Các bài thơ song thất lục bát lớp 9

Song thất lục bát là một trong những thể thơ các em học sinh sẽ được học trong chương trình Ngữ văn mới lớp 9. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các em khái niệm thể thơ song thất lục bát, đặc điểm của thể thơ song thất lục bát cùng với các bài thơ song thất lục bát lớp 9 hay thuộc ngữ liệu văn học ngoài chương trình sẽ giúp các em mở rộng vốn kiến thức môn Ngữ văn.

1. Khái niệm và đặc điểm thơ song thất lục bát

Khái niệm

Song thất lục bát là thể thơ mà trong đó mỗi khổ thơ gồm hai câu 7 chữ (song thất), một câu sáu chữ, một câu tám chữ (lục bát). Bốn câu dài ngắn khác nhau tạo thành một khổ và luân phiên kéo dài bao nhiêu khổ cũng được.

Đặc điểm

Đặc điểm cấu tạo của nhịp điệu thơ song thất lục bát là hai câu thất thường ngắt nhịp cố định 3/4 (khác với câu thất ngôn của thơ Đường luật thường ngắt nhịp 4/3), còn câu lục và câu bát có thể ngắt nhịp linh hoạt hơn. Như thế, hai câu ngát nhịp cố định đi liền với hai câu ngát nhịp bất định lặp đi lặp lại theo những chu kì. Cấu trúc nhịp điệu này rất thích hợp để diễn tả nhưng tâm trạng buồn triền miên, ít biến động. Về gieo vần, thể song thất lục bát có cả vần trắc và vần bằng, vần chân và vần lưng.

2. Các bài thơ song thất lục bát lớp 9

Các bài thơ song thất lục bát lớp 9

Các tác phẩm thơ cổ điển viết theo thể thơ song thất lục bát

Buổi tiễn đưa

(Trích: Chinh phụ ngâm khúc – dịch giả: Đoàn Thị Điểm)

Đường giong ruổi lưng đeo cung tiễn,

Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa.

Bóng cờ tiếng trống xa xa,

Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng.

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,

Xếp bút nghiên theo việc đao cung.

Thành liền mong tiến bệ rồng,

Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời.

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,

Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.

Giã nhà đeo bức chiến bào,

Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu.

Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,

Đường bên cầu cỏ mọc còn non.

Đưa chàng lòng dằng dặc buồn,

Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền.

Nước có chảy mà phiền chẳng rửa,

Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây.

Nhủ rồi nhủ lại cầm tay,

Bước đi một bước dây dây lại dừng.

Bài thơ Cung Oán Ngâm Khúc

Đòi những kẻ thiên ma bách chiết
Hình thì còn bụng chết đòi nau
Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu
Trắng răng đến thuở bạc đầu
Tử, sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần.

Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc
Lớp cùng thông như đúc buồng gan
Bệnh trần đòi đoạ tâm toan
Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da.

Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.

Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ
Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh.

Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Đền vũ tạ nhện giăng cửa mốc
Thú ca lâu dế khóc canh dài
Đất bằng bỗng rấp chông gai
Ai đem nhân ảnh nhuốm màu tà dương.

Mồi phú quý dữ làng xa mã
Bả vinh hoa lừa gã công khanh
Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

Sân đào lý mây lồng man mác
Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng
Cánh buồm bể hoạn mênh mang
Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh.

Quyền họa phúc trời tranh mất cả
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai
Cái quay búng sẵn lên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.

Hình mộc thạch vàng kim ố cổ
Sắc cầm ngư ủ vũ ê phong
Tiêu điều nhân sự đã xong
Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư.

Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy
Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.

Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.

(Tác giả: Nguyễn Gia Thiều)

Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến

“Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta,

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau,

Kính yêu từ trước đến sau,

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,

Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo,

Có khi tầng gác cheo leo,

Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang,

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,

Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân,

Có khi bàn soạn câu văn,

Biết bao đông bích, điển phần trước sau,

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,

Phận đấu thăng chẳng dám tham trời,

Bác già, tôi cũng già rồi,

Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!

Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,

Trước ba năm gặp bác một lần,

Cầm tay hỏi hết xa gần,

Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can,

Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,

Tôi lại đau trước bác mấy ngày,

Làm sao bác vội về ngay,

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời,

Ai chẳng biết chán đời là phải,

Vội vàng sao đã mải lên tiên,

Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua,

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai, ai biết mà đưa,

Giường kia treo những hững hờ,

Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn,

Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,

Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương,

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.

*Chú thích:

- Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) hiệu là Quế Sơn, tên lúc nhỏ là Nguyễn Thắng, sinh tại quê ngoại là xã Hoàng Xá (nay thuộc Yên Trung), huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

- Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo.

- Năm 1864, ông đỗ đầu trong kỳ thi Hương. Nhưng mấy kì thi sau lại trượt, cho đến năm 1871, ông mới đỗ đầu cả kỳ thi Hội và thi Đình.

- Ông được người đời gọi là Tam Nguyên Yên Đổ (do đỗ đầu cả ba kỳ thi).

- Tuy vậy, ông chỉ làm quan có hơn mười năm, còn lại cuộc đời đều sống thanh bạch bằng nghề dạy học tại quê nhà.

- Nguyễn Khuyến là một người tài năng, có tấm lòng yêu nước thương dân.

- Sáng tác của ông bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm với hơn 800 bài gồm nhiều thể loại: thơ, văn, câu đối nhưng chủ yếu là thơ.

- Thơ ông thường viết về đề tài tình yêu quê hương đất nước, bạn bè, gia đình; phản ánh cuộc sống của những con người thuần hậu, chất phác; châm biếm đả kích bọn thực dân xâm lược…

- Một số tác phẩm tiêu biểu: Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ, cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng…

* Nhà thơ Dương Khuê:

- Dương Khuê (1839 – 1902) người làng Vân Đình, tổng Phương Đình, tỉnh Hà Đông (nay là Ứng Hòa, Hà Nội).

- Ông đỗ tiến sĩ năm 1868, làm quan đến chức Tổng đốc Nam Định, Ninh Bình. Ông là bạn của Nguyễn Khuyến.

* Văn bản Khóc Dương Khuê:

- Được viết theo thể thơ song thất lục bát

- Ngôn ngữ bình dị

- Sử dụng kết hợp các biện pháp nghệ thuật: nói giảm nói tránh + các câu hỏi tu từ + điệp từ…

- Bố cục gồm 3 phần:

+ Phần 1. Hai câu thơ đầu: Nỗi đau mất bạn của nhà thơ.

+ Phần 2. Tiếp theo đến “Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can”: Hồi tưởng kỉ niệm đẹp đẽ về tình bạn.

+ Phần 3. Còn lại: Nỗi cô đơn của hiện tại.

Các tác phẩm thơ hiện đại viết theo thể thơ song thất lục bát

Bài thơ Xuân Sầu (II)

Trăm hoa đua nở đẹp hơn cười
Một cái oanh vàng uốn lưỡi chơi
Phong cảnh chiều xuân vui vẻ thế
Xuân sầu chi để bận riêng ai!
Mười lăm năm trước xuân xanh
Tri Tri cất tiếng, Hữu Thanh gọi đàn
Tình nguyện vọng chứa chan non nước
Bạn tri âm man mác giời mây
Nở gan một cuộc cười say
Đường xa coi nhẹ gánh đầy như không
Phận nam nhi tang bồng là chí
Chữ trượng phu ý khí nhường ai
Non sông thề với hai vai
Quyết đem bút sắt mà mài lòng son
Dư đồ rách, nước non tô lại
Đồng bào xa, trai gái kêu lên
Doanh hoàn là cuộc đua chen
Rồng Tiên phải giống ngu hèn, mà cam!
Tiếng gọi bạn nửa năm vừa dứt
Sức thua giời, trăm sức mà chi
Tình duyên đến lúc phân ly
Giang sơn bảng lảng, tu mi thẹn thùng
Xếp ngọn bút, đau lòng son sắt
Giã đàn văn, lánh mặt phong sương
Cho hay trần luỵ đa mang
Trăm năm duyên nợ văn chương còn nhiều
Thuyền một lá buông liều sông nước
Lái tám năm xuôi ngược dòng sông
Nực cười trận gió đông phong
Làm cho chú lái không công mất thuyền
Ngồi nghĩ lại mối duyên sao lạ
Dẫu kêu rằng món nợ cũng hay
Trần hoàn trả trả vay vay
Kể chi công nợ, cho rầy thanh tao
Mừng xuân mới, rượu đào khuyên cạn
Vắng tri âm mà bạn non xanh
Gan vàng, tóc bạc, non xanh
Thiên nhiên ai hoạ bức tranh xuân sầu?

(Tác giả: Tản Đà)

Bài thơ Đêm Khuya Tự Tình Với Sông Hương

Bây giờ chỉ có đôi ta
Bao nhiêu tâm sự Hằng Nga biết rồi
Thuở nước non đến hồi non nước
Sông Hương đành xuôi ngược đông tây
Soi lòng chỉ có đám mây
Đám mây phú quý những ngày lao đao
Sao mặt sông xanh xao ra dáng
Sao tình sông lai láng khôn ngăn?
Vì ai lắm nỗi chứa chan
Hay còn đợi khách quá giang một lần
Này thử hỏi, thuyền nan thả lá
Thuyền ai đây nấn ná bấy lâu?
Mặc ai khanh tướng công hầu
Không thèm chung đỉnh, lưng bầu gió trăng
Sao trời đất đãi đằng ra thế?
Sao mưa nguồn chớp bể luôn đêm?
Trong thành yến ấm vui thêm
Tiếng ca lanh lảnh lọt rèm rèm thưa
Sông Hương hỡi, xuân vừa tơ liễu
Cả trăm hoa hàm tiếu nhởn nhơ
Vì đâu nước chảy lững lờ
Hay cho thế sự cuộc cờ chiêm bao
Ghét xa mã nao nao uốn khúc
Giận thời gian những lứa xuân xanh
Nhà ai khiêu vũ năm canh
Hơi men sực nức dưới thành đô xưa
Sao tức tối trôi bừa đi mãi
Chẳng buồn nghe cô lái thở than
“Thuyền em đậu bến Hương Giang
Chờ người quân tử lỡ làng tình duyên”
Thuyền lặng lẽ nằm yên với bóng
Nước sống xuôi dợn sóng bến thuyền
Trong thành ngủ chết con đen
Khoá xuân bỏ lỏng đến then chẳng gài
Hãy trông thử đền đài dinh thự
Dấu xưa, xưa tình tứ làm sao
Ô hay! Sóng chảy dạt dào
Chiếc thuyền vô định tạc vào bến mê
Sao trai gái đi về trong mộng
Mà sông Hương chẳng động niềm riêng
Trong thành để lạnh hương nguyền
Tiếng gà gáy nguyệt láng giềng còn say.

(Tác giả: Hàn Mặc Tử)

Bài thơ Trăng rơi

Huỳnh Minh Nhật

Khung cửa sổ treo mành năm tháng
Cửa cài then nắng chẳng lối vào
Đêm đêm mây gió rì rào
Ánh trăng mệt mỏi rơi ào qua vai

Nhặt mảnh trăng rơi bẻ làm hai
Treo lên khung cửa thoáng hương nhài
Thắp lên nỗi nhớ thật dài
Trách ai đi mãi hương tình nhạt phai

Yêu thương đi đắng cay ở lại
Đêm đêm mơ ướt cả bờ vai
Mắt sâu đẫm lệ phôi phai
Tóc mây bù rối môi càng khô thâm

Hồn trơ trọi tháng ngày suy ngẫm
Tim héo hon thấm đẫm tình yêu
Tình yêu trả lại cô liêu
Bên thềm lá rụng tiêu điều xác xơ

Cô gái ấy nay còn đâu nữa
Một nửa hồn đã chết tim yêu
Những đêm gió thoảng dập dìu
Bóng hình ai đó lại điêu đứng lòng.

Bài thơ Đôi mắt

Lưu Trọng Lư

Có hoa nào qua mùa không héo?
Có tiếng nào giàu đẹp hơn không?
Mắt em là một dòng sông
Thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em.

Đàn “nguyệt dạ” hương đêm bay lạc
Gì buồn hơn tiếng vạc lưng chừng?
Phép gì khỏi nhớ đừng trông
Mắt em bỏ túi, vắng lòng đem soi.

Bài thơ Thuyền neo bến đậu

Hoàng Mai

Em nhớ mãi chiều thu lá đổ
Mình bên nhau cạn tỏ nguồn cơn
Chạnh lòng anh vọng lời thương
Xa xa vẳng tiếng nghe dường nỉ non

Anh khắc khoải lòng son giữ mãi
Đời biển dâu xa xót tình đau
Lời anh nghe thấm từng câu
Người như ôm cả nỗi sầu thế nhân

Hai ta cứ tần ngần nuối tiếc
Một đời em tha thiết từng mơ
Nào ai học được chữ ngờ
Gối chăn hờ hững sương mờ phủ giăng

Anh chốn ấy! Mộng nay đã hết
Em ngồi đây lặng chết từng giây
Một mình trăn trở đêm nay
Biết ai hiểu thấu đắng cay chuyện lòng

Xuân trở giấc hoa không muốn trổ
Ngại ngần lo sầu khổ bao mùa
Thôi đành duyên kiếp đẩy đưa
Thuyền neo bến hẹn gió mùa lắt lay

Tình chợt đến, chợt đi, ai biết
Đường vào tim khôn xiết bẽ bàng
Chòng chành với chiếc đò ngang
Mai sau biết có vẹn toàn được chăng.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
6 11.941
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm