(4 mẫu) Viết đoạn văn nói về chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương

Chi tiết cái bóng trong chuyện người con gái Nam Xương - Có thể nói trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, chi tiết cái bóng chính là nguyên nhân gây ra nỗi oan khuất của Vũ Nương những cũng chính là nút thắt quan trọng để gỡ bỏ nỗi oan khuất cho nàng. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ một số đoạn văn nói về chi tiết cái bóng trong chuyện người con gái nam xương hay và chi tiết giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ý nghĩa của chi tiết chiếc bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương.

Viết kết nối với đọc bài Chuyện người con gái Nam Xương

1. Viết kết nối với đọc bài Chuyện người con gái Nam Xương

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 7-9 câu) trình bày suy nghĩ của em về chi tiết “cái bóng” trong truyện.

Trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, có thể nói chi tiết cái bóng là một hình ảnh vô cùng đắt giá. Hình ảnh cái bóng vừa giả mà lại thực. Bóng thì luôn luôn không phải là thực những  những giá trị nó mang đến thì lại là thực. Thứ nhất, hình ảnh chiếc bóng giúp tạo ra một người cha vô hình cho bé Đản, cũng là chỗ dựa tinh thần cho Vũ Nương trong những ngày tháng 1 mình nuôi con khi chồng đi lính. Thứ hai, hình ảnh cái bóng cũng nói lên nỗi khổ của Vũ Nương nói riêng cũng như những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung. Chiếc bóng như là hiện thân của nỗi cô đơn của người phụ nữ thiếu vắng chồng. Đó cũng là hiện thực đau khổ mà chiến tranh đã mang đến cho những gia đình phải li tán. Thứ 3, chiếc bóng cũng chính là nút thắt quan trọng khiến cho Vũ Nương phải mang nỗi hàm oan do sự ghen tuông vô lí của người chồng. Có thể nói nói, hình ảnh chiếc bóng là một trong những yếu tố nghệ thuật vô cùng đặc sắc mà tác giả đã khéo léo lồng ghép vào trong tác phẩm.

2. Đoạn văn về chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 1

Cái bóng là 1 chi tiết nghệ thuật sáng tạo, độc đáo, giàu ý nghĩa. Chi tiết này xuất hiện từ đầu tác phẩm có tác dụng thắt nút câu chuyện( đẩy các mâu thuẫn đến đỉnh điểm). cái bóng xuất hiện trong lời nói đùa của Vũ Nương khi nói với người con. Những ngày xa cách, béĐản luôn hỏi về bố, Vũ Nương chỉ cái bóng mình trên vách và nói với con đó là cha Đản. trong những ngày tháng xa chồng, nàg luôn nghĩ về người chồng yêu dấu, trong suy nghĩ của nàng, chồng luôn ở bên cạnh, vợ chồng như hình với bóng. vậy mà không ngờ 1 lời nói đùa trong thương nhớ laị trở thành sợi dây vô tình, oan nghiệt thắt chặt cuộc đời nàng. Chi tiết cái bóng không chỉ có tác dụng thắt nút câu chuyện, mà đièu thú vị là cũng chính câu chuyện này lại mở nút câu chuyện.Vũ Nương đc giải oan cũng như hình tượng cái bóng:1 đếm phòng không vắng vẻ, bé đản chỉ bóng cha mình trên vách nói rằng cha đản lại dến.Trương Sinh bây h mớ ngộ tỉnh ra, thấu hiểu nỗi oan của vợ, mâu thuẫn câu chuyện đã được giải quyết. có thể nói rằng: cái bóng là 1 hình tượng nghệ thuật đạt tới sự hoàn chỉnh, là sự tập trung, khái quát hoá, hình tượng hoá sự hiểu lầm vô tình hya lưỡng ý của trương sinh. chi tiết này tạo nên sự bất ngờ cho câu chuyện. nó góp fần làm nên thành công trong việc xây dựng tình huống truyện trong việc bộc lộ nội dung chủ đề của tác phẩm.

3. Đoạn văn về chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 2

Ngoài những chi tiết kì ảo, chi tiết cái bóng trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của nhà văn Nguyễn Dữ cũng là một trong những chi tiết đặc sắc tạo nên thành công cho tác phẩm. Cái bóng là nguyên nhân gây ra mọi bi kịch song cũng là chi tiết hóa giải mọi hiểu lầm. Khi chồng vắng nhà, để con không cảm thấy thiếu vắng tình thương của cha, Vũ Nương cùng con trai chơi trò "trỏ bóng" trên vách. Nàng thường "hay đùa con, trỏ bóng mình mà bảo là cha Đản". Thế nhưng Vũ Nương đâu biết rằng chính cái bóng đó lại gây nên sóng gió cho gia đình nàng, gây nên mối bi kịch đau đớn cho cuộc đời nàng. Cái bóng khiến chồng nàng "đinh ninh là vợ hư thân" mà không tiếc lời mắng nhiếc, "đánh đuổi" nàng đi mặc cho nàng biện bạch trong nước mắt. Nó cũng chính là nguyên do khiến nàng phải "gieo mình xuống sông mà chết" để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Cái bóng đó là nút thắt trong câu chuyện nhưng nó cũng là chi tiết mở nút giúp Vũ Nương giải oan. Khi Trương Sinh ngồi cùng con, bé Đản đã "trỏ vào bóng chàng trên vách" mà bảo rằng: "Cha Đản lại đến kia kìa!". Lúc bấy giờ, chàng mới hiểu ra "thấu nỗi oan của vợ". Chi tiết cái bóng đã đẩy sự kịch tính của câu chuyện lên cao, khiến người đọc hiểu rõ về tính đa nghi, ghen tuông mù quáng của Trương Sinh, hiểu về nỗi đau của Vũ Nương khi bị chồng ngờ vực. Việc sử dụng chi tiết cái bóng- một chi tiết mờ nhạt nhưng lại gây nên bi kịch to lớn cho người phụ nữ, Nguyễn Dữ muốn tố cáo xã hội bất công, "nam quyền" dồn ép những người phụ nữ truyền thống tới đường cùng. Và qua đó, ông cũng bày tỏ sự thương cảm đối với số phận bi kịch của những người phụ nữ trong xã hội xưa.

4. Đoạn văn về chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương - mẫu 3

Chiếc bóng được coi là chi tiết đặc sắc nhất trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ. Chi tiết này được mở ra khi nàng Vũ Nương có chồng đi lính xa nhà, chơi cùng con nhỏ, nàng "hay đùa con", "trỏ bóng mình trên vách mà bảo là cha Đản". Hành động đó xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến của một người mẹ hiền lo con trai thiếu vắng tình thương của cha những năm tháng đầu đời. Đó là hành động vô cùng cao đẹp, một lời nói đói hết sức ý nghĩa. Với bé Đản cũng vậy, cái bóng trên vách mẹ em vẫn chỉ là người cha em vẫn hay nhắc tới, là đại diện cho người cha lúc nào cũng ở bên mẹ con em, che chở cho em. Thế nhưng chính cái bóng ấy lại là nguồn cơn gây nên bi kịch đau đớn cho Vũ Nương, khiến nàng phải dùng cái chết để minh chứng cho sự trong sạch của mình. Khi Trương Sinh - chồng nàng trở về nhà, nghe lời con trai rằng đêm nào cũng có một người đàn ông tới "mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cùng ngồi", vốn tình ghen tuông, đa nghi, chàng đã một mực "đinh ninh là vợ hư" nên đã "mắng nhiếc, đánh đuổi" Vũ Nương đi mặc cho nàng biện bạch, giải thích. Đến khi nàng "gieo mình xuống sông mà chết", chàng vẫn luôn giữ lòng mối nghi ngờ đó. Và một lần nữa, chi tiết cái bóng lại xuất hiện, trở thành nút mở hoá giải mọi ân oán, nghi ngờ. Đó là khi chàng cùng con ngồi trong phòng vắng, "dưới ngọn đèn khuya", đứa con lại ngây ngô "chỉ bóng chàng trên vách mà bảo rằng: Cha Đản lại đến kia kìa". Bấy giờ chàng mới "thấu nỗi oan của vợ". Thông qua chi tiết cái bóng, Nguyễn Dữ đã chỉ ra một xã hội nam quyền, "trọng nam khinh nữ", chỉ vì một sự việc không rõ ràng mà tạo nên bi kịch cho người phụ nữ. Ông lên tiếng đanh thép tố cáo xã hội ấy và tỏ lòng thương cảm tới số phận của những người phụ nữ đau khổ như Vũ Nương.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 9 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
49 32.629
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm