời tối quá. Thế mà giờ đây hai bên đường san sát những ngôi nhà hai tầng mọc lên. Đèn điện được thắp sáng trưng. Những cột giàn ăng ten dựng lên cao ngất. Chắc hẳn ở khắp các miền quê trên đất nước ta, có rất nhiều nơi có cảnh đẹp và sự đổi mới giống như quê em

Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

Câu hát trên cứ văng vẳng bên tai. Em nghĩ lớn lên dù có đi đâu xa, em cũng không thể quên nơi chôn rau, cắt rốn. Hiện nay, đang ngồi trên ghế nhà trường em nghĩ sẽ học tập giỏi để mai này lớn lên, xây dựng quê hương em ngày càng giàu đẹp, để không phụ công lao dưỡng dục của cha mẹ và thầy cô.

Kể về sự đổi mới ở địa phương em lớp 4

2. Kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường em ngắn gọn số 2

Quê hương là gì hả mẹ
Mà cô giáo dạy hãy yêu?
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

(Quê hương -Đỗ Trung Quân)

Quê hương xứ sở luôn là nơi thiêng liêng, lưu giữ những kí ức đẹp nhất thời ấu thơ. Giờ đây, khi đã lớn khôn chứng kiến những sự đổi mới của quê hương thật khiến tôi bồi hồi xúc động, khôn kìm nén nỗi niềm tự hào, hạnh phúc.

Một niềm cảm xúc xốn xang khó tả trong lòng tôi. Những ngày xưa ùa về, hòa lẫn những gì ở hiện tại. Nếu ngày xưa, con đường quê chỉ là những dải đất nâu, mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt còn mùa nắng cát bụi mù mịt thì giờ đây tất cả đã được khoác lên mình tấm áo mới bằng bê tông phẳng lì, trơn nhẵn. Những bước đi thênh thang, những con đường nối dài trên mọi nẻo đường, giao thông của bà con cũng thuận tiện hơn rất nhiều.

Rồi có cả những mái nhà cao tầng mọc lên san sát nhau, trông như một tòa cung điện tráng lệ thay cho những mái tranh, mái nứa siêu vẹo. Điện đã về đến làng từ lâu, trước kia chỉ có đèn dầu, giờ thì đèn điện sáng trưng, mọi hoạt động của sự sống, của cuộc sống sinh hoạt đều được văn minh, tiến bộ hơn nhiều. Trong gia đình, mỗi nhà đều có những thiết bị điện, những dụng cụ tiện ích như ti vi, tủ lạnh, quạt, máy sấy, máy giặt, điều hòa. Chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt, phần nào giúp hình ảnh đất nước phát triển hơn rất nhiều.

Ngoài ra, cũng có những công trình được xây mới và tu bổ lại. Những nhà máy may, công ty, xí nghiệp liên doanh trong nước và nước ngoài đầu tư, đã đem lại nguồn lao động, cung cấp việc làm cho rất nhiều người dân. Nhờ vậy, người nông dân không chỉ quanh năm gắn bó với ruộng đồng giờ cũng gia nhập vào các công ty để tăng thêm thu nhập.

Dường như, trong luồng ảnh hưởng của nước bạn, trong nhịp sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa họ đã thích nghi và trở nên nhanh nhạy, năng động hơn trước nhịp sống thời đại. Những mái đình, mái chùa được tu bổ lại càng đẹp lộng lẫy, đời sống tinh thần của người dân cũng phong phú, sôi nổi hơn vào các dịp tế, lễ, ngày hội hè. Đó là những sắc màu rực rỡ mà tôi đã chứng kiến tại quê hương tôi.

Quê hương ngày càng đổi mới, báo hiệu những chặng đường phát triển mới của dân tộc. Tôi mong rằng, mình sẽ học tập thật tốt để góp sức vào công cuộc đổi mới, làm giàu đẹp văn minh quê hương mình hơn.

3. Kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường em lớp 4 số 3

(Phong trào trồng cây gây rừng)

Xuân Sơn là xã vùng cao thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nạn chặt phá rừng vô tổ chức trước kia làm các cánh rừng lớn trở thành đồi trọc. Mười năm trở lại đây, xã Xuân Sơn phối hợp cùng hạt kiểm lâm huyện, mở rộng chiến dịch trồng rừng, phủ xanh các vùng đồi trọc.

Từ Thành phố Nha Trang theo Quốc lộ 1A, rẽ vào hương lộ hướng Tây Bắc, chúng ta sẽ gặp xã Xuân Sơn. Cảnh quan đầu tiên đập vào mắt mọi người là các cánh rừng keo mới được trồng trên các sườn núi gần quốc lộ. Từ thuở xa xưa, nguyên các cánh rừng ấy là rừng đại ngàn, cây cối cao to. Những năm 1978, 1979, người dân phá rừng khai hoang làm nương rẫy và những người khai thác gỗ trái phép đã biến các cánh rừng đó trở nên xơ xác, trơ sườn núi đá. Rừng khô thì suối cạn, hạn hán xảy ra, lũ rừng xảy ra liên miên đe dọa đời sống của cư dân hai bên sườn núi Xuân Sơn. Ủy ban xã Xuân Sơn đã phát động nhân dân trồng cây gây rừng. Hạt kiểm lâm cung cấp cây giống, người dân được trợ cấp tiền, lương thực để trồng cây gây rừng, tái tạo lại màu xanh cho các vùng đồi trọc. Núi non bạt ngàn, rộng bát ngát mà phải trồng lại từng gốc cây khiến nhiều người dân ngần ngại. Đội lâm sản của xã di tích phong trồng trước mười hecta rừng làm thí điểm. Thấy có kết quả tốt, bà con ồ ạt đăng kí làm theo. Trong mười năm qua, xã Xuân Sơn trồng phủ kín gần hết diện tích đồi trọc, đem lại một khoản thu nhập khá ổn định cho người dân khi bán các đám rừng trồng đến mùa thu gỗ. Rừng mới trồng làm giảm đáng kể nạn phát rẫy bừa bãi.

Hôm nay, về đến xã Xuân Sơn, người ta bắt gặp nhiều hộ giàu lên nhờ trồng rừng, trồng các loại cây lấy gỗ. Xuân Sơn đang thay da đổi thịt từng ngày.

Cùng với việc gìn giữ môi trường, trồng rừng là một kế hoạch rất quan trọng. Ở trường, em tham gia rất tích cực vào các phong trào cổ động cho việc giữ gìn môi trường xanh của Trái Đất. Em sẽ cố gắng trở thành chiến sĩ xuất sắc trong việc tuyên truyền chủ trương trồng cây gây rừng của Đảng và Nhà nước.

Top 10 bài kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường của em

4. Kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường em hay nhất số 4

(Phát triển nghề phụ: tiểu thủ công mỹ nghệ xuất khẩu)

Bây giờ, mời mọi người hãy ghé thăm quê em, cái nôi của ngành sản xuất đồ mỹ nghệ làm từ lá băng buông, dây chuối, tre nứa. Trong mười lăm năm nay, ngành thủ công mỹ nghệ quê em thực sự chuyển mình, phát triển rất mạnh trong đời sống nhân dân.

Khởi nguồn từ một hợp tác xã nhỏ, hợp tác xã Mỹ Nghệ đã làm được chuyện lớn. Nắm vững nguồn nguyên liệu từ cây lá rừng: lát băng buông, tre nứa, tàu lá chuối, bẹ chuối, hợp tác xã Mỹ Nghệ cử xã viên đến các cơ xưởng lớn trong và ngoài nước để nghiên cứu việc sản xuất đồ tiểu thủ công từ các nguyên liệu nói trên. Thế là: nón lát, giỏ lát, làn hoa, đệm…., làm từ các nguyên liệu lá ra đời và ngày càng được phát triển một cách tinh xảo, nghệ thuật. Bạn có biết một bộ ghế sô-pha được thắt từ bẹ chuối phơi khô có giá trị bao nhiêu không? Sô-pha làm bằng bẹ chuối đánh bóng trị giá từ sáu mươi đến hai trăm triệu đồng tiền Việt Nam, một con số không thể ngờ phải không? Không chỉ dừng ở đó, sô-pha mỹ nghệ độc đáo này còn xâm nhập vào thị trường châu Âu, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho hợp tác xã và nâng cao đời sống của xã viên. Tất cả sản phẩm của hợp tác xã đều làm bằng tay và vô cùng sắc sảo. Ngày nay, nếu ai đó ghé đến thăm hợp tác xã, sẽ được chứng kiến cảnh tượng làm việc tích cực của các xã viên. Trong xưởng dài, hàng trăm xã viên im lặng làm việc, họ im lặng làm việc nhưng cảnh tượng ở đây lại rất sôi động: xe bốc chở nguyên liệu đến và sản phẩm mang đi luân chuyển hằng ngày. Ngoài xã viên chính thức làm tại xương, người ta còn có thể thấy người dân còn nhận dây lát, dây chuối, tre nứa đã được qua khâu xử lý nguyên liệu, cần mẫn ngồi đan nón, đan giỏ, thắt ghế... đó là hình ảnh thường thấy ở quê em. Có khá nhiều gia đình xã viên giàu lên nhờ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Mọi người trong huyện đều đăng kí nhận nguyên liệu của hợp tác xã và gia công tại nhà ngoài nghề nghiệp chính của gia đình họ. Hợp tác xã đã đem lại cho người dân quê em một việc làm phụ ổn định, có thu nhập tốt, nâng cao đời sống hằng ngày.

Ngoài việc thêm thu nhập, nhờ nghề tiểu thủ công nghiệp mỹ nghệ, nghề phụ này là một môn học rèn luyện sự khéo léo, tính kiên trì sáng tạo của con người. Nó giáo dục cho người dân tính thẩm mỹ, yêu cái đẹp, yêu lao động và yêu cuộc sống. Em rất thích ngắm nhìn đôi bàn tay của người dân quê em khi họ đan nón, thắt giỏ. Em tự hào quê em là một trong những nơi nổi tiếng sản xuất hàng mỹ nghệ.

5. Hãy viết về những đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường của em số 5

Phải công nhận, mấy năm qua, quê em đổi mới nhanh chóng đến không ngờ. Ai xa quê trên dưới năm năm nay quay trở lại chắc chắn sẽ không thể nghĩ được rằng ngôi làng nhỏ yên bình ngày xưa giờ lại đổi thay đến thế.

Đất nước mình đang nhanh chóng thay da đổi thịt. Sự lớn mạnh ấy được góp vào từ những miền quê trong đó có cả ngôi làng nhỏ bé và thân thiết của em.

Nhớ lại cách đây chỉ vài năm, làng em vẫn thuần nông nghiệp. Lúc đẹp nhất là lúc nhìn đồng lúa từ bát ngát chuyển sang màu xanh vàng rồi vàng óng báo hiệu một mùa gặt mới. Lúc ấy đường làng ngõ xóm toàn bằng đất cứ mỗi lần mưa là lầy lội khiến lũ học trò bước chân đến lớp là lem lem luốc luốc toàn những bùn với đất. Cuộc sống của cha mẹ ông bà tuy yên bình nhưng lam lũ, vất vả và nghèo.

Nhưng bây giờ, câu chuyện đã rất khác xưa. Mấy năm nay nhờ sự đầu tư của tỉnh, làng em chuyển sang làm nghề thủ công. Mới đầu chỉ có vài người sau đó kéo theo cả làng rồi làng bên cạnh. Cả làng là một xưởng thủ công làm sắt và làm đồ gỗ. Hăng trăm bác nông dân nay thành những người thợ nung sắt hay thành anh thợ mộc. Đồ sắt ở làng em có uy tín trên thị trường, giá cả lại phải chăng nên người mua đông đảo lắm. Hàng làm ra đến đâu được đặt mua ngay đến đấy. Còn đồ gỗ thì tinh xảo vô cùng. Không ngờ chỉ mới được chỉ dạy và tự học mấy năm mà thanh niên làng làm nghề gỗ tinh xảo lắm. Bây giờ về làng không phải đi bằng đường đất. Những cánh đồng lúa cũng đã bị biến thành những xưởng thủ công. Nhà nhà đổ trần san sát cạnh nhau. Trong nhà đồ đạc chẳng thiếu thứ gì. Bây giờ vẻ đẹp của quê em không chỉ là cánh đồng mênh mông bát ngát mà là những đôi bàn tay nghệ thuật, những bộ óc làm ăn kinh tế đầy táo bạo và đẹp ở nếp sống văn hóa phố phường.

Nhìn quê hương đi lên nhanh chóng, tụi em cũng thấy rạo rực vô cùng. Chúng em chỉ mong học hành thật tốt để nhanh chóng trở về ngày càng làm giàu đẹp cho quê hương.

6. Kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường em số 6

Quê tôi thuộc một vùng đồng bằng chiêm trũng miền Trung nơi có nắng lắm mưa nhiều lụt lội triền miên, quanh năm đói khổ, thiếu ăn thiếu mặc. Vậy mà giờ đây cuộc sống đã khởi sắc thay da đổi thịt trên nhiều lĩnh vực. Tôi còn nhớ cách đây hai năm lúc tôi còn là một cậu học sinh lớp Một, ngôi trường mà chúng tôi học là một dãy nhà tranh vách đất ọp ẹp, bàn ghế cũ nát. Thế mà giờ đây, cũng tại địa điểm ngôi trường cũ, hai dãy nhà lầu ba tầng được kiến trúc theo chữ L mọc lên khang trang hiện đại. Bàn ghế hai chỗ ngồi bóng loáng còn thơm mùi vẹc-ni thay thế cho kiểu bàn năm chỗ ngồi. Sân trường được tráng xi măng phẳng lì với những hàng cây bạch đàn, phượng vĩ xanh mát. Đường làng được mở rộng, nâng cấp trải nhựa đen bóng. Xe ô tô, honda nổ máy chạy ầm ầm. Đặc biệt là điện đã về làng. Dường như hai phần ba số hộ đã có tivi, cat set và khoảng một phần hai số hộ có xe gắn máy. Nhà tôi cũng có một chiếc Dream bố vừa mới mua cách nay hai tháng. Tối thứ bảy, chủ nhật nào bô cũng chở mẹ và tôi đi dạo một vòng quanh đường làng. Tôi yêu làng quê mình lắm. Bởi cuộc sống quê hương tôi giờ đây không thua kém gì thành thị mà tôi thấy trên tivi. Những gì mà tôi kể ra đây chỉ là một phần rất nhỏ trong sự đổi mới của quê hương tôi.

7. Kể về sự đổi mới ở phố phường em số 7

Nơi em ở hiện nay là thị xã Châu Đốc, nằm cạnh bên dòng sông Hậu hiền hòa, thơ mộng. Trước đây, Châu Đốc vốn là một thị xã gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân chủ yếu là buôn bán nhỏ, làm ruộng, chăn nuôi…Nhưng giờ đây Châu Đốc quê em đã có nhiều đổi mới.

Trước kia, đường xá Châu Đốc thường nhỏ hẹp, thường xảy ra tai nạn giao thông, đến mùa lũ đường xá bị ngập nước, việc đi lại rất khó khăn. Bây giờ, các con đường đã được mở rộng, nâng cao và tráng nhựa, các ngã tư đường đều có lắp đặt đèn báo hiệu giao thông. Về sản xuất, trước đây người dân chỉ làm lúa hai vụ trong năm do nước lũ tràn về. Giờ đây, chính quyền địa phương quan tâm đến việc đắp đê ngăn lũ nên nông dân trồng được ba vụ lúa trong năm. Nhờ vậy, sản lượng lúa thu hoạch tăng cao, không những đảm bảo cung cấp lương thực cho nhân dân mà còn xuất khẩu gạo ra nước ngoài.

Về chăn nuôi, nổi bật nhất là nuôi cá bè, nào là cá tra, cá ba-sa, cá diêu hồng…ngoài việc làm nguồn thực phẩm, cá còn làm khô và chế biến thực phẩm xuất khẩu. Thị xã Châu Đốc thay đổi lớn nhất là phát triển du lịch và giáo dục. Hằng năm, lễ hội chùa Bà Chúa Xứ núi Sam đã thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Bên cạnh đó, giáo dục cũng không ngừng phát triển, nhiều trường học được xây dựng khang trang và người dân rất quan tâm đến việc học tập của con em. Vì vậy, so với những năm trước đây các bạn học sinh đến trường nhiều hơn, không còn tình trạng thất học.

Nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục nên đời sống của người dân quê em ngày càng ấm no, hạnh phúc. Em nhủ lòng sẽ cố gắng học tập thật giỏi để sau này góp phần xây dựng thị xã ngày càng giàu đẹp.

8. Kể về sự đổi mới ở xóm làng em số 8

Quê hương em là một vùng nông thôn mới, mọi thứ đều mới từ nhà cửa, ruộng đồng và con người. Theo tháng năm, khi đất nước thay đổi và phát triển mạnh mẽ thì ngôi làng nhỏ của em cũng có những chuyển biến đáng chú ý. Sự thay đổi đó của quê hương khiến cho những ngôi nhà, những con người như khoác thêm tấm áo mới.

Quê hương em nằm cạnh dòng sông lam hiền hòa, quanh năm lặng lẽ trôi êm đềm, ôm lấy bãi bờ xanh ngắt của nương ngô dài mênh mông. Có nhiều thứ thay đổi, nhiều thứ mới hơn nhưng dường như dòng sông ấy vẫn vậy, không thay đổi, vẫn chảy theo dòng xiết và vẫn vỗ về vào bãi bồi đầy cát trắng.

Nếu như cách đây vài năm, những con đường đất vẫn đang phổ biến, ngày nắng xe cộ qualại bụi bay mù trời; ngày mưa trơn trượt khó khăn trong việc đi lại thì hiện nay đã có những con đường bằng bê tông. Những con đường này được mở rộng ra hai bên, không chật hẹp như trước nữa. Đồng nghĩa với việc có nhiều đường mới sạch và đẹp thì cũng xuất hiện nhiều chiếc xe máy hơn là xe đạp. Những chiếc xe ga cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn, gương mặt của con người cũng không còn khắc khổ nữa mà đã thanh thản và sung sướng một phần.

Trước đây hiếm lắm mới thấy xuất hiện một ngôi nhà hai tầng, nhưng hiện nay đã bắt đầu lác đác nhiều người xây dựng nhà hai tầng, thậm chí là ba tầng rất đẹp. Sự đổi thay bắ tđầu từ những con đường, những mái nhà mới hiện đại hơn. Nhiều gia đình cấp bốn nhưng cũng được xây dựng chắc chắn, kiên cố, thậm chí là đẹp và đầy đủ tiện nghi hơn.

9. Bài văn mẫu kể về xóm làng, phố phường em số 9

Phường nơi em ở tương đối nghèo so với các phường trong quận và tập trung nhiều người lao động ở nơi khác đến. Tuy vậy, trong thời gian qua nhân dân trong Phường đã làm được nhiều việc tốt, đáng kể nhất là việc giữ gìn đường phố sạch đẹp.

Trước kia, ít ai chú ý đến việc giữ gìn vệ sinh chung. Các ngõ hẻm thường ngập ngụa rác, nước thải. Các nhà trọ nhếch nhác, quần áo phơi ngay lối đi. Mỗi khi có khách đến nhà em, đi qua ngõ, mẹ em lộ vẻ ngại ngùng. Thời gian sau này, thường xuyên xuống thăm các tổ dân phố các vị lãnh đạo trong Phường thống nhất phát động bà con tham gia giữ gìn thành phố sạch đẹp.

Ngày chủ nhật, từng tốp thanh niên xung kích bắc loa kêu gọi mọi nhà làm vệ sinh nhà ở, phần hẻm trước cửa nhà. Ai nấy mang chổi quét sạch rác, nhổ cỏ khơi thông cống rãnh. Lũ muỗi trốn dưới cống bị xịt thuốc tiêu diệt sạch. Không những thế, các tờ giấy quảng cáo dán trên cột điện được lột ra, các số điện thoại in trên tường nhà được cạo đi, quét lại sơn mới. Mọi người vui vẻ lao động trong tiếng trống ếch của đội thiếu nhi. Các anh chị đoàn viên vừa giúp bà con dọn dẹp, vừa cười nói ầm ĩ. Kết thúc buổi sáng, nhà cửa, các ngõ hẻm trong Phường sạch sẽ, quang đãng hẳn ra. Ai nấy tươi cười, lộ vẻ hài lòng.

Từ đó trở về sau, người dân trong phường vẫn tiếp tục phát huy việc giữ gìn đường phổ sạch đẹp. Khu phố nơi em ở đã đổi mới, thay đổi bộ mặt. Bà con đang phấn đấu trở thành : “Khu phố văn hóa”.

10. Bài văn Kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường em số 10

Khu phố của em thuộc phạm vi ngoại thành của thành phố. Trước kia nó thuộc vào một xã ven thị nhưng nay đã được chuyển thành phường. Và từ đó làng quê em có thêm nhiều thay đổi mới.

Con đường chính chạy dọc khu phố em đã được trải nhựa. Vỉa hè hai bên được lát gạch mới tinh. Vừa giúp làm đẹp cảnh quan hai bên đường phố vừa xanh sạch đường làng ngõ xóm.

Nhiều cây xanh được trồng hai bên đường đem lại cho đường phố vẻ tươi xanh, mát mẻ. Việc giữ gìn vệ sinh công cộng được đẩy mạnh nên đường phố luôn sạch đẹp. Không chỉ là việc tự ý thức giữ gìn vệ sinh của từng hộ gia đình, mà còn nâng cao ý thức về việc giữ gìn vệ sinh chung của khu phố: đường xá, vỉa hè, công viên cây xanh, hồ điều hòa...

Những người lấn chiếm lòng đường và vỉa hè để buôn bán đều phải lui vào theo quy định chung. Những hàng bán rong đều bị phạt nghiêm khi lấn chiếm lòng đường hay vỉa hè, các cô chú bán hàng rong đều được động viên tập trung buôn bán ở các chợ được quy hoạch sẵn. Chợ này vừa tập trung vừa kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm cho người mua và người bán.

Buổi tối, khi đèn cao áp chiếu xuống hai bên hè phố, cùng với đèn của các nhà cũng đều tỏa sáng thì nhìn khu phố thấy đẹp đẽ lung linh vô cùng.

11. Kể về những đổi mới ở địa phương em số 11

Vì hoàn cảnh gia đình em phải theo bố mẹ chuyển về thành phố sống. Vậy là mấy năm liền em vẫn chưa có dịp về thăm quê. Đến hè vừa rồi vì đạt giải Toán thành phố nên bố mẹ em thưởng cho em một chuyến về quê. Ngồi trên xe em vô cùng hồi hộp và tự hỏi sau mấy năm xa cách không biết bây giờ quê của em có gì thay đổi không, những người bạn của em ra sao có ai phải bỏ học không. Vì quê em ngày xưa nghèo lắm, rất nhiều bạn chỉ học hết cấp một đã phải bỏ học đi chăn trâu.

Chiếc xe đưa em từ từ rẽ phải, đường vẫn êm ru, em cứ ngỡ vẫn là con đường của phố huyện nhưng bất chợt em nhìn thấy cây đa cổ thụ ở đầu đường. Ôi con đường của quê mình đây mà. Em sung sướng reo lên:

- Bố ơi, đường về quê không còn ổ gà như trước nữa nhỉ.

Bố gật đầu mỉm cười:

- Con đường này làm từ năm ngoái con ạ.

Bất giác em nhớ lại cách đây mấy năm, ngày đó mỗi khi trời mưa, người dân làng em rất ngại ra phố huyện vì con đường sẽ vô cùng lầy lội, khó đi, có những đoạn phải dắt xe. Đi ra được đến phố thì người đã lấm lem đầy bùn đất. Thế mà bây giờ con đường ấy đã được thay thế bằng một con đường nhựa đen bóng láng. Em thấy người và xe qua lại có vẻ đông hơn trước rất nhiều. Từng đoàn xe đạp xe máy nối đuôi nhau, nhìn ai cũng tươi vui hớn hở.

Càng về gần làng em càng ngạc nhiên vì sự thay đổi đến bất ngờ. Những ngôi nhà lá năm xưa giờ được thay thế bằng những ngôi nhà ngói sáng sủa đủ màu sắc, đây đó còn có những ngôi nhà hai, ba tầng như ở thành phố. Trong nhà cũng đầy đủ sa lông, tủ tường và trên tường cũng có những chùm đèn đủ màu sắc. Và đằng trước là những sân xi măng sạch bong phơi đầy lúa. Em nhớ trước đây người ta thường phơi lúa bằng sân đất cho nên dù có quét sạch đến mấy thóc vẫn đầy sạn và lúa phơi ở sân đất rất khó khô.

Chiếc xe bon bon đưa em về đến tận sân nhà bác trai em. Căn nhà lá năm xưa cũng được thay thế bằng ngôi nhà hai tầng đồ sộ.

Nhớ lại cách đây chỉ vài năm, làng em vẫn thuần nông nghiệp. Mọi thứ người ta chỉ biết trông vào ruộng lúa, luống rau. Nhìn khắp nơi chỉ thấy những cánh đồng lúa xanh mát thẳng cánh cò bay, mở mắt họ đã ra đồng, cặm cụi làm cho đến khi mặt trời lặn, sương đã vương áo họ mới trở về. Về đến nhà ai nấy lùa vội bát cơm là lên giường ngủ, chẳng biết đến xem phim, nghe ca nhạc là gì. Trẻ con như chúng em cũng phải làm, cứ đi học về ăn cơm xong lại theo đàn trâu, đàn bò lên rừng. Tối về chỉ còn xếp sách vở vào cặp là đi ngủ nên chẳng mấy đứa học giỏi. Cuộc sống lúc đó bình yên nhưng nghèo quá.

Nhưng bây giờ, em thấy mọi chuyện đã thay đổi, nhà nào cũng có tivi đầu đĩa. Ngay từ đầu xóm người ta đã nghe rộn rã tiếng hát từ những chiếc đài cát sét, từ chiếc đầu đĩa phát ra. Thôn xóm trở nên rộn rã. Và em nghe bác em kể lại cứ đến mùa bóng đá thì xóm làng càng rộn rã hơn. Trai tráng trong làng tụ tập nhau ngồi xem bóng đá. Họ xem rất vô tư vì không có cá độ như ở thành phố.

Phương tiện đi lại cũng hiện đại hơn trước rất nhiều, trước đây khắp đường làng chỉ thấy toàn xe đạp, vậy mà nay hầu như nhà nào cũng có xe máy để đi lại, có người còn đi xe máy khi ra ngoài đồng làm, họ dựng xe ở trên bờ.

Em rất vui khi thấy các bạn của mình đều học lên lớp 4, các bạn ấy cũng rất chú tâm vào chuyện học hành với mơ ước sau này đỗ đại học và được lên thành phố học. Em thầm nghĩ: Nếu sau này chúng em lại được học đại học cùng nhau thì vui biết mấy...

Quê hương em mọi thứ đã đổi thay, trong bóng chiều thướt tha từng đàn trâu no tròn đủng đỉnh về chuồng, đằng xa từng đoàn người gánh lúa về, bước chân thoăn thoắt, tiếng cười nói râm ran.

Phong cảnh ngày càng tươi đẹp hơn khi xen lẫn những cánh đồng xanh bao la, những vườn cây đầy hoa trái là những ngôi nhà xây đủ màu sắc. Xa xa, từng đàn cò trắng bay trong ánh nắng vàng rực rỡ.

12. Kể về sự đổi mới của quê hương em lớp 4 số 12

(Giữ gìn phố phường sạch đẹp)

Cùng với làn sóng người dân từ các tinh đổ về thành phố tìm kiếm việc làm, thành phố gia tăng dân số nhanh chóng, các đường phố, ngõ hẻm của phường em ngập ngụa trong rác bẩn, người người chen chúc ở trong xóm trọ. Đó là hình ảnh của phường hai năm trước đây. Giờ đây, nếu bạn có dịp ghé đến phường mười hai, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, bạn sẽ thấy một cảnh quan sạch đẹp, quang đãng và văn minh hơn nhiều.

Ủy ban Nhân dân và các tổ dân phố chủ động họp dân cảnh báo về tình trạng dơ bẩn, thiếu vệ sinh trong đời sống cộng đồng. Phong trào vệ sinh đường phố bắt đầu. Cứ hai tuần một lần, mồi hộ nhà dân cử một lao động cùng cả khu phố dọn dẹp vệ sinh dưới sự chỉ đạo của tố trưởng dân phố.

Đoàn thanh niên xung kích dọn sạch các đống rác ở những nền nhà trống, chỗ được xem là bãi rác hoang mà người ta đổ rác vô ý thức. Các tổ an ninh kiểm tra ngặt hộ khẩu, đăng kí tạm vắng, tạm trú và theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh trong phường. Đường phố như được khoác một cái áo mới, gọn gàng, sạch đẹp và lịch sự hơn. Đại lộ Quang Trung, con đường chính chạy ngang phường, sạch như ngày Tết. Hàng hoá của các tiệm bụôn bày biện gọn gàng, không có hàng rong, hàng quán lấn chiếm lòng lề đường. Tệ nạn hút chích, cướp giật đã giảm đi nhanh chóng. Mọi người dân đều có ý thức trật tự văn minh hơn trước. Chi đoàn thanh niên phường hướng dẫn thanh niên trong phường sinh hoạt theo lịch hàng tuần. Các em vui chơi hè bổ ích hơn như mỗi tháng hè thiếu nhi trong phường được đi dã ngoại một lần. Cán bộ hưu trí sinh hoạt tại câu lạc bộ hưu trí của phường. Phường em đang thực sự có nếp sống tiến bộ hơn.

Sự thay đổi tốt hơn của phường em góp thêm thành tích cho việc xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, lịch sự. Em mong muốn phường em giữ vững được nếp sống mới tốt đẹp này đổ mọi người dân yên tâm sinh sống, làm việc.

13. Viết đoạn văn khoảng 5 đến 7 câu nói về xóm làng hoặc phố phường của em (3 mẫu)

Top 15 bài kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường của em mà Hoatieu.vn sưu tầm được và muốn gửi tới các em học sinh. Qua đó các em sẽ có thêm tài liệu tham khảo để viết cho mình bài văn đầy đủ, ý nghĩa và dễ đạt điểm cao. Các em chỉ nên xem tham khảo rồi viết theo cách của mình, tránh sao chép y nguyên bài văn.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
238 21.272
6 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Cự Giải
    Cự Giải

    Hay quá

    Thích Phản hồi 18/01/23
    • Bùi Linh
      Bùi Linh

      rất hay đó

      Thích Phản hồi 18/01/23
      • Minh Ngọc
        Minh Ngọc

        Mong ad ra thêm nhiều mẫu mới nữa

        Thích Phản hồi 18/01/23
        • Sky87
          Sky87

          Top 12 bài kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường của em siêu hay😀

          Thích Phản hồi 18/01/23
          • Vịt Cute
            Vịt Cute

            Top 12 bài kể về sự đổi mới ở xóm làng hoặc phố phường của em cũng khá hay

            Thích Phản hồi 18/01/23
            • Nguyễn Thị Thu Giang
              Nguyễn Thị Thu Giang

              tuyệt zời

              Thích Phản hồi 29/01/23