Tìm đọc bài văn về một lễ hội, về mối quan hệ cộng đồng

Đọc mở rộng: Sinh hoạt câu lạc bộ đọc sách Chủ điểm Cộng đồng gắn bó - Gợi ý giải bài tập Đọc mở rộng trang 140 SGK Tiếng Việt 5 CTST tập 1 sẽ giúp các em HS có thêm tài liệu liệu tham khảo để nhanh chóng hoàn thiện bài tập theo yêu cầu của SGK và đạt điểm cao. HoaTieu.vn mời các em cùng theo dõi chi tiết tại bài viết sau nhé!

Gợi ý giải bài tập Đọc mở rộng trang 140 SGK Tiếng Việt 5 CTST tập 1 do HoaTieu.vn biên soạn, các trang khác lấy bài xin ghi nguồn.

(a) Tìm đọc bài văn

Gợi ý:

Sinh hoạt câu lạc bộ đọc sách Chủ điểm Cộng đồng gắn bó

Về một lễ hội

Bài văn Hội vật - Kim Lân, Rước đèn ông sao - Nguyễn Thị Ngọc Tú, Hội thi thổi cơm ở Đồng Vân - Theo Minh Nhương...

Hội vật

Tiếng trống vật nổi lên dồn dập. Người tứ xứ đổ về như nước chảy. Ai ai cũng náo nức muốn xem mặt , xem tài ông Cản Ngũ. Người ta chen lấn nhau, quây kín quanh sới vật, nhiều người phải trèo lên những cây cao gần đấy xem cho rõ.

Ngay nhịp trống đầu, Quắm Đen đã lăn xả vào ông Cản Ngũ. Anh vờn bên trái, đánh bên phải, dứ trên, đánh dưới, thoắt biến, thoắt hóa khôn lường. Trái lại, ông Cản Ngũ có vẻ lớ ngớ, chậm chạp. Hai tay ông lúc nào cũng dang rộng, để sát xuống mặt đất, xoay xoay chống đỡ… Keo vật xem chừng chán ngắt.

Ông Cản Ngũ bỗng bước hụt , mất đà chúi xuống. Quắm Đen nhanh như cắt, luồn qua hai cánh tay ông, ôm lấy một bên chân ông. Người xem bốn phía xung quanh reo ồ cả lên. Thôi thế là ông Cản Ngũ ngã rồi, nhất định ngã rồi, có khỏe bằng voi cũng phải ngã.

Tiếng trống dồn lên, gấp rút, giục giã. Ông Cản Ngũ vẫn chưa ngã. Ông vẫn đứng như cây trồng giữa sới. Còn Quắm Đen thì đang loay hoay, gò lưng lại, không sao bê nổi chân ông lên. Cái chân tựa như bằng cột sắt chứ không phải là chân người nữa.

Ông Cản Ngũ vẫn đứng nghiêng mình nhìn Quắm Đen mồ hôi mồ kê nhễ nhại dưới chân. Lúc lâu, ông mới thò tay xuống nắm lấy khố Quắm Đen, nhấc bổng anh ta lên, coi nhẹ nhàng như giơ con ếch có buộc sợi rơm ngang bụng vậy.

Theo KIM LÂN

Rước đèn ông sao

Tết Trung thu đã đến. Mẹ Tâm rất bận nhưng vẫn sắm cho Tâm một mâm cỗ nhỏ : Một quả bưởi có khía thành tám cánh hoa, mỗi cánh hoa bưởi cài một quả ổi chín, để bên cạnh một nải chuối ngự và bó mía tím. Tâm rất thích mâm cỗ. Em đem mấy thứ đồ chơi bày xung quanh, nom rất vui mắt.

Chiều rồi đêm xuống, trẻ con bên hàng xóm bập bùng trống ếch rước đèn. Lúc đó, Tâm lại thấy không thích mâm cỗ của mình bằng đám rước đèn. Tâm bỏ mâm cỗ chạy đi xem. Tâm thích nhất cái đèn ông sao của bạn Hà bên hàng xóm. Cái đèn làm bằng giấy bóng kính đỏ, trong suốt, ngôi sao được gắn vào giữa vòng tròn có những tua giấy đủ màu sắc. Trên đỉnh ngôi sao cắm ba lá cờ con. Tâm thích cái đèn quá, cứ đi bên cạnh Hà, mắt không rời khỏi cái đèn. Hà cũng biết là bạn thích nên thỉnh thoảng lại đưa cho Tâm cầm một lúc. Có lúc cả hai bạn cùng cầm chung cái đèn, reo : “Tùng tùng tùng, dinh dinh !...."

Theo NGUYỄN THỊ NGỌC TÚ

Hội thi thổi cơm ở Đồng Vân

Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên bờ sông Đáy xưa.

Hội thi bắt đầu bằng việc lấy lửa. Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội nhanh như sóc, thoăn thoắt leo lên bốn cây chuối bôi mỡ bóng nhẫy để lấy nén hương cắm ở trên ngọn. Có người leo lên, tụt xuống, lại leo lên… Khi mang được nén hương xuống, người dự thi được phát ba que diêm để châm vào hương cho cháy thành ngọn lửa. Trong khi đó, những người trong đội, mỗi người một việc. Người thì ngồi vót những thanh tre già thành những chiếc đũa bông. Người thì nhanh tay giã thóc, giần sàng thành gạo, người thì lấy nước và bắt đầu thổi cơm.

Mỗi người nấu cơm đều mang một cái cần tre được cắm rất khéo vào dây lưng, uốn cong hình cánh cung từ phía sau ra trước mặt, đầu cần treo cái nồi nho nhỏ. Người nấu cơm tay giữ cần, tay cầm đuốc đung đưa cho ánh lửa bập bùng. Các đội vừa thổi cơm vừa đan xen nhau uốn lượn trên sân đình trong sự cổ vũ nồng nhiệt của người xem hội.

Sau độ một giờ rưỡi, các nồi cơm được lần lượt trình trước cửa đình. Mỗi nồi cơm được đánh một số để giữ bí mật. Ban giám khảo chấm theo ba tiêu chuẩn: cơm trắng, dẻo và không có cháy. Cuộc thi nào cũng hồi hộp và việc giật giải đã trở thành niềm tự hào khó có gì sánh nổi đối với dân làng.

Theo Minh Nhương

Về mối quan hệ cộng đồng

Bài văn về mối quan hệ cộng đồng: Buổi sáng mùa hè trong thung lũng - Hoàng Hữu Bội, Những bậc đá chạm mây - Nguyễn Đổng Chi, Miền Tây gặt lúa - Nguyễn Minh Châu...

Buổi sáng mùa hè trong thung lũng

Rừng núi còn chìm đắm trong màn đêm. Trong bầu không khí đầy hơi ẩm và lành lạnh, mọi người đang ngon giấc trong những chiếc chăn đơn. Bỗng một con gà trống vỗ cánh phành phạch và cất tiếng gáy lanh lảnh ở đầu bản. Tiếp đó, rải rác khắp thung lũng, tiếng gà gáy râm ran. Mấy con gà rừng trên núi cũng thức dậy gáy te te. Trên mấy cây cao cạnh nhà, ve đua nhau kêu ra rả. Ngoài suối, tiếng chim cuốc vọng vào đều đều… Bản làng đã thức giấc. Đó đây, ánh lửa bập bùng trên các bếp. Ngoài bờ ruộng đã có bước chân người đi, tiếng nói chuyện rì rầm, tiếng gọi nhau í ới.
Tảng sáng, vòm trời cao xanh mênh mông. Gió từ trên đỉnh núi tràn xuống thung lũng mát rượi. Khoảng trời sau dãy núi phiá đông ửng đỏ. Những tia nắng đầu tiên hắt chéo qua thung lũng, trải trên đỉnh núi phía tây những vệt sáng màu lá mạ tươi tắn… Ven rừng, rải rác những cây lim đã trổ hoa vàng, những cây vải thiều đỏ ối những quả…
Nắng vàng lan nhanh xuống chân núi rồi rải vội lên đồng lúa. Bà con xã viên đã đổ ra đồng cấy mùa, gặt chiêm. Trên những ruộng lúa chín vàng, bóng áo chàm và nón trắng nhấp nhô, tiếng nói, cười nhộn nhịp, vui vẻ.
Mặt trời nhô dần lên cao, ánh nắng mỗi lúc một gay gắt. Dọc theo những con đường mới đắp, vượt qua chiếc cấu gỗ bắc qua con suối, từng tốp nam nữ thanh niên thoăn thoắt gánh lúa về sân phơi. Tiếng cười giòn tan vọng vào vách đá.

(HOÀNG HỮU BỘI)

Miền Tây gặt lúa

Những con chim pít báo hiệu mùa màng từ miền xa lại bay về. Ngoài nương rẫy lúa đã chín vàng rực. Ở đây, mùa hái hạt bao giờ cũng trúng vào tháng mười, mười một, những ngày tháng vui vẻ nhất trong năm và mỗi năm hạt lúa chỉ đậu trên tay người ta có một lần : tháng hai phát rẫy, tháng tư thì đốt, hạt lúa tra dưới những cái lỗ tròn đen sì chất màu mỡ của tro than. Tháng chín, tháng mười, chim pít đã rũ nhau bay về từng đàn, tiếng hót ríu rít cứ xoáy tròn trong nắng mai và gió rét căm căm.

Mỗi buổi sớm các cô gái đi ra nương, gấu váy cũng như hai ống tay áo dính đầy cỏ may và ướt đẫm sương. Các cô đi xung quanh từng gốc cây bị đốt chỉ còn trơ lớp than đen, bàn tay thoăn thoắt cắt từng bông lúa nặng trĩu hạt lắt lẻo trên cái thân rạ khô xác. Lúa cắt bằng dao hoặc bằng thanh nứa cật rất sắc, được chất vào gùi đèo trên lưng, đem về xếp đầy bốn góc chòi. Chiếc bàn đập lúa làm bằng một thân cây gỗ đã bốc hết vỏ. Người già trẻ con, đông nhất là trai gái trong bản xúm lại mỗi đêm đập lúa ở từng chòi canh của từng nhà. Những bông lúa tróc hết hạt được nhả ra khỏi răng chiếc kẹp làm bằng hai thanh gỗ. Bó rơm được tung lên cao về phía sau rơi xuống giữa những đống lửa cháy bập bùng hai bên góc chòi….

Theo Nguyễn Minh Châu

Những bậc đá chạm mây

Ngày xưa, dưới chân núi Hồng Lĩnh có một xóm nhỏ, người dân sống bằng nghề đánh cá. Một ngày kia, một trận bão cuốn phăng thuyền bè, chài lưới của họ.

Dân làng chỉ còn cách lên núi kiếm củi đem xuống chợ bán. Sườn núi phía họ ở vách dựng đứng, bà con phải đi đường vòng rất xa.

Trong xóm, có ông lão luôn sẵn lòng đương đầu với khó khăn, bất kể là việc của ai. Vì thế, mọi người gọi ông là cố Đương. Thấy mọi người đi xa vất vả, cố Đương một mình bám đá, leo cây, tìm con đường lên núi ngắn nhất. Ông bàn với bà con ghép đá thành bậc thang vượt núi. Ai cũng can ngăn, nhưng ông vẫn quyết tâm làm. Ngày ngày, ông bạt đất, khiêng đá ghép thành từng bậc hướng thẳng lên núi. Công việc biết bao nặng nhọc.

Về sau, nhiều người trong xóm cũng tình nguyện đến làm cùng. Sau năm năm, Cố Đương đã mở được con đường ngắn nhất từ xóm lên núi Hồng Lĩnh. Con đường được ghép bằng đá khiến cho việc lên, xuống núi rất tiện. Cả xóm biết ơn Cố Đương, tặng thêm cho ông một tên mới là Cố Ghép, con đường vượt núi được gọi là Truông Ghép.

Theo Nguyễn Đổng Chi

(b) Ghi chép và trang trí Nhật kí đọc sách.

Đọc mở rộng trang 140 SGK Tiếng Việt 5 CTST tập 1

Tác phẩm: Hội thi thổi cơm ở Đồng Vân

Tác giả: Minh Nhương

Hình ảnh đẹp: Mỗi người nấu cơm đều mang một cái cần tre được cắm rất khéo vào dây lưng, uốn cong hình cánh cung từ phía sau ra trước mặt, đầu cần treo cái nồi nho nhỏ. Người nấu cơm tay giữ cần, tay cầm đuốc đung đưa cho ánh lửa bập bùng.

Câu văn sinh động:

- Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội nhanh như sóc, thoăn thoắt leo lên bốn cây chuối bôi mỡ bóng nhẫy để lấy nén hương cắm ở trên ngọn.

- Có người leo lên, tụt xuống, lại leo lên…

c. Cùng bạn chia sẻ:

– Bài văn đã đọc.

– Hình ảnh đẹp, câu văn sinh động.

– Nhật kí đọc sách.

-?

d. Ghi lại 1 – 2 câu văn hay trong bài văn được bạn chia sẻ.

Em ghi lại 1 – 2 câu văn hay trong bài văn được bạn chia sẻ.

(e) Đọc một bài văn được bạn chia sẻ mà em thích.

Em đọc một bài văn được bạn chia sẻ mà em thích.

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết hữu ích khác trong chuyên mục Tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo - Lớp 5 góc Học tập trên trang Hoatieu.vn nhé.

Đánh giá bài viết
2 21
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm