Bộ đề thi học sinh giỏi Văn 9 có đáp án (50 đề)

Tuyển tập bộ đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 được Hoatieu chia sẻ đến bạn đọc trong bài viết này bao gồm 50 đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 cấp tỉnh, cấp huyện thuộc các tỉnh thành trên toàn quốc. Sau đây là nội dung chi tiết bộ đề thi học sinh giỏi Văn 9 có đáp án chi tiết sẽ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo khi học môn Văn cũng như bồi dưỡng, củng cố kiến thức cho các em học sinh giỏi Văn.

1. Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 cấp tỉnh Bắc Ninh

UBND TỈNH BẮC NINH

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH

NĂM HỌC 2015 - 2016

Môn: Ngữ văn - Lớp 9

Câu 1. (4,0 điểm)

Hãy so sánh ngắn gọn điểm tương đồng và nét khác biệt trong hai đoạn thơ sau:

Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu

(Hữu Thỉnh - Sang thu, 1977)

nắng thu đang trải đầy

đã trăng non múi bưởi

bên cầu con nghé đợi

cả chiều thu sang sông.

(Hữu Thỉnh - Chiều sông Thương, 1992)

Câu 2. (6,0 điểm)

Bị đánh bại chỉ là tình trạng nhất thời, bỏ cuộc mới là sự thất bại vĩnh viễn.

(Marilin Vos Savant)

Hãy viết một bài văn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến  trên.

Câu 3. (10,0 điểm)

“Thơ hiện đại không chỉ đem lại những cái mới về nội dung tư tưởng, cảm xúc mà còn đổi mới về phương thức biểu cảm, về sáng tạo hình ảnh, cấu trúc câu thơ, ngôn ngữ thơ.”

(Ngữ văn 9, tập 2, trang 200, NXB GD, 2004) Em hãy làm sáng rõ nhận định trên qua tác phẩm Ánh trăng của Nguyễn Duy.

2. Đáp án đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 cấp tỉnh Bắc Ninh

Câu 1 (4,0 điểm)

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH NĂM HỌC 2015- 2016

Môn: Ngữ văn - Lớp 9

Hãy so sánh ngắn gọn điểm tương đồng và nét khác biệt trong hai đoạn thơ sau:

Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu

(Hữu Thỉnh - Sang thu, 1977)

nắng thu đang trải đầy

đã trăng non múi bưởi

bên cầu con nghé đợi

cả chiều thu sang sông.

(Hữu Thỉnh - Chiều sông Thương, 1992)

- Điểm tương đồng (2,0 điểm)

+ Đề tài: mùa thu

+ Thể thơ, giọng điệu: thể thơ năm chữ, giọng điệu tha thiết, lắng sâu,

+ Cảm xúc: bồi hồi, bâng khuâng, xao xuyến và những cảm nhận tinh tế sâu sắc của cái tôi trữ tình trước vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật trong khoảnh khắc giao mùa và ở giữa mùa thu.

+ Hình ảnh: chân thực, gợi hình, gợi cảm mang những nét đặc trưng của mùa thu xứ Bắc. Từ ngữ chọn lọc, tinh tế, sử dụng sáng tạo nghệ thuật nhân hóa…

- Điểm khác biệt (2,0 điểm):

Hai bài thơ được sáng tác ở hai thời điểm khác nhau: Sang thu (1977) còn Chiều sông Thương (1992) vì vậy nội dung của mỗi đoạn thơ gắn với cảm xúc, tâm trạng của tác giả ở từng thời điểm riêng biệt.

+ Sang thu:

Đoạn thơ là những cảm nhận của nhân vật trữ tình về mùa thu từ một khu vườn (không gian hẹp) thiên nhiên được mở ra ở góc nhìn rộng lớn, nhiều tầng bậc hơn. Bức tranh thu được gợi ra từ những gì vô hình chuyển sang những hình ảnh cụ thể, hữu hình (sông, chim, mây) với không gian rộng dài, cao xa vời vợi. Một bức tranh thu hiện đại, cấu trúc đăng đối tự nhiên, chặt chẽ, tuyệt đẹp. Dòng sông không cuồn cuộn dữ dội như những ngày mưa nguồn mùa hạ mà êm ả, dềnh dàng, lững lờ trôi như suy tư, như ngẫm nghĩ, như đang thưởng thức những ngày nhàn hạ. Ngược lại với dòng sông, cánh chim bắt đầu vội vã bay. Đám mây mùa hạ thảnh thơi, duyên dáng vắt nửa mình sang thu. Chữ “vắt” vừa gợi hình, vừa gợi cảm đám mây mềm mỏng như dải lụa, như tấm khăn voan của thiếu nữ vắt trên bầu trời nửa đang còn mùa hạ, nửa đã nối sang thu.

+ Chiều sông Thương

Nếu đoạn thơ trong Sang thu là những cảm nhận về thiên nhiên ở thời khắc cuối hạ sang thu thì khổ thơ trong Chiều sông Thương lại là cảm nhận ở thời khắc chiều thu, khi đất trời đang độ giữa thu. Cảnh vật được miêu tả rất thực về dòng sông, bầu trời, con nghé bên cầu đợi… Hình ảnh thơ đẹp dịu dàng, gợi ra bức tranh thanh bình, ấm áp: nắng thu còn trải rộng khắp nhân gian mà trăng non như múi bưởi đã in trên nền trời xanh nhạt, dưới cầu nước chảy trong veo, con nghé bên cầu đợi… Cả chiều thu sang sông. Cảnh lắng đọng như chính sự tồn tại của nó chứ không sống động, cựa mình chuyển mùa như bài Sang thu. Đó chính là nét đẹp riêng của mỗi bài thơ.

Câu 2 (6,0 điểm)

Bị đánh bại chỉ là tình trạng nhất thời, bỏ cuộc mới là sự thất bại vĩnh viễn.

(Marilin Vos Savant)

Hãy viết một bài văn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.

A. Yêu cầu về năng.

Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí, kết cấu chặt chẽ, rõ ràng, lập luận chắc chắn; diễn đạt sáng rõ; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

B. Yêu cầu về kiến thức.

Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được các ý chính sau:

1. Giải thích ý kiến (1,5 điểm)

Bị đánh bại chỉ tình trạng nhất thời: vì (thất) bại lần đó nhưng lần sau có thể không bại nữa, sẽ giành được chiến thắng nếu ta tiếp tục chiến đấu, tiếp tục theo đuổi mục đích.

Bỏ cuộc: tức là không theo đuổi mục đích nữa mà đầu hàng, buông xuôi, chấp nhận sự thất bại nhất thời. Đây là sự thất bại mãimãi.

=> Câu nói nêu lên vấn đề: Trong cuộc sống không nên từ bỏ mục đích mà mình đang theo đuổi vì đó chính là chấp nhận sự thất bại vĩnh viễn. Muốn giành chiến thắng phải theo đuổi mục đích đến cùng.

2. Bàn luận ý kiến (3,5 điểm)

Khẳng định đây là ý kiến đúng. Trong hành trình đi đến mục đích, con người không chỉ có thắng mà còn có bại: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại” (Tố Hữu).

Khôngthể không đau buồn khi thất bại nhưng con người phải biết đứng lên sau thất bại. Bởi trong mỗi thất bại luôn có mầm mống của sự thành công. Chỉ có đứng lên tiếp tục thực hiện mục đích chúng ta mới có cơ hội giành chiến thắng. Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố (Đặng Thùy Trâm).

Động lực giúp mỗi người đứng lên sau thất bại là khát vọng, ý chí, nghị lực, quyết tâm. Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường. Khi con người dám ước mơ lớn, họ sẽ biết cách sống vĩ đại.

Thực tiễn đã cho thấy còn nhiều người, nhất là thanh niên trước khó khăn trở ngại trong cuộc sống thường né tránh, buông xuôi đầu hàng, sống thiếu niềm tin…Một số người thất bại bị cuốn theo cái xấu, cái tầm thường, bi quan, bế tắc và có những hành vi tiêu cực.

3. Bài học nhận thức và hành động (1,0 điểm).

- Cần nhận thức rằng mỗi người phải tự đứng dậy sau thất bại và tiếp tục theo đuổi lí tưởng, mục tiêu cuộc đời mình. Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lí do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có ngàn lí do đểcười.

- Cần ra sức trau dồi, rèn luyện ý chí, nghị lực cũng như sự bền lòng phấn đấu trong học tập và nỗ lực theo đuổi mục tiêu đã đặt ra.

Mỗi luận điểm cần lấy dẫn chứng trong thực tế để minh họa

Câu 3 (10,0 điểm).

“Thơ hiện đại không chỉ đem lại những cái mới về nội dung tư tưởng, cảm xúc mà còn đổi mới về phương thức biểu cảm, về sáng tạo hình ảnh, cấu trúc câu thơ, ngôn ngữ thơ”.

(Ngữ văn 9, tập 2, trang 200, NXB GD, 2004)

Anh (chị) hãy làm sáng rõ nhận định trên qua tác phẩm Ánh trăng của Nguyễn Duy.

Yêu cầu về kĩ năng:

Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, lời văn trong sáng; không mắc lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức:

Thí sinh có thể triển khai bài viết theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo những nội dung sau:

1. Dẫn dắt từ mối quan hệ giữa văn học và đời sống, trích dẫn nhận định và giới hạn qua tác phẩm Ánh trăng của Nguyễn Duy.(1,0điểm)

2. Giải thích nhận định. (1,0 điểm)

Khái niệm thơ hiện đại: được xác định từ đầu thế kỷ XX khi văn học tiếp thu, chịu ảnh hưởng của các trào lưu văn học phương Tây và ánh sáng cách mạng củaĐảng soi đường. Đặc biệt, sau năm 1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, thơ ca nói riêng và văn học nói chung có sự giao lưu, tiếp xúc, hội nhập với nền văn học thế giới.

Xã hội, con người, tư tưởng thay đổi theo thời đại. Việc phản ánh tâm tư, tình cảm mới đòi hỏi văn học, thơ ca hiện đại cũng phải thay đổi để phù hợp với sự tinh tế, nhạy cảm và phong phú đa dạng trong đời sống tinh thần của thế hệ, con người Việt

3. Chứng minh qua bài thơ Ánh trăng. (7,0 điểm)

Hoàn cảnh ra đời của bài thơ: (0,5 điểm)

Bài thơ được viết năm 1978, đất nước Việt Nam bước sang trang mới sau chiến thắng huy hoàng trong công cuộc bảo vệ đất nước. Bắc Nam sum họp một nhà. Ba năm trôi qua, con người Việt Nam vẫn ở trong trạng thái hưởng niềm vui chiến thắng nên nhiều khi quên mất quá khứ gắn bó, vất vả đau thương. Và nhiều khi chợt nhận ra sự vô tình lãng quên của mình… “Ánh trăng” thể hiện những trăn trở, suy ngẫm của nhà thơ và xu hướng đổi mới của thơ ca Việt Nam hiện đại. Ánh trăng, một bài thơ nhỏ - một bài học lớn.

Bài thơ Ánh trăng thể hiện cái mới về nội dung, tư tưởng, cảm xúc. (3,5 điểm)

Bài thơ phản ánh tâm trạng của người chiến sĩ - một lớp người rất đông trong xã hội vừa trải qua giai đoạn chiến tranh ác liệt. Trong niềm vui hân hoan chiến thắng, cuộc sống hiện đại văn minh đôi khi con người đã lãng quên quá khứ của mình, lãng quên quá khứ vất vả đau thương của dân tộc. Dòng cảm xúc đó được thể hiện theo thời gian từ quá khứ đến hiện tại và nâng lên thành suy ngẫm mang tính triết lý.

Kỷ niệm gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị hiền hậu trong quá khứ hiện về trong hai thời điểm của nhân vật trữ tình: thời thơ ấu và thời chiến tranh. Dù ở đâu trên quê hương, đồng, sông, rừng bể người lính vẫn gắn bó với ánh trăng với thiên nhiên như người bạn tri kỉ. Sự gắn bó ân tình, thủy chung ấy khiến con người nghĩ rằng cả cuộc đời sẽ không bao giờ quên người bạn tình nghĩa.

Đạo lí sống nghĩa tình và thủy chung với quá khứ đã bị quên lãng một cách vô tình bởi hoàn cảnh sống hiện tại. Nơi đô thị, con người làm quen với tiện nghi hiện đại, văn minh “ánh điện, cửa gương” nên cứ vô tình quên lãng vầng trăng tri kỉ. Đêm nào trăng cũng sáng trên đầu nhưng bị mờ đi bởi ánh điện rực rỡ. Vô tình trăngvà người cứ dửng dưng như người xa lạ, chưa hề quen biết với nhau dù trước đây là tri âm, tri kỉ.

Một tình huống giản dị bình thường trong cuộc sống đã khiến nhân vật trữ tình tỉnh ngộ nhận ra sự thay đổi bội bạc đáng lên án đó của mình - thành phố mất điện. Giây phút ngắn ngủi bất ngờ nhưng thực sự có ý nghĩa như một bước ngoặt trong dòng tư tưởng của con người để giúp họ thay đổi.

Việc đối diện với vầng trăng - người bạn tri kỷ đã giúp người lính nhớ về kỷ niệm xưa gắn bó, tươi đẹp và rồi ân hận, xúc động xốn xang. Nỗi ân hận được thểhiện trong dòng nước mắt rưng rưng, nhẹ nhàng xót Chính mình đã đổi thay và bản thân không thể chấp nhận được.

Con người suy ngẫm về mối quan hệ của trăng với mình và giật mình, bừng tỉnh, xót xa… Dù thời gian qua đi, dù đất trời thay đổi, trăng vẫn nguyên vẹn, tình nghĩa thủy chung với con người, không hề trách cứ con người đã đổi thay. Trăng vẫn vị tha, nhân hậu tỏa sáng cho con người. Sự cao thượng của vầng trăng khiến con người thức tỉnh lối sống về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc để sống tốt hơn, người hơn.

=> Ánh trăng không chỉ là chuyện của riêng nhà thơ, chuyện của một người mà có ý nghĩa với cả một thế hệ. Hơn thế, bài thơ còn có ý nghĩa với nhiều người, nhiều thời bởi tác phẩm đặt ra vấn đề thái độ đối với quá khứ, với những người đã khuất và đối với chính mình.

Bài thơ Ánh trăng thể hiện những đổi mới về phương thức biểu cảm, về sáng tạo hình ảnh, cấu trúc câu thơ, ngôn ngữ thơ. (3,0 điểm)

Bài thơ như một câu chuyện riêng, có sự kết hợp hài hòa, tự nhiên giữa tự sự và trữ tình.

Giọng điệu tâm tình với nhịp thơ khi trôi chảy tự nhiên, nhịp nhàng theo lời kể, khi ngân nga thiết tha cảm xúc (khổ 5), lúc lại trầm lắng biểu hiện suy tư (khổ cuối).

Kết cấu, giọng điệu của bài thơ có tác dụng làm nổi bật chủ đề, tạo nên tính chân thực, chân thành, sức truyền cảm sâu sắc cho tác phẩm, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc.

Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc. Đặc biệt hình ảnh ánh trăng là hình tượng đa nghĩa, vừa cụ thể vừa khái quát mang ý nghĩa triết lí sâu sắc.

Thể thơ ngũ ngôn được sử dụng sáng tạo. Mỗi khổ chỉ viết hoa chữ cái đầu dòng thứ nhất. Tác phẩm chỉ có một dấu chấm ở câu thơ cuối. Nghệ thuật viết câu, đặt câu, sử dụng dấu chấm câu đã diễn tả mạch cảm xúc dạt dào tuôn chảy liền mạch trong một tình huống bất ngờ, giản dị đời thường.

4. Đánh giá chung. (1,0 điểm)

- Ánh trăng của Nguyễn Duy là một sáng tác thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới của thơ ca hiện đại. Đề tài trăng, thể thơ ngũ ngôn là nét truyền thống của Đường thi song bài thơ thể hiện cái mới trong việc phản ánh nội dung câu chuyện nhỏ của người chiến sĩ vừa trải qua chiến tranh, sống trong hòa bình, hiện đại. Ánh trăng mang vẻ đẹp hình tượng thiên nhiên, đồng thời cũng là biểu tượng của quá khứ - nhân dân, đất nước trong quá khứ và hiện tại, mãi mãi vẹn nguyên, vĩnh hằng, bất biến, thủy chung, nghĩa tình, bao dung, độ lượng. Con người hãy biết sống ân tình, thủy chung với quá khứ. Tác phẩm như lời giáo huấn đạo đức nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc. Ánh trăng là bài thơ của những phút giật mình, giật mình để thức tỉnh, để sống nhân văn hơn.

- Từ những đổi mới và sáng tạo của bài thơ Ánh trăng trên hai phương diện nội dung, tư tưởng và hình thức nghệ thuật bình luận về mối quan hệ giữa cuộc sống - tác giả - tác phẩm: Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu về thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo.

3. Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 cấp tỉnh Quảng Ngãi

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP TỈNH QUẢNG NGÃI

Ngày thi: 19/03/2015

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 150 phút

Câu 1( 8 điểm): Đọc hai đoạn văn sau:

Đoạn 1:

“ Tôi dắt em ra khỏi lớp. Nhiều thầy cô ngừng giảng bài, ái ngại nhìn theo chúng tôi. Ra khỏi trường, tôi kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật.”

(Khánh Hoài, Cuộc chia tay của những con búp bê Ngữ văn 7, tập một, NXB Giáo dục, 2005)

Đoạn 2:

“ Sáng hôm sau, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng, chói chang trên bầu trời xanh nhợt. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.

Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó tường, người ta thấy có một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Em đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa.

Ngày mồng một đầu năm hiện lên trên thi thể em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn. Mọi người bảo nhau: “ Chắc nó muốn sưởi cho ấm!”, nhưng chẳng ai biết cái kì diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm.”

( An-đéc-xen, Cô bé bán diêm, Ngữ văn 8, tập một, NXB Giáo dục, 2005)

Suy nghĩ của em về hai đoạn văn trên. Qua đó, em muốn nhắn gởi điều gì cho thế hệ trẻ hiện nay.

Câu 2( 12 điểm):

Thơ văn hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945- 1975 ngoài hình ảnh người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc còn mang nhịp thở của con người lao động mới.

Bằng những hiểu biết về văn học giai đoạn này, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

4. Đáp án đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 cấp tỉnh Quảng Ngãi

Câu 1 (8 điểm):

A. Yêu cầu về kĩ năng:

- Viết đúng kiểu bài nghị luận xã hội .

- Bài viết có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát có sức thuyết phục, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Bài viết trình bày được suy nghĩ, quan điểm của mình về hai đoạn văn trên, khuyến khích những bài viết có nhận thức bằng thực tế cuộc sống trải nghiệm của mình.

B. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày những suy nghĩ khác nhau, song cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

1- Nêu vấn đề nghị luận: Thói vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại là một thói xấu của con người, điều đó được phản ánh khá rõ nét trong cuộc sống và trong văn chương, cụ thể qua hai đoạn văn (theo đề bài).

2- Khẳng định: Có thể nói, cả hai đoạn văn đều phản ánh thói vô cảm, thờ ơ của con người trong xã hội.

2.1- Hiểu thế nào là thói vô cảm: Vô cảm là không có tình cảm, cảm xúc, sống khép mình, thờ ơ, lạnh nhạt với tất cả mọi người, mọi việc xung quanh.

2.2- Biểu hiện của thói vô cảm:

+ Trong văn chương: Thói vô cảm, thờ ơ của con người được phản ánh nhiều trong văn chương, cụ thể:

Đoạn 1: Nỗi đau và mất mát quá lớn mà hai anh em Thành, Thủy phải chịu đựng, nhất là với Thủy, em không còn quyền được học tập, vui chơi… Nhưng “ mọi người vẫn đi lại bình thường..” khiến “tôi” kinh ngạc. Sở dĩ Thành kinh ngạc vì em nhận ra sự lạnh lùng, vô cảm, dửng dưng của người đời…

Đoạn 2: Cái chết thương tâm của em bé bất hạnh, em đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa, giữa sự lạnh lùng vô cảm của người đời…

+ Trong cuộc sống: Cảnh mua bán, cướp giật; thái độ độc ác đối với trẻ em, với những người ăn xin, với những người gặp nạn…

2.3- Tác hại của thói vô cảm:

- Vô cảm là một thói xấu, có nguy cơ cho xã hội loài người, làm mất đi lối sống đạo đức, nhân nghĩa …của dân tộc, nhân loại lâu nay.

- Làm mất tinh thần đoàn kết, tinh thần tương trợ, “thương người như thể thương thân”.

2.4- Phê phán lối sống vô cảm: một số người chỉ biết vun vén cho cá nhân mà quay lưng lại với cộng đồng, chỉ biết chạy theo giá trị vật chất mà quên đi đạo lí “Lá lành đùm lá rách”… làm mất đi phẩm chất tốt đẹp của con người.

- Ca ngợi lối sống đúng đắn, biết yêu thương, quan tâm đến mọi người.

3 - Lời nhắn gởi với thế hệ trẻ hôm nay: Hãy nuôi dưỡng lòng nhân ái, sống có trách nhiệm và yêu thương nhiều hơn.....

4.

- Khẳng định, khái quát lại vấn đề.

- Xác định thái độ sống đúng đắn cho bản thân trong tập thể, cộng đồng, thể hiện niềm tin vào tương lai tốt đẹp của xã hội.

Câu 2 (12 điểm):

A. Yêu cầu về kĩ năng:

- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học, suy nghĩ về một nhận định có vận dụng phép lập luận chứng minh, giải thích…để giải quyết đề bài dưới dạng tổng hợp.

- Bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, chữ viết rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

B. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày bài viết khác nhau miễn là làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục người đọc. Với đề bài này, học sinh có thể giải quyết được những nội dung sau đây:

1. Nêu vấn đề nghị luận: Thơ văn hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945- 1975 ngoài hình ảnh người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc còn mang nhịp thở của con người lao động mới.

2.1. Giải thích nhận định: Hiện thực của đất nước ta từ 1945- 1975 là hiện thực của những cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại và công cuộc xây dựng cuộc sống mới đi lên CNXH. Hiện thực đó đã tạo nên cho dân tộc Việt Nam một vóc dáng nổi bật: vóc dáng người chiến sĩ luôn trong tư thế chủ động chiến đấu chống kẻ thù, vóc dáng con người lao động mới trong những ngày đầu tiến lên xây dựng XHCN.

Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động mới hòa quyện, tạo nên vẻ đẹp của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Và điều này làm nên hơi thở, sức sống của văn học giai đoạn 1945- 1975.

2.2. Chứng minh: Học sinh đưa dẫn chứng để làm rõ nhận định:

+ Hình ảnh người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc:

- Họ là những con người ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi: Đó là những người nông dân mặc áo lính trong bài Đồng chí của Chính Hữu, đó là những chàng trai trí thức trẻ trung tinh nghịch trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, đó là những cô gái thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê cho đến hình ảnh người mẹ trong Khúc hát ru… của Nguyễn Khoa Điềm. Họ có lòng yêu nước sâu sắc, có ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

- Hoàn cảnh sống chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ, thiếu thốn song họ luôn có tinh thần lạc quan và tình đồng chí, đồng đội cao đẹp.

+ Hình ảnh người lao động mới:

- Người lao động trong Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận mang nhịp thở tươi vui, hăm hở, hòa mình cùng trời cao, biển rộng. Đó là những con người mới mang tầm vóc lớn lao, phi thường, hăm hở ra khơi với tất cả sức trẻ và trí tuệ của mình, chủ động trong công việc “ Ra đậu dặm xa…”. Họ chiến đấu với muôn trùng sóng gió bằng nhiệt tình lao động, bằng niềm lạc quan tin tưởng vào công cuộc xây dựng CNXH. Đó là những con người sống có lí tưởng và tràn đầy niềm lạc quan. Họ thực sự tìm thấy niềm hạnh phúc trong công việc lao động đầy gian khổ của mình.

- Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long mang nhịp thở của người lao động mới với phong cách sống đẹp, suy nghĩ đẹp, sống có lí tưởng, say mê nhiệt tình trong công việc, quên mình vì cuộc sống chung, vô tư thầm lặng cống hiến hết mình cho đất nước.. Công việc, cuộc sống của họ âm thầm, bình dị mà cao đẹp, tuy lặp lại đơn điệu song họ rất nhiệt tình, say mê gắn bó với nó.Họ thực sự tìm thấy niềm hạnh phúc trong lao động, cống hiến.

2.3 - Đánh giá, bình luận:

- Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 đã đáp ứng được những yêu cầu của lịch sử và thời đại. Ở ngoài tiền tuyến khói lửa là hình ảnh của những người lính dũng cảm, kiên cường. Nơi hậu phương là những người lao động bình dị mang nhịp thở của thời đại mới. Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động đã kết tinh thành sức mạnh của con người và dân tộc Việt Nam thế kí XX.

- Các tác giả văn học thời kì này vừa là nhà văn, nhà thơ, vừa là người lính, người lao động cầm bút để ca ngợi về con người và dân tộc Việt Nam với niềm say mê và tự hào. Họ đã làm nên vẻ đẹp rạng ngời và sức sống mới mãnh liệt cho Văn học Việt Nam.

3. Khẳng định lại vấn đề nghị luận và nêu suy nghĩ hoặc liên hệ mở rộng của bản thân.

5. Đề thi học sinh giỏi Văn lớp 9 cấp tỉnh Thanh Hóa

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HOÁ

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH

Năm học: 2013-2014 Môn thi: NGỮ VĂN Lớp 9 - THCS

Ngày thi: 21 tháng 3 năm 2014

Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

Đề thi có 03 câu, gồm 01 trang.

Câu 1 (2.0 điểm)

Xác định và phân tích hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:

“Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh...”

(Trích Chợ Tết, Đoàn Văn Cừ, Thi nhân Việt Nam, NXBVH 1997)

Câu 2 (6.0 điểm)

Trong bài thơ Quê hương, Đỗ Trung Quân viết:

“ ...Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi...”

Từ ý thơ trên, em hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 01 trang) bày tỏ suy nghĩ của mình về quê hương.

Câu 3 (12.0 điểm)

Nhà văn Nguyễn Dữ đã kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương bằng chi tiết Vũ Nương hiện về gặp chồng rồi sau đó biến mất.

Có ý kiến cho rằng: giá như nhà văn để Vũ Nương trở về trần gian sống hạnh phúc cùng chồng con thì kết thúc của truyện sẽ có ý nghĩa hơn. Có người lại nhận xét: cách kết thúc của tác giả như vậy là hợp lí.

Suy nghĩ của em về hai ý kiến trên.

........................................

Do nội dung của bộ đề thi học sinh giỏi Ngữ văn 9 rất lớn, để xem chi tiết đầy đủ 50 đề mời các bạn sử dụng file tải về của Hoatieu.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
4 26.431
0 Bình luận
Sắp xếp theo