Phân tích bài thơ Đất nước tôi Tạ Hữu Yên

Phân tích bài thơ Đất nước của tác giả Tạ Hữu Yên

Bài thơ Đất nước của tác giả Tạ Hữu Yên đã được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc. Mặc dù không bắt nguồn từ cảm hứng lớn lao như Đất  nước của Nguyễn Khoa Điềm hay Nguyễn Đình Thi nhưng hình ảnh đất nước vẫn hiện lên gần gũi như tình cảm gắn bó giữa hậu phương hướng về tiền tuyến, những mất mát hy sinh, những nỗi đau, những ân tình của Mẹ. Sau đây  là dàn ý phân tích bài thơ Đất nước của Tạ Hữu Yên, mời các bạn cùng tham khảo.

Dàn ý phân tích Đất nước Tạ Hữu Yên

“Đất nước tôi” – Tạ Hữu Yên

Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu

Nghe dịu nỗi đau của mẹ

Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ

Các anh không về mình mẹ lặng yên

Đất nước tôi

Từ thuở còn nằm nôi

Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa

Lao xao trưa hè một giọng ca dao

Xin hát về người đất nước ơi

Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi!

Suốt đời lam lũ

Thương lũy tre làng bãi dâu bến nước

Yêu trọn tình đời muối mặn gừng cay

***

Xin hát về người đất nước ơi

Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi!

Mấy mùa không ngủ

Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc

Vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con

***

Xin hát về người đất nước ơi

Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi!

Tảo tần chung thủy

Như những câu hò lắng trong tiếng sáo

Đêm lạnh dặt dìu tiếng mẹ ru con

***

Xin hát về người đất nước ơi

Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi!

Vẫn còn gian khổ

Hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói

Ta vẫn vẹn tình đắng ngọt cùng vui

Đất nước tôi

Sáng ngời muôn thuở

Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ

1. Đôi nét về tác giả, tác phẩm:

-Tạ Hữu Yên là một nhà văn, nhà thơ tài hoa của đất cố đô Ninh Bình. Thơ ông dung dị, hàm xúc, giàu nhạc điệu, lại gần gũi với thiên nhiên, với con người, đặc biệt là những tình cảm, lòng kính yêu mà nhà thơ đã dành cho quê hương, Đảng Cộng sản Việt Nam hay chủ tịch Hồ Chí Minh, được xem là tấm gương cho nền văn học Ninh Bình.

- Bài thơ “Đất nước tôi” ra đời năm 1984, sau một lần nhà thơ thăm trại an dưỡng dành cho các bà mẹ có con là liệt sỹ ở Thái Bình. Và rất nhanh sau đó đã được nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc rồi nổi tiếng khắp cả nước.

2. Những vấn đề cơ bản:

a. Hình tượng Mẹ - Hình tượng Đất nước

- “Đất nước tôi” của nhà thơ Tạ Hữu Yên tuy không bắt nguồn từ cảm hứng lớn như ở “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điểm và Nguyễn Đình Thi nhưng với sự khắc họa của nhà thơ, hình ảnh đất nước vẫn hiện lên đầy đủ, cụ thể mà cô đọng. Qua nỗi đau của mẹ, qua ân tình của mẹ, đất nước Việt Nam hiện lên đau thương mà anh dũng, lam lũ mà anh hùng... Nhà thơ đã nhân cách hóa đất nước như người mẹ. Người mẹ và đất nước hòa vào nhau tạc nên hình tượng cao cả, đẹp đẽ.

- Viết về đất nước, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã mở đầu bằng tình cảm gắn bó giữa người ở hậu phương hướng về tiền tuyến. Lời thơ khắc họa nên hình ảnh đất nước rất gần gũi thân thương:

“Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu

Nghe dịu nỗi đau của mẹ

Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ

Các anh không về, mình mẹ lặng im”

- Nhà thơ đã chọn giọt đàn bầu, tiếng đàn bầu không dồn dập mà khoan nhặt như giọt mưa thu thánh thót ngoài hiên, mới xoa dịu được nỗi đau của mẹ “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Chỉ hai câu thơ: Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ Các anh không về, mình mẹ lặng yên” tác giả đã khắc họa được những cuộc chiến tranh tàn khốc và tấm lòng kiên trung, anh hùng của các bà mẹ Việt Nam. Cách nói “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ” chỉ là cách nói hình tượng, bởi trên dặm dài đất nước, ta có thể gặp rất nhiều những người mẹ mỏi mòn chờ đợi những đứa con không bao giờ trở về. Những người con của mẹ đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho mùa xuân của dân tộc. Các anh sẽ trở về với mẹ, trở về trong tâm linh, bằng tiếng gió xào xạc của đêm thâu, bằng sự lặng im trong cõi lòng mẹ. Sự ra đi mãi mãi, không trở về của những đứa con khiến mẹ đay dứt, nỗi đau ấy như lặn vào trong để rồi mẹ chỉ biết “khóc thầm lặng lẽ”. Lời thơ da diết, day dứt và ám ảnh trong tâm thức người đọc, trong lòng những người đang sống hôm nay.

- Nhà thơ nghĩ đến sự hy sinh lớn lao của những bà mẹ Việt Nam có con ra đi rồi mãi mãi nằm lại nơi chiến trường và đã viết nên những vần thơ lắng đọng về mẹ. Mẹ đã nén lòng, hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để đất nước đứng lên, hiên ngang trước giặc thù. Và nỗi đau của mẹ cũng như những mất mát của đất nước này như những giọt đàn bầu, buồn đó nhưng trầm lắng, nhẹ nhàng, lắng sâu. Với các mẹ, chiến tranh có thể mang thân thể con mẹ đi vĩnh viễn, nhưng các anh vẫn thường trực trong đời sống của mẹ, trong tình yêu, nỗi nhớ của mẹ. Những thổn thức đó khiến nhà thơ cũng như bạn đọc rưng rưng một nỗi niềm xúc động khó gọi thành tên.

“Đất nước tôi

Từ thuở còn nằm nôi

Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa

Lao xao trưa hè một giọng ca dao”

- Lựa chọn hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng để gợi hình ảnh đất nước thật xác đáng vì trong suy nghĩ của mỗi chúng ta đất nước là người Mẹ lớn nhất. Chỉ có Mẹ mới hy sinh thầm lặng, yêu thương chúng ta vô điều kiện! Thời kỳ nào cũng vậy, khi đất nước có nắng lửa, bão giông và giặc giã thì mẹ là người hy sinh nhiều nhất. Hy sinh cả cuộc đời mình, cả những giọt máu của mình, là những đứa con thân yêu cho Tổ quốc, cho Đất nước “rạng ngời muôn thuở”. Những mất mát hy sinh, những nỗi đau, những ân tình của Mẹ đã làm nên dáng hình đất nước tươi đẹp. Vậy nên, thật dễ hiểu vì sao những người mẹ sẵn sàng “gánh gạo nuôi con”, tiễn con lên đường ra trận và chấp nhận những người con mang nặng đẻ đau không bao giờ trở về. Những hy sinh to lớn mà rất đỗi thầm lặng, không tên đã giữ cho đất nước trường tồn, để đất nước còn có tên trên bản đồ, có dáng cong cong hình chữ S bên Biển Đông, cùng chung tiếng nói, tập quán, nền văn hiến lâu đời.

- Bài thơ đã làm thổn thức bao trái tim của những người con đất Việt mỗi khi nhớ về mẹ, về quê hương, về đất nước rất đỗi thiêng liêng để rồi giai điệu về đất nước được cất lên cao vút, ngân nga trong lòng bao thế hệ người Việt yêu nước nồng nàn.

“Xin hát về người đất nước ơi

Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi

Suốt đời lam lũ

Thương lũy tre làng bãi dâu, bến nước

Yêu trọn tình đời muối mặn, gừng cay”

- Đất nước trong tâm thức của nhà thơ không phải thuần túy là lãnh thổ hữu hình, những con số, sự kiện lịch sử. Điều làm nên bản sắc của đất nước còn là những điều vô hình gắn bó với số phận dân tộc suốt cả ngàn năm: Truyền thống văn hóa, lối suy nghĩ trọng tình cảm: “Yêu trọn tình đời, muối mặn gừng cay”... Điều gì đã làm nên hình tượng đất nước thiêng liêng? Nhà thơ đi tìm câu trả lời trong những điều hiền hoà và bình dị nhất: “Giọng ca dao”, “câu hò”, “tiếng mẹ ru con”, “tiếng sáo”, “lũy tre làng”, “bãi dâu”, “bến nước”... Nhưng những điều bình dị ấy lại vô cùng lớn lao, nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc để qua đó ta mới thấy được sự hy sinh thầm lặng mà cao cả của mẹ, để giữ cho đất nước trường tồn mãi mãi. Chính những điều bình dị ấy đã chứa đựng hồn dân tộc làm nên “Đất nước muôn đời”.

- Mẹ Việt Nam muôn đời là thế: Chịu thương, chịu khó, cần mẫn, tảo tần, sẵn sàng hi sinh, dành tặng cho Đất nước những đứa con thân yêu của mình:

“Xin hát về người đất nước ơi

Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi!

Mấy mùa không ngủ

Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc

Vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con”

- Mẹ là cánh cò trong câu ca dao “tảo tần chung thủy”, vẫn chia đều mỗi hạt lúa, củ khoai cho những đứa con chung của đất nước. Hình ảnh tảo tần của mẹ khiến ta nhớ tới hình ảnh người mẹ trong ca khúc “Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn:

“Mẹ về đứng dưới mưa

Che đàn con nằm ngủ

Canh từng bước chân thù...”

- Ba khổ thơ trữ tình đều được mở đầu bằng hai câu: “Xin hát về Người, đất nước ơi! Xin hát về Mẹ, Tổ quốc ơi!". Biện pháp điệp cấu trúc làm cho khổ thơ như là đoạn điệp khúc trong một bài hát. Không chỉ biểu hiện tâm thế yêu mến Tổ quốc vô ngần, muốn ngợi ca đất nước, nhân dân vĩ đại mà còn thể hiện sự lạc quan của nhà thơ. Lời thơ rất giàu tính nhạc nên bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc thành bài hát “Đất nước” với gia điệu da diết, ngọt ngào.

- Mẹ là vậy, tình riêng mẹ vẹn, tình chung mẹ tròn. Đối với cách mạng tuy còn nhiều gian khổ nhưng mẹ vẫn hạt muối cắn đôi, bát cơm sẻ nửa cho cách mạng, cho nhân dân. Tình cảm mẹ dành cho đất nước thật cao cả, thiêng liêng dù trong bất kì hoàn cảnh nào.

“Xin hát về người đất nước ơi

Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi

Vẫn còn gian khổ

Hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói

Ta vẫn vẹn tình đắng ngọt cùng vui”

- Bài thơ kết thúc với điệp khúc “Đất nước tôi, Đất nước tôi...” vẫn còn vang vọng mãi như khắc vào ngàn năm tượng đài những người đã làm rạng danh đất nước: Đó là mẹ, là các anh và cả chúng ta ngày hôm nay. “Đất nước tôi sáng ngời muôn thuở”, nhưng cũng thật dịu dàng và bình yên trong hình ảnh ánh trăng vào cửa sổ đòi thơ, bình yên và sáng ngời bởi những con người biết làm sáng hình đất nước: Chính bản sắc văn hóa ở chiều sâu tâm thức dân tộc nên khi đối diện với những biến thiên thời đại lập tức trở thành sức mạnh tinh thần vô địch giúp dân tộc vượt qua khó khăn thử thách nên hình ảnh đất nước mãi “Sáng ngời muôn thuở”.

“Đất nước tôi.

Sáng ngời muôn thuở

Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ”

- Có thể nói bài thơ “Đất nước tôi” của Tạ Hữu Yên đã truyền tải thông điệp vô cùng ý nghĩa, là lời tri ân chân thành nhất, chạm tới chiều sâu nhân sinh trong lòng mỗi con người Việt Nam đối với Mẹ, đối với Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Mỗi khi cất lên, tiếng đồng vọng từ quá khứ lại trở về, một quá khứ rất đỗi đau thương nhưng hào hùng của dân tộc Việt Nam ta. Nó là lời nhắc nhở đối với những người đang sống về sự biết ơn vô bờ trước những hy sinh thầm lặng của các mẹ Việt Nam qua nhiều thế hệ. Lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, chân thành mà cũng rất đỗi thiết tha, mãnh liệt đối với các thế hệ con cháu mai sau của dân tộc phải thấm đẫm đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay, trân trọng những hy sinh to lớn của thế hệ đi trước; từ đó, mỗi người nguyện ra sức phấn đấu để chung tay xây dựng đất nước, gìn giữ Tổ quốc trường tồn.

b. Những hình thức nghệ thuật đặc sắc:

- Lời thơ mộc mạc nhưng lại rất giàu hình ảnh, chân thành và giàu ý nghĩa nhân văn. Giọng thơ trữ tình, thủ thỉ, khi thiết tha, bồi hồi, đằm thắm, da diết lúc lắng đọng suy tư, biện pháp điệp cấu trúc giúp cho câu thơ giàu tính nhạc.

- Sử dụng các chất liệu văn hóa dân gian một cách sáng tạo, không trích nguyên văn, không kể lể dài dòng mà chỉ nắm bắt lấy rất nhạy cái hồn của văn hóa dân gian để gợi liên tưởng, suy ngẫm cho độc giả: Thành ngữ “muối mặn gừng cay”, không gian làng quê xưa “bãi dâu”, “bến nước”, giọng ngọt ngào của những câu ca dao, âm điệu du dương của tiếng sáo... giúp tâm hồn ta đã căng sẵn một sợi dây đàn, chỉ cần một rung động nhỏ là tâm hồn ấy sẽ ngân rung bao hồi ức, bao rung động làm cho người đọc hiểu sâu hơn về mẹ, về đất nước, nhân dân.

- Hình ảnh người mẹ Việt Nam lồng trong dáng hình đất nước được nhà thơ miêu tả bằng những hình ảnh vô cùng giản dị “giọt đàn bầu”, “giọng ca dao”, “luỹ tre làng”, “bãi dâu”, “bến nước”, “câu hò”, “tiếng sáo”... bài thơ rất giàu nhạc điệu đã khiến nhạc sĩ họ Phạm ám ảnh khôn nguôi và đã phổ nhạc thành bài hát “Đất nước” với giai điệu du dương tẩm bồng, da diết, ngọt ngào được cất lên với không khí hào hùng, sâu lắng khi đất nước được hoàn toàn thống nhất. Bài hát đã nhanh chóng đi vào lòng người nghe bao thế hệ.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 5.485
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm