Tìm đọc thêm ở nhà 2 câu chuyện (hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ) về học hành

Tìm đọc thêm ở nhà 2 câu chuyện (hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ) về học hành - Giải Câu hỏi 1 Tự đọc sách báo trang 38 SGK Tiếng Việt 5 Cánh Diều. Mời các em cùng tham khảo tuyển tập câu chuyện, bài thơ, bài báo về học hành, bài văn tả người hay nhất mà HoaTieu.vn sưu tầm được giúp các em nhanh chóng hoàn thành bài tập tiết Tự đọc sách báo lớp 5.

Đề bài: Tìm đọc thêm ở nhà:

- Hai câu chuyện (hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ) về học và hành (học bài, làm bài, vận dụng bài học vào cuộc sống; gương thiếu nhi chăm học,…)

- 1 bài văn tả người (hoặc 1 bài báo về học và hành). (Câu hỏi 1 Tự đọc sách báo trang 38 SGK Tiếng Việt 5 Cánh diều).

Giải bài tập Câu 1 trang 38 SGK Tiếng Việt 5 Cánh diều
Giải bài tập Câu 1 trang 38 SGK Tiếng Việt 5 Cánh diều

1. Tìm đọc thêm ở nhà Hai câu chuyện (hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ) về học và hành

Một số câu chuyện, bài thơ về học hành rất hay mà các em có thể tìm đọc như:

- Câu chuyện Văn hay chữ tốt, Nguyễn Ngọc Ký, Bác Hồ với tinh thần tự học

- Bài thơ Cố gắng học hành, Học tập và làm theo, Học hỏi, Mỗi trang sách một ước mơ, Bé đi học...

Sau đây là nội dung chi tiết, mời các em cùng theo dõi nhé:

Câu chuyện Văn hay chữ tốt

Thuở đi học, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn dù hay vẫn bị thầy cho điểm kém.

Một hôm, có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản:

- Gia đình già có việc oan uổng muốn kêu quan, nhờ cậu viết giúp cho lá đơn, có được không?

Cao Bá Quát vui vẻ trả lời:

- Tưởng việc gì khó, chứ việc ấy cháu xin sẵn lòng.

Lá đơn viết lí lẽ rõ ràng, Cao Bá Quát yên trí quan sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ ông xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà ra khỏi huyện đường. Về nhà, bà kể lại câu chuyện khiến Cao Bá Quát vô cùng ân hận. Ông biết dù văn hay đến đâu mà chữ không ra chữ cũng chẳng ích gì. Từ đó, ông dốc sức luyện viết chữ sao cho đẹp.

Sáng sáng, ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chữ cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang vở mới chịu đi ngủ. Chữ viết đã tiến bộ, ông lại mượn những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác nhau.

Kiên trì luyện tập suốt mấy năm, chữ ông mỗi ngày mỗi đẹp. Ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.

Câu chuyện Bàn chân diệu kỳ - Cậu bé Nguyễn Ngọc Ký

Ký bị liệt hai cánh tay từ nhỏ. Thấy các bạn được cắp sách đến trường, Ký thèm lắm. Em quyết định đến lớp xin vào học.

Sáng hôm ấy, cô giáo Cương đang chuẩn bị viết bài học vần lên bảng thì thấy một cậu bé thập thò ngoài cửa. Cô bước ra, dịu dàng hỏi:

- Em muốn hỏi gì cô phải không?

Cậu bé khẽ nói:

- Thưa cô, em xin cô cho em vào học. Có được không ạ?

Cô giáo cầm tay Ký. Hai cánh tay em mềm nhũn, buông thõng, bất động. Cô giáo lắc đầu: Khó lắm em ạ. Em hãy về nhà. Đợi lớn lên ít nữa xem sao đã.

Cô thoáng thấy đôi mắt Ký nhòe ướt. Em quay ngoắt lại, chạy về nhà. Hình như em vừa chạy, vừa khóc.

Cô giáo trở vào lớp. Suốt buổi học hôm ấy, hình ảnh cậu bé với hai cánh tay buông thõng luôn hiện lên trước mắt cô.

Mấy hôm sau, cô giáo đến nhà Ký. Bước qua cổng cô vừa ngạc nhiên, vừa xúc động: Ký đang ngồi giữa sân hí hoáy tập viết. Cậu cặp một mẩu gạch vào ngón chân và vẽ xuống đất những nét chữ ngoằn ngoèo. Cô giáo hỏi thăm sức khỏe của Ký rồi cho em mấy viên phấn.

Thế rồi, Ký lại đến lớp. Lần này em được nhận vào học. Cô giáo dọn một chỗ ở góc lớp, trải chiếu cho Ký ngồi tập viết ở đó. Em cặp cây bút vào ngón chân và tập viết vào trang giấy. Cây bút không làm theo ý muốn của Ký. Bàn chân em giẫm lên trang giấy, cựa quậy một lúc là giấy nhàu nát, mực giây bê bết. Mấy ngón chân Ký mỏi nhừ. Cô giáo thay bút chì cho Ký. Ký lại kiên nhẫn viết. Mấy ngón chân quắp lại giữ cho được cây bút đã khó, điều khiển cho nó viết thành chữ còn khó hơn, nhưng Ký vẫn gắng sức đưa bút theo nét chữ. Bỗng cậu nằm ngửa ra, chân giơ lên, mặt nhăn nhó, miệng xuýt xoa đau đớn. Cô giáo và mấy bạn chạy vội tới. Thì ra, bàn chân Ký bị chuột rút, co quắp lại, không duỗi ra được. Các bạn phải xoa bóp mãi mới ổn. Cái giống “chuột rút” làm khổ Ký rất nhiều. Nó đã rút một lần thì sau quen cứ rút mãi. Có lần đau tái người, Ký quảng bút vào góc lớp định thôi học. Nhưng cô giáo Cương an ủi, khuyến khích em hãy kiên nhẫn tập dần từng tí một. Các bạn cũng mỗi người nói một câu. giúp một việc. Lời khuyến khích dịu dàng của cô giáo, những cử chỉ thân thương của bè bạn tiếp sức cho Ký. Ký lại quắp bút vào ngón chân hì hục tập viết.

Ký kiên nhẫn, bền bỉ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, người mệt mỏi, ngón chân đau nhức, có lúc chân bị chuột rút liên hồi... nhưng Ký không nản lòng. Buổi học nào cũng vậy, trong góc lớp, trên mảnh chiếu nhỏ không bao giờ vắng mặt Nguyễn Ngọc Ký

Nhờ luyện tập kiên trì, Ký đã thành công. Hết lớp Một, Ký đã đuổi kịp các bạn. Chữ Ký viết ngày một đều hơn, đẹp hơn. Có lần Ký được 8 điểm, 9 điểm rồi 10 điểm về môn Tập viết. Bao năm khổ công, thế rồi Ký thi đại học, trở thành sinh viên Trường Đại học Tổng hợp.

Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương sáng về ý chí vượt khó. Ngày Bác Hồ còn sống, đã hai lần gởi tặng huy hiệu của Người cho cậu học trò dũng cảm giàu nghị lực ấy.

(Phỏng theo Bàn chân kì diệu Hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Ký là Nhà giáo Ưu tú, dạy môn Ngữ văn của một trường trung học ở Thành phố Hồ Chi Minh. Ông là tác giả bài thơ Em thương trong sách Tiếng Việt 3, tập hai.)

Câu chuyện Bác Hồ với tinh thần tự học

Mùa hè năm 1911, Bác đặt chân lên đất Pháp, đối với Bác, kể từ thời điểm đó mọi việc từ sinh hoạt hàng ngày, tới công việc, nhằm tìm ra con đường cứu nước, cứu dân đều phải sử dụng tiếng Pháp. Vì thế, nếu không biết tiếng Pháp thì thật là “trở ngại lớn nhất trên con đường tìm đường cứu nước, cứu dân”. Bác đã đặt ra quyết tâm “Nhất định phải học nói, học viết cho kỳ được” và Bác đã tìm ra được phương pháp học cho riêng mình dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn.

Ngay khi còn trên chuyến tàu sang Pháp (La-tu-sơ Tơ-rê-vin, dưới các tên Văn Ba) mỗi lúc rảnh rổi, Bác thường tìm đến hai người lính trẻ đi cùng chuyến tàu để học đọc và viết tiếng Pháp. Họ cho Bác mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp. Muốn biết rõ về cái gì, muốn biết đồ vật nào đó viết bằng tiếng Pháp như thế nào, Bác đều chỉ tay hỏi. Tối tối, sau khi đi làm về, Bác ghi lại những từ mới vào. Học được chữ nào, Bác ghép chúng lại thành câu thực hành ngay.

Ban đầu, Bác tập ghép một vài từ, sau ghép thành đoạn, dần dần Người tập viết thành từng bài dài. Một thời gian sau, Bác tìm đến các tờ báo của Pháp để xin được viết bài đăng báo. Trong những lần gửi bài, Bác nói với mọi người trong Tòa soạn rằng: “Tôi rất sung sướng nếu bài viết này của tôi được đăng, nhưng dù thế nào cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi”. Sau mỗi lần bài viết của Bác được đăng báo, Bác vui mừng khôn xiết, và theo chỉ dẫn của những chủ bút Bác vẫn không quên xem lại từng câu từng chữ, xem bài viết của mình đúng sai chỗ nào, Toà soạn báo đã sửa lại cho mình ra sao? Bác tập viết đi viết lại, khi thì viết diễn giải ra cho dài, lúc là những đoạn ngắn cho súc tích.

Cứ sau mỗi ngày làm việc, dù công việc bận bịu tới đâu, Bác vẫn tranh thủ đọc vài trang tiểu thuyết, vừa để giải trí, thư giãn đầu óc lại vừa để trau dồi kiến thức. Bác tập viết những bài phóng sự. Sáng nào Bác cũng viết từ 5 giờ đến 6 giờ rưỡi, tới 7 giờ Bác lại bắt tay vào công việc. Dù trời nóng hay rét, Bác cũng không nản chí. Thấm thoắt thời gian trôi đi, cho đến năm 1922, Bác đã trở thành chủ bút của tờ báo “Người cùng khổ” viết bằng 3 thứ tiếng. Tên báo bằng tiếng Pháp đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và bên phải là chữ Hán, tất cả đều do Bác viết. Do Tòa soạn báo không có Ban biên tập thường xuyên, nên nhiều khi Bác phải “cáng đáng” mọi việc từ khâu sửa chữa, biên tập bài vở, tới khâu bán báo.

Tìm đọc thêm ở nhà 2 câu chuyện (hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ) về học hành
Tìm đọc thêm ở nhà 2 câu chuyện (hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ) về học hành

Thơ về học tập ngắn

Cố gắng học hành

(Sưu tầm)

Mỗi ngày một khôn
Mẹ cha dưỡng dục
Cô Thầy bảo ban
Mong muốn thành người
Hiếu, Nghĩa, Trí, Dũng
Ấy là mong đợi
Mẹ cha cô thầy
Con xin cố gắng
Trò giỏi con ngoan!​

Trong giấc mơ buổi sáng

(Nguyễn Lãm Thắng)

Trong giấc mơ buổi sáng
Em gặp ông mặt trời
Mang túi đầy hoa nắng
Rải hoa vàng khắp nơi

Trong giấc mơ buổi sáng
Em qua thảo nguyên xanh
Có rất nhiều hoa lạ
Mang tên bạn lớp mình

Trong giấc mơ buổi sáng
Em thấy một dòng sông
Chảy tràn dòng sữa trắng
Đi qua ban mai hồng

Trong giấc mơ buổi sáng
Em nghe rõ bên tai
Lời của chú gà trống:
- Dậy mau đi! học bài!...

Thơ về học tập và làm theo tấm gương

Học tập và làm theo

Tác giả: Chưa Rõ

Giáo dục Quốc sách hàng đầu
Cha ông thuở trước từ lâu biết rồi
Bây giờ nhắc nữa mãi thôi
Nghe có thẩm thấu hay trôi dập dềnh
Phương án thực tiễn chông chênh
Mang sách học giả áp lên lớp mầm
Dạy dỗ chân chính từ tâm
Nề nếp tôn kính xứng tầm Quốc gia
Học tập cả đời ấy mà
Phải có trật tự làm cha làm thầy
Làm quan làm tướng đó đây
Cũng phải gương mẫu dựng xây cơ đồ
Nói đường làm nẻo mưu mô
Hậu sinh biến chất lâm vô thế cùng
Đồng tâm cam kết việc chung
Tạo sự đồng thuận vẫy vùng năm châu
Học đừng nhồi nhét nhức đầu
Khơi dậy hưng phấn ăn sâu trong lòng
Học thành người tránh bại vong
Có ích xã hội theo vòng hỗ tương.​

Học hỏi

(Sưu tầm)

Học ngoan chợt thấy mình hư
Học khôn nhận thức hình như mình khờ
Học nhiều chỉ nhớ sơ sơ
Học nhún nhường biết so đo với đời
Học thua thiệt đủ kiếm lời
Học bảo thủ kịp theo thời kẻo quê
Học khen, khéo vẽ thành chê
Học cách chân thật mai về gian manh
Học độc ác tránh làm lành
Học tiểu nhân, hiểu cao thanh thế nào
Học cay đắng, quý ngọt ngào
Học nghèo thừa nhận sang giàu vẫn hơn
Học thất bại, muốn thành công
Học chung thủy, đổi thay lòng cho nhanh
Học bảo vệ, phá tanh bành
Học cống hiến chán, tranh giành mới vui!​

Thơ 4 chữ về học tập

Mỗi trang sách một ước mơ

Tác giả: Chưa rõ

Trang giấy trắng phau
Đón chào bạn trẻ
Chân trời mới mẻ
Nét bút nghiêng nghiêng
Đèn sáng từng đêm
Miệt mài chăm chỉ
Luyện rèn ý chí
Tươi sáng tương lai
Học đi em ơi
Chân trời phía trước
Hành trang em bước
Có học mới nên
Gan khó hãy quên
Vượt lên hết thảy
Em hãy vững tin
Muôn nghìn gian khó
Không bỏ lòng son

Bé đi học

Tác giả: Chưa rõ

Bé mang ba lô
Mẹ bận không chở
Lưng đầy sách vở
Người bé uốn cong
Bé như con ong
Đi về tha thẩn
Suốt ngày cần mẫn
Đâu có giờ chơi
Thầy cô kính mến
Trường quý yêu hời
Nhảy dây, đá bóng
Là gì cô ơi?
Bé mang ba lô
Cha bận không chở
Hôm nay chủ nhật
Bé học thêm giờ​

Thơ lục bát về học tập

Em lớn lên rồi

( Sưu tầm)

Năm nay em lớn lên rồi
Không còn nhỏ xíu như hồi lên năm
Nhìn trời, trời bớt xa xăm
Nhìn sao, sao cách ngang tầm cánh tay

Núi xa lúp xúp chân mây
Bờ sông khép lại, hàng cây thấp dần
Nơi xa bỗng hóa nên gần
Quanh em bè bạn quây quần bốn phương...

Tìm đọc thêm ở nhà 2 câu chuyện (hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ) về học hành

Thơ về học tập hài hước

Bài số 1

Bước tới phòng thi mới hoảng hồn
Bạn bè chiến hữu chẳng thấy đâu
Lom khom dưới cuối có vài đứa
Lác đác bên kia giám thị tuần
Đề văn nghĩ mãi đau đầu quá
Đề toán giải mãi vẫn không ra
Giờ đây chỉ biết ngồi cắn bút
Mảnh đề thi ta với ta.

Bài số 2

Trời hửng nắng cho chiều xuân bày tỏ
Nỗi buồn này ta biết ngỏ cùng ai
Nhìn đề bài chẳng biết đúng sai?
Đành lặng lẽ nộp hai tờ giấy trắng
Vài lời thơ, liệu thầy cô có mắng
Có kỷ luật hay chỉ gạch bài thi?
Trang giấy trắng, bút đầy mực vẫn ghi
Vài câu nói cho lòng vơi căng thẳng!

2. Tìm đọc thêm ở nhà 1 bài văn tả người (hoặc 1 bài báo về học và hành)

Bài văn tả người

Mỗi ngày em luôn thành kính yêu thương và biết ơn mẹ của mình. Bởi mẹ em là người phụ nữ tuyệt vời nhất trên thế giới này.

Năm nay mẹ em khoảng 40 tuổi, hiện đang là một nhân viên của nhà máy chế biến lương thực thực phẩm. Mẹ có vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng rất khỏe mạnh. Một mình mẹ có thể làm được mọi việc, từ nấu cơm, dọn dẹp, chăm sóc con cái, chẳng kém gì các siêu anh hùng cả. Vì làm việc trong nhà thời gian dài, mẹ có nước da trắng sáng. Mái tóc mẹ dài đến giữa lưng, hơi xơ một chút ở phần đuôi. Bình thường, mẽ sẽ búi gọn tóc lên bằng một chiếc dây nhỏ. Khuôn mặt mẹ là khuôn mặt tròn đầy đặn, phúc hậu. Với đôi mắt hạnh đen láy và hàng lông mày lá liễu. Điều khiến em thích nhất, chính là nụ cười tươi tỏa nắng của mẹ. Nó như là một mặt trời thu nhỏ vậy. Thường ngày, mẹ luôn ăn mặc giản dị giống như tính cách của mẹ vậy. Tuy mộc mạc, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp đằm thắm, ngọt ngào.

Là một người phụ nữ nông thôn Việt Nam điển hình. Mẹ vừa đảm việc nước, lại đảm việc nhà. Em luôn cảm nhận được tình yêu thương nồng nàn của mẹ qua mọi thứ. Từ những chiếc áo được giặt sạch, gấp gọn trong tủ. Từ những bữa cơm ngon lành. Từ những món quà nhỏ vào các dịp đặc biệt. Từ những cái ôm dịu dàng, những đêm thức trắng chăm sóc khi em ốm. Tất cả thật giản dị mà quý giá biết bao nhiêu.

Em luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi được là con của mẹ. Em sẽ cố gắng hơn nữa, để có thể trở thành niềm tự hào nhỏ của mẹ.

Tham khảo thêm:

Bài báo về học và hành

Bài viết với tiêu đề "Học đi đôi với hành" đăng trên báo Hà Nội mới số ra ngày 24/04/2023.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu và luôn nhận được sự quan tâm sát sao của toàn xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu nói rất giản dị nhưng đã thể hiện tầm nhìn của Người về giáo dục, đó là: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đồng bào ta, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Coi "Giáo dục là quốc sách hàng đầu", trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục bằng việc đề ra các chủ trương, chính sách lớn và tập trung nguồn lực thỏa đáng. Nhờ đó, nền giáo dục có những bước phát triển, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên ở tất cả các cấp học. Một số trường đại học đã cải thiện vị trí xếp hạng trong các bảng xếp hạng khu vực và thế giới. Học sinh đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực, thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam.

Với những thành tựu đạt được, nền giáo dục nước nhà đã đóng góp to lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Song, nhìn nhận một cách khách quan, nền giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó rõ nhất là “sản phẩm” đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu mà nguyên nhân cơ bản là do mất cân bằng giữa nghiên cứu lý thuyết cơ bản với khoa học quản lý và ứng dụng, thực hành.

Học và hành là hai yếu tố quan trọng cần cùng song hành với nhau để giúp con người hoàn thiện, phát triển bản thân tối ưu nhất. Các trường đại học ở nước ta thường có xu hướng dạy thiên về lý thuyết nhiều hơn thực hành. Vì thế, đa phần sinh viên tốt nghiệp đại học đều có kiến thức vững vàng, song kỹ năng thực hành còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động. Thực tế cho thấy, dù có rất nhiều lợi thế về nguồn nhân lực do đang ở trong thời kỳ dân số vàng, tuy nhiên, nguồn nhân lực ở nước ta lại tồn tại nhiều vấn đề, chưa phát huy được thế mạnh, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao...

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết hữu ích khác trong chuyên mục Tiếng Việt 5 Cánh Diều - Lớp 5 góc Học tập trên trang Hoatieu.vn nhé.

Đánh giá bài viết
12 2.258
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm