Nghị luận phân tích câu chuyện Bí ẩn của làn nước

Bí ẩn của làn nước là những hồi ức của nhân vật tôi về những kí ức đau thương không thể xóa nhòa trong trận bão lịch sử đã cướp đi sinh mệnh người vợ và người con của chính mình. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ dàn ý phân tích truyện ngắn Bí ẩn của làn nước của nhà văn Bảo Ninh, mời các bạn cùng tham khảo.

Phân tích truyện ngắn Bí ẩn của làn nước

Tóm tắt Bí ẩn của làn nước

Câu chuyện về bí ẩn của cuộc đời người kể chuyện xưng tôi gắn với làn nước. Trong nước lũ, nhân vật Tôi tưởng cứu được con mình nhưng thực tế đứa bé ông cứu là con gái người đàn bà bị lũ cuốn. Và ông quyết định giữ bí mật ấy suốt đời và mang theo nỗi đau không nguôi được theo năm tháng. Từ đó nhà văn đặt ra vấn đề trong cuộc sống, nhiều khi con người phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn mà quyết định nào cũng dằn vặt, khổ đau.

Dàn ý phân tích văn bản Bí ẩn của làn nước

Tóm tắt ngắn gọn cốt truyện qua một số sự việc, chi tiết tiêu biểu sau:

+ Nhân vật “Tôi” nhìn dòng sông, nhớ lại kỷ niệm buồn, gắn với những mất mát và bí ẩn của bản thân.

+ Tình huống nguy hiểm, của thiên tai, bom đạn: đê vỡ, lũ ngập, người vợ đẻ con trai, nhân vật Tôi phải đưa vợ lên nóc nhà tránh lũ. Rồi họ phải bám vào cành cây đa trong tình cảnh ngàn cân treo sợ tóc.

+ Trong hoàn cảnh hiểm nguy, mong manh sống chết, nhưng khi nghe tiếng kêu cứu từ dưới, nhân vật Tôi vẫn chìa tay ra cứu người đàn bà và đứa con của bà nhưng không thể được. Không may cành đa rung chuyển, vợ của nhân vật tôi đánh rơi đứa con xuống nước, rồi chị phóng luôn xuống nước tìm con.

+ Nhân vật Tôi lao xuống nước và cứu được con lên, đưa cho người dân đang ở trên cây, tiếp tục xuống dòng nước xiết tìm vợ nhưng thất bại.

+ Tới khi cano quân đội tới, họ phải dùng sức buộc nhân vật Tôi rời mặt nước. Tôi nhận được sự an ủi, động viên từ mọi người và nhận lại đứa con trai của mình. Nhưng khi chị phụ nữ bế đứa trẻ, thay tã cho nó, nhân vật Tôi nhìn, chết lặng, ú ớ gọi con, nhận lại đứa trẻ… không phải con mình, là con của người đàn bà kia.

+ Nhiều năm trôi qua, con gái của nhân vật Tôi đã thành một thiếu nữ, được coi là đứa con của làn nước. Nhưng bí mật kia thì “Tôi” không cho con gái biết, cũng không ai hay, chỉ có dòng sông biết. Nhân vật tôi vẫn ra đê ngắm làn nước, vẫn thấy vợ, con, người đàn bà nhìn mình từ đáy nước; thời gian trôi nhưng nỗi đau thì khôn nguôi bởi đó là nỗi đau không nói được thành lời.

* Phân tích, đánh giá chủ đề, nội dung của câu chuyện:

- Chủ đề câu chuyện trực tiếp nói về bí ẩn của cuộc đời người kể chuyện xưng tôi gắn với làn nước, việc tưởng chừng anh cứu được con trong lũ nhưng thực tế đứa bé ông cứu là con gái người đàn bà bị lũ cuốn. Và ông quyết định giữ bí mật ấy suốt đời, âm thầm, chỉ có dòng nước biết dù nỗi đau không nguôi được theo năm tháng.

- Rộng hơn, câu chuyện cũng nói về điều phổ biến trong đời sống của mỗi con người là những bí mật, những điều bí ấn khó nói, hoặc không thể nói ra, hoặc khi nói ra mọi sự sẽ tồi tệ hơn.

- Việc giữ bí mật của nhân vật Tôi gợi cho người đọc suy nghĩ về nhiều vấn đề trong cuộc sống:

+ Việc lựa chọn giữ hay tiết lộ những bí mật quan trọng có thể liên quan tới cuộc sống của bản thân và nhiều người; lựa chọn bản thân ôm nỗi đau cho người khác cuộc sống tốt đẹp hay tự giải thoát cho mình khỏi những bí ẩn giằng xé, đau xót; tức sống cho mình hay cho người khác.

+ Trong những tình huống nguy nan, ranh giới sống chết chỉ như sợi tóc, con người vẫn có thể sống yêu thương, đùm bọc, sẻ chia, thậm chí hy sinh cả sinh mạng cho người khác, cao thượng, anh dũng, nhân hậu.

+ Trong cuộc sống vô tận, thời gian có thể xoá nhoà đi nhiều thứ song có những nỗi đau, mất mát còn đọng mãi, không thể nguôi yên. Hành động cao cả, tình thương và đức hy sinh đôi khi khiến người ta vẫn phải chịu ám ảnh, xót xa, day dứt vì những mất mát từ hành động ấy.

* Phân tích, đánh giá nghệ thuật của tác phẩm:

- Cốt truyện nhiều biến cố bất ngờ, tình huống éo le, thử thách, việc đảo thời gian trần thuật khiến các sự kiện được đồng hiện, đem đến cái nhìn toàn diện.

- Trần thuật từ người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, tạo điểm nhìn từ bên trong, khiến tác phẩm chân thực, giàu chất trữ tình.

- Nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc, kết hợp các yếu tố tự sự, miêu tả với những lời trữ tình ngoại đề, bộc lộ rõ chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

- Chi tiết nghệ thuật đặc sắc, giàu sức gợi, đem đến nhiều cảm xúc, đặc biệt là các chi tiết lặp lại ở phần mở đầu và kết thúc tác phẩm.

* Đánh giá, nhận xét về tác phẩm:

- Trên cơ sở những nội dung và nghệ thuật đã phân tích, học sinh đánh giá, nhận xét tác phẩm trên hai phương diện nội dung, tư tưởng, chủ đề và đặc sắc nghệ thuật, khẳng định giá trị của tác phẩm: đặt ra vấn đề muôn thuở trong cuộc sống con người phải đối diện với nhiều đau thương, mất mát; cuộc sống luôn đưa con người phải đối mặt với tình huống trớ trêu mà lựa chọn nào cũng xót xa, khó khăn, day dứt.

- Khẳng định những đặc sắc nghệ thuật truyện ngắn của Bảo Ninh đặc biệt là tổ chức cốt truyện, tạo tình huống độc đáo, trần thuật theo dòng ý thức, trong lối viết súc tích, cô đọng, giàu sức gợi.

Phân tích truyện ngắn Bí ẩn của làn nước

Giống như những nhà thơ, nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, Bảo Ninh cũng viết về đề tài chiến tranh. Nhưng chiến tranh dưới góc nhìn của Bảo Ninh rất chân thực và khác biệt. Nó không mang màu sắc sử thi, hào hùng, thi vị, trái lại nó lại mang theo những nỗi buồn. Những nỗi buồn ấy là sản phẩm của chiến tranh, nó ăn sâu vào trong tâm hồn người để dần dà âm ỉ mà lan rộng ra, khiến con người ta đau đớn đến cùng cực. Có lẽ chính vì vậy mà các tác phẩm của Bảo Ninh luôn tác động mạnh mẽ đến người đọc, khiến bạn đọc cảm nhận được rõ nét cái nỗi đau ẩn sâu trong lòng nhân vật. Và nỗi đau ấy đã được Bảo Ninh khắc họa rất sâu sắc trong truyện ngắn Bí ẩn của làn nước.

Cũng xuất phát từ đề tài chiến tranh như truyện ngắn Giang hay tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, trong Bí ẩn của làn nước, Bảo Ninh tiếp tục nhìn chiến tranh dưới lăng kính của nỗi buồn. Ở đây, nhà văn không thể hiện nỗi đau của người lính khi phải chịu đựng những nỗi ám ảnh, kinh hoàng trên chiến trường, nỗi đau mất đi bạn bè, người thân, người yêu trong chiến tranh mà ông lựa chọn khắc họa nỗi đau của những người nông dân trong chiến tranh.

Chiến tranh là những cuộc biến thiên của lịch sử và đi kèm với nó luôn là những mất mát, đau thương. Trong Bí ẩn của làn nước, chiến tranh đã đem đến một ám ảnh kinh hoàng đối với người dân nơi hậu phương: “Năm ấy, nhằm trúng đỉnh lũ đêm Rằm tháng Bảy, một loạt bom Mỹ phá tan vệt canh giữ đằng trước làng tôi. Dứt dây nổ của bom và tiếng gầm ghê rợn của máy bay cường kích là chuỗi ầm ầm long lỡ của dòng sông phá bung đê tràn ngang vào đồng ruộng”. Bom đạn đã phá vỡ đê điều, nhấn chìm làng mạc, đồng ruộng của những người nông dân, đẩy họ vào cảnh khốn cùng: “Nước đã ngập làng. Tôi về, kịp dìu vợ leo lên mái thì vừa đợt dâng nước thứ hai. Mái nhà tranh của vợ chồng tôi bị lôi đi trong đêm. Đến khi mái rạ saows rã tan ra thì ơn trời nó vương vào thân đa trước đình làng. Đã cả một đám đông bám trên các cành… Vợ tôi ôm khư khư đứa con mới inh, nhất định không để tôi bế đỡ.” Không dừng lại ở đó, những người dân giờ đây lại càng rơi vào bế tắc hơn khi nhiều giờ trôi qua mà mưa vẫn tiếp tục tuôn, gió tiếp tục thổi, dòng nước ngày một xiết hơn. Dòng nước xiết ấy không chỉ nhấn chìm làng mạc, cuốn trôi mọi tài sản của người nông dân mà còn cướp đi số mệnh của những người xấu số như những người phụ nữ yếu ớt, những đứa bé non nớt: “Vợ tôi “ối” kêu một tiếng thảng thốt, và “ùm”, con trai tôi, đứa con sơ sinh tôi chưa được nhìn thấy mặt, tuột khỏi bọc ni lông trên tay mẹ nó, san xuống làn nước tối tăm.

- Trời ơi! Con tôi...! - Vợ tôi hét rú lên và lao ngay lập tức xuống hòng chụp lấy con.

Tôi phóng mình theo. Nước lạnh, ngầu bùn, sâu hút và cuốn mạnh. Tôi vớ kịp thằng con, nhao vội lên, trao nó cho những bàn tay đang chìa xuống, rồi lại lặn tiếp ngay để cứu vợ.” Chiến tranh đã cướp mất đi tài sản, người vợ và cả đứa con trai mà nhân vật “tôi” còn chưa kịp nhìn mặt. Thời gian và làn nước năm ấy vẫn cứ mang theo cái bí mật mà anh chôn vùi, giấu kín trong lòng: “Từ bấy tới nay, thời gian trôi qua và triền nước trôi đi, tôi đã có tuổi và con gái tôi đã thành một thiếu nữ đẹp nhất làng. Nó là đứa con của làn nước, mọi người đều nói thế bởi vì chuyện nó sa xuống dòng nước lụt rồi được cha nó cứu lên thì cả làng ai cũng biết. Nhưng điều bí mật kia thì không ai hay, kể cả con gái tôi nó cũng không thể biết. Chỉ có dòng sông biết.” Nỗi đau đớn, ám ảnh năm ấy đã trở thành ẩn ức và nỗi buồn cứ âm ỉ cháy trong lòng của anh. Nỗi đau mất vợ và mất con trong cái đêm vỡ đê ấy sẽ đeo bám anh đến hết đời mà chẳng có cách nào chối bỏ: “Có ngày nào mà tôi không ra đê ngắm làn nước trôi. Vợ tôi, con trai tôi và người đàn bà vô danh nhìn tôi từ đáy nước. Thời gian, năm tháng cứ trôi, dòng sông và lịch sử tất thảy đều đổi thay nhưng mà niềm đau của đời tôi thì khôn nguôi bởi vì ấy là một niềm đau không thể nói nên lời.” Như vậy, chỉ trong thời gian một đêm mà biết bao sự kiện, bao nỗi đau đớn đã túa ra, ngập tràn cả trên trang sách.

Bên cạnh thời gian nghệ thuật, cốt truyện biên niên và nhân vật, Bảo Ninh đã rất thành công khi tạo dựng nên một không gian nghệ thuật chứa đựng nhiều nỗi kinh hoàng, hoảng sợ, đau đớn. Và trong không gian đó, con người bị đẩy đến bi kịch thê thảm nhất, tồi tệ nhất. Trong đêm tối, lồng trong tiếng nổ của bom đạn và máy bay cường kích là “chuỗi ầm ầm long lở của dòng sống phá bung đê tràn ngang vào đồng ruộng.”. Trong khung cảnh hỗn loạn, dòng nước nhấn chìm hết nhà cửa, làng mạc, ruộng đồng, người dân chỉ còn cách bám trụ trên các cành đa trước đình làng. Và trong làn nước ngày một xiết, cảnh những người xấu số bị dòng nước nuốt chửng bắt đầu hiện ra. Như vậy, chiến tranh là một nỗi khiếp sợ, nó đem đến những tai ương, những nỗi đau khủng khiếp cho con người. Trong truyện ngắn này, thông qua lăng kính của nhân vật “tôi”, chúng ta thấy được một hiện thực nghiệt ngã rằng những người nông dân không chỉ mất hết nhà cửa, tài sản mà còn mất đi vợ con, những người mà họ yêu thương, trân quý nhất. Không gian đau thương này kết hợp với thời gian ngắn ngủi càng nhấn mạnh hơn số phận mỏng manh của con người trong thời chiến. Con người bị đẩy đến những nỗi đau thương, mất mát tận cùng mà chẳng thể nào cứu vãn hay chữa lành được. Những nỗi đau ấy dần dần trở thành những điều bí ẩn mà con người chôn chặt trong lòng giống như cái điều bí ẩn trong đời của người đàn ông kia, hay của đứa bé gái luôn nằm sâu trong làn nước, vẫn cứ chảy trôi theo thời gian mà chẳng mất đi.

“Các dòng sông trôi đi như thời gian, và cũng như thời gian, trên mặt nước các triền sông biết bao nhiêu là chuyện đời đã diễn ra.”. Thật vậy, chiến tranh dù đã đi qua nhưng những nỗi đau, những mất mát mà nó để lại trong tâm hồn, trong cuộc đời của mỗi người vẫn còn đó. Đặc biệt trong truyện ngắn Bí ẩn của làn nước, ta có thể thấy được Bảo Ninh không chỉ tiếp cận đề tài chiến tranh thông qua nỗi đau thương, mất mát của những người lính mà còn qua nỗi đau đớn trong tâm hồn của những người nông dân. Qua đó, ông không chỉ thể hiện tinh thần phê phán, tố cáo chiến tranh mà còn thể hiện sự đồng cảm đối với những con người phải chịu đựng sự giày vò của chiến tranh.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
14 14.024
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm