Nghị luận về vấn đề cần giải quyết sự thờ ơ thiếu trách nhiệm với ước mơ của mình

Viết bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết trong đời sống học sinh hiện nay về sự thờ ơ thiếu trách nhiệm với ước mơ của mình là một trong những dạng đề các em học sinh có thể gặp khi làm bài viết nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết trong đời sống học sinh hiện nay lớp 9. Sau đây là mẫu dàn ý nghị luận về sự thờ ơ thiếu trách nhiệm với ước mơ của mình có bài mẫu chhi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Dàn ý nghị luận về sự thờ ơ thiếu trách nhiệm với ước mơ của mình

A. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của một số cá nhân đối với ước mơ của chính mình.

- Ý kiến của bản thân về vấn đề: Việc thờ ơ, thiếu trách nhiệm với ước mơ của bản thân hiện đang có xu hướng lan rộng ra trong giới trẻ, gây ra những hậu quả tiêu cực cho cá nhân mỗi chúng ta và cộng đồng. Vậy nên, ta cần nhận thức rõ tính nghiêm trọng của vấn đề để thay đổi thái độ và hành động tích cực hơn cho ước mơ của mình.

B. Thân bài

1. Làm rõ vấn đề

- Thờ ơ, thiếu trách nhiệm: Là trạng thái không quan tâm, thiếu ý thức và tinh thần trách nhiệm, không chú ý, nhiệt tình trong việc hoàn thành một việc làm nào đó.

- Ước mơ: Là những mong muốn, khát khao và hoài bão tốt đẹp mà con người hướng tới trong tương lai.

- Sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm đối với ước mơ của mình là một cách sống tiêu cực, thể hiện sự không đoái hoài, quan tâm đến những khát vọng, mong ước của bản thân mình.

- Ai trong cuộc đời cũng đều có cho mình những ước mơ, vậy nên mỗi chúng ta cần có thái độ trân trọng, có trách nhiệm và cố gắng hết mình để đạt được ước mơ đó.

2. Trình bày ý kiến cá nhân về vấn đề qua các luận điểm

- Luận điểm 1: Trong xã hội ngày nay, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm đối với ước mơ của mình đang là một vấn đề đặt ra không chỉ đối với các bạn trẻ, mà còn với xã hội, cộng đồng. Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến việc một bộ phận giới trẻ ngày nay thờ ơ, thiếu trách nhiệm và quyết tâm để đạt được ước mơ của mình.

+ Các bạn trẻ ngày nay đang ngày càng thiếu đi định hướng, mịt mờ và không rõ về tương lai của chính mình.

+ Mỗi người chúng ta đều tồn tại những cám dỗ riêng, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ dễ dàng bị cám dỗ bởi những thú vui tiêu khiển. Việc dành quá nhiều thời gian cho những việc vô bổ, không mang lại lợi ích gì sẽ khiến các bạn bỏ quên đi những hoài bão, ước mơ, khiến chúng sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.

+ Tâm lý e ngại những khó khăn, nỗi sợ thất bại trước những thử thách trên con đường chinh phục ước mơ cũng là một trong những yếu tố khiến nhiều người trong chúng ta phải bỏ lại đằng sau những ước mơ của mình.

+ Bên cạnh sự cố gắng của bản thân mình, việc thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội cũng khiến mọi người không có đủ điều kiện để theo đuổi ước mơ, hoặc bị tác động bởi những định kiến tiêu cực.

+ Bằng chứng: Nhiều phụ huynh hiện nay còn có định kiến với những ngành nghề nghệ thuật như: nhảy, múa, ca hát, đàn… nên cấm cản việc con cái mình theo đuổi, dẫn đến các bạn phải buông bỏ, gạt đi hoặc lựa chọn cách thờ ơ với chính những ước mơ của mình.

- Luận điểm 2: Là một “căn bệnh” đang lan tràn trong xã hội, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm với ước mơ đã để lại hậu quả không nhỏ cho chính những người mắc phải, đặc biệt là với thế hệ trẻ - những người làm chủ tương lai đất nước sau này.

+ Việc thiếu trách nhiệm, thờ ơ với ước mơ sẽ dẫn đến việc ta sống trong tình trạng bất cần, sống một cuộc đời vô nghĩa để rồi sau này nhìn lại, ta sẽ hối tiếc về những gì bản thân đã bỏ lỡ, đi qua.

+ Những người thờ ơ với ước mơ của chính mình, sẽ không có mục tiêu phấn đấu, không có kim chỉ nam dẫn đường, tương lai của họ sẽ trở nên hoang mang, vô định.

+ Việc thờ ơ, thiếu trách nhiệm với ước mơ cũng là nguyên nhân khiến các bạn trẻ không có động lực để phát triển bản thân, mãi dậm chân tại chỗ và dễ dàng bị tụt hậu với thế giới bên ngoài.

+ Từ những điều trên, những người thờ ơ, thiếu trách nhiệm với ước mơ của mình sẽ không thể đạt được thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.

+ Bằng chứng: Andersen được sinh ra trong một gia đình nghèo ở thành phố Odense với ngoại hình xấu xí và thường xuyên bị trêu chọc. Vượt qua tất cả, với ước mơ trở thành nghệ sĩ, cùng nghị lực và đam mê nghệ thuật, giờ đây những câu truyện cổ tích của ông đã in sâu trong tâm trí độc giả, thắp lên những ước mơ và mang lại cho trẻ thơ niềm hạnh phúc. Thử hỏi, nếu ông lựa chọn việc thờ ơ, từ bỏ những ước mơ, liệu ông có thể thoát ra khỏi cảnh nghèo túng, liệu các tác phẩm của ông có còn in dấu ấn trong lòng bạn đọc đến tận bây giờ?

- Luận điểm 3: Sự thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm với những ước mơ của bản thân không chỉ gây ra hậu quả cho chính những “nạn nhân” đang mắc phải, “chứng bệnh” đó còn gây ra những tác động xấu và tiêu cực đến xã hội, cộng đồng.

+ Mỗi người là một tế bào hình thành nên xã hội. Hơn nữa, thế hệ trẻ hôm nay là tương lai của đất nước sau này. Bởi vậy, việc một số bạn trẻ thờ ơ, thiếu trách nhiệm với ước mơ của bản thân sẽ làm cho đất nước trong tương lai đi xuống, kém phát triển và thêm nhiều gánh nặng xã hội hơn.

+ Đặc biệt một bộ phận người trẻ hiện nay thờ ơ, thiếu trách nhiệm với ước mơ của bản thân sẽ dẫn đến việc sinh ra một thế hệ bất cần.

+ Điều đó đồng nghĩa với việc xã hội sẽ thiếu nguồn cung lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đời sống, sinh hoạt, gây cản trở sự phát triển chung của cộng đồng.

+ Vì việc thờ ơ với ước mơ của chính mình, một số người sẽ có không có mục tiêu cố gắng, dẫn đến việc ăn chơi, xa đà vào các tệ nạn xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội.

+ Bằng chứng: Theo thống kê của Bộ y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản trong những năm gần đây, tỉ lệ giới trẻ Nhật Bản “ham muốn thấp”, không có lí tưởng, thờ ơ với ước mơ và tương lai của chính mình đang ngày càng gia tăng. Họ là những người trốn tránh xã hội, sống với những điều kiện vừa đủ để tồn tại, không quan tâm đến thế giới bên ngoài. Điều này đang đặt ra một gánh nặng lớn cho xã hội Nhật Bản, trở thành một trào lưu tiêu cực, kìm hãm sự phát triển, nhất là khi quốc gia này cũng đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và mức độ già hóa ngày một tăng cao.

3. Một số ý kiến trái chiều

- Một số người cho rằng, không phải ai cũng cần có ước mơ, chỉ cần sống một cuộc sống bình yên, ổn định là đủ.

- Phản bác:

+ Ước mơ là động lực thúc đẩy con người phát triển, hoàn thiện bản thân và cống hiến, làm nên những điều tốt đẹp cho xã hội.

+ Con người sống mà không có ước mơ thì chỉ đang tồn tại, họ không thực sự “sống”. Bởi một cuộc sống mà không có những hoài bão, ước mơ sẽ khiến con người ta cảm thấy nhàm chán, vô vị, thiếu mục tiêu và mông lung với tương lai của chính mình sau này.

4. Đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề

- Mỗi người trong chúng ta cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ước mơ, giáo dục về giá trị của ước mơ và tác động của nó đến cuộc sống.

- Tạo điều kiện và cơ hội để mỗi người, đặc biệt các bạn trẻ hiện nay tự tin vào bản thân, tin tưởng vào khả năng của chính mình và có ý chí quyết tâm thực hiện ước mơ.

- Để đạt được ước mơ và tránh việc rơi vào trì trệ, chán nản, bỏ cuộc, mỗi người cần lập kế hoạch cụ thể và hành động ngay lập tức, đồng thời kiên trì, nỗ lực và không ngừng học hỏi.

- Chia sẻ ước mơ với gia đình, bạn bè và những người có cùng đam mê để nhận được sự tư vấn, lời khuyên, đồng thời được hỗ trợ và động viên để ước mơ trở thành hiện thực.

- Cần khuyên răn, cảm hóa những người đang sống thờ ơ, thiếu trách nhiệm với những ước mơ của bản thân để họ nhận thức ra và sống lại một cuộc đời có ý nghĩa.

C. Kết bài

- Khẳng định tầm quan trọng của những ước mơ: Ước mơ làm cho con người chúng ta trở nên vĩ đại. Ước mơ thôi thúc chúng ta cố gắng, tiếp thêm sức mạnh vươn lên trong cuộc sống để biến nó thành hiện thực.

- Liên hệ bài học nhận thức và hành động cho bản thân: Luôn mang trong mình những hoài bão, ước mơ. Tin vào những ước mơ, “vì bên trong chúng ẩn chứa cánh cổng vào cõi vĩnh hằng” (Kahil Gibran).

Nghị luận về sự thờ ơ thiếu trách nhiệm với ước mơ của mình

Có một “căn bệnh” đang lan tràn trong xã hội hiện nay. Nó không chỉ làm băng hoại mục đích, ý nghĩa sống của mỗi con người mà còn để lại những hậu quả tiêu cực cho xã hội - đó là “căn bệnh” thờ ơ, thiếu trách nhiệm với ước mơ của chính mình. Ngày nay, không ít các bạn trẻ đang trở nên thờ ơ, vô cảm với chính những ước mơ, khát vọng của bản thân. Vậy nên, ta cần nhận thức rõ tính nghiêm trọng của vấn đề để thay đổi thái độ và hành động tích cực hơn cho ước mơ của mình.

Hiểu đơn giản, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm là trạng thái không quan tâm, thiếu ý thức và tinh thần, không chú ý vào những điều bản thân đang làm hoặc được giao phó. Đó có thể là sự dửng dưng về những hiện tượng đời sống xung quanh, thậm chí là với chính cả bản thân mình. Ngược lại, ước mơ lại chính là những mong muốn, khát khao và hoài bão tốt đẹp mà con người hướng tới trong tương lai. Mỗi cá thể đều mang trong mình những ước mơ riêng, có thể là ước mơ về tình yêu, về một công việc hay giản dị là muốn được trở về nhà sau những mùa giông bão. Như vậy tựu chung lại, có thể thấy việc thờ ơ, thiếu trách nhiệm đối với ước mơ của mình là một cách sống tiêu cực, thể hiện sự không đoái hoài, quan tâm đến những khát vọng, mong ước của bản thân mình. Ai trong cuộc đời cũng đều mang trong mình những ước mơ, vậy nên mỗi chúng ta cần có thái độ trân trọng, có trách nhiệm và cố gắng hết mình để đạt được ước mơ đó.

Trong xã hội ngày nay, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm đối với ước mơ của mình đang là một vấn đề đặt ra không chỉ đối với các bạn trẻ, mà còn với xã hội, cộng đồng. Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến việc một bộ phận giới trẻ ngày nay thờ ơ, thiếu trách nhiệm và quyết tâm để đạt được ước mơ của mình. Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ việc các bạn trẻ ngày nay đang ngày càng thiếu đi định hướng, mịt mờ và không rõ về tương lai của bản thân. Họ không xác định được rõ các mục tiêu và con đường để thực hiện ước mơ của mình. Chính vì không có định hướng tương lai, họ càng dễ mắc vào những cám dỗ xung quanh của xã hội. Việc dành quá nhiều thời gian cho những việc vô bổ, những thú vui tiêu khiển, không mang lại lợi ích gì sẽ khiến các bạn bỏ quên đi những hoài bão, ước mơ, khiến chúng sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Trái lại với những người không xác định được ước mơ, ham muốn của bản thân, một bộ phận các bạn trẻ có ước mơ nhưng lại rụt rè, sợ hãi. Họ mang trong mình tâm lý e ngại, e dè trước những thử thách, khó khăn. Chính vì nỗi sợ thất bại quá lớn nên đã “nuốt chửng” đi những ước mơ, khiến những người tâm lý yếu, rụt rè phải bỏ lại đằng sau những ước mơ còn đang ấp ủ. Không chỉ xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan, những yếu tố khách quan đến từ gia đình và xã hội cũng là những nhân tố gây nên “căn bệnh” này. Việc thiếu đi sự hỗ trợ, sát sao từ gia đình và xã hội đối với các bạn trẻ đã khiến các bạn nhụt chí trong việc theo đuổi những ước mơ của mình. Không nhận được sự ủng hộ, trái lại còn gặp phải nhiều định kiến đến từ gia đình, bạn bè, thầy cô, khiến những đứa trẻ dần trở nên thờ ơ, thiếu trách nhiệm với những ước mơ mà chúng đã từng hằng mong muốn. Ví như hiện nay, còn rất nhiều phụ huynh có định kiến về việc cho con học những ngành nghề nghệ thuật - nghề mà ngày xưa được gọi là “xướng ca vô loài”. Vậy nên họ không ủng hộ con cái trong việc theo đuổi những ước mơ đó, khiến cho những bạn trẻ phải buông bỏ, gạt đi ước mơ còn dang dở hoặc lựa chọn cách thờ ơ với chính những ước mơ của mình.

Là một “căn bệnh” đang lan tràn trong xã hội, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm với ước mơ đã để lại hậu quả không nhỏ cho chính những người mắc phải, đặc biệt là với thế hệ trẻ - những người làm chủ tương lai đất nước sau này. Thật vậy, đối với bản thân, việc thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước những ước mơ sẽ làm ta mất đi giá trị, ý nghĩa của cuộc sống. Sự thiếu trách nhiệm, thờ ơ với những khát vọng, hoài bão, ước mơ sẽ khiến ta luôn trong tình trạng bất cần, sống một đời vô nghĩa. Đó là một cuộc sống tạm bợ, lay lắt, mông lung và vô định trước tương lai của chính bản thân mình. Bởi ước mơ cũng chính là những mục tiêu phấn đấu, là kim chỉ nam dẫn đường, là cánh cửa dẫn đến hạnh phúc. Vậy nên, thờ ơ, vô cảm với ước mơ của bản thân cũng chính là đang tự mình đóng lại ánh sáng và hi vọng hướng tới tương lai. Nó cũng là nguyên nhân khiến các bạn trẻ không có động lực để phát triển bản thân, mãi dậm chân tại một chỗ và dễ dàng bị tụt hậu với thế giới bên ngoài. Đồng nghĩa với điều đó là việc họ cũng mất đi cơ hội để chứng minh cho người khác thấy được giá trị của bản thân mình. Bởi ước mơ cũng giống như những vì sao, ta có thể không bao giờ chạm tay tới, nhưng nếu đi theo chúng, chúng sẽ dẫn ta đến vận mệnh mình thuộc về. Vậy nên, nếu ta mãi luôn thờ ơ và mơ tưởng, không chịu hiện thực hóa ước mơ, thì chúng mãi mãi sẽ chỉ là mơ ước. Từ những điều trên có thể thấy được, những người thờ ơ, thiếu trách nhiệm với ước mơ của mình sẽ không thể đạt được thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Chắc hẳn mỗi chúng ta đều biết tới Andersen, nhưng liệu trong chúng ta ai biết được rằng ông được sinh ra trong một gia đình nghèo khó với ngoại hình xấu xí và thường xuyên bị trêu chọc. Vượt qua tất cả, với ước mơ trở thành nghệ sĩ, cùng nghị lực và đam mê nghệ thuật, giờ đây những câu truyện cổ tích của ông đã in sâu trong tâm trí độc giả, thắp lên những ước mơ và mang lại cho trẻ thơ niềm hạnh phúc. Thử hỏi, nếu ông lựa chọn việc thờ ơ, từ bỏ những ước mơ, liệu ông có thể thoát ra khỏi cảnh nghèo túng, liệu các tác phẩm của ông có còn in dấu ấn trong lòng bạn đọc đến tận bây giờ?

Sự thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm với những ước mơ của bản thân không chỉ gây ra hậu quả cho chính những “nạn nhân” đang mắc phải, “chứng bệnh” đó còn gây ra những tác động xấu và tiêu cực đến xã hội, cộng đồng. Mỗi cá nhân là một tế bào hình thành nên xã hội. Hơn nữa, thế hệ trẻ hôm nay là tương lai của đất nước sau này. Bởi vậy, việc một số bạn trẻ thờ ơ, thiếu trách nhiệm với ước mơ của bản thân sẽ làm cho đất nước trong tương lai đi xuống. Trong bối cảnh hiện nay, khi nước ta đang vươn mình trên trường quốc tế, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm với ước mơ và tương lai của chính mình ở các bạn trẻ sẽ làm kìm hãm sự phát triển và đặt thêm nhiều gánh nặng xã hội hơn. Đặc biệt, việc một bộ phận người trẻ hiện nay thờ ơ, thiếu trách nhiệm với ước mơ của bản thân sẽ dẫn đến việc sinh ra một thế hệ bất cần, không có trí sáng tạo, tiến thủ. Khi đó, xã hội sẽ thiếu nguồn cung lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đời sống, sinh hoạt, gây cản trở sự phát triển chung của cộng đồng. Bên cạnh đó, vì việc thờ ơ với ước mơ của chính mình, một số người không có mục tiêu cố gắng sẽ dẫn đến việc ăn chơi, xa đà vào các tệ nạn. Thay vì dành thời gian để theo đuổi đam mê và những ước mơ, họ dễ dàng bị cám dỗ bởi trước những cạm bẫy của những “thú vui dân chơi”, những thói hư tật xấu. Điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy, ảnh hưởng xấu, tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội hiện giờ. Nhìn vào Nhật Bản, có thể thấy, thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi của nước này chỉ ra rằng: trong những năm gần đây, tỷ lệ giới trẻ Nhật Bản “ham muốn thấp”, không có lý tưởng, thờ ơ với ước mơ và tương lai của chính mình đang ngày càng gia tăng. Họ là những người trốn tránh xã hội, sống với những điều kiện vừa đủ để tồn tại, không quan tâm đến thế giới bên ngoài. Điều này đang đặt ra một gánh nặng lớn cho xã hội Nhật Bản, trở thành một trào lưu tiêu cực, kìm hãm sự phát triển, nhất là khi quốc gia này cũng đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và mức độ già hóa ngày một tăng cao.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện tại, một số người cho rằng không phải ai cũng cần có ước mơ, họ chỉ cần sống bình yên và ổn định là đủ. Thế nhưng liệu nó có thể xảy ra không khi cuộc sống luôn vận động không ngừng, và ta thì luôn phải chạy theo guồng quay đó. Bình yên và sự ổn định không phải là những thứ cho không, sẵn có, mà ta cần phải làm việc, phải cố gắng, nỗ lực, có ước mơ để đạt được nó sau này. Bởi ước mơ là động lực thúc đẩy con người phát triển, hoàn thiện bản thân và cống hiến, làm nên những điều tốt đẹp cho bản thân, xã hội và cộng đồng. Khi có ước mơ và dám theo đuổi ước mơ, nghĩa là ta đang cố gắng để đạt được những giá trị sống, lý tưởng sống mà mình đang hướng tới. Con người sống mà không có ước mơ thì chỉ đang tồn tại như một cỗ máy được tự động, lập trình hóa, họ không thực sự “sống” với cuộc đời. Một cuộc đời đáng sống là một cuộc đời có những hoài bão và ước mơ, có những trải nghiệm và xác định được những mục tiêu đúng đắn và có ích.

Không ai đánh thuế ước mơ, vậy nên bất kể ai trong chúng ta cũng có quyền được mơ ước, nó chính là con đường dẫn ta tới bến bờ của sự hạnh phúc và thành công. Vậy nên, mỗi người chúng ta, từ cá nhân, gia đình sẽ xã hội cần chung tay giáo dục nhằm nâng cao vai trò, tầm quan trọng của những ước mơ đối với thế hệ thanh thiếu niên. Để hiện thực hóa ước mơ cần cả một quá trình dài nung nấu, ấp ủ và thực hiện. Vì vậy, chúng ta hãy luôn tạo điều kiện và cơ hội để mỗi người, đặc biệt các bạn trẻ hiện nay tự tin vào bản thân, tin tưởng vào khả năng của chính mình và có ý chí quyết tâm thực hiện ước mơ. Nhưng có ước mơ và quyết tâm thôi là chưa đủ. Ước mơ phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể, bằng ý chí, nghị lực và quyết tâm. Nếu có ước mơ nhưng ta luôn thờ ơ, không có trách nhiệm trong việc hiện thực nó thì đó sẽ mãi chỉ là hão huyền, mơ tưởng. Vậy nên, để đạt được ước mơ và tránh việc rơi vào trì trệ, chán nản, bỏ cuộc, mỗi người cần lập kế hoạch cụ thể và hành động ngay lập tức, đồng thời kiên trì, nỗ lực và không ngừng học hỏi. Đồng thời, chúng ta cũng hãy luôn nhớ một điều rằng, ước mơ cũng có thể được sẻ chia. Việc bạn chia sẻ ước mơ với gia đình, bạn bè và những người có cùng đam mê sẽ giúp bạn nhận được lời khuyên, sự hỗ trợ, động viên, và đồng hành để biến ước mơ thành hiện thực. Cùng với đó, đối với những người còn đang thờ ơ, thiếu trách nhiệm với ước mơ và tương lai của mình, mỗi người cần phải biết khuyên răn, cảm hóa, giúp họ nhận thức ra để thay đổi và sống lại một cuộc đời ý nghĩa.

Ước mơ làm cho con người chúng ta trở nên vĩ đại. Ước mơ thôi thúc chúng ta cố gắng, tiếp thêm sức mạnh vươn lên trong cuộc sống để biến nó thành hiện thực. Bởi vậy, ngay khi là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường, tôi vẫn luôn mang trong mình những hoài bão, ước mơ. Dù có là những ước mơ lớn lao, hay giản dị, thì tôi vẫn luôn tin vào những ước mơ, “vì bên trong chúng ẩn chứa cánh cổng vào cõi vĩnh hằng” (Kahil Gibran).

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 375
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm