Phân tích truyện ngắn Anh Hai của Bùi Quang Minh

Phân tích truyện ngắn Anh Hai dàn ý

Truyện ngắn “Anh Hai” là một trong những truyện ngắn đặc sắc, tiêu biểu cho phong cách của Bùi Quang Minh. Tác phẩm kể về một người anh luôn hy sinh, thương yêu và chăm sóc các em. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý phân tích truyện ngắn Anh hai chi tiết để các em nắm được cách viết bài văn phân tích truyện ngắn Anh Hai của tác giả Bùi Quang Minh.

Phân tích truyện ngắn Anh Hai

Văn bản Anh Hai - Bùi Quang minh

ANH HAI

Mẹ nói số anh Hai là số khổ. Ngủ thì không nằm trên giường mà cứ phải "kẻo cà kẻo kẹt" lắc lư trên võng mới ru được giấc nồng. Cả nhà đi ăn tiệc ở nhà hàng. Làm gì thì làm, cụng ly với ai thì cụng,

bận sau cùng Hai cũng "len lén" chọn chiếc ghế sát cửa để ngồi. Nhắm nhắm không ai để ý, Hai trốn ra ngoài bậc thềm ngắm trời nhìn mây. Vậy mà... lòng Hai lại tự tại hơn nhiều! Ở nhà, cơm trong nồi, Hai chỉ ăn phần cơm cháy dưới đáy, cơm thịt thì chê "nhạt nhẽo" con không nuốt được! Cha má thấy vậy ôm Hai khóc dữ lắm. Chỉ có lũ em thì vẫn há miệng... lùa cơm!!! Nhà nghèo, nó cám cảnh gì đâu không biết...

Xong lớp 9, Hai dùng dằng một hai đòi nghỉ học. Hai lang thang kiếm việc làm phụ cha má kiếm tiền nuôi em đi học. Mà có phải ít đâu, sau Hai còn có cả bảy đứa loi nhoi lúc nhúc như bầy heo con "chờ sữa...!" Nhờ có sự hy sinh thầm lặng của Hai, mà bảy đứa em thì đúng bảy vinh hiển rạng rỡ tổ tông. Cả thảy đều thành ông nọ bà kia. Rồi cũng một tay Hai tìm hiểu chọn vợ dựng chồng cho các em. Nước đẩy thuyền trôi - bông Lục Bình bị mạn thuyền nghiền nát...

Ngày gái út (đứa em thứ thứ 7) vu quy theo chồng, nhà hàng tiệc cưới Minh Anh (Phường Cát Lái

- Quận 2) cái nhà hàng to tổ bố nhất quận. Chiếc ghế cha má bị bỏ trống. Từ trước lúc thằng Ba lấy vợ thì cha má đã lần lượt bỏ cả nhà mà đi. Có còn ai nữa đâu để mà ngồi vào. Cả nhà dòm qua dòm lại như "gà con lạc mẹ" nháo nhác đi tìm Hai. Hàng loạt tiếng gọi thất thanh vang lên:

- Anh Haiiiiii...! Hai ơi...!

- Hai ơi... út tìm hai nè...!

Hai lặng lẽ đứng bên kia đường nhìn qua hôn trường. Đoạn đường này xe container kéo nhau chạy rầm rầm từ vòng xoay đi lên. Dòng xe nườm nượp lướt qua bỏ lại Hai một mình trơ trọi. Bộ Vest trên người Hai chợt... run lên bần bật! Hai ít học thiệt. Nhưng Hai cũng nhìn ra được một thứ sự thật phũ phàng, trong đó toàn người có học thức, địa vị xã hội, sự xuất hiện của mình chỉ khiến các em xấu hổ thêm mà thôi! Xòe tay mình ra, Hai không còn thấy đâu là những đường chỉ tay nữa. Mà hằn lên đó là chồng chồng lớp lớp những vết "cào cấu của thời gian!" Viết trọn vẹn một dòng chữ tên của mình, Hai còn toát cả mồ hôi. Dáng đứng xiêu vẹo qua tháng năm hy sinh vì đàn em. Một cái gì đó dâng lên nơi cuống họng Hai bứng nghẹn. Hai có một chút tủi phận... nhưng thiệt là nhanh cảm giác đó bị dập tắt. Hai ngước nhìn lên trời xanh mà thầm nói trong nghẹn ngào "... cha má ơi... rốt cuộc thì con cũng đã làm được điều cha má căn dặn...!"

Hai mỉm cười xoay người tính bước đi. Bỗng cánh tay bị níu lại. Cô em út trong chiếc xoa-rê trắng tinh khôi khư khư giữ vạt áo Hai. Út quỳ xuống:

- ... Hai ơi... Hai đừng đi bỏ út... Hai không những là Hai mà Hai còn là cha là má... Hai ơi!!!!!

Hai chợt rùng mình và ngơ ngác khi thấy 6 đứa còn lại cũng đang tèm lem nước mắt! Ôm chầm bảy đứa em lớn xác mà còn mít ướt của mình vào lòng. Tụi nó giờ lớn quá, có còn nhỏ dại như ngày nào được một tay Hai che chở nữa. Bất giác Hai nhận ra một điều rằng công sức cả đời mình đã không uổng phí........

(Tác giả: Bùi Quang Minh)

Dàn ý phân tích truyện ngắn Anh Hai

Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nếu cảm nghĩ chung của em về truyện.

Thân bài

Tập trung chia sẻ cảm nghĩ mà em ấn tượng về nội dung và nghệ thuật của truyện

- Nội dung:

Gia đình nhà anh Hai nghèo, cha mẹ anh sinh được tám anh em, anh là con cả trong gia đình. Ngay từ nhỏ anh đã biết nhường nhịn các em. Học xong lớp 9 anh nghỉ học để đi làm cùng cha mẹ nuôi các em ăn học. Khi cha mẹ mất, anh thay cha mẹ tiếp tục chăm lo nuôi nấng các em thành đạt. Và các em cũng nhận ra sự hi sinh lớn lao của anh. Câu chuyện ngắn gọn, nhà văn tạo dựng bối cảnh đơn giản nhưng lại giúp nhà văn thể hiện rõ tính cách, phẩm chất, vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật.

- Truyện khắc họa nhân vật anh Hai đó chính là tình yêu thương, sự nhường nhịn, lòng nhân hậu, giàu đức hi sinh dành cho gia đình, cho các em.

*Người anh khi còn bé:

- Hoàn cảnh gia đình: Nghèo, ba mẹ sinh được tám đứa con -> Bám riết của cảnh nghèo đổ dồn lên bao nhiêu con người từng ngày vật lộn cùng miếng cơm manh áo.

-Tính cách của anh Hai: Ngay từ nhỏ không nằm giường, mọi người ăn uống vui đùa, mình thích một góc riêng -> Chất chứa nỗi buồn, sự khổ cực từ thuở nhỏ in sâu vào số phận nhân vật.

- Hành động: Ăn cơm cháy, chê cơm thịt -> Sự trưởng thành, biết lo lắng quan tâm cho các em, biết nhường nhịn và gánh vác cái nghèo cùng ba mẹ.

-> Xây dựng nhân vật mang nét riêng độc đáo, tạo sự thu hút đối với người đọc.

*Người anh khi lớn:

- Hành động:

+ Nghỉ học từ lớp 9, đi làm lo cho gia đình: Gánh vác cùng cha mẹ việc kinh tế, là người biết hi sinh, nhân hậu.

+ Nuôi em thành tài, dựng vợ, gả chồng hết cho các em: Lo lắng như một người cha hiền hậu đối với đàn con thơ, còn mình cô đơn, lẻ loi một mình

- Suy nghĩ:

+ Mình vào đám cưới của em sợ các em xấu hổ: Giữ thể diện cho các em tới cùng, nghĩ mình kém cỏi, không phù hợp với chốn lộng lẫy xa hoa.

+ Chợt tủi phận: Nghẹn ngào vì sự vất vả, khó nhọc cả đời của bản thân mình.

+ Nhận ra một điều rằng công sức cả đời mình đã không uổng phí: Hạnh phúc khi thấy các em khôn lớn, làm được thay ba mẹ điều còn dang dở trong đời.

->Tấm lòng nhân hậu cao cả, giàu đức hi sinh của một con người khiến ta xúc động, nghẹn ngào.

* các hình thức nghệ thuật đặc sắc.

- Cốt truyện đơn giản, dễ hiểu, xúc động

- Cách lựa chọn ngôi kể thứ ba giúp cho câu chuyện hiện lên khách quan, đồng thời giúp cho người kể chuyện có kể một cách linh hoạt mọi sự việc diễn ra ở khắp mọi nơi, bao quát được tâm trạng của các nhân vật.

- Nghệ thuật xây dựng chân dung nhân vật thông qua ngoại hình, lời nói, cử chỉ, hành động, nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật hợp lý, độc đáo, phù hợp.

- Cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ kể chuyện giản dị, mộc mạc.

- Cách đặt nhan đề tác phẩm khơi gợi những suy ngẫm trong lòng người đọc.

Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của truyện.

- Cảm xúc hoặc lời nhắn gửi tới mọi người.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
27 24.204
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm