(Cực hay) Soạn Văn 9 Chân trời sáng tạo bài Bếp lửa

Bếp lửa là một bài thơ hay của tác giả Bằng Việt. Bài thơ là nỗi nhớ thương cũng như tình cảm sâu sắc của tác giả đối với người bà kính yêu. Trong chương trình Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo các em sẽ được học văn bản Bếp lửa. Sau đây là chi tiết hướng dẫn soạn bài Bếp lửa Ngữ văn 9 tập 1 Chân trời sáng tạo, mời các em cùng tham khảo.

Soạn bài Bếp lửa

1. Soạn bài Bếp lửa tác giả tác phẩm

a. Tác giả

Bằng Việt sinh năm 1941

- Quê ở Thạch Thất, Hà Tây, Hà Nội.

- Làm thơ từ đầu 1960 và thuộc thế hệ nhà thơ từ đầu 1960 và thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ.

- Hiện là chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội.

b. Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác: “ Bếp lửa”sáng tác năm 1963 – Tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở Liên Xô

- Xuất xứ: Bài thơ được đưa vào tập "Hương cây- bếp lửa"(1968). Đây là tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ.

- Mạch cảm xúc của bài thơ: đi từ quá khứ đến hiện tại, từ kỉ niệm đến suy ngẫm theo dòng hồi tưởng.

- Bài thơ là lời người cháu ở nơi xa nhớ về bà và những kỉ niệm với bà, nói lên lòng kính yêu và những suy ngẫm về bà.

2. Chuẩn bị đọc bài Bếp lửa

Nhớ lại một kỉ niệm tuổi thơ với người thân của em.

Kỉ niệm tuổi thơ vô cùng sâu sắc mà em luôn nhớ mãi chính là những ngày hè được về với ong bà ngoại. Được ngửi mùi khói bếp thơm mùi rạ mới gặt, được nằm dưới gốc cây hòe của ông ngoại những buổi chiều hè gió mát đưa lại hương thơm đồng nội.

3. Trải nghiệm cùng văn bản Bếp lửa

1. Chú ý những từ ngữ thể hiện trực tiếp cảm xúc của tác giả trong ba khổ thơ đầu.

- Từ ngữ: “chờn vờn”, “ấp iu”, “thương” …

=> Thể hiện sự tảo tần của người bà và tình yêu thương của người cháu dành cho người bà.

2. Lời dặn cháu thể hiện điều gì về bà?

- Thể hiện bà là một người bà tần tảo, dịu dàng, giàu yêu thương và luôn quan tâm đến con cháu nhưng đồng thời cũng thể hiện bà là người mạnh mẽ, kiên cường và bất khuất.

3. Hình ảnh bếp lửa trong khổ thơ này có gì khác so với các khổ thơ trên?

- Hình ảnh “bếp lửa” ở các khổ trước là tượng trưng cho sự tần tảo, đức hi sinh của người bà, là tình yêu thương về gia đình, về quê hương. Còn hình ảnh “bếp lửa” ở khổ thơ này thể hiện về ước mơ, hi vọng, ngọn lửa thắp lên tương lai cho người cháu.

4. Suy ngẫm và phản hồi bài Bếp lửa

Câu 1: Phân tích mối quan hệ giữa hình ảnh bếp lửa và hình ảnh bà trong bài thơ. Hình ảnh bếp lửa có sự thay đổi như thế nào qua các khổ thơ?

- Khổ 1, 2: Tác giả dùng các hình ảnh ngọn lửa chờn vờn sương sớm/ ấp iu nồng đượm/ Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói/ Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa để thể hiện hình ảnh bà đảm đang, tảo tần, chăm chút cho cháu, bà vừa làm cha, vừa làm mẹ, là điểm tựa tinh thần cho cả gia đình trong suốt những năm tháng chiến tranh.

- Khổ 4, 5: Tác giả lặp lại các hình ảnh ngọn lửa, điệp từ nhen, nhóm (Nhóm bếp lửa ấp/ Nhóm niềm yêu thương/ Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ: Bà "nhóm" lên trong cháu ngọn lửa của tình yêu thương, của niềm tin, sự sẻ chia, tình làng, nghĩa xóm.

– Sự thay đổi của hình ảnh bếp lửa qua các khổ thơ: từ hình ảnh bếp lửa (hình ảnh thực) chuyển qua hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng: bếp lửa, ngọn lửa của tình yêu, niềm tin về những điều tốt đẹp truyền dạy cho thế hệ sau.

Câu 2: Nêu một số biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ và làm rõ hiệu quả của chúng

- Ẩn dụ (bếp lửa), điệp từ (nhóm), điệp ngữ (bếp lửa, một ngọn lửa),...

- Tác dụng: mở rộng và nhấn mạnh ý nghĩa hình ảnh bếp lửa: không phải chỉ là bếp lửa bình thường mà là ngọn lửa của tình yêu thương, niềm tin, của những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống mà bà đã gieo mầm trong lòng cháu.

Câu 3: Sự kết hợp giữa yếu tố biểu cảm với miêu tả, tự sự trong văn bản có tác dụng gì?

- Tự sự: Suốt bài thơ là sự hồi tưởng, kể lại câu chuyện về bà

- Miêu tả: Các chi tiết trong câu chuyện được miêu tả sống động (bếp lửa chờn vờn sương sớm: gợi tả hình ảnh khói bếp toả trong sương mai; ấp iu nồng đượm: gợi tả sự ấm áp; khô rạc ngựa gầy: gợi tả hình ảnh gầy gò, thiếu ăn của con ngựa; lầm lụi: gợi tả sự vất vả, lầm than, âm thầm,...

- Biểu cảm: Từng chi tiết, hình ảnh đều chất chứa tình cảm thương yêu, nghẹn ngào, kính trọng dành cho bà, những giá trị tinh thần mà bà đã trao truyền cho con cháu cùng với những từ cảm thán, bộc lộ trực tiếp tình cảm của tác giả với bà.

=> Thể hiện hình ảnh bà sống động, cụ thể từ lúc nhân vật "cháu" còn nhỏ đến lúc trưởng thành, thể hiện tình cảm yêu thương vô bờ và lòng biết ơn đối với bà.

Câu 4: Xác định mạch cảm xúc và cảm hứng chủ đạo của văn bản

- Bố cục bài thơ gồm ba phần, thể hiện mạch cảm xúc: từ hồi tưởng về hình ảnh bếp lửa của bà (khổ 1) đến nghẹn ngào, thương yêu thiết tha, trân trọng những giá trị tốt đẹp mà bà trao truyền cho cháu (khổ 2, 3, 4, 5), đến đón nhận niềm vui trăm ngả nhưng vẫn khôn nguôi thương nhớ bà (khổ 6).

- Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng ngợi ca hình ảnh bếp lửa ấm áp, thiêng liêng được nhóm lên từ bàn tay và tấm lòng của bà.

Câu 5: Hãy chỉ ra một vài nét đặc sắc về kết cấu của bài thơ

Kết cấu

- Xây dựng hình ảnh sóng đôi bà – bếp lửa, kết hợp các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, sự phát triển của hình ảnh bếp lửa từ hình ảnh thực đến hình ảnh ẩn dụ,... Tất cả những yếu tố đó đã góp phần thể hiện hình ảnh bà – hiện thân cho những giá trị tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam (đảm đang, chịu đựng, trao truyền cho con cháu tình yêu, niềm tin và những giá trị tốt đẹp) và tình cảm biết ơn, thương nhớ bà khôn nguôi.

Câu 6: Theo em, tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp gì qua văn bản này?

Thông điệp:

Tình yêu thương là ngọn lửa dẫn dắt con người trong cuộc sống, là động lực giúp ta sống tốt hơn.

Câu 7: Bài thơ thể hiện tư tưởng gì? Các động từ “nhóm”, “nhen” và hình ảnh “bếp lửa” đã góp phần như thế nào vào việc thể hiện tư tưởng đó?

Tư tưởng của tác phẩm là những điều tốt đẹp được gieo mầm, hình thành từ tuổi thơ, có tác dụng giúp con người trưởng thành, nâng đỡ con người suốt hành trình dài của cuộc đời. Các động từ "nhóm", "nhen" là biểu tượng cho sự gieo mầm, hình ảnh "bếp lửa" tượng trưng cho những giá trị tốt đẹp có tác dụng nuôi dưỡng, nâng đỡ con người trong suốt cuộc đời.

Câu 8: Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) thể hiện tình cảm với người có ảnh hưởng lớn đến em.

Mỗi khi ai hỏi em rằng: Người phụ nữ mà em yêu thương nhất trên đời này là ai thì em luôn không chút ngần ngại trả lời rằng: Người đó chính là mẹ. Mẹ của em là một nhà nội trợ. Công việc mỗi ngày của mẹ chính là nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc mọi người. Nghe thì đơn giản như vậy, nhưng nó thực sự rất vất vả. Mỗi ngày mẹ đều dậy từ rất sớm, và đến khuya mới đi ngủ. Tất nhiên, là mẹ cũng chẳng có ngày nghỉ nào cả. Vậy mà, trên khuôn mặt mẹ, lúc nào cũng là nụ cười tươi rạng rỡ và ánh mắt tràn đầy tình yêu thương nồng đượm cho em và gia đình. Tình yêu của mẹ dành cho em, thể hiện qua những món ăn ngon, chiếc áo trắng tinh thơm tho, chiếc chăn bông ấm áp… Và hơn cả, là những lời động viên, sự tin tưởng, ủng hộ vô điều kiện từ hậu phương vững chắc. Có lẽ chính vì thế, mà em yêu thương mẹ của mình rất nhiều. Tình yêu thương ấy sống trong từng giọt máu, từng tế bào, từng hơi thở. Mỗi khi phải xa mẹ, dù chỉ là một ngày, em cũng nhớ mẹ rất nhiều. Lúc nào, em cũng muốn được ở cạnh mẹ, được mẹ ôm vào lòng, vuốt ve mái tóc và thủ thủ những điều nhỏ nhặt. Thế nên, mỗi ngày em đều cố gắng học tập và phấn đấu trở thành một đứa con ngoan, để được thấy nụ cười hạnh phúc trên gương mặt mẹ.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 1.162
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm