Đề tham khảo thi vào lớp 10 môn Văn 2025

Tải về

Đề minh họa Văn 2025 thi vào lớp 10 được Hoatieu chia sẻ trong bài viết sau đây bao gồm tổng hợp rất nhiều mẫu đề tham khảo thi vào lớp 10 môn Văn 2025 được biên soạn theo hướng cấu trúc mới có đáp án chi tiết sẽ là tài liệu ôn thi vào 10 môn Văn bổ ích cho các em học sinh. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Đề tham khảo Ngữ văn thi vào 10 - đề 1

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 NĂM HỌC 2025-2026

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút (không tính thời gian phát đề)

Đề này gồm có 02 phần, in trong 03 trang

I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

GA TÀU TUỔI THƠ

(Lược đoạn đầu: Tôi rất sợ những buổi chiều thu im ắng, bàng bạc trôi qua cuộc đời mình. Nó gợi nhớ cho tôi về những tháng năm tuổi thơ chiều nào cũng ra ngõ ngóng những chuyến tàu ngược chở nặng niềm mong mỏi […] Khi ấy mẹ tôi bị bệnh nặng, bố gói ghém tất cả gia tài và tình yêu đưa mẹ lên chuyến tàu xuôi xuống Hà Nội chữa bệnh, nhà chỉ còn ba anh em chăm nhau.)

Ở ngõ nhà tôi có một cây bạch đàn to, mỗi hôm ra ngóng bố mẹ tôi lại lấy mảnh trai cứa lên thân cây một vạch. Cho đến buổi chiều hôm ấy anh tôi đếm trên thân cây thấy vừa tròn mười lăm vạch. Chiều ấy khi trời đã tối hẳn, anh tôi đã dắt thằng út em vào nhà, tôi vẫn còn đứng nán lại nhìn một lần nữa phía con đường mòn. Tôi bỗng hét lên sung sướng vì đã nhìn thấy bóng dáng thân quen của bố mẹ đang đi về phía chúng tôi. Buổi chiều muộn ấy là một buổi chiều tràn ngập niềm vui, thằng út em sà vào vòng tay, dụi dụi vào ngực mẹ như nó vẫn còn nhớ mùi hương của sữa. Anh cả vừa hát vừa nhảy chân sáo đi đằng sau. Bố công kênh tôi trên đôi vai đã gầy sọp đi vì vất vả. Tối ấy cả nhà trải chiếu ra giữa sân ngập tràn ánh trăng, mẹ lại hát ru em ngủ, bố kể nốt câu chuyện cổ tích ‘‘Cây khế’’ còn dang dở 15 ngày trước…

Rồi khi em út tôi bị ung nhọt mọc đầy người, bố mẹ lại một lần nữa gồng gánh niềm tin xuôi tàu về Hà Nội. Nhà chỉ còn hai anh em chăm nhau nhưng vẫn không quên chiều chiều lại ra ngõ ngóng. Mấy đứa trẻ con trong xóm chơi bắn bi với tôi bị thua nên ghét tôi lắm, cứ chiều thấy anh em tôi ra ngõ là chúng lại xúm vào trêu rất ác: ‘‘Đồ mồ côi! Anh em nhà mồ côi bị bố mẹ bỏ rơi. Ê ồ! Ê ồ!’’ Tôi vừa gào khóc vừa nhặt đất đá ném lũ trẻ. Anh cả cõng tôi trên lưng đi về phía con đường mòn, chúng tôi cứ đi từ khi mặt trời bắt đầu xuống núi đến khi tôi mỏi mắt cũng không nhìn rõ hướng đi. Lúc ấy tôi khóc khản cả cổ còn anh trai thì luôn miệng dỗ dành:

- Em gái ngoan nào, để anh cõng em đi tìm bố mẹ đi tìm em út nhé. Rồi mai anh đi hái quả đùm đũm chín mọng đỏ cho ăn nhé.

Đấy là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy ga tàu, hai đứa trẻ con cõng nhau đứng lọt thỏm giữa sân ga im ắng, khách xuống tàu đã về hết tự lúc nào. Anh tôi đứng lặng rất lâu, tôi thấy có vài giọt nước ấm rơi xuống đôi bàn tay đang bá vào cổ anh. Tôi biết là anh đang khóc, nhưng sau đó anh lại xốc tôi lên và cõng quay trở lại con đường mòn khi nãy.

Tôi không thể nhớ nổi có biết bao buổi chiều đã đi qua cuộc đời chúng tôi buồn bàng bạc như thế. Bởi em tôi bệnh rất nặng, phải mấy năm sau em mới thật sự khỏi bệnh. Trong lúc bố mẹ tôi gồng gánh trên đôi vai mình những gian nan, vất vả chạy chữa khắp nơi để cứu lấy sinh mạng em tôi, thì anh trai đã phải lớn lên trước tuổi để che chở, bao bọc thứ niềm tin nhỏ bé trong tôi. Từ tình yêu thương đó tôi lớn lên từng ngày một, tôi hiểu ra rằng những chuyến đi của bố mẹ có ý nghĩa lớn lao như thế nào, tôi cũng hiểu rằng anh cả là một người anh thật tuyệt vời. Lúc bố mẹ vắng nhà anh đã đứng vững, đã làm cái “nóc nhà” để che chở vỗ về và cả tha thứ cho bầy em bé nhỏ của mình.

Cho đến mãi sau này tôi cũng không bao giờ quên những buổi chiều anh trai tôi dắt tôi ra ngõ ngóng người thân trở về. Cây bạch đàn ở ngõ đã bao lần thay vỏ, những vết khắc năm xưa đã không còn nữa nhưng vết khắc tuổi thơ thì vẫn luôn hằn trong tâm trí chúng tôi. Để sau này khi dòng xoáy cuộc đời có cuốn chúng tôi về đâu đi nữa thì những buổi chiều ngang qua cuộc đời sẽ giúp tôi tìm về nguồn cội để biết yêu thương và được yêu thương thật nhiều trong vòng tay ấm áp của gia đình.

(Theo Vũ Thị Huyền Trang, Ga tàu tuổi thơ, báo Tài hoa trẻ, số 750 ngày 15.02.2012)

* Chú thích : Thị Huyền Trang là cây bút trẻ viết khỏe nhất với hơn 300 truyện ngắn, 200 tản văn và 100 bài thơ. Cô cũng là người “hăng” gửi bài nhất, kể cả những tờ tạp chí địa phương, tạp chí ngành, vậy nên tần suất bài cô được đăng cũng đáng nể. Phải cố gắng để vượt lên sự mỏi mòn của cái nghèo nơi quê hương, sự khó khăn của những năm tháng theo học đại học, để rồi bằng sự bứt phá, cô đã có thể tự tin sống bằng ngòi bút của mình. Trang viết chủ yếu bằng ký ức của mình. Dòng ký ức tuôn chảy như lúc nào cũng chực chờ vỡ òa, nhất là khi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của một cô gái luôn thấy mình lạc lõng giữa thành phố nhộn nhịp càng thôi thúc cô viết như một cách giải tỏa cảm xúc, để trấn an mình, vỗ về những nỗi hoang mang luôn thường trực trong mình.

Học sinh trả lời các câu hỏi:

Câu 1. (1 điểm) Câu chuyện trên được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ mấy? Truyện được kể theo điểm nhìn của nhân vật nào?

Câu 2. (1 điểm) Theo văn bản, gia đình của “tôi” gồm có những ai? Nội dung chính của truyện kể về điều gì?

Câu 3. (1 điểm) Theo em, hành động lấy mảnh trai cứa lên thân cây” thể hiện tâm trạng gì của nhân vật?

Câu 4. (1 điểm) Từ tình cảm của người anh dành cho em gái, em hãy rút ra bài học ứng xử có ý nghĩa nhất cho bản thân.

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ ngữ liệu phần Đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 250 chữ) phân tích một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện ngắn “Ga tàu tuổi thơ” của tác giả Vũ Thị Huyền Trang.

Câu 2 (4,0 điểm)

NHẬN THỨC RÕ MẶT TIÊU CỰC

Sinh ra trong thời đại công nghệ số, Minh Khôi có điều kiện tiếp xúc với các thiết bị công nghệ từ sớm. Từ năm học lớp 5, Khôi đã được sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Bên cạnh việc học tập, liên hệ và tương tác trên mạng xã hội, bạn trẻ này thừa nhận bị mất nhiều thời gian cho việc giải trí vô bổ qua các trận game hay những lần lướt mạng xã hội. "Dù biết rõ tác hại của việc sử dụng công nghệ không đúng cách và cũng tự dặn lòng không được chơi game quá lâu, chỉ chơi mỗi lần một ván để giải trí hoặc chỉ lướt mạng xã hội trong thời gian ngắn nhưng chưa bao giờ em làm được" - Khôi thừa nhận.

Nói về những tác động tiêu cực khi sử dụng công nghệ không đúng cách, thạc sĩ - nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho biết tác động đầu tiên là ảnh hưởng đến khả năng đọc dài và đọc sâu của giới trẻ. Đa phần những nội dung trên mạng xã hội và các ứng dụng công nghệ đều ở dạng ngắn, nhanh. Điều này khiến bạn trẻ không thể tiếp nhận những tri thức sâu sắc và thật sự chất lượng. Hơn nữa, việc đọc nhanh, đọc vội cũng khiến bạn trẻ dễ rơi vào bẫy tin giả.

Theo bà Uyên Phương, dùng công nghệ không đúng cách còn khiến bạn trẻ dễ rơi vào trạng thái bồn chồn, thường xuyên sinh ra cảm giác buồn chán, không tìm thấy ý nghĩa của đời sống hằng ngày. Song chuyên gia này phân tích bên cạnh những mặt tiêu cực, công nghệ mang đến nhiều tiện ích cho cuộc sống. "Sự hiện diện của công nghệ trong mỗi khoảnh khắc đời sống của chúng ta. Thế giới trên mạng xã hội là ảo nhưng nó lại rất thật và quan trọng với đời sống hằng ngày của bạn trẻ" - bà Uyên Phương nhận định.

(Theo Trúc Vũ - Tuổi trẻ làm chủ công nghệ - Báo Người lao động - 16/06/2023 05:08)

Ở góc nhìn tuổi trẻ và cách tiếp cận thông tin trên mạng xã hội. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) nêu suy nghĩ của em về vấn đề cần giải quyết trên.

------------Hết--------------

HƯỚNG DẪN CHẤM

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút (không tính thời gian phát đề)

(Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I. Đọc hiểu

( 4,0 điểm)

1

Truyện được kể theo ngôi thứ nhất.

Truyện được kể theo điểm nhìn của nhân vật Tôi.

0.5 điểm

0.5 điểm

2

Theo văn bản, gia đình “ tôi” gồm có : Bố, mẹ, anh trai, nhân vật tôi , em út

Nội dung chính của truyện: Những ký ức của “tôi” về gia đình, về những buổi chiều ra ngõ ngóng người thân trở về.

0.5 điểm

0.5 điểm

3

Hành động lấy mảnh trai cứa lên thân cây” thể hiện tâm trạng chờ đợi, nhớ mong bố mẹ của nhân vật.

1.0 điểm

4

Từ tình cảm của người anh dành cho em gái, anh/chị hãy rút ra bài học ứng xử có ý nghĩa nhất cho bản thân:

- Tình cảm của người anh: che chở, vỗ về, tha thứ cho em nhỏ

- Học sinh tự rút bài học ứng xử cho bản thân:

Gợi ý: Phải biết yêu thương, chăm sóc, che chở, nâng đỡ người thân của mình.

(Học sinh có thể rút ra bài học ứng xử khác nhau. Tuy nhiên bài học cần hợp lí, tích cực)

1.0 điểm

II. Viết

( 6,0 điểm)

1

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 250 chữ) phân tích một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện ngắn

2.0 điểm

* Yêu cầu về hình thức, kĩ năng: Đảm bảo đoạn văn nghị luận có bố cục mạch lạc, sử dụng linh hoạt các kiểu câu và có sự liên kết chặt chẽ giữa các câu, các ý trong đoạn văn. Có cách diễn đạt trong sáng độc đáo, thể hiện những suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25 điểm

Yêu cầu về kiến thức: Học sinh nêu được cảm nghĩ của mình khi đọc văn bản truyện HS có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý chính sau:

- Phân tích các nghệ thuật tự sự đặc sắc của tác phẩm.

+ Chọn ngôi kể thứ nhất: Nhân vật “tôi” mang dáng dấp tác giả, là loại nhân vật vừa khách quan vừa chủ quan; trực tiếp bộc bạch nỗi lòng.

+ Điểm nhìn nghệ thuật: từ điểm nhìn của nhân vật Tôi

+ Đặt nhân vật rơi vào một tình thế khiến nhân vật giác ngộ (tình huống nhận thức): Bố mẹ mang em út đi chữa bệnh, nhà chỉ còn hai anh em chăm nhau, chiều chiều ra ngõ ngóng bố mẹ, bị lũ trẻ con trong xóm trêu chọc, anh cõng em đi tìm bố mẹ, anh đã là cái “nóc nhà” để che chở, vỗ về và tha thứ cho bầy em bé nhỏ của mình.

+ Cốt truyện đơn giản kể về những chuyến đi của bố mẹ và những buổi chiều ra ngõ ngóng trông người thân trở về , văn phong nhẹ nhàng mà thấm thía

+ Ngôn từ giản dị, hiện đại, mang đậm hơi thở cuộc sống

- Đánh giá:

+ Đánh giá về các phương diện nghệ thuật trong việc góp phần làm nên vẻ đẹp của tác phẩm: câu chuyện kể về những ký ức tuổi thơ đã khắc sâu trong tâm trí của nhân vật tôi; thông qua những ký ức đó, hiểu được tình cảm các thành viên trong gia đình dành cho nhau; ngợi ca tình cảm gia đình, tầm quan trọng của gia đình.

+ Đánh giá về tài năng và phong cách của nhà văn: Nghệ thuật tự sự của truyện ngắn đã góp phần tô đậm nét riêng trong phong cách nghệ thuật của nhà văn Vũ Thị Huyền Trang.

0,25 điểm

1,0 điểm

0,25 điểm

Có sự sáng tạo trong cách viết

0,25 điểm

2

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) nêu suy nghĩ của em về vấn đề tuổi trẻ và cách tiếp cận thông tin trên mạng xã hội.

4.0 điểm

* Yêu cầu hình thức, kĩ năng:

- Học sinh biết tạo lập một bài văn nghị luận văn học đảm bảo đủ cấu trúc 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

0,25 điểm

Yêu cầu về nội dung kiến thức:

- Xác định được đúng vấn đề nghị luận: vấn đề tuổi trẻ và cách tiếp cận thông tin trên mạng xã hội.

- Triển khai vấn đề nghị luận: Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, có sức thuyết phục; sử dụng tốt các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- HS có thể triển khai theo những cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

0,25 điểm

a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề: tuổi trẻ và cách tiếp cận thông tin trên mạng xã hội.

0,25 điểm

b.Thân bài

1. Giải thích vấn đề

- Mạng xã hội là một hệ thống trực tuyến cho phép người dùng kết nối, tương tác và chia sẻ thông tin, hình ảnh, video ...

- Ngày nay, mạng xã hội đã trở nên phổ biến và quen thuộc với giới trẻ thông qua các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok, Twitter và nhiều ứng dụng khác.

- Mạng xã hội không chỉ cung cấp các thông tin giải trí mà còn là nơi cập nhật tin tức, sự kiện trong và ngoài nước, cung cấp các tài liệu học tập và mở ra nhiều cơ hội giao lưu, kết bạn.

2.Giải quyết vấn đề:

- Việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho giới trẻ.

+ Mạng xã hội giúp họ tiếp cận thông tin nhanh chóng và đa dạng.

+ Ngoài ra, mạng xã hội còn giúp giới trẻ mở rộng kiến thức và kỹ năng.

+ Mạng xã hội giúp giới trẻ dễ dàng kết bạn, tham gia các cộng đồng, nhóm sở thích và thảo luận về những vấn đề mà họ quan tâm.

-Bên cạnh những lợi ích, việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức và rủi ro cho giới trẻ nhất là khi họ tiếp cận thông tin thiếu chọn lọc.

+ MXH có thể đưa giới trẻ tiếp cận với những thông tin sai lệch, tin giả

+ Nhiều thông tin trên mạng xã hội hàm chứa nội dung độc hại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhận thức và hành động của người trẻ.

+ Việc tiếp cận thông tin không có chọn lọc có thể dẫn đến việc lan truyền tin giả và thông tin không chính xác .

+ Ngoài ra, mạng xã hội cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của giới trẻ

+ Việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội có thể hưởng tiêu cực đến nhận thức của giới trẻ .

- HS lấy dẫn chứng phù hợp

3. Bàn luận mở rộng

- Một bộ phận giới trẻ ngày nay tiếp cận thông tin trên mạng xã hội rất thiếu chọn lọc.

- Một số nước phát triển trên thế giới đã áp dụng biện pháp lọc nội dung nhạy cảm như khiêu dâm, tội phạm mạng, hoặc các nội dung khủng bố, phân biệt chủng tộc, chia rẽ tôn giáo để đảm bảo tính lành mạnh, chính xác về thông tin trên mạng xã hội cũng như bảo vệ người dùng.

- Tại Việt Nam, những năm gần đây, cơ quan an ninh mạng cũng đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế việc đăng tin thiếu lành mạnh.

4. Giải pháp, bài học

+ Quan trọng nhất là giới trẻ cần học cách phân biệt thông tin đúng sai và kiểm chứng nguồn gốc trước khi tin tưởng và chia sẻ.

+ Thay vì chia sẻ ngay lập tức các bài viết hoặc thông tin mà mình đọc được, giới trẻ nên dành thêm thời gian để đọc và suy ngẫm nội dung của chúng trước khi quyết định chia sẻ.

+ Thay vì chỉ là người tiêu thụ thông tin, giới trẻ có thể chủ động tham gia vào việc tạo ra nội dung mang tính xây dựng và tích cực trên mạng xã hội.

0,25 điểm

0,5 điểm

0,5 điểm

0,5 điểm

0,5 điểm

c. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề

- Liên hệ bản thân

0,25 điểm

- Bài viết có luận điểm rõ ràng, lập luận thuyết phục, diễn đạt trong sáng, bài viết thể hiện được sự sáng tạo, độc đáo riêng.

- Chữ viết sạch đẹp, rõ ràng, văn phong lưu loát; không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ, đặt câu.

0,25 điểm

Đề tham khảo Ngữ văn thi vào 10 - đề 2

KỲ TUYỂN SINH LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2025-2026 KHOÁ NGÀY NĂM 2026

Môn thi: Ngữ văn

Ngày thi: ….tháng năm 2026

Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)

CHỦ ĐỀ: THÔNG ĐIỆP YÊU THƯƠNG

I.  ĐỌC- HIỂU: (3,0 điểm)

Học sinh đọc truyện ngắn sau và trả lời những yêu cầu bên dưới:

NHỮNG BÔNG HOA HÌNH TRÁI TIM

Tác giả: Võ Thu Hương

Phía sau lưng nhà Chi một đồi hoa rất đẹp. Mẹ kể, ngày mẹ như Chi bây giờ, đồi hoa ấy rộng thênh thang, hương thơm ngan ngát đi cách xa gần cây số vẫn còn nghe. Mỗi dịp xuân về tết đến, du khách, thương khách rộn rịp vào ra đồi hoa rất vui. Từng chuyến xe hoa nối nhau thành dải cầu vồng lung linh tuyệt đẹp vòng qua lưng đồi theo chân những chị, những hàng hoa ra phố. Giờ người ta chuộng hoa hồng Đà Lạt, hoa cúc Nội… những loại hoa chân phương như đồi hoa sau lưng nhà dần bị quên dần. Hơn thế, ở phố, càng ngày tấc đất càng hóa tấc vàng, đất trồng hoa thu nhỏ dần, nhỏ dần. Vậy bây giờ đồi hoa ấy teo, nằm lọt thỏm trong lòng phố. Chính xác thì đồi hoa năm xưa chỉ còn là vườn hoa lọt thỏm giữa nhà cao nhà thấp. Dường như chỉ dăm ba ngày kề cận Tết về, người ta mới nhớ đến sự có mặt của vườn hoa ấy. Còn có duy nhất một vườn hoa không hề suy suyển là vì có một người không hề biết đất là vàng. Ông cũng không biết cả làng hoa đã không trồng hoa như ngày xưa nữa. Mắt ông Ngọc bị mù. Hàng ngày ông vẫn lom khom xách bình nước lên trên khoảnh đất trồng hoa của mình tưới hoa.

Chi và đám bạn vẫn thường lang thang loanh quanh vườn hoa ông Ngọc. Ông Ngọc thật tài, ông không nhìn được nhưng chẳng cần gió thoảng qua ông cũng nói vanh vách trúng như thần rằng hôm nay hoa hồng nhung nở nhiều hay hồng bạch nở nhiều? Cúc hay thược dược nở nhiều… Mỗi loài hoa có một hương thơm khác nhau, như mang một mật ngữ khác nhau. Chỉ cần yêu hoa sẽ hiểu được. Khi Chi thắc mắc, ông Ngọc giải thích như thế, gương mặt ông rất tươi vui.

Đám trẻ yêu hoa quyết tâm “nghe” bằng được mật ngữ của hoa. Chúng đến hàng ngày theo chân ông ra vườn giúp ông tưới nước. để học “nghe” mật ngữ hoa, chúng hít thật sâu từng hương hoa, học thuộc tên từng loài hoa trong vườn. Khi đã thuộc hết tên loài hoa, chúng… nhắm mắt theo ông Ngọc để đoán hương hoa. Mỗi ngày thêm một chút kinh nghiệm, giờ thì Chi cũng đã thể đoán trúng phóc hôm nay hoa nào nở góc vườn nào. Nhưng phải cần quyền trợ giúp từ gió. Không gió vẫn đoán trúng tài tình như ông Ngọc thì cả đám không thể làm được.

Hoa ông Ngọc trồng thường ít bán cho khách lạ, hầu như chỉ bán cho khách quen. Có lẽ vì khách quen không ai nỡ lừa ông. Ông bán hoa theo bó. Một hoa cúc 5000 đồng. Một hoa hồng 10.000 đồng…Người ngay thương ông, chỉ hái mỗi tầm 5 - 10 bông, khi bỏ vào cả 20.000 đồng không đòi tiền thối. Kẻ gian vội quơ cào cả vạt hoa không thương tiếc. Chỉ cốt sao càng nhiều hoa càng hời không nghĩ tới ông lão đôi mắt mờ câm mờ điếc đứng xa xa với tâm hồn tủi buồn.

Những điều ấy thể lọt qua mắt ông Ngọc nhưng không thể lọt qua mắt Chi đám bạn. Mấy lần lang thang dạo quanh vườn hoa, cả đám đã rất bất bình bàn nhau kế hoạch lên thời gian biểu trực vườn hoa.

- Thay cả đám lang thang vườn hoa tùy hứng như trước đây, giờ tụi mình chia lịch lên vườn hoa nhen? Có như vậy mình mới giúp ông Ngọc canh chừng vườn hoa được. - Duy mập nói, giọng nghiêm trọng.

Cả đám đương nhiên đồng ý. Lịch chia ra dựa trên những buổi, ngày rảnh rỗi, được nghỉ học. Vườn ông Ngọc luôn luôn một trợ nhí đắc lực bên cạnh ông. Trợ ấy luôn cười khì hỉnh mũi khi ông giới thiệu: “Cháu tôi đấy”. Trợ lí nhí thấy mình oai lắm khi la to: “Đủ rồi cô/ chú ơi” lúc có khách nào lỡ tay hái nhiều quá. Ông Ngọc đứng góc vườn, vẻ mặt tươi vui khóe miệng rung rung cười mỉm.

Mẹ nói, đẹp nhất trong vườn ông Ngọc không phải hoa hồng hay hoa huệ những bông hoa hình trái tim. Bông hoa hình trái tim ấy còn có tên rất chi là ngộ nghĩnh: Duy mập, Chi toét, Thịnh còi… Những bông hoa hình trái tim ấy vừa nở rất thắm tươi trong vườn xuân năm nay. Và vì thế, với mẹ, chẳng phải là hoa cúc Hà Nội, hoa hồng Đà Lạt đẹp nhất, mà chính là những đóa xuân ngời trong vườn hoa nhỏ tưởng như bị bỏ quên giữa lòng phố sá.

(Nguồn http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/chum-truyen-thieu-nhi-cua-nha-van-vo-thu-huong- 1581156085.html)

1. Emhãy cho biết ngôi kể và nhân vật chính trong truyện. (0,5 điểm)

2. Nhữngđứa trẻ trong câu truyện trên hiện lên với những phẩm chất nào? (0,5 điểm)

3. Xácđịnh biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp ấy trong câu sau: (1,0 điểm)

“Những bông hoa hình trái tim ấy vừa nở rất thắm tươi trong vườn xuân năm nay”

4. Em có đồng tình với câu nói của người mẹ trong truyện “đẹp nhất trong vườn ông Ngọc không phải là hoa hồng hay hoa huệ mà là những bông hoa hình trái tim. Bông hoa hình trái tim ấy còn có tên rất chi là ngộ nghĩnh: Duy mập, Chi toét, Thịnh còi… Những bông hoa hình trái tim ấy vừa nở rất thắm tươi trong vườn xuân năm nay.” Hãy trả lời bằng đoạn văn từ 4 đến 6 dòng. (1,0 điểm)

II. PHẦN VIẾT (7,0 điểm)

1. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) phân tích tác phẩm “Những bông hoa hình trái tim” của VõThu Hương. (2,0 điểm)

2.  Đọcđoạn văn sau và thực hiện những yêu cầu bên dưới: (5,0 điểm)

“Hãy quan tâm đến những người thân trong gia đình, trong cộng đồng, dành thời gian nhiều hơn cho hoạt động hội, sẻ chia với những người hoàn cảnh khó khăn... Những hành động tưởng như rất nhỏ này đều có thể tạo ra năng lượng yêu thương, tạo ra những hạt giống hạnh phúc cho cuộc đời.”

(Trích nguồn https:// www.qdnd.vn/cung-ban-luan/hay-yeu-thuong-va-chia-se-569067)

Lại có ý kiến cho rằng “Để nhìn đúng và tích cực, cách chọn lọc thông tin để tiếp nhận đóng vai trò quan trọng. Thay vì cập nhật những thông tin về các vấn đề tiêu cực, chúng ta hãy chia sẻ thông tin về những điều tử tế trong cuộc sống. Đó là cách “lan tỏa yêu thương” để mọi người củng cố niềm tin và có thái độ sống tích cực.”

(Trích nguồn https://thanhnien.vn/hay-chia-se-dieu-tu-te-tren-mang-de-lan-toa-yeu-thuong-185588265.htm)

Từ những ý kiến trên ta thấy yêu thương xuất phát từ những hành động giản đơn. Vậy em chọn cách nào để lan toả yêu thương trong hai ý kiến trên? Từ ý kiến trên em hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) với nhan đề “Cuộc sống cần yêu thương”.

---Hết---

Phần

Phần

Nội dung

Điểm

Đọc hiểu

1

Em hãy cho biết ngôi kể và nhân vật chính trong truyện

Gợi ý:

- Ngôi kể: thứ ba

- Nhân vật chính: những đưa trẻ (Chi, Duy, Thịnh) (Mỗi ý đúng 0,25 điểm)

0,5

2

Những đứa trẻ trong câu truyện trên hiện lên với những phẩm chất nào?

Gợi ý:

- Yêu thiên nhiên

- Lòng nhân ái

0,5

3

Xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp ấy trong câu sau:

“Những bông hoa hình trái tim ấy vừa nở rất thắm tươi trong vườn xuân năm nay”

Gợi ý:

- Biện pháp tu từ ẩn dụ: những bông hoa hình trái tim

- Tác dụng: Hình ảnh đẹp của những đứa trẻ ngoan, có lòng nhân hậu. Tạo hình ảnh và cảm xúc cho văn bản.

1,0

4

Em có đồng tình với câu nói của người mẹ trong truyện “đẹp nhất trong vườn ông Ngọc không phải là hoa hồng hay hoa huệ mà là những bông hoa hình trái tim. Bông hoa hình trái tim ấy còn có tên rất chi là ngộ nghĩnh: Duy mập, Chi toét, Thịnh còi… Những bông hoa hình trái tim ấy vừa nở rất thắm tươi trong vườn xuân năm nay”

Hãy trả lời câu hỏi trên bằng một đoạn văn 4 đến 6 dòng.

Gợi ý

- Đồng tình với ý kiến của người mẹ vì đây là những đứa trẻ ngoan, hiểu chuyện, đáng yêu;

- Cuộc sống sẽ đẹp hơn khi có những trái tim biết yêu thương.

(HS có thể tìm đáp án khác nhưng chính xác GV thẩm định cho điểm)

1,0

Viết

1

Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) phân tích tác phẩm “Những bông hoa hình trái tim” của Võ Thu Hương.

2,0

Hướng dẫn chấm

1. Đảm bảo các yêu cầu chung:

- Xác định đúng kiểu bài: nghị luận văn học.

- Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.

0,5

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lẽ dẫn chứng.

1,5

Về nội dung

Phân tích được nội dung chủ đề, nêu và phân tích được tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật đối với việc thể hiện nội dung.

Về hình thức

Lập luận chặt chẽ, có bằng chứng tin cậy từ tác phẩm, diễn đạt mạch lạc, sử dụng các phương tiện liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận của văn bản.

Bố cục

+ Mở bài: giới thiệu về tác phẩm văn học (tên tác phẩm, tác giả), nêu ý kiến khái quát về chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

+ Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm làm nổi bật chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong tác phẩm và tác dụng của nó đối với việc thể hiện nội dung tác phẩm.

+ Kết bài: khẳng định lại ý kiến về chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm; nêu suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm cá nhân hoặc bài học rút ra từ tác phẩm.

Kĩ năng trình bày, diễn đạt

- Sắp xếp luận điểm, lí lẽ, bằng chứng hợp lí

- Diễn đạt rõ ràng, gãy gọn

- Sử dụng các từ ngữ, câu văn tạo sự gắn kết giữa các luận điểm, giữa bằng chứng với lí lẽ và bảo đảm mạch lạc cho bài viết.

2

Từ những ý kiến trên ta thấy yêu thương xuất phát từ những hành động giản đơn. Vậy em chọn cách nào để lan toả yêu thương trong hai ý kiến trên? Từ ý kiến trên em hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) với nhan đề “Cuộc sống cần yêu thương”.

5,0

HS chọn cách để lan toả yêu thương và lí giải lí do

(HS trả lời phù hợp, thuyết phục. GV thẩm định cho điểm)

1,0

Hướng dẫn chấm

1. Đảm bảo các yêu cầu chung:

- Xác định đúng kiểu bài: nghị luận văn học.

- Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.

0,5

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lẽ dẫn chứng.

3,5

Mở bài

Nêu vấn đề xã hội cần nghị luận

Nêu tính cấp thiết của vấn đề

Thân bài

Trình bày và làm rõ ý kiến qua ít nhất hai

luận điểm chính

Xem xét vấn đề từ nhiều phía

Thể hiện nhận thức, quan niệm, thái độ, lập trường của người viết về vấn đề nghị luận

(trước các biểu hiện đúng/ sai/ tốt/ xấu, …)

Làm sáng tỏ vấn đề bằng các lí lẽ và bằng

chứng

Hướng đến nhận thức chung hoặc nêu giải pháp cho vấn đề

Kết bài

Khẳng định lại vấn đề, ý kiến đã trình bày

Nêu ý nghĩa thực tiễn của vấn đề

Kĩ năng trình bày, diễn đạt

Sắp xếp luận điểm, lí lẽ, bằng chứng hợp lí

Diễn đạt rõ ràng, gãy gọn

Sử dụng các từ ngữ, câu văn tạo sự gắn kết giữa các luận điểm, giữa bằng chứng với lí

lẽ và bảo đảm mạch lạc cho bài viết.

Đề tham khảo Ngữ văn thi vào 10 - đề 3

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

(Tóm tắt phần đầu: Từ Thức làm quan Tri huyện Tiên Du, nhân một buổi xem hội hoa mẫu đơn mà cứu giúp một người con gái đẹp. Vì tính ham thơ mến cảnh nên chàng đã từ quan mà chọn sống chốn nước biếc non xanh. Một hôm Từ Thức mải vãn cảnh mà lạc vào động tiên, gặp lại người con gái mà chàng đã cứu hôm đi hội, mới biết hóa ra cô gái đó chính là nàng tiên Giáng Hương, con của bà tiên cai quản vùng núi Phù Lai, động tiên thứ 6 trong 36 động tiên bồng bềnh ngoài biển cả. Để báo đáp ơn cứu mạng trước kia, phu nhân đã tác hợp cho Từ Thức và Giáng Hương nên duyên vợ chồng trong sự chúc phúc của quần tiên.)

Nhưng từ khi chàng bỏ nhà đi thấm thoát đã được một năm, ao sen đã đổi thay mầu biếc. Những đêm sương sa gió thổi, bóng trăng sáng nhòm qua cửa sổ, tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng, một mối buồn bâng khuâng, quấy nhiễu khiến không sao ngủ được. Một hôm trông ra bể, thấy một chiếc tàu buôn đi về phương nam, Từ trỏ bảo Giáng Hương rằng:

- Nhà tôi đi về phía kia kìa, song biển cả trời xa, chẳng biết là ở tận đâu.

Rồi nhân lúc rỗi, chàng nói với nàng rằng:

- Tôi bước khách bơ vơ, lòng quê bịn rịn, lệ hoa thánh thót, lòng cỏ héo hon, dám xin thể tình mà cho được tạm về, chẳng hay ý nàng nghĩ thế nào?

Giáng Hương bùi ngùi không nỡ dứt. Từ lang nói:

- Tôi xin hẹn trong một thời kỳ bao nhiêu lâu, để về cho bạn bè gặp mặt và thu xếp việc nhà cho yên, sẽ lại đến đây để với nàng cùng già ở chỗ làng mây bến nước.

Giáng Hương khóc mà nói:

- Thiếp chẳng dám vì tình phu phụ mà ngăn cản mối lòng quê hương của chàng. Song cõi trần nhỏ hẹp, kiếp trần ngắn ngủi, dù nay chàng về, nhưng chỉ e liễu sân hoa vườn, không còn đâu cảnh tượng như ngày trước nữa.

Nàng nhân thưa với phu nhân, phu nhân nói:

- Không ngờ chàng lại thắc mắc vì mối lòng trần như vậy.

Nhân cho một cỗ xe cẩm vân để chàng cưỡi về. Nàng cũng đưa cho chàng một bức thư viết vào lụa mà nói:

- Ngày khác trông thấy vật này, xin đừng quên mối tình cũ kĩ..

Rồi trào nước mắt mà chia biệt.

Chàng đi chỉ thoắt chốc đã về đến nhà, thì thấy vật đổi sao dời, thành quách nhân gian, hết thảy đều không như trước nữa, duy có những cảnh núi khe là vẫn không thay đổi sắc biếc màu xanh thủa nọ. Bèn đem tên họ mình hỏi thăm những người già cả thì thấy có người nói:

- Thuở bé tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất đến nay đã hơn 80 năm, nay đã là năm thứ 5 niên hiệu Diên Ninh là đời ông vua thứ ba của triều Lê rồi.

Chàng bấy giờ mới buồn bực bùi ngùi; muốn lại lên xe mây để đi, nhưng xe đã hóa làm một con chim loan mà bay mất. Mở thư ra đọc, thấy có câu: "Kết lứa phượng ở trong mây, duyên xưa đã hết, tìm non tiên ở trên biển, dịp khác còn đâu!" mới biết là Giáng Hương đã nói trước với mình những lời ly biệt. Chàng bèn mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoành Sơn, rồi sau không biết đi đâu mất.

(Trích Từ Thức lấy vợ tiên, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, in trong cuốn Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn, NXB Giáo dục, 1997, tr 259 - 260)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Chỉ ra không gian và thời gian trong đoạn trích trên.

Câu 2. Chỉ ra lời của nhân vật, lời của người kể chuyện trong những câu văn sau:

Nhưng từ khi chàng bỏ nhà đi thấm thoát đã được một năm, ao sen đã đổi thay mầu biếc. Những đêm sương sa gió thổi, bóng trăng sáng nhòm qua cửa sổ, tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng, một mối buồn bâng khuâng, quấy nhiễu khiến không sao ngủ được. Một hôm trông ra bể, thấy một chiếc tàu buôn đi về phương nam, Từ trỏ bảo Giáng Hương rằng:

- Nhà tôi đi về phía kia kìa, song biển cả trời xa, chẳng biết là ở tận đâu.

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của yếu tố kì ảo trong đoạn trích.

Câu 4. Anh/Chị hãy lí giải sự lựa chọn của Từ Thức ở cuối đoạn trích: Chàng bèn mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoành Sơn, rồi sau không biết đi đâu mất.

Câu 5. Rút ra một thông điệp ý nghĩa nhất và lí giải.

II. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1: Nghị luận văn học (2 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) nhận xét nét đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích ở ngữ liệu Đọc hiểu

Câu 2: Nghị luận xã hội (4 điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: tình trạng chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn ở nước ta hiện nay.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

4,0

1

- Không gian trong đoạn trích: đan xen giữa cõi trần và cõi tiên.

+ Cõi trần: huyện Tiên Du, quê cũ của Phạm Tử Hư.

+ Cõi tiên: vùng núi Phù Lai – động tiên thứ 6 trong 36 động tiên bồng bềnh ngoài biển cả.

- Thời gian: kết hợp thời gian thực và thời gian kì ảo

+ Thời gian thực: năm thứ 5 niên hiệu Diên Ninh, đời ông vua thứ ba triều Lê.

+ Thời gian kì ảo: Từ Thức ở động tiên khoảng một năm nhưng ở cõi trần đã hơn 80 năm.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án: 0.5 điểm.

- Câu trả lời khác hoặc không trả lời : 0 điểm

0,5

2

- Lời của người kể chuyện: Nhưng từ khi chàng bỏ nhà đi thấm thoát đã được một năm, ao sen đã đổi thay mầu biếc. Những đêm sương sa gió thổi, bóng trăng sáng nhòm qua cửa sổ, tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng, một mối buồn bâng khuâng, quấy nhiễu khiến không sao ngủ được. Một hôm trông ra bể, thấy một chiếc tàu buôn đi về phương nam, Từ trỏ bảo Giáng Hương rằng

- Lời của nhân vật (Từ Thức): Nhà tôi đi về phía kia kìa, song biển cả trời xa, chẳng biết là ở tận đâu.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án hoặc nêu được người đàn bà nhà quê chắc chắn, thấp bé, da mặt và chân tay răn reo: 0.5 điểm.

- Học sinh trả lời được nửa ý: 0.25 điểm

- Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

0,5

3

- Yếu tố kì ảo trong đoạn trích:

+ Từ Thức gặp tiên và kết duyên với nàng tiên Giáng Hương trong sự chúc phúc của quần tiên.

+ Cỗ xe cẩm vân đưa Từ Thức về nhà trong thoáng chốc.

+ Xe mây thoáng chốc đã hóa chim loan mà bay mất.

- Tác dụng của các yếu tố kì ảo:

+ Tạo ra sự sinh động, khiến câu chuyện thêm hấp dẫn, thú vị, tạo hứng thú tăng tính hấp dẫn cho người đọc.

+ Kín đáo bộc lộ thái độ của người viết: Cõi tiên là hình ảnh của thế giới mà con người muốn tìm đến khi chán ngán thế giới thực tại. Nhưng thế giới cũng chỉ là hư vô như giấc mộng chiêm bao.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án (chấp nhận những cách diễn đạt khác nhưng đảm bảo đúng ý): 1,0 điểm.

- Học sinh trả lời được nửa ý: 0.5 điểm

- Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

1,0

4

- Lựa chọn của Từ Thức ở cuối đoạn trích: Chọn vào núi, xa rời cuộc sống trần gian.

- Lí giải: Từ Thức trở nên lạc lõng bơ vơ khi chàng không còn thuộc về chốn thần tiên cũng không còn hợp với cõi nhân gian. Chính vì vậy ra đi là cách tốt nhất cho chàng.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án (chấp nhận những cách diễn đạt khác nhưng đảm bảo đúng ý): 1,0 điểm.

- Học sinh trả lời được nửa ý: 0.5 điểm

- Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

(Chấp nhận cách diễn đạt tương đương)

1,0

5

* HS có thể lựa chọn một trong những thông điệp sau:

- Chúng ta là con người trần thế dù có được sống nơi tiên cảnh cũng không thoát được nỗi nhớ quê hương

- Cuộc đời con người chúng ta không tồn tại vĩnh viễn mà chỉ là khoảng thời gian hữu hạn, chúng ta cũng không được hưởng đặc ân vô biên từ tạo hóa.

- Chúng ta không thể tham lam, không thể có tất cả, khi ta không chấp nhận bằng lòng ta sẽ mất hết.

...

* HS tự lí giải hợp lí thông điệp đã chọn.

Hướng dẫn chấm:

- Học sinh trả lời như đáp án (chấp nhận những cách diễn đạt khác nhưng đảm bảo đúng ý): 1,0 điểm.

- Học sinh trả lời được nửa ý: 0.5 điểm

- Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

(Chấp nhận cách diễn đạt tương đương)

1,0

II

LÀM VĂN

6,0

1

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) nhận xét nét đặc sắc nghệ thuật của đoạn trích ở ngữ liệu Đọc hiểu

2,0

a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng của đoạn văn (khoảng 200 chữ). Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tinh thần đoàn kết trong cuộc sống.

0,25

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận. Sau đây là một số gợi ý:

* Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu vấn đề.

Tác giả Nguyễn Dữ - ông có tác phẩm tiếng Hán nổi tiếng Truyền kì mạn lục (Ghi chép tản mạn những điều kì lạ vẫn được lưu truyền), một tác phẩm thể hiện quan niệm sống và tấm lòng của ông trước cuộc đời. Trong đó tác phẩm nối tiếng của ông là "Truyền kỳ mạn lục", có truyện "Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên" đó cũng là một trong những câu chuyện hay của tập truyện. Câu chuyện để lại nhiều ấn tượng với bạn đọc về nét đặc sắc nghệ thuật.

* Thân đoạn:

- Không gian, thời gian đan xen giữa cõi trần và cõi tiên

- Sử dụng yếu tố kì ảo là một đặc trưng của truyện truyền kì góp phần tạo nên màu sắc kì ảo, hấp dẫn cho tác phẩm

- Cách kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn, đan xen giữa hiện thực và kì ảo. Cách kể này đã giúp cho tác phẩm trở nên sống động, hấp dẫn người đọc.

- Ngôn ngữ giản dị, gần gũi, phù hợp với tính cách nhân vật

(Học sinh tự lấy dẫn chứng để chứng minh)

-> Nỗi nhớ quê hương tha thiết của Từ Thức

* Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận

0,5

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận:

- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

- Lập luận chặt, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5

đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25

2

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: tình trạng chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn ở nước ta hiện nay.

4,0

a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội

0.25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: tình trạng chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn ở nước ta hiện nay.

0.5

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cuả bài viết:

- Xác định được các ý chính của bài viết.

- Sắp xếp được các ý hợp lý theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề thể hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, nêu sự cần thiết của việc bàn luận về vấn đề.

2. Thân bài: Triển khai các luận điểm thể hiện quan điểm của người viết xét trên từng khía cạnh của vấn đề.

Luận điểm 1: Bản chất của tình trạng chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn

- Rừng phòng hộ đầu nguồn là rừng thuộc lưu vực của sông, hồ đảm bảo các tiêu chí được quy định rõ bởi pháp luật của nhà nước. Đây là nơi khởi nguồn cho cánh rừng của một khu vực nào đó, nơi đó vị trí đất cao, khi mưa nước sẽ chảy thành dòng xuống vùng rừng thấp,xuống đồng bằng sông ngòi rồi mới chảy ra biển lớn.

- Rừng đầu nguồn có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nguồn nước, là lá chắn ngăn chặn lũ quét, lũ ống…

- Phá rừng phòng hộ đầu nguồn là hoạt động chặt cây vĩnh viễn để nhằm lấy gỗ hoặc lấy đất sử dụng cho mục đích khác. Thực trạng phá rừng đầu nguồn đã diễn ra từ lâu và ngày càng phức tạp. Theo như thống kê gần đây cho biết độ che phủ rừng chỉ còn nằm trong con số là chưa đầy 40%. Diện tích mặt hệ sinh thái rừng nguyên sinh còn khoảng 10%. Một số điểm nóng chặt phá rừng đầu nguồn ở nước ta hiện nay như ở Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị,...

Luận điểm 2: Hậu quả của việc chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn

Rừng phòng hộ phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua. Mặt khác, rễ của cây cũng sẽ góp phần hút nước lũ. Việc chặt phá rừng phòng hộ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, có thể kể đế như sau:

- Làm gián đoạn chu kỳ nước, gây xói mòn đất, có thể dẫn đến sa mạc hóa và mất môi trường sống cho các loài; từ đó dẫn đến mất đa dạng sinh học, có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài động thực vật và mất vẻ đẹp tự nhiên.

- Làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém…. Thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, thậm chí tính mạng, tài sản của con người. Mưa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng; trở thành mối đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước.

- Gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn, nghiêm trọng và khốc liệt hơn.

* Ý kiến trái chiều: Nhiều người cho rằng việc bảo vệ rừng phòng hộ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc nhận thức như vậy là chưa đúng, bởi hâu quả của nạn phá rừng đầu nguồn không phải chỉ một vài cá nhân phải gánh chịu mà tất thảy mọi người. Do đó, vì sự bền vững của cuộc sống, tất cả chúng ta đều cần phải ý thức được trách nhiệm của cá nhân trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn.

*Giải pháp cho sự việc: Vậy cần làm gì để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn?

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân về việc bảo vệ rừng phòng hộ và rừng nói chung. Người dân cần báo tin, tố giác tội phạm với cơ quan chức năng khi phát hiện các vụ việc, hoặc nghi có hành vi phá rừng nhằm ngăn chặn kịp thời. Đây là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng với cuộc sống con người.

- Xử lí nghiệm những hành vi chặt phá rừng, tiếp tay cho việc chặt phá rừng.

- Tuyên truyền mọi người trồng rừng thay thế; có những dự án “trồng cây gây rừng”.

- Xây dựng những khu bảo tồn.

3. Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng của việc nhận thức đúng và giải quyết hiệu quả vấn đề nêu ra.

1.0

d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.

- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1.5

đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản

0.25

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.5

Tổng điểm

10,0

.................

Mời các  bạn sử  dụng file tải về để xem trọn bộ đề minh họa thi vào 10 môn Ngữ văn.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.291
Đề tham khảo thi vào lớp 10 môn Văn 2025
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm