Viết bài văn tả một người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi

Viết bài văn tả một người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi là đề bài rất hay và quen thuộc đối với các em học sinh. Top 7 Bài văn mẫu tả người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi hay nhất kèm dàn ý chi tiết sau đây sẽ giúp các em học sinh lớp 5 tham khảo, biết cách viết bài văn tả người đạt điểm cao.

Sau đây, HoaTieu.vn xin giới thiệu đến các em học sinh văn mẫu lớp 5: Bài văn tả một người mà em chỉ gặp một vài lần: bác tài xế, cậu bé đánh giày, nghệ sĩ đường phố, cô điều dưỡng, lính cứu hỏa...

Viết bài văn tả một người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi
Viết bài văn tả một người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi

1. Dàn ý tả một người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi

1. Mở bài: Giới thiệu về người mà em mới gặp một vài lần nhưng nhưng nhớ mãu: bà bán hàng rong

2. Thân bài:

- Tả đặc điểm ngoại hình của bà bán hàng rong:

+ Trông đã rất lớn tuổi, thân hình thấp bé, gầy gò, lưng hơi còng

+ Làn da sạm đi vì nắng gió, nhăn nheo và hơi lỏng lẻo

+ Khuôn mặt nhỏ, gầy, hai má hơi hóp lại

+ Hốc mắt trũng sâu, đôi mắt mờ đục

+ Cái miệng móm mém, thỉnh thoảng bỏm bẻm nhai trầu

+ Tóc bạc trắng hơn một nửa, còn khá ít, búi gọn lại bằng chiếc khăn màu đen

+ Bàn tay khô gầy nổi lên các khớp xương, trông rất yếu đuối

+ Mặc bộ đồ bà ba màu xanh dương nhạt đã cũ mèm, chân đi đôi dép nhựa màu trắng đục đã cũ

+ Đeo một chiếc túi đen nhỏ đựng tiền trước bụng, đứng cạnh chiếc xe đạp có một hộp xốp đựng đầy hoa hướng dương

- Tả đặc điểm hoạt động của bà cụ bán hàng rong:

+ Bà ngồi trên chiếc ghế nhỏ cạnh xe hoa, một tay cầm quạt mo khẽ phe phẩy

+ Ánh mắt ngẩn ngơ nhìn về phía xe cộ qua lại trên đường

+ Thấy có khách ghé xem, hai mắt cụ sáng lên vui sướng, tay dừng quạt, mong chờ khách xem hàng

+ Khách rời đi mà không mua, bà sẽ buồn bã tiếp tục ngồi yên ngắm phố phường

+ Khách mua bà sẽ đứng dậy, nhanh chóng gói hàng và thối tiền

+ Các bạn học sinh không mua hoa, chỉ tụm lại xem hoa cũng được bà hiền từ gọi lại nhìn gần hơn

3. Kết bài: Suy nghĩ và tình cảm, cảm xúc của em dành cho bà cụ bán hàng rong đó.

2. Viết bài văn tả một người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi

Tả bác tài xế

Mỗi ngày đến trường, em đều dậy từ rất sớm. Đứng trước nhà, em cảm nhận được sự trong lành tươi mát của buổi sớm mai. Mẹ dắt em nhanh chóng di chuyển tới trạm xe buýt gần nhà chờ xe. Xe buýt là phương tiện mà em di chuyển tới trường hàng ngày. Trên chuyến xe ấy, người em chỉ gặp vài lần nhưng khiến em nhớ mãi chính là bác tài xế lái xe buýt từ nhà tới trường em.

Bác tài xế có thân hình thấp, trông bác hơi gầy với làn da màu mật khỏe mạnh. Đôi mắt bác ánh lên vẻ phúc hậu, hiền từ như một người cha khi nhìn các bạn học sinh chúng em lên xe. Có cảm giác hơi cất công, nhưng bạn nào lên xe cũng được bác giơ tay chào, chúng em cũng thích thú, chủ động chào bác thật to: “Cháu chào bác ạ”. Tóc bác đã điểm những sợi bạc, tóc chuyển hoa râm. Gương mặt bác hình chữ điền trông với vẻ rắn rỏi, cứng cáp nhưng cũng rất đáng tin cậy. Có một lần lên xe, em đập tay chào bác trong khí thế vui tươi, chợt em phát hiện bàn tay bác đã chai sạn vì nghề lái xe này chăng. Đôi bàn tay đó không mềm mại như tay học sinh cầm bút, không nhẹ nhàng như tay mẹ em ôm em mỗi sáng nhưng vẫn làm em yên tâm, hạnh phúc lạ kì. Quả thực khi làm một việc gì đó, phải thật sự yêu nghề mới có thể làm được, nhất là với ngành nghề vất vả, phải tập trung lái xe mọi phút giây như bác. Ngồi sau ghế lái của bác, dáng vẻ gầy gầy nhô những hõm xương, luôn luôn lạc quan ấy đã làm cho em nhớ mãi, nhớ mãi từ bao giờ…

Lại một hôm, trời mưa và nước dâng lên rất cao làm xe cộ không di chuyển được. Để giải vây cho tình cảnh im ắng, lo lắng giờ muộn học. Bác tài xế bỗng lấy điện thoại ra gọi cho cô hiệu trưởng trường em kể về tình hình đường xá, bác còn hát thêm vài câu nữa. Học sinh chúng em ở sau không nhịn được cười, cứ thế ầm ầm, ran cả chiếc xe lên. Bác vui tính lắm! Có những ngày trời mưa, được nghe bác hát hò, nhìn bạn bè cười đùa hò hét theo, em thấy thật thoải mái và quên mọi muộn phiền.

Bác tài xế lái xe buýt có một không hai là người để lại cho em những ấn tượng khó quên. Có những ngành nghề như vậy, những nghề mà không được nhiều người chọn, những nghề được coi là bình thường nhưng người làm nghề ấy mới thật hạnh phúc, thật vô tư làm sao. Vậy mà, sau hai tuần, em được nghe tin bác đã không còn lái tuyến xe đi qua nhà em đến trường nữa. Em được nghe nói bác đã được chuyển sang tuyến đường dài hơn, do có kinh nghiệm nên bác sẽ lái tốt được tuyến đường ấy. Quả là một nỗi buồn nhớ khó quên với em…

Em thật sự nhớ bác tài xế ngày nào. Đó là kỷ niệm, là người khiến em nhớ nhất, và đó cũng là điều khiến em chững lại mỗi lần đặt chân lên xe buýt. Có lẽ, em sẽ chẳng bao giờ có thể quên được. Giá như em có thể biết được bác bây giờ ra sao, có lẽ trong em sẽ cảm thấy yên tâm phần nào…

Tả em bé đánh giày

Có những cuộc gặp gỡ thoáng qua, nhưng lại mang trong lòng nhiều cảm xúc đặc biệt. Và cuộc gặp gỡ của em với một em bé đánh giày ngày hôm nay là một trường hợp như vậy.

Sau khi kết thúc giờ học, bố đã đưa em đi ăn tại một quán ăn nhỏ nằm trên đường Trần Thái Tông. Khi đang thưởng thức tô phở nóng hổi, thơm phức, một em bé đánh giày đã tới gần. Em bé chỉ mới 5-6 tuổi, dáng người gầy gò, nhỏ bé, da đen nhẻm và mang theo một hộp đựng dụng cụ đánh giày nặng nề. Mùa thu đã đến Hà Nội, tiết trời se lạnh, nhưng em bé đánh giày chỉ mặc chiếc áo cộc tay mỏng manh đã bạc màu.

Em bé tiếp cận từng bàn để mời khách hàng đánh giày. Dáng người nhỏ bé và cử chỉ nhút nhát của em bé khiến mọi người cảm thấy thương tâm. Thấy vậy, bố em đã gọi em bé lại gần, ngỏ ý mời em ăn cùng, nhưng em bé đã từ chối. Không còn cách nào khác, bố em đã nhờ em bé đánh giày cho mình. Sau khi em bé hoàn thành công việc, bố em đã trả cho em 300 ngàn đồng. Ban đầu, em bé từ chối, nhưng sau khi bố em thuyết phục, em bé đã chấp nhận nhận tiền và đôi mắt em tràn đầy nước mắt, ngọt ngào cảm ơn.

Cuộc gặp gỡ này đã gửi gắm trong em rất nhiều cảm xúc đậm sâu. Em cảm thấy thương xót trước hoàn cảnh khó khăn của em bé, và em trân trọng những đức tính thật thà và lòng tự trọng của em bé. Em cũng hy vọng rằng em bé sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, có cơ hội đi học và đến trường như những người bạn cùng trang lứa khác.

Tả nghệ sĩ đường phố

Mỗi buổi chiều tan trường, khi ánh nắng vàng dịu dàng trải dài trên những con đường, tôi lại bước chân qua công viên nhỏ gần nhà để chiêm ngưỡng màn biểu diễn đặc sắc của người nghệ sĩ đường phố tài hoa.

Chú ấy là một người đàn ông trưởng thành với dáng người cao ráo và hơi gầy. Mái tóc của chú ấy có màu nâu nhạt, xoăn nhẹ bồng bềnh lãng tử - rất giống với tưởng tượng của em về những người nghệ sĩ. Khuôn mặt chú ấy góc cạnh và có sống mũi cao. Dường như chú ấy là một người con lai thì phải. Ấn tượng nhất là đôi mắt nâu sâu thẳm và chất chứa nỗi buồn của chú ấy. Khi chơi đàn piano, đôi mắt chú ấy nhìn về phía xa xăm vô định. Như là chú ấy đang chìm đắm trong thế giới của riêng mình, mặc kệ tất cả những điều xung quanh. Những ngón tay của chú ấy nhảy múa trên phím đàn điệu nghệ đến khiến người xem phải trầm trồ. Tất cả khiến em tin rằng chú ấy là một nghệ sĩ piano thực thụ. Dù chú không mặc bộ vest lịch lãm, không biểu diễn trên sân khấu rộng lỡn thì cũng chẳng chút nào ảnh hưởng đến chú cả.

Mãi đến lúc về nhà, vẻ ngoại hình lãng tử và có chút gì đấy buồn bã của người nghệ sĩ piano đường phố kia vẫn khiến em nhớ mãi. Em rất mong sẽ được gặp chú ấy thêm lần nữa. Lúc ấy, em sẽ tiến lại và xin phép được biết tên của người nghệ sĩ này.

Tả cô điều dưỡng

Tuần vừa qua, em bị ốm phải khám bệnh ở bệnh viện tỉnh. Tại đây, em gặp một cô y sĩ điều dưỡng rất đáng mến.

Cô y sĩ còn rất trẻ, ước chừng cô chỉ mới hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi. Dáng người cô nhỏ nhắn, tay chân thon thả. Cô có nước da trắng nõn nà như da em bé. Mái tóc cô búi gọn trong chiếc mũ y sĩ màu trắng. Vài sợi tóc mái loà xoà trước trán cô, ló ra khỏi vành mũ. Cô có khuôn mặt trái xoan, mắt to, đôi lông mày vòng cung thanh mảnh. Đôi môi hình trái tim sắc nét tô một lớp son màu hồng nhạt, trông cô duyên dáng hẳn ra. Cô mặc áo choàng y sĩ màu trắng, ngắn tay, để lộ khủyu tay, cánh tay thon đẹp, bàn tay nhỏ nhắn với các ngón tay tháp bút xinh xinh.

Cô y sĩ đọc tên bệnh nhân rành mạch, rõ ràng rồi đưa họ vào phòng khám. Trước khi bác sĩ khám bệnh, cô đo huyết áp cho bệnh nhân và ghi vào hồ sơ bệnh án. Cô làm việc nhẹ nhàng, thành thạo. Cô ân cần nhắc nhở bệnh nhân: “Các cô chú cởi áo khoác ra nghen, đo huyết áp xong thì mặc vào lại nha.”. Cô cẩn thận dắt tay một cụ già, để cụ ngồi vào ghế tựa chờ bác sĩ khám. Cô nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng. Khi bác sĩ kê đơn thuốc xong, cô dặn kĩ bệnh nhân cách dùng thuốc và hướng dẫn họ đến quầy thuốc của bệnh viện để mua thuốc. Bệnh nhân rất đông, người nọ nối tiếp người kia vào khám. Cô y sĩ làm việc liên tục nhưng nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi cô. Có vài bệnh nhân đi nhầm khoa, cô tận tình chỉ dẫn họ đến khoa mà họ muốn tìm. Thái độ niềm nở của cô thật dễ thương. Với khuôn mặt xinh xắn, có duyên và với chuyên môn vững vàng, cô y sĩ toát lên vẻ đẹp nhũn nhặn đầy lòng bác ái. Y đức của cô đúng như câu biểu ngữ viết trên tường bệnh viện: “Lương y như từ mẫu”.

Khám bệnh xong, về đến nhà em nhớ hoài nụ cười hiền dịu của cô y sĩ. Em thấy cô thật đẹp. Thế mới biết nhan sắc mặn mà của một người con gái không phải chỉ vì họ đẹp mà còn vì họ biết cư xử đẹp. Cô y sĩ em gặp một lần mà nhớ mãi chính là người con gái như vậy.

Y sĩ điều dưỡng là phụ tá đắc lực của bác sĩ, là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Ngoài chuyên môn được đào tạo của mình, người y sĩ điều dưỡng còn phải có tấm lòng nhân ái, yêu thương bệnh nhân mới hoàn thành tốt công việc. Suốt buổi khám bệnh, nhìn cô y sĩ làm việc, ước mơ vào học ngành y của em càng lớn, càng thêm mạnh mẽ. Em sẽ gắng học giỏi để thi vào trường Đại học Y, trở thành người thầy thuốc tốt.

Tả chú lính cứu hỏa

Có những người dù chỉ gặp lần đầu tiên đã ghi lại trong tim chúng ta những ấn tượng sâu sắc. Một lần tình cờ, em cũng gặp được người như thế. Đó là chú lính cứu hỏa, chú đã để lại cho em ấn tượng khó quên ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy.

Một buổi chiều tháng sáu, khi ánh mặt trời gay gắt đã dần dịu lại, hoàng hôn đỏ rực đã chiếm chỗ màu xanh thăm thẳm của bầu trời. Căn nhà đối diện nhà em đột nhiên bốc cháy, khói tuôn lên ngùn ngụt, đen ngòm. Người trong nhà hoảng sợ lao ra khỏi tổ ấm của mình. Không lâu sau đó, em nghe thấy tiếng còi xe cứu hỏa vang lên. Xe dừng ngay trước cánh cổng căn nhà, các chú lính cứu hỏa nhanh chóng nhảy xuống xe.

Người đầu tiên nhảy xuống xe chính là chú lính cứu hỏa đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc. Em không nhìn rõ khuôn mặt chú vì chiếc mũ nhựa cứng và khăn bảo hộ đã che kín cả khuôn mặt, chỉ có đôi mắt sáng tinh anh lộ ra. Đôi mắt ấy nhìn ngọn lửa mà không hề chần chừ, lượng lự, ánh lửa như lóe sáng trong ánh mắt. Dáng người chú cao lớn, khỏe mạnh ẩn trong bộ quần áo chống cháy màu da cam, đậm như màu của lửa đang cháy bùng bùng. Đôi tay chú được bao bọc trong đôi bao tay màu trắng đã lấm bẩn đen, có lẽ vì đám cháy đã xảy ra trước đó. Chú đi ủng mà vẫn vừng chãi lao vào đám cháy. Đôi vai rộng lớn của chú khoác chiếc bình chữa cháy chuyên dụng. Hình ảnh chú lao mình rồi mất hút trong đám cháy rất đẹp, đẹp cái vẻ đẹp ở người anh hùng trong cuộc sống đời thường.

Lửa vẫn bốc lên ngùn ngụt, khói đen sì cả một khoảng không trung. Ai nhìn vào cũng ái ngại, lo lắng. Nhưng những chú lính cứu hỏa vẫn dũng cảm lao mình vào đó, dùng kĩ năng của mình, cố gắng dập tắt đám cháy. Chú lính cứu hỏa khi nãy cứ liên tục chạy ra chạy vào, tro tàn do lửa cháy bám đầy lên vai áo chú. Khuôn mặt che sau tấm khăn bảo hộ cũng lấm lem đen nhẻm. Chú thoăn thoắt luồn lách như con sóc, đôi mắt quan sát thật kĩ xem có sót ai bị mắc kẹt trong nhà hay không. Đám cháy vẫn đang được dập tắt, chú bất ngờ ôm ra một con chó lớn, bộ lông trắng đã bị lửa làm cháy xém một ít. Con chó ngoan ngoãn nằm trong vòng tay an toàn của người lính cứu hỏa. Trong tiếng mừng rỡ reo lên của chủ gia đình, chú hơi tập tễnh đi ra, trao nó vào tay chủ. Ở gấu quần chú nổi bật một vệt dài màu đen, giống như hình một vật dài nào đó. Em đoán chú đã bị thương.

Vậy mà vết thương ở chân vẫn không ảnh hưởng gì đến việc của chú, chú không một lời than vãn, kêu ca, tiếp tục quay lại cùng giúp đỡ đồng nghiệp dập lửa. Các chú kiên trì mãi đến ba giờ đồng hồ sau, đám cháy mới được dập tắt. Lửa cháy quá to, căn nhà gần như đã trở thành một đống đổ nát. Chú lính cứu hỏa lúc này mới yên tâm ngồi xuống nghỉ một chút, chú tháo lỏng mũ để lộ gương mặt trẻ tuổi, chính trực với vầng trán ướt đẫm mồ hôi. Chân đau khiến đôi mày chú hơi nhăn lại nhưng khi được cảm ơn chú vẫn mỉm cười khiêm tốn. Chú cẩn thận dặn dò mọi người chú ý an toàn cháy nổ để bảo vệ bản thân và gia đình, rất chân thành, tha thiết.

Đám cháy được dọn dẹp, chú lính cứu hỏa đặc biệt cũng theo đồng đội lên xe, các chú nghỉ ngơi một lát xong vẫn phải chuẩn bị phòng những đám cháy không may xảy ra tiếp theo. Bóng chiếc xe cứu hỏa khuất dần, tiếng còi cũng nhỏ dần rồi im bặt nhưng hình ảnh chú lính cứu hỏa dũng cảm, nhân ái vẫn hiển hiện trước mắt em. Đó là hiện thân của những con người hết lòng vì dân, vì nước.

Tả thợ nặn tò he

Chiều hôm nay, em đã cùng chị đi dạo ở công viên gần nhà. Ở đó, em đã gặp một người thợ nặn tò he rất đặc biệt.

Người thợ ấy là một người đàn ông đã đứng tuổi. Nhìn mái tóc lấm tấm sợi bạc, cùng khôn mặt có nhiều vết chân chim ở khóe mắt, em đoán rằng ông ấy cũng đã bước qua tuổi tứ tuần. Nước da của bác ấy có màu ngăm đen vì sương gió. Đôi bàn tay gầy lộ rõ những khớp xương rất linh hoạt và khéo léo. Điều đặc biệt nhất, có lẽ là người thợ ấy là một người khuyết tật, phải ngồi trên xe lăn. Đôi chân của bác ấy bị che lại bởi một chiếc chăn mỏng. Phần lưng dài hơi cong xuống, khiến bác ấy trông thêm phần khắc khổ. Nổi bật trên khuôn mặt trải đầy gió sương ấy, là đôi mắt đen sáng ngời ánh lên niềm tin vào cuộc sống, và nụ cười hiền lành luôn hé trên môi. Bất kì bạn nhỏ nào tiến lại gần, dù chỉ xem chứ không mua, bác ấy cũng mỉm cười hiền từ giới thiệu từng món tò he. Em và chị đã tiến lại, nhờ bác nặn cho hai chú chó con thật đáng yêu. Chỉ mới thoáng qua vài câu trò chuyện, mà bác ấy đã nặn xong rồi. Chú chó nhỏ được làm từ bột trông đáng yêu và sống động như thật vậy. Bác ấy thật sự là một người nghệ nhân tuyệt vời. Khi trời sập tối, người thợ nặn tò he thu gom đồ đạc của mình cho vào cốp, rồi đủng đỉnh đẩy bánh xe đi về một hướng khác.

Trên đường về nhà, em vẫn nhớ mãi về người thợ nặn tò he vừa mới gặp. Tài năng và nghị lực của bác ấy khiến em vô cùng kính nể. Và bản thân em cũng vì thế mà càng thêm động lực để cố gắng hơn mỗi ngày.

Tả chú công nhân

Hè lớp bốn, gia đình em chuyển nhà. Nhà bố mẹ em mới mua cách nhà cũ một khu phố. Đến nhà mới, mọi tiện nghi mẹ đều làm mới. Bày biện đồ đạc xong, mẹ em đăng kí sử dụng đường truyền hình cáp SCTV. Em có dịp quan sát chú công nhân của công ty Truyền hình Cáp SCTV làm việc. Đây cũng là người em mới gặp lần đầu nhưng để lại cho em ấn tượng sâu sắc.

Chú công nhân mặc đồng phục màu xanh dương của công ty SCTV thành phố Hồ Chí Minh. Lưng áo của chú ấy có in hình logo của công ty SCTV. Chú công nhân khoảng hai mươi sáu tuổi, thân hình nở nang, cân đối: cao, vai rộng, cánh tay dài săn chắc. Khuôn mặt chú có vẻ trầm tĩnh, mắt to, lông mày thưa, to bản làm đôi mắt hiền dịu đi.

Nước da của chú công nhân ngăm ngăm đen, tóc của chú dày và cháy nắng, ẩn dưới vành mũ công nhân làm bằng nhựa. Sau khi tự giới thiệu tên, chú bắt tay ngay vào công việc. Chú Tân là tên của chú. Sau khi xem xét chỗ phích cắm điện ti-vi, chú bắt đầu kéo dây cáp.

Đầu tiên chú mang dây nịt bảo hiểm vào thắt lưng rồi trèo lên cột điện, chỗ đầu mối dẫn dây cáp. Từ chỗ mối nối dây cáp đó, chú công nhân kéo dây cáp vào nhà em. Chú thao tác nhanh gọn, lành nghề. Luồn sợi dây qua ô gió của mặt tiền nhà, chú Tân kéo dây dọc bức tường đến chỗ để ti-vi. Dụng cụ lao động của chú đơn giản: dây điện cáp quang, kìm và vài cái tuốc-nơ-vít.

Chú dùng kìm cắt dây cáp và dùng tuốc-nơ-vít để nối dây vào ổ cắm của ti-vi. Toàn bộ công việc chú công nhân chỉ làm trong bốn mươi phút. Sau cùng, chú bật ti-vi để kiểm tra kết quả của công việc. Chú điều chỉnh dây và ti-vi sao cho hình rõ nét, màu sắc đẹp. Xong đâu đấy chú công nhân viết hợp đồng thuê bao đường truyền hình cáp. Mẹ em ký tên vào hợp đồng và thanh toán tiền. Chú Tân lịch sự chào mẹ em rồi ra về.

Được quan sát công việc của một công nhân kéo cáp quang truyền hình, em rất vui và mở mang thêm kiến thức phổ thông. Em chân thành biết ơn chú công nhân đã phục vụ rất tốt cho gia đình em. Nhờ có chú, chỉ một ngày sau khi dọn nhà, gia đình em đã có truyền hình cáp để xem. Những người công nhân lành nghề, làm việc năng nổ là những tấm gương cho chúng em học tập. Mai này, dù học ngành gì, em cũng phải chăm chỉ rèn luyện tay nghề mới có thể phục vụ tốt được.

3. Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc

Tham khảo chi tiết tại đây:

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 5 góc Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
30 3.347
Viết bài văn tả một người em chỉ gặp một vài lần nhưng nhớ mãi
Xác thực tài khoản!

Theo Nghị định 147/2024/ND-CP, bạn cần xác thực tài khoản trước khi sử dụng tính năng này. Chúng tôi sẽ gửi mã xác thực qua SMS hoặc Zalo tới số điện thoại mà bạn nhập dưới đây:

Số điện thoại chưa đúng định dạng!
Số điện thoại này đã được xác thực!
Bạn có thể dùng Sđt này đăng nhập tại đây!
Lỗi gửi SMS, liên hệ Admin
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Đóng
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
    Chia sẻ
    Chia sẻ FacebookChia sẻ Twitter
    Đóng