(Ngắn gọn) Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương lớp 9 Kết nối tri thức

Soạn văn 9 Kết nối tri thức Chuyện người con gái Nam Xương

Chuyện người con gái Nam Xương là văn bản đầu tiên trong SGK Ngữ văn lớp 9 tập 1 Kết nối tri thức ở Bài 1. Thế giới kì ảo. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ gợi ý soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương trang 10 SGK Ngữ văn 9 tập 1 Kết nối tri thức để các em có thêm gợi ý trả lời câu hỏi bài Chuyện người con gái Nam Xương.

1. Tóm tắt cốt truyện Chuyện người con gái Nam Xương

- Vũ Thị Thiết (con nhà nghèo nhưng đẹp người, đẹp nết) kết hôn với Trương Sinh (con một gia đình khá giả nhưng ít học, tính hay ghen tuông).

- Trương Sinh phải đi lính, để mẹ già và vợ trẻ ở nhà. Vũ Nương đã làm tròn bổn phận của người vợ, người con dâu .

- Chiến tranh kết thúc, Trương Sinh được trở về. Chỉ vì câu nói ngây thơ của đứa con trai 3 tuổi mà Trương Sinh ghen tuông, mắng nhiếc, đánh đuổi vợ đến mức nàng phải nhảy xuống sông tự tử.

- Vũ Nương đã được Linh Phi cứu, đưa xuống cung nước. Ở đây, nàng gặp Phan Lang (cùng làng) - người cũng được Linh Phi cứu để trả ơn. Nghe Phan Lang khuyên nên trở về, Vũ Nương đã nhờ Phan Lang chuyển lời đến chồng về việc lập đàn giải oan.

- Trương Sinh lập đàn giải oan. Vũ Nương đã trở về trên sông, nói với chồng mấy lời cho tỏ nỗi oan khuất của mình, rồi dần dần biến mất.

2. Trước khi đọc Chuyện người con gái Nam Xương

Em biết gì về vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong thời phong kiến?

Vị thế của người phụ nữ trong xã hội phong kiến vốn tồn tại phổ biến tư tưởng trọng nam khinh nữ. Họ luôn bị ràng buộc bởi những lễ nghi phong kiến như tam tòng: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Chính vì vậy cuộc đời người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn phải chịu đựng nhiều đớn đau bất công.

Em có ấn tượng sâu sắc với tác phẩm nào viết về người phụ nữ? Hãy chia sẻ ấn tượng đó của em.

Một số tác phẩm viết về người phụ nữ như: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê),...

Trong đó em cảm thấy rất ấn tượng với nhận vật Phương Định, một nữ thanh niên xung phong gan dạ và giàu lòng yêu nước.

3. Đọc văn bản Chuyện người con gái Nam Xương

1. Những chi tiết giới thiệu nhân vật Vũ Thị Thiết và Trương Sinh

- Nhân vật Vũ Nương được giới thiệu: tính đã thuỳ mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp.

- Trương Sinh – Con nhà hào phú, nhưng không có học; có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức.

2. Theo em, kết cục của cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương sẽ như thế nào?

Dự đoán: bé trai ra đời, Trương Sinh sau khi đi lính về đoàn tụ hạnh phúc bên vợ con.

3. Trương Sinh có thái độ và hành động như thế nào sau khi nghe những lời nói của con?

Trương Sinh đinh ninh là vơ hư, thái độ giận dữ về nhà chàng la um lên cho hả giận.

4. Kết cục cuộc hôn nhân của Vũ Nương và Trương Sinh có đúng như dự đoán của em không?

- Kết cục cuộc hôn nhân của Vũ Nương và Trương Sinh không đúng như dự đoán của em.

5. Câu chuyện sẽ như thế nào nếu không xuất hiện nhân vật Phan Lang?

Nếu không xuất hiện nhân vật Phan Lang thì câu chuyện sẽ chỉ dừng lại ở việc Trương Sinh biết sự thật mà không được gặp lại Vũ Nương để thể hiện sự hối lỗi day dứt.

6. Điều gì khiến Vũ Nương muốn tìm về gặp chồng?

Điều khiến Vũ Nương muốn tìm về gặp chồng đó là: không muốn mãi mang tiếng xấu, mong muốn được giải nỗi oan khuất

3. Trả lời câu hỏi trang 16 SGK Văn 9 tập 1 KNTT

Câu 1. Trình bày cốt truyện và nêu bố cục của tác phẩm

* Cốt truyện: Xem mục 1 bên trên.

* Bố cục văn bản: 3 phần:

- Phần 1: Từ đầu đến… “lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”: Cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương, những phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương.

- Phần 2: Tiếp đến … “nhưng việc trót đã qua rồi!”: Nỗi oan của Vũ Nương.

- Phần 3: Còn lại: Vũ Nương được giải oan

Câu 2. Ở phần đầu tác phẩm, Nguyễn Dữ đã làm nổi bật những nét gì ở nhân vật Vũ Nương và Trương Sinh? Lời người kể chuyện có vai trò như thế nào trong việc khắc họa nhân vật?

- Ở phần đầu tác phẩm, Nguyễn Dữ đã làm nổi bật về đặc điểm nổi bật của hai nhân vật. Vũ Nương là người thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp. Còn Trương Sinh vốn tính đa nghi.

- Lời người kể chuyện có vai trò thể hiện trực tiếp hình ảnh, đặc điểm của từng nhân vật. Từ đó người đọc có thể hình dung rõ nét về hai nhân vật Trương Sinh và Vũ Nương.

Câu 3. Phân tích lời than của nhân vật Vũ Nương trước khi gieo mình xuống sông để làm rõ các khía cạnh:

a. Nỗi đau đớn của nhân vật.

b. Đặc điểm ngôn ngữ nhân vật trong truyện truyền kì.

Trả lời

a.

“Thiếp vốn con kẻ khó được nương tựa nhà giàu được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói… Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”.

→ Phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình, khẳng định sự thuỷ chung, trong trắng -> Nàng hết lòng tìm cách hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ.

“Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồn xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”.

→ Nỗi đau đớn, thất vọng khi bị đối xử bất công.

b. Ngôn ngữ nhân vật trong truyện truyền kỳ

- Ngôn ngữ nhân vật thể hiện sự phát triển trong tâm lí nhân vật: khởi đầu, đỉnh điểm.

+ Khi bị Trương Sinh trách lầm, Vũ Nương rất cố gắng giải thích để Trương Sinh hiểu bản thân luôn giữ đúng khuôn phép, chăm lo gia đình đợi chồng về. Tuy nhiên khi Trương Sinh nhất quyết không nghe, buông lời quát mắng, không nghe lọt tai lời giải thích nào thì Vũ Nương đã mất hết niềm tin, sử dụng những câu nói thể hiện sự suy sụp, chán nản, tuyệt vọng (lên đỉnh điểm) dẫn đến sau đó là hành động nhảy sông.

Câu 4. Cho biết nguyên nhân gây ra bi kịch của Vũ Nương. Nguyên nhân nào là chủ yếu.

- Nguyên nhân gây ra bi kịch của Vũ Nương là do Trương Sinh có tính gia trưởng lại hay đa nghi, không tin vợ mình.

- Nguyên nhân gián tiếp:

+ Do xã hội phong kiến – Một xã hội gây ra bao bất công ấy, thân phận người phụ nữ thật bấp bênh, mong manh, bi thảm. Họ không được bênh vực chở che mà lại còn bị đối xử một cách bất công, vô lí,…

+ Do cuộc hôn nhân không bình đẳng, Vũ Nương chỉ là “con nhà kẻ khó”, còn Trương Sinh là “con nhà hào phú”. Thái độ tàn tệ, rẻ rúng của Trương Sinh đối với Vũ Nương đã phần nào thể hiện quyền thế của người giàu đối với người nghèo trong một xã hội mà đồng tiền đã bắt đầu làm đen bạc thói đời.

+ Do lễ giáo hà khắc, phụ nữ không có quyền được nói, không có quyền được tự bảo vệ mình. Trong lễ giáo ấy, chữ trinh là chữ quan trọng hàng đầu; người phụ nữ khi đã bị mang tiếng thất tiết với chồng thì sẽ bị cả xã hội hắt hủi, chỉ còn một con đường chết để tự giải thoát.

+ Do chiến tranh phong kiến phi nghĩa gây nên cảnh sinh ly và cũng góp phần dẫn đến cảnh tử biệt. Nếu không có chiến tranh, Trương Sinh không phải đi lính thì Vũ Nương đã không phải chịu nỗi oan tày trời dẫn đến cái chết thương tâm như vậy.

Câu 5. Trong tác phẩm, nhân vật Phan Lang được khắc họa ở những không gian, thời gian nào? Nhân vật này có vai trò gì trong truyện?

- Nhân vật được khắc họa:

+ Thời gian: Quá khứ (khi trước); Hiện tại (khi được Linh Phi cứu).

+ Không gian: Ở làng Nam Xương, ở dưới thủy cung.

- Vai trò của nhân vật:

+ Kết nối Vũ Nương với Trương Sinh, giúp khơi dậy trong lòng Vũ Nương mong muốn được giải oan, nói rõ ràng với người chồng Trương Sinh.

Câu 6. Hình ảnh Vũ Nương hiện về khi Trương Sinh lập đàn giải oan trên bến Hoàng Giang được tác giả miêu tả qua những chi tiết nào? Theo em, đoạn kết có màu sắc kì ảo này có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm?

* Hình ảnh Vũ Nương hiện về:

“Vũ Nương ngồi trên chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện”.

* Tác dụng của màu sắc kì ảo với chủ đề tác phẩm:

+ Làm hoàn chỉnh phẩm chất đẹp đẽ vốn có của Vũ Nương – một người ở thế giới khác vẫn khao khát phục hồi danh dự.

+ Tạo cái kết có hậu.

+ Thể hiện ước mơ của nhân dân: người tốt được minh oan và đền trả xứng đáng.

+ Thể hiện niềm cảm thương của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ trong chế độ phong kiến.

Câu 7. Nêu chủ đề tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” và trình bày suy nghĩ của em về chủ đề đó.

- Chủ đề: Thể hiện bi kịch tan vỡ hạnh phúc gia đình, qua đó phê phán xã hội phong kiến, đồng thời bày tỏ niềm thương cảm sâu sắc đối với sự bất hạnh của người phụ nữ.

- Suy nghĩ của bản thân: Văn bản đã khắc họa rõ bi kịch của Vũ Nương cũng là một lời tố cáo xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của kẻ giàu có và của người đàn ông trong gia đình, đồng thời bày tỏ niềm cảm thương của tác giả đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ. Người phụ nữ đức hạnh ở đây không những không được bênh vực, chở che mà lại còn bị đối xử một cách bất công, vô lý; chỉ vì lời nói thơ ngây của đứa trẻ và vì sự hồ đồ, vũ phu của anh chồng hay ghen tuông mà đến nỗi phải kết liễu cuộc đời mình. Mong rằng với xã hội hiện nay, phụ nữ sẽ được sống bình đẳng hơn, được coi trọng hơn, để không phải có những cuộc đời bi kịch như Vũ Nương.

4. Viết kết nối với đọc bài Chuyện người con gái Nam Xương

Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về chi tiết “cái bóng” trong truyện.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 832
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm