(Ngắn nhất) Soạn bài Dế chọi

Soạn bài Dế chọi (Bồ Tùng Linh)

Văn bản Dế chọi thuộc thể loại truyện dân gian của tác giả Bồ Tùng Linh. Tác phẩm Dế chọi hiện được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 9 tập 1 Kết nối tri thức. Sau đây là gợi ý soạn bài Dế chọi ngắn gọn, mời các em cùng tham khảo.

1. Dế chọi tác giả tác phẩm

Tác giả

- Bồ Tùng Linh (1640 - 1715) là nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Thanh.

- Ông để lại một khối lượng lớn tác phẩm thuộc nhiểu thể loại, trong đó tiêu biểu nhất là Liêu Trai chí dị.

- Năm 1980, ông được thế giới kỉ niệm như một Danh nhân văn hoá.

Tác phẩm

1. Thể loại

- Văn bản Dế chọi thuộc thể loại truyện dân gian.

2. Xuất xứ

- “Dế chọi” thuộc tác phẩm “Liêu Trai chí dị”, Cao Tự Thanh dịch, NXB Văn hóa – văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2023, tr394 – 397)

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.

4. Bố cục đoạn trích

- Phần 1 (từ đầu đến…việc tự tử): tình cảnh ngang trái của Thành sau khi trượt khoa thi Đồng Tử.

- Phần 2 (tiếp theo đến…bỏ vào lồng): Con dế của Thành và chuỗi sự việc liên quan tới: con Thành chết, dế mất, hồn con Thành hóa thân vào con dế chọi.

- Phần 3 (đoạn còn lại): nhờ dế chọi mà gia đình Thành đổi đời.

5. Giá trị nội dung

- Dế chọi thuộc loại truyện đả kích chế độ chính trị tàn bạo, vạch mặt bọn quan lại tham nhũng, cường hào ác bá, đồng thời bày tỏ sự cảm thông đối với những con người “bé nhỏ” bị chà đạp, hãm hại. Qua đó, truyện thể hiện tinh thần phê phán chế độ chính trị tàn bạo đương thời.

6. Giá trị nghệ thuật

- Câu chuyện mang nhiều yếu tố hoang đường, một đặc trưng nổi bật trong bút pháp nghệ thuật của tập truyện. Câu chuyện đã tái hiện một mảng hiện thực đen tối của xã hội, vì thế truyện có giá trị hiện thực sâu sắc.

2. Sơ đồ tư duy bài Dế chọi

Sơ đồ tư duy bài Dế chọi

3. Trước khi đọc bài Dế chọi

Em đã chơi hay quan sát trò chọi dế bao giờ chưa? Em hiểu gì về trò chơi này?

- Em đã từng được tham gia trò chọi dế khi về quê thăm ông bà.

- Thông tin về trò chơi:Trong trận đấu sẽ có 2 con dế đấu với nhau. Khi cửa lồng được mở lên, hai con dế trông thấy nhau, một trong hai con dế sẽ xông sang chuồng bên, hiếm khi chúng đánh nhau ngay, nếu có thì cũng là những con dế mới được chủ cho chọi thử. Những con dế đã quen thi đấu hay tạo dáng để ra oai, con thì lặng lẽ vuốt râu để dò xét, con thì rung cánh gáy lên một tràng ròn rã. Trong khi chọi, mỗi con có một chiêu thức riêng biệt. Sở trường của dế lúc đánh nhau là tận dụng cặp răng sắc và đôi càng khoẻ bám đầy gai nhọn hoắt. Có con lúc đầu lầm lì, chỉ né tránh rồi quay càng đá mạnh vào phần giữa đầu và vai làm gãy cổ. Có con, vừa vào trận đã tấn công dữ dội để nhanh chóng cắn thủng bụng.

Em suy nghĩ thế nào về hậu quả của việc một ông vua lại mê chơi trò chọi dế?

Hậu quả của việc một ông vua lại mê chơi trò chọi dế: có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực đối với nhà vua, nhân dân và đất nước. Là một nhà vua cần lo lắng rất nhiều việc liên quan đến cả vận mệnh đất nước. Nếu quá mê chơi trò chọi dế khiến cho việc triều chính sẽ bị bỏ bê, kinh tế đi xuống, nền độc lập yên bình dân tộc không được đảm bảo.Khi vua mê chơi dế, các quan lại sẽ học tập đua đòi theo và tìm mọi cách cống nạp con quý để lấy lòng, người dân sẽ phải chịu khổ, bo bê ruộng vườn để đi tìm thú vui này cho quan cống cho vua.

4. Đọc văn bản Dế chọi

1. Thời gian, không gian và sự việc liên quan đến nhan đề của truyện.

- Thời gian: đời Tuyên Đức nhà Minh

- Không gian: trong cung.

2. Hoàn cảnh của nhân vật chính trong truyện.

- Trong huyện có Thành đã dự khoa Đồng tử nhưng lâu không thi đỗ, tính chất phác nên bị bọn lí dịch gian giảo ép làm chức lí chính, tìm đủ cách chối từ mà không được, chưa đầy một năm thì chút ít gia sản đã cạn kiệt.

3. Bà đồng bói toán có liên quan đến những sự việc nào trong truyện?

- Liên quan đến sự việc chỉ địa điểm để đi tìm dế chọi.

4. Điều gì xảy ra sau khi con Thành sống lại nhưng “thần thái ngây ngốc như người gỗ, cứ ngủ mê mệt”?

- Dự đoán là hồn của con Thành đã nhập vào chú dế, nên khi con Thành sống lại nhưng “thần thái ngây ngốc như người gỗ, cứ ngủ mê mệt”.

5. Con dế mới bắt được có gì kì lạ?

- Vừa nhỏ, vừa ngắn mà màu tía.

- Hình dáng như con chó, cánh hoa mai, đầu vuông chân dài.

6. Điều em dự đoán ở trên có chính xác không?

- Điều em dự đoán bên trên hoàn toàn chính xác.

5. Trả lời câu hỏi bài Dế chọi

Câu 1. Nêu các sự kiện tạo nên cốt truyện và nhận xét ngắn gọn về không gian, thời gian, nhân vật chính trong truyện

- Sự kiện tạo nên cốt truyện là việc nhà vua thích chơi chọi dế.

- Không gian trong truyện cụ thể và xác thực: ngôi nhà của Thành, điện thờ của bà đồng gù làm nghề bói toán, ngôi chùa có mộ cổ mà Thành đi tìm dế, thôn nhỏ nơi Thành sinh sống, huyện Hoa Âm, tỉnh Thiểm Tây,...

- Thời gian trong truyện là thời gian sinh hoạt đời thường của con người: con trai của Thành biến thành dế chỉ “hơn một năm” và cũng chỉ “không quá vài năm”, nhờ được trọng thưởng và nâng đỡ, nhà Thành có cơ ngơi bề thế, giàu sang phú quý.

Toàn bộ câu chuyện diễn ra trong thời điểm xác định của lịch sử (đời Tuyên Đức nhà Minh).

Câu 2.Vì dế chọi mà gia đình Thành lâm vào cảnh ngộ như thế nào? Cũng nhờ dế chọi mà sau đó gia đình Thành được hưởng những gì? Phân tích ý nghĩa của sự đối lập giữa hai tình huống

a. Vì dế mà gia đình Thành phải chịu cảnh khốn khổ

- Thành bị ép giữ chức lí chính, chưa đầy một năm thì gia sản cạn kiệt.

- Gặp kì nộp dế, Thành lo buồn chỉ muốn chết.

- Không tìm được dế chọi đủ tiêu chuẩn, Thành bị đánh đập tàn tệ đến mức muốn tự tử; vợ Thành phải tìm đến bói toán để cầu mong bắt được dế.

- Con trai nhỏ của Thành vì lỡ làm dế chết, bỏ trốn, rơi xuống giếng khiến cha mẹ xót xa, đau đớn...

b. Nhờ dế chọi, gia đình Thành trở nên giàu sang, phú quý

- Tri huyện cho Thành miễn sai dịch, lấy đỗ tú tài.

- Hơn năm sau, quan tỉnh lại trọng thưởng.

- Không quá vài năm, nhà Thành ruộng vườn trăm khoảnh, lầu gác nguy nga, giàu sang hơn cả các nhà thế gia.

Ý nghĩa: Hai tình huống đối lập hết sức phi lí mà nguyên nhân chỉ ở một con dế nhỏ. Hoá ra, con người khổ đau, bất hạnh hay sung sướng, hạnh phúc lại phụ thuộc vào điều hết sức nhỏ nhoi. Qua nghịch lí đó, nhà văn phê phán mạnh mẽ sự vô lối, tuỳ tiện của những kẻ cầm quyền và sự mong manh, bất trắc, phúc hoạ khôn lường của những người dân dưới chế độ đó.

Câu 3. Truyện có những yếu tố kì ảo nào? Các yếu tố kì ảo đó có ý nghĩa, vai trò gì trong truyện?

Hai sự việc mang tính chất kì ảo:

- Mảnh giấy do bà đồng gù ném ra sau khi vợ Thành xin bói. Những hình vẽ trên mảnh giấy là sự chỉ dẫn kì lạ giúp Thành bắt được con dế quý.

- Sau khi làm chết con dế quý của cha, đứa con trai 9 tuổi của Thành đã hoá thân thành con dế, tuy nhỏ, nhưng có thể thắng bất cứ con dế nào.

Ý nghĩa của yếu tố kì ảo: giúp tháo gỡ bế tắc của nhân vật, đẩy câu chuyện phát triển theo chủ ý sáng tạo của tác giả; khiến câu chuyện thêm li kì, hấp dẫn.

Câu 4. Tính chất hiện thực của truyện được thể hiện qua những chi tiết sự việc nào? Em có suy nghĩ gì về thái độ của tác giả khi miêu tả hiện thực đó.

- Câu chuyện xảy ra với thời gian xác định (đời Tuyên Đức nhà Minh); địa danh cụ thể (huyện Hoa Âm, tỉnh Thiểm Tây); vị thế và cách hành xử của các nhân vật phản ánh đúng bản chất quan hệ xã hội thời phong kiến.

- Thái độ của tác giả: phê phán nghiêm khắc đối với hiện thực xã hội đương thời. Lời bình đã thể hiện sự mỉa mai, châm biếm sâu sắc của nhà văn.

Câu 5. Phân tích lời người kể trong đoạn văn từ “Thành giở đi giở lại” đến “kì hạn nộp quan”.

- Đoạn văn này nói về việc sau khi được bà đồng chỉ lối, Thành đã đi tìm con dế và tìm được con dế trông rất to khỏe. Trong đoạn này, người kể chuyện như nhập vai vào nhân vật Thành để miêu tả kĩ từng suy nghĩ hành động của nhân vật Thành khi đi bắt dế đến lúc bắt được con dế đúng ý thì nâng niu chăm sóc chu đáo.

-> Làm cho đoạn văn thêm chi tiết cụ thể, sống động người đọc như đang được chứng kiến trực tiếp khung cảnh Thành bắt được dế này vậy.

Câu 6. Những đặc điểm nào của truyện truyền kì được thể hiện trong truyện Dế chọi?

Đặc điểm của truyện truyền kì được thể hiện trong tác phẩm: cốt truyện được tổ chức theo trật tự tuyến tính, có sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực và yếu tố kì ảo.

6. Viết kết nối với đọc bài Dế chọi

Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) nêu nhận xét của em về tính chất kì ảo của truyện Dế chọi.

Viết kết nối với đọc bài Dế chọi

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.141
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm