Thống kê các văn bản đã thi vào 10 Hà Nội

Thống kê các văn bản đã thi vào 10 Hà Nội qua các năm

Thống kê các văn bản đã thi vào 10 Hà Nội là câu hỏi được rất nhiều các thí sinh quan tâm khi mà kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 Tp Hà Nội đang đến gần. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến các em học sinh tổng hợp tác phẩm thi vào lớp 10 Hà Nội những năm gần đây, tuyển tập đề thi Ngữ văn vào 10 Hà Nội các năm giúp các em hệ thống lại các nội dung trọng tâm để chuẩn bị tốt nhất cho kì thi sắp tới.

Các tác phẩm đã thi vào lớp 10 Hà Nội

Để tham khảo đáp án đề thi vào lớp 10 Hà Nội môn Ngữ văn, mời các bạn xem trong đường link bên dưới:

Đề Ngữ văn vào 10 Hà Nội năm 2022

Phần I (6,5 điểm)

Trong những ngày tháng cuối đời, nhà thơ Thanh Hải vẫn thiết tha đón nhận vẻ đẹp của cuộc sống:

“Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.”

(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021)

1. Mùa xuân nho nhỏ được sáng tác theo thể thơ nào? Ghi lại mạch cảm xúc của bài thơ.

2. Nêu giá trị gợi hình, gợi cảm của hình ảnh “giọt long lanh rơi” trong hai dòng thơ trên.

3. Kể tên một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn cấp Trung học cơ sở cũng việt về mùa xuân, ghi rõ tên tác giả.

4. Từ những ấn tượng về mùa xuân thiên nhiên, nhà thơ bộc lộ tiếng lòng náo nức:

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc giặt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mại

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao...”

Em hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp làm rõ vẻ đẹp mùa xuân đất nước và cảm xúc của tác giả ở khổ thơ trên, trong đó có sử dụng câu bị động và phép thế để liên kết (gạch dưới, chú thích rõ một câu bị động và từ ngữ dùng làm phép thế).

Phần II (3,5 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Có một gương mặt đẹp soi vào gương quả là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc càng trọn vẹn hơn nếu có một tâm hồn đẹp để mỗi khi soi vào tấm gương lương tâm sâu thẳm mà lòng không hổ thẹn."

(Theo Băng Sơn, Tấm gương, Ngữ văn 7, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021)

1. Gọi tên và chỉ rõ một phép liên kết ở đoạn trích trên. Trong cụm từ “tấm gương lương tâm, người viết sử dụng biện pháp tu từ nào?

2. Theo tác giả, những điều gì giúp con người cảm thấy hạnh phúc?

3. Từ đoạn trích trên, kết hợp với những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ của mình (khoảng 2/3 trang giấy thi) về vấn đề: Sự cần thiết của việc nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.

Đề Ngữ văn vào 10 Hà Nội năm 2021

Phần 1(6,0 điểm)

Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Chính Hữu và thơ ca kháng chiến chống Pháp. Mở đầu bài thơ, tác giả viết:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Đồng chí!

(Ngữ Văn 9 tập 1, NXB Giáo Dục Việt Nam 2020)

1. Ghi lại năm sáng tác bài thơ Đồng Chí. Tác phẩm này được in trong tập thơ nào của Chính Hữu?

2. Viết đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng hợp - phân tích - tổng hợp làm rõ cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính cách mạng trong đoạn thơ trên. Đoạn văn có sử dụng phép lặp để liên kết và sâu ghép. (Gạch dưới, chú thích rõ từ ngữ dùng làm phép lặp và câu ghép).

3. Đoạn cuối bài thơ có một hình anh giản dị mà giàu sức gợi:

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Hình ảnh thơ đó giúp em hiểu gì về vẻ đẹp của những anh Bộ đội cụ Hồ.

Phần II (4,0 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Người ta kể rằng có một máy phát điện cỡ lớn của công ti Pho bị hỏng. Một hội đồng gồm nhiều kĩ sư họp 3 tháng liền tìm không ra nguyên nhân. Người ta phải mời đến chuyên gia Xten-met-xơ. Ông xem xét và làm cho máy hoạt động trở lại. Công ti phải trả cho ông 10. 000 đôla. Nhiều người cho Xten-met-xơ là tham, bắt bí để lấy tiền. Nhưng trong giấy biên nhận, Xten-met-xơ ghi: “Tiền vạch một đường thẳng là 1 đôla. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá 9 999 đô la". Rõ ràng người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà nhiều người khác không làm nổi.”

(Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013)

1. Theo em, vì sao Xten-mét-xơ cho rằng "vạch một đường thẳng" có giá 1 đôla nhưng tìm ra "chỗ để vạch đúng đường ấy lại có giá 9999 đôla”.

2. Dựa vào đoạn trích trên kết hợp với những hiểu biết xã hội, hãy trình bày suy nghĩ của em khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý kiến: Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?

Ghi chú:

Điểm phần 1:

1 (4.0 điểm); 2 (4,0 điểm); 3(2,0 điểm)

Điềm phần II:

1(2,5 điểm); 2 (2.5 điểm)

Đề Ngữ văn vào 10 Hà Nội năm 2021

Đề Ngữ văn vào 10 Hà Nội năm 2020

Đề thi vào 10 môn Ngữ văn Hà Nội 2019

Phần I (7,0 điểm)

Mùa thu luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng góp vào đề tài này thi phẩm Sang thu sâu lắng

1. Bài thơ Sang thu được sáng tác theo thể thơ nào? Ghi tên hai tác phẩm khác trong chương trình Ngữ văn 9 cũng viết theo thể thơ đó.

2. Trong khổ thơ đầu, tác giả đã đón nhận thu về với “hương ổi”, “gió se”, “sương chùng chình” băng những giác quan nào? Cũng trong khổ thơ này, các từ “bỗng” và “hình như" giúp em hiểu gì về cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ?

3. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của phép tu từ nhân hóa trong câu thơ “Sương chùng chính qua ngỡ”.

4. Khép lại bài thơ, Hữu Thỉnh viết:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”

(Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

Bằng một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng hợp-phân tích – tổng hợp, em hãy làm rõ những cảm nhận tinh tế và sâu sắc của tác giả ở khổ thơ trên, trong đó có sử dụng câu bị động và câu có thành phần cảm thán (gạch dưới một câu bị động và một thành phần cảm thán).

Phần II (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“Có người nói thành đạt là do gặp thời, có người lại cho là do hoàn cảnh bức bách, có người cho là do có điều kiện được học tập, có người lại cho là do có tài năng trời cho. Các ý kiến đó mỗi ý chỉ nói tới một nguyên nhân, mà lại đều là nguyên nhân khách quan, họ quên mất nguyên nhân chủ quan của con người.

Thật vậy. Gặp thời tức là gặp may, có cơ hội, nhưng nếu chủ quan không chuẩn bị thì cơ hội cũng sẽ qua đi Hoàn cảnh bức bách tức là hoàn cảnh khó khăn buộc phải khắc phục. Nhưng gặp hoàn cảnh ấy có người bi quan, thất vọng, chán nản, thối chí có người lại gồng mình vượt qua"

(Nguyên Hương, Trò chuyện với bạn trẻ, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

1. Xác định một phép liên kết được sử dụng trong hai câu văn in nghiêng ở trên và chỉ rõ từ ngữ dùng làm phương tiện liên kết.

2. Theo tác giả, khi gặp “hoàn cảnh khó khăn buộc phải khắc phục”, con người có những cách ứng xử nào?

3. Từ nội dung đoạn trích trên, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về ý kiến: Phải chăng hoàn cảnh khó khăn cũng là cơ hội để mỗi người khám phá khả năng của chính mình?

Đề thi vào 10 môn Ngữ văn Hà Nội 2018

Đề thi vào 10 môn Ngữ văn Hà Nội 2017

Phần I (4 điểm)

Mở đầu bài thơ Nói với con, nhà thơ Y Phương viết:

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười

(Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

1. Ghi lại chính xác 7 dòng tiếp theo những dòng thơ trên. (1 điểm)

2. Cách miêu tả bước chân con “chạm tiếng nói”, “tới tiếng cười” có gì đặc biệt? Qua đó, tác giả đã thể hiện được điều gì? (1 điểm)

3. Hãy trình bày suy nghĩ của em (khoảng 12 câu) về quan niệm: Được sống trong tình yêu thương là hạnh phúc của mỗi con người. (2 điểm)

Phần II (6 điểm)

Cho đoạn trích:

Ông nằm vật lên giường vắt tay lên trán nghĩ ngợi vẩn vơ. Ông lại nghĩ về cái làng của ông, lại nghĩ đến những ngày cùng làm với anh em. Ô, sao mà độ ấy vui thế. Ông thấy mình như trẻ ra. Cũng hát hỏng, bông phèng, cũng đào, cũng cuốc mê man suốt ngày. Trong lòng ông lão lại thấy náo nức hẳn lên. Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường đắp ụ, xẻ hào, khuân đá… Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa? Những đường hầm bí mật chắc là còn khướt lắm. Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá.

(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016)

1. Đoạn văn trên được trích từ truyện ngắn nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn này. (1 điểm)

2. Dòng cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật ông lão được thể hiện qua việc nhắc lại các từ, cụm từ nào trong đoạn trích? Trong dòng cảm xúc, suy nghĩ ấy có những kỉ niệm nào của ông với làng kháng chiến? (1 điểm)

3. Xét về mục đích nói, câu văn “Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa” thuộc kiểu câu gì? Vì sao nỗi trăn trở của ông lão trong câu văn đó lại là một biểu hiện của tình cảm công dân? (1 điểm)

4. Với hiểu biết của em về truyện ngắn trên, hãy viết một đoạn văn quy nạp khoảng 12 câu, có sử dụng câu ghép và câu thế (gạch dưới câu ghép và từ ngữ được dùng làm phép thế) để khẳng định: Truyện đã khắc họa thành công hình ảnh những người nông dân trong kháng chiến. (3 điểm)

de thi mon van thi vao lop 10 o Ha Noi

Đề thi vào 10 môn Ngữ văn Hà Nội 2016

Phần I. (4 điểm)

Trong bài Phong cách Hồ Chí Minh sau khi nhắc lại việc chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, tác giả Lê Anh Trà viết:

… “Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”

(Trích ngữ văn 9, tập một NXB Giáo dục Việt Nam 2015)

Câu 1: Ở phần trích trên, tác giả đã cho thấy vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi những yếu tố nào? Em hiểu được điều gì về tình cảm của tác giả dành cho Người?

Câu 2: Xác định hai danh từ được sử dụng như tính từ trong phần trích dẫn và cho biết hiệu quả nghệ thuật của cách dùng từ ấy.

Câu 3: Em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì hội nhập phát triển.

Phần II. ( 6 điểm)

Ở bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt), trong dòng hồi tưởng, người cháu nhớ lại:

… “Năm ấy là năm đói mòn mỏi”…

rồi trở về thực tại:

“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

– Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…”

(Trích ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

Câu 1: Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

Câu 2: “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi” được nhắc tới trong bài thơ gợi nhớ về thời điểm nào của đất nước? Việc nhà thơ tách từ “mòn mỏi” để ghép thành “đói mòn đói mỏi” có tác dụng gì?

Câu 3: Viết một đoạn văn theo cách lập luận diễn dịch (khoảng 12 câu) làm rõ tình cảm sâu nặng của cháu đối với bà ở khổ thơ trên trong đó có sử dụng phép nối để liên kết và một câu bị động (gạch dưới từ ngữ dùng làm phép nối và câu bị động)

Câu 4: Hãy nêu tên một tác phẩm khác trong chương trình môn Ngữ Văn cấp trung học cơ sở cũng viết về tình cảm bà cháu và ghi rõ tên tác giả.

Đề thi vào 10 môn Ngữ văn Hà Nội 2015

Phần I: (7 điểm)

Mở đầu một sáng tác, nhà thơ Huy Cận viết:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Và tác giả khép lại bài thơ bằng bốn câu:

Câu hát căng buồm với gió khơi,

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi.

(Trích Ngữ Văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2014)

Câu 1: Ghi tên bài thơ có những câu thơ trên. Từ những câu thơ ấy, kết hợp với hiểu biết về tác phẩm, em hãy cho biết mạch cảm xúc của bài thơ được triển khai theo trình tự nào?

Câu 2: Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ so sánh trong câu thơ: Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

Câu 3: Chép lại chính xác hai câu thơ liên tiếp trong bài thơ em vừa xác định thể hiện rõ nhất lòng biết ơn của con người với biển cả quê hương.

Câu 4: Viết một đoạn văn ngắn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch có sử dụng phép thế để liên kết và một câu cảm thán, làm nổi bật cảnh đoàn thuyền trở về trong buổi bình minh ở khổ thơ trên (gạch dưới từ ngữ dùng làm phép thế và câu cảm thán)

Phần II (3 điểm)

Dưới đây là đoạn trích trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê:

… Vắng lặng đến đáng sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụng trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống dòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới.

(Trích Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục 2014)

Câu 1: Tác phẩm Những ngôi sao xa xôi được sáng tác trong hoàn cảnh nào?

Câu 2: Điều gì khiến nhân vật “tôi” đến gần quả bom lại cảm thấy không sợ nữa?

Câu 3: Từ đoạn trích trên và những hiểu biết về xã hội, em hãy viết một đoạn văn (khoảng nửa trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về thái độ của mỗi người trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
5 7.552
0 Bình luận
Sắp xếp theo