(4 đề có đáp án) Đọc hiểu Chinh phụ ngâm khúc

Chinh phụ ngâm là tác phẩm được viết bằng chữ Hán, do tác giả Đặng Trần Côn sáng tác vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII. Có rất nhiều bản dịch thơ của Chinh phụ ngâm nhưng bản dịch của Đoàn Thị Điểm được coi là hoàn hảo hơn cả, thể hiện thành công lẫn trị nội dung và nghệ thuật của nguyên tác. Sau đây là tổng hợp đề đọc hiểu văn bản Chinh phụ ngâm khúc có đáp án sẽ giúp các em hiểu rõ hơn khi đọc tác phẩm.

Đọc hiểu Chinh phụ ngâm

Đọc hiểu Chinh phụ ngâm - đề 1

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Một năm một nhạt mùi son phấn,
Trượng phu còn thơ thẩn miền khơi.
Xưa sao hình ảnh chẳng rời?
Giờ sao nỡ để cách vời Sâm, Thương?
Chàng ruổi ngựa, dặm trường mây phủ,
Thiếp dạo hài, lối cũ rêu in.
Gió Xuân ngày một vắng tin,
Khá thương lỡ hết mấy phen lương thì.

(Trích Chinh phụ ngâm khúc, Đặng Trần Côn, "Chinh phụ ngâm khúc" và hai bản dịch Nôm, NXB Văn học, 2011, tr. 68)

Chú thích: *Sâm, Thương: Tên hai chòm sao trong Nhị thập bát tú. Chòm Sâm thuộc phương Tây, chòm Thương thuộc phương Đông. Hai chòm này ở vào hai vị trí đối nhau trên vòm trời, thường được nhắc tới trong văn thơ cổ, chỉ sự vĩnh viễn cách xa.

Trả lời câu hỏi:

Câu 1. Xác định thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Đoạn thơ trên biểu đạt tâm trạng, cảm xúc của nhân vật nào, trong hoàn cảnh nào?

Câu 3. Nêu tác dụng của hình ảnh biểu tượng trong câu thơ thứ 4.

Câu 4. Nêu hiệu quả của biện pháp nghệ thuật đối trong hai câu thơ sau:

Xưa sao hình ảnh chẳng rời?
Giờ sao nỡ để cách vời Sâm, Thương?

Câu 5. Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích.

Gợi ý 

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

Câu 2. Đoạn thơ trên biểu đạt tâm trạng của người chinh phụ, trong hoàn cảnh chờ chồng đi chinh chiến chưa về.

Câu 3. Những hình ảnh biểu tượng: Sao Thương, sao Sâm vừa tạo ấn tượng về sự xa cách vời vợi giữa chinh phu- chinh phụ - sự xa cách trải rộng trong không gian vũ trụ; vừa tạo tính hình tượng và sự hàm súc cho lời thơ.

Câu 4.

Xưa sao hình ảnh chẳng rời?

Giờ sao nỡ để cách vời Sâm, Thương?

Biện pháp nghệ thuật đối: Xưa - giờ; chẳng rời - cách vời.

Tác dụng:

- Nhấn mạnh sự đối lập giữa quá khứ hạnh phúc với hiện tại cô đơn, cách trở; biểu đạt sự cô đơn, nhớ nhung của người chinh phụ; thể hiện niềm đồng cảm của nhà thơ trước tình cảnh cô đơn, khát khao hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn của con người; lên tiếng tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa.

- Tạo giọng điệu da diết, khắc khoải cho lời thơ, làm cho lời thơ sinh động hấp dẫn, tăng hiệu quả diễn đạt.

Câu 5.

- Tâm trạng của chủ thể trữ tình trong đoạn trích: Cô đơn, sầu muộn, nhớ thương chồng, mong ước tái hợp.

- Trạng thái tâm trạng đó không phải ngày một, ngày hai, mà da diết, triền miên. Tâm trạng ấy xuất phát từ khát khao hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt của người chinh phụ. Từ tâm trạng ấy, người đọc còn cảm nhận được tư tưởng nhân đạo của tác phẩm: Tấm lòng đồng cảm của nhà thơ với cảnh ngộ, khát khao của nhân vật.

Đọc hiểu Chinh phụ ngâm - đề 2

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn,
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền.
Nước có chảy mà phiền chẳng rửa
Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây.
Nhủ rồi tay lại cầm tay,
Bước đi một bước giây giây lại dừng.

(Trích Chinh phụ ngâm khúc, Đặng Trần Côn, Bản dịch: Đoàn Thị Điểm)​

Trả lời câu hỏi:

Câu 1. Xác định thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Xác định nhân vật trữ tình trong đoạn trích.

Câu 3. Đoạn trích miêu tả sự việc gì?

Câu 4. Chỉ ra những từ ngữ miêu tả thiên nhiên trong đoạn trích, qua đó em cảm nhận được bức tranh thiên nhiên đó như thế nào?

Câu 5. Chỉ ra những từ ngữ miêu tả tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích? Theo em, từ "dặc dặc buồn" có giá trị biểu đạt như thế nào?

Câu 6. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ sử dụng trong hai câu thơ sau:

Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.

Câu 7. Anh/Chị hiểu như thế nào về nội dung hai câu thơ sau?

Nước có chảy mà phiền chẳng rửa,
Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây.

Câu 8. Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích.

Câu 9. Nhận xét về giọng điệu của đoạn thơ trên? Theo em, thể thơ có tác dụng như thế nào trong việc biểu đạt giọng điệu của bài thơ?

Câu 10. Miêu tả cảnh chia tay giữa Thúy Kiều và Từ Hải, Nguyễn Du viết: "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong" và "Quyết lời dứt áo ra đi", còn trong đoạn thơ trên, tác giả viết: "Nhủ rồi tay lại cầm tay - Bước đi một bước giây giây lại dừng." Theo anh/chị, điểm khác biệt trong trạng thái cảm xúc của các nhân vật trong hai cảnh chia tay trên là gì? Thử lí giải vì sao lại có sự khác biệt ấy?

Gợi ý 

Câu 1.

Thể thơ: song thất lục bát

Phong cách ngôn ngữ: nghệ thuật

Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

Câu 2. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích: Người chinh phụ

Câu 3. Đoạn trích miêu tả cuộc chia tay giữa chinh phu – chinh phụ.

Câu 4. Những từ ngữ miêu tả thiên nhiên trong đoạn trích: nước trong như lọc, cỏ mọc còn non, nước (có) chảy, cỏ (có) thơm. Qua đó, hiện lên bức tranh thiên nhiên đẹp, tươi sáng, đầy sức sống.

Câu 5. Những từ ngữ miêu tả tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích: buồn, phiền, dạ chẳng khuây.

Cụm từ "dặc dặc buồn" biểu đạt nỗi buồn dai dẳng, không nguôi, cứ kéo dài, kéo dài mãi...

Câu 6.

Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.

- Biện pháp tu từ: so sánh

- Tác dụng:

+ Tạo ấn tượng về vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên: xanh tươi, đầy sức sống;

+ Làm cho câu thơ thêm sinh động, hấp dẫn, giàu tính nghệ thuật.

Câu 7.

Nước có chảy mà phiền chẳng rửa,
Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây.

Hai câu thơ trên có thể hiểu: Trong thời khắc chia ly, mặc dù những cảnh vật thiên nhiên xung quanh tươi đẹp, đầy sức sống nhưng không thể nào xua đi được nỗi phiền muộn trong lòng người.

=> Tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa; thể hiện lòng cảm thông của tác giả.

Câu 8. Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn trích:

Trong buổi chia tay người chồng đi chinh chiến, trong lòng người chinh phụ ngổn ngang bao trạng thái cảm xúc:

- Nỗi buồn sầu, phiền muộn vì phải chia xa người chồng đầu gối, tay ấp (dặc dặc buồn, phiền chẳng rửa, dạ chẳng khuây)

- Bịn rịn, lưu luyến không nỡ chia lìa (Nhủ rồi tay lại cầm tay - Bước đi một bước giây giây lại dừng)

Câu 9.

- Nhận xét về giọng điệu của đoạn thơ trên: giọng điệu buồn, da diết.

- Thể thơ song thất lục bát có âm điệu triền miên là một trong những yếu tố góp phần tạo nên giọng điệu buồn da diết của đoạn thơ nói riêng, bài thơ nói chung.

Câu 10. Miêu tả cảnh chia tay giữa Thúy Kiều và Từ Hải, Nguyễn Du viết: "Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong" và "Quyết lời dứt áo ra đi", còn trong đoạn thơ trên, tác giả viết:

"Nhủ rồi tay lại cầm tay - Bước đi một bước giây giây lại dừng."

Điểm khác biệt trong trạng thái cảm xúc của các nhân vật trong hai cảnh chia tay trên là: cảnh chia tay giữa chinh phu – chinh phụ thì dùng dằng, lưu luyến, buồn sầu, còn cảnh chia tay Thúy Kiều – Từ Hải thì dứt khoát, nhanh chóng, không hề có nỗi buồn sầu ly biệt. Có sự khác biệt đó phải chăng vì:

- Người chinh phu trong Chinh phụ ngâm ra đi không biết ngày nào trở lại, tương lai mịt mờ, nhiều bất trắc. Còn Từ Hải lên đường mang trong mình quyết tâm và sự tự tin chỉ một năm sau sẽ làm nên nghiệp lớn nên tạo cho Kiều cảm giác yên tâm, thanh thản.

- Ở một phương diện khác, Nguyễn Du xây dựng nhân vật Từ Hải là người anh hùng cái thế, chí lớn ở bốn phương trời, "là con người của trời đất, của bốn phương" nên không thể bịn rịn vì tình cảm "nữ nhi thường tình" được – đó là dụng ý của tác giả.

Đọc hiểu Chinh phụ ngâm - đề 3

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

(Trích Chinh phụ ngâm - Bản dịch Đoàn Thị Điểm)

Câu 1. Đoạn thơ miêu tả tâm trạng của nhân vật trữ tình sau cảnh chia tay (giữa chinh phu - chinh phụ). Theo em, nhân vật trữ tình trong đoạn thơ là ai?

Câu 2. Chỉ ra và phân tích hiệu quả nghệ thuật của phép điệp, phép đối trong khổ thơ trên.

Câu 3. Đoạn thơ bộc lộ tâm trạng, cảm xúc gì của nhân vật trữ tình?

Câu 4. Theo em, ý nghĩa biểu đạt của màu "xanh ngắt" trong câu thơ Ngàn dâu xanh ngắt một màu có giống với màu xanh trong câu thơ sau trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du không:

Cỏ non xanh tận chân trời.

Câu 5. Theo em, câu "Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai" có phải nhằm mục đích để cân đo đong đếm, so sánh giữa hai nỗi sầu của chinh phu và chinh phụ?

Câu 6. Liên hệ với cuộc chia ly giữa Thúy Kiều và Từ Hải, em hãy viết đoạn văn khoảng 150 chữ bình luận về nét tương đồng hoặc khác biệt trong hai cuộc chia tay này.

Gợi ý

Câu 1. Dựa vào cách xưng hô "chàng" (ngôi hai), "thiếp" (ngôi một), ta thấy, nhân vật trữ tình trong đoạn trích trên là người chinh phụ trong buổi tiễn chồng lên đường chinh chiến.

Câu 2. Các phép tu từ trong đoạn thơ trên:

- Phép điệp: Thấy - thấy; xanh xanh- xanh; ngàn dâu- ngàn đâu.

- Phép đối: Trông lại / chẳng thấy; chẳng thấy/ thấy; lòng chàng/ ý thiếp.

Tác dụng:

- Góp phần miêu tả không gian mênh mông và màu xanh choán ngợp của ngàn dâu.

- Tạo nên giọng điệu da diết, khắc khoải, góp phần biểu đạt thành công trạng thái dõi theo trong vô vọng, mịt mờ cùng tâm trạng hụt hẫng, tiếc nuối của người chinh phụ.

Câu 3. Tâm trạng của người chinh phụ trong cuộc chia tay trên là trạng thái hụt hẫng, tiếc nuối khi dõi theo người chinh phụ đến lúc bóng hình của chồng đã xa khuất, mất hút giữa ngàn dâu xanh ngắt. Còn lại một mình, người chinh phụ lúc này mới thấm thía tận cùng nỗi buồn đau, sầu muộn. Vì từ đây là cảnh li tan không biết khi nào hợp tụ.

Câu 4. Tuy cùng là màu xanh của cỏ, của cây, nhưng nếu màu xanh "tận chân trời" trong thơ Nguyễn Du là màu xanh của sức sống mùa xuân trải ra mênh mông, bất tận - thể hiện tâm trạng đắm say, rạo rực của lòng người trong tiết xuân sang thì màu "xanh ngắt" trong câu thơ dịch của Đoàn Thị Điểm lại gợi lên một cách ám ảnh sắc xanh đơn điệu "một màu" - gợi nỗi buồn, sự hụt hẫng bởi ngoài màu xanh ấy không còn hình bóng của người chồng mà chinh phụ đang dõi theo. Lúc trước, mọi ánh nhìn của chinh phụ đều hướng về chồng, chỉ nhìn thấy chồng, bây giờ người chồng đã khuất dạng, chỉ còn thấy màu xanh của ngàn dâu. Màu "xanh ngắt" vì thế không phải màu xanh của niềm tin, hi vọng mà dường như là nỗi u sầu của người chinh phụ đọng lại thành khối. Màu xanh dày đặc ấy như quấn lấy, cuốn đi sự khao khát được nhìn thấy nhau của hai người.

Câu 5. "Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai" là câu hỏi tu từ đầy ý xót xa. Không phải một câu oán trách, không phải một lời hờn giận hay dùng để cân đo đong đếm, so sánh giữa hai nỗi sầu. Câu thơ chỉ làm rõ hơn nữa nỗi sầu của người chinh phụ mà thôi.

Câu 6. Cuộc chia tay giữa chinh phụ- chinh phụ trong đoạn thơ trên và cuộc chia tay giữa Từ Hải - Thúy Kiều trong đoạn trích Chí khí anh hùng đều là những cuộc chia tay chồng - vợ. Tuy nhiên, cảm xúc, suy nghĩ.. của nhân vật trong các cuộc tiễn đưa này không phải đều giống nhau. Nếu trong đoạn thơ của Chinh phụ ngâm, tình cảm lưu luyến, tiếc nuối, buồn sầu của người chinh phụ là cảm xúc chủ đạo bao trùm cảnh ly biệt thì trong đoạn trích Chí khí anh hùng, cảm xúc của Thúy Kiều chỉ được miêu tả thoáng qua, trở thành phông nền để khắc họa chân dung Từ Hải. Không phải Kiều, Từ Hải mới là nhân vật trung tâm của cảnh tiễn đưa. Không buồn thương, sầu não, bịn rịn, cảnh ly biệt giữa Thúy Kiều - Từ Hải mang đậm màu sắc lí tưởng hóa. Hình ảnh người anh hùng Từ Hải với ý chí lớn lao, khát vọng cao cả.. trở thành nhân vật chính của đoạn trích. Ngược lại, người chinh phu trong chinh phụ ngâm - ra đi chiến đấu để bảo vệ ngai vàng cho nhà vua, tương lai mờ mịt.. nên phương diện lí tưởng, hoài bão không được nhắc đến. Trong đoạn trích này, hình ảnh người chinh phu hiện lên khá mờ nhạt, có chút bi thương.

Đọc hiểu Chinh phụ ngâm - đề 4

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:


Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh
Chốn Hàm kinh chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

(Sau phút chia ly, Trích Chinh phụ ngâm)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản?

Câu 2: Trong văn bản, nhân vật trữ tình là ai?

Câu 3: Chỉ ra những chi tiết diễn tả hoàn cảnh biệt ly cách trở trong văn bản?

Câu 4: Nêu hiệu quả của phép đối được sử dụng trong câu thơ:

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Câu 5: Anh/ chị hiểu thế nào về nội dung câu thơ sau: Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Câu 6: Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong văn bản?

Gợi ý 

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: biểu cảm

Câu 2: Trong văn bản, nhân vật trữ tình là: người chinh phụ.

Câu 3: Những chi tiết diễn tả hoàn cảnh biệt ly cách trở:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.

Câu 4: Hiệu quả của phép đối:

- Biện pháp nghệ thuật: phép đối: cùng trông lại >< cùng chẳng thấy;

- Tác dụng:

+ Thể hiện sự trông ngóng, sự nhớ thương của người chinh phụ;

+ Tạo sự sinh động, hấp dẫn, tăng hiệu quả diễn đạt, tạo sự cân đối hài hòa.

=> Qua đó thể hiện thái độ đồng cảm , xót thương của nhà thơ.

Câu 5: Nội dung của câu thơ: Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?là câu hỏi tu từ nhưng thực chất là lời tự vấn.

Câu hỏi nêu ra không phải để so sánh chàng sầu hơn hay thiếp sầu hơn mà nó chỉ nhằm khắc họa thêm nỗi sầu, nỗi đau đớn khi phải chia lìa của người chinh phụ.

=> Bộc lộ niềm xót thương, đồng cảm của tác giả. Đó là biểu hiện của giá trị nhân đạo sâu sắc.

Câu 6: Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong văn bản:

- Tâm trạng cô đơn, sầu muộn, nhớ thương chồng...

- Khao khát hạnh phúc lứa đôi => bộc lộ niềm thương cảm xót xa, qua đó thấy rõ giá trị hiện thực nhân đạo và nhân văn.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 5.392
0 Bình luận
Sắp xếp theo