Soạn bài Củng cố mở rộng trang 84 lớp 9 tập 1 KNTT

Củng cố mở rộng trang 84 Văn 9 KNTT

Củng cố mở rộng bài 3 Ngữ văn 9 tập 1 Kết nối tri thức là nội dung bài học trang 84 SGK Văn 9 KNTT tập 1. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ mẫu soạn bài Củng cố mở rộng trang 84 lớp 9 tập 1 KNTT sẽ là những gợi ý bổ ích giúp các em trả lời các câu hỏi trong SGK.

Củng cố mở rộng trang 84 Văn 9 KNTT

Câu 1 trang 84 SGK văn 9 KNTT tập 1

Những điểm giống nhau của hai đoạn trích:

+ Miêu tả vẻ đẹp của Thuý Kiều, Thuý Vân qua cái nhìn của Kim Trọng.

+ Miêu tả cảm xúc, suy nghĩ và tình trạng “khó xử” của Kim Trọng: Nhưng vì ngại có Vương Quan, không tiện đứng lâu, đành cùng nhau từ biệt (Kim Vân Kiều truyện); Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn (Truyện Kiều).

Những điểm khác nhau:

+ Đoạn trích trong Kim Vân Kiều truyện: miêu tả cụ thể, chi tiết ngoại hình của Thuý Kiều, Thuý Vân (gợi khoảng cách gần và sự quan sát tỉ mỉ, chăm chú của Kim Trọng); tập trung thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của Kim Trọng, trong đó có mong ước “được hai nàng làm vợ”; kể sự việc (Vương ông sai người đem kiệu đến đón, hai nàng lên kiệu ra về).

+ Đoạn trích trong Truyện Kiều: miêu tả dáng vẻ của Thuý Kiều, Thuý Vân một cách khái quát (nhác thấy nẻo xa), sử dụng bút pháp ước lệ (xuân lan thu cúc) mà vẫn gợi được vẻ đẹp mặn mà, tươi trẻ; miêu tả cảm xúc, suy nghĩ của hai nhân vật Kim Trọng và Thuý Kiều (Người quốc sắc, kẻ thiên tài/ Tình trong như đã, mặt ngoài còn e) – thể hiện được “tình ý” họ dành cho nhau; sáng tạo ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên, “tả cảnh ngụ tình”.

Câu 2 trang 85 SGK văn 9 KNTT tập 1

STT

Văn bản

Tác giả

Thể loại

Nội dung

chủ đề

Đặc sắc

nghệ thuật

1

Kim - Kiều gặp gỡ

Nguyễn Du

Truyện thơ Nôm

Cuộc gặp gỡ giữa Kim Trọng và chị em Thúy Kiều và nỗi tương tư, lo âu trong tình yêu của Thúy Kiều.

- Kết hợp ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học, ngôn ngữ độc thoại và ngôn ngữ đối thoại.

- Bút pháp ước lệ tượng trưng, tả cảnh ngụ tình.

- Sử dụng thể thơ lục bát truyền thống.

2

Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga

Nguyễn Đình Chiểu

Truyện thơ Nôm

Cuộc dẹp loạn cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga của Lục Vân tiên và quan niệm về người anh hùng của chàng.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, mỗi nhân vật mang dấu ấn, nhân cách riêng.

- Chủ yếu sử dụng ngôn ngữ bình dân gần gũi, mộc mạc, đậm chất Nam Bộ; kết hợp với ngôn ngữ bác học

3

Tự tình

Hồ Xuân Hương

Thơ thất ngôn bát cú Đường luật

Nỗi niềm người phụ nữ khi tình duyên lỡ làng, dở dang và khát vọng hạnh phúc của họ.

- Ngôn ngữ thơ mang đậm dấu ấn cá nhân.

- Kết hợp tiếng nói trữ tình, sâu lắng với tiếng cười chua xót.

- Sử dụng nhiều chất liệu thơ ca dân gian.

Câu 3 trang 85 SGK văn 9 KNTT tập 1

Đoạn trích Chị em Thúy Kiều

a.

- Vị trí: Đoạn trích nằm ở phần mở đầu của phần 1: Gặp gỡ và đính ước.

- Bố cục:

+ Đoạn 1 (4 câu đầu): giới thiệu khái quát hai chị em Thúy Kiều.

+ Đoạn 2 (4 câu tiếp): gợi tả vẻ đẹp Thúy Vân.

+ Đoạn 3 (12 câu tiếp): gợi tả vẻ đẹp Thúy Kiều.

+ Đoạn 4 (4 câu cuối): Nhận xét chung về cuộc sống của hai chị em.

b.

* Hình tượng Thúy Vân:

- Câu thơ mở đầu khái quát vẻ đẹp của Thúy Vân, “trang trọng” gợi vẻ cao sang, quý phái.

- Vẻ đẹp của Thúy Vân được so sánh với những thứ đẹp nhất trên đời: trăng, hoa, mây, tuyết, ngọc.

- Chân dung Thúy Vân được miêu tả toàn vẹn từ mái tóc đến nụ cười, giọng nói, phong thái ứng xử nghiêm trang: khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, lông mày sắc nét như ngài, miệng tươi như hoa, đoạn trang như ngọc,...

- Chân dung dự đoán số phận: “mây thua”, “tuyết nhường” ⇒ số phận êm đềm.

c.

- Nội dung: Đoạn trích đã khắc họa rõ nét chân dung tuyệt mĩ của chị em Thúy Kiều, ca ngợi vẻ đẹp, tài năng và dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh của Thúy Kiều, đây là biểu hiện cho cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du.

- Nghệ thuật: Nghệ thuật nổi bật của đoạn trích là nghệ thuật khắc họa nhân vật lí tưởng bằng bút pháp ước lệ tượng trưng – lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm nổi bật vẻ đẹp của con người, không miêu tả chi tiết cụ thể mà tả để gợi, sử dụng biện pháp đòn bẩy làm nổi bật vẻ đẹp của Thúy Kiều.

Đoạn thơ từ “ Vân Tiên ghé lại bên đàng” đến “tấm lòng cùng ngươi” trong Truyện Lục Vân Tiên.

a. Xác định bố cục: 2 phần

- Phần 1: Từ “Vân Tiên ghé lại” đến “thác rày thân vong”: Cuộc chiến giữa Lục Vân Tiên và bọn cướp.

+ Phần 2: Còn lại: Lời báo ân của Kiều Nguyệt Nga.

b. Phân tích hình tượng con người trong đoạn trích:

- Lục Vân Tiên hiện lên là người anh hùng có sức khỏe cường tráng. Chàng còn mang trong mình sự dũng cảm, gan dạ khi chỉ với một cành cây mà “nhắm” vào bọn cướp, đánh “bốn phía vỡ tan”, khiến tướng giặc “một gậy thác rày thân vong”. Lục Vân Tiên biết quan tâm mọi người, thương người nhưng không nương tay cho cái xấu làm càn.

- Kiều Nguyệt Nga là cô tiểu thư đài cát, con một tri phủ. Nàng hiếu thảo với cha mẹ, bỏ mặc đường xá xa xôi mà làm theo nhiệm vụ của cha: “Làm con đâu dám cãi cha,/ Ví dàu ngàn dặm đường xa cũng đành”. Kiều Nguyệt Nga biết ơn người đã giúp đỡ mình: “Gẫm câu báo đức thù công”, luôn đau đáu phải trả hết ơn nghĩa, cho dù có phải trả bằng tài sản hay công sức bản thân: “Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”. Nàng được giáo dục trong gia đình gia giáo, biết phép tắc, lịch sự, nói chuyện ý tứ: “Chút tôi liễu yếu đào thơ”, “Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa

- Tên tướng cướp Phong Lai độc ác, xấu xa, có tính kiêu căng, ngạo mạn. Nhưng rồi hắn vẫn chết dưới tay Lục Vân Tiên.

c. Nét đặc sắc trong nghệ thuật và nội dung:

- Đặc sắc trong nội dung:

+ Miêu tả chi tiết những phẩm chất tốt đẹp của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.

+ Lên án mạnh mẽ những kẻ xấu xa, ỷ mạnh hiếp yếu.

- Đặc sắc trong nghệ thuật:

+ Lời đối thoại phù hợp với từng kiểu nhân vật.

+ Hàng loạt động từ mạnh kết hợp với từ ngữ được sử dụng trong binh đao để diễn tả Lục Vân Tiên.

+ Câu thơ nhịp nhàng, thanh điệu hài hòa.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 110
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm